TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 52/2024/HS-PT NGÀY 21/03/2024 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Trong các ngày 14, 21 tháng 3 năm 2024 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 07/2024/TLPT-HS ngày 15 tháng 01 năm 2024 đối với bị cáo NTMH và các bị cáo khác do có kháng cáo của bị cáo NTMH và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 71/2023/HS-ST ngày 06 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện ABC, tỉnh Bình Dương.
- Các bị cáo có kháng cáo, bị kháng nghị:
1. NTMH sinh ngày 15 tháng 10 năm 1975 tại tỉnh Bến Tre; nơi cư trú: Số 155/1, đường J, Phường W, Quận Z, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: buôn bán; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Thiên Chúa; quốc tịch: Việt Nam; con ông NQĐ và bà TTP; có chồng là ông TTC, có 02 con (sinh năm 2001 và 2011); tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 29 tháng 3 năm 2023 đến nay (có mặt tại phiên tòa).
2. PTĐ1 (tên gọi khác: B) sinh ngày 28 tháng 12 năm 1985 tại tỉnh Bình Dương; nơi cư trú: ấp J1, xã W1, thị xã Z1, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông PTN và bà HTL; có vợ là bà NPTA, có 02 con (sinh năm 2018 và 2021); tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 29 tháng 3 năm 2023 đến nay (có mặt tại phiên tòa).
3. VT sinh ngày 06 tháng 7 năm 1990 tại tỉnh Kiên Giang; nơi đăng ký thường trú: Số 161, đường J2, phường W2, thành phố Z2, tỉnh Kiên Giang; nơi tạm trú: Khu phố J3, phường W3, thị xã Z1, tỉnh Bình Dương (Trung tâm Z3); nghề nghiệp: Huấn luyện viên bóng đá; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông VĐT1 và bà LTM; có vợ là bà NTH1 (đã ly hôn), có 01 con (sinh năm 2019); tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 29 tháng 3 năm 2023 đến nay (có mặt tại phiên tòa).
4. NTP2 sinh ngày 03 tháng 10 năm 1994 tại tỉnh Kiên Giang; nơi đăng ký thường trú: ấp J4, xã W4, huyện Z4, tỉnh Kiên Giang; nơi tạm trú: Khu phố 3, phường DEF, thị xã Z1, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông NVS và bà NTN1; có vợ là bà TNY (đã ly hôn), sống chung với bà LTT2; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 29 tháng 3 năm 2023 đến nay (có mặt tại phiên tòa).
- Bị hại: Ông PVX (tên gọi khác: T3) sinh năm 1989; nơi đăng ký thường trú: Ấp J5, xã W5, huyện Z5, tỉnh Cà Mau; nơi tạm trú: ấp GHI, xã KLM, thị xã Z1, tỉnh Bình Dương (vắng mặt tại phiên tòa).
- Người làm chứng:
1. Bà NPTA (vắng mặt tại phiên tòa).
2. Bà NTDH2 (vắng mặt tại phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Tòa án cấp sơ thẩm ghi trong Bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, ông X buôn bán hải sản tại huyện OPQ, thành phố Hồ Chí Minh nên quen biết và có mối quan hệ tình cảm với H. Trong thời gian này, theo lời khai của H thì H cho ông X vay số tiền khoảng 300.000.000 đồng nhưng không có giấy tờ ghi nhận, ông X không thừa nhận việc này. Năm 2020, ông X bỏ đi và đến ấp GHI, xã KLM, thị xã Z1, tỉnh Bình Dương làm ăn, mở quán nhậu tại đây. Sau một thời gian nhờ người quen là T tìm kiếm, H biết được nơi ở của ông X nên đến gặp ông X để đòi lại tiền.
Sáng ngày 17/10/2022, H cùng T và người quen của T là Đ1, P2 và NTT4 hẹn gặp nhau tại căn tin một sân đào tạo bóng đá thuộc thị xã Z1, tỉnh Bình Dương và bàn bạc đi đến quán nhậu của ông X gặp ông X đòi tiền nợ. Khi nhóm của H đến nơi, ông X nhìn thấy H thì bỏ trốn nên cả nhóm đi về.
Sau đó, H, T, Đ1 và T4 ngồi bàn với nhau về việc ông X rất mê gái nên nhờ người nữ giới hẹn ông X gặp mặt. Đ1 nhờ vợ là A gọi điện lừa hẹn gặp ông X nhậu chung để báo cho nhóm của H biết đến đòi nợ. A nghe Đ1 nói nhờ hẹn gặp mặt ông X thì A đồng ý nhưng A không biết mục đích của Đ1 và đồng bọn nhờ là để thực hiện hành vi cưỡng đoạt. Sau đó, A và cùng LTT2 (vợ của P2) và 02 người bạn tên T5 và Y1 (không rõ lai lịch) hẹn gặp ông X thì ông X đồng ý.
Vào lúc 19 giờ cùng ngày, khi ông X và bạn là UVX đang nhậu tại quán “Ô” thuộc ấp R, xã RST, huyện ABC, tỉnh Bình Dương thì A, T2, T5, Y1 đón xe taxi đến quán gặp ông X. Sau khi đến quán, A nhắn tin gửi vị trí quán cho Đ1 biết. Trước khi đi gặp ông X, H nói: “Coi chừng thằng T3 nha, nó nguy hiểm lắm nha” nên P2 gọi điện rủ thêm bạn là D và T6 (không rõ lai lịch) đi cùng. D nói có 03 người bạn đang nhậu chung nữa thì P2 nói rủ cùng đi luôn. Khi đi, Đ1 điều khiển xe ôtô hiệu Honda City biển số 61A-XXXXX (xe mượn của người quen) chở T4 và P2. T điều khiển xe môtô hiệu SH chở H. D và T6 cùng 03 người bạn đi xe ôtô hiệu Innova (không xác định được biên số xe, chủ xe). Trên đường đi, Đ1 gọi điện cho bạn là NVC1 cùng đến quán “Ô” thì C1 đồng ý và điều khiển xe mô tô hiệu Yamaha Jupiter biển số 61H1-YYYYY đến quán. Khi nhóm H đến quán gặp ông X, P2 dùng tay đánh vào mặt ông X 02 cái và nói “Sao mày thiếu tiền chị tao mà mày trốn?” thì ông X nói “Tao đâu thiếu tiền mày đâu!”. Cùng lúc này D và T6 khóa tay ông X ra phía sau và yêu cầu ông X trả tiền cho H. D thấy trong túi ông X có tiền nên yêu cầu ông X lấy ra số tiền 5.000.000 đồng đưa cho H. Sau đó, H nhờ T viết giấy nợ nội dung ông X nợ H 195.000.000 đồng rồi bắt ông X ký tên, ghi họ tên người mượn tiền, H ký tên người cho mượn, P2 ký tên người làm chứng. Đ1 lấy ra 01 hộp mực đưa cho P2, P2 cầm tay ông X lăn vào mực rồi tay vào giấy mượn tiền rồi đưa giấy này cho H. Sau đó H trả tiền nhậu cho quán 400.000 đồng, đưa cho T 3.500.000 đồng kêu T đưa cho nhóm của Đ1 để cảm ơn rồi ra về.
Ngày 18/10/2022 và ngày 20/10/2022, ông X đến Công an xã RST, huyện ABC trình báo và làm đơn tố cáo hành vi cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản của H và đồng bọn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện ABC. Ngày 26/10/2022, ông X làm đơn rút yêu cầu khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích vì lý do bị thương tích không đáng kể. Quá trình điều tra, ông X khai trong lúc bị nhóm H đánh và khống chế đã bị rơi chiếc nhẫn vàng 18K trọng lượng khoảng 03 chỉ nhưng không có căn cứ xác định nhóm của H chiếm giữ.
Đối với hành vi của A được Đ1 nhờ hẹn gặp ông X và báo cho Đ1 biết nhưng A không biết trước hành vi cưỡng đoạt tài sản của nhóm Đ1 nên hành vi không cấu thành tội phạm.
Đối với hành vi của T2, T5, Y1 đi cùng A đến gặp ông X nhưng không biết nội dung vụ việc nên hành vi không cấu thành tội phạm.
Đối với hành vi của NTT4, NVC1 được Đ1 rủ đến quán “Ô” nhưng không biết trước nội dung vụ việc, đến nơi T4 không có hành vi giúp sức, không hưởng lợi; C1 có hành vi can ngăn nhóm H đánh ông X nên hành vi của T4, C1 không cấu thành tội phạm.
Đối với hành vi của các đối tượng tên D, T6 và 03 người bạn của D, T6 có dấu hiệu đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” với vai trò giúp sức nhưng chưa làm rõ nhân thân, lai lịch, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện ABC đã ra Quyết định tách vụ án số 01A/QĐ-ĐCSHS ngày 23/10/2023, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau.
Đối với hành vi của P2 đánh ông X nhưng thương tích không đáng kể, ông X có đơn không yêu cầu khởi tố và không giám định thương tích nên không xem xét.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ vật chứng, tài liệu:
+ Bị cáo Đ1 đã giao nộp số tiền 3.500.000 đồng;
+ Bị cáo H đã giao nộp số tiền 1.100.000 đồng và đã giao nộp giấy mượn tiền, 01 USB màu trắng hiệu Kingston có chứa đoạn video ghi lại vụ việc cưỡng đoạt tài sản ngày 17/10/2022;
+ Bà NTDH2 chủ quán Ô giao nộp 01 USB màu đỏ, đen hiệu ADATA C008/8GB có chứa đoạn video ghi lại cảnh vụ việc cưỡng đoạt tài sản ngày 17/10/2022.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 71/2023/HS-ST ngày 06 tháng 12 năm 2023, Tòa án nhân dân huyện ABC, tỉnh Bình Dương đã quyết định:
- Căn cứ vào các khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136; khoản 1 Điều 331; khoản 1 Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Căn cứ khoản 1 Điều 46; khoản 1 Điều 47; Điều 170 của Bộ luật Hình sự;
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên bố: Các bị cáo NTMH, PTĐ1, VT và NTP2 phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
1. Về hình phạt:
Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 170; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51;
Điều 54, Điều 58 của Bộ luật Hình sự, xử phạt:
1.1. Bị cáo NTMH mức án 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 29/3/2023.
1.2. Bị cáo PTĐ1 mức án 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 29/3/2023.
1.3. Bị cáo VT mức án 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 29/3/2023.
1.4. Bị cáo NTP2 mức án 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 29/3/2023.
2. Trách nhiệm dân sự:
Quá trình điều các bị cáo H, T, Đ1 và P2 đã nộp 4.600.000 đồng (Bốn triệu sáu trăm nghìn đồng) để bồi thường cho bị hại ông X. Tại phiên tòa, bị cáo H thực hiện bồi thường số tiền 400.000 đồng (bốn trăm nghìn đồng) cho bị hại ông X. Bị hại ông X không yêu cầu gì thêm nên không đặt ra để xem xét.
(Số tiền các bị cáo đã nộp hiện do Chi cục thi hành án dân sự huyện ABC giữ theo biên lai thu tiền số AA/2021/0007773 ngày 07/11/2023).
3. Xử lý vật chứng:
Thu giữ lưu vào hồ sơ vụ án: 01 (một) “Giấy mượn tiền”, 01 (một) USB màu trắng hiệu Kingston và 01 (một) USB màu đỏ, đen hiệu ADATA C008/8GB có chứa đoạn video ghi lại vụ việc cưỡng đoạt tài sản ngày 17/10/2022.
4. Về án phí hình sự sơ thẩm:
- Bị cáo NTMH phải nộp số tiền 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng).
- Bị cáo PTĐ1 phải nộp số tiền 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng).
- Bị cáo VT phải nộp số tiền 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng).
- Bị cáo NTP2 phải nộp số tiền 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng).
5. Về quyền kháng cáo:
Bị cáo, bị hại có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án (ngày 06/12/2023).
Ngày 16 tháng 12 năm 2023, bị cáo NTMH kháng cáo xin hưởng án treo. Ngày 05 tháng 01 năm 2024, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định kháng phúc thẩm số 04/QĐ-VKSBD-P7, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 71/2023/HS-ST ngày 06 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện ABC, tỉnh Bình Dương để điều tra lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo NTMH giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến:
Căn cứ lời khai của các bị cáo, lời khai của bị hại, biên bản trích xuất hình ảnh vụ việc, có cơ sở xác định: Từ việc bị cáo H cho rằng ông X nợ tiền bị cáo H không trả và bỏ trốn nên bị cáo H nhờ bị cáo VT tìm bị hại đòi nợ. Sau khi xác định ông X đang ở tại quán Ô (thuộc ấp R, xã RST, huyện ABC, tỉnh Bình Dương), khoảng 20 giờ 19 phút ngày 17 tháng 10 năm 2022, các bị cáo H, T, Đ1, P2 và một số người bạn của bị cáo P2 đến gặp ông X. Tại đây, bị cáo P2 dùng tay đánh vào mặt ông X 02 cái, các đối tượng D và T6 (bạn của bị cáo P2, không rõ lai lịch) khóa tay ông X ra phía sau để đợi bị cáo H đến. Bị cáo H đến yêu cầu ông X trả số tiền 200.000.000 đồng (lúc này ông X ngồi cùng bàn nói chuyện với bị cáo H, những người khác ngồi xung quanh). Trong khi nói chuyện 6 với bị cáo H, ông X tự lấy đũa trên bàn đâm vào bụng nhưng không gây thương tích nên nhóm của bị cáo H tiếp tục khóa tay ông X ra phía sau. Sau đó, ông X nói muốn đi vệ sinh thì có 03 người trong nhóm dẫn ông X đi vệ sinh, bị cáo D thấy trong túi ông X có tiền nên dẫn ông X vào ngồi trên ghế ở giữa quán. Lúc này có 01 người đứng phía sau giữ cổ áo của ông X, những người khác đứng xung quanh gây áp lực, yêu cầu ông X đưa tiền trả cho bị cáo H nên ông X đã lấy ra 5.000.000 đồng đưa cho bị cáo H. Sau đó, nhóm của bị cáo H buộc ông X phải viết giấy nợ bị cáo H 195.000.000 đồng.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ 20 giờ 19 phút đến 21 giờ 17 phút ngày 17 tháng 10 năm 2022, tại quán Ô, các bị cáo cùng một số đối tượng khác đã có hành vi khống chế ông X bằng cách khóa tay ông X ra phía sau, nắm cổ áo của ông X, vây quanh không cho ông X di chuyển vượt ra ngoài sự kiểm soát của nhóm bị cáo H. Hành vi trên của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do thân thể của ông X được pháp luật bảo vệ, đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “Giữ người trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Hình sự nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra làm rõ là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Các bị cáo dùng sự áp đảo về lực lượng, có hành vi dùng vũ lực (bị cáo P2 tát vào mặt ông X, một số đối tượng khác khống chế, khóa tay ông X ra phía sau), đe dọa buộc ông X phải trả cho bị cáo H số tiền 200.000.000 đồng, làm ông X phải đưa 5.000.000 đồng cho bị cáo H và viết giấy nợ bị cáo H 195.000.000 đồng. Hành vi trên của các bị cáo có dấu hiệu của tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 của Bộ luật Hình sự. Do đó, cần điều tra để xác định các bị cáo phạm tội “Cướp tài sản” hay tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Do đề nghị hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại nên Viện kiểm sát không xem xét nội dung kháng cáo của bị cáo NTMH.
Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355 và điểm a khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Bị cáo H tự bào chữa: Bị cáo bị lừa cả tình lẫn tiền. Số tiền đó là bị cáo bị lừa trong thời gian quen biết với bị hại mà do tình hình buôn bán ế và nợ người ta nên bị cáo mới đi đòi nợ mà mục đích đòi nợ tử tế để về phụ trả nợ. Bị cáo nhờ một mình bị cáo VT nhưng rồi biến tướng ra rất nhiều người ăn nhậu đi kèm dẫn đến sự việc đáng tiếc như vậy nên bị cáo rất ăn năn hối hận. Trong tin nhắn với bị cáo VT bị cáo cũng dặn là không đánh đập hay làm gì hết. Mặt khác, ai đòi tiền bị hại cũng bị rượt chém và do bị cáo sợ bị cắt cổ như 02 lần trước nên mới nhờ người khác đi cùng với mình. Ngoài ra, trước đó bị cáo có đến báo Công an phường là bị hại đang trốn nợ ở tỉnh Bình Dương nhưng Công an nói xa quá, không giải quyết.
Bị cáo Đ1 tự bào chữa: Bị cáo quen bị cáo VT nên giúp bị cáo VT tìm ông X đòi lại tiền để bị cáo có thể nhờ lại vợ chồng bị cáo VT việc buôn bán ở 7 chợ đầu mối Bình Điền (Long An) chứ không có mục đích gì. Bị cáo không hiểu pháp luật nên mới dính vào vụ việc mong Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm trở về với gia đình.
Bị cáo VT tự bào chữa: Trong thời gian bị cáo và bị cáo H quen nhau, bị cáo H kể cho bị cáo là bị hại đã lấy tiền của bị cáo H và bị cáo H đang nợ rất nhiều nên nhờ bị cáo đòi nợ. Bị cáo chỉ nghĩ là đi lấy lại số nợ nên mới nhờ Bị cáo Đ1 giúp đỡ chứ bị cáo và Bị cáo Đ1 không hưởng lợi gì, chỉ giúp lấy lại tiền cho bị cáo H. Bị cáo cũng biết bị hại lừa đảo rất nhiều người và bỏ trốn nhiều năm nên bị cáo giúp bị cáo H lấy lại tiền.
Bị cáo P2 tự bào chữa: Bị cáo quen Bị cáo Đ1 nên được nhờ đi chứ không có ý định cướp mà chỉ giúp đòi lại số tiền. Do bị cáo không hiểu biết pháp luật nên mới dẫn tới sự việc ngày hôm đó.
Đại diện Viện kiểm sát không tranh luận.
Bị cáo H nói lời nói sau cùng: Hoàn cảnh bị cáo đang ở tận cùng khó khăn. Chồng bị cáo bị bại liệt và đang ở trong một diện tích 20m2 không tự ăn, uống được. Bị cáo có 02 con nhỏ, trong đó con trai lớn học rất giỏi (đang học năm thứ 4 Đại học Y) mà không đủ khả năng đóng học phí. Bị cáo rất mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về với gia đình.
Bị cáo Đ1 nói lời nói sau cùng: Bị cáo rất mong Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm trở về với cha mẹ già và con nhỏ.
Bị cáo VT nói lời nói sau cùng: Trong thời gian bị cáo bị tạm giam, bố bị cáo qua đời. Nhà bị cáo giờ chỉ còn một mình mẹ của bị cáo và con gái. Bị cáo rất mong Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm được trở về với con nhỏ và mẹ già.
Bị cáo P2 nói lời nói sau cùng: Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm trở về với gia đình và xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương và kháng cáo của bị cáo NTMH làm trong thời hạn luật định là hợp lệ nên được chấp nhận về hình thức.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo thừa nhận hành vi như Tòa án cấp sơ thẩm xác định. Lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với nhau và phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên có đủ cơ sở kết luận: Ngày 17 tháng 10 năm 2022, cho rằng ông PVX nợ tiền của mình, bị cáo NTMH đã nhờ các bị cáo PTĐ1, VT, NTP2 và nhiều người khác bao vây, 8 đánh và khống chế ông X tại quán Ô (thuộc ấp R, xã RST, huyện ABC, tỉnh Bình Dương) để buộc ông X đưa 5.000.000 (năm triệu) đồng và viết giấy nợ 195.000.000 (một trăm chín mươi lăm triệu) đồng.
[3] Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của bị hại, làm mất an ninh trật tự và an toàn xã hội nên cần phải nghiêm trị nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
[4] Căn cứ vào các lời khai trong hồ sơ và dữ liệu trích xuất được từ máy quay an ninh ghi hình ảnh và âm thanh, Hội đồng xét xử phúc thẩm có cơ sở xác định các bị cáo thống nhất, đồng ý với các hành vi của nhau nên tất cả các bị cáo và một số người chưa xác định được lai lịch đồng phạm với nhau về các hành vi phạm tội.
[5] Theo nội dung vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm xác định thì bị cáo P2 dùng tay đánh vào mặt ông X 02 cái. Các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ sót hành vi đấm vào bụng bị hại của một người được ghi nhận trong dữ liệu trích xuất được từ máy quay an ninh ghi hình ảnh và âm thanh. Khi thực hiện những hành vi này, các bị cáo đã trực tiếp dùng vũ lực với bị hại.
[6] Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc sự việc, các bị cáo bố trí người vây quanh bị hại tạo áp lực và đe dọa dùng vũ lực với bị hại.
[7] Do các hành vi dùng vũ lực và các hành vi đe dọa dùng vũ lực với bị hại dẫn đến bị hại phải đưa 5.000.000 (năm triệu) đồng tiền mặt và ký giấy nợ 195.000.000 (một trăm chín mươi lăm triệu) đồng thì hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội “Cướp tài sản”.
[8] Quyết định kháng nghị có đoạn viết: “Sau đó, ông X nói muốn đi vệ sinh thì có 03 người trong nhóm dẫn ông X ra ngoài để đi vệ sinh thì D thấy trong túi ông X có tiền nên dẫn ông X vào ngồi trên ghế ở giữa quán, lúc này có 01 người nam đứng phía sau giữ cổ áo của ông X”. Hội đồng xét xử sơ thẩm không đề cập đến nội dung này. Dữ liệu trích xuất được từ máy quay an ninh ghi hình ảnh và âm thanh cho thấy từ sau khi ông X tự đâm đũa vào bụng và bị khóa tay, xuyên suốt thời gian diễn ra sự việc, ông X luôn luôn bị 01 người trong nhóm của các bị cáo giữ cổ áo. Điều này cho thấy vụ án cần được điều tra để xác định có người thực hiện hành vi phạm tội “Giữ người trái pháp luật” quy định tại Điều 157 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương nhận định hay không.
[9] Tòa án cấp sơ thẩm viết trong Bản án sơ thẩm như sau: “Đối với hành vi của T2, T5, Y1 đi cùng A đến gặp ông X nhưng không biết nội dung vụ việc nên hành vi không cấu thành tội phạm.”. Trong hồ sơ vụ án có một số lời khai của các bị cáo và các bà NPTA và LTT2 khẳng định nội dung như Tòa án cấp sơ thẩm viết. Tuy nhiên, tại một số lời khai trong đó có lời khai tại biên bản ghi lời khai ngày 27 tháng 02 năm 2023 (bút lục số 214), bị cáo VT khai nội dung là 9 các bà A và T2 thống nhất phương án với các bị cáo: “2. Vợ Đ1 tên A: Thống nhất với phương án, gọi taxi đi cùng 2 người phụ nữ đến vị trí hẹn gặp T3, gửi vị trí gặp T3” và “4. Vợ P2: Thống nhất phương án, đi chung với A vợ Đ1.”. Cơ quan điều tra không thực hiện các biện pháp điều tra liên quan đến thông tin liên lạc của các số điện thoại, các thiết bị và các phần mềm ứng dụng mà các bị cáo và các bà A và T2 sử dụng để xác minh về sự liên lạc giữa các bị cáo với các bà A và T2 (như truy xuất cuộc gọi đi, gọi đến, nội dung các tin nhắn, cuộc thoại...) là thiếu sót. Việc tìm được các căn cứ khoa học sẽ chắc chắn không bỏ lọt người phạm tội và xác định được tính chất, mức độ của hành vi liên quan của tất cả những người tham gia thực hiện các hành vi phạm tội.
[10] Dữ liệu trích xuất được từ máy quay an ninh ghi hình ảnh và âm thanh cho thấy, các bị cáo liên hệ mật thiết với nhau và với các đối tượng không rõ lai lịch (tên là D, T6 và 03 người bạn của các đối tượng tên là D, T6). Các bị cáo khai người này rủ người kia đến nhưng không thông tin cụ thể để cơ quan điều tra tiếp xúc các đối tượng không rõ lai lịch. Cơ quan điều tra không thực hiện các biện pháp điều tra liên quan đến thông tin liên lạc của các số điện thoại, các thiết bị và các phần mềm ứng dụng mà các bị cáo sử dụng (như truy xuất cuộc gọi đi, gọi đến, nội dung các tin nhắn, cuộc thoại... để tìm những người liên quan đến số điện thoại của các bị cáo) để tìm ra các đối tượng không rõ lai lịch là thiếu sót. Việc tìm được các đối tượng không rõ lai lịch sẽ chắc chắn không bỏ lọt người phạm tội và xác định được tính chất, mức độ của hành vi của tất cả những người tham gia thực hiện các hành vi phạm tội.
[11] Bản án sơ thẩm có đoạn viết “Đ1 lấy ra 01 hộp mực đưa cho P2, P2 cầm tay ông X lăn vào mực rồi tay vào giấy mượn tiền rồi đưa giấy này cho H.”. Trong giai đoạn điều tra, Bị cáo Đ1 có lời khai nội dung đưa chìa khóa xe ô tô của Bị cáo Đ1 cho bị cáo H lấy hộp mực. Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị cáo Đ1 khai hộp mực do ai để sẵn trong cốp xe của bị cáo. Trong khi đó, kết quả điều tra không đề cập tới việc các bị cáo chuẩn bị cho việc buộc bị hại ký giấy nợ và lăn tay như thế nào.
[12] Do có căn cứ xác định việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được; một số nội dung, tình tiết của vụ án chưa được điều tra làm rõ ảnh hưởng đến việc xác định tội danh và người phạm tội, xem xét tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của những người phạm tội nên Hội đồng xét xử phúc thẩm có cơ sở chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, chấp nhận Quyết định kháng nghị số 04/QĐ-VKSBD-P7 ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại.
[13] Tội danh cụ thể của các bị cáo, vai trò và mức độ phạm tội, hình phạt, nhân thân, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, trách nhiệm dân sự của các bị cáo cùng việc xử lý vật chứng, án phí sơ thẩm sẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử lại. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo NTMH.
10 [14] Mặt khác, các bị cáo có quan hệ mật thiết với những đối tượng không rõ lai lịch (như phân tích tại đoạn [10] ở trên) nhưng không cung cấp đủ thông tin cho cơ quan điều tra để tìm và tiếp xúc với họ là các bị cáo không thành khẩn khai báo. Trong quá trình giải quyết lại vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm cần cân nhắc, đánh giá tính chất, mức độ khi áp dụng cho các bị cáo tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[15] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử phúc thẩm nên được chấp nhận.
[16] Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại nên bị cáo H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm f khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 344; Điều 345; điểm c khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 71/2023/HS-ST ngày 06 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện ABC, tỉnh Bình Dương; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện ABC, tỉnh Bình Dương để điều tra lại theo quy định của pháp luật.
Bị cáo NTMH không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội cưỡng đoạt tài sản số 52/2024/HS-PT
Số hiệu: | 52/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/03/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về