Bản án về tội gian lận bảo hiểm xã hội số 63/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 63/2022/HS-PT NGÀY 15/06/2022 VỀ TỘI GIAN LẬN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Trong ngày 15 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 30/2022/TLPT-HS ngày 17 tháng 3 năm 2022 đối với các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2021/HS-ST ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Hậu Giang.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Thị Cẩm H - sinh năm: 1991 tại P, Hậu Giang. Nơi cư trú: Ấp H, thị trấn K, huyện P, tỉnh Hậu Giang; nghề nghiệp: Bác sĩ; trình độ văn hoá (học vấn): 12/12 (Đại học); dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Văn Đ (chết) và bà Nguyễn Thị C; có chồng (đã ly hôn) và 01 người con; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt, tạm giữ, tạm giam: Không. (Có mặt)

2. Phạm Thị Ngọc T - sinh năm: 1995 tại P, Hậu Giang. Nơi cư trú: Ấp N, xã T, huyện P, tỉnh Hậu Giang; nghề nghiệp: Mua bán; trình độ văn hoá (học vấn): 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Phạm Văn S và bà Nguyễn Thị Hai N; có 01 người con; tiền án, tiền sự:

Không; bị bắt, tạm giữ, tạm giam: Không. (Có mặt)

- Người bào chữa cho bị cáo:

Bà Đồng Thị Cẩm Nh- Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hậu Giang, bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Ngọc T. (Có mặt) Ngoài ra, còn có 07 bị cáo; bị hại và 242 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Qua quá trình chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho các đối tượng bị sẩy thai tự nhiên từ 05 tuần đến 07 tuần, là người lao động của Công ty trách nhiệm hữu hạn L II đặt tại khu công nghiệp T thuộc xã T, huyện A, tỉnh Hậu Giang, trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã làm hồ sơ thủ tục chi trả tiền hưởng bảo hiểm xã hội do sẩy thai tự nhiên cho 226 đối tượng, trong đó có 225 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do Trung tâm y tế huyện P cấp (01 giấy cấp đúng) và 01 giấy chứng nhận do Trạm y tế xã Tân Bình cấp, các giấy chứng nhận được cấp đều không có thông tin dữ liệu tiếp nhận khám chữa bệnh trên cổng thông tin giám định bảo hiểm y tế, các bác sĩ ký tên trên giấy chứng nhận đều không phải chuyên khoa trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã chi trả cho 211 đối tượng với tổng số tiền là 992.156.944 đồng (01 đối tượng Trần Thị Thúy Loan chi trả đúng số tiền 4.620.555 đồng), còn lại 210 đối tượng không đủ điều kiện chi trả, đã gây thiệt hại cho Quỹ bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 987.536.389 đồng và 15 đối tượng chưa chi trả: Châu Thị Thảo, Nguyễn Thị Quới, Phạm Phương Anh, Trần Thị Phương Thúy, Lê Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Tuyết, Trương Thị Bạch Yến, Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thị Thanh Kim, Nguyễn Thị Hồng Nhi, Lê Thị Ngọc Giàu, Bùi Kim Ngân, Nguyễn Thị Phương Thanh, Phạm Thị Bé Sinh và Võ Thị Chầm.

Quá trình điều tra Nguyễn Thị Cẩm H và Phạm Thị Ngọc T khai nhận: Nguyễn Thị Cẩm H là bác sĩ đa khoa làm việc tại Khoa hồi sức cấp cứu thuộc Trung tâm y tế huyện P có mối quan hệ bạn bè với Phạm Thị Ngọc T là công nhân Công ty L II. Vào khoảng năm 2016, khi mẹ ruột T bị bệnh phải nằm viện điều trị dài hạn, T nhờ H làm giấy chứng nhận sẩy thai giả (khống) để T được nghỉ phép dài hạn, có thời gian chăm sóc mẹ, H đồng ý làm thủ tục cấp cho T 01 giấy chứng nhận. Đến khoảng đầu tháng 9 năm 2018, T biết được nhiều công nhân làm chung công ty có nhu cầu mua giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do sẩy thai giả để được nhiều thời gian nghỉ phép giải quyết công việc cá nhân và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nên T liên lạc với H làm giấy chứng nhận sẩy thai giả để T bán cho các công nhân kiếm tiền tiêu xài cá nhân. Trong khoảng thời gian nêu trên Ban giám đốc Trung tâm y tế huyện P có chỉ đạo cho phép các y, bác sĩ ký tên khống vào phần “xác nhận của thủ trưởng đơn vị” trong giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (loại giấy A5) khi chưa có thông tin người bệnh, lợi dụng việc chỉ đạo của Ban giám đốc, nên H đã đồng ý với T làm giả các giấy chứng nhận để vụ lợi. Sau khi được sự thống nhất của H, T trực tiếp tìm những công nhân có nhu cầu mua giấy chứng nhận sẩy thai giả, khi có người liên hệ mua thì T yêu cầu đưa thẻ bảo hiểm y tế hoặc chụp ảnh gửi qua Zalo cho T rồi T gửi qua Zalo cho H để làm giấy chứng nhận sẩy thai giả, sau khi làm xong H đưa lại cho T để bán cho người mua. Mỗi giấy chứng nhận T bán với giá từ 1.200.000 đồng đến 2.800.000 đồng, số tiền bán được T đưa cho H 800.000 đồng/01 giấy chứng nhận, số tiền còn lại T giữ lại tiêu xài cá nhân. Qua điều tra xác định trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019 Nguyễn Thị Cẩm H đã làm giả 205 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do sẩy thai tự nhiên, hưởng lợi số tiền khoảng 164.000.000 đồng, Phạm Thị Ngọc T đã bán 205 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do sẩy thai tự nhiên, hưởng lợi số tiền khoảng 246.000.000 đồng. Đối với 19 giấy chứng nhận bán cho các đối tượng gồm: Lê Thị Hồng Thảo, Nguyễn Thị Hồng Thanh, Đặng Thị Thu Lài, Đặng Thị Hóa, Mai Thị Thanh Thảo, Trần Thị Kim Bạc, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Thúy, Lê Thị Ngọc Khuyến, Lê Thị Bạch, Nguyễn Thị Dượng, Nguyễn Thị Út, Hồ Bảo Xuyên, Quách Phượng Anh Đào, Phạm Thị Kim Chi, Võ Thị Phương Linh, Lê Thị Ngọc Nhung, Phạm Thị Thúy Hằng và Phạm Thị Diệu, qua điều tra các đối tượng không có mặt tại địa phương nên cơ quan điều tra không làm việc được, tuy nhiên H và T đều thừa nhận do số lượng người mua giấy chứng nhận nhiều nên không nhớ rõ hết tất cả các đối tượng đã mua giấy chứng nhận, ngoài ra các đối tượng trên đều sử dụng giấy chứng nhận sẩy thai giả có nguồn gốc từ Trung tâm y tế huyện P trong thời gian xảy ra vụ án để thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội gây thiệt cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang. Như vậy, có đủ căn cứ xác định trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019, Nguyễn Thị Cẩm H đã làm giả 224 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội rồi đưa cho T để bán cho các công nhân. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã chi trả 209 trường hợp, gây thiệt hại tổng số tiền 981.477.722 đồng.

Đối với Phan Thị G, Nguyễn Thị Kim K, Trần Thị Ngọc T1, Nguyễn Thị P khai nhận: Trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019, Ghi, Khoa, Trúc và Phỉ làm công nhân tại Công ty lạc tỷ II, biết được việc T bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (giấy chứng nhận giả), nên đã liên hệ với T để mua giấy chứng nhận nhằm mục đích được nghỉ việc dài hạn để giải quyết việc cá nhân và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Ghi, Khoa, Trúc và Phỉ còn tìm những công nhân có nhu cầu mua giấy chứng nhận giả rồi liên hệ với T để mua giấy chứng nhận bán cho các công nhân để được T chia hoa hồng hoặc tự nâng giá bán để hưởng lợi. Cụ thể:

Phan Thị G mua 35 giấy chứng nhận giả nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (01 giấy chứng nhận của Ghi) từ T, Ghi đã bán 34 giấy chứng nhận cho các công nhân, thu lợi bất chính số tiền 5.100.000 đồng, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 137.510.666 đồng. Ghi đã nộp khắc phục số tiền hưởng lợi 5.100.000 đồng và số tiền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 4.691.667 đồng.

Nguyễn Thị Kim K mua 16 giấy chứng nhận giả nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (01 giấy chứng nhận của Khoa) từ T, Khoa đã bán 15 giấy chứng nhận cho các công nhân, thu lợi bất chính số tiền 4.150.000 đồng, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 65.296.778 đồng. Khoa đã nộp khắc phục số tiền hưởng lợi 4.150.000 đồng và số tiền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 5.465.222 đồng.

Trần Thị Ngọc T1 mua 10 giấy chứng nhận giả nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (01 giấy chứng nhận của Trúc) từ T, Trúc đã bán 09 giấy chứng nhận cho các công nhân, thu lợi bất chính số tiền 2.200.000 đồng, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 45.015.501 đồng. Trúc đã nộp khắc phục số tiền hưởng lợi 2.200.000 đồng và số tiền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 3.448.944 đồng.

Nguyễn Thị P mua 09 giấy chứng nhận giả nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (01 giấy chứng nhận của Phỉ) từ T, Phỉ đã bán 08 giấy chứng nhận cho các công nhân, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 44.190.555 đồng. Quá trình điều tra Phỉ không thừa nhận hưởng lợi từ việc bán giấy chứng nhận. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả điều tra xác định T bán giấy chứng nhận cho các môi giới giá cao nhất là 2.800.000 đồng, các công nhân mua giấy chứng nhận từ Phỉ giá mua từ 2.800.000 đồng đến 3.100.000 đồng. Như vậy, Phỉ bán 08 giấy chứng nhận thu lợi bất chính số tiền khoảng 1.100.000 đồng. Phỉ đã khắc phục số tiền hưởng bảo hiểm xã hội 5.365.333 đồng, chưa khắc phục tiền hưởng lợi.

Đối với Nguyễn Thị N, Nguyễn Ngân Đ, Nguyễn Thị Thùy Linh, Nguyễn Hồng Tươi và Nguyễn Thị Son khai nhận: Các đối tượng là công nhân của Công ty Lạc tỷ II, biết được việc T bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội nên đã liên hệ với T để mua giấy chứng nhận bán cho các công nhân để hưởng lợi. Cụ thể:

Nguyễn Thị N mua 20 giấy chứng nhận giả nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội từ T, Ngọc đã bán 20 giấy chứng nhận cho các công nhân, thu lợi bất chính số tiền 4.000.000 đồng, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 94.615.888 đồng. Ngọc đã nộp khắc phục số tiền hưởng lợi 4.000.000 đồng.

Nguyễn Ngân Đ mua 14 giấy chứng nhận giả nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội từ T, Điện đã bán 14 giấy chứng nhận cho các công nhân, thu lợi bất chính số tiền 3.500.000 đồng, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 61.510.779 đồng. Điện chưa khắc phục số tiền hưởng lợi.

Nguyễn Thị Thùy Linh thông qua Nguyễn Thị Kim K mua 06 giấy chứng nhận giả nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội từ T, Linh đã bán 06 giấy chứng nhận cho các công nhân, thu lợi bất chính số tiền 2.500.000 đồng, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 30.308.111 đồng. Linh đã nộp số tiền hưởng lợi 2.500.000 đồng.

Nguyễn Hồng Tươi mua 04 giấy chứng nhận giả nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội từ T, Tươi đã bán 04 giấy chứng nhận cho các công nhân, hưởng lợi số tiền 650.000 đồng, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 16.687.888 đồng. Tươi đã nộp số tiền hưởng lợi 650.000 đồng.

Nguyễn Thị Son bán mua 04 giấy chứng nhận giả nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội từ T, Son đã bán 04 giấy chứng nhận cho các công nhân, hưởng lợi số tiền 2.100.000 đồng, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang số tiền 9.663.334 đồng. Son đã nộp số tiền hưởng lợi 2.100.000 đồng.

Trong số 225 trường hợp nữ công nhân của Công ty Lạc tỷ II được cấp giấy chứng nhận sẩy thai giả, có 01 trường hợp do Trạm y tế xã Tân Bình cấp sai quy định là trường hợp của Lê Thị Diễm, Diễm phá thai tại phòng khám tư của y sĩ Võ Thị Bé Thủy là Trưởng Trạm y tế xã Tân Bình, Diễm không đến Trạm y tế xã Tân Bình để khám chữa bệnh nhưng sau đó Diễm được y sĩ Thủy cấp giấy chứng nhận và được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội số tiền 6.058.667 đồng, hiện tại Diễm chưa khắc phục. Đối với các công nhân còn lại được cấp giấy chứng nhận đều thừa nhận đã mua giấy chứng nhận nhằm mục đích nghỉ việc dài hạn để giải quyết việc gia đình và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nhưng thực tế họ không có bị sẩy thai và không có đến Trung tâm y tế huyện P để khám chữa bệnh. Riêng đối tượng Nguyễn Thị Mỹ Hiền không thừa nhận mua giấy chứng nhận cấp ngày 20/9/2019. Qua điều tra xác định, vào ngày 20/9/2019, Hiền không có đến Trung tâm y tế huyện P để khám, chữa bệnh và không được cấp giấy chứng nhận đúng quy định. Như vậy có căn cứ xác định Hiền mua giấy chứng nhận sẩy thai giả để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang chi trả số tiền 4.042.667 đồng, Hiền chưa khắc phục.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 04/2022/HS-ST ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Hậu Giang quyết định:

Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 214; Điều 17; Điều 50; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);

Tuyên bố bị cáo Phạm Thị Ngọc T phạm tội “Gian lận bảo hiểm xã hội”. Xử phạt bị cáo 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 214; Điều 17; Điều 50; điểm b, s, n khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Cẩm H phạm tội “Gian lận bảo hiểm xã hội”. Xử phạt bị cáo 05 (năm) năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Phan Thị G, Nguyễn Thị N, Nguyễn Thị Kim K, Nguyễn Ngân Đ, Trần Thị Ngọc T1, Nguyễn Thị P, Nguyễn Thị Thuỳ L; trách nhiệm dân sự; xử lý vật chứng; án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 28/01/2022, bị cáo Phạm Thị Ngọc T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Ngày 08/02/2022, bị cáo Nguyễn Thị Cẩm H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H có đơn kháng cáo. Xét đơn kháng cáo của các bị cáo phù hợp với quy định tại các Điều 331, Điều 332 và Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên chấp nhận đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội theo như nội dung cáo trạng và bản án sơ thẩm. Đối chiếu lời khai của các bị cáo và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án là phù hợp nên Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận:

Trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019, bị cáo Nguyễn Thị Cẩm H là bác sĩ thuộc Trung tâm y tế huyện P, tỉnh Hậu Giang đã thống nhất cùng với bị cáo Phạm Thị Ngọc T làm các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với lý do sảy thai tự nhiên để giao cho bị cáo Phạm Thị Ngọc T trực tiếp hoặc thông qua các đối tượng khác (gồm các bị cáo Phan Thị G, Nguyễn Thị N, Nguyễn Thị Kim K, Nguyễn Ngân Đ, Trần Thị Ngọc T1, Nguyễn Thị P, Nguyễn Thị Thuỳ L và các đối tượng Nguyễn Thị Son, Nguyễn Hồng Tươi) bán lại cho người lao động nhằm mục đích thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang. Kết quả, có 209 người lao động đã sử dụng giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội để làm thủ tục thanh toán chế độ và được Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang thanh toán tổng số tiền 981.477.722 đồng.

Với hành vi mà các bị cáo đã thực hiện cùng với số tiền gây thiệt hại là 981.477.722 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H về tội “Gian lận bảo hiểm xã hội” theo điểm b khoản 3 Điều 214 của Bộ luật Hình sự và xét xử 07 bị cáo khác (không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị) là Phan Thị G, Nguyễn Thị N, Nguyễn Thị Kim K, Nguyễn Ngân Đ, Trần Thị Ngọc T1, Nguyễn Thị P, Nguyễn Thị Thuỳ L về tội “Gian lận bảo hiểm xã hội” theo điểm b khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H, Hội đồng xét xử xét thấy: Khi quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm đã áp dụng cho các bị cáo đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị Ngọc T có cung cấp chứng cứ chứng minh đã nộp xong toàn bộ số tiền thu lợi bất chính theo quyết định của bản án sơ thẩm, là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, xét thấy trong vụ án này các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H giữ vai trò chính, là người chủ mưu việc thực hiện tội phạm. Bên cạnh đó, các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng nên cần có mức án nghiêm cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhằm giáo dục, cải tạo các bị cáo và răn đe, phòng ngừa tội phạm chung. Mức án mà cấp sơ thẩm xử phạt là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo nên không có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt hoặc cho các bị cáo được hưởng án treo theo yêu cầu kháng cáo của các bị cáo.

[4] Đối với hành vi của các đối tượng Nguyễn Hồng Tươi, Nguyễn Thị Son, Võ Thị Bé Thủy, Lê Văn Ni, Nguyễn Văn Thừa, Võ Hải Đăng, Trần Thanh Triều, Kiều Công Minh, Lý Minh Hải, Trần Thị Kiều Hạnh; hành vi làm giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của bị cáo H và hành vi sử dụng giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm của các bị cáo khác và 225 công nhân trực tiếp thanh toán tiền của Quỹ bảo hiểm xã hội: Cấp sơ thẩm đã điều tra, làm rõ và kết luận không có cơ sở để xử lý về hình sự là có căn cứ nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Đối với hành vi của ông Lý Minh Quang, Nguyễn Thành Xuân, Lê Bá Hiến, Lê Văn Hiền: Cấp sơ thẩm đã tách ra và kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ, nếu có đủ cơ sở thì xử lý theo quy định pháp luật nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[5] Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[6] Án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng).

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuyên bố các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H phạm tội “Gian lận bảo hiểm xã hội”.

Căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 214; Điều 17; Điều 50; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Xử phạt bị cáo Phạm Thị Ngọc T 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành phạt tù tính từ ngày chấp hành án.

Căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 214; Điều 17; Điều 50; điểm b, s, n khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Cẩm H 05 (năm) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày chấp hành án.

Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm h khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Các bị cáo Phạm Thị Ngọc T và Nguyễn Thị Cẩm H mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

Số tiền 28.512.036 đồng (hai mươi tám triệu năm trăm mười hai nghìn không trăm ba mươi sáu đồng) bị cáo Phạm Thị Ngọc T nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Hậu Giang theo Biên lai thu tiền số 0002687 ngày 03 tháng 6 năm 2022 được giải quyết trong quá trình thi hành án.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1134
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội gian lận bảo hiểm xã hội số 63/2022/HS-PT

Số hiệu:63/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hậu Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:15/06/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về