TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN ÁN 65/2022/HS-PT NGÀY 16/08/2022 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ KINH TẾ GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRONG VÀ THAM Ô TÀI SẢN
Ngày 16 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 71/2022/TLPT- HS ngày 13 tháng 6 năm 2022 đối với các bị cáo Đoàn Đức Tr, Võ Kim Th và Phạm Thị Thúy A do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2022/HSST ngày 28/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện VT, thành phố Cần Thơ.
- Bị cáo có kháng cáo:
1. Đoàn Đức Tr, sinh năm 1956; nơi sinh: Long Xuyên, An Giang; nơi đăng ký thường trú và chỗ ở hiện nay: Khu vực A, phường N, quận N, thành phố Cần Thơ; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Công chức (đã nghỉ hưu); trình độ văn hóa: 12/12; chức vụ: Nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện VT, là đảng viên; con ông Lê K (đã chết) và bà Đoàn Ngọc H, sinh năm 1931; có vợ là bà Thái Thanh T, sinh năm 1957 và 02 người con: Lớn sinh năm 1986, nhỏ sinh năm 1995; Tiền án, tiền sự: Không. Bị tạm giam từ ngày 08/10/2018 đến ngày 31/01/2019; Chấp hành án từ ngày 03/3/2020 đến ngày 17/01/2021. Bị cáo tại ngoại và có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa cho bị cáo Đoàn Đức Tr: Luật sư Nguyễn Thị H2- Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn TN thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ. (Có mặt).
2. Võ Kim Th, sinh năm: 1989; nơi sinh: Thốt Nốt, Cần Thơ; nơi đăng ký thường trú và chỗ ở hiện nay: Khu vực P 1, phường H, quận N, thành phố Cần Thơ; giới tính: Nữ; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Kế toán (Đã nghỉ); trình độ văn hóa: 12/12; con ông Võ Văn L và bà Nguyễn Thị L1; bị cáo không có chồng con; Tiền án, tiền sự: Không; Chấp hành án từ ngày 03/3/2020 đến ngày 17/01/2021. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa cho bị cáo Võ Kim Th: Luật sư Huỳnh Hồ Minh H1- Luật sư Văn phòng luật sư Phương G, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt).
3. Phạm Thị Thúy A, sinh năm: 1980; nơi sinh: VT, Cần Thơ; nơi đăng ký thường trú và chỗ ở hiện nay: Ấp Q3, xã TQ, huyện VT, thành phố Cần Thơ; giới tính: Nữ; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Phật giáo; Nghề nghiệp: Công chức (Đã nghỉ); chức vụ: Nguyên Phó Giám đốc Trại Giống Nông Nghiệp huyện VT, là Đảng viên; trình độ học vấn: 12/12; con ông Phạm Văn B và bà Võ Thị Ánh V; có chồng là Phan Quang Ngh, sinh năm 1983; có 02 người con: lớn sinh năm 2017, nhỏ sinh năm 2019; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thúy A : Luật sư Lê Minh Đ- Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên BG, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ (Có mặt).
Trong vụ án còn có 03 bị cáo khác, người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo, kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trại giống được thành lập ngày 17/02/2005. Trại giống trực thuộc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, được sử dụng 82,478ha có chức năng, nhiệm vụ là khảo nghiệm và chọn lọc bộ giống có chất lượng cao, phù hợp yêu cầu thị trường, nhân giống lúa từ cấp tác giả ra giống cấp nguyên chủng và xác nhận, kinh doanh lúa gạo. Trại giống hoạt động theo phương thức gắn thu bù chi, có con dấu và tài khoản riêng. Đoàn Đức Tr giữ chức vụ Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện VT kiêm Giám đốc Trại giống từ ngày 30/10/2010, Phạm Thị Thúy A giữ chức vụ Phó Giám đốc Trại giống, Phạm Ngọc T1 làm phụ trách kế toán Trại giống từ tháng 11/2012 đến tháng 09/2013, Võ Kim Th làm Kế toán Trại giống từ tháng 10/2013 đến tháng 12/2015, Nguyễn Thị Lam V1 làm Thủ quỹ tại Trại giống từ khoảng năm 2012 đến hết tháng 8/2013 thì chuyển công tác về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Lê Văn L2 làm cán bộ kỹ thuật kiêm thủ kho tại Trại giống từ năm 2010 đến khoảng tháng 5/2014 thì nghỉ việc, Cao Hồng T2 làm kế toán tại Trại giống từ khoảng tháng 11/2010 đến khoảng tháng 10/2012. Sau đó thì nghỉ hộ sản đến khoảng tháng 3/2013 đi làm lại và sau đó xin nghỉ việc.
Trong quá trình hoạt động, điều hành, quản lý từ năm 2012 đến năm 2015, Trại giống nông nghiệp huyện VT đã xảy ra nhiều vi phạm, gây thiệt hại về tài sản như sau:
1. Đối với hành vi phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:
Trong quá trình hoạt động thu, chi tài chính từ năm 2012 đến 2015, bị cáo Tr với vai trò Giám đốc đã có hành vi chỉ đạo cho các bị cáo A, T1, Th và kế toán T2 thực hiện lập chứng từ duyệt chi sai quy định, gây thiệt hại số tiền 239.067.999 đồng. Cụ thể như sau:
1.1. Chi phụ cấp kiêm nhiệm sai quy định phụ cấp kiêm nhiệm 128.429.999 đồng:
Từ 2012 đến năm 2015, Tr với vai trò là Giám đốc Trại giống duyệt chi phụ cấp kiêm nhiệm cho bản thân Tr với định mức 50%. Tr đã nhận tổng số tiền phụ cấp kiêm nhiệm là 158.522.496 đồng, trong khi theo quy định chỉ được hưởng 10% (30.092.497 đồng). Tr đã nhận cao hơn so với quy định 128.429.999 đồng. Trong đó:
- Kế toán T2, đã lập chứng từ ủy nhiệm chi phụ cấp kiêm nhiệm cho Tr sai quy định, với số tiền 22.790.165 đồng.
- T1 đã lập chứng từ ủy nhiệm chi phụ cấp kiêm nhiệm cho bị cáo Tr sai quy định, với tổng số tiền 28.699.659 đồng.
- Th làm đã lập chứng từ ủy nhiệm chi phụ cấp kiêm nhiệm cho Tr sai quy định, với tổng số tiền 76.940.175 đồng.
Đoàn Đức Tr đã nộp khắc phục xong số tiền 128.429.999 đồng.
1.2. Chi tiếp khách sai quy định Năm 2012, Trại giống không xây dựng nội dung chi tiếp khách trong quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng thực hiện việc chi tiếp khách sai quy định. Kế toán T2 lập chứng từ chi tiếp khách sai quy định 2.377.000 đồng, T1 lập chứng từ chi tiếp khách sai quy định 2.150.000 đồng, còn Tr duyệt chi sai quy định 4.527.000 đồng.
Năm 2013 đến 2015, Trại giống đã xây dựng nội dung chi tiếp khách trong quy chế chi tiêu nội bộ quy định về giới hạn mức chi nhưng đã chi vượt sai quy định là 2.610.000 đồng.
Tổng số tiền chi tiếp khách sai quy định của năm 2012 và năm 2015 là 7.137.000 đồng. Trong đó T2 lập chứng từ 2.377.000 đồng, T1 lập chứng từ 2.150.000 đồng và Th lập chứng từ 2.610.000đ}. Tr và T1 đã nộp khắc phục xong (Tr 4.987.000 đồng, T1 2.150.000 đồng).
1.3. Chi tiền hoa hồng cho việc bán lúa vượt sai quy định Năm 2013 và 2014, Trại giống thực hiện chi hoa hồng 200đồng/kg khi bán được lúa giống nhưng được sự đồng ý của Tr, Th đã lập chứng từ chi số PC0049/09, còn bị cáo A duyệt chi hoa hồng cho ông Lăng Ngọc D với mức 1.000đ/kg lúa giống. Ông D mua 4.600 kg lúa giống của Trại giống nên được 4.600.000đ tiền hoa hồng. Đã chi vượt sai quy định 3.680.000đ (800đ x 4.600kg). Th đã nộp khắc phục xong số tiền trên.
1.4. Chi thưởng Lễ 02/9 sai quy định Năm 2012, Trại giống có xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, chi Lễ 02/9 là 250.000đồng/người, nhưng Đoàn Đức Tr đã duyệt chi 1.000.000 đồng/người T2 lập chứng từ chi cho 09 cán bộ nhân viên của Trại giống đã chi vượt sai quy định và làm thiệt hại 6.750.000 đồng. Đã nộp khắc phục xong (Nguyễn Thị Mộng T3,Cao Hồng T2, V1, T1 và L2 mỗi người nộp 750.000 đồng, còn bị cáo Tr nộp khắc phục 3.000.000 đồng).
1.5. Chi mua quà tặng khách hàng và đại lý sai quy định Năm 2012, Trại giống không xây dựng nội dung chi quà tặng khách hàng và đại lý trong Quy chế chi tiêu nội bộ. Nhưng Tr duyệt chi quà tặng khách hàng và đại lý, kế toán T2 lập chứng từ chi tặng quà, chi tiền xăng đi tặng quà 27.071.000 đồng. Tr đã nộp khắc phục xong.
1.6. Chi tùy tiện sai quy định Năm 2013, với sự đồng ý của Tr, bị cáo Th lập chứng từ số cho A duyệt chi 66.000.000 đồng là phí giao dịch bán hàng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Trung An. Tr đã nhận số tiền này là hoa hồng do Tr đại diện Trại giống ký hợp đồng bán lúa là vi phạm Thông tư: 01/1998/TT-BTC ngày 03/01/1998 và Luật kế toán. Tr đã nộp khắc phục xong.
2. Về hành vi phạm tội Tham ô tài sản Đoàn Đức Tr còn chỉ đạo các bị cáo A, T1, Th, V và L2 thực hiện hành vi lập khống, ký khống và duyệt chi khống chứng từ sai quy định nhằm mục đích rút tiền từ quỹ của Trại giống do bị cáo Tr có trách nhiệm quản lý để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 231.881.617 đồng. Cụ thể như sau:
2.1. Hành vi lập khống chứng từ, tổng cộng 84.870.967 đồng Tết Nguyên Đán 2014, Tr chỉ đạo bị cáo Th và T4 nghe theo sự chỉ đạo của A về việc tặng quà cho khách hàng, đại lý mới liên quan đến hoạt động của Trại giống. Từ ngày 13/12/2013 đến ngày 31/12/2013, Th lập khống 08 chứng từ, Tr duyệt chi 07 chứng từ, A duyệt chi 01 chứng từ, T4 ký người chi tổng số tiền 58.370.967 đồng được thủ quỷ T4 rút ra từ quỹ tiền mặt của Trại giống dùng để chi mua 06 tấn gạo của bà Phan Thị Nguyệt N và chi phí bao bì, vận chuyển với tổng số tiền 55.400.000 đồng làm quà tặng cho các hộ cận nghèo, khấu trừ lại còn 2.970.967 đồng là tiền lập chứng từ khống.
Qua tết Nguyên đán 2014, do chi quà tết lậm tiền của bị cáo A nên A tiếp tục chỉ đạo bị cáo Th và thủ quỹ S đến Chi cục Thuế huyện mua hóa đơn về lập khống thêm 03 chứng từ. Tr duyệt chi khống 02 chứng từ được 21.300.000 đồng; A duyệt chi 01 chứng từ được 5.200.000 đồng. Các chứng từ khống này có tổng 26.500.000 đồng, được thủ quỹ S rút ra từ quỹ tiền mặt của Trại giống và có ghi chép trong sổ quỹ tiền mặt năm 2014 và giao hết số tiền này cho A.
Đã nộp khắc phục xong.
2.2. Hành vi mua bán khống gạo với Công ty Ngọc T5 với số tiền 83.997.000 đồng Trại giống phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy VT ký kết Kế hoạch phối hợp tặng quà cho hộ cận nghèo dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014. Theo như kế hoạch thì số lượng quà và kinh phí thì Trại giống mua 6.000kg gạo, có trị giá 84.000.000 đồng. Bị cáo A cùng Th liên hệ mua 6.000kg gạo của bà N hết tổng cộng 55.400.000 đồng (bao gồm tiền gạo, tiền công vận chuyển và các chi phí khác). Mặc dù, toàn bộ số tiền nêu trên đã được Trại giống trả cho bà N bằng số tiền lập khống 11 chứng từ. Nhưng bị cáo A tiếp tục liên hệ với ông Trần Văn H3- Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc T5 mua hóa đơn giá trị gia tăng với giá trị 83.997.900 đồng. ông H3 đã ký xuất hóa đơn bán 6.000 kg gạo cho Trại giống nhưng thực tế không có mua bán gạo. Ngày 13/01/2014, bị cáo Th lập ủy nhiệm chi cho bị cáo Tr duyệt chi chuyển khoản cho ông H3 83.997.900 đồng.
Ngày 14/01/2014, ông H3 rút tiền mặt và giao trả lại trực tiếp cho A nhận 76.631.728 đồng, do đã trừ 10% VAT bằng 7.636.172 đồng để nộp thuế giá trị gia tăng. Tr và A đã khắc phục xong.
2.3. Lập khống chứng từ, quyết toán nhận và sử dụng sai mục đích 118.412.750 đồng từ 02 dự án Sản xuất thử giống lúa mới Ngày 01/10/2012, Trại giống với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long ký kết hợp đồng hiện dự án sản xuất thử. Nội dung hợp đồng: Sản xuất lúa giống xác nhận: OM 5451 và OM 6600. Thời hạn triển khai từ tháng 11/2012 đến tháng 11/2013. Tổng cộng Viện lúa đã hỗ trợ kinh phí cho Hợp đồng số 13 là 53.482.750 đồng, hợp đồng số 18 là 64.930.000 đồng.
Để nhận được số tiền hỗ trợ, Tr chỉ đạo lập khống các chứng từ quyết toán với Viện lúa do Tr duyệt chi, Th lập phiếu chi nhưng Phạm Ngọc T1 ký khống có giá trị 325.047.653 đồng để quyết toán với Viện lúa và được nhận tiền hỗ trợ là 118.412.750 đồng. Sau khi nhận được số tiền trên, Tr chuyển hết cho cửa hàng Vật tư Nông nghiệp Tuấn D1 với tổ số tiền 199.387.575 đồng. Sau đó Lê Thị D2 là chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Tuấn D1 chuyển khoản lại cho Trại giống 80.451.000 đồng, còn lại 118.936.575 đồng bà D2 rút tiền mặt và đưa cho Phạm Thị Thúy A . Tr và A đã khắc phục xong.
Tại Bản án hình sự số 03/2022/HSST ngày 28/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện VT đã quyết định:
Áp dụng khoản 1 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 17 và 38, các điểm b, s và v khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 54 và 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội; Xử phạt bị cáo Đoàn Đức Tr 01 (một) năm 06 tháng tù về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;
Áp dụng Điều 17 và 38, các điểm b, s và v khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 54, 55 và 58, điểm d khoản 2 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội; Xử phạt bị cáo Đoàn Đức Tr 04 năm 06 tháng tù về Tội tham ô tài sản.
Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Đoàn Đức Tr phải chấp hành là 06 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án. Thời gian mà bị cáo Tr đã chấp hành án được 01 năm 02 tháng 07 ngày {đã bao gồm thời gian chấp hành án từ ngày 03-3-2020 đến ngày 17-01-2021 và bị tạm giam từ ngày 08/10/2018 đến ngày 31/01/2019} được khấu trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi chấp hành án.
Áp dụng khoản 1 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 17 và 38, các điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 54 và 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội; Xử phạt bị cáo Võ Kim Th 09 tháng tù về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Áp dụng: Điều 17 và 38, các điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 54, 55 và 58, điểm d khoản 2 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội; Xử phạt bị cáo Võ Kim Th 02 (hai) năm tù về Tội tham ô tài sản.
Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Võ Kim Th phải chấp hành là 02 (hai) năm 09 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án. Thời gian mà bị cáo Th đã chấp hành án được 10 tháng 14 ngày (tính từ ngày 03-3-2020 đến ngày 17-01-2021) được khấu trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi chấp hành án.
Áp dụng Điều 17 và 38, các điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 54 và 58, điểm d khoản 2 Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội;
Xử phạt bị cáo Phạm Thị Thúy A 03 năm 09 tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày chấp hành án.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về hình phạt đối với 03 bị cáo khác, tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi tuyên án sơ thẩm, bị cáo Đoàn Đức Tr và bị cáo Võ Kim Th có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Phạm Thị Thúy A có đơn kháng cáo xin xem xét lại tội danh tham ô, xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Quan điểm của Luật sư bào chữa cho các bị cáo:
Luật sư bào chữa cho bị cáo Tr: Thống nhất về tội danh. Tuy nhiên đề nghị xem lại hợp đồng số 13 và 18, nếu có chăng chỉ là bị cáo lập chứng từ khống chứ không phải hợp đồng không được triển khai thực hiện. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tr.
Luật sư bào chữa cho bị cáo A: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hoàn cảnh cho bị cáo A đang rất khó khăn để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Th: Thống nhất về tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đề nghị xem xét lại tội danh ‘Tham ô tài sản”. Đồng thời xem xét trách nhiệm của anh H4, bà D2, ông H3 về hành vi đồng phạm. Đề nghị cho bị cáo Th được hưởng án treo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phát biểu quan điểm: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo có đơn kháng cáo trong thời hạn nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như Bản án sơ thẩm đã tuyên. Đối chiếu lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là thống nhất nhau, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa. Do đó có căn cứ để kết luận:
Về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:
[2.1] Với vai trò là Giám đốc Trại giống, bị cáo Tr đã duyệt chi sai quy định gây thiệt hại 239.067.999 đồng. Bị cáo Th với vai trò là Kế toán đã lập chứng từ ủy nhiệm chi sai quy định gây thiệt hại số tiền 149.230.175 đồng. Hành vi của bị cáo Tr và bị cáo Th đã vi phạm quy định tại Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và sai quy định của Luật kế toán năm 2003. Hành vi này của hai bị cáo đã cấu thành Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 1 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.
[2.2] Phạm Thị Thúy A cũng có hành vi duyệt sai quy định, Cao Hồng T2, Phạm Ngọc T1 có hành vi lập chứng từ sai quy định nhưng số tiền thiệt hại chưa đủ định lượng cấu thành tội phạm nên không xử lý là phù hợp.
Về hành vi tham ô tài sản:
[2.3] Đoàn Đức Tr còn chỉ đạo các bị cáo A, T1, Th, V1 và L2 thực hiện hành vi lập khống, ký khống và duyệt chi khống chứng từ sai quy định nhằm mục đích rút tiền từ quỹ của Trại giống do bị cáo Tr có trách nhiệm quản lý để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 231.881.617 đồng. Hành vi của các bị cáo thực hiện đã vi phạm quy định của Luật kế toán năm 2003 nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với số tiền đã gây thiệt hại. Bị cáo Tr, Phạm Thị Thúy A và Võ Kim Th phải chịu trách nhiệm chung số tiền 231.881.617 đồng. Hành vi đó đã cấu thành Tội tham ô tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[2.4] Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Đoàn Đức Tr, Võ Kim Th về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tội tham ô tài sản; Bị cáo Phạm Thị Thúy A về Tội tham ô tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3] Xét kháng cáo của các bị cáo thấy rằng:
[3.1] Bị cáo Đoàn Đức Tr: Với vai trò là Giám đốc Trại giống, là chủ tài khoản bị cáo đã không chấp hành và không tuân thủ việc thu, chi tài chính ngân sách theo đúng quy định làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Đã vậy bị cáo còn chỉ đạo lập khống chứng từ để rút tiền từ ngân sách nhà nước mà bản thân bị cáo có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo. Trong quá trình điều hành còn thể hiện sự buông lõng quản lý trong việc chi xuất tài chính, nhất là trong việc tặng quà tết, bị cáo chỉ đạo cho bị cáo A mua quà tặng mang tính chất cá nhân để lấy uy tín, danh nghĩa chứ hoàn toàn không phải là nghĩa vụ phải thực hiện theo chủ trương của nhà nước hay của cấp trên. Khi đó bị cáo A mua quà và tặng bị cáo cũng kiểm tra, giám sát, để rồi từng lúc nghe theo đề nghị của bị cáo A. Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm đến tài sản của nhà nước và sự hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan nhà nước, là hành vi tham nhũng, tiêu cực đã làm ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân vào cơ quan Nhà nước.
[3.2] Bị cáo Phạm Thị Thúy A: Với vai trò là Phó Giám đốc Trại giống, lẽ ra bị cáo có trách nhiệm tham mưu tốt cho Giám đốc trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trái lại bị cáo làm theo sự chỉ đạo sai trái của bị cáo Tr để rồi đồng phạm. Đã vậy, từng lúc bị cáo lại nẩy sinh ý định chiếm đoạt để rồi tham mưu sai cho bị cáo Tr để rút tiền, trong đó có việc lập thêm 03 chứng từ sau tết với số tiền 26.500.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo không thừa nhận về hành vi chiếm đoạt số tiền gạo từ ông H3 giao lại cho bị cáo 76.631.728 đồng bị cáo đã cho rằng giao lại nhưng không chứng minh được. Bị cáo Tr cho rằng, bị cáo có đưa 15.000.000 đồng. Như vậy chỉ riêng về số tiền này đã đủ căn cứ cho rằng hai bị cáo đã chiếm đoạt tiền từ ngân sách. Đối với số tiền 7.636.172 đồng thuế VAT, bị cáo cho rằng không chiếm đoạt. Thực tế cho thấy, bị cáo không lấy số tiền này làm của riêng hoặc đã thụ hưởng. Tuy nhiên bị cáo và đồng phạm đã lập chứng từ khống để rút tiền từ ngân sách của nhà nước bằng tiền mặt để rồi chi xài theo ý chí cá nhân của các bị cáo, mặc dù có khoản chi cho việc của Trại giống, nhưng các khoản chi dẫn đến Trại giống còn nợ trước đó là do khả năng điều hành, chi không cân đối mới dẫn đến hậu quả nợ. Khi các bị cáo làm chứng từ khống rút tiền để chi bù lại thì đó cũng là chi theo ý chí các nhân của các bị cáo. Điển hình như chi quà tết cho các cơ quan, cá nhân, đó là việc không phải là chủ trương của nhà nước. Đối với 7.636.172 đồng thuế VAT, khi ông H3 rút tiền mặt ra để trả lại cho bị cáo chính là sự thỏa thuận về mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ. Để thực hiện trót lọt hành vi làm chứng từ khống để rút tiền thì đây chính là công đoạn mà bị cáo phải thực hiện để hoàn tất hành vi của mình. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã được nghe phân tích, đã hiểu và thừa nhận số tiền đã chiếm đoạt. Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tài sản của nhà nước và sự hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan nhà nước, là hành vi tham những, tiêu cực đã làm ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân vào cơ quan Nhà nước.
[3.3] Đối với bị cáo Võ Kim Th: Với vai trò là kế toán, với chứng năng, vai trò và nhiệm vụ của bị cáo trong lĩnh vực chuyên môn về kế toán, lẽ ra bị cáo phải tham mưu, giúp việc cho Giám đốc một cách đúng đắn nhất. Việc gì có chỉ đạo không đúng thì bị cáo có trách nhiệm trình bày, phân tích. Tuy nhiên bị cáo chuyên về kế toán, đã biết sự chỉ đạo sai mà vẫn làm để rồi tất cả đều sai dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước để rồi phạm tội với vai trò đồng phạm. Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội.
[4] Xét thấy, vụ án xảy ra các bị cáo đã cùng nhau bồi thường, khắc phục hậu quả, trong đó bị cáo Tr khắc phục nhiều nhất và hiện đã lớn tuổi, có bệnh mãn tính, bị cáo A tiếp tục khắc phục số tiền còn lại theo Bản án sơ thẩm. Đối với bị cáo Th với vai trò là kế toán làm theo sự chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, vai trò đồng phạm của bị cáo trong vụ án không đáng kể, bị cáo không được hưởng lợi ích vật chất. Do đó Hội đồng xét xử có xem xét chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo.
[5] Đối với án phí hình sự sơ thẩm, cấp sơ thẩm nhận định bị cáo Tr lớn tuổi để miễn án phí là không phù hợp với Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 nên Hội đồng xét xử điều chỉnh phần này.
[6] Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ Hội đồng xét xử đã nghi nhận, xem xét. Tuy nhiên mức hình phạt mà cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo Tr, bị cáo A và bị cáo Th là có phần nghiêm khắc nên Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo để thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo và nhân văn của pháp luật.
[7] Xét quan điểm của Luật sư thấy rằng: Các ý kiến đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Đối với quan điểm của Luật sư H1 bào chữa cho bị cáo Th cho rằng anh H4, bà D2, ông H3 đồng phạm về tội tham ô tài sản là không đúng. Bởi lẽ, anh H4 nhận 40.000.000 đồng không biết đó là tiền do các bị cáo khác phạm tội, anh H4 cũng không tham gia, không liên quan, không giúp sức cho hành vi tham ô mà các bị cáo khác đã thực hiện. Còn bà D2, ông H3 không phải là người có chức vụ quyền hạn theo quy định tại Điều 352 Bộ luật Hình sự, Điều 2, Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 20/12/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đối với yêu cầu cho bị cáo Th được hưởng án treo là không phù hợp nên không được chấp nhận.
[8] Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo không phải nộp.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.
[1] Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Đoàn Đức Tr, Phạm Thị Thúy A , Võ Kim Th.
[2] Tuyên bố: Bị cáo Đoàn Đức Tr và bị cáo Võ Kim Th phạm Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trong và Tội tham ô tài sản; Bị cáo Phạm Thị Thúy A phạm Tội tham ô tài sản.
[3] Áp dụng khoản 1 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 17; Điều 38; các điểm b, s và v khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 54; Điều 55 và Điều 58, điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội;
Xử phạt bị cáo Đoàn Đức Tr 01 năm tù về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 03 năm 06 tháng tù về Tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Đoàn Đức Tr phải chấp hành hình phạt của hai tội là 04 (Bốn) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án. Khấu từ thời gian tạm giam từ ngày 08/10/2018 đến ngày 31/01/2019 và thời gian đã chấp hành án từ ngày 03/3/2020 đến ngày 17/01/2021.
[4] Áp dụng khoản 1 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 17; Điều 38; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 52; Điều 54; Điều 55 và Điều 58; điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội;
Xử phạt bị cáo Võ Kim Th 06 tháng tù về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 01 năm 06 tháng tù về Tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Võ Kim Th phải chấp hành hình phạt của hai tội là 02 (Hai) năm tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án. Khấu trừ thời gian đã chấp hành án từ ngày 03/3/2020 đến ngày 17/01/2021.
[5] Áp dụng Điều 17 và Điều 38; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 và Điều 58; điểm d khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội;
Xử phạt bị cáo Phạm Thị Thúy A 02 (Hai) năm 09 (chín) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày chấp hành án.
[6] Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Tr phải nộp 200.000 đồng.
[7] Án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo không phải chịu.
[8] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[9] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản số 65/2022/HS-PT
Số hiệu: | 65/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cần Thơ |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 16/08/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về