TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN S, TỈNH PHÚ YÊN
BẢN ÁN 15/2019/HS-ST NGÀY 22/11/2019 VỀ TỘI GIAO CẤU VỚI TRẺ EM
Ngày 22 tháng 11 năm 2019 tại trụ sở Tòa án Nhân dân (TAND) huyện S, tỉnh Phú Yên. TAND huyện S xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 18/2019/TLST-HS ngày 06-11-2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 19/2019/QĐXXST-HS ngày 06-11-2019 của TAND huyện S, tỉnh Phú Yên đối với bị cáo:
Phạm Ngọc H1 (tên gọi khác: Giống), sinh ngày 01-01-1991 tại Phú Yên; nơi cư trú: Thôn Vĩnh Lương, xã S, huyện S, tỉnh Phú Yên; nghề nghiệp: Lái xe ô tô và thợ xây; trình độ văn hóa (học vấn): Lớp 9/12; con ông Phạm Ngọc H2, sinh năm 1958 và bà Huỳnh Thị M, sinh năm 1961; vợ Trần Thị B, sinh ngày 10-5-1999; có 02 con, lớn sinh năm 2015, nhỏ sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. Có mặt.
* Bị hại: Chị Trần Thị B, sinh ngày 10-5-1999, nơi cư trú: Thôn Vĩnh Lương, xã S, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Vợ chồng ông Trần Văn H3 (cha bị hại), sinh năm 1967 bà Nguyễn Thị H4 (mẹ bị hại), sinh năm 1969, đều trú quán: Thôn Hà Giang, xã S, huyện S, tỉnh Phú Yên. Đều có mặt.
2. Bà Huỳnh Thị M (mẹ bị cáo, đã ly hôn ông H2 năm 2010), sinh năm 1961, trú quán: Thôn Vĩnh Lương, xã S, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.
3. Ông Phạm Ngọc H2 (cha bị cáo, đã ly hôn bà M năm 2010), sinh năm 1958, trú quán: Thôn Vĩnh Lương, xã S, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 09-9-2014, Phạm Ngọc H1 và Trần Thị B, sinh ngày 10-5-1999 (15 tuổi 03 tháng 29 ngày) được gia đình hai bên tổ chức đám cưới. Sau khi cưới, H1 và B chung sống tại nhà cha mẹ đẻ của H1 tại xã S, huyện S. H1 đã nhiều lần giao cấu với B làm B có thai. Đến ngày 02-7-2015 B sinh con gái tên Phạm Thị Bích H và sau đó sinh tiếp con trai Phạm Ngọc H, sinh ngày 09-7-2017. Quá trình chung sống đã phát sinh mâu thuẫn, ngày 16-4-2019 Trần Thị B làm đơn xin ly hôn gởi đến TAND huyện S yêu cầu ly hôn với Phạm Ngọc H1 thì phát hiện Phạm Ngọc H1 có hành vi giao cấu với trẻ em nên chuyển hồ sơ đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện S xử lý.
Tại kết luận giám định số 579/C09C (Đ5) ngày 24-6-2019 của Phân viện kỷ thuật hình sự tại Đà Nẵng kết luận Phạm Thị Bích H là con đẻ của Trần Thị B và Phạm Ngọc H1.
Về dân sự: Phạm Ngọc H1 đã thành khẩn khai báo, đã bồi thường cho Trần Thị B 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng), được B có đơn xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo. Bị cáo có ông nội Phạm Ngọc Tân có công với nước được tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì vào ngày 06-5-1996.
Cáo trạng số 17/CT-VKS, ngày 06-11-2019 của VKSND huyện S đã truy tố Phạm Ngọc H1 về tội “Giao cấu với trẻ em” theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều 115 Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS 1999).
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ nguyên cáo trạng đã truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố bị cáo Phạm Ngọc H1 phạm tội “Giao cấu với trẻ em”. Áp dụng điểm a, điểm d khoản 2 Điều 115 Bộ luật Hình sự 1999; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) xử phạt bị cáo Phạm Ngọc H1 từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù, cho hưởng án treo thời gian thử thách từ 4 năm đến 5 năm. Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị ghi nhận sự tự nguyện về bồi thường thiệt hại và đã bồi thường xong, không xem xét.
Ý kiến của bị cáo: Bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như hồ sơ vụ án phản ánh, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo để bị cáo lo cho vợ (Trần Thị B) và nuôi 02 con (tên Hường và tên Hưng).
Ý kiến của bị hại Trần Thị B trình bày:
Không yêu cầu bồi thường gì thêm và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo, vì hiện tại bị hại và bị cáo đã có nhà riêng, đang chung sống với nhau như vợ chồng và đã đăng ký kết hôn, để cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng hai con (con gái Phạm Thị Bích H, sinh ngày 02-7-2015 và con trai Phạm Ngọc H, sinh ngày 09-7-2017). Nhờ tòa xem xét.
Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (vợ chồng ông H3 bà H4 (cha mẹ đẻ của bị hại) trình bày:
Bị cáo và bị hại yêu nhau, biết chưa đủ tuổi kết hôn nhưng lỡ yêu nhau nên gia đình mới tổ chức lễ cưới và bị UBND xã S xử phạt hành chính phải nộp phạt 750.000 đồng. Thời gian gần đây, bị cáo thường đánh bị hại, nhưng đã có hai con nếu đi tù thì ai nuôi con, gia đình rất buồn, nhờ tòa xem xét.
Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà M, ông H2 là cha mẹ đẻ của bị cáo) trình bày:
Hai con (bị cáo H1 và bị hại B) đã yêu thương nhau, nếu không cưới thì sợ xảy ra hậu quả khác nên hai gia đình mới tổ chức lễ cưới theo phong tục, tránh hậu quả đáng tiếc, đã biết sai, nhờ tòa xem xét.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:
[1] Tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng: Điều tra viên, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về tội danh: Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố, bị cáo thừa nhận đã có nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với Trần Thị B do bị cáo và B đồng ý yêu nhau, cho quan hệ tình dục và cả hai bên gia đình đều đồng ý tổ chức lễ cưới theo phong tục, khi giao cấu lần đầu (theo giấy khai sinh) B chỉ mới 15 tuổi 03 tháng 29 ngày (sinh ngày 10-5-1999, giao cấu ngày 09-9-2014 (tức ngày 16-8- 2014 âm lịch) độ tuổi mà pháp luật quy định là trẻ em trong khi bị cáo đã thành niên (bị cáo sinh ngày 01-01-1991) là xâm phạm tình dục giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi, phạm tội thuộc hai tình tiết cấu thành định khung tăng nặng (phạm tội nhiều lần và làm nạn nhân có thai). Như vậy, hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Giao cấu với trẻ em”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều 115 BLHS 1999 như Viện kiểm sát nhân dân huyện S đã truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3] Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Sau khi phạm tội, bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường thiệt hại (số tiền 15.000.000 đồng) chưa có tiền án, tiền sự, bị hại và gia đình bị hại đều xin cho bị cáo hưởng án treo, vì hiện tại B và bị cáo H1 đã có nhà riêng, đang chung sống với nhau như vợ chồng và đã đăng ký kết hôn, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng hai con còn nhỏ, ông nội Phạm Ngọc Tân có công với nước được tặng thưởng Huân chương, nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS 2015.
[4] Hướng xử lý: Hành vi của bị cáo Phạm Ngọc H1 là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đã từng tham gia nghĩa vụ quân sự 02 năm, lẽ ra phải biết kiềm chế dục vọng tầm thường, phải biết quy định của pháp luật về độ tuổi được quyền kết hôn, nhưng bị cáo đã xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em, phạm tội nhiều lần, làm nạn nhân có thai và vi phạm việc tảo hôn. Do vậy, pháp luật phải xử lý để giáo dục bị cáo, đồng thời ngăn ngừa chung cho xã hội.
Tuy nhiên, xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Thật thà khai báo, tự nguyện bồi thường thiệt hại đầy đủ theo yêu cầu bị hại, nhân thân tốt, sau khi đã tổ chức lễ cưới hỏi theo phong tục địa phương thì bị cáo và bị hại mới giao cấu lần đầu và tất cả các lần giao cấu đều do bị hại cùng bị cáo chủ động; cha mẹ của bị hại và bị hại đều có đơn xin bãi nại cho bị cáo.
Tại phiên tòa, tiếp tục xin giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo để bị cáo có điều kiện đi làm thuê nuôi bị hại và nuôi 2 con nhỏ, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo và có sự đồng thuận tiếp tục giáo dục của gia đình. Chấp nhận đề nghị về hình phạt của kiểm sát viên tại phiên tòa, cho bị cáo hưởng án treo nhưng với mức án cao hơn. Giao bị cáo cho gia đình và chính quyền địa phương quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách cũng đủ tác dụng, răn đe để bị cáo thấy được sự nghiêm minh của pháp luật và sự khoan hồng của Nhà nước mà cải tạo tốt, có trách nhiệm chăm lo gia đình, nuôi dưỡng các con và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Đối với việc tổ chức tảo hôn, cha mẹ của bị hại đã bị UBND xã S, huyện S xử phạt hành chính và đã nộp phạt xong. HĐXX thấy phù hợp với quy định của pháp luật nên không đặt vấn đề giải quyết.
[5] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo và bị hại đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường xong. Tại phiên tòa, không có yêu cầu bồi thường gì thêm nên HĐXX không xem xét.
[6] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh và hình phạt:
Tuyên bố bị cáo Phạm Ngọc H1 phạm tội “Giao cấu với trẻ em”.
Căn cứ vào điểm a, điểm d khoản 2 Điều 115 BLHS 1999; điểm b, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 65 BLHS 2015;
Xử phạt bị cáo Phạm Ngọc H1 03 (ba) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (năm) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Phạm Ngọc H1 cho UBND xã S, huyện S, tỉnh Phú Yên giám sát, giáo dục trong thời hạn thử thách, trường hợp thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
Gia đình bị cáo và UBND xã S, huyện S, tỉnh Phú Yên có trách nhiệm phối hợp với nhau trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Về trách nhiệm dân sự:
Ghi nhận sự tự nguyện về bồi thường thiệt hại giữa bị cáo, bị hại và đã bồi thường xong.
3. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bị cáo Phạm Ngọc H1 phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo, bị hại, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Bản án về tội giao cấu với trẻ em số 15/2019/HS-ST
Số hiệu: | 15/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Sơn Hòa - Phú Yên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/11/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về