Bản án về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ số 222/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 222/2022/HS-PT NGÀY 21/04/2022 VỀ TỘI ĐƯA HỐI LỘ VÀ TỘI NHẬN HỐI LỘ

Ngày 21 tháng 4 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 366/2019/TLPT-HS ngày 11/7/2019 đối với bị cáo NVM và các bị cáo khác, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HSST ngày 07/6/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 84/2022/QĐPT-HS ngày 09 tháng 3 năm 2022.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Họ và tên: NVM, sinh năm 1968 tại tỉnh Đắk Nông; Nơi cư trú: Bon Bu Dâng, xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; Nghề nghiệp: Nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn Đ và bà Thị B (đều đã chết); Có vợ là Huỳnh Thị Nhã Uyên và 02 con; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 14/3/2018 đến ngày 09/10/2018; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo NVM:

- Ông Phạm Hữu Lập, là Luật sư của Công ty Luật hợp danh Anh Em Luật sư, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Ông Trần Hải Đức, là Luật sư của Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Ông Bùi Ghi Phong, là Luật sư của Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Ông Tào Văn Dũng, là Luật sư của Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Họ và tên: THA, sinh năm 1986 tại tỉnh Hà Tĩnh; Nơi cư trú: Thôn 2, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; Nghề nghiệp: Kiểm lâm viên trung cấp; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Thái Hữu N và bà Đặng Thị H; Có vợ là Nguyễn Thị M và 02 con; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo THA: Ông Nguyễn Như Hà, là Luật sư của Công ty Luật hợp danh Anh em luật sư, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

3. Họ và tên: HVH, sinh năm 1980 tại tỉnh Đắk Nông; Nơi cư trú: Thôn 5, xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; Nghề nghiệp: Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng bon BuKoh; Trình độ học vấn: 9/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: nam; Tôn giáo: Thiên Chúa giáo; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Hà K và bà Trần Thị L (đều đã chết); Có vợ là Thị H và 05 con; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo HVH: Ông Phạm Quang Long, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Nông (có mặt).

4. Họ và tên: LXD, sinh năm 1987 tại tỉnh Thanh Hóa; Nơi cư trú: Thôn 01, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lê Xuân H và bà Phạm Thị L; Có vợ là Phan Thị S và 01 con; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 27/4/2018 đến ngày 10/01/2019; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo Phạm LXD: Ông Phạm Hữu Lập, là Luật sư của Công ty Luật hợp danh Anh Em Luật sư, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Các bị cáo không kháng cáo, không bị kháng nghị 1. Họ và tên: TTD (tên gọi khác: M), sinh năm 1983 tại Thành phố Hà Nội; Nơi cư trú: Bon Mera, xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông TVM và bà Lê Thị S; Có vợ là Bùi Thị H và 01 con; Nhân thân: Bản án hình sự phúc thẩm số: 827/2003/HS-PT ngày 24/9/2003 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xử phạt 05 năm tù về tội “Cướp tài sản”, đã chấp hành xong hình phạt và được xóa án tích; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/01/2018 (vắng mặt).

2. Họ và tên: NLQ, sinh năm 1988 tại tỉnh Đắk Lắk; Nơi cư trú: Khối 6, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Minh H và bà Huỳnh Thị Xuân L; Có vợ là Đoàn Thị D và 01 con; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 01/3/2018 (vắng mặt).

3. Họ và tên: TNS, sinh năm 1990 tại Thành phố Hà Nội; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn 01, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk; Tạm trú: Thôn 4, xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ học vấn: 10/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông TVM và bà Lê Thị S; Có vợ là Hồ Thị Kim A và 01 con; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 18/9/2018 (vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Koh (vắng mặt).

- Người làm chứng:

1. Anh TLC; địa chỉ: Thôn 01, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (vắng mặt).

2. Anh TLA; địa chỉ: Thôn 10, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (vắng mặt).

3. Anh NR; địa chỉ: Thôn 10, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông (vắng mặt).

4. Ông TVM; địa chỉ: Thôn 01, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Quyết định số 1305/QĐ-UBND, ngày 10/8/2010 của UBND huyện Tuy Đức giao cho cộng đồng bon Bu Koh, xã Đắk R’Tih quản lý bảo vệ, sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp theo quy hoạch của phương án đã được phê duyệt 1.198,7 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 92,8 ha rừng thông được trồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cộng đồng bon Bu Koh có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật. Trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2015, có một số diện tích rừng thông bị chết do khai thác nhựa thông, thời tiết nắng nóng làm cháy thực bì nên sức chống chịu của cây yếu và chết. Ngày 15/3/2016, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, Hạt kiểm lâm huyện Tuy Đức, UBND huyện Tuy Đức, UBND xã Đắk R’Tih và Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Koh đã tiến hành kiểm tra và xác định: Diện tích rừng trồng thông bị chết khoảng 07,9 ha tại các tiểu khu 1491, 1502; diện tích rừng thông bị ken (bị bóc vỏ lấy nhựa) khoảng 0,7 ha tại tiểu khu 1492. Ngoài các khu vực cây thông bị chết, bị ken tập trung tại các tiểu khu nêu trên thì tại các tiểu khu 1491, 1492, 1502 có các cây thông bị chết rải rác, không xác định được nguyên nhân, Đoàn kiểm tra kiến nghị giải pháp xử lý là cắt dọn những cây thông chết, khô, mục gãy đổ để trồng lại rừng.

Đến khoảng đầu tháng 8/2017, LXD biết được thông tin về chủ trương cho khai thác thông chết, gãy đổ trong khu vực rừng thông do cộng đồng bon Bu Koh quản lý nên đã rủ TTD liên hệ với NVM là Chủ tịch UBND xã Đắk R’Tih để nhờ giúp đỡ. Để được đồng ý cho khai thác, LXD và TTD đã bàn bạc và thống nhất đưa cho NVM 200.000.000 đồng. Sau đó, LXD và TTD đến nhà NVM tại bon Bu Dâng, xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức đưa cho NVM 200.000.000 đồng và NVM đồng ý cho LXD và TTD khai thác thông trong khu vực nêu trên. Sau khi nhận tiền, NVM đã đưa cho THA là Kiểm lâm địa bàn xã Đắk R’Tih 50.000.000 đồng và nói là tiền của LXD và TTD đưa để xin được khai thác thông. Đồng thời NVM chỉ đạo THA đưa LXD và TTD vào chỉ vị trí khai thác và làm thủ tục để LXD và TTD được khai thác thông. Sau đó, THA đã hướng dẫn cho HVH là Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Koh làm tờ trình số 03 ngày 18-8-2017 và tham mưu cho UBND xã Đắk R’Tih làm tờ trình số: 65/TTr-UBND về việc xin cắt dọn và tận dụng củi trên những diện tích rừng thông bị chết gửi UBND huyện Tuy Đức. Sau đó, NVM đã liên hệ trực tiếp với ông NNL là Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức để nhờ ông NNL ký văn bản đồng ý chủ trương cho khai thác, tận dụng thông chết, mục, gãy đổ trong khu vực rừng thông do cộng đồng bon Bu Koh quản lý.

Mặc dù chưa có văn bản đồng ý của UBND huyện Tuy Đức nhưng NVM đã cho phép LXD và TTD khai thác thông chết ở khu vực gần bờ đập thôn 4, xã Đắk R’Tih. Để thực hiện việc khai thác, LXD và TTD rủ thêm NLQ, TNS (là em trai của TTD) cùng tham gia quản lý, chỉ đạo trong quá trình khai thác rừng thông và thỏa thuận sau khi khai thác xong sẽ chia lợi nhuận. Bắt đầu từ khoảng cuối tháng 8/2017 LXD và TTD thông qua NLQ thuê nhóm người của YT thực hiện việc khai thác thông tại khu vực bờ đập thôn 4, xã Đắk R’Tih. Nhóm này gồm 10 người thay phiên nhau thực hiện cưa cắt, bốc xếp lên xe cày và từ xe cày bốc xếp lên xe tải để đi tiêu thụ.

Ngày 18/9/2017, UBND huyện Tuy Đức ban hành Công văn số 1334/CV-UBND, do ông NNL - Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức ký, về việc đồng ý cho cộng đồng bon Bu Koh thực hiện cắt dọn và tận dụng củi thông bị chết, mục, gãy đổ, dọn dẹp thực bì kịp để thời trồng lại rừng năm 2017. Giao cho UBND xã Đắk R’Tih kiểm tra, giám sát, theo dõi trong quá trình thực hiện cắt dọn, tận dụng củi thông và nghiệm thu củi thông trên diện tích 15,4 ha.

Ngày 20/9/2017, NVM đã chỉ đạo THA và HVH thực hiện ký kết hợp đồng khai thác với LXD trên diện tích 09,6 ha, tuy nhiên thực tế việc khai thác đã được thực hiện ra từ cuối tháng 8/2017. Để tạo điều kiện cho LXD và TTD thực hiện việc khai thác, vận chuyển gỗ, củi thông được thuận lợi NVM, THA và HVH đã ký xác nhận khống bảng kê lâm sản vào ngày 15/9/2018 và biên bản xác minh nguồn gốc gỗ đã khai thác trước khi có văn bản đồng ý cho khai thác, tận thu của UBND huyện Tuy Đức. Đối với việc xác nhận vận chuyển, LXD trực tiếp lập và đưa cho NVM ký, để trống khối lượng, biển số xe vận chuyển và nơi vận chuyển đến, sau đó LXD và TTD tự điền thông tin để vận chuyển, do đó khối lượng thực tế khai thác không xác định được.

Việc khai thác diện tích 09,6 ha rừng thông theo hợp đồng đã ký giữa LXD và Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Koh được thực hiện đến đầu tháng 10/2017 thì kết thúc, toàn bộ diện tích trên là do nhóm YT trực tiếp khai thác là thông chết. Quá trình thực hiện NLQ là người trực tiếp giám sát việc khai thác và cùng với TNS tính toán khối lượng thanh toán tiền cho nhóm YT. Trong quá trình khai thác, NLQ là người liên hệ giúp LXD và TTD bán gỗ và củi thông cho Công ty Đông Wha tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, với mức giá từ 950.000 đồng đến 1.100.000 đồng/tấn. Do Công ty Đông Wha chỉ nhập hàng của các đơn vị có xuất hóa đơn nên LXD và TTD liên hệ với các công ty TNHH MTV An Phát, Công ty TNHH MTV SXTM và DV Quang Hà, Công ty TNHH MTV Bạch Cúc, Công ty TNHH Như Ý Ngọc Thịnh để xuất hóa đơn cho Công ty Đông Wha. Số tiền bán gỗ thông được chuyển vào tài khoản của TNS (số tài khoản 050079960974 mở tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh tỉnh Đắk Nông), Sơn sử dụng số tiền này để thanh toán tiền công cho các nhóm khai thác, vận chuyển, san ủi đường…theo sự chỉ đạo của TTD và LXD.

Sau khi thực hiện xong hợp đồng thứ nhất, TTD và LXD tiếp tục liên hệ nhờ NVM, HVH và THA được ký hợp đồng khai thác diện tích còn lại. Đến khoảng đầu tháng 10/2017 TTD và HVH ký tiếp hợp đồng khai thác thông chết, mục, gãy đổ trên diện tích 05,8 ha. Sau khi ký hợp đồng này, TTD và LXD thống nhất đưa thêm cho NVM số tiền 150.000.000 đồng để NVM tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ cho việc khai thác.

Nhận thấy chỉ khai thác thông chết, gãy đổ thu được ít lợi nhuận nên LXD và TTD thống nhất khai thác, cắt tỉa cả cây thông đang phát triển bình thường. NLQ và TNS mặc dù biết việc khai thác thông đang phát triển bình thường là không được phép nhưng vẫn đồng ý tham gia khai thác theo sự chỉ đạo của TTD. Để khai thác nhanh với khối lượng lớn, TTD và LXD thuê nhiều nhóm do các đối tượng Lương Đức C, Nguyễn Minh H, Lê Trung K, TLC, Nguyễn Văn Đ và P (chưa xác định được nhân thân lai lịch) đứng đầu các nhóm khai thác và các đối tượng Lê Xuân Diệu là em ruột của LXD, Trần Văn H là em họ TTD trực tiếp khai thác. Các nhóm do Lê Văn D, Nguyễn Văn Đ và Phạm Xuân T tham gia vận chuyển trong khu vực rừng thông. Tham gia bốc xếp bao gồm Phùng Danh T, Phùng Danh B, Lâm Văn K, Võ Thị P, Triệu Tiến H, Triệu Phúc B, Triệu Phúc L, Triệu Phúc M và Đặng V. Quá trình khai thác, các nhóm này được TTD, NLQ và TNS chỉ đạo khai thác cả thông đang phát triển bình thường và thông chết, TTD thường xuyên ra vào khu vực khai thác để theo dõi, đôn đốc việc khai thác, TNS và NLQ có trách nhiệm chỉ đạo trong khu vực khai thác, đo đếm, tính toán khối lượng và thanh toán tiền công cho các nhóm khai thác. Việc khai thác thông của các nhóm đối tượng trên chịu sự kiểm tra, giám sát của NVM, HVH và ông Phan Văn T là cán bộ kiểm lâm địa bàn thay thế cho THA từ ngày 29/9/2017.

Để thuận tiện cho việc vận chuyển gỗ khai thác, TTD thuê Lê Văn M và Lương Văn P thực hiện ủi đường. Trong khi thực hiện việc ủi đường, có múc vào một số cây thông đang phát triển bình thường, thì bị HVH phát hiện. Do sợ HVH báo cáo cơ quan có thẩm quyền thu giữ phương tiện và yêu cầu dừng việc khai thác nên LXD và TTD đã đưa cho HVH số tiền 20.000.000 đồng để Hùng không xử lý.

Ngày 20/01/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra, phát hiện TLC, TLA và NR đang thực hiện việc cắt thông phát triển bình thường.

Kết quả khám nghiệm và phát hiện tại hiện trường từ ngày 24/01/2018 đến ngày 31/01/2018 xác định: Hiện trường khai thác tại khoảnh 7, tiểu khu 1491; khoảnh 1, 2, 3, 4 tiểu khu 1502 thuộc địa phận xã Đắk R’Tih, có 3.003 gốc cây thông bị cắt hạ, trong đó có 426 gốc cây thông tươi; có 536 lóng gỗ, củi thông tươi và 2.422 lóng gỗ, củi thông khô.

Kết quả giám định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông xác định: 426 cây thông đang phát triển bình thường bị khai thác trái phép có khối lượng 246,027 m3, giá trị thiệt hại 541.259.400 đồng.

Kết luận giám định của giám định viên thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông kết luận 536 lóng gỗ, củi thông tươi có khối lượng 36,685 m3, trị giá 64.512.140 đồng (trong đó đã xác định được từ ngày 17/01/2018 đến ngày 20/01/2018. TTD, NLQ và TNS chỉ đạo cho TLC, TLA và NR trực tiếp khai thác 56 cây thông phát triển bình thường, khối lượng 30,619 m3, tại khoảnh 1, 2 tiểu khu 1502 thuộc rừng cộng đồng bon Bu Koh, xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức. Đối với 364 cây thông phát triển bình thường còn lại bị khai thác trên hiện trường do không xác định được do nhóm đối tượng nào thực hiện việc khai thác nên không có căn cứ để xử lý.

Sau khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện việc khai thác thông tươi trái phép, LXD đã yêu cầu NVM trả lại cho LXD số tiền 300.000.000 đồng.

Cáo trạng số 10/CT-VKS-P3 ngày 16/01/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đã truy tố các bị cáo:

TTD và LXD về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 232 và điểm đ, e khoản 2 Điều 364 của Bộ luật Hình sự.

NLQ và TNS về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự.

NVM về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 354 của Bộ luật Hình sự.

THA và HVH về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 354 của Bộ luật Hình sự.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HSST ngày 07/6/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tuyên xử:

[1] Tuyên bố: Các bị cáo NVM, THA và HVH phạm tội “Nhận hối lộ”; các bị cáo TTD và LXD phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và tội “Đưa hối lộ”; các bị cáo NLQ và TNS phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

[1.1] Áp dụng điểm c, đ khoản 2 khoản 5 Điều 354; điểm v khoản 1 khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt NVM 09 (chín) năm tù, tính từ ngày bị bắt thi hành án và được trừ thời gian bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 14/3/2018 đến ngày 09/10/2018.

Cấm NVM đảm nhiệm chức vụ trong 03 (ba) năm tính từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

[1.2] Áp dụng điểm a khoản 1 khoản 5 Điều 354 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt THA 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

Cấm THA đảm nhiệm chức vụ trong 03 (ba) năm tính từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

[1.3] Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 354 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt HVH 02 (hai) năm tù, tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

[1.4] Áp dụng điểm đ, e khoản 2 Điều 364; điểm a khoản 1 Điều 232;

điểm a khoản 1 Điều 55 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt LXD 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Đưa hối lộ” và 02 (hai) năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Hình phạt chung cả hai tội là 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù, tính từ bị bắt đi thi hành án và được trừ thời bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 27/4/2018 đến ngày 10/01/2019.

[1.5] Áp dụng điểm đ, e khoản 2 Điều 364, điểm a khoản 1 Điều 232, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm a khoản 1 Điều 55 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt TTD 03 (ba) năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 01 (một) năm 09 (chín) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Hình phạt chung cả hai tội là 04 (bốn) năm 09 (chín) tháng tù, tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 24/01/2018.

[1.6] Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 232, điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt TNS 01 (một) năm tù, tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam là ngày 18/9/2018.

[1.7] Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 232, điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt NLQ 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, tính từ ngày bị bắt tạm giữ, tạm giam là ngày 01/3/2018.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, về án phí hình sự sơ thẩm, về quyền kháng cáo của các bị cáo.

Từ ngày 13 đến ngày 17/6/2019, các bị cáo NVM, THA, HVH kháng cáo kêu oan về tội “Nhận hối lộ”.

Ngày 18/6/2019, bị cáo LXD kháng cáo kêu oan về tội “Đưa hối lộ”. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo trình bày như sau:

1. Bị cáo NVM: Thừa nhận có nhận của bị cáo LXD và TTD tổng cộng 350 triệu đồng, nhưng mục đích nhận là để giúp 02 bị cáo này được thuê đất để trồng khoai lang trên diện tích đất dự kiến sau khi khai thác. Thực tế bị cáo có chỉ đạo trồng khoảng 25.000 cây thông trên diện tích 9,6 ha đất đã khai thác.

Tiền mua cây giống là của cộng đồng; tiền phát dọn, đào hố trồng là của bị cáo lấy từ số tiền 200 triệu đồng đã nhận của bị cáo LXD. Bị cáo không phạm tội “Nhận hối lộ”.

2. Bị cáo THA: Bị cáo thừa nhận có nhận của bị cáo NVM 50 triệu đồng, nhưng đây là số tiền bị cáo đòi quyền lợi do đã giúp đỡ bị cáo NVM mua đất. Bị cáo không phạm tội “Nhận hối lộ”.

3. Bị cáo HVH: Bị cáo có nhận của bị cáo LXD 20 triệu đồng nhưng đây là tiền vay mượn, lúc vợ bị cáo sắp sinh con, vì giữa bị cáo và bị cáo LXD quen biết nhau từ trước. Bị cáo không phạm tội “Nhận hối lộ”.

4. Bị cáo có đưa cho bị cáo NVM 200 triệu đồng để được thuê đất trồng khoai lang sau khi khai thác. Bị cáo không phạm tội “Đưa hối lộ”.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến như sau: Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo NVM, THA, HVH và LXD cho rằng bị Điều tra viên mớm cung, định hướng lời khai nhưng các bị cáo này không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra (kể cả lời khai có sự tham dự của Luật sư bào chữa) thể hiện các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội. Lời khai này phù hợp với các chứng cứ khác, phù hợp với diễn tiến khách quan của vụ án…Có đủ căn cứ để xác định bị cáo NVM đã nhận tiền của các bị cáo TTD, LXD để tạo điều kiện cho TTD và LXD khai thác cả thông tươi với khối lượng hơn 36m3 có giá trị hơn 64 triệu đồng. Trong số tiền 350 triệu đồng, bị cáo NVM đã đưa cho bị cáo THA 50 triệu đồng, để bị cáo Anh tham mưu ban hành các văn bản giúp cho các bị cáo LXD, TTD khai thác thông trái phép. HVH là Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng, khi phát hiện vi phạm đã không lập biên bản vi phạm, nhận 20 triệu đồng của LXD để cho các bị cáo khác khai thác thông trái phép. Bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo này về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” là có căn cứ, không oan, sai. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

* Các Luật sư Phạm Hữu Lập, Trần Hải Đức, Bùi Ghi Phong và Tào Văn Dũng bào chữa cho bị cáo NVM trình bày như sau:

Về thủ tục tố tụng: Trong hồ sơ vụ án có 02 bản kết luận điều tra, có nội dung khác nhau về khung hình phạt của điều luật, khác nhau về khối lượng gỗ thiệt hại. Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Về mục đích của bị cáo NVM nhận 350 triệu đồng: Tại bản cung đầu tiên, bị cáo NVM khai nhận mục đích nhận tiền là để cho thuê đất trồng khoai lang. Biên bản tạm giữ 50 triệu đồng của bị cáo NVM ghi rõ đây là số tiền làm thủ tục trồng xen khoai lang (bút lục số 104). Tại các bút lục 447-448 LXD khai sau khi khai thác, nếu thuận lợi thì xin trồng khoai lang. Nếu số tiền 350 triệu đồng là đưa, nhận hối lộ thì tại sao biên nhận tiền ngày 26/01/2018, bị cáo NVM chỉ trả lại cho bị LXD, TTD chỉ 300 triệu. Bị cáo NVM đã chi phí hơn 70 triệu đồng cho việc trồng lại rừng nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ vấn đề này. Việc bị cáo NVM đưa cho THA 50 triệu đồng cũng chưa được làm rõ. Lời khai của bị cáo TTD không thể hiện việc đưa, nhận hối lộ. Đề nghị cấp phúc thẩm huỷ tội đưa, nhận hối lộ đối với các bị cáo.

* Luật sư Phạm Hữu Lập bào chữa cho bị cáo LXD trình bày như sau: Giữa bị cáo HVH và LXD có quan hệ quen biết nhau từ lâu. Việc bị cáo LXD đưa cho bị cáo HVH 20 triệu đồng là giúp đỡ bị cáo HVH trong thời điểm vợ bị cáo HVH sắp sinh con, không phải là đưa, nhận hối lộ. Đề nghị cấp phúc thẩm huỷ tội đưa, nhận hối lộ.

* Luật sư Nguyễn Như Hà bào chữa cho bị cáo THA trình bày như sau: Lời khai của bị cáo NVM và bị cáo Anh phù hợp với nhau về việc đưa 50 triệu đồng là vay mượn. Giữa bị cáo Anh và các bị cáo LXD, TTD không bàn bạc với nhau về việc đưa, nhận tiền nhằm mục đích hối lộ. Thời gian mà bị cáo LXD khai thác thông thì bị cáo Anh đã về quê, còn lần khai thác thứ hai thì bị cáo Anh đã chuyển địa bàn công tác. Đề nghị cấp phúc thẩm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Anh.

* Luật sư Phạm Quang Long bào chữa cho bị cáo HVH trình bày như sau: Khi phát hiện việc các bị cáo khác cưa hạ cây thông tươi, bị cáo HVH đã kịp thời báo cáo cho cấp trên. Việc bị cáo LXD đưa cho bị cáo HVH 20 triệu đồng là sau khi nhóm khai thác có hành vi vi phạm. Bị cáo LXD cũng thừa nhận số tiền 20 triệu đồng là đưa cho bị cáo HVH mượn giải quyết khó khăn khi vợ bị cáo HVH sắp sinh con. Bị cáo HVH là con rể của cộng đồng nên là người rất có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng của cộng đồng. Đề nghị cấp phúc thẩm huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo HVH không phạm tội.

* Phần đối đáp:

- Kiểm sát viên: Trước ngày khởi tố vụ án, bị cáo NVM đã thừa nhận hành vi nhận tiền để cho LXD, TTD khai thác thông. Bị cáo THA nhận 50 triệu đồng từ bị cáo NVM là sau khi bị cáo NVM nhận tiền từ bị cáo LXD. Nay các bị cáo thay đổi lời khai là không có căn cứ để chấp nhận.

- Luật sư Trần Hải Đức: Việc các bị cáo thay đổi lời khai là chuyện bình thường, vì các bị cáo kháng cáo kêu oan.

* Lời nói sau cùng, các bị cáo phát biểu như sau:

- Bị cáo NVM: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại mục đích và thời gian đưa, nhận 350 triệu đồng. Bị cáo bị oan.

cáo. cáo.

- Bị cáo Anh: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh đối với bị - Bị cáo HVH: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh đối với bị - Bị cáo LXD: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh đối với bị cáo. Bị cáo bị oan.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo của các bị cáo: Đơn kháng cáo của các bị cáo NVM, THA, HVH và LXD làm trong hạn luật định nên đủ điều kiện để thụ lý và xét xử theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung kháng cáo: Xét kháng cáo của các bị cáo, nhận thấy:

[2.1] Về hành vi bị truy tố:

Bản cáo trạng số 10/CTr-VKS-P3 của VKSND tỉnh Đắk Nông truy tố bị cáo NVM có hành vi nhận 350.000.000 đồng của các bị cáo LXD và TTD; bị cáo THA nhận 50.000.000 đồng từ bị cáo NVM và mục đích nhận tiền của 02 bị cáo là để:

- “…làm hồ sơ cho LXD và TTD khai thác trước khi có chủ trương của UBND huyện Tuy Đức”;

- “và ký xác nhận khống vào bảng kê lâm sản, biên bản xác minh nguồn gốc gỗ đã khai thác”.

Xét thấy:

Tại Quyết định số 1305/QĐ-UBND, ngày 10/8/2010 của UBND huyện Tuy Đức đã giao 1.198,7 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó có 92,8 ha rừng thông) cho cộng đồng bon Bu Koh, xã Đắk R’Tih quản lý bảo vệ, sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Cộng đồng bon Bu Kol đã được cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bị cáo HVH là Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng. Tại Quyết định này chỉ ra trách nhiệm của UBND xã Đắk R’Tih là “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND xã Đắk R’Tih xác định ranh giới và bàn giao rừng trên thực địa”.

Tại Điều 6, Điều 13 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ, về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng của UBND cấp xã, thì việc quyết định khai thác rừng không phải của Chủ tịch UBND cấp xã.

Tại Điều 6 Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản quy định:

“1. Khai thác chính, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng là rừng sản xuất a) Việc khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng tập trung trong rừng sản xuất do chủ rừng quyết định, nếu khai thác trắng phải trồng lại rừng mới ngay vụ trồng rừng kế tiếp.

b) Trước khi khai thác, tận dụng, tận thu gỗ báo cáo bằng văn bản với cấp thẩm quyền biết về địa danh, khối lượng gỗ khai thác để tổng hợp báo cáo, theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện và xác nhận nguồn gốc gỗ khi lưu thông tiêu thụ, cụ thể:

Chủ rừng là tổ chức, gửi bảng kê lâm sản đến Hạt Kiểm lâm sở tại hoặc Chi cục Kiểm lâm (nơi không có Hạt kiểm lâm), Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, gửi bảng kê lâm sản đến Ủy ban nhân dân cấp xã.

c) Tổ chức khai thác, tận dụng, tận thu và nghiệm thu lâm sản:

Chủ rừng tổ chức khai thác, tận dụng, tận thu theo quy định; đo đếm tính toán khối lượng và lập bảng kê lâm sản sau khi khai thác, tận dụng, tận thu”.

Theo các quyết định, văn bản pháp luật vừa viện dẫn thì người có thẩm quyền quyết định khai thác, tận dụng, tận thu là chủ rừng mà cụ thể là Cộng đồng bon Bu Koh mà người đại diện là bị cáo HVH. Bị cáo NVM là Chủ tịch UBND xã không có quyền này. Do đó, Bản cáo trạng số 10/CTr-VKS-P3 truy tố và bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo NVM, LXD có hành vi nhận tiền của các bị cáo LXD, TTD để “…làm hồ sơ cho LXD và TTD khai thác trước khi có chủ trương của UBND huyện Tuy Đức” là không đúng pháp luật.

[2.2] Về mục đích đưa và nhận 350 triệu đồng của các bị cáo: Các bị cáo NVM, LXD và TTD có nhiều lời khai khác nhau về mục đích đưa, nhận tiền. Có lúc khai là để được khai thác, sau khai thác xin được trồng cây con, quản lý, khai thác cây con về sau; có lúc khai đưa tiền để được khai thác, sau khai thác trồng khoai lang; lúc thì khai mục đích duy nhất là để được khai thác. Các bị cáo kháng cáo cho rằng mục đích đưa nhận tiền là thuê đất trồng khoai lang, điều này chưa được làm rõ. Mặt khác, diễn biến vụ án cho thấy thực tế bị cáo NVM có cho người trồng một số cây thông trên diện tích đất 9,6 ha đã khai thác cây thông. Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo NVM khai có trồng khoảng 25.000 cây thông con, tiền mua giống là của cộng đồng, tiền đào hố là của bị cáo và chi phí hết 70 triệu đồng. Vậy kinh phí trồng những cây thông mới này của ai? Hồ sơ chỉ có một lời khai của bị cáo NVM là do bị cáo bỏ ra với tư cách cá nhân.

Điều này là mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo NVM và thực tế có việc trồng lại rừng; thiếu tính logic.

[2.3] Về việc bà Huỳnh Thị Nhã Uyên trả lại tiền cho bị cáo LXD; về trách nhiệm hình sự của bị cáo NVM đối với số tiền nhận hối lộ:

Tại phiên toà phúc thẩm, các Luật sư bào chữa cho bị cáo NVM xuất trình “Giấy biên nhận” đề ngày 22/01/2018, thể hiện tại thời điểm được ghi trong giấy biên nhận, bà Uyên (vợ bị cáo NVM) đã giao cho bị cáo LXD 300 triệu đồng để trả lại cho ông TVM. Nếu quy buộc bị cáo NVM nhận hối lộ tổng cộng 350 triệu thì tại sao chỉ trả lại 300 triệu. Mâu thuẫn này chưa được điều tra làm rõ.

Kết luận điều tra, Cáo trạng quy buộc bị cáo NVM nhận hối lộ tổng cộng 350 triệu đồng của bị cáo LXD và TTD, nhưng bản án sơ thẩm chỉ buộc bị cáo NVM chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền 300 triệu đồng, trả lại cho bị cáo 50 triệu đồng là không đúng. Điều này là mâu thuẫn và ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt nếu trường hợp bị cáo NVM có tội.

[2.4] Về Nghị quyết số 16/2017/NQ-HĐND ngày 18/8/2017 của Hội đồng nhân dân xã Đắk R’Tih: Bị cáo NVM kháng cáo cho rằng bị cáo nhận tiền của các bị cáo LXD, TTD là để cho thuê đất trồng khoai lang sau khi khai thác xong, dựa trên cơ sở nghị quyết này. Ngoài nhận định về thẩm quyền cho thuê đất, bản án sơ thẩm cho rằng nghị quyết này không có giá trị vì ngày ban hành và ngày có hiệu lực mâu thuẫn với nhau. Bị cáo NVM và các Luật sư cho rằng đây chỉ là sai sót về mặt đánh máy. Cơ quan điều tra chưa xác minh làm rõ tại thời điểm ngày 18/8/2017 Hội đồng nhân dân xã Đắk R’Tih có tổ chức phiên họp để ban hành nghị quyết này không.

Từ các nhận định nêu trên nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, như truy tố, xét xử chưa đúng hành vi của bị cáo; chưa làm rõ mục đích đưa, nhận số tiền 350 triệu đồng; chưa làm rõ số tiền mà bị cáo NVM đã bỏ ra để trồng lại rừng; chưa làm rõ vấn đề bà Uyên trả lại tiền cho ông Mến; xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo NVM chưa phù hợp với số tiền mà bị cáo đã nhận…Do đó, bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo LXD, TTD về “Tội đưa hối lộ”; bị cáo NVM, THA về “Tội nhận hối lộ” là chưa có cơ sở vững chắc. Cần huỷ phần tội danh và hình phạt của “Tội đưa hối lộ” và “Tội nhận hối lộ” đối với các bị cáo LXD, TTD, NVM, Anh của bản án sơ thẩm.

[3] Đối với bị cáo HVH: Bản án sơ thẩm xác định bị cáo HVH nhận hối lộ 20 triệu đồng từ bị cáo LXD là có căn cứ. Tuy nhiên để cân đối, cá thể hoá hình phạt của từng bị cáo trong vụ án nên cần thiết phải huỷ cả phần này.

Từ những phân tích nêu trên, xét thấy kháng cáo của các bị cáo NVM, HVH, THA, LXD và đề nghị của các Luật sư bào chữa cho các bị cáo là có căn cứ để chấp nhận. Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là chưa phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[4] Các quyết định về tội danh, hình phạt, án phí hình sự sơ thẩm của “Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, đối với các bị cáo LXD, TTD, NLQ, TNS; các quyết định về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp quy định tại mục [2] phần quyết định của bản án sơ thẩm (trừ mục [2.3]) không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của các bị cáo được chấp nhận nên các bị cáo LXD, THA, NVM và HVH không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự 2015,

 [1] Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo NVM, HVH, THA và LXD.

Huỷ phần tội danh và hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2019/HS- ST ngày 07/6/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông, về “Tội đưa hối lộ” và “Tội nhận hối lộ”, đối với các bị cáo LXD, TTD, NVM, THA và HVH.

Giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông điều tra lại vụ án.

[2] Các quyết định về tội danh, hình phạt, án phí hình sự sơ thẩm của “Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, đối với các bị cáo LXD, TTD, NLQ, TNS; các quyết định về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp quy định tại mục [2] phần quyết định của bản án sơ thẩm (trừ mục [2.3]) không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo LXD, THA, NVM và HVH không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1066
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ số 222/2022/HS-PT

Số hiệu:222/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về