Bản án về tội gây rối trật tự công cộng số 10/2024/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔNG HƯNG, TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 10/2024/HS-ST NGÀY 06/02/2024 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Ngày 06 tháng 02 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 06/2024/TLST-HS ngày 26 tháng 01 năm 2024, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 08/2024/QĐXXST-HS ngày 26 tháng 01 năm 2024, đối với các bị cáo:

1. Đỗ Duy T, sinh ngày 08/02/2005 tại Thái Bình; nơi cư trú: Thôn H, xã T1, huyện Đ, tỉnh Thái Bình; trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đỗ Duy T2, sinh năm 1972 và bà Vũ Thị Y, sinh năm 1975; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt tại phiên tòa).

2. Phạm Ngọc Đ, sinh ngày 07/12/2007; nơi cư trú: Thôn H, xã T1, huyện Đ, tỉnh Thái Bình; trình độ văn hóa (học vấn): Đang là học sinh lớp 11, Trường Phổ thông trung học Đ2, huyện Đ, tỉnh Thái Bình; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn T3, sinh năm 1971 và bà Phạm Thị L, sinh năm 1975; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt tại phiên tòa).

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo Phạm Ngọc Đ: Ông Phạm Văn T2, sinh năm 1971 (bố đẻ bị cáo Đ) và bà Phạm Thị L, sinh năm 1975 (mẹ đẻ bị cáo Đ); đều trú tại: Thôn H, xã T1, huyện Đ, tỉnh Thái Bình (đều có mặt tại phiên tòa).

- Đại diện Trường Trung học phổ thông Đ2, huyện Đ, tỉnh Thái Bình: Ông Nguyễn Đức H- Chủ tịch Công đoàn trường THPT Đông Quan (có mặt tại phiên tòa).

- Người bào chữa cho bị cáo Phạm Ngọc Đ: Bà Đinh Thị Thu T – Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thái Bình (có mặt tại phiên tòa).

* Người làm chứng:

- Ông Nguyễn Xuân P, sinh năm 1974; trú tại: Thôn H, xã T1, huyện Đ, tỉnh Thái Bình (vắng mặt).

- Bà Lý Thị T3, sinh năm 1965; trú tại: Thôn H, xã T1, huyện Đ, tỉnh Thái Bình (vắng mặt).

- Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1964; trú tại: Thôn H2, xã T1, huyện Đ, tỉnh Thái Bình (vắng mặt).

- Bà Đỗ Thị T4, sinh năm 1974; trú tại: Thôn V, xã T1, huyện Đ, tỉnh Thái Bình (có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đỗ Duy T tìm hiểu trên mạng xã hội về cách thức làm pháo nổ, nguyên liệu làm pháo nổ có sử dụng pháo bông (loại pháo hoa sử dụng trong các buổi sinh nhật). Ngày 20/01/2024, T điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave alpha, biển kiểm soát 17B3-678.xx, của gia đình từ nhà lên thành phố Thái Bình chơi, khi thấy một quán bán bánh sinh nhật (T không nhớ tên và địa chỉ cụ thể), T nảy sinh ý định vào mua pháo bông mang về làm nguyên liệu chế pháo nổ. T dừng xe vào quán hỏi mua được 20 thanh pháo bông của người phụ nữ khoảng 30 tuổi là chủ quán với giá 50.000 đồng (Năm mươi nghìn đồng) rồi mang về nhà. Đến tối cùng ngày, tại phòng ngủ của mình, T sử dụng 20 thanh pháo bông vừa mua cùng với giấy có dòng kẻ, loại giấy viết của học sinh, khổ A4 đã cũ và băng dính đen cách điện có sẵn của gia đình chế tạo ra 10 quả pháo nổ, mỗi quả pháo dài 18 cm, đường kính khoảng 1,3 cm. Cách thức làm như sau: T dùng 01 tờ giấy giấy khổ A4 đặt bên dưới, tiếp tục đặt 02 thanh pháo bông ghép vào nhau để ngang bên trên bề mặt giấy, rồi quấn tờ giấy đó lại thành nhiều lớp vòng quanh thanh pháo bông tạo thành quả pháo hình tròn, một đầu quả pháo để thò ra một đoạn pháo bông làm ngòi dẫn, lớp ngoài cùng quấn băng dính màu đen để cố định quả pháo. Sau khi làm xong, T bỏ 10 quả pháo vào túi nilon và cất giấu dưới gầm giường ngủ của mình, sau đó đã 02 lần đốt pháo tại thôn H. Cụ thể:

Lần thứ nhất: Sáng ngày 23/01/2024, T đi xe mô tô của gia đình ra đường thôn thì gặp Phạm Ngọc Đ là anh họ, Đ nhờ T chở đến Trường trung học phổ Đ2, huyện Đông Hưng để đi học. Đến nơi, Đ hẹn T đến đón Đ sau khi tan học. T đồng ý rồi đi về nhà. Tại nhà, T nảy sinh ý định sẽ mang những quả pháo T đã làm để đốt khi đi đón Đ. Khoảng hơn 10 giờ cùng ngày, T lấy ra 05 quả pháo giấu vào trong túi áo khoác bên trái, lấy một chiếc bật lửa ga màu đỏ của gia đình bỏ vào túi áo khoác bên phải rồi điều khiển xe mô tô của gia đình đi đón Đ. Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày đón được Đ, T chở Đ về nhà. Trên đường về, khi đi đến khu vực ngã tư đường trục thôn H, xã T1, nơi có nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường và gần Trường tiểu học xã, T điều khiển xe đi chậm lại, dùng tay trái lấy 03 quả pháo trong túi áo khoác ra, tay trái vừa lái xe vừa cầm pháo. T tiếp tục dùng tay phải lấy bật lửa trong túi áo ra rồi bật lên, châm lửa vào ngòi dẫn từng quả một. Khi ngòi pháo cháy, T ném từng quả pháo đó xuống mép đường bên phải theo chiều đi, cứ sau khoảng 02 đến 03 giây sau pháo nổ vang. Đi tiếp một đoạn nữa, T lấy nốt 02 quả còn lại trong túi áo khoác đưa cho Đ cầm và bảo Đ đốt hai quả pháo này, Đ đồng ý. T điều khiển xe di chuyển tiếp trên trục đường thôn H, đến khu vực quán cắt tóc của anh Phạm Thanh N, Đ ngồi sau, dùng bật lửa ga màu đỏ của Đ mang theo để đốt 01 quả pháo đầu tiên rồi ném vào mép đường bên phải nhưng pháo chỉ cháy hết phần thuốc pháo bông bên trong, không nổ. T điều khiển xe đi tiếp khoảng 10 mét nữa, Đ đốt nốt quả còn lại rồi ném ra mép đường, quả pháo này nổ gây tiếng vang. Sau khi đốt hết 05 quả pháo nổ, T chở Đ về nhà Đ rồi quay về nhà mình.

Lần thứ hai: Sau khi ăn trưa xong, đến khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, T lấy 5 quả pháo còn lại bỏ vào túi áo rồi đi xe mô tô một mình ra Đình Sồng thuộc thôn H, xã T1, đến cổng T gặp Đ đi chơi về đến cổng đình. T lấy 05 quả pháo giơ lên và rủ Đ đốt tiếp nhưng Đ không đồng ý, Đ đứng ngoài cổng Đình. T cầm pháo một mình đi vào khu vực gốc nhãn bên trong sân Đình và dùng bật lửa đốt hết 05 quả pháo ném vào cạnh gốc nhãn, cả 05 quả pháo đều cháy và gây tiếng nổ vang. Sau khi T đốt pháo xong, T và Đ đi về.

Quá trình T và Đ đốt pháo có một số người dân nghe thấy tiếng phảo nổ, nhìn thấy Trường xuất hiện ở khu vực đốt pháo, trong đó có ông Nguyễn Xuân P ở thôn với Trường, ông P đã đến cơ quan Công an trình báo.

- Tại phiên tòa:

+ Các bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân như nội dung Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng đã truy tố. Các bị cáo không có khiếu nại gì về hành vi và quyết định tố tụng của người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng.

+ Lời khai của những người làm chứng là ông Nguyễn Xuân P, bà Lý Thị T3, bà Nguyễn Thị H và bà Đỗ Thị T4 thể hiện: Đã nghe thấy tiếng pháo nổ và nhìn thấy T và Đ có mặt tại khu vực có pháo nổ.

+ Người đại diện hợp pháp và Người bào chữa cho bị cáo Đ đều trình bày: Bị cáo Đ có tài sản riêng là số tiền 15.000.000 đồng gửi tiết kiệm nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo Đ để tạo điều kiện cho bị cáo Đ được tiếp tục học tập.

+ Đại diện Trường Trung học phổ thông Đ1, huyện Đông Hưng xác định:

Nhà trường đã tuyên truyền và phổ biến Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/01/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nhằm nâng cao nhận thức và tuân thủ theo đúng quy định của Luật pháp cho các học sinh của trường, đồng thời cho các học sinh ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép. Trong thời gian học tập tại trường, Phạm Ngọc Đ luôn chấp hành nội quy của Nhà trường; tuy nhiên, do bột phát Đ đã vi phạm pháp luật. Nhà trường mong Đ nghiêm túc sửa chữa lỗi lầm của mình và tuyên truyền cho các bạn học sinh cùng nêu cao ý thức chấp hành pháp luật để tránh những sự việc đáng tiếc xẩy ra.

Bản cáo trạng số 07/CT-VKSĐH ngày 26 tháng 01 năm 2024 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng truy tố các bị cáo Đỗ Duy T và Phạm Ngọc Đ về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng giữ quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo theo toàn bộ nội dung bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:

- Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g, o khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 58; Điều 50; Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Đỗ Duy T từ 03 tháng tù đến 06 tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

- Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 50; Điều 90; Điều 91; Điều 98, Điều 99 Bộ luật Hình sự.

Phạt tiền bị cáo Phạm Ngọc Đ từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng để sung ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra còn đề nghị xử lý vật chứng và án phí đối với các bị cáo.

- Các bị cáo không có lời bào chữa và không tranh luận gì với lời luận tội của Kiểm sát viên.

- Người bào chữa cho bị cáo Phạm Ngọc Đ trình bày lời bào chữa: Không có ý kiến gì về tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng truy tố các bị cáo. Bị cáo Đ là người dưới 18 tuổi nên nhận thức còn hạn chế. Bị cáo Đ có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và giữ vai trò thứ yếu trong vụ án, nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đ.

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo Phạm Ngọc Đ là ông Phạm Văn T2 và bà Phạm Thị L đều đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đ.

- Đại diện Trường Trung học phổ thông Đ2, huyện Đ, tỉnh Thái Bình: Đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đ để bị cáo Đ có điều kiện tiếp tục việc học tập.

Các bị cáo nói lời sau cùng: Các bị cáo đều rất ân hận về hành vi phạm tội của bản thân và mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Đông Hưng, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng không có ý kiến hay khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với nội dung bản cáo trạng, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại giai đoạn điều tra và được chứng minh bằng các tài liệu chứng cứ sau: Biên bản sự việc việc do Công an xã T1lập ngày 23/01/2024 và Báo cáo vụ việc của ông Nguyễn Xuân P; Báo cáo vụ việc của Ủy ban nhân dân xã T1, Công an xã T1và Báo cáo của đại diện cơ sở thôn H; Biên bản khám nghiệm hiện trường, Sơ đồ hiện trường và Bản ảnh hiện trường do Công an xã T1 lập ngày 23/01/2024; Biên bản khám nghiệm hiện trường, Sơ đồ hiện trường, Sơ đồ xác định vị trí hiện trường và Bản ảnh hiện trường do Công an huyện Đông Hưng lập ngày 25/01/2023; Biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu bị tạm giữ; Lời khai của những người làm chứng: ông Nguyễn Xuân P, bà Lý Thị T3, bà Nguyễn Thị H1, bà Đỗ Thị T4; cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Đỗ Duy T, sinh ngày 08/02/2005 và Phạm Ngọc Đ, sinh ngày 07/12/2007 (16 năm 1 tháng 16 ngày tuổi) đều trú tại thôn H, xã T1, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có hành vi đốt pháo nổ do Đỗ Duy T tự chế làm phát ra tiếng nổ tại nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương. Trong đó:

- Khoảng 10 giờ 45 phút đến khoảng 11 giờ ngày 23/01/2024, tại trục đường thôn H, xã T1, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Đỗ Duy Trường đốt 03 quả pháo nổ và Phạm Ngọc Đ đốt 02 quả pháo nổ.

- Khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày Đỗ Duy Trường tiếp tục đốt 05 quả pháo nổ tại Đình Sồng thuộc thôn H, xã T1, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình phát ra tiếng nổ Hành vi nêu trên của Đỗ Duy T và Phạm Ngọc Đ đã phạm vào tội “Gây rối trật tự công công” theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật hình sự như Viện kiểm sát đã truy tố.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

[3]. Xét tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của các bị cáo thấy: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã đốt pháo nổ tại nơi công cộng, nơi có dân cư sinh sống và nhiều người qua lại, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân xung quanh, gây tác động xấu đến một bộ phận giới trẻ thanh thiếu niên, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Đông Hưng. Hậu quả mà các bị cáo gây ra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

[4]. Xét vai trò của các bị cáo trong vụ án thấy: Trong vụ án này xác định là vụ án có tính chất đồng phạm giản đơn. Trong đó T là người trực tiếp chế tạo pháo nổ và đốt pháo nổ ở 02 địa điểm khác nhau, đồng thời xúi dục Đ (là người dưới 18 tuổi) đốt pháo tại khu vực đường trục thôn H. Vì vậy, Trường giữ vai trò chính trong vụ án và Đ vai trò là đồng phạm với T.

[5]. Khi quyết định hình phạt, xét thấy:

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo T bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” và “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm g, o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Đ không bị áp dụng tình tiết tăng nặng nào.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Cả 02 bị cáo đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “người phạm tội thành khẩn khai báo” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Đ được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo T có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố đẻ mắc bệnh tâm thần nên được xem xét áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[6]. Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân và độ tuổi của các bị cáo; Hội đồng xét xử thấy rằng:

- Đối với bị cáo T: Cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung.

- Đối với bị cáo Đ: Khi phạm tội mới 16 tuổi 01 tháng 16 ngày; hiện tại Đ đang học lớp 10, mức độ tham gia của Đ không lớn. Đ có tài sản riêng gửi tiết kiệm nên cần áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với Đ để tạo điều kiện cho Đ được tiếp tục công việc học tập.

[7]. Về xử lý vật chứng: Cần tịch thu tiêu hủy các xác pháo, băng dính và các cuộn giấy là công cụ mà Đỗ Duy T sử dụng vào việc phạm tội.

[8]. Về các tình tiết có liên quan trong vụ án:

- Đối với người bán pháo bông sinh nhật là loại pháo được lưu hành, T không nhớ địa chỉ chụ thể nên không có căn cứ xác minh.

- Về nguồn gốc số tiền 50.000 đồng dùng vào việc mua pháo bông là do T lao động mà có.

- Đối với 02 chiếc bật lửa ga, 02 bị cáo dùng để đốt pháo nổ, 01 chiếc Trường vứt bỏ tại khu vực Đình Sồng, Cơ quan điều tra đã truy tìm nhưng không thấy còn 01 chiếc bật lửa ga của Đ dùng để đốt pháo, Đ không nhớ để ở đâu nên không có căn có căn cứ truy tìm.

[9]. Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[10]. Về quyền kháng cáo: Các bị cáo; đại diện hợp pháp của bị cáo Đ; Người bào chữa cho bị cáo Đ và đại diện Trường Trung học phổ thông Đông Quan có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Các bị cáo Đỗ Duy T và Phạm Ngọc Đ phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” - Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g, o khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 58; Điều 50; Điều 38 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Đỗ Duy T 03 tháng (Ba tháng) tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

- Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 50; Điều 90; Điều 91; Điều 98, Điều 99 Bộ luật Hình sự.

Phạt tiền bị cáo Phạm Ngọc Đ 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng) để sung ngân sách Nhà nước.

2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự; khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tịch thu tiêu hủy: 01 phong bì thư bên trong có chứa “mảnh giấy, băng dính thu tại chân tường bao vườn nhà ông Phạm Văn H”; 01 bọc giấy bên trong có chứa 05 cuộn giấy được niêm phong bởi Công an xã T1; 01 hộp bìa catton bên trong có chứa 05 cuộn giấy được niêm phong bởi Công an xã T1.

(Các đồ vật và tài sản trên đã được bàn giao sang Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Hưng ngày 26/01/2024) 3. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Các bị cáo Bị cáo Đỗ Duy T và Phạm Ngọc Đ mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo: Các bị cáo; đại diện hợp pháp của bị cáo Phạm Ngọc Đ; Người bào chữa cho bị cáo Phạm Ngọc Đ và đại diện Trường Trung học phổ thông Đ1, huyện Đông Hưng có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

113
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội gây rối trật tự công cộng số 10/2024/HS-ST

Số hiệu:10/2024/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đông Hưng - Thái Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/02/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về