Bản án về tội gây rối trật tự công cộng số 03/2023/HSPT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 03/2023/HSPT NGÀY 10/01/2023 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Ngày 10 tháng 01 năm 2023, tại trụ sở, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình mở phiên toà phúc thẩm xét xử công khai vụ án hình sự thụ lý số 115/2022/TLPT- HS ngày 14/11/2022 đối với bị cáo Phạm Văn H và đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H và Lưu Đức B đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 49/2022/HSST ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Phạm Văn H, sinh ngày 27/10/1990 tại huyện T, tỉnh Quảng Bình, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn T, xã S, huyện T, tỉnh Quảng Bình; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ văn hóa: lớp 10/12; nghề nghiệp: trồng trọt; con ông Phạm Đình C và bà Mai Thị C; vợ: Đinh Thị H; con: 02 đứa, lớn nhất sinh năm 2013, nhỏ nhất sinh năm 2018; tiền án: không; tiền sự: Có 01 tiền sự: Ngày 05/02/2021 có hành vi gây rối trật tự công cộng bị Công an huyện Tuyên Hóa xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thực phạt tiền: 1.000.000đ; nhân thân: tháng 7/2016 có hành vi vận chuyển cá thể không có giấy chứng nhận của cơ quan thú y bị công an huyện Tuyên Hóa xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền 3.500.000đồng; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/10/2021 đến ngày 17/12/2021 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cho tại ngoại cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.

2. Phạm Văn H1, sinh ngày 05/12/1995 tại huyện T, tỉnh Quảng Bình; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Thôn T, xã S, huyện T, tỉnh Quảng Bình; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; giới tính: nam; nghề nghiệp: trồng trọt; trình độ học vấn: lớp 09/12; con ông Phạm Đình C và bà Mai Thị C; vợ: Đinh Thị C; con: có 01 đứa; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: ngày 21/11/2015 phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” bị Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa xử phạt 09 tháng tù cho hưởng án treo; bị cáo bị bắt tạm giam kể từ ngày 21/10/2021 đến ngày 17/12/2021 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cho tại ngoại cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.

3. Lưu Đức B, sinh ngày 20/9/1964 tại huyện T, tỉnh Quảng Bình; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Tiểu khu 1, thị trấn Đ, huyện T, tỉnh Quảng Bình; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; giới tính: nam; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: lớp 07/10; con ông Lưu Đức P và bà Phạm Thị N (đều đã chết); vợ: Trần Thị M (đã ly hôn); có 02 đứa con, lớn nhất sinh năm 1991, nhỏ nhất sinh năm 1993; tiền án, tiền sự: không; bị cáo được tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

Trong vụ án còn có các bị cáo Trương Thanh T, Trương Đức N và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, nhưng không có kháng cáo, không liên quan đến nội dung kháng cáo của các bị cáo nên Tòa án không triệu tập tham gia phiên tòa phúc thẩm.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do có mâu thuẫn trong việc mua, bán điện thoại di động giữa cửa hàng T N với vợ của Phạm Văn H, nên khoảng 17 giờ 30 phút, ngày 02/10/2021, Phạm Văn H điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 73C-XXXX chở Phạm Văn H1 (là em trai H) và Trương Đức N đến cửa hàng điện thoại - điện máy T N tại tiểu khu 1, thị trấn Đ, huyện T để nói chuyện. Khi đến cửa hàng thì gặp chị Lê Thị Hồng N (chủ cửa hàng) và chị Nguyễn Thị B (nhân viên bán hàng). Tại đây, H gặp chị N để nói chuyện, thì Trương Đức N đi đến dùng tay đánh vào mặt chị N, còn H có lời nói chửi bới dọa nạt chị N. Khi anh Lê Văn T (chồng chị N) về đến cửa hàng, thì N và H1 lao đến dùng tay quàng vào cổ quật ngã anh T xuống rồi dùng tay, chân đánh liên tiếp nhiều cái trúng vào người của anh T. Thấy vậy, H đi đến kéo N và H1 ra, anh T đứng dậy đi về phía bàn giao dịch của cửa hàng. Một lúc sau, ông Lưu Đức B cầm dao từ ngoài đi vào cửa hàng đưa dao lên dọa và nói: “Con thằng C về không tau cho chết”. Thấy H, N và H1 không nói gì nên Lưu Đức B đi vào của hàng rồi tiếp tục dơ dao lên chỉ vào mặt của H và nói: “Con thằng C mi có về không tau cho chết”. Khi ông B vừa bước vào thì H lao đến dùng tay giữ lấy tay cầm dao của ông B, còn N và H1 chạy đến dùng tay đánh, đấm ông B. Sau đó H tước được con dao từ tay của ông B, rồi N, H1 và H ôm và kéo ông B ra trước sân. Tiếp đó, H1 và N đánh liên tục nhiều cái vào người ông B, còn H sử dụng dao chém trúng vào đầu ông B, thấy ông B bị thương chảy máu ở đầu nên cả nhóm không đánh nữa. Lúc này, anh Lê Văn T cầm dao từ trong cửa hàng đi ra thì H cầm theo 01 con dao cùng với N và H1 rượt đuổi Lê Văn T chạy vào cửa hàng, H cầm dao lao vào để chém Lê Văn T thì bị anh T cầm dao chém trúng vào đầu. Do bị thương nên H, N và H1 đi ra lên xe ô tô đi xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa để băng bó vết thương. Trên đường đi, H gọi điện thoại cho Trương Thanh T (là anh trai của N) và nói “anh lên chứ thằng T chém em bị thương”. Sau khi nghe điện thoại, Trương Thanh T điều khiển xe ô tô biển kiểm soát: 81L - AAA đến trước cửa hàng điện thoại T N rồi chửi bới, thách thức, đe dọa những người trong cửa hàng. Cùng lúc này, H, N và H1 đi xe ô tô bán tải quay lại cửa hàng T N, đậu xe giữa đường, song song với xe của Trương Thanh T rồi cả ba xuống xe, đi vào kéo cửa của cửa hàng để đi vào, nhưng cửa đã khóa nên không vào được. Lúc đó, có anh Phạm Văn S đến bảo nhóm của Trương Thanh T và Phạm Văn H về, thì bị Trương Thanh T cầm ống kim loại (loại ống tuýp) đánh nên anh S bỏ chạy, N cầm dao đuổi theo chém về phía anh S trúng 01 (một) nhát vào tay. Sau đó H, N, H1, T lên 02 xe ô tô ra về.

Tại Bản kết luận giám định số: 133/TgT ngày 02/12/2021 của Trung tâm giám định Y khoa pháp Y tỉnh Quảng Bình kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của Phạm Văn H do thương tích gây nên hiện tại: 03% (ba phần trăm).

Tại Bản kết luận giám định số: 133/TgT ngày 02/12/2021 của Trung tâm giám định Y khoa pháp Y tỉnh Quảng Bình kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Lưu Đức B do thương tích gây nên hiện tại: 03% ( ba phần trăm).

Những người bị thương tích đều có đơn không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Về dân sự: Quá trình điều tra các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H1, Trương Đức N và Trương Thanh T đã tự thỏa thuận bồi thường cho gia đình chị Lê Thị Hồng N số tiền: 10.000.000đồng; thỏa thuận bồi thường cho bị cáo Lưu Đức B số tiền 9.000.000 đồng. Các bên đã giao nhận tiền đầy đủ và không có yêu cầu gì thêm về dân sự.

Bản án hình sự sơ thẩm số: 49/2022/HS-ST ngày 11 tháng 10 năm 20221 của Toà án nhân dân huyện Tuyên Hoá đã quyết định: Tuyên bố các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H1, Trương Thanh T, Trương Đức N và Lưu Đức B phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 318; điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Lưu Đức B; áp dụng điểm s, b khoản 1 Điều 51 đối với các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H1, Trương Thanh T và Trương Đức N; áp dụng thêm khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Trương Thanh T và bị cáo Trương Đức N. Xử phạt Phạm Văn H 26 tháng tù được trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó từ ngày 21/10/2021 đến ngày 17/12/2021; Xử phạt Phạm Văn H1 24 tháng tù được trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó từ ngày 21/10/2021 đến ngày 17/12/2021; Xử phạt Trương Đức N 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (11/10/2022); Xử phạt Trương Thanh T 20 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 40 tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (11/10/2022) và xử phạt Lưu Đức B 24 tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày chấp hành án.

Giao bị cáo Trương Đức N về cho Uỷ ban nhân dân xã L, và giao bị cáo Trương Thanh T về cho Uỷ ban nhân dân xã S, huyện T, tỉnh Quảng Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo.

Án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng vụ án, án phí hình sự sơ thẩm;

tuyên quyền kháng cáo của các bị cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 19/10/2022 và ngày 24/10/2022, các bị cáo Lưu Đức B, Phạm Văn H và Phạm Văn H1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H1 và Lưu Đức B thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên các bị cáo đều xuất trình thêm tài liệu chứng minh các bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình phát biểu quan điểm: Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội đối với từng bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ mới mà các bị cáo xuất trình tại giai đoạn phúc thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo để sửa bản án sơ thẩm theo hướng: áp dụng thêm khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự chuyển cho bị cáo Phạm Văn H1 và bị cáo Lưu Đức B được hưởng án treo; áp dụng thêm điểm v khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự, giảm cho bị cáo Phạm Văn H từ 09 đến 12 tháng tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai nhận tội của các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H1 và Lưu Đức B tại phiên toà phúc thẩm phù hợp với với các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, thể hiện: Do có mâu thuẩn trong việc mua, bán điện thoại giữa vợ của H với cửa hàng T N nên vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 02/10/2021, sau khi đã uống nhiều rượu thì bị cáo Phạm Văn H đã rủ và dùng xe ô tô chở Phạm Văn H1, Trương Đức N đến cửa hàng T N để nói chuyện. Cửa hàng T N nằm ngay ngã tư đường ở trung tâm thị trấn Đ (huyện T). Khi đến cửa hàng T N thì các bị cáo đã có thái độ hung hăng, to tiếng, rượt đuổi, đánh đập người trong cửa hàng, gây mất an ninh, trật tự tại khu vực xung quanh và trong cửa hàng T N. Quá trình thực hiện hành vi gây rối thì bị cáo H đã dùng dao chém bị cáo B bị thương; bị cáo H1 đã cầm dao bấm trong tay để dọa chị N; bị cáo B từ ngoài đường cầm dao đi vào trong cửa hàng để dọa đuổi các bị cáo H, H1 và N ra ngoài; bị cáo N đã cầm dao để rượt đuổi người đến can ngăn và bị cáo Trương Thanh T cầm ống tuýp bằng kim loại để đuổi người đến can ngăn. Với hành vi phạm tội như trên, thì cấp sơ thẩm xét xử và tuyên bố các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H1, Trương Thanh T, Trương Đức N và Lưu Đức B phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b (dùng hung khí) khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của các bị cáo thấy rằng:

- Đối với bị cáo Phạm Văn H: Trong vụ án này, bị cáo H là người khởi xướng và là người thực hiện hành vi phạm tội tích cực nhất. Do đó, bị cáo H phải chịu trách nhiệm chính và bị áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất so với các bị cáo còn lại. Bản án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự (Thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải; Tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả) để xử phạt bị cáo H mức án 26 tháng tù là phù hợp.

Tuy nhiên, xét thấy tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo H xuất trình thêm một số tài liệu mới thể hiện: Năm 2019 Phạm Văn H được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững năm 2018 – 2019”; và nhiều giấy khen khác; đơn trình bày vào ngày 11/9/2022, Phạm Văn H đã trực tiếp cứu người bị tai nạn giao thông (có xác nhận của người bị tai nạn và của chính quyền địa phương); đơn trình bày vào năm 2020 Phạm Văn H đã tham gia hoạt động từ thiện hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền cho bà con ở xã N, huyện T (Có xác nhận của chính quyền địa phương); đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Phạm Văn H của anh Lê Văn T (chủ cửa hàng T N). Xét thấy, các tài liệu trên được xem là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm v khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, cần được áp dụng thêm cho bị cáo Phạm Văn H. Mặc dù bị cáo H có thêm tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng xét về nhân thân, vai trò của bị cáo H trong vụ án thì việc có thêm tình tiết giảm nhẹ mới cũng không thỏa mãn điều kiện để được hưởng án treo, do đó Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Phạm Văn H. Nhưng do bị cáo H được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới tại giai đoạn phúc thẩm nên chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để giảm cho bị cáo H một phần hình phạt là phù hợp.

- Đối với bị cáo Phạm Văn H1: Bị cáo H1 là em ruột của bị cáo H, sau khi nghe H rủ đến cửa hàng T N thì bị cáo H1 đã đồng ý tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hành vi gây rối tại cửa hàng T N thì bị cáo H1 không tích cực bằng bị cáo H và bị cáo N, do đó xác định bị cáo H1 là đồng phạm trong vụ án với vai trò thứ yếu (sau bị cáo H và bị cáo N). Mặt khác, tại giai đoạn phúc thẩm bị cáo H1 cũng xuất trình thêm một số tài liệu mới thể hiện: Ngày 11/9/2022, Phạm Văn H1 đã cùng với anh trai là Phạm Văn H trực tiếp cứu người bị tai nạn giao thông (có xác nhận của người bị tai nạn và của chính quyền địa phương); vào năm 2020 Phạm Văn H1 đã tham gia hoạt động từ thiện hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền cho bà con ở xã N, huyện T (có xác nhận của chính quyền địa phương); anh Lê Văn T (chủ cửa hàng T N) có đơn xin cho bị cáo Phạm Văn H1 được hưởng án treo; đơn trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo là lao động chính trong nhà, bản thân bị cáo bị bệnh lao phổi, con còn nhỏ mới sinh năm 2020 (có xác nhận của chính quyền địa phương). Nội dung các tài liệu trên được xem là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Do bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới, hơn nữa bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình; bị cáo có đủ điều kiện để được hưởng án treo, nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa án sơ thẩm chuyển cho bị cáo H1 được hưởng án treo nhằm thể hiện tính khoan hồng của pháp luật.

- Đối với bị cáo Lưu Đức B: Bị cáo B là cậu họ của anh T (chủ cửa hàng T N). Mục đích của bị cáo B vào cửa hàng T N là để can ngăn không cho các bị cáo phá phách, nhưng do không làm chủ bản thân nên lúc vào can ngăn thì trong tay bị cáo B mang theo một con dao và có lời nói hăm dọa bị cáo H “con thằng C có về không tau cho chết”, làm cho tình hình diễn biến sự việc căng thẳng thêm. Việc xét xử bị cáo B về tội gây rối trật tự công cộng là đúng, tuy nhiên xét về bản chất sự việc thì do bị cáo B có ý vào để bảo vệ cho cháu (anh T) và cũng do bị cáo Bình có quen biết bố bị cáo H (ông C) nên mới ỷ thế người lớn để dọa nạt bị cáo H và đuổi bị cáo H về chứ không vì mục đích vào để đánh bị cáo H. Ngoài lời nói hăm dọa H thì bị cáo B không có hành động nào khác.

Mặt khác, bị cáo B có quá trình nhân thân tốt. Tại giai đoan phúc thẩm bị cáo B cung cấp tài liệu thể hiện bị cáo có quá trình tham gia quân đội (từ tháng 9/1983 - tháng 9/1987), hiện là Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam - thị trấn Đ, huyện T; mẹ của bị cáo (bà Phạm Thị N) là người có công với Nước, được tặng thưởng “Huy chương kháng chiến chống pháp hạng nhất”; năm 2010, bị cáo B bị chấn thương sọ não phải điều trị dài ngày tại Bệnh viên Trung ương Huế, hiện tại bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, sống một mình (vợ đã ly hôn, con sống với mẹ). Ngoài ra tháng 9/2020 bị cáo B đã có công phát hiện ra cháy rừng nên đã bất chấp nguy hiểm, xông vào dập lữa, chữa cháy rừng, nhờ có sự dũng cảm của bị cáo cùng với sự cố gắng của nhiều người dân khác nên địa phương đã dập tắt được đám cháy (có xác nhận của địa phương). Các nội dung trên được xem là tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, cần được áp dụng thêm cho bị cáo. Xét về nhân thân của bị cáo B; tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện; các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng thì không cần thiết bắt bị cáo B phải chấp hành hình phạt tù, mà cần chấp nhận kháng cáo để chuyển cho bị cáo được hưởng án treo là phù hợp.

[3] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

[4] Các bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; các điểm c, e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1.Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H1, Lưu Đức B, sửa phần hình phạt của bản án sơ thẩm:

Tuyên bố các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H1 và Lưu Đức B phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

- Áp dụng điểm điểm b khoản 2 Điều 318; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Văn H 20 (hai mươi) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo H đi chấp hành án nhưng được trừ đi thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam trước (Từ ngày 21/10/2021 đến ngày 17/12/2021).

- Áp dụng điểm điểm b khoản 2 Điều 318; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Văn H1 24 (hai bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 (bốn tám) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (10/01/2023).

- Áp dụng điểm điểm b khoản 2 Điều 318, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự, xử phạt Lưu Đức B 24 (hai bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 (bốn tám) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (10/01/2023).

Giao bị cáo Phạm Văn H1 cho Ủy ban nhân dân xã S, huyện T và giao bị cáo Lưu Đức B cho Ủy ban nhân dân thị trấn Đ, huyện T, tỉnh Quảng Bình để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian chấp hành thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn H1 và Lưu Đức B không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 10 tháng 01 năm 2023).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

101
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội gây rối trật tự công cộng số 03/2023/HSPT

Số hiệu:03/2023/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/01/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về