Bản án về tội cưỡng đoạt tài sản số 73/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 73/2022/HS-PT NGÀY 22/09/2022 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 108/2022/TLPT- HS ngày 06 tháng 9 năm 2022 đối với các bị cáo Nguyễn Văn H, Nguyễn Hữu P, Huỳnh Văn K, Trần Thanh S và Trịnh Phước T do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2022/HSST ngày 05/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện P, thành phố Cần Thơ.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Văn H, sinh năm 1996 tại Hậu Giang. Nơi cư trú: ấp N, xã N, huyện C, tỉnh Hậu Giang; giới tính: nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 6/12; Con ông Nguyễn Văn K (chết) và bà Võ Thị L (sống); bị cáo chưa có vợ con. Tiền sự: không.

Tiền án: ngày 25/9/2015 bị Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xử phạt 06 năm tù về tội Cố ý gây thương tích.

2. Nguyễn Hữu P, sinh năm 1985 tại Cần Thơ. Nơi cư trú: ấp N 2, xã N, huyện P, thành phố Cần Thơ; giới tính: nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 5/12; Con ông Nguyễn Hoàng T (chết) và bà Phạm Thị C (chết); có vợ là Hà Xuân Đ. Tiền án, tiền sự: không.

Nhân thân: ngày 08/8/2012 bị Tòa án nhân dân huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ xử phạt 06 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, chấp hành xong ngày 18/3/2013.

3. Huỳnh Văn K, sinh năm 1991 tại Cần Thơ. Nơi cư trú: ấp N 2, xã N, huyện P, thành phố Cần Thơ; giới tính: nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 5/12; Con ông Huỳnh Văn M (sống) và bà Lý Thị T (sống); có vợ là Ngô Thị Kiều T; con có 02 người. Tiền án, tiền sự: không.

4. Trần Thanh S, sinh ngày 16/01/1989 tại Cần Thơ. Nơi cư trú: ấp N 2, xã N, huyện P, thành phố Cần Thơ; giới tính: nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 8/12; Con ông Trần Văn C (sống) và bà Trương Thị Bé H (sống); có vợ là Lý Ngọc H; con có 02 người. Tiền án, tiền sự: không.

5. Trịnh Phước T, sinh ngày 01/01/1985 tại Cần Thơ. Nơi cư trú: ấp P, xã N, huyện P, thành phố Cần Thơ; giới tính: nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 8/12; Con ông Trịnh Văn T (sống) và bà Lý Thị Đ (sống). Tiền án, tiền sự: không.

Các bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an thành phố Cần Thơ và có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo Trần Thanh Sung: Luật sư Nguyễn Trường T – Văn phòng Luật sư Vạn L thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ.

Trong vụ án, còn có các bị hại không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do tình hình dịch bệnh Covid - 19, Nguyễn Văn H không có tiền tiêu xài nên vào khoảng đầu tháng 10 năm 2021, chủ động bàn bạc rủ Nguyễn Hữu P, Huỳnh Văn K, Trần Thanh S và Trịnh Phước T đi đến các quán nhậu, quán cà phê gội đầu, massage trên địa bàn xã Nhơn Ái để gây áp lực, uy hiếp để buộc các chủ quán đưa tiền bảo kê thì tất cả đồng ý.

Cách thức thực hiện: H đến gặp chủ quán đặt vấn đề gửi nước uống đóng chai để thu tiền cao hơn với giá thị trường, đa số các chủ quán đều không đồng ý thì H và P đưa ra bảo kê với mức tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày và quy định 03 ngày lấy tiền một lần là 150.000 đồng. Một số chủ quán không đồng ý thì H kêu thêm S, T và K cùng gây áp lực là đến trước cửa quán nổ máy xe, kêu đóng cửa quán không cho bán và “trực tiếp đánh đuổi khách” đang ở trong quán. Các chủ quán nếu đồng ý trong quá trình buôn bán có xảy ra mâu thuẫn với khách hoặc các vấn đề khác có liên quan đến quán thì nhóm của H sẽ đứng ra giải quyết. Trước những áp lực do nhóm của H gây ra tất cả các chủ quán sợ nên đồng ý đưa tiền bảo kê 50.000 đồng một ngày, ba ngày đến thu một lần 150.000 đồng, H là người trực tiếp đến các quán thu tiền bảo kê, khi nào H không đi được thì kêu P hoặc K đi lấy. Số tiền bảo kê thu được hàng ngày H giao cho K giữ để chia cho cả nhóm và chừa lại một khoản để chi xài chung cho cả nhóm như ăn nhậu. Do cả nhóm thay nhau đi lấy tiền bảo kê, không ghi chép lại và sau khi lấy được tiền bảo kê đã chia nhau tiêu xài hết nên đến khi bị bắt, không nhớ được tổng số tiền bảo kê đã thu của các quán.

Quá trình điều tra xác định: Nguyễn Văn H, Nguyễn Hữu P, Huỳnh Văn K, Trịnh Phước T và Trần Thanh S đã thu tiền bảo kê của các quán trên địa bàn ấp N 2, xã N, huyện P, thành phố Cần Thơ, thành phố Cần Thơ, cụ thể như sau:

1. Quán cà phê gội đầu có bảng hiệu 888X do chị Tạ Trúc H làm chủ: Nguyễn Hữu P và Nguyễn Văn Hthu tiền bảo kê tổng số tiền 1.500.000 đồng.

2. Quán cà phê gội đầu có bảng hiệu 777X do Nguyễn Thị Thanh T làm chủ: đưa tiền bảo kê cho P và H là: 1.500.000 đồng.

3. Quán cà phê gội đầu có bảng hiệu 555X do anh Nguyễn Hữu T làm chủ: đã đưa tiền bảo kê cho nhóm của P tổng số tiền là: 1.650.000 đồng.

4. Quán cà phê gội đầu có bảng hiệu Thanh X do chị Nguyễn Thị Thanh X làm chủ: Đã đưa tiền bảo kê được 24 ngày với tổng số tiền là 1.200.000 đồng.

5. Quán cà phê võng bảng hiệu Tường V do chị Huỳnh Thị Đ làm chủ: Đã đưa tiền bảo kê cho nhóm của H với tổng số tiền là 1.900.000 đồng.

6. Quán cà phê đấm bóp, giác hơi có bảng hiệu Thùy T do chị Nguyễn Thị Thu T làm chủ: Đã đưa tiền bảo kê cho nhóm của H tổng số tiền là 750.000 đồng.

7. Quán cà phê gội đầu có bảng hiệu Linh L do chị Phạm Thị Mỹ P làm chủ: Đưa tiền bảo kê cho P với tổng số tiền 350.000 đồng.

8. Quán cà phê gội đầu có bảng hiệu Ngọc H do Lê Thị T làm chủ: Đã đưa tiền bảo kê cho H với tổng số tiền là: 3.000.000 đồng.

9. Quán cafe massage có bảng hiệu Linh L do Nguyễn Thị P làm chủ: Trước đây chị P là nhân viên của quan Linh L, chị P biết việc chị P bị nhóm của P thu tiền bảo kê nên sau khi sang quán của chị P, tiếp tục đóng tiền bảo kê cho nhóm của P với tổng số tiền là: 1.500.000 đồng.

10. Quán cà phê võng bảng hiệu 111X; quán cà phê võng bản hiệu 333X và quán cà phê võng bản hiệu 444X do Trần Thị P làm chủ: Đưa tiền bảo kê cho P với tổng số tiền ba quán là: 6.000.000 đồng.

Tổng số tiền bảo kê của 12 quán đã đưa cho các bị cáo là: 19.350.000 đồng (Mười chín triệu ba trăm năm mươi ngàn đồng).

Vật chứng thu giữ: 01 một điện thoại di động hiệu Iphone (kèm sim số 0939464087) của Nguyễn Hữu P sử dụng để liên hệ các quán thu tiền bảo kê; 01 một xe máy biển số 59L1 – 504.58 là phương tiện để Nguyễn Hữu P sử dụng đi thu tiền bảo kê. Nguồn gốc xe máy này do P mua xe cũ đã qua sử dụng, người đứng tên đăng ký là Trần Quốc C (Thành phố Hồ Chí Minh), khi mua xe P có làm hợp đồng mua bán xe.

Đối với chủ quán Trần Thị P và Phạm Thị Mỹ P khai việc thu tiền bảo kê có liên quan đến Phạm Văn Tr và Nguyễn Văn T, qua làm việc với Tr và T không thừa nhận việc này nên không đủ cơ sở để xử lý.

Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, P, K, S, T khai nhận H chia được tiền bảo kê thu được phần nhiều hơn, cả 04 không có nhận tiền chia bảo kê, còn 01 phần tiền bảo kê thu được do K giữ lại chi ăn nhậu cho cả 05 người. Nguyễn Văn H đã thừa nhận là người rủ rê cả nhóm đi thu tiền bảo kê và trực tiếp đến các quán thu tiền bảo kê; Nguyễn Hữu P thừa nhận trực tiếp thu tiền bảo kê của các quán 777X, quán Thanh X, quán Tường V, quán Linh L, quán Thùy T, quán 555X và quán 111X và không có nhận tiền chia, chỉ có ăn nhậu chung; Huỳnh Văn K thừa nhận trực tiếp thu tiền bảo kê của các quán 333X, 111X và 444X, K là người trực tiếp giữ tiền bảo kê thu được, số tiền bảo kê thu được thì chia đều cho Trần Thanh S, Trịnh Phước T, còn Nguyễn Văn H đa số lấy phần nhiều hơn;

Trần Thanh S và Trịnh Phước T chỉ thừa nhận một lần được chia tiền khoảng 300.000 đồng đến 400.000 đồng khi Nguyễn Văn H vừa mới đi thu tiền bảo kê về, còn lại thì S và T chỉ thừa nhận dùng số tiền bảo kê thu được để ăn nhậu chung cho cả nhóm.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 35/2022/HSST ngày 05/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện P đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Văn H, Nguyễn Hữu P, Huỳnh Văn K, Trần Thanh S và Trịnh Phước T phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Căn cứ vào khoản 1, khoản 5 Điều 170, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 38; Điều 17 Bộ luật Hình sự; áp dụng thêm điểm h khoản 1 Điều 52, khoản 1 Điều 53 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo H.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn H 03 năm 06 tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày 18/12/2021.

Phạt tiền bị cáo H nộp 20.000.000 đồng sung quỹ Nhà nước.

Xử pht: Bị cáo Nguyễn Hữu P 02 năm 09 tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày 26/01/2022, được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 18/12/2021 đến ngày 24/12/2021.

Phạt tiền bị cáo P nộp 10.000.000 đồng sung quỹ Nhà nước.

Xử pht: Bị cáo Huỳnh Văn K 02 năm 09 tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày 26/01/2022.

Phạt tiền bị cáo K nộp 10.000.000 đồng sung quỹ Nhà nước.

Xử phạt: Bị cáo Trần Thanh S 02 năm 06 tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày 26/01/2022.

Phạt tiền bị cáo S nộp 10.000.000 đồng sung quỹ Nhà nước.

Xử pht: Bị cáo Trịnh Phước T 02 năm 06 tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày 26/01/2022.

Phạt tiền bị cáo T nộp 10.000.000 đồng sung quỹ Nhà nước.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi tuyên án sơ thẩm, ngày 12/8/2022 các bị cáo Nguyễn Văn H, Nguyễn Hữu P, Huỳnh Văn K, Trần Thanh S và Trịnh Phước T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 14/9/2022, các bị cáo Nguyễn Văn H và Trịnh Phước T có văn bản rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Các bị cáo Nguyễn Hữu P và Huỳnh Văn K rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo.

Bị cáo Trần Thanh S vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về đoàn tụ gia đình và trở thành công dân tốt (trong lời nói sau cùng).

Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án: Bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của mỗi bị cáo. Đối với bị cáo Nguyễn Văn H, Trịnh Phước T (trước khi mở phiên tòa); bị cáo Nguyễn Hữu P, Huỳnh Văn K (tại phiên tòa) có đơn xin rút yêu cầu kháng cáo – Việc rút kháng cáo là ý chí tự định đoạt của các bị cáo nên đề nghị chấp nhận đơn rút kháng cáo của các bị cáo. Riêng bị cáo Trần Văn S, cấp sơ thẩm đã đánh giá toàn diện để xử phạt 02 năm 06 tháng tù là phù hợp. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo S và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luận cứ của người bào chữa cho bị cáo Trần Thanh S (Luật sư Nguyễn Trường T):

Thống nhất với tội danh mà cấp sơ thẩm đã quy kết đối với bị cáo; tuy nhiên, mức hình phạt áp dụng là quá nghiêm khắc. Bởi thực tế, trong vai trò của bị cáo chỉ được chia khoảng 300.000 đến 400.000 đồng và cùng ăn nhậu chung; nhưng khi bị phát hiện thì bị cáo đã đầu thú, đã bồi thường xong và là lao động chính trong gia đình. Nên đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ để xử phạt bị cáo với mức án từ 16 đến 20 tháng tù cũng đủ tác dụng răn đe và phòng ngừa chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Kháng cáo của các bị cáo trong thời hạn luật định nên vụ án được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm.

Ngày 14/9/2022, các bị cáo Nguyễn Văn H và Trịnh Phước T có văn bản rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo được Trại tạm giam Công an thành phố Cần Thơ xác nhận. Căn cứ Điều 342 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Thông báo số 03/2022/TB-TA ngày 19/9/2022 về việc rút kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn H và Trịnh Phước T.

[2] Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng và bản án sơ thẩm đã quy kết. Đối chiếu với tài liệu chứng cứ thể hiện trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở để kết luận:

Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10/2021 đến giữa tháng 12/2021, các bị cáo Nguyễn Văn H, Nguyễn Hữu P, Huỳnh Văn K, Trần Thanh S và Trịnh Phước T thống nhất dùng phương thức uy hiếp tinh thần đối với các bị hại là chủ quán kinh doanh cà phê, gội đầu, massage ở ấp N 2, xã N, huyện P, thành phố Cần Thơ (bằng thủ đoạn đe dọa đập phá đồ đạc của quán, trực tiếp đuổi khách, tập trung 4 – 5 người nẹt pô xe trước cửa quán cản trở việc kinh doanh) nhằm thu tiền bảo kê (mỗi ngày 50.000 đồng, ba ngày thu một lần 150.000 đồng/bị hại). Tổng số tiền đã chứng minh được các bị cáo chiếm đoạt của 10 người bị hại là 19.300.000 đồng.

Do đó, với hành vi nêu trên cấp sơ thẩm truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, qua hồ sơ vụ án đã thu thập được ngoài cơ sở truy tố, xét xử các bị cáo phạm tội ở khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự theo yếu tố cấu thành tội phạm và định lượng về số tiền chiếm đoạt; song, cần xem xét thêm hành vi của các bị cáo để đánh giá toàn diện về tính chất, mức độ vi phạm; bởi lẽ các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian tương đối dài, có sự phân hóa trách nhiệm và vai trò thực hiện cụ thể, thậm chí còn hoạt động mang tính chất băng nhóm, bên cạnh đó hành vi phạm tội của các bị cáo còn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, với những yếu tố trên đủ cơ sở để truy tố các bị cáo theo định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Nhưng trong vụ án, bị hại không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị tăng hình phạt nên Hội đồng xét xử không có căn cứ xét xử các bị cáo theo khung hình phạt nặng hơn. Vì vậy, việc cấp sơ thẩm truy tố, xét xử các bị cáo ở khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự được xem là có lợi cho các bị cáo.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo:

Hội đồng xét xử xét thấy: Các bị cáo đều là người đã thành niên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, không chỉ trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn gây tâm lý hoang mang, không yên tâm hoạt động kinh doanh của các quán, gây dư luận xấu tại địa phương. Bản thân các bị cáo nhận thức được hành vi cưỡng đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp hậu quả để thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Như đã phân tích ở trên, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội dưới tính chất băng nhóm với phương thức uy hiếp nặng nề về mặt tinh thần đối với rất nhiều bị hại, không phải là phạm tội nhất thời mà có sự thống nhất trách nhiệm và vai trò cụ thể của từng bị cáo với thời gian phạm tội kéo dài chứng tỏ các bị cáo rất xem thường chế tài của pháp luật. Do đó, cần có mức án nghiêm để cải tạo, giáo dục các bị cáo; đồng thời đảm bảo tác dụng răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội.

Xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với hành vi của các bị cáo: cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự đối với tất cả các bị cáo, tình tiết “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 đối với bị cáo H và áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 đối với các bị cáo là có căn cứ, phù hợp với quy định pháp luật. Tại giai đoạn phúc thẩm, người nhà của bị cáo Trần Thanh S nộp bổ sung biên lai tiền bồi thường cho các bị hại nên cấp phúc thẩm xem xét cho các bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, trong phần nhận định của cấp sơ thẩm có nêu nhưng phần quyết định không đề cập nên cần điều chỉnh thêm tình tiết giảm nhẹ “đầu thú” theo quy định tại khoản 2 Điều 51 đối với các bị cáo K, S và T.

Các bị cáo kháng cáo cho rằng mức hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên là quá cao so với hành vi của các bị cáo. Mặc dù tại cấp phúc thẩm xem xét áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tương ứng mỗi bị cáo (viện dẫn trên), nhưng như đã phân tích bên trên, hành vi của các bị cáo có đủ cơ sở để xem xét ở khung hình phạt nặng hơn. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy mức hình phạt mà cấp sơ thẩm áp dụng là đã có sự phân hóa và tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của mỗi bị cáo.

Ngoài ra, việc bị cáo thực hiện xong nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và tiền phạt bổ sung – Đây là nghĩa vụ bị cáo phải thực hiện theo bản án sơ thẩm đã tuyên nên không là tình tiết giảm nhẹ mới. Bị cáo S có anh em ruột (02 người) và vợ đều trong độ tuổi lao động nên không được xem là lao động chính trong gia đình. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thanh S.

Từ những phân tích trên, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp. Luận cứ của Luật sư bào chữa không có cơ sở xem xét.

[4] Đối với việc rút toàn bộ kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn H, Trịnh Phước T (trước khi mở phiên tòa); bị cáo Nguyễn Hữu P, Huỳnh Văn K (tại phiên tòa) là ý chí tự định đoạt của các bị cáo nên Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phần kháng cáo theo quy định.

[5] Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Trần Thanh Sphải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo Nguyễn Văn H, Trịnh Phước T, Nguyễn Hữu P và Huỳnh Văn K đã rút kháng cáo nên không phải chịu.

[6] Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 348; điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn H, Trịnh Phước T, Nguyễn Hữu P và Huỳnh Văn K.

Bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành về nội dung liên quan đến các bị cáo H, T, P và K.

- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thanh S.

Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số: 35/2022/HSST ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ (có điều chỉnh về điều khoản áp dụng).

1. Tuyên bố: Bị cáo Trần Thanh S phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Căn cứ: khoản 1, khoản 5 Điều 170; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; các Điều 17 và 38 Bộ luật Hình sự.

Xử pht: Bị cáo Trần Thanh S 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 26/01/2022.

Phạt bổ sung bị cáo 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) sung quỹ Nhà nước.

2. Căn cứ: khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Trần Thanh S phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

295
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cưỡng đoạt tài sản số 73/2022/HS-PT

Số hiệu:73/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về