Bản án về tội giả mạo trong công tác số 31/2021/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

BẢN ÁN 31/2021/HS-PT NGÀY 30/03/2021 VỀ TỘI GIẢ MẠO TRONG CÔNG TÁC

Ngày 30 tháng 3 năm 2021 tại Trụ sở Toà án nhân tỉnh Thái Nguyên xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm, thụ lý số 05/2021/TLPT-HS ngày 07 tháng 01 năm 2021, do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T và các bị cáo khác đối với bản án hình sự sơ thẩm số 176/2020/HS-ST ngày 30/11/2020 của Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Văn T; tên gọi khác: Không có; sinh năm 1991 tại thành phố Hà Nội; Nơi ĐKHKTT: Thôn NS, xã KS, thị xã ST, thành phố Hà Nội; Chỗ ở: Tòa nhà 2A, V 7, ngõ 136 HTM, phường PD, quận BTL, thành phố Hà Nội; Nghề nghiệp: Sinh viên; Trình độ văn hoá: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Con ông: Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1955; Con bà: Vũ Thị C, sinh năm 1953; Có vợ là: Trần Thị Ngân H, sinh năm 1994 và có 01 con sinh năm 2018; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 23/12/2019 đến ngày 31/12/2019 được thay thế biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (vắng mặt tại phiên tòa).

2. Trần Văn H1; tên gọi khác: Không có; sinh năm 1990 tại Nam Định; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Xóm 5, thôn TM, xã YM, huyện YY, tỉnh Nam Định; Nghề nghiệp: Tự do; Trình độ văn hoá: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Con ông: Trần Văn B, sinh năm 1963; Con bà: Trần Thị C1, sinh năm 1967; Có vợ là: Đỗ Thị P, sinh năm 1993; có 01 con, sinh năm 2020; Tiền án, tiền sự: Không; bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam, hiện đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt tại phiên tòa).

3. Bùi Nguyễn H4; tên gọi khác: Không có; sinh năm 1983 tại Thái Nguyên; Nơi đăng ký HKTT: TKL2, thị trấn Đ, huyện PL, tỉnh Thái Nguyên;

1 Chỗ ở: TTTCĐCN & KTCN thuộc xã TT, thị xã PY, tỉnh Thái Nguyên; Nghề nghiệp: Giáo viên; Trình độ văn hoá: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Con ông: Bùi Anh Đ1, sinh năm 1954, Con bà: Trần Thị N, sinh năm 1957; Có vợ là: Đặng Thị Phương T1, sinh năm 1984 và có 01 con sinh năm 2014; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam, bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt tại phiên tòa).

Người bào chữa cho các bị cáo:

Bà Nguyễn Thị G và bà Đỗ Thị Thúy P1 – Luật sư văn phòng Luật sư MT, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Bào chữa cho bị cáo Trần Văn H1. (Luật sư G và Luật sư P1 có mặt) Ông Chu Thành N1 và ông Trần Anh D – Luật sư công ty Luật TNHH TK, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn T (Luật sư N1 và Luật sư D vắng mặt tại phiên tòa).

Trong vụ án này, các bị cáo Nguyễn Bá V, Hoàng Đại P2 có kháng cáo xin giảm hình phạt. Ngày 04/3/2021 các bị cáo Nguyễn Bá V và bị cáo Hoàng Đại P2 đã có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo. Tòa án đã ra thông báo về việc rút kháng cáo theo quy định. (Nguyễn Bá V, Hoàng Đại P2 có mặt tại phiên tòa).

Các bị cáo Đỗ Đức T2, Tạ Thị Thu H và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không bị kháng nghị, vắng mặt do Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trường Cao đẳng Công nghệ và kinh tế Công nghiệp (gọi tắt là trường Cao đẳng CN&KTCN) thuộc Bộ Công thương có địa chỉ thuộc xã TT, thị xã PY, tỉnh Thái Nguyên, trường nhiệm vụ đào tạo 04 chuyên ngành trong đó có chuyên ngành Kỹ thuật điện, Kế toán theo hình thức đào tạo tập trung các hệ Trung cấp, Cao đẳng, liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng đối với các thí sinh đã tốt nghiệp Trung cấp. Trong đó hệ Cao đẳng có thời gian đào tạo là 2,5 năm; Trung cấp là 1,5 năm; Liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng là 12 tháng đối với các sinh viên đã có bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề.

Niên khóa 2017 – 2019, trường Cao đẳng CN&KTCN được phép tuyển sinh và đào tạo hệ liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng khóa 7 với 02 lớp chuyên ngành là Kỹ thuật điện và Kế toán. Danh sách từ khi nhập học được Hiệu trưởng ký duyệt đối với sinh viên học lớp chuyên ngành Kế toán là 17 sinh viên, học chuyên ngành Kỹ thuật điện là 13 sinh viên, thời gian đào tạo là 12 tháng học tập trung.

Kết thúc khóa học, căn cứ vào kết quả học tập và bài thi tốt nghiệp của các sinh viên, ngày 15/01/2019 trường Cao đẳng CN&KTCN đã thành lập Hội đồng xét duyệt tốt nghiệp cho các sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo hệ liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng khóa 7, chủ trì Hội đồng xét duyệt là ông Nguyễn Tuấn H1, Phó hiệu trưởng, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp. Căn cứ biên bản họp Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp, ông Nguyễn Tuấn H1 đã ký ban hành Quyết định v/v công nhận tốt nghiệp số 24/QĐ-CNKTCN ngày 22/01/2019 công nhận tốt nghiệp cho 17 sinh viên lớp Kế toán và 13 sinh viên lớp Kỹ thuật điện có danh sách kèm theo Quyết định.

Nhận thấy sơ hở trong việc quản lý, cấp bằng tốt nghiệp cho các học sinh, sinh viên tham gia học tập đào tạo tại trường Cao đẳng CN&KTCN, Nguyễn Bá V là Trưởng phòng đào tạo và Hoàng Đại P2 là Phó phòng đào tạo đã bàn bạc nhận hồ sơ từ các công dân có nhu cầu “mua” bằng tốt nghiệp cao đẳng nhằm vụ lợi. Trong năm 2018, Nguyễn Bá V được các công dân Trần Thanh H3 (không xác định được lai lịch, địa chỉ), Dương Thanh T3, sinh năm 1983, trú tại xóm KC, xã XP, huyện PB, tỉnh Thái Nguyên liên hệ để tham gia hệ đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Tuy nhiên tại thời điểm đó trường Cao đẳng CN&KTCN không tổ chức đào tạo hệ liên thông nào mới, muốn tham gia phải chờ trong thời gian dài nên V đã đề nghị các công dân này nộp hồ sơ học sinh, sinh viên để hợp thức vào các lớp chuyên ngành của Hệ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng khóa 7 niên khóa 2017 – 2019 từ đó cấp bằng tốt nghiệp mà không phải tham gia học tập đào tạo. Theo đó, H3 và T3 phải nộp cho V một bộ hồ sơ và kèm theo số tiền 20.000.000 đồng/1 người để được cấp bằng tốt nghiệp khống. Trong khoảng thời gian này, Bùi Nguyễn H4 là giáo viên dạy khoa điện của trường Cao đẳng CN&KTCN đã liên hệ trực tiếp với Nguyễn Bá V để nhờ V hợp thức hồ sơ, cấp bằng tốt nghiệp hệ cao đẳng khống cho 01 sinh viên cũ của H4 là Nguyễn Thanh T4, sinh năm 1991, trú tại tổ dân phố HS, phường KP, thị xã KA, tỉnh Hà Tĩnh phục vụ cho việc đi xuất khẩu lao động NB hệ kỹ sư kỹ thuật. V thông báo cho H4 biết chi phí để được cấp bằng tốt nghiệp khống là 25.000.000 đồng. H4 thông báo cho T4 chi phí cấp bằng tốt nghiệp là 25.000.000 đồng, T4 đồng ý và sau đó nói với H4 có nguyện vọng nhận bằng tốt nghiệp loại khá, H4 đồng ý với điều kiện phải chi phí thêm 7.000.000 đồng. T4 đồng ý và chuyển cho H4 32.000.000 đồng. Sau đó, H4 đã chuyển cho V 01 bộ hồ sơ mang tên Nguyễn Thanh T4 cùng số tiền 25.000.000 đồng. H4 giữ lại 7.000.000 đồng.

Ngoài Bùi Nguyễn H4 còn có Đỗ Đức T2 liên lạc, trao đổi với Nguyễn Bá V về việc đăng ký cho công dân Phạm Hữu P3, sinh năm 1979, trú tại thôn B, thị trấn T, huyện LT, tỉnh Bắc Ninh là người quen của T2 tham gia một khóa đào tạo liên thông, V thông báo cho T2 biết các hệ liên thông của nhà trường đã tổ chức đào tạo, đối với nhu cầu tham gia lớp kế toán của P3 thì chỉ “gài, ghép” hồ sơ của P3 vào hệ liên thông khóa 7 từ đó cấp bằng tốt nghiệp cho P3 ngoài việc nộp cho V một bộ hồ sơ học sinh, sinh viên của P3 còn phải nộp số tiền 20.000.000 đồng là chi phí để được cấp bằng tốt nghiệp khống. Đỗ Đức T2 đồng ý và trao đổi nội dung này với công dân Phạm Hữu P3 thì được P3 đồng ý. Sau đó, T2 đã hướng dẫn cho P3 lập một bộ hồ sơ học sinh, sinh viên và tại một quán cafe khu vực phường SH, thành phố BN, tỉnh Bắc Ninh, P3 đã đưa cho T2 01 bộ hồ sơ mang tên Phạm Hữu P3 cùng số tiền 10.000.000 đồng, T2 đã mang hồ sơ cùng số tiền 10.000.000 đồng đến trường Cao đẳng CN&KTCN để nộp cho Nguyễn Bá V, số tiền còn lại khi nào có bằng sẽ đưa nốt. Khi T2 thông báo đã có bằng tốt nghiệp, P3 đi cùng T2 đến trường nhận bằng tốt nghiệp, P3 đưa cho T2 10.000.000 đồng, T2 đã đưa cho V số tiền này. Tổng số tiền T2 đưa cho V là 20.000.000 đồng. Một thời gian sau, P3 đưa cho T2 5.000.000 đồng, trong đó 3.000.000 đồng cảm ơn T2 đã giúp cho P3 có được bằng tốt nghiệp, 2.000.000 đồng cảm ơn T2 đã cho P3 vay tiền trước đó.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Hoàng Đại P2 được Nguyễn Văn T (là sinh viên đang học tập hệ đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng niên khóa 2017 – 2019 tại Trường Cao đẳng CN&KTCN) trao đổi về việc T đang có một số công dân muốn tham gia một khóa đào tạo liên thông chuyên ngành Kỹ thuật điện trong thời gian ngắn để được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng hệ kỹ thuật phục vụ xuất khẩu lao động NB. Hoàng Đại P2 nói với T muốn có bằng tốt nghiệp nhanh thì phải hợp thức vào hệ liên thông đang học tập đào tạo để được cấp bằng tốt nghiệp, cần nộp một bộ hồ sơ học sinh, sinh viên của các công dân kèm theo chi phí để được cấp bằng tốt nghiệp mà không phải qua học tập đào tạo là 16.000.000 đồng/01 trường hợp. Trước khi liên hệ với P2, Nguyễn Văn T được Phạm Thùy N1, sinh năm 1995, trú tại xóm ĐC, xã ĐT, TX. PY, tỉnh Thái Nguyên liên hệ nhằm đăng ký cho công dân Vũ Công M, sinh năm 1997, trú tại xóm TX 4, xã TT, TX. PY, tỉnh Thái Nguyên (là em họ của N1) tham gia một khóa đào tạo liên thông đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật ngắn ngày để được cấp bằng tốt nghiệp phục vụ đi xuất khẩu lao động NB, cùng thời gian đó có công dân Lê Văn T1, sinh năm 1995, trú tại thôn ĐH, xã TT, huyện TL, TP. HP liên hệ với T để nhờ T tìm một trường có khả năng cấp bằng tốt nghiệp hệ Kỹ thuật mà không phải qua học tập đào tạo. T đã đồng ý với lời đề nghị của N1 và T1, đồng thời hướng dẫn cho N1, T1 lập hồ sơ học sinh, sinh viên và thông báo chi phí kèm theo hồ sơ (đối với N1, T thông báo số tiền phải nộp là 34.000.000 đồng; T thông báo với T1 số tiền phải nộp là 16.000.000 đồng). Sau khi lập hồ sơ học sinh, sinh viên xong, N1 và T1 trực tiếp đưa cho T các bộ hồ sơ mang tên Vũ Công M và Lê Văn T1 kèm theo số tiền mà T đã thông báo từ trước.

Cũng trong thời gian này, T được Trần Văn H1 là người có quan hệ quen biết với T liên hệ để đăng ký cho các công dân quen biết của H1 tham gia một khóa đào tạo liên thông ngắn ngày chuyên ngành kỹ thuật để được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng nhanh phục vụ đi xuất khẩu lao động NB, T thông báo cho H1 biết các công dân của H1 cần lập một bộ hồ sơ học sinh, sinh viên kèm theo số tiền 16.000.000 đồng. Thông qua mối quan hệ quen biết với Nguyễn Thị L, sinh năm 1990, trú tại xóm 10, xã AH, huyện KS, tỉnh N1 B, H1 đã nhận hồ sơ của các công dân Nguyễn Văn T5, Nguyễn Hữu Đ1, Lê Anh D là người quen của L nhờ một trường có khả năng “học nhanh, lấy bằng nhanh” phục vụ cho việc xuất khẩu lao động, cùng thời gian đó có Chu Văn H5 thông qua mạng xã hội đã liên hệ với H1 để nhờ H1 giúp H5 “mua” bằng tốt nghiệp cao đẳng phục vụ nhu cầu xin việc làm. Sau đó, H1 liên hệ với Nguyễn Văn T và được T thông báo mỗi trường hợp cần nộp một bộ hồ sơ học sinh, sinh viên kèm theo số tiền 16.000.000 đồng/01 trường hợp. Tuy nhiên, khi liên hệ với L, H1 thông báo số tiền cần nộp là 19.000.000 đồng/01 trường hợp và nhận 03 bộ hồ sơ của T5, Đ1, D cùng tổng số tiền 57.000.000 đồng từ Nguyễn Thị G1, (sinh năm 1990, trú tại tổ 28, phường HB, quận HK, TP. Hà Nội) là người quen của L. Đối với bộ hồ sơ của Chu Văn H5, H1 trực tiếp liên hệ trao đổi với H5 và nhận hồ sơ cùng số tiền 16.000.000 đồng của H5 tại một quán cafe trên đường QT, quận HĐ, TP. Hà Nội. Tổng cộng H1 nhận 73.000.000 đồng. H1 chuyển cho T số tiền 64.000.000 đồng để nhờ T nộp cho Hoàng Đại P2. H1 giữ lại 9.000.000 đồng. Như vậy T nhận từ H1 số tiền 64.000.000 đồng, nhận của N1 34.000.000 đồng, nhận của T1 15.000.000 đồng (T bỏ ra 1.000.000đ bù cho T1 để đủ 16.000.000đ). Tổng cộng T nhận 114.000.000 đồng. T chuyển cho P2 96.000.000 đồng, T giữ lại 18.000.000 đồng (chênh lệch từ số tiền P2 yêu cầu là 16.000.000 đồng/01 trường hợp nhưng T thông báo cho N1 trường hợp của M là 34.000.000 đồng).

Sau khi có được các bộ hồ sơ học sinh, sinh viên của các công dân, Nguyễn Văn T và Trần Văn H1 cùng đến trường Cao đẳng CN&KTCN gặp Hoàng Đại P2 để nộp hồ sơ. Đến khoảng thời gian tháng 12/2018, thông qua Nguyễn Bá V, Hoàng Đại P2 đã gửi đề thi, đáp án các môn thi tốt nghiệp cho Nguyễn Văn T để T chuyển cho các công dân làm bài rồi nộp lại cho P2 để hợp thức hồ sơ. T đã chuyển đề thi, đáp án các môn thi tốt nghiệp cho các công dân làm và thu về các bài thi tốt nghiệp của Vũ Công M, Lê Văn T1, Nguyễn Văn T5, Nguyễn Hữu Đ1, Lê Anh D, Chu Văn H5, nhà trường không tổ chức thi tốt nghiệp cho các công dân này.

Sau khi nhận tiền từ Nguyễn Văn T, Hoàng Đại P2 chuyển cho Nguyễn Bá V 72.000.000 đồng (V thông báo thu của mỗi công dân 15.000.000 đồng/01 trường hợp nhưng P2 thông báo cho T 16.000.000 đồng/01 trường hợp. Khi được nhận số tiền 96.000.000 đồng từ T, V chỉ lấy của P2 12.000.000 đồng/01 trường hợp, còn lại cho P2 số tiền 24.000.000 đồng).

Để cấp được bằng tốt nghiệp khống cho các công dân không tham gia học tập đào tạo thực tế, Nguyễn Bá V đã gọi Tạ Thị Thu H là Thư ký giáo vụ của trường Cao đẳng Công nghệ và kinh tế công nghiệp, nhân viên thuộc quản lý của Nguyễn Bá V, trực tiếp phụ trách hệ Liên thông từ trung cấp lên cao đẳng khóa 7 đến phòng làm việc. Tại phòng làm việc, V nhờ H2 thực hiện chèn thêm thông tin của 10 công dân không tham gia học tập vào danh sách công nhận tốt nghiệp đã được Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp phê duyệt để cấp bằng tốt nghiệp khống cho các công dân này và lập 10 bảng điểm toàn khóa khống cho 10 công dân không tham gia học tập đào tạo để phát cho các công dân này kèm theo bằng tốt nghiệp cao đẳng. Lúc đầu, H Đã từ chối V với lý do đã đưa Quyết định v/v công nhận tốt nghiệp cùng Danh sách các sinh viên được công nhận tốt nghiệp kèm theo quyết định cho văn thư và ông Nguyễn Tuấn H1 giữ một bản. Tuy nhiên sau đó, V tiếp tục gọi H Đến phòng làm việc và nói với H2 “cứ làm đi, tội đâu anh chịu, anh đã báo cáo sếp rồi” thì H Đã thực hiện lập một danh sách công nhận tốt nghiệp khác của 02 lớp Kế toán, Kỹ thuật điện có chèn thêm tên của các công dân, cụ thể thêm 02 công dân vào danh sách của lớp kế toán và 08 công dân vào lớp kỹ thuật điện và lập 10 bảng điểm toàn khóa khống cho 10 công dân không tham gia học tập đào tạo nêu trên (để phát cho các công dân này kèm theo bằng tốt nghiệp cao đẳng rồi chuyển lại cho V). Sau khi có được bản chỉnh sửa trang 01 của Danh sách công nhận tốt nghiệp, Nguyễn Bá V đã thay thế vào trang 01 của bản Danh sách công nhận tốt nghiệp đã được Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp phê duyệt, mang đến phòng Văn thư của trường Cao đẳng CN&KTCN để đóng dấu và chuyển cho bộ phận in bằng rồi trực tiếp chuyển cho ông Hà Văn C2 ký duyệt vào các Bằng tốt nghiệp cao đẳng trong đó có 10 bằng tốt nghiệp của các công dân không tham gia học tập đào tạo thực tế. Căn cứ vào kết quả danh sách xét công nhận tốt nghiệp cho các sinh viên đã được hội đồng xét duyệt công nhận tốt nghiệp, ông Hà Văn C2 đã ký bằng tốt nghiệp cho các sinh viên khóa 7 như đã nêu trên. Sau khi có bằng tốt nghiệp, V liên hệ với P2, T2, H4 để đề nghị 10 công dân trực tiếp đến trường nhận bằng tốt nghiệp và ký nhận vào sổ giao nhận bằng.

Từ hành vi trên: Nguyễn Bá V hưởng lợi số tiền 137.000.000 đồng; Hoàng Đại P2 hưởng lợi số tiền 24.000.000 đồng; Nguyễn Văn T hưởng lợi số tiền 17.000.000 đồng; Trần Văn H1 hưởng lợi số tiền 9.000.000 đồng; Bùi Nguyễn H4 hưởng lợi số tiền 7.000.000 đồng; Đỗ Đức T2 nhận số tiền 5.000.000 đồng do Phạm Hữu P3 đưa sau khi có được bằng tốt nghiệp, trong đó:

3.000.000 đồng là tiền hưởng lợi. Quá trình điều tra các bị cáo đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi từ việc lập và cấp khống bằng tốt nghiệp cho các công dân, cụ thể như sau: Bị cáo Nguyễn Bá V nộp số tiền 138.000.000 đồng; Bị cáo Hoàng Đại P2 nộp số tiền: 24.000.000 đồng; Bị cáo Bùi Nguyễn H4 nộp số tiền 9.000.000 đồng; Bị cáo Nguyễn Văn T nộp số tiền: 16.000.000 đồng; Bị cáo Trần Văn H1 nộp số tiền: 1.000.000 đồng; Chị Hoàng Thị T6 (vợ bị cáo Đỗ Đức T2) nộp số tiền 5.000.000 đồng. Tổng số tiền các bị cáo đã khắc phục hậu quả:

193.000.000 đồng, hiện đã chuyển vào tài khoản của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Phổ Yên chờ xử lý.

Tại bản án sơ thẩm số 176/2020/HSST ngày 30/11/2020, Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn T, Trần Văn H1 và Bùi Nguyễn H4 phạm tội “Giả mạo trong công tác”.

- Áp dụng: điểm a khoản 3 Điều 359; điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51 khoản 1 Điều 54, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T: 04 (bốn) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án, được trừ đi thời gian bị tạm giữ từ ngày 23/12/2019 đến ngày 31/12/2019.

- Áp dụng: điểm c khoản 2 Điều 359; điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51 khoản 1 Điều 54, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Trần Văn H1: 30 (ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

- Áp dụng: điểm b khoản 1 Điều 359; điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 58, Điều 38 của Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Bùi Nguyễn H4: 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

2.3. Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 5 Điều 359 của Bộ luật hình sự:

- Phạt bổ sung bị cáo Nguyễn Văn T 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng) nộp ngân sách nhà nước; Cấm làm công việc liên quan đến hành vi phạm tội với thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong bản án.

- Phạt bổ sung bị cáo Trần Văn H1 10.000.000đ (Mười triệu đồng) nộp ngân sách nhà nước; Cấm làm công việc liên quan đến hành vi phạm tội với thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong bản án.

- Phạt bổ sung bị cáo Bùi Nguyễn H4 10.000.000đ (Mười triệu đồng) nộp ngân sách nhà nước; Cấm làm công việc liên quan đến hành vi phạm tội với thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong bản án.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định tội danh, hình phạt đối với các bị cáo khác; xử lý vật chứng; nghĩa vụ nộp án phí và quyền kháng cáo bản án theo quy định.

Ngày 07/12/2020 bị cáo Trần Văn H1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương.

Ngày 10/12/2020 bị cáo Nguyễn Văn T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin cải tạo tại địa phương.

Ngày 11/12/2020 bị cáo Bùi Nguyễn H4 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin cải tạo tại địa phương.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo H1 và H4 xin được hưởng án treo, các bị cáo khai nhận về diễn biến hành vi phạm tội đúng như bản án sơ thẩm đã nêu.

Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa:

Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Văn T vắng mặt không có lý do chính đáng, Hội đồng xét xử căn cứ điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự xét xử vắng mặt bị cáo T là đúng quy định của pháp luật.

Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T:

Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong cùng vụ án; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo T về tội “Giả mạo trong công tác”, theo quy định tại khoản 3 Điều 359 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Bị cáo T chưa có tiền án, tiền sự và có nhân thân tốt. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng. Khi quyết định hình phạt đã áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo T mức án 04 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố là đã xem xét cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Tại cấp phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn T không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo T.

Kháng cáo của các bị cáo Trần Văn H1 và Bùi Nguyễn H4:

Trong vụ án này, Bùi Nguyễn H4 và Trần Văn H1 không trực tiếp lập hồ sơ để cấp khống bằng tốt nghiệp mà chỉ là người nhận hồ sơ (H1 nhận 04 hồ sơ; H4 nhận 01 hồ sơ), sau đó chuyển cho V và P2 thực hiện việc lập hồ sơ để cấp khống bằng tốt nghiệp nên các bị cáo H4 và H1 là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể, số tiền các bị cáo được hưởng lợi không lớn (bị cáo H4 được hưởng lợi 7.000.000đ, bị cáo H1 được hưởng lợi 9.000.000đ). Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính và tiền phạt bổ sung, án phí theo quyết định của bản án sơ thẩm, các bị cáo có đơn xin cải tạo tại địa phương, được Chính quyền địa phương xác nhận. Bị cáo H4 và H1 chưa có tiền án, tiền sự và có nhân thân tốt, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú và nơi làm việc ổn định, rõ ràng. Căn cứ hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự về án treo, xét thấy các bị cáo H4 và H1 có đủ các điều kiện để được hưởng án treo, việc cho các bị cáo được hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Từ phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Văn T.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Văn H1 và Bùi Nguyễn H4, sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt tù và cho các bị cáo H1, H4 được hưởng án treo.

Các bị cáo không tranh luận với kết luận của đại diện Viện kiểm sát.

Luật sư bào chữa cho bị cáo H1: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vai trò của bị cáo trong vụ án, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hoàn cảnh của bị cáo H1 để cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, cho bị cáo được cải tạo tại địa phương để tiếp tục được lao động giúp đỡ gia đình, trở thành công dân tốt.

Lời nói sau cùng, các bị cáo bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của các bị cáo gửi trong thời hạn và đúng theo thủ tục quy định nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Văn T vắng mặt không có lý do chính đáng, Hội đồng xét xử căn cứ điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự quyết định xét xử vắng mặt bị cáo Nguyễn Văn T.

[2]. Về nội dung vụ án: Căn cứ vào lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận:

Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý, cấp bằng tốt nghiệp tại trường Cao đẳng công nghệ và kinh tế công nghiệp và việc một số đối tượng trên địa bàn các tỉnh khác nhau có nhu cầu cần bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề mà không phải qua đào tạo. Trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019, tại Trường Cao đẳng công nghệ và kinh tế công nghiệp (Thuộc Bộ Công thương), có trụ sở tại: Xã TT, thị xã PY, tỉnh Thái Nguyên, với sự giúp sức của Nguyễn Văn T, Trần Văn H1, Bùi Nguyễn H4 và Đỗ Đức T2; Nguyễn Bá V (Là Trưởng phòng đào tạo) và Hoàng Đại P2 (Là Phó trưởng phòng đào tạo) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ, lập khống 10 hồ sơ học tập, bài thi tốt nghiệp rồi lưu giữ tại phòng đào tạo mà không đăng ký học tập theo quy định, đợi đến khi Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp - Trường cao đẳng công nghệ và kinh tế công nghiệp xét công nhận tốt nghiệp cho các sinh viên kết thúc khóa học, ban hành quyết định công nhận tốt nghiệp, kèm theo danh sách công nhận tốt nghiệp cho các sinh viên tham gia đào tạo thực tế, thì Nguyễn Bá V nhờ và được Tạ Thị Thu H (là Thư ký giáo vụ, trực tiếp phụ trách lớp và quản lý điểm của hai lớp liên thông (K7ALT.KTĐ, K7ALT.KT) sửa và chèn tên, thông tin cá nhân của 10 công dân không tham gia khóa học vào Danh sách xét công nhận tốt nghiệp, lập khống 10 bảng điểm toàn khóa, để Nguyễn Bá V thay thế trang 1 danh sách công nhận tốt nghiệp, rồi đến Phòng Văn thư đóng dấu, chuyển cho bộ phận in bằng tốt nghiệp, trình Hiệu trưởng ký, cấp bằng theo quy trình. Với thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Bá V và các đồng phạm khác đã thực hiện trót lọt việc lập khống hồ sơ và cấp khống 10 bằng tốt nghiệp cao đẳng của Trường Cao đẳng công nghệ và kinh tế công nghiệp cho 10 công dân gồm: Trần Thanh H3, Dương Thanh T3, Nguyễn Thanh T4, Phạm Hữu P3, Vũ Công M, Lê Văn T1, Nguyễn Văn T5, Nguyễn Hữu Đ1, Lê Anh D, Chu Văn H5, thu lời bất chính số tiền là 198.000.000đ (Một trăm chín mươi tám triệu đồng), trong đó:

- Nguyễn Văn T trực tiếp nhận 02 hồ sơ của Vũ Công M và Lê Văn T1 thu số tiền là 49.000.000đ (của M 34.000.000đ, của T1 15.000.000đ) và nhận 04 hồ sơ cùng số tiền 64.000.000đ do Trần Văn H1 chuyển đến (gồm các hồ sơ của các công dân: Nguyễn Hữu Đ1, Nguyễn Văn T5, Lê Anh D và Chu Văn H5), sau đó chuyển lại cho Hoàng Đại P2 06 hồ sơ cùng số tiền 96.000.000đ. Hoàng Đại P2 cùng với Nguyễn Bá V lập khống hồ sơ để cấp khống bằng tốt nghiệp cho các công dân nêu trên. Nguyễn Văn T đã hưởng lợi và thu lời bất chính tổng số tiền là 17.000.000 đồng.

- Trần Văn H1 trực tiếp nhận 01 hồ sơ của Chu Văn H5 cùng số tiền là 16.000.000đ và 03 hồ sơ của Nguyễn Hữu Đ1, Nguyễn Văn T5, Lê Anh D cùng số tiền 57.000.000đ thông qua Nguyễn Thị L (của Đ1: 19.000.000đ, của T5:

19.000.000đ, của D: 19.000.000đ) sau đó chuyển lại 04 hồ sơ và số tiền 64.000.000đ cho Nguyễn Văn T. Trong việc này Trần Văn H1 đã hưởng lợi và thu lời bất chính tổng số tiền là 9.000.000 đồng.

- Bùi Nguyễn H4 trực tiếp nhận 01 hồ sơ của Nguyễn Thanh T4 cùng số tiền là 32.000.000đ, sau đó chuyển lại hồ sơ và số tiền 25.000.000đ cho Nguyễn Bá V. Bùi Nguyễn H4 đã hưởng lợi và thu lời bất chính tổng số tiền là 7.000.000 đồng.

Hành vi của các bị cáo đã thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, làm mất uy tín của nhà trường trong công tác tuyển sinh đào tạo nói riêng và hệ thống giáo dục đào tạo sau phổ thông nói chung. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên.

Với hành vi trên, các bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

[3]. Xét kháng cáo của các bị cáo:

Kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T:

Trong đơn kháng cáo bị cáo T cho rằng số lượng hồ sơ bị cáo giúp sức làm giả là 02 hồ sơ do bị cáo trực tiếp chuyển cho P2; 04 bộ hồ sơ do H1 tự chuyển cho P2. Về nội dung này, Hội đồng xét xử thấy: Căn cứ vào lời khai của Trần Văn H1, Hoàng Đại P2 (bút lục số 261 – 263); lời khai của P2 tại phiên tòa hôm nay và lời khai của chính bị cáo T trong quá trình điều tra (bút lục 290 – 291) đã có đủ căn cứ xác định bị cáo T là người trực tiếp nhận 02 hồ sơ và nhận từ Trần Văn H1 04 bộ hồ sơ và nhận của H1 số tiền 64.000.000đ; nhận của Lê Văn T1 15.000.000đ; nhận của Vũ Công M (thông qua Phạm Thùy N1) 34.000.000đ; sau đó T là người trực tiếp chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của P2 số tiền 50.000.000đ; chuyển trực tiếp 46.000.000đ. Sau khi nhận hồ sơ và tiền của T, P2 đã chuyển đề thi và đáp án cho T để T chuyển cho các đối tượng đã nộp hồ sơ. Khi làm xong bài thi, những người này chuyển cho T để T chuyển cho P2 để làm các thủ tục cấp bă ng khống cho các công dân nói trên.

Như vậy có đủ căn cứ xác định bị cáo T đã giúp sức cho P2 nhận và làm 06 bộ hồ sơ để làm bằng tốt nghiệp khống, do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 06 hồ sơ như kết luận của Tòa án cấp sơ thẩm là đúng.

Quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo khác, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội Giả mạo trong công tác”, theo quy định tại khoản 3 Điều 359 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Bị cáo T chưa có tiền án, tiền sự và có nhân thân tốt. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng. Khi quyết định hình phạt đã áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo mức án 04 năm tù, mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố là đã xem xét cho bị cáo, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật.

Tại cấp phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn T không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo T.

Kháng cáo của các bị cáo Trần Văn H1 và Bùi Nguyễn H4:

Trong vụ án này, Bùi Nguyễn H4 và Trần Văn H1 không trực tiếp lập hồ sơ để cấp khống bằng tốt nghiệp mà chỉ là người nhận hồ sơ (H1 nhận 04 hồ sơ sau đó chuyển cho T để T chuyển cho P2; H4 nhận 01 hồ sơ), sau đó chuyển cho V và P2 thực hiện việc lập hồ sơ để cấp khống bằng tốt nghiệp. Các bị cáo H4 và H1 phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể, số tiền các bị cáo được hưởng lợi không lớn (bị cáo H4 được hưởng lợi 7.000.000đ, bị cáo H1 được hưởng lợi 9.000.000đ). Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính và tiền phạt bổ sung, án phí theo quyết định của bản án sơ thẩm, các bị cáo có đơn xin cải tạo tại địa phương, được Chính quyền địa phương xác nhận. Bị cáo H4 và H1 chưa có tiền án, tiền sự và có nhân thân tốt, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú và nơi làm việc ổn định, rõ ràng. Căn cứ hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự về án treo, xét thấy các bị cáo H4 và H1 có đủ các điều kiện để được hưởng án treo, việc cho các bị cáo được hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ chấp nhận.

Đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo H1, Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật.

[4]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Kháng cáo của bị cáo T không được chấp nhận nên bị cáo phải nộp án phí hình sự phúc thẩm. Kháng cáo của các bị cáo H1, H4 được chấp nhận nên các bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

[5]. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 176/2020/HSST ngày 30/11/2020 của Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đối với bị cáo Nguyễn Văn T.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Văn H1 và Bùi Nguyễn H4. Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 176/2020/HSST ngày 30/11/2020 của Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đối với các bị cáo Trần Văn H1 và Bùi Nguyễn H4.

Tuyên bố: các bị cáo Nguyễn Văn T, Bùi Nguyễn H4, Trần Văn H1 phạm tội “Giả mạo trong công tác”.

1. Về hình phạt:

1.1. Áp dụng: điểm a khoản 3 Điều 359; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 38 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T: 04 (bốn) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành bản án, được trừ đi thời gian bị tạm giữ từ ngày 23/12/2019 đến ngày 31/12/2019.

1.2. Áp dụng: điểm c khoản 2 Điều 359; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 17; Điều 58; Điều 65 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Trần Văn H1: 30 (ba mươi) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 (sáu mươi) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

1.3. Áp dụng: điểm b khoản 1 Điều 359; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Bùi Nguyễn H4: 18 (mười tám) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 (ba mươi sáu) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Trần Văn H1 cho Ủy ban nhân dân xã YM, huyện YY, tỉnh Nam Định giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Giao bị cáo Bùi Nguyễn H4 cho Ủy ban nhân dân thị trấn Đ, huyện PL, tỉnh Thái Nguyên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 3 Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, theo quy định tại Điều 93 Luật thi hành án hình sự.

2. Ghi nhận các bị cáo Trần Văn H1 và Bùi Nguyễn H4, mỗi bị cáo đã nộp số tiền 10.200.000đ ; bị cáo Nguyễn Văn T đã nộp số tiền 12.200.000đ là tiền phạt bổ sung và án phí hình sự sơ thẩm. (tại biên lai thu tiền số 0000476 ngày 01/3/2021; biên lai thu tiền số 0000477 ngày 02/3/2021 và biên lai thu tiền số 0000482 ngày 04/3/2021 của Chi cục THADS thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).

3. Án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016: Buộc bị cáo Nguyễn Văn T phải nộp 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm; các bị cáo Trần Văn H1 và Bùi Nguyễn H4 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm số 176/2020/HSST ngày 30/11/2020 của Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

118
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội giả mạo trong công tác số 31/2021/HS-PT

Số hiệu:31/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về