Bản án về tội đưa hối lộ số 116/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

BẢN ÁN 116/2023/HS-PT NGÀY 06/09/2023 VỀ TỘI ĐƯA HỐI LỘ

Trong các ngày 14, 29 tháng 8 và ngày 06 tháng 9 năm 2023, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 77/2023/TLPT-HS ngày 30 tháng 6 năm 2023. Do có kháng cáo của các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng V đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2023/HS-ST ngày 18 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. Huỳnh Tấn H, sinh năm 1975, tại tỉnh Long An. Nơi cư trú: Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Huỳnh Văn T, sinh năm 1940 và bà Đặng Thị Hồng T1, sinh năm 1948; vợ Nguyễn Thị C, sinh năm 1980 (Bị cáo cùng vụ án) con 02 người, sinh năm 1997 và năm 2000; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Thị C, sinh năm 1980, tại tỉnh Long An. Nơi cư trú: Ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1951 và bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1950; chồng Huỳnh Tấn H, sinh năm 1975 (Bị cáo cùng vụ án); con 02 người, sinh năm 1997 và năm 2000; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

3. Nguyễn Hoàng V, sinh năm 1989, tại tỉnh Long An. Nơi cư trú: Ấp H, xã H, huyện Đ, tỉnh Long An; nghề nghiệp: không; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Hoàng S, sinh năm 1965 (Chết) và bà Lê Thị R, sinh năm 1956; chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân: Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 164/HSPT ngày 02-8-2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An, xử phạt 02 năm tù về tội “Vận chuyển hàng cấm” đã được xóa án tích.

Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Ông Vũ Văn C1, sinh năm 1990. Nơi cư trú: khu phố A, phường P, thành phố P, tỉnh Bình Thuận. (Vắng mặt) 2. Ông Ôn Nhất T3, sinh năm 1969. Nơi cư trú: 202 đường V, phường Đ, thành phố P, tỉnh Bình Thuận. (Vắng mặt) 3. Ông Huỳnh Tấn L, sinh năm 1985. Nơi cư trú: 37/47 đường Đ, phường P, thành phố P, tỉnh Bình Thuận. (Vắng mặt) 4. Ông Nguyễn Thanh H1, sinh năm 1990. Nơi cư trú: ấp D, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An. (Có mặt) 5. Bà Lý Ngọc M, sinh năm 1972. Nơi cư trú: ấp B, xã B, huyện M, tỉnh Long An. (Vắng mặt) 6. Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1977. Nơi cư trú: ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An. (Có mặt) 7. Ông Trương Văn Đ, sinh năm 1975. Nơi cư trú: 8 P, phường P, thành phố P, tỉnh Bình Thuận. (Vắng mặt) - Người làm chứng:

1. Ông Lê Thanh V1, sinh năm 1978. Nơi cư trú: ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An. (Vắng mặt)

2. Ông Lê Thanh P, sinh năm 1985. Nơi cư trú: ấp M, xã M, huyện Đ, tỉnh Long An. (Vắng mặt) 

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt theo án sơ thẩm như sau:

Ngày 19-12-2020, Huỳnh Tấn A là con ruột của các bị cáo Huỳnh Tấn H và Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng N1 là anh ruột của bị cáo Nguyễn Hoàng V, cả hai bị Công an huyện H, tỉnh Bình Thuận bắt về hành vi “Vận chuyển hàng cấm”.

Ngày 21-12-2020, bị cáo Nguyễn Văn Q1 đi dự đám cưới tại nhà của ông Nguyễn Văn N, nghe vợ của ông N nói lại việc Huỳnh Tấn A là con của bị cáo H bị Công an huyện H, tỉnh Bình Thuận bắt. Bị cáo Q1 hỏi và nói “Có ai lo được chưa? Nếu chưa có ai lo được để Q1 lo giùm cho”. Ông N điện thoại đến bị cáo H, bảo vợ chồng bị cáo H và C đến nhà ông N để gặp bị cáo Q1 nói chuyện cụ thể. Sau khi trao đổi, bị cáo Q1 đồng ý giúp. Bị cáo Q1 điện thoại cho ông Huỳnh Tấn L đang sinh sống tại tỉnh Bình Thuận đặt vấn đề nhờ chạy lo cho A và N1. Ông L trả lời để hỏi lại, rồi sẽ trả lời sau. Mấy ngày sau, ông L báo cho bị cáo Q1 là có người lo được nhưng mất chi phí 600.000.000 đồng. Sau đó, bị cáo Q1 báo lại cho bị cáo H. Bị cáo C điện thoại cho bị cáo V gom tiền lại lo chung. Bị cáo V trả lời để xem lại rồi sẽ trả lời sau. Sau khi nhận lời giúp bị cáo Q1, ông L gặp ông T3 cũng đang sinh sống tại tỉnh Bình Thuận nhờ ông T3 hỏi có ai quen lo giúp dùm cho A và N1 không. Ông T3 gọi cho ông Đ sống tại tỉnh Bình Thuận hỏi. Khoảng 02 đến 03 ngày sau, ông T3 báo lại cho ông L biết là đã nhờ ông Đ rồi và ông Đ có người em tên C1 (công tác tại Phòng PC01 Công an tỉnh B) có thể giúp giùm. Ông L thông báo cho bị cáo Q1 và bảo bị cáo Q1 ra thành phố P gặp nói chuyện. Bị cáo Q1 thông báo lại cho vợ chồng bị cáo H biết. Lúc này, bị cáo C thông báo cho bị cáo V bảo cùng đi ra thành phố P nói chuyện thì bị cáo V đồng ý.

Ngày 23-12-2020, các bị cáo Q1, C, H và V cùng đi ra thành phố P. Khi đến thành phố P thì bị cáo H đưa cho bị cáo Q1 10.000.000 đồng để bị cáo Q1 đi ăn uống nói chuyện lo cho A và N1. Ông L dẫn bị cáo Q1 gặp ông T3 và ông C1 ra giới thiệu bị cáo Q1 làm quen. Tại đây, bị cáo Q1 và ông T3 nói với ông C1 chỗ bị cáo Q1 có hai người cháu bị Công an huyện H bắt giam về hành vi “Vận chuyển hàng cấm” và nhờ ông C1 lo dùm, ông C1 nói để ông C1 hỏi xem.

Đến sáng ngày 24-12-2020, bị cáo Q1 gặp và hỏi ông C1 “là lo cho A và N1 được tại ngoại trước tết và không bị truy tố ra tòa được không? Ông C1 nói lo được với giá 600.000.000 đồng”. Bị cáo Q1 nói “Gia đình bị cáo H khó khăn có bớt không”, nhưng ông C1 không đồng ý. Lúc này, bị cáo Q1 báo cho vợ chồng bị cáo H, C chuẩn bị số tiền 600.000.000 đồng để lo cho A và N1. Vợ chồng bị cáo H, C hỏi bị cáo V “có thể lo hùn được bao nhiêu tiền”, bị cáo V trả lời “chỉ lo được khoảng 245.000.000 đồng” thì C đồng ý. Hai bên thống nhất và bị cáo C đưa trước cho bị cáo Q1 200.000.000 đồng (trong đó của vợ chồng bị cáo H 110.000.000 đồng, bị cáo V 90.000.000 đồng). Bị cáo Q1 nhận tiền xong đưa cho ông L, nhờ ông L đưa cho ông C1 và hẹn ông C1 tuần sau đưa tiếp.

Khoảng 02 ngày sau, bị cáo Q1 điện thoại báo cho bị cáo C khoảng 01 tháng A và N1 mới về được, nếu chịu thì đưa tiền thêm nếu không chịu bị cáo Q1 trả lại tiền. Bị cáo C điện thoại thông báo lại cho bị cáo V về nội dung bị cáo Q1 nói thì bị cáo V đồng ý. Vợ chồng bị cáo H đồng ý và bảo bị cáo Q1 lên nhà lấy tiền, bị cáo C gặp bị cáo V lấy thêm số tiền 155.000.000 đồng để đưa cho bị cáo Q1.

Ngày 05-01-2021, bị cáo Q1 đến nhận số tiền 200.000.000 đồng tại nhà bị cáo H. Ngày 07-01-2021, bị cáo Q1 tiếp tục nhận thêm của bị cáo H số tiền 200.000.000 đồng và có ký tên vào biên nhận 03 lần tổng cộng số tiền 600.000.000 đồng.

Ngày 09-01-2021, bị cáo Q1 ra thành phố P gặp ông L nhờ ông L tiếp tục đưa cho ông C1 200.000.000 đồng thì ông L đồng ý. Sau đó, ông L đưa 200.000.000 đồng cho ông C1 tại nhà hàng T4 thuộc thành phố P. Còn lại 200.000.000 đồng bị cáo Q1 xin ông C1 giữ lại để chi phí đi tới lui, ăn uống quà cáp, ông C1 đồng ý.

Ngày 09-02-2021, A và N1 được tại ngoại, bị cáo Q1 điện thoại thông báo cho bị cáo C để lấy tiền công. Bị cáo C bảo qua nhà bị cáo C lấy tiền. Lúc này, bị cáo Q1 bảo Nguyễn Thanh H1 là con của bị cáo Q1 qua gặp bị cáo C lấy tiền giùm. Sau đó, bị cáo C đưa cho ông H1 số tiền 30.000.000 đồng. Khoảng 10 ngày sau, bị cáo Q1 bảo bà Lý Ngọc M là vợ bị cáo Q1 đến nhà bị cáo C lấy giúp cho bị cáo Q1 số tiền 10.000.000 đồng. Khi nhờ ông H1, bà M đi lấy tiền bị cáo Q1 không nói tiền gì và khi về ông H1, bà M đưa lại tiền đủ cho bị cáo Q1. Sau đó, vợ chồng bị cáo H tiếp tục đưa cho bị cáo Q1 số tiền 10.000.000 đồng tại nhà ông N, còn lại số tiền 15.000.000 đồng bị cáo Q1 nhận tại nhà của bị cáo C và H. Tổng cộng, Q1 nhận của vợ chồng bị cáo H và bị cáo V số tiền 685.000.000 đồng (trong đó số tiền vợ chồng bị cáo H lo cho A là 440.000.000 đồng, bị cáo V lo cho N1 là 245.000.000 đồng).

Ngày 29-9-2021, Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận xét xử vụ án, xử phạt Huỳnh Tấn A 03 năm 06 tháng tù và Nguyễn Hoàng N1 04 năm tù về tội “Vận chuyển hàng cấm”. Lúc này, vợ chồng bị cáo H yêu cầu bị cáo Q1 trả lại tiền, bị cáo Q1 không trả, nên bị cáo H làm đơn tố cáo bị cáo Q1 đến Cơ quan Công an.

Tang vật thu giữ:

- 01 USB có nội dung chứa 02 file ghi âm cuộc nói chuyện giao nhận tiền giữa bị cáo H và C với bị cáo Q1 do C cung cấp.

- 01 tấm ảnh bị cáo Q1 nhận tiền ngồi đếm do bị cáo C cung cấp.

- 01 tờ “Biên nhận” bằng chữ viết tay trên giấy tập học sinh ghi ngày 07- 01-2021 giữa người nhận tiền là bị cáo Q1 và người giao tiền là bị cáo H. Biên nhận thể hiện số tiền giao nhận ba lần là 600.000.000 đồng.

- 01 tờ “Biên nhận” bằng chữ viết tay trên giấy tập học sinh ghi ngày 26- 12-2020 giữa người nhận tiền là bị cáo Q1 và người giao tiền là bị cáo H. Biên nhận thể hiện số tiền giao nhận là 200.000.000 đồng.

Bản cáo trạng số 55/CT-VKSĐH ngày 31 tháng 10 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Huệ, đã truy tố bị cáo Nguyễn Văn Q1 về tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại khoản 3 Điều 365 Bộ luật Hình sự; các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng V về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 364 Bộ luật Hình sự.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2023/HS-ST ngày 18 tháng 4 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, đã xét xử:

Tuyên bố: Các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng V phạm tội “Đưa hối lộ”.

Áp dụng: Điểm e khoản 2 Điều 364; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 32; Điều 38 và Điều 58 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Huỳnh Tấn H 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt tù.

Áp dụng: Điểm e khoản 2 Điều 364; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 32; Điều 38 và Điều 58 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị C 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt tù.

Áp dụng: Điểm e khoản 2 Điều 364; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 32; Điều 38 và Điều 58 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng V 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt tù.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về hình phạt đối với bị cáo còn lại trong vụ án; tuyên về xử lý vật chứng, về án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28-4-2023 các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng V kháng cáo xin giảm nhẹ hình.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng V vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

- Bị cáo Nguyễn Thị C khai nhận: Sau khi nhận được điện thoại từ ông Nguyễn Văn N, vợ chồng bị cáo C đến nhà của ông N gặp bị cáo Q1. Tại đây, bị cáo Q1 nói sẽ “chạy lo” giúp cho con của bị cáo C được tại ngoại và không bị xử lý hình sự với số tiền khoảng 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Thời điểm này, vợ chồng bị cáo C chưa nhận lời đồng ý hay không đồng ý mà nói về nhà suy nghĩ và sẽ trả lời lại cho bị cáo Q1 biết. Một vài ngày sau, vì thương con, sau khi bàn bạc với nhau vợ chồng bị cáo C đồng ý nhờ bị cáo Q1 “lo giúp” và điện thoại báo cho bị cáo Q1 biết. Sau đó, bị cáo Q1 bảo “cùng nhau đi ra thành phố P, tỉnh Bình Thuận để gặp người ta nói chuyện”. Lúc này, bị cáo C điện thoại cho bị cáo V để rủ bị cáo Vi cùng “chạy lo” cho anh của bị cáo V, nhưng bị cáo V cũng chưa nhận lời và nói “để cùng đi ra đó xem sao”. Tại thành phố P, bị cáo H đưa cho bị cáo Q1 10.000.000 đồng để bị cáo Q1 làm chi phí ăn uống với những người bị cáo Q1 gặp để nhờ “chạy lo” giúp cho con của bị cáo C. Sau đó, bị cáo Q1 thông báo số tiền dùng để chạy lo là 600.000.000 đồng, bị cáo C và H đồng ý và bàn bạc với bị cáo V, bị cáo V nói khả năng phụ được số tiền 245.000.000 đồng, phần còn lại vợ chồng bị cáo C sẽ chịu. Sau đó, cả vợ chồng bị cáo C và bị cáo V điện thoại về nhờ người thân chuyển tiền. Bị cáo V đưa số tiền 90.000.000 đồng, vợ chồng bị cáo C 110.000.000 đồng thành 200.000.000 đồng đưa trước cho bị cáo Q1 tại thành phố P để bị cáo Q1 đưa cho người mà bị cáo Q2 nhờ lo giúp. Khi về lại huyện Đ, tỉnh Long An, bị cáo V đưa tiếp cho bị cáo C số tiền còn lại là 155.000.000 đồng. Vợ chồng bị cáo C tiếp tục đưa tiền cho bị cáo Q1 02 lần, mỗi lần là 200.000.00 đồng (một lần tại nhà của bị cáo C, một lần tại nhà của ông N, có ông N chứng kiến và ký tên vào giấy nhận tiền của bị cáo Q1 với tư cách là người là chứng). Ngoài ra, giữa bị cáo C với bị cáo Q1 còn thỏa thuận tiền dịch vụ cho bị cáo Q1 là 10% trên số tiền 600.000.000 đồng, nếu bị cáo Q1 lo xong công việc. Sau khi A là con ruột của bị cáo C được tại ngoại, do không hiểu biết pháp luật nên cho rằng bị cáo Q1 đã lo giúp thành công, nên bị cáo C còn trả thêm cho bị cáo Q1 số tiền 85.000.000 đồng bao gồm: Tiền dịch vụ 60.000.000 đồng và tiền xe cho 05 lần bị cáo Q1 đi ra thành phố P là 25.000.000 đồng. Sau đó, A bị Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận xử phạt 03 năm 06 tháng tù. Bị cáo C biết bị bị cáo Q1 lừa dối, nên đã đòi lại tiền như đã thỏa thuận, bị cáo Q1 không trả lại, bị cáo C và H làm đơn tố cáo bị cáo Q1 tại Công an tỉnh L. Sau đó, chuyển đơn về Công an huyện Đ và bị điều tra xử lý trong cùng vụ án. Việc bị cáo Q1 nhận tiền từ vợ chồng bị cáo C là 600.000.000 đồng, còn bị cáo Q1 sử dụng số tiền trên như thế nào thì bị cáo C hoàn toàn không biết.

- Các bị cáo Huỳnh Tấn H và Nguyễn Hoàng V thống nhất với lời khai như trên của bị cáo C có liên quan đến các bị cáo.

- Ông Nguyễn Thanh H1 trình bày: Ông H1 là con ruột của bị cáo Q1. Ông H1 có đến nhà bị cáo C để nhận tiền giúp cho bị cáo Q1, nhưng không biết là tiền gì và sau khi nhận đã giao lại đầy đủ cho bị cáo Q1.

- Ông Nguyễn Văn N trình này: Ông N có điện thoại cho vợ chồng bị cáo H đến nhà ông N để gặp bị cáo Q1 nói chuyện coi bị cáo Q1 có giúp gì được cho con của bị cáo H không. Vì lúc này, giữa ông N với bị cáo Q1 ngồi uống rượu với nhau, thì nghe bị cáo Q1 nói sẽ lo được. Khi vợ chồng bị cáo H đến nhà ông N thì giữa vợ chồng bị cáo H với bị cáo Q1 nói chuyện qua lại với nhau về việc bị cáo Q1 nói sẽ lo giúp được cho con của bị cáo H tại ngoại và không bị xử lý hình sự, sau đó mọi người ra về. Thời gian sau, bị cáo Q1 cùng vợ chồng bị cáo H có đến nhà của ông N và tại đây vợ chồng bị cáo H có đưa cho bị cáo Q1 số tiền 200.000.000 đồng, ông N biết đây là tiền vợ chồng bị cáo H đưa cho bị cáo Q1 để nhờ lo cho con của bị cáo H và ông N có ký tên vào giấy giao nhận tiền với tư cách là người là chứng. Ông N không được hưởng lợi ích gì từ số tiền bị cáo Q1 nhận từ vợ chồng bị cáo H.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Các bị cáo kháng cáo đúng thời hạn và đúng quy định Bộ luật Tố tụng hình sự, nên vụ án đủ điều kiện để xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm.

Về nội dung vụ án:

- Theo nội dung bản án sơ thẩm thể hiện: “Sau khi bị cáo Q1 trao đổi đặt vấn đề lo chạy án với vợ chồng bị cáo H, C thì Q1 mới điện thoại cho Huỳnh Tấn L sống tại tỉnh Bình Thuận đặt vấn đề nhờ chạy lo cho A và N1. Ông L trả lời để hỏi lại rồi sẽ trả lời sau. Mấy ngày sau, ông L báo cho bị cáo Q1 là có người lo được, nhưng mất chi phí 600.000.000 đồng. Sau đó, bị cáo Q1 báo lại cho bị cáo H”. Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án thể hiện, tại các lời khai của các bị cáo H, C, Q1, Biên bản phiên toà sơ thẩm, thì việc chạy lo, thoả thuận giá cả là do Q1 và C1 đứng ra thoả thuận chi phí 600.000.000 đồng, ông L không biết.

- Cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ:

+ Số tiền đưa hối lộ của các bị cáo H, C, V đưa cho bị cáo Q1 600.000.000 đồng hay 685.000.000 đồng.

+ Đối với ông Nguyễn Văn N là người giới thiệu bị cáo H cho bị cáo Q1, chứng kiến biết được sự việc bị cáo H và Q1 trao đổi việc lo chạy án và lần giao tiền lần thứ 03 tại nhà ông N, ông N biết H có viết biên nhận, ông Q1 viết cam kết, ông N ký tên người làm chứng (BL 187-188). Hành vi của ông N có dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho bị cáo Q1 nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ.

+ Đối với hành vi của Nguyễn Văn Q1 nhờ ông Huỳnh Tấn L giới thiệu người “chạy lo” cho A và N1. Ông L đồng ý và nhờ ông Ôn Nhất T3, ông T3 nhờ ông Trương Văn Đ giới thiệu ông Vũ Văn C1 đang công tác tại Phòng PC01 Công an tỉnh B cho Q1, L, T3 biết và gặp nhau. Sau đó, Q1 đưa tiền cho ông L 02 lần, tổng số tiền là 400.000.000 đồng để ông L đưa cho ông Vũ Văn C1 để “chạy lo”. Cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ hành vi của Q1 môi giới hối lộ cho ai, số tiền môi giới bao nhiêu; Huỳnh Tấn L, Ôn Nhất T3, Vũ Văn C1 có đồng phạm giúp sức cho bị cáo Q1 môi giới hối lộ không; chưa điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ, ai là người nhận hối lộ để có căn cứ xác định chính xác tội danh của bị cáo Q1 và không bỏ lọt người phạm tội đối với các ông L, T3, C1.

+ Quá trình điều tra chưa điều tra làm rõ: Hành vi của Huỳnh Tấn L có nhận 400.000.000 đồng từ bị cáo Q1 hay không, nhưng cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Nguyễn Văn Q1 nộp lại toàn bộ số tiền 685.000.000 đồng sung vào ngân sách Nhà nước là không chính xác.

- Về thẩm quyền điều tra vụ án: Cấp sơ thẩm tách hành vi của các ông Huỳnh Tấn L, Ôn Nhất T3, Vũ Văn C1 chuyển về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố P, tỉnh Bình Thuận để giải quyết là ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Ông Vũ Văn C1 là cán bộ hiện đang công tác tại Phòng PC01 Công an tỉnh B, theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự, điểm a khoản 1 Điều 4 Quyết định 565 ngày 29/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành kèm theo quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, quy định “Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có thẩm quyền giải quyết nguồn tin tội phạm như sau: “1. Tội phạm quy định tại Chương XXIII (chương các tội phạm về chức vụ), Chương XXIV (Chương các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp) của BLHS, xảy ra trong hoạt động tư pháp, thuộc thẩm quyền xét xử của TAND mà người thực hiện hành vi phạm tội là một trong những người sau đây “a. Cán bộ, Công chức thuộc CQĐT, TAND, VKSND, ....;” thì thẩm quyền xác minh tin báo, thuộc Cục điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, nhưng cấp sơ thẩm chuyển tin báo cho Công an thành phố P, tỉnh Bình Thuận là sai thẩm quyền.

Do cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Áp dụng: Điểm c khoản 1 Điều 355; các điểm a, b và c khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2023/HSST ngày 18/4/2023 của Toà án nhân dân huyện Đức Huệ, để điều tra lại theo thủ tục chung. Do Bản án sơ thẩm bị hủy, nên không xem xét yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C, Nguyễn Hoàng V.

Các bị cáo không tranh luận.

Lời nói sau cùng: Các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Hoàng V đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục kháng cáo: Các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng V kháng cáo đúng theo quy định của pháp luật tại các Điều 331, 332 và 333 Bộ luật Tố tụng hình sự, nên được chấp nhận để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về về nội dung án và trình tự thủ tục tố tụng của cấp sơ thẩm:

[2.1] Theo các lời khai có trong hồ sơ vụ án, Kết luận điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, mức giá 600.000.000 đồng dùng vào việc “chạy lo” cho Huỳnh Tấn A và Nguyễn Hoàng N1 đang bị Công an huyện H, tỉnh Bình Thuận bắt giữ về hành vi “Vận chuyển hàng cấm” để được tại ngoại và không bị xử lý hình sự là do bị cáo Q1 thông báo cho vợ chồng bị cáo H và C biết, để vợ chồng bị cáo C và H đồng ý hay không đồng ý nhờ Q1 “chạy lo”. Việc bị cáo Q1 thông báo như trên cho vợ chồng bị cáo C và H biết là tại thành phố P, tỉnh Bình Thuận sau khi bị cáo Q1 gặp trực tiếp ông Vũ Văn C1 và mức giá này do ông C1 đưa ra (theo lời khai của bị cáo Q1, gặp ông C1 vào một buổi sáng trên sân thượng của Khách sạn M2 nơi bị cáo Q1 thuê để nghỉ lại, có sự chứng kiến của ông T3. Sau đó, bị cáo Q1 than phiền về hoàn cảnh gia đình của A, N1 khó khăn nên ông C1 đồng ý bớt số tiền còn lại là 400.000.000 đồng). Ông Huỳnh Tấn L hoàn toàn không biết và không đưa ra mức giá 600.000.000 đồng với bị cáo Q1 như án sơ thẩm và Cáo trạng đã xác định. Do đó, Bản cáo trạng và Bản án sơ thẩm chưa phản ánh đúng bản chất diễn biến của vụ việc.

[2.2] Số tiền 600.000.000 đồng gồm 245.000.000 đồng của bị cáo V và 355.000.000 đồng của vợ chồng bị cáo C và H; các bị cáo C và H đã đưa đủ cho bị cáo Q1 03 lần, mỗi lần 200.000.000 đồng, cụ thể 01 lần tại thành phố P, tỉnh Bình Thuận, 01 lần tại nhà bị cáo H và 01 lần tại nhà ông N; thông qua ông L, bị cáo Q1 đã giao đủ cho ông C1 số tiền 400.000.000 đồng (200.000.000 đồng tại nhà ông L, chỉ có ông L và ông C1 không có người khác chứng kiến; 200.000.000 đồng giao tại quán Tuấn M1 bỏ trong túi đen đưa cho ông C1 nhận, có ông T3 chứng kiến), nhưng ông C1 không thừa nhận đã nhận số tiền trên. Cấp sơ thẩm chỉ tiến hành lấy lời khai và cho đối chất giữa các ông L, T3, Đ, C1 và bị cáo Q1. Cơ quan Cảnh sát điều Công an huyện Đ có Công văn số 174/ĐTTH ngày 29-8- 2022 về việc “Thông tin tội phạm” đối với các ông Huỳnh Tấn L và Vũ Văn C1 có hành vi “Môi giới hối lộ” xảy ra tại thành phố P đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố P để điều tra theo thẩm quyền. Xét thấy, vụ án này ngoài các bị cáo Q1, C, H và V thì còn có những người có liên quan đến vụ án như các ông Nguyễn Văn N, Huỳnh Tấn L, Ôn Nhất T3, Trương Văn Đ và Vũ Văn C1 cần phải được điều tra đầy đủ, toàn diện mới làm rõ được sự thật khách quan của vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Qua đó, mới có đủ căn cứ xác định có hay không có hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ; hay cấu thành tội phạm khác và có đồng phạm không, thì cần phải được điều tra làm rõ trong cùng một vụ án. Do đó, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đ đã tách hành vi của ông L và ông C1 để thông tin đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố P để điều tra theo thẩm quyền là điều tra không đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Do cấp sơ thẩm chưa điều tra đầy đủ, án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Q1 chịu trách nhiệm nộp lại toàn bộ số tiền 685.000.000 đồng là không có căn cứ.

[2.3] Đối với số tiền 200.000.000 đồng, bị cáo Q1 khai dùng để mua quà cáp, nhưng chưa được điều tra làm rõ số tiền này bị cáo Q1 dùng để làm gì, mua quà cáp tặng cho ai? Nhằm mục đích gì? Có liên quan đến hành vi “Đưa hối lộ và môi giới hối lộ” không?.

[2.4] Từ những căn cứ và nhận định trên, xét thấy: Cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; các điểm a, b và c khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự, hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2023/HSST ngày 18/4/2023 của Toà án nhân dân huyện Đức Huệ, tỉnh Long An như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Huệ để điều tra lại theo thủ tục chung. Do đó, kháng cáo của các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng V không được xem xét.

[3] Về án phí: Các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng: Điểm c khoản 1 Điều 355; các điểm a, b và c khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2023/HS-ST ngày 18 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Huệ để điều tra lại vụ án theo thủ tục chung.

2. Về án phí: Căn cứ Điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Các bị cáo Huỳnh Tấn H, Nguyễn Thị C và Nguyễn Hoàng V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

57
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội đưa hối lộ số 116/2023/HS-PT

Số hiệu:116/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Long An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về