Bản án về tội gian lận bảo hiểm y tế số 18/2023/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 18/2023/HS-PT NGÀY 13/07/2023 VỀ TỘI GIAN LẬN BẢO HIỂM Y TẾ

Ngày 13 tháng 7 năm 2023, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 25/2023/TLPT-HS ngày 22-5-2023 đối với bị cáo Nguyễn Văn G do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 16/2023/HS-ST ngày 17-4-2023 của Tòa án nhân dân thành phố YB, tỉnh Yên Bái.

- Bị cáo: Nguyn Văn G (Tên gọi khác: Không); sinh ngày 29-01-1964 tại xã VP, thành phố YB, tỉnh Yên Bái; nơi cư trú: Tổ 5, phường MT, thành phố YB, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Bác sỹ; chức vụ, nơi công tác: Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái; là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; chức vụ Đảng: Bí thư Chi bộ Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái, hiện đang bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo Quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng số: 138/QĐ-ĐUC ngày 26-5-2022 của Đảng ủy Cục Y tế Giao thông vận tải; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 10/10; con ông Nguyễn Văn V, sinh năm 1914 (Đã chết) và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1928; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Bích H, sinh năm 1969; có 02 con, (Con lớn sinh năm 1993, con nhỏ sinh năm 1996); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giam từ ngày 16-6-2021 đến ngày 24-12-2021; hiện đang được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” tại tổ 5 phường MT, thành phố YB, tỉnh Yên Bái, có mặt tại phiên tòa;

Các bị cáo không kháng cáo, gồm: Đặng Thanh A, Nguyễn Mai C, Nguyễn Thị I, Hà Thị Hồng N, Nguyễn Xuân X, Trần Thị Hồng P;

- Bị hại: Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái; địa chỉ: Phường YT, thành phố YB, tỉnh Yên Bái; đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Trí Đ, sinh năm 1971; chức vụ: Giám đốc; đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Văn K, sinh năm 1969; chức vụ: Phó giám đốc;

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 39 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không kháng cáo, không bị kháng nghị;

Các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không bị kháng nghị đều vắng mặt (Do Toà án không triệu tập).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái có tiền thân là Bệnh viện đường sắt Yên Bái, trực thuộc Cục Y tế đường sắt - Liên hiệp đường sắt Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số: 1320/QĐ-TCCB-LĐ ngày 01-7-1993 của Bộ Giao thông vận tải. Theo Quyết định số: 250/QĐ-CYT ngày 19-8-2019 của Cục trưởng Cục Y tế Giao thông vận tải, Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái (Viết tắt là Bệnh viện GTVT) là Bệnh viện đa khoa hạng III, là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Y tế Giao thông vận tải (Đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải), có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được hưởng các chế độ, được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật, có trụ sở đặt tại phường HH, thành phố YB, tỉnh Yên Bái. Có chức năng khám chữa bệnh (Viết tắt là KCB), phòng bệnh, phục hồi chức năng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Giao thông vận tải và các đối tượng khác theo quy định.

Năm 2017, Bệnh viện GTVT được giao tự chủ. Từ năm 2017 đến năm 2020, Bệnh viện GTVT và Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái (Viết tắt là BHXH tỉnh Yên Bái) đã ký kết hợp đồng KCB bảo hiểm y tế (Viết tắt là BHYT) theo từng năm. Tổng số tiền chi phí KCB thanh toán BHYT mà Bệnh viện đã đề nghị BHXH tỉnh Yên Bái thanh toán từ năm 2017 đến năm 2020 là 28.857.988.741 đồng, số tiền đã được thanh toán là 24.038.614.676 đồng, số tiền xuất toán là 1.988.727.305 đồng, số tiền chưa được thanh toán là 2.830.646.760 đồng.

Từ năm 2017 đến năm 2020, Bệnh viện GTVT gặp nhiều khó khăn, do có ít bệnh nhân đến KCB, dẫn đến nguồn thu không đảm bảo chi trả lương cho cán bộ nhân viên cũng như chi trả các chi phí khác để duy trì hoạt động. Do đó, tại các buổi giao ban triển khai công tác đầu năm của Bệnh viện GTVT, Nguyễn Văn G - Giám đốc Bệnh viện đã phân công, giao chỉ tiêu công tác cụ thể trong năm cho từng khoa, phòng chuyên môn; trong đó: Giao chỉ tiêu về số lượng bệnh nhân đến KCB; chỉ tiêu bệnh nhân nằm điều trị. Mục đích là để đảm bảo số lượng bệnh nhân đến KCB và nguồn thu cho Bệnh viện. Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, các Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa, phòng cùng các bác sỹ của Bệnh viện GTVT đã báo cáo với G về việc không thể thực hiện được chỉ tiêu được giao do cơ sở vật chất của Bệnh viện đã xuống cấp, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ nhân viên Bệnh viện còn hạn chế, không đủ để cạnh tranh với các cơ sở y tế khác. Các Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa, phòng cùng các bác sỹ đã báo cáo với G về việc bệnh nhân có những yêu cầu và mong muốn Bệnh viện phải tạo điều kiện, đồng ý với những yêu cầu của họ thì mới đến KCB BHYT tại Bệnh viện. Những yêu cầu đó là:

- Có bệnh nhân là người thân, người quen với cán bộ Bệnh viện nên muốn đưa thẻ BHYT để nhờ làm hồ sơ bệnh án, không cần đi KCB tại Bệnh viện nhưng vẫn muốn được cấp thuốc để điều trị tại nhà;

- Có bệnh nhân muốn điều trị theo phác đồ điều trị nội trú nhưng chỉ muốn đến khám rồi lấy thuốc cả đợt điều trị để sử dụng, điều trị tại nhà hoặc đến Bệnh viện để sử dụng thuốc, sau đó về nhà mà không nằm điều trị tại bệnh viện;

- Có bệnh nhân không muốn nội soi nhưng muốn xin phiếu kết quả nội soi thể hiện bệnh lý nặng để đủ điều kiện được điều trị.

Do vậy, tại các buổi giao ban lãnh đạo chủ chốt của Bệnh viện GTVT, Nguyễn Văn G đã chỉ đạo các Trưởng, Phó Trưởng khoa, phòng của Bệnh viện GTVT, gồm có: Đặng Thanh A - Trưởng khoa Ngoại; Nguyễn Thị I - nguyên Phó Giám đốc kiêm trưởng khoa Ngoại; Nguyễn Mai C - Trưởng khoa Khám bệnh; Trần Thị Hồng P - Trưởng khoa Nội; Hà Thị Hồng N - Phó Trưởng khoa Y học cổ truyền; Bùi Thị Mai Z - Phó Trưởng khoa Dược; các bác sỹ Lê Thị Q, Hoàng Văn O và yêu cầu họ triển khai tại khoa, phòng do mình phụ trách, là phải tạo điều kiện tối đa, đáp ứng tất cả các yêu cầu của bệnh nhân khi họ đến KCB BHYT tại Bệnh viện. Yêu cầu đối với quá trình lập hồ sơ bệnh án, từng khoa, phòng, cán bộ liên quan vẫn phải lập, tập hợp hồ sơ bệnh án, các hồ sơ sổ sách theo dõi có liên quan thể hiện bệnh nhân có đến khám, có nằm điều trị tại Bệnh viện, có sử dụng giường bệnh, có được nội soi, có sử dụng các vật tư y tế, sử dụng phẫu thuật, thủ thuật, sử dụng thuốc, đảm bảo cho bệnh nhân đủ điều kiện về hồ sơ để được BHYT chi trả tiền KCB, góp phần tăng số lượng bệnh nhân đến KCB tại Bệnh viện.

Trong quá trình kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại các khoa, phòng, Nguyễn Văn G cũng chỉ đạo và yêu cầu các cán bộ của Bệnh viện phải hoàn thiện đầy đủ các loại hồ sơ, sổ sách, giấy tờ liên quan để hợp thức hóa với nội dung được lập khống (Không đúng thực tế phát sinh) như: Thể hiện trên sổ theo dõi khám bệnh là có bệnh nhân đến khám, thể hiện trên sổ điều trị tại khoa là có bệnh nhân điều trị… để tránh bị cơ quan bảo hiểm phát hiện, xuất toán trong quá trình giám định BHYT, cũng như tránh để các cơ quan chức năng phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn G, tại các buổi giao ban của khoa do mình phụ trách, Đặng Thanh A, Nguyễn Thị I, Nguyễn Mai C, Trần Thị Hồng P, Hà Thị Hồng N đã truyền đạt lại toàn bộ nội dung ý kiến chỉ đạo của G tới các bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng và yêu cầu họ phải thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện. Mục đích là để hoàn thành chỉ tiêu công tác về số lượng bệnh nhân đến KCB và số lượng bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện.

Do đó, quá trình KCB BHYT và hoàn thiện hồ sơ bệnh án, các bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện GTVT đã tiến hành lập, hoàn thiện các hồ sơ bệnh án khống, gồm: Có hồ sơ bệnh án khống toàn bộ; có hồ sơ bệnh án lập khống chi phí tiền giường, tiền vật tư y tế, tiền thuốc, tiền phẫu thuật, thủ thuật; có hồ sơ bệnh án kê thêm chi phí tiền giường; có hồ sơ bệnh án kê thêm chi phí nội soi. Các cán bộ của từng khoa, bộ phận liên quan cũng đã hoàn thiện đầy đủ các sổ sách, giấy tờ để hợp thức hóa với nội dung được lập khống theo đúng chỉ đạo của các bị cáo là lãnh đạo Bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng.

Hành vi gian lận bảo hiểm y tế của các bị cáo và các đối tượng liên quan tại Bệnh viện GTVT được thực hiện như sau:

- Đối với lập hồ sơ bệnh án khống toàn bộ là hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân có thẻ BHYT, không đến KCB BHYT tại Bệnh viện GTVT nhưng đưa thẻ BHYT của mình cho cán bộ của Bệnh viện để nhờ lấy thuốc sử dụng, điều trị tại nhà. Cụ thể: Người thân, người quen của bệnh nhân là cán bộ của Bệnh viện GTVT (không xác định được cụ thể là ai) đã sử dụng thẻ BHYT của bệnh nhân đến khoa Khám bệnh để xin bác sỹ khám bệnh được lập hồ sơ bệnh án điều trị nội trú, sau đó cấp thuốc cho bệnh nhân để sử dụng, điều trị tại nhà. Sau khi được bác sỹ đồng ý, thông tin của bệnh nhân trên thẻ BHYT sẽ được bộ phận tiếp đón của khoa Khám bệnh nhập vào phần mềm khám bệnh và ghi vào sổ theo dõi. Bác sỹ khám bệnh sẽ ra các chỉ định cận lâm sàng và chuyển đến bộ phận nội soi, xét nghiệm để tiến hành. Do không có bệnh nhân để thực hiện nội soi, xét nghiệm nên bác sỹ nội soi, cử nhân xét nghiệm đã lập các phiếu kết quả khống, chuyển lại cho bác sỹ khám bệnh sử dụng làm căn cứ ra chỉ định vào viện. Với vai trò là bác sỹ nội soi, Nguyễn Mai C đã chỉ đạo lập, ký duyệt phiếu nội soi khống. Với vai trò là cử nhân xét nghiệm, Lương Văn L, Cao Thị Minh U, Lương Thị E đã trực tiếp lập, ký duyệt các phiếu kết quả xét nghiệm khống. Sau khi có chỉ định nhập viện, hồ sơ bệnh án sẽ được chuyển đến khoa điều trị để tiếp tục hoàn thiện. Bác sỹ, y sỹ điều trị (Khoa Ngoại là Nguyễn Thị I, Nguyễn Xuân X; khoa Y học cổ truyền là Nguyễn Văn G, Hà Thị Hồng N; khoa Nội là Trần Thị Hồng P, bác sỹ Lê Thị Q) sẽ là người trực tiếp ra y lệnh, ký duyệt các y lệnh khống (Không có bệnh nhân điều trị). Căn cứ theo y lệnh, điều dưỡng của khoa sẽ lấy thuốc tại khoa Dược để đưa cho người thân quen của bệnh nhân để chuyển lại cho bệnh nhân điều trị, sử dụng tại nhà và hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ bệnh án để người nhà bệnh nhân xác nhận, thanh toán theo quy định. Hồ sơ bệnh án sau đó sẽ được bác sỹ, y sỹ điều trị ký duyệt phần bác sỹ điều trị, lãnh đạo khoa sẽ ký duyệt phần Trưởng khoa, Nguyễn Văn G sẽ ký duyệt phần Giám đốc Bệnh viện.

- Đối với việc lập hồ sơ bệnh án khống chi phí tiền giường, tiền vật tư y tế, tiền thuốc, tiền phẫu thuật, thủ thuật là những hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân có đến khám tại Bệnh viện GTVT, sau đó điều trị tại nhà. Bản thân họ không điều trị tại Bệnh viện nhưng vẫn được lập hồ sơ bệnh án thể hiện các khoản chi phí tiền giường, tiền vật tư y tế, tiền thuốc, tiền phẫu thuật, thủ thuật. Cụ thể: Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện mang theo thẻ BHYT và được làm thủ tục để khám bệnh. Sau khi được bác sỹ khám bệnh và ra chỉ định nhập viện, hồ sơ bệnh án sẽ được chuyển đến khoa điều trị để bệnh nhân tiếp tục điều trị. Tại khoa điều trị, bệnh nhân có xin bác sỹ điều trị (Khoa Ngoại là Nguyễn Thị I, Đặng Thanh A, bác sỹ Hoàng Văn O; khoa Y học cổ truyền là Nguyễn Văn G, Hà Thị Hồng N; khoa Nội là Trần Thị Hồng P, bác sỹ Lê Thị Q) là lấy thuốc cả đợt điều trị để sử dụng, điều trị tại nhà mà không điều trị tại Bệnh viện, không cần quay lại Bệnh viện để lấy thuốc. Bác sỹ điều trị đã đồng ý với yêu cầu của bệnh nhân và ra y lệnh, ký duyệt các y lệnh khống (Không có bệnh nhân điều trị) hoặc chỉ đạo y sỹ (Nguyễn Xuân X là Y sỹ khoa Ngoại) ra y lệnh, ký duyệt các y lệnh khống. Căn cứ theo y lệnh, điều dưỡng của khoa điều trị sẽ lấy thuốc tại khoa Dược để đưa cho bệnh nhân điều trị, sử dụng và hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ bệnh án để bệnh nhân ký xác nhận, thanh toán theo quy định. Hồ sơ bệnh án sau đó sẽ được bác sỹ, y sỹ điều trị ký duyệt phần bác sỹ điều trị, lãnh đạo khoa sẽ ký duyệt phần Trưởng khoa, Nguyễn Văn G sẽ ký duyệt phần Giám đốc Bệnh viện.

- Đối với việc lập hồ sơ bệnh án kê thêm chi phí tiền giường là những hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân điều trị nội trú nhưng chỉ đến Bệnh viện GTVT để sử dụng thuốc, sử dụng dịch vụ kỹ thuật, sau đó về nhà mà không sử dụng giường bệnh. Cụ thể: Tương tự như việc lập hồ sơ bệnh án khống chi phí tiền giường, tiền vật tư y tế, tiền thuốc, tiền phẫu thuật thủ thuật. Tuy nhiên, đây là trường hợp bệnh nhân có xin bác sỹ, y sỹ điều trị là sau khi điều trị xong sẽ về nhà nghỉ ngơi, không sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện GTVT. Khi nào sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật sẽ đến Bệnh viện để sử dụng, điều trị.

- Đối với việc lập hồ sơ bệnh án kê thêm chi phí nội soi là các hồ sơ bệnh án có phiếu kết quả nội soi được lập khống. Cụ thể: Quá trình khám nội soi, bệnh nhân có xin bác sỹ nội soi là Nguyễn Mai C không phải nội soi mà vẫn có phiếu kết quả nội soi. Bị cáo C đã chỉ đạo lập và trực tiếp ký duyệt phiếu kết quả nội soi khống.

Kết quả điều tra xác định: Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, Nguyễn Văn G đã chỉ đạo, cùng thực hiện với Đặng Thanh A, Hà Thị Hồng N, Nguyễn Mai C, Nguyễn Thị I, Trần Thị Hồng P, Nguyễn Xuân X và một số cán bộ của Bệnh viện GTVT lập khống 1.438 hồ sơ bệnh án (Có hồ sơ khống toàn bộ; có hồ sơ khống chi phí tiền giường, tiền thuốc, tiền vật tư y tế, tiền phẫu thuật thủ thuật; có hồ sơ kê thêm chi phí tiền giường; có hồ sơ kê thêm chi phí nội soi). Với vai trò là Giám đốc, Nguyễn Văn G là người ký duyệt toàn bộ các Bảng tổng hợp chi phí KCB BHYT của Bệnh viện GTVT để đề nghị BHXH tỉnh Yên Bái thanh quyết toán. Trong đó, có đề nghị thanh toán tổng số tiền 781.664.142 đồng cho các khoản chi phí được lập khống của 1.438 hồ sơ bệnh án (Do không có sự việc KCB hoặc có sự việc KCB nhưng bệnh nhân không sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật mà trên hồ sơ bệnh án vẫn thể hiện là có sử dụng). BHXH tỉnh Yên Bái đã chấp nhận thanh toán đối với các khoản chi phí khống của 1.054 hồ sơ bệnh án, tương ứng với số tiền là 680.891.953 đồng. Còn lại các khoản chi phí khống của 384 hồ sơ bệnh án không được chấp nhận thanh toán, tương ứng với số tiền là 100.772.189 đồng. Toàn bộ số tiền chi phí được lập khống là 680.891.953 đồng, đã được BHXH tỉnh Yên Bái thanh toán cho Bệnh viện GTVT bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản số 3713.0105.7037.00000 của Bệnh viện mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Yên Bái. Số tiền này được hạch toán chung vào các khoản thu khác của Bệnh viện như: Tiền KCB dịch vụ, khám sức khỏe. Sau đó, được chi tiêu sử dụng chung cho các hoạt động chung của Bệnh viện như: Chi trả tiền vật tư y tế, tiền thuốc, tiền phần mềm quản lý KCB, tiền tu sửa cơ sở vật chất, văn phòng phẩm, chi lương… Các khoản chi đều được thể hiện trên hồ sơ, chứng từ kế toán của Bệnh viện GTVT. Không ai được hưởng lợi trực tiếp từ số tiền trên.

Tại Kết luận giám định ngày 19-9-2021 và Bản Kết luận giám định bổ sung ngày 04-11-2021 của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết luận:

Thứ nhất: 1.1. Chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các nội dung được lập khống tại 1.438 hồ sơ bệnh án cụ thể như sau:

a. Tổng chi phí KCB BHYT là 1.754.704.280 đồng, trong đó: Số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 1.697.618.761 đồng; số tiền người bệnh cùng chi trả là 57.085.519 đồng.

b. Số tiền cơ quan BHXH từ chối qua công tác giám định là 152.486.530 đồng. c. Số tiền cơ quan BHXH thanh toán là 1.545.132.231 đồng.

1.2. Chi phí KCB BHYT theo các hành vi nêu tại Quyết định trưng cầu giám định số: 61/QĐ-CSKT ngày 30-8-2021, của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái.

a) Tổng chi KCB BHYT là 807.957.996 đồng, trong đó: Số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 781.664.142 đồng; số tiền người bệnh cùng chi trả là 26.293.854 đồng;

b) Số tiền cơ quan BHXH từ chối qua giám định là: 100.772.189 đồng;

c) Số tiền đã được cơ quan BHXH thanh toán là: 680.891.953 đồng.

Do vậy, hành vi lập khống hồ sơ bệnh án của các đối tượng liên quan đã gây thiệt hại cho quỹ BHYT số tiền là 680.891.953 đồng, vi phạm các quy định tại khoản 10 Điều 6 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; khoản 6 Điều 11 của Luật Bảo hiểm y tế. Số tiền tương ứng với hành vi sai phạm của các đối tượng có liên quan gây ra, cụ thể như sau:

- Nguyễn Văn G, hồ sơ liên quan: 1.438, số tiền sai phạm: 680.891.953 đồng;

- Đặng Thanh A, hồ sơ liên quan: 378, số tiền sai phạm: 250.394.247 đồng;

- Nguyễn Mai C, hồ sơ liên quan: 982, số tiền sai phạm: 98.753.466 đồng;

- Trần Thị Hồng P, hồ sơ liên quan: 68, số tiền sai phạm: 64.278.287 đồng;

- Hà Thị Hồng N, hồ sơ liên quan: 232, số tiền sai phạm: 231.971.226 đồng;

- Nguyễn Thị I, hồ sơ liên quan: 139, số tiền sai phạm: 130.362.016 đồng;

- Nguyễn Xuân X, hồ sơ liên quan: 58, số tiền sai phạm: 41.213.067 đồng;

- Hoàng Văn O, hồ sơ liên quan: 09, số tiền sai phạm: 6.237.152 đồng;

- Lê Thị Q, hồ sơ liên quan: 13, số tiền sai phạm: 13.777.459 đồng;

Thứ hai: Khoản 1 Điều 59 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý, mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần KB, CB tại cơ sở KB,CB; khoản 10 Điều 6 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định việc tẩy xoá, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về KB, CB là hành vi bị cấm; khoản 7 Điều 43 của Luật Bảo hiểm y tế quy định cơ sở KB, CB “Lập bảng kê chi phí KB,CB BHYT và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của bảng kê này”; khoản 3 Điều 13 Thông tư số: 48/2017/TT-BYT ngày 28-12-2017 của Bộ Y tế quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí KB, CB BHYT. Theo đó cơ sở KB, CB “Chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu KB, CB và bảo mật thông tin, dữ liệu KB,CB của người bệnh theo các quy định của pháp luật”.

Theo các quy định nêu trên, cơ sở KCB chịu trách nhiệm pháp lý về thông tin trong hồ sơ bệnh án, tính chính xác của số liệu, dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT. Căn cứ hồ sơ bệnh án và các tài liệu do cơ sở KCB cung cấp, cơ quan BHXH thực hiện giám định để đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hoá chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh và kiểm tra, xác định chi phí KB, CB BHYT dựa trên hồ sơ bệnh án và các tài liệu liên quan của cơ sở KB, CB; theo quy định tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm y tế, công tác giám định, thanh toán chi phí KB, CB BHYT được cơ quan BHXH thực hiện sau khi nhận được bảng tổng hợp đề nghị thanh toán chi phí KB, CB tháng trước của cơ sở KBCB.

Theo tài liệu được cung cấp, cán bộ được phân công giám định chi phí KBCB, BHYT tại Bệnh viện GTVT thực hiện công tác giám định theo quy trình giám định BHYT ban hành theo Quyết định số: 1456/QĐ-BHXH ngày 01-12-2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Đã thực hiện phương pháp giám định theo tỷ lệ đối với các hồ sơ đề nghị thanh toán hàng quý, phát hiện các bất hợp lý trong chỉ định điều trị, từ chối các chi phí đề nghị thanh toán không đúng quy định. Kết quả giám định tại Bệnh viện GTVT của BHXH tỉnh Yên Bái đã xác định và từ chối thanh toán đối với một số trường hợp lập khống kết quả nội soi và một số trường hợp người bệnh có hồ sơ bệnh án điều trị nội trú nhưng không nằm viện 24/24 giờ.

Qua tài liệu được nghiên cứu cho thấy các hồ sơ bệnh án có đầy đủ các mục, thông tin liên quan đến người bệnh và quá trình KB, CB, các Bảng kê chi phí KB, CB có chữ ký của người lập bảng kê, kế toán viện phí và người bệnh. Một số lãnh đạo, nhân viên Bệnh viện GTVT đã tổ chức lập, hoàn thiện, hợp thức hồ sơ bệnh án đầy đủ như ghép hình ảnh được lưu trữ vào phiếu kết quả, sử dụng thông tin người nhà, người thân để lập hồ sơ lấy thuốc. Như vậy, việc lập hồ sơ bệnh án, thống kê chi phí KB, CB đề nghị thanh toán không đúng quy định thuộc trách nhiệm của Bệnh viện và cá nhân người lập khống hồ sơ bệnh án.

Thứ ba: Bệnh viện GTVT lập Bảng kê chi phí KB, CB theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số: 3455/QĐ-BYT ngày 16-9-2013 và Quyết định số:

6556/QĐ-BYT ngày 30-10-2018 ban hành mẫu Bảng kê chi phí KB,CB sử dụng tại các cơ sở KB, CB. Lập danh sách người bệnh BHYT KCB ngoại trú đề nghị thanh toán,danh sách người bệnh BHYT KCB nội trú đề nghị thanh toán, tổng hợp chi phí KB, CB của người tham gia BHYT theo đúng quy định tại Thông tư số: 178/2012/TT-BTC ngày 23-10-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thông tư số: 102/2018/TT-BTC ngày 14-11- 2018 hướng dẫn kế toán BHXH.

Bệnh viện GTVT đã lập và gửi các Mẫu số C79a-HD, C80a-HD, C79-HD đề nghị thanh toán theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 của Luật BHYT.

Từ đó, số tiền gây thiệt hại cho quỹ BHYT để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo và các đối tượng liên quan trong vụ án được tính bằng tổng số tiền được BHXH tỉnh Yên Bái thanh toán cho khoản chi phí được lập khống trong các hồ sơ bệnh án từ năm 2017 đến năm 2020, cụ thể như sau:

* Đối với Nguyễn Văn G: Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, quá trình thực hiện hợp đồng KCB cho các đối tượng có thẻ BHYT tại Bệnh viện GTVT, Nguyễn Văn G đã chỉ đạo các bị cáo và cùng thực hiện (Trực tiếp lập, ký hồ sơ bệnh án với vai trò là bác sỹ khám bệnh vào viện, bác sỹ điều trị) với các bị cáo, các cán bộ để lập khống 1.438 hồ sơ bệnh án. Sau đó, với vai trò là Giám đốc, bị cáo G là người trực tiếp ký duyệt các hồ sơ bệnh án nội trú và các bảng kê chi phí KCB BHYT của Bệnh viện GTVT theo từng tháng để đề nghị thanh toán, trong đó có các khoản chi phí được lập khống của 1.438 hồ sơ bệnh án. BHXH tỉnh Yên Bái đã chấp nhận thanh toán đối với các khoản chi phí được lập khống của 1.054 hồ sơ bệnh án (Còn lại 384 hồ sơ bệnh án không được chấp nhận thanh toán), tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 680.891.953 đồng, trong đó:

- Năm 2017 có 199 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 131.653.027 đồng (có Phụ lục 1.1 kèm theo);

- Từ năm 2018 đến năm 2020 có 855 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 549.238.926 đồng (có Phụ lục 1.2 kèm theo).

Tổng số tiền gây thiệt hại cho quỹ BHYT mà Nguyễn Văn G phải chịu trách nhiệm hình sự là 549.238.926 đồng, Nguyễn Văn G đã tự nguyện nộp số tiền 366.625.571 đồng khắc phục hậu quả.

* Đối với Đặng Thanh A: Từ năm 2017 đến năm 2020, thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện, với vai trò là bác sỹ, phụ trách khoa, sau đó là Trưởng khoa Ngoại, Đặng Thanh A đã chỉ đạo các cán bộ của khoa Ngoại và trực tiếp tham gia lập, ký duyệt 378 hồ sơ bệnh án khống với vai trò là bác sỹ điều trị và Trưởng khoa Ngoại. BHXH tỉnh Yên Bái đã chấp nhận thanh toán đối với các khoản chi phí được lập khống của 372 hồ sơ bệnh án (Còn lại 06 hồ sơ bệnh án không được chấp nhận thanh toán), tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 250.394.247 đồng, trong đó:

- Năm 2017 có 22 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 18.216.981 đồng (có Phụ lục 2.1 kèm theo);

- Từ năm 2018 đến năm 2020 có 350 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 232.177.266 đồng (có Phụ lục 2.2 kèm theo).

Tổng số tiền gây thiệt hại cho quỹ BHYT mà Đặng Thanh A phải chịu trách nhiệm hình sự là 232.177.266 đồng, Đặng Thanh A tự nguyện nộp số tiền 120.000.000 đồng khắc phục hậu quả.

* Đối với Nguyễn Mai C: Từ năm 2017 đến năm 2020, thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn G, Nguyễn Mai C đã trực tiếp tham gia lập, ký duyệt các hồ sơ bệnh án khống với vai trò là bác sỹ khám bệnh vào viện. Ngoài ra Nguyễn Mai C còn chỉ đạo lập các phiếu kết quả nội soi khống và ký xác nhận phần bác sỹ nội soi.

Tổng số hồ sơ bệnh án khống mà Nguyễn Mai C đã lập, ký duyệt là 982 hồ sơ bệnh án. BHXH tỉnh Yên Bái đã chấp nhận thanh toán đối với các khoản chi phí được lập khống của 544 hồ sơ bệnh án (Còn lại 438 hồ sơ bệnh án không được chấp nhận thanh toán) tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 98.753.466 đồng, trong đó:

- Năm 2017 có 110 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 30.986.586 đồng (có Phụ lục 4.1 kèm theo);

- Từ năm 2018 đến năm 2020 có 434 hồ sơ bệnh án,tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 67.766.880 đồng (có Phụ lục 4.2 kèm theo).

Tổng số tiền gây thiệt hại cho quỹ BHYT mà Nguyễn Mai C phải chịu trách nhiệm hình sự là 67.766.880 đồng, Nguyễn Mai C đã tự nguyện nộp số tiền 80.000.000 đồng khắc phục hậu quả.

* Đối với Hà Thị Hồng N: Từ năm 2017 đến năm 2020, thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn G, Hà Thị Hồng N đã chỉ đạo các cán bộ của khoa Y học cổ truyền và trực tiếp tham gia lập, ký duyệt 232 hồ sơ bệnh án khống với vai trò là bác sỹ điều trị và Phó Trưởng khoa Y học cổ truyền. BHXH tỉnh Yên Bái đã chấp nhận thanh toán đối với các khoản chi phí được lập khống của 224 hồ sơ bệnh án (Còn lại 08 hồ sơ bệnh án không được chấp nhận thanh toán), tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 231.971.226 đồng, trong đó:

- Năm 2017 có 51 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 54.440.409 đồng (có Phụ lục 3.1 kèm theo);

- Từ năm 2018 đến năm 2020 có 173 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 177.530.817 đồng (có Phụ lục 3.2 kèm theo).

Tổng số tiền gây thiệt hại cho quỹ BHYT mà Hà Thị Hồng N phải chịu trách nhiệm hình sự là 177.530.817 đồng, Hà Thị Hồng N đã tự nguyện nộp số tiền 20.000.000 đồng để khắc phục hậu quả.

* Đối với Nguyễn Thị I: Là bác sỹ, nguyên Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện GTVT. Thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn G, từ năm 2017 đến hết tháng 6-2018 (Thời điểm nghỉ hưu), Nguyễn Thị I đã chỉ đạo các cán bộ khoa Ngoại và trực tiếp tham gia lập, ký duyệt 139 hồ sơ bệnh án khống với vai trò là bác sỹ khám bệnh vào viện, bác sỹ điều trị và Trưởng khoa Ngoại. BHXH tỉnh Yên Bái đã chấp nhận thanh toán đối với các khoản chi phí được lập khống của 137 hồ sơ bệnh án (Còn lại 02 hồ sơ bệnh án không được chấp nhận thanh toán), tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 130.362.016 đồng, trong đó:

- Năm 2017 có 60 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 68.711.212 đồng (có Phụ lục 5.1 kèm theo);

- Năm 2018 có 77 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 61.650.804 đồng (có Phụ lục 5.2 kèm theo).

Tổng số tiền gây thiệt hại cho quỹ BHYT mà Nguyễn Thị I phải chịu trách nhiệm hình sự là 61.650.804 đồng, Nguyễn Thị I đã tự nguyện nộp số tiền 60.000.000đ để khắc phục hậu quả.

* Đối với Trần Thị Hồng P: Từ năm 2017 đến năm 2020, thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn G, Trần Thị Hồng P đã chỉ đạo các cán bộ của khoa Nội và trực tiếp tham gia lập, ký duyệt 68 hồ sơ bệnh án khống với vai trò là bác sỹ điều trị và Trưởng khoa Nội. BHXH tỉnh Yên Bái đã chấp nhận thanh toán đối với các khoản chi phí được lập khống của 67 hồ sơ bệnh án (Còn lại 01 hồ sơ bệnh án không được chấp nhận), tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 64.278.287 đồng, trong đó:

- Năm 2017 có 09 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 9.720.379 đồng (có Phụ lục 6.1 kèm theo);

- Từ năm 2018 đến năm 2020 có 58 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 54.557.908 đồng (có Phụ lục 6.2 kèm theo).

Tổng số tiền gây thiệt hại cho quỹ BHYT mà Trần Thị Hồng P phải chịu trách nhiệm hình sự là 54.557.908 đồng, Trần Thị Hồng P đã tự nguyện giao nộp số tiền 54.125.800đ để khắc phục hậu quả.

* Đối với Nguyễn Xuân X: Từ năm 2017 đến năm 2020, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo khoa Ngoại Bệnh viện GTVT, Nguyễn Xuân X đã lập, ký duyệt 58 hồ sơ bệnh án khống với vai trò là y sỹ điều trị của khoa Ngoại. BHXH tỉnh Yên Bái đã chấp nhận thanh toán đối với các khoản chi phí được lập khống của 56 hồ sơ bệnh án (Còn lại 02 hồ sơ bệnh án không được chấp nhận thanh toán), tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 41.213.067 đồng, trong đó:

- Năm 2017 có 02 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 2.261.592 đồng (có Phụ lục 7.1 kèm theo);

- Từ năm 2018 đến năm 2020 có 54 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 38.951.475 đồng (có Phụ lục 7.2 kèm theo).

Tổng số tiền gây thiệt hại cho quỹ BHYT mà Nguyễn Xuân X phải chịu trách nhiệm hình sự là 38.951.475 đồng, Nguyễn Xuân X đã tự nguyện nộp số tiền 10.000.000 đồng để khắc phục hậu quả.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 16/2023/HS-ST ngày 17-4-2023 của Toà án nhân dân thành phố YB, tỉnh Yên Bái đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn G, Đặng Thanh A, Hà Thị Hồng N, Nguyễn Mai C, Nguyễn Thị I, Trần Thị Hồng P và Nguyễn Xuân X phạm tội “Gian lận bảo hiểm y tế”.

Căn cứ điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 215; điểm b, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn G 03 (Ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án, được khấu trừ thời gian bị tạm giam (Từ ngày 16-6-2021 đến ngày 24-12-2021). Cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan lĩnh vực y tế với thời hạn 02 năm.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn quyết định về hình phạt đối với các bị cáo khác trong vụ án, về xử lý vật chứng, án phí, tuyên quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật và kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố YB, tỉnh Yên Bái tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý trách nhiệm của các cán bộ Bệnh viện GTVT có liên quan, các giám định viên của BHXH tỉnh Yên Bái thực hiện việc giám định BHYT tại Bệnh viện GTVT, kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy định số: 1456/QĐ-BHXH ngày 01-12-2015 nhằm khắc phục, phòng ngừa tội phạm có liên quan đến lĩnh vực BHYT.

Ngày 26-4-2023, bị cáo Nguyễn Văn G kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 25-5-2023, bị cáo Nguyễn Văn G bổ sung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn G rút một phần kháng cáo đối với nội dung xin được hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 1 Điều 348, điểm đ khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Văn G; căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Văn G; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 16/2023/HSST ngày 17-4-2023 của Tòa án nhân thành phố YB, tỉnh Yên Bái.

NHẬN ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên toà: Bị cáo Nguyễn Văn G đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã xác định. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong vụ án, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Như vậy có đủ cơ sở kết luận: Trong quá trình thực hiện hợp đồng KCB BHYT, từ năm 2017 đến năm 2020, Nguyễn Văn G, Đặng Thanh A, Hà Thị Hồng N, Nguyễn Mai C, Nguyễn Thị I, Trần Thị Hồng P và Nguyễn Xuân X cùng một số cán bộ, nhân viên khác công tác tại Bệnh viện GTVT đã dùng thủ đoạn lập khống các phiếu khám bệnh, phiếu nội soi, phiếu xét nghiệm, phiếu điều trị, chi phí giường bệnh... tập hợp vào hồ sơ bệnh án, sau đó hoàn thiện hồ sơ, sổ sách theo dõi để hợp thức hóa các nội dung được lập khống trong hồ sơ bệnh án. Sau khi hồ sơ bệnh án và các hồ sơ sổ sách liên quan được hoàn thiện, Nguyễn Văn G là người ký duyệt bảng kê chi phí KCB BHYT để đề nghị BHXH tỉnh Yên Bái thanh toán, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 680.891.953 đồng, trong đó:

- Năm 2017 có 199 hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 131.653.027 đồng. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội, thì tội “Gian lận bảo hiểm y tế” quy định tại Điều 215 của Bộ luật Hình sự là tội phạm mới, nên hành vi phạm tội của các bị cáo trước 0 giờ 00 phút, ngày 01-01-2018 không được áp dụng để xử lý trách nhiệm hình sự nhưng các bị cáo phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường số tiền gây thiệt hại trong năm 2017 cho quỹ BHYT.

- Từ năm 2018 đến năm 2020 có 855hồ sơ bệnh án, tương ứng với tổng số tiền được thanh toán là 549.238.926 đồng. Do vậy, số tiền gây thiệt hại cho quỹ BHYT để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo trong vụ án được tính bằng tổng số tiền được BHXH tỉnh Yên Bái thanh toán cho Bệnh viện GTVT với các khoản chi phí được lập khống trong 855 hồ sơ bệnh án trong năm 2018, 2019 và 2020, tương ứng với tổng số tiền đã được thanh toán là 549.238.926 đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn G giữ vai trò chính là người chủ mưu, tổ chức phân công các bị cáo thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của từng khoa, phòng để đạt kế hoạch đã đề ra, do đó Nguyễn Văn G phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tổng số tiền gây thiệt hại cho BHXH tỉnh Yên Bái của các năm từ năm 2018 đến năm 2020 là 549.238.926 đồng.

[2] Hành vi nêu trên của các bị cáo Nguyễn Văn G, Đặng Thanh A, Hà Thị Hồng N, Nguyễn Mai C, Nguyễn Thị I, Trần Thị Hồng P và Nguyễn Xuân X là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, xâm phạm trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, việc xử lý nghiêm hành vi phạm tội của các bị cáo theo qui định của pháp luật là cần thiết.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo Nguyễn Văn G và áp dụng cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại; thành khẩn khai báo; có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác; mẹ đẻ của bị cáo G là người có công với cách mạng được qui định tại các điểm b, s, v khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

[3] Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Văn G rút một phần kháng cáo đối với nội dung xin được hưởng án treo. Việc rút một phần kháng cáo của bị cáo là tự nguyện, phù hợp pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 348, điểm đ khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Tố tụng hình sự, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Văn G.

Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy: Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn G xuất trình tài liệu, chứng cứ mới là Công văn số: 20-CV/ĐUC ngày 24-5-2023 của Chi bộ Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái và Công văn số: 148-CV/ĐUC ngày 26-5-2023 của Đảng uỷ Cục Y tế Giao thông vận tải về việc xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn G được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, tại cấp phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn G còn xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ mới là 01 Biên lai nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm thể hiện thái độ của bị cáo trong việc chấp hành pháp luật trong giai đoạn thi hành án. Do đó, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Văn G có căn cứ nên được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận, cần giảm một phần hình phạt tù cho bị cáo.

[4] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo Nguyễn Văn G không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 348, điểm b, đ khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Văn G.

2. Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Văn G; Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 16/2023/HS-ST ngày17-4-2023 của Tòa án nhân dân thành phố YB, tỉnh Yên Bái như sau:

Áp dụng điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 215; điểm b, s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn G 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Gian lận bảo hiểm y tế”, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án, được khấu trừ thời gian bị tạm giam (Từ ngày 16-6-2021 đến ngày 24-12-2021). Cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan lĩnh vực y tế với thời hạn 02 năm.

3. Về án phí phúc thẩm: Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án: Bị cáo Nguyễn Văn G không phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

844
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội gian lận bảo hiểm y tế số 18/2023/HS-PT

Số hiệu:18/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Yên Bái
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:13/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về