Bản án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng số 290/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 290/2020/HS-PT NGÀY 29/05/2020 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 29 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 03/2018/TLST-HS ngày 05 tháng 01 năm 2018 đối với các bị cáo Nguyễn Công H và các bị cáo khác; Do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H và kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 24/2018/HS-ST ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố H.

- Bị cáo:

1. Nguyễn Công H; giới tính: Nam; sinh ngày 26/6/1959 tại Nam Định; thường trú: đường Đ, Phường 24, quận B, Thành phố H; trình độ học vấn: Đại học; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; nghề nghiệp: Nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty C – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu V; con ông: Nguyễn Công T (chết) và bà: Nguyễn Thị L; hoàn cảnh gia đình: Bị cáo có vợ và 02 con (lớn sinh năm 1986, nhỏ sinh năm 1989); tiền án, tiền sự: Không;

Nhân thân: Ngày 22/6/1986, Cục an ninh điều tra xét hỏi – Tổng cục An ninh nhân dân – Bộ Nội vụ có Quyết định khởi tố bị can số 731/QĐ khởi tố bị can Nguyễn Công H đã có hành vi buôn bán với người nước ngoài; tháng 8- 1987, Cục An ninh điều tra xét hỏi – Bộ Nội vụ đã kết thúc điều tra vụ án và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 2C) đề nghị truy tố Nguyễn Công H cùng 04 bị can khác trong vụ án về tội “Buôn lậu” theo Điều 97 Bộ luật Hình sự. Ngày 01/02/1988, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định di lý số 9/KSĐT-AN, di lý hồ sơ và các bị can trong vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại kho lưu trữ hồ sơ, tuy nhiên không tìm thấy hồ sơ và kết quả giải quyết vụ án “Nguyễn Công H phạm tội Buôn lậu” (Công văn số 1761/VKS-P1 ngày 28/7/2017 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội);

Bị bắt tạm giam từ ngày 20/4/2016. (có mặt) Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Công H: Luật sư Nguyễn Đức H – Đoàn Luật sư Thành phố H. (có mặt)

2. Phạm Trung T; giới tính: Nam; sinh ngày 18/5/1956 tại Quảng Ninh; thường trú: đường L, tổ 67, Phường 9, quận G, Thành phố H; trình độ học vấn: Đại học; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu V; con ông: Phạm Văn D và bà: Nguyễn Thị Ngh; hoàn cảnh gia đình: Bị cáo có có vợ và 03 con (lớn nhất sinh năm 1979, nhỏ nhất sinh năm 1993); tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày: 09/6/2015. (có mặt) Người bào chữa cho bị cáo Phạm Trung T: Luật sư Nguyễn Viết Đ và Luật sư Đỗ Hoàng D – Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng. (có mặt Luật sư Đỗ Hoàng D)

3. Võ Quang V; giới tính: Nam; sinh ngày 27/01/1986 tại Đắk Lắk; thường trú: đường L, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; trình độ học vấn: Đại học; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; nghề nghiệp: Nguyên Phó phòng phụ trách Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Xuất nhập khẩu V; con ông: Võ Hồng S và bà: Trần Thị H; hoàn cảnh gia đình: Bị cáo chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại (bị bắt tạm giam từ ngày: 09/6/2015; ngày 01/7/2016, được thay thế sang biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú). (có mặt) Người bào chữa cho bị cáo Võ Quang V: Luật sư Trần Vũ T – Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ. (có mặt)

4. Nguyễn Hồng H; giới tính: Nam; sinh ngày 05/5/1974 tại Bình Định; thường trú: đường Ph, phường B, Quận 1, Thành phố H; chỗ ở: chung cư Ph1, Phường 19, quận B, Thành phố H; trình độ học vấn: Đại học; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ nông sản B; con ông: Nguyễn Ngọc H (chết) và bà Lê Thị S; hoàn cảnh gia đình: Bị cáo có vợ và 02 con (lớn sinh năm 2006, nhỏ sinh năm 2012); tiền án, tiền sự: Không;

Nhân thân: Ngày 12/5/2010, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Nông ra Quyết định khởi tố bị can số 59 đối với Nguyễn Hồng H về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; ngày 16/3/2011, ra Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can số 02 về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”. Sau khi kết luận điều tra, hồ sơ được chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đề nghị truy tố. Ngày 13/4/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông ra Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can số 04/QĐ- KSĐT đối với Nguyễn Hồng H, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Bị cáo tại ngoại. (có mặt)

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng H: Luật sư Trịnh Văn N - Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa. (có mặt)

5. Trần Thanh T1; giới tính: Nam; sinh ngày 22/3/1957 tại Hà Nam; thường trú: thôn A, xã L, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng; chỗ ở: Khu phố X, thị trấn Đ, huyện L1, tỉnh Lâm Đồng; trình độ học vấn: 7/10; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên Chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam; nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH H; con ông: Trần Văn Y (chết) và bà Trịnh Thị Nh (chết); hoàn cảnh gia đình: Bị cáo có vợ và 03 con (lớn nhất sinh năm 1980, nhỏ nhất sinh năm 1986); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại (có mặt) Người bào chữa cho bị cáo Trần Thanh T1: Luật sư Vũ Xuân Đ - Đoàn Luật sư Thành phố H.

Bị hại: Tng công ty C – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Địa chỉ: đường Tr, Phường 8, quận Ph2, Thành phố H Người đại diện theo ủy quyền:

1. Ông Đặng Hồng T, sinh năm: 1975.

Chức vụ/đơn vị: Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty C – Công ty TNHH một thành viên. (có mặt) 2. Ông Nguyễn Công Tr, sinh năm 1976.

Chức vụ/đơn vị: Trưởng Ban sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp – Tổng công ty C – Công ty TNHH một thành viên. (có mặt)

3. Ông Nguyễn Thanh T, sinh năm: 1980.

Chức vụ/đơn vị: Chuyên viên Ban Tài chính – Kế toán Tổng công ty C – Công ty TNHH một thành viên. (có mặt)

4. Bà Trần Thị Ph, sinh năm: 1992.

Chức vụ/đơn vị: Chuyên viên Ban sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp - Tổng công ty C – Công ty TNHH một thành viên. (có mặt) - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ngân hàng T Việt Nam Địa chỉ: đường B, phường L, quận H, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đức Th, sinh năm: 1982;

Chức vụ: Trưởng phòng tố tụng – T AMCMN. (có mặt)

2. Bà Trần Thị Kim Th, sinh năm: 1975.

Địa chỉ: đường N, Phường 14, quận T1, Thành phố H. (vắng mặt)

3. Bà Lê Anh T, sinh năm: 1971.

Địa chỉ: đường số 7, cư xá Đ, Phường 4, Quận 3, Thành phố H. (vắng mặt)

4. Bà Lê Thị Thu H, sinh năm: 1964.

Địa chỉ: đường số 16, khu N, phường P, Quận 9, Thành phố H. (vắng mặt)

5. Ông Lê Văn L, sinh năm: 1958.

Địa chỉ: đường số 6, khu phố 2, phường H, quận Th, Thành phố H. (vắng mặt)

7. Ông Vũ Đăng H, sinh năm: 1960.

Địa chỉ: đường Ng, phường T2, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. (vắng mặt)

8. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê T Địa chỉ: Khu phố X, thị trấn Đ, huyện L1, tỉnh Lâm Đồng Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Trung T (có mặt)

9. Bà Võ Thị Ánh T, sinh năm: 1969.

Địa chỉ: đường L, Phường 9, quận G, Thành phố H. (vắng mặt)

10. Ông Đoàn Đình Th, sinh năm: 1954.

Địa chỉ: đường Tr 11, khu đô thị Tr, phường Y, quận C, Thành phố Hà Nội. (vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trung tâm Xuất nhập khẩu V (viết tắt là V) thuộc Tổng công ty C – Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (viết tắt là Tổng công ty C) - doanh nghiệp 100 % vốn nhà nước. V được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh số 010010509–013, đăng ký lần đầu ngày 04/12/2009, đăng ký thay đổi lần thứ 4 ngày 13/12/2013, ngành nghề kinh doanh gồm: Kinh doanh cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, lương thực, nông sản… V được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại các ngân hàng. V là đơn vị hạch toán phụ thuộc, không phải là đơn vị hạch toán báo sổ, được Tổng công ty C ủy quyền vay vốn ngân hàng để kinh doanh, tự chủ trong hoạt động kinh doanh, tự quyết định trong việc ký hợp đồng, ứng tiền mua bán hàng hóa; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, bảo toàn và phát triển vốn và chịu trách nhiệm trước Tổng công ty C và trước pháp luật về việc sử dụng vốn vay.

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2013, các bị cáo đã làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Tổng công ty C với diễn biến cụ thể như sau:

1. Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V và Nguyễn Hồng H, gây thiệt hại cho Tổng công ty C 18.001.269.599 đồng:

Ngày 08/11/2010, Tổng công ty C và Ngân hàng T Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng T) ký hợp đồng hạn mức tín dụng số 68/10; nội dung hợp đồng thể hiện Ngân hàng T cho Tổng công ty C vay vốn, hạn mức tín dụng 200.000.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng để bổ sung vốn lưu động kinh doanh cà phê. Sau khi ký hợp đồng hạn mức tín dụng số 68/10, Tổng công ty C đã ký 04 Giấy ủy quyền (số 623/TCT-HĐTV/UQ ngày 19/6/2011; số 928/TCT- HĐTV/UQ ngày 04/11/2011; số 208/TCT-HĐTV/UQ ngày 21/3/2012; số 838/TCT-HĐTV/UQ ngày 12/9/2012) cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V được vay vốn ngân hàng để kinh doanh cà phê; yêu cầu Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu V phải chịu trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, bảo toàn và phát triển vốn.

Ngày 23/9/2011, Phạm Trung T và Nguyễn Hồng H (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ nông sản B, sau đây gọi tắt là Công ty B) thống nhất ký 05 hợp đồng khống do nhân viên Công ty B lập (Hợp đồng mua bán cà phê số 08-11; 09-11; 10-11; 11-11; 12-11/BH-VNSG), thể hiện Công ty B bán cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V 1.000 tấn cà phê trị giá 42.630.000.000 đồng (bao gồm cả thuế GTGT), để Trung tâm Xuất nhập khẩu V sử dụng các hợp đồng này lập hồ sơ vay 854.373 USD (tương đương 17.800.007.082 đồng) của Ngân hàng T Chi nhánh Thành phố H với lãi suất 8,5%/năm sau đó chuyển cho Công ty B vay lại với lãi suất 21%/năm.

Để thực hiện chủ trương trên, Phạm Trung T chỉ đạo Võ Quang V lập phương án kinh doanh khống (mua 1.000 tấn cà phê, trị giá 40.600.000.000 đồng của Công ty B để xuất khẩu cho Công ty N); lập hồ sơ tín dụng, thế chấp 1.000 tấn cà phê này cho Ngân hàng T Chi nhánh Thành phố H vay 854.373 USD (tương đương 17.800.007.082 đồng) với lãi suất 8,5%/năm. Võ Quang V đã sử dụng 05 hợp đồng, 05 hóa đơn GTGT khống, tài sản thế chấp là 1.000 tấn cà phê của Công ty B để làm hồ sơ vay 854.373 USD tại T. Ngày 30/9/2011, T đã giải ngân chuyển 17.800.007.082 đồng vào tài khoản của Công ty B theo đề nghị giải ngân ngày 30/9/2011 của Trung tâm Xuất nhập khẩu V.

Vì không thực hiện 05 hợp đồng nêu trên, nhưng để hợp thức việc chuyển tiền cho Công ty B vay lấy lãi suất chênh lệch, ngày 30/9/2011 và ngày 10/10/2011, Phạm Trung T đã chỉ đạo Võ Quang V lập biên bản hủy 05 hóa đơn GTGT và cùng Nguyễn Hồng H ký biên bản hủy 05 hợp đồng cùng 05 hóa đơn GTGT; khi hủy Phạm Trung T và Võ Quang V không thông báo cho T biết việc 05 hợp đồng liên quan đến tài sản thế chấp là 1.000 tấn cà phê đã bị hủy. Các biên bản đối chiếu công nợ giữa Trung tâm Xuất nhập khẩu V với Công ty B cũng đều không thể hiện việc hai bên đã ký 05 hợp đồng này và việc chuyển tiền là để thực hiện 05 hợp đồng. Trong các tài liệu báo cáo, kê khai thuế của Trung tâm Xuất nhập khẩu V từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2012 Trung tâm Xuất nhập khẩu V cũng không kê khai, không báo cáo thuế liên quan đến 05 hóa đơn mua 1.000 tấn cà phê của Công ty B. Về phía Công ty B, để không bị tính thuế GTGT về việc đã xuất 05 hóa đơn GTGT bán 1.000 tấn cà phê cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V, nên đến tháng 10/2011 Công ty B đã kê khai, báo cáo thuế thể hiện hủy, không thực hiện 05 hóa đơn GTGT đã xuất cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V.

Ngày 30/9/2011 và ngày 31/12/2011, để hợp thức việc chuyển tiền cho Công ty B vay và ghi nhận nợ hai bên, Phạm Trung T và Nguyễn Hồng H ký 03 Hợp đồng mua bán cà phê (số 169, 170 cùng ngày 30/9/2011), thể hiện Trung tâm Xuất nhập khẩu V đã chuyển cho Công ty B 13.000.000.000 đồng. Đến ngày 31/12/2011, bị cáo T và bị cáo H lại hủy 02 hợp đồng này ký thay thế bằng Hợp đồng số 188, thể hiện Trung tâm Xuất nhập khẩu V đã chuyển cho Công ty B 14.470.015.545 đồng (là số tiền 17.800.007.082 đồng sau khi bù trừ công nợ với 07 Hợp đồng mua bán cà phê trước đó có số từ 01-11 đến 07-11). Tất cả các hợp đồng này (số 169, 170, 188) đều không thực hiện và không thể hiện trên các bản đối chiếu công nợ hai bên liên quan đến việc thực hiện các hợp đồng mua bán cà phê mà hai bên đã ký kết, có thực hiện; nên việc ký kết chỉ để ghi nhận công nợ, lãi suất phải trả.

Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 29/02/2012 giữa Trung tâm Xuất nhập khẩu V và Công ty B, xác nhận Công ty B còn nợ Trung tâm Xuất nhập khẩu V 20.004.537.832 đồng, trong đó có: Tiền chuyển để thực hiện Hợp đồng mua bán cà phê số 07-11/BH-VNSG (ký hợp đồng ngày 22/9/2011, giao hàng 29/02/2012) là 6.289.712.100 đồng (do có thực hiện hợp đồng nên không tính lãi 21%/năm); còn số tiền chuyển cho Công ty B vay liên quan đến 05 hợp đồng khống (17.800.007.082 đồng) và số tiền Công ty B nợ cũ, tổng là 19.401.537.832 đồng, hai bên thống nhất tính lãi 152 ngày với lãi suất 21%/năm (từ ngày chuyển tiền 30/9/2011 đến ngày 29/02/2012 là 152 ngày), xác định số tiền lãi phải trả là 1.720.269.688 đồng.

Đến thời hạn hoàn trả 854.373 USD theo khế ước nhận nợ số 10215 ngày 30/9/2011, do chưa thu hồi số tiền đã chuyển cho Công ty B vay, nên Phạm Trung T chỉ đạo Võ Quang V sử dụng tiền vay Ngân hàng T Chi nhánh Thành phố H theo khế ước nhận nợ số 10272; số 10273 ngày 31/12/2011 và tiền của các hợp đồng khác để hoàn trả Ngân hàng T theo khế ước nhận nợ số 10215 ngày 30/9/2011 (trả 854.373 USD tiền gốc và 1.774,86 USD tiền lãi). Thực tế đây chỉ là việc đảo nợ cho khế ước nhận nợ số 10215 ngày 30/9/2011, Trung tâm Xuất nhập khẩu V vẫn nhận nợ và phải trả tiền lãi theo khế ước nhận nợ số 10272; số 10273 ngày 31/12/2011.

Đến ngày 31/12/2013, do Trung tâm Xuất nhập khẩu V không trả được các khoản nợ vay cho các ngân hàng nên Tổng công ty C đã phải sử dụng 47.889.028.056 đồng (tiền thoái vốn tại V, thành phố B) để hoàn trả thay các khoản vay của Trung tâm Xuất nhập khẩu V tại Ngân hàng T Chi nhánh Thành phố H (trả 25.000.000.000 đồng, bao gồm 20.000.000.000 đồng tiền gốc và 5.000.000.000 đồng tiền lãi, lãi phạt) và Ngân hàng A Chi nhánh Thành phố H (trả 22.889.028.056 đồng bao gồm 20.780.000.000 đồng tiền gốc và 2.109.028.056 đồng tiền lãi). Trong số tiền Tổng công ty C đứng ra hoàn trả cho các ngân hàng thay cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V có các khế ước nhận nợ số 10272; số 10273 ngày 31/12/2011 (đã dùng để đảo nợ món nợ của Trung tâm Xuất nhập khẩu V tại Ngân hàng T theo khế ước nhận nợ số 10215 ngày 30/9/2011, đã sử dụng chuyển cho Công ty B vay nhưng chưa thu hồi được).

Căn cứ Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2015, thể hiện Công ty B còn nợ Trung tâm Xuất nhập khẩu V tổng số tiền là 18.251.269.599 đồng trong đó có 10.930.894.472 đồng tiền gốc và 7.320.375.127 đồng tiền lãi. Từ ngày 31/8/2015 đến ngày 08/6/2017, Công ty B trả thêm 250.000.000 đồng tiền gốc, do đó đến nay Công ty B còn nợ Trung tâm Xuất nhập khẩu V tổng số tiền là 18.001.269.599 đồng trong đó có 10.680.894.472 đồng tiền nợ gốc và 7.320.375.127 đồng tiền lãi.

Cơ quan điều tra xác minh tại Chi cục thuế quận B, Thành phố H là nơi Công ty B kê khai thuế và tại Công ty B, thấy: Công ty B do duy nhất Nguyễn Hồng H thành lập. Hiện Công ty B đã dừng hoạt động kinh doanh từ tháng 6/2013. Ngoài khoản nợ với Trung tâm Xuất nhập khẩu V, Công ty B hiện còn nợ quá hạn tại Ngân hàng TMCP Q Chi nhánh Quận 5 và nợ quá hạn tại Ngân hàng TMCP N nay là Ngân hàng TMCP Q1 Chi nhánh Sài Gòn là 252.444.091.416 đồng. Nguyễn Hồng H (Giám đốc Công ty B) xác nhận hiện không còn tài sản nào khác để trả khoản tiền 18.001.269.599 đồng cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V.

Cơ quan điều tra xác minh tại Ngân hàng T về việc Trung tâm Xuất nhập khẩu V ký khế ước nhận nợ 854.373 USD (tương đương 17.800.007.082 đồng), thấy: Khế ước nhận nợ số 10215 ngày 30/9/2011 của Trung tâm Xuất nhập khẩu V đã được tất toán, Ngân hàng T đã làm thủ tục giảm chấp 700/1.000 tấn cà phê, 300 tấn cà phê còn lại hiện ngân hàng không cung cấp được Lệnh giải chấp, tuy nhiên, ngày 01/4/2016, ngân hàng có Công văn số 0471/CV/2016/TCB nêu rõ vào thời điểm Khế ước nhận nợ số 10215 nêu trên được tất toán thì 1.000 tấn cà phê của Trung tâm Xuất nhập khẩu V đã được giải tỏa, quyền quản lý, sử dụng và định đọat thuộc bên thế chấp (Trung tâm Xuất nhập khẩu V).

Cơ quan điều tra xác minh tại Công ty B về việc sử dụng 17.800.007.082 đồng và tiền bán 1.000 tấn cà phê nêu trên, thấy: Sau khi có 17.800.007.082 đồng do Ngân hàng T giải ngân chuyển vào tài khoản, Công ty B đã sử dụng 12.801.000.000 đồng để thanh toán tiền mua cà phê cho Doanh nghiệp tư nhân TT, Công ty TNHH L; sử dụng 4.999.007.082 đồng hoàn trả tiền Công ty B vay tại Ngân hàng TMCP N. Khi được Trung tâm Xuất nhập khẩu V chuyển Lệnh giải chấp 700 tấn cà phê của Ngân hàng T, Công ty B đã bán 704.228 kg (trong đó có 4.228 kg là cà phê của Công ty B) cho Công ty cổ phần kho vận P ở huyện T, tỉnh Bình Dương được 28.561.833.543 đồng, khi tiền Công ty cổ phần kho vận P chuyển vào tài khoản Công ty B mở tại Ngân hàng TMCP Q Chi nhánh Quận 5 Thành phố H, ngân hàng đã thu hết để trừ vào khoản nợ gốc, nợ lãi vay của Công ty B. Đối với 300 tấn cà phê còn lại Ngân hàng T không ký Lệnh giải chấp, Công ty B đã bán để trả nợ Ngân hàng Q Chi nhánh Quận 5 Thành phố H.

Lời khai của bị cáo và những người liên quan tại cơ quan điều tra thể hiện:

- Bị cáo Phạm Trung T khai nhận: Bị cáo đã cùng Nguyễn Hồng H bàn bạc thống nhất về việc Công ty B cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V mượn 1.000 tấn cà phê để làm thủ tục thế chấp vay tiền ngân hàng, số tiền vay được sẽ chuyển cho Công ty B vay lại với lãi suất 21%/năm. Thực hiện thỏa thuận, Công ty B đã lập và ký 05 Hợp đồng mua bán cà phê (từ số 08-11 đến số 12-11) và xuất 05 hóa đơn GTGT cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Phạm Trung T chỉ đạo Võ Quang V lập phương án kinh doanh khống, lập hồ sơ tín dụng vay tiền của Ngân hàng T Chi nhánh Thành phố H, sau đó chuyển 17.800.007.082 đồng cho Công ty B vay với lãi suất 21%/năm. Đến ngày 30/9/2011 và ngày 10/10/2011, Phạm Trung T và Nguyễn Hồng H đã ký biên bản hủy 05 hợp đồng; 05 hóa đơn GTGT nhưng không thông báo cho Ngân hàng T biết.

- Bị cáo Võ Quang V khai nhận: Theo chỉ đạo của Phạm Trung T, Võ Quang V đã sử dụng 05 Hợp đồng mua bán cà phê 1.000 tấn cà phê và 05 Hóa đơn GTGT do Công ty B xuất, để lập hồ sơ tín dụng, thế chấp 1.000 tấn cà phê tại Ngân hàng T vay 854.373 USD; lập Phương án kinh doanh khống ngày 30/9/2011, thể hiện Trung tâm Xuất nhập khẩu V có 22.799.992.918 đồng vốn tự có, cần vay 17.800.007.082 đồng. Võ Quang V tuy không thực hiện việc kiểm tra và bàn giao 1.000 tấn cà phê cho Ngân hàng T nhưng vẫn ký Biên bản bàn giao tài sản bảo đảm kiêm kiểm kê hàng gửi kho và Biên bản kiểm tra và định giá tài sản bảo đảm. Ngày 30/9/2011, Ngân hàng T đã giải ngân chuyển 17.800.007.082 đồng vào tài khoản của Công ty B theo Đề nghị giải ngân ngày 30/9/2011 của Trung tâm Xuất nhập khẩu V do Võ Quang V lập, ký nháy. Phạm Trung T đã chỉ đạo Võ Quang V không khai báo thuế việc đã mua 1.000 tấn cà phê của Công ty B. Trong tháng 10/2011, thực hiện chỉ đạo của Phạm Trung T, Võ Quang V đã lập Biên bản hủy 05 hóa đơn GTGT do Công ty B xuất bán 1.000 tấn cà phê ghi ngày 30/9/2011 và ngày 10/10/2011, ký nháy chuyển lại cho Phạm Trung T để T chuyển cho Công ty B ký.

- Bị cáo Nguyễn Hồng H khai nhận: Vào thời điểm ký 05 Hợp đồng mua bán cà phê khống nêu trên với Trung tâm Xuất nhập khẩu V, Công ty B đang phải vay vốn tại các ngân hàng với lãi suất lên tới 24,6%/năm, do đó Nguyễn Hồng H đã đồng ý với Phạm Trung T cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V mượn 1.000 tấn cà phê, để ký 05 Hợp đồng mua bán, sử dụng để thế chấp cho Ngân hàng T vay tiền, chuyển cho Công ty B vay lại với lãi suất 21%/năm. Bị cáo xác nhận làm ăn thua lỗ, ngoài khoản nợ với Trung tâm Xuất nhập khẩu V, Công ty B còn nợ quá hạn tại các ngân hàng 252.444.091.416,5 đồng. Bị cáo không còn tài sản nào khác ngoài khoản thu nhập hợp pháp do làm thuê cho Công ty cổ phần LT với mức lương 15.000.000 đồng/tháng, do đó hiện bị cáo không có khả năng trả khoản tiền 18.001.269.599 đồng cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V.

- Lời khai của Đặng Thị Phương D (nguyên Kế toán công nợ Trung tâm Xuất nhập khẩu V): Khi lập biên bản xác nhận công nợ ngày 30/9/2011 giữa Trung tâm Xuất nhập khẩu V với Công ty B, bà D không biết việc Trung tâm Xuất nhập khẩu V và Công ty B ký 05 Hợp đồng mua bán cà phê từ số 08-11 đến 12-11 (ngày 23/9/2011). Chính vì vậy bà D đã đưa số tiền 17.800.007.082 đồng do Trung tâm Xuất nhập khẩu V thanh toán cho Công ty B ngày 30/9/2011 để đối chiếu công nợ đối với 07 Hợp đồng mua bán từ số 01-11 đến 07-11 (chứ không phải là để thực hiện 05 Hợp đồng khống số 08-11 đến 12-11 mà Phạm Trung T đã ký với Nguyễn Hồng H).

Sau đó, Phạm Trung T thay đổi lời khai, không thừa nhận có việc bàn bạc, thỏa thuận với Nguyễn Hồng H về việc mượn 1.000 tấn cà phê, ký hợp đồng khống để thế chấp vay tiền Ngân hàng T và khẳng định ký 05 Hợp đồng trên để mua 1.000 tấn cà phê thật, nhưng do không đủ tiền nên không thực hiện, nên phải hủy 05 hợp đồng và 05 hóa đơn GTGT nêu trên vào khoảng đầu tháng 5/2012. Riêng Nguyễn Hồng H vẫn khẳng định có sự thỏa thuận vay giữa bị cáo và bị cáo T nên cả hai đã ký 05 Hợp đồng mua bán cà phê khống để ngân hàng giải ngân số tiền Trung tâm Xuất nhập khẩu V được quyền vay theo hạn mức do Tổng công ty C cấp, thực tế không có việc mua bán cà phê theo các hợp đồng nêu trên.

2. Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V và Trần Thanh T1, gây thiệt hại cho Tổng công ty C 17.398.035.755 đồng:

Ngày 13/9/2011, Phạm Trung T và Trần Thanh T1 (Giám đốc Công ty TNHH H, sau đây gọi tắt là Công ty H) ký Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF mua 1.000 tấn cà phê, trị giá 42.000.000.000 đồng để Trung tâm Xuất nhập khẩu V có căn cứ chuyển cho Công ty H vay 24.100.000.000 đồng, tính lãi suất 21%/năm.

Thực hiện chỉ đạo của Phạm Trung T, từ ngày 15/9/2011 đến ngày 21/10/2011, Võ Quang V chuyển tiền cho Công ty H vay 24.100.000.000 đồng thông qua Hợp đồng kinh tế khống số 63/11/HĐCF. Do Trần Thanh T1 chưa có nguồn tiền trả nợ và hai bên vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng mua bán cà phê khác, nên Phạm Trung T và Trần Thanh T1 thống nhất sử dụng số tiền 24.100.000.000 đồng Công ty H nợ để trừ dần vào các hợp đồng mua bán cà phê hai bên đang thực hiện, quá trình đó vẫn tính lãi suất 21%/năm. Vì Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF là hợp đồng khống, nên các biên bản đối chiếu công nợ giữa Trung tâm Xuất nhập khẩu V với Công ty H đều không thể hiện hai bên ký và thực hiện hợp đồng này. Tài liệu báo cáo, kê khai thuế của Trung tâm Xuất nhập khẩu V từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2012, đều không kê khai, không báo cáo thuế việc mua 1.000 tấn cà phê của Công ty H theo Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF, hai bên ký ngày 13/9/2011.

Từ ngày 12/10/2011 đến ngày 07/02/2012, Trung tâm Xuất nhập khẩu V và Công ty H ký tiếp Hợp đồng số 168, 173, 174, 03, 04, 09, 11; theo nội dung của các bản hợp đồng trên thì Trung tâm Xuất nhập khẩu V không phải ứng trước tiền cho Công ty H. Tuy nhiên khi Công ty H chưa bàn giao cà phê hoặc bàn giao chưa đủ số lượng theo hợp đồng, dù Công ty H vẫn đang nợ tiền nhưng Phạm Trung T không tập trung đôn đốc thực hiện và thu hồi công nợ mà vẫn tiếp tục chỉ đạo Võ Quang V chuyển thêm 33.300.000.000 đồng cho Công ty H sử dụng.

Căn cứ các Biên bản đối chiếu công nợ (ngày 30/9/2011, ngày 31/12/2011, ngày 27/2/2012 và ngày 31/3/2012) giữa Trung tâm Xuất nhập khẩu V và Công ty H thì đến ngày 31/3/2012, Công ty H còn nợ Trung tâm Xuất nhập khẩu V 16.792.391.912 đồng (gồm 10.846.844.493 đồng chuyển thừa năm 2011-2012; 3.694.501.823 đồng nợ cũ; 270.000.000 đồng tiền lãi vay ngoài và 1.981.045.596 đồng tiền lãi).

Theo các bản đối chiếu công nợ nêu trên, việc tính lãi số tiền 24.100.000.000 đồng Trung tâm Xuất nhập khẩu V chuyển cho Công ty H theo Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011 được thể hiện: Số 24.100.000.000 đồng sau khấu trừ cho các hợp đồng mua bán cà phê giữa hai bên, số còn lại tính lãi suất 21%/năm theo số ngày Công ty H nợ tiền Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Tại Biên bản xác nhận công nợ ngày 30/9/2011, số tiền 13.300.000.000 đồng (trong số 24.100.000.000 đồng Trung tâm Xuất nhập khẩu V chuyển cho Công ty H theo Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011) khi đối chiếu công nợ hai bên đã cấn trừ 10.218.352.105 đồng để tất toán cho Hợp đồng số 59/11/HĐCF ngày 07/8/2011; còn lại 3.081.647.895 đồng được tính lãi suất 21%/năm; theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/2/2012, thì từ 01/10/2011 đến 27/2/2012 là 149 ngày, với lãi 21%/năm, thì tiền lãi được tính là 267.846.563 đồng.

Đến ngày 31/5/2015, Trung tâm Xuất nhập khẩu V và Công ty H đã tiến hành lập Biên bản đối chiếu công nợ, xác nhận Công ty H còn nợ Trung tâm Xuất nhập khẩu V (liên quan đến việc chuyển số tiền 24.100.000.000 đồng cho vay với lãi suất 21%/năm) là 17.398.035.755 đồng, trong đó 10.846.844.493 đồng tiền gốc và 6.551.191.262 đồng tiền lãi.

Cơ quan điều tra xác minh tại Chi cục thuế huyện L1, tỉnh Lâm Đồng (nơi Công ty H khai báo thuế) thấy: Công ty H không nộp báo cáo tài chính năm 2012 và không nộp tờ khai thuế GTGT từ tháng 01/2013 đến nay cho Chi cục thuế huyện L1. Hiện Công ty H đã tạm ngừng kinh doanh theo trạng thái 03.

Cơ quan điều tra xác minh tại Công ty H thể hiện: Công ty H duy nhất do Trần Thanh T1 thành lập, chỉ đạo và chịu mọi trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh. Sau khi nhận 24.100.000.000 đồng do Trung tâm Xuất nhập khẩu V chuyển cho vay, Công ty H đã sử dụng vào việc kinh doanh cà phê và trả nợ ngân hàng. Hiện tại Công ty H và Trần Thanh T1, Giám đốc Công ty H không có khoản thu nhập hợp pháp nào, hiện không sở hữu bất kỳ tài sản gì. Công ty H, ngoài khoản nợ với Trung tâm Xuất nhập khẩu V 17.398.035.755 đồng, hiện còn nợ Công ty thực phẩm M số tiền 232.880.367.500 đồng, nhưng không có khả năng trả nợ. Do đó Trung tâm V không có khả năng thu hồi số tiền 17.398.035.755 đồng (trong đó 10.846.844.493 đồng tiền gốc và 6.551.191.262 đồng tiền lãi) mà Công ty H hiện đang xác nhận công nợ với Trung tâm V.

Lời khai của bị cáo và những người liên quan tại cơ quan điều tra thể hiện:

- Bị cáo Phạm Trung T khai: Năm 2011-2012, Trung tâm Xuất nhập khẩu V và Công ty H ký 09 hợp đồng mua, bán cà phê; 08 hợp đồng đã thực hiện còn Hợp đồng kinh tế số 63/11HĐCF ngày 13/9/2011, trị giá 42.000.000.000 đồng hai bên không thực hiện mà để chuyển tiền cho Công ty H vay với lãi suất 21%/năm theo thỏa thuận giữa Phạm Trung T và Trần Thanh T1. Phạm Trung T đã chỉ đạo Võ Quang V chuyển 24.100.000.000 đồng cho Công ty H theo hợp đồng này và tính lãi suất cho vay 21%/năm. Đến nay Công ty H còn nợ Trung tâm Xuất nhập khẩu V 10.846.844.493 đồng (chưa tính tiền lãi).

Sau đó, Phạm Trung T thay đổi lời khai, cho rằng việc chuyển tiền cho Công ty H là để thực hiện hợp đồng chứ không phải cho vay lấy lãi 21%/năm.

- Bị cáo Võ Quang V khai: Theo chỉ đạo của Phạm Trung T, V đã ký chứng từ chuyển 24.100.000.000 đồng cho Công ty H theo Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF. Bị cáo thừa nhận việc chuyển tiền nêu trên là không đúng với quy chế quản lý kinh doanh của Tổng công ty C dẫn đến làm thất thoát tiền của Nhà nước, nhận thức được rằng việc Trung tâm Xuất nhập khẩu V sử dụng tiền vay không đúng mục đích, vay tiền của Ngân hàng để kinh doanh cà phê nhưng lại chuyển cho Công ty H vay, tính lãi suất 21%/năm là sai quy định của Nhà nước dẫn đến không thu hồi được số tiền 10.846.844.493 đồng đã cho vay. Khi xác nhận công nợ ngày 30/9/2011 giữa Trung tâm Xuất nhập khẩu V với Công ty H thì hai bên không tính khoản nợ theo Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF, Công ty H cũng không có cà phê để giao cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V theo Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF, do đó Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF là hợp đồng khống, chỉ nhằm mục đích hợp thức việc Trung tâm Xuất nhập khẩu V chuyển 24.100.000.000 đồng cho Công ty H để tính lãi suất 21%/năm.

- Bị cáo Trần Thanh T1 khai: Đầu tháng 9/2011, Công ty H đang nợ quá hạn Ngân hàng T Chi nhánh Thành phố H 19.705.510.930 đồng; Trần Thanh T1 biết Trung tâm Xuất nhập khẩu V thuộc vốn sở hữu Nhà nước và không có chức năng cho vay nhưng vẫn đề nghị Phạm Trung T là Giám đốc (người có quyền điều hành, quản lý Trung tâm) cho Công ty H vay tiền để trả các khoản nợ cho ngân hàng này. Sau khi bàn bạc, thỏa thuận, các bị cáo thống nhất việc Trung tâm Xuất nhập khẩu V cho Công ty H vay tiền, tính lãi suất 21%/năm. Để có căn cứ chuyển tiền, Phạm Trung T và Trần Thanh T1 ký Hợp đồng kinh tế khống số 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011 và từ ngày 15/9/2011 đến ngày 21/10/2011, Trung tâm Xuất nhập khẩu V đã chuyển cho Công ty H vay 24.100.000.000 đồng; số tiền này được tính lãi suất 21%/năm (thể hiện tại các biên bản đối chiếu công nợ). Sau khi sử dụng tiền của Trung tâm Xuất nhập khẩu V để trả nợ Ngân hàng T Chi nhánh Thành phố H, do ngân hàng này không tiếp tục cho Công ty H vay vốn nữa, nên để trả nợ, Trần Thanh T1 thỏa thuận với Phạm Trung T trừ dần số tiền 24.100.000.000 đồng vào các hợp đồng hai bên sẽ ký kết thực hiện. Tính đến 31/3/2012 Công ty H còn nợ Trung tâm Xuất nhập khẩu V 27.111.346.316 đồng trong đó có 10.846.844.493 đồng tiền gốc, chưa tính lãi theo Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011. Sau khi phát sinh khoản nợ với Trung tâm Xuất nhập khẩu V, Trần Thanh T1 đã chuyển nhượng khu đất diện tích 19.521 m2 cùng nhà kho diện tích 5.000 m2 và dây chuyền chế biến cà phê chất lượng cao được lắp đặt trong nhà kho tại thị trấn Đ, huyện L1, tỉnh Lâm Đồng cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê T để công ty này nhận thay các khoản nợ của Công ty H tại Ngân hàng E Chi nhánh Đ, Ngân hàng S Chi nhánh Đ, Chi cục Thuế huyện L1 và Trung tâm Xuất nhập khẩu V (27.111.346.316 đồng). Trần Thanh T1 thừa nhận đã thống nhất với Phạm Trung T ký khống Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011 để Trung tâm Xuất nhập khẩu V có căn cứ chuyển cho Công ty H số tiền 24.100.000.000 đồng. Ngoài khoản nợ với Trung tâm Xuất nhập khẩu V, Công ty H còn nợ Công ty thực phẩm M số tiền 232.880.367.500 đồng. Do làm ăn thua lỗ, hiện Trần Thanh T1 không còn tài sản hợp pháp nào khác cũng như không có khả năng trả nợ cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V.

- Bà Đặng Thị Phương D (nguyên kế toán công nợ Trung tâm) và bà Trần Thị Thúy H (nguyên Phó Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Xuất nhập khẩu V) khai: Tại các bản đối chiếu công nợ giữa Trung tâm Xuất nhập khẩu V với Công ty H, bà D và bà H không biết việc Trung tâm Xuất nhập khẩu V và Công ty H ký Hợp đồng kinh tế số 63/11/HĐCF ngày 13/9/2011; chính vì vậy mới đưa số tiền 24.100.000.000 đồng đã chuyển cho Công ty H để đối chiếu công nợ với các hợp đồng hai bên thực hiện, số còn lại tính lãi suất 21%/năm với Công ty H.

3. Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của Phạm Trung T, Trương Đăng Kh và Võ Quang V, gây thiệt hại cho Tổng công ty C 1.477.000.000 đồng:

Từ ngày 05/01/2012 đến ngày 05/3/2012, Phạm Trung T đã chỉ đạo Võ Quang V chuyển vào tài khoản của bà Trần Thị Kim Th (vợ Trương Đăng Kh – Phó phòng Phụ trách phòng kinh doanh Trung tâm Xuất nhập khẩu V) mở tại Ngân hàng V Chi nhánh B 1.900.000.000 đồng theo 05 ủy nhiệm chi và từ ngày 12/01/2012 đến ngày 02/3/2012, bà Trần Thị Kim Th đã chuyển 4.200.000.000 đồng vào tài khoản của Trung tâm Xuất nhập khẩu V mở tại Ngân hàng V chi nhánh B (200.000.000 đồng ngày 12/01/2012; 2.000.000.000 đồng ngày 14/02/2012 và 2.000.000.000 đồng ngày 02/3/2012). Tính đến ngày 05/3/2012, Trung tâm Xuất nhập khẩu V nợ bà Trần Thị Kim Th 2.300.000.000 đồng.

Ngày 06/3/2012, Phạm Trung T và Trương Đăng Kh lập Hợp đồng mua bán khống số 50/MB12/TTXNK, nội dung Trung tâm Xuất nhập khẩu V mua 100 tấn cà phê, trị giá 4.200.000.000 đồng của bà Trần Thị Kim Th (Trương Đăng Kh đã ký giả tên “Trần Thị Kim Th” ở phần người bán). Với hợp đồng này từ ngày 06/3/2012 đến ngày 07/5/2012, Phạm Trung T tiếp tục chỉ đạo Võ Quang V chuyển vào tài khoản của bà Trần Thị Kim Th mở tại Ngân hàng V Chi nhánh B 4.700.000.000 đồng theo 04 ủy nhiệm chi, nội dung ghi là trả tiền cho người bán hàng Trần Thị Kim Th.

Quá trình chuyển tiền nêu trên, Kế toán Trung tâm Xuất nhập khẩu V hạch toán số tiền 2.400.000.000 đồng (4.700.000.000 đồng – 2.300.000.000 đồng) đã chuyển cho bà Trần Thị Kim Th vào tài khoản 331 (phải trả cho người bán), theo dõi là khoản tiền ứng trước cho bà Trần Thị Kim Th theo Hợp đồng mua bán số 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012. Ngày 01/7/2012, kế toán Trung tâm Xuất nhập khẩu V hạch toán giảm trừ công nợ đối với bà Trần Thị Kim Th 270.000.000 đồng và ghi lý do giảm trừ là “Trả hộ lãi vay ngoài cho H 3/2012”. Tiếp đó, vào ngày 13/9/2013 và ngày 04/02/2015, Phạm Trung T đã trả Trung tâm Xuất nhập khẩu V 653.000.000 đồng thay cho bà Trần Thị Kim Th, do đó hiện kế toán Trung tâm Xuất nhập khẩu V theo dõi và hạch toán cho bà Trần Thị Kim Th còn nợ 1.477.000.000 đồng.

Tài liệu điều tra cho thấy bà Trần Thị Kim Th không mua bán cà phê và không biết gì về Hợp đồng số 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012. Hiện bà Trần Thị Kim Th không xác nhận công nợ này với Trung tâm Xuất nhập khẩu V.

Lời khai của bị cáo và những người liên quan tại cơ quan điều tra thể hiện:

- Bị cáo Phạm Trung T khai: Cuối năm 2011, khi biết bà Trần Thị Kim Th (vợ Trương Đăng Kh) đang công tác tại V Chi nhánh B, bị cáo đã nhờ bà Th mở tài khoản của Trung tâm Xuất nhập khẩu V tại V Chi nhánh B. Đầu năm 2012, T yêu cầu Võ Quang V chuyển tiền vào tài khoản của bà Th, ngoài ra T còn nhờ bà Th vay tiền giúp Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Lý giải việc chuyển tiền cho bà Trần Thị Kim Th và việc bà Th chuyển tiền cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V, Phạm Trung T khai: Cuối năm 2011, Trương Đăng Kh đã nhờ bị cáo cho ứng tiền của Trung tâm Xuất nhập khẩu V để kinh doanh cà phê để kiếm thêm thu nhập và T đã đồng ý. Ngày 05/01/2012, T đã chỉ đạo Võ Quang V chuyển 200.000.000 đồng vào tài khoản của bà Th; sau đó do Trung tâm Xuất nhập khẩu V đang thiếu tiền để thanh toán nên bị cáo lại yêu cầu Kh trả lại; ngày 12/01/2012, bà Th đã chuyển trả lại 200.000.000 đồng vào tài khoản Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Ngày 13/01/2012, bị cáo T chỉ đạo bị cáo V chuyển 300.000.000 đồng cho bà Th để giúp Kh kinh doanh cà phê. Ngày 17/01/2012, T chỉ đạo V chuyển 1.000.000.000 đồng vào tài khoản bà Th. Khi chuyển được 1.300.000.000 đồng cho Kh để kinh doanh cà phê thì Trung tâm Xuất nhập khẩu V lại không đủ tiền thanh toán cho khách hàng nên T nhờ bà Th vay giúp 2.000.000.000 đồng. Ngày 14/02/2012 bà Th đã chuyển 2.000.000.000 đồng vào tài khoản Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Để có căn cứ chuyển tiền cho bà Th, T yêu cầu Kh soạn hợp đồng mua bán 100 tấn cà phê, ngay hôm sau Kh đã mang hợp đồng đến có chữ ký đề tên Trần Thị Kim Th để T ký. Quá trình chuyển tiền theo hợp đồng này, T phát hiện hợp đồng ghi nhầm bên mua thành bên bán nên yêu cầu Kh soạn lại hợp đồng (Hợp đồng mua bán số 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012). T khai ký hợp đồng và chuyển tiền cho bà Th đều ghi lý do là chuyển tiền theo các hợp đồng này. Việc Phạm Trung T đã trả Trung tâm Xuất nhập khẩu V 653.000.000 đồng là trả thay cho bà Th.

Quá trình điều tra, Phạm Trung T thay đổi lời khai, cho rằng việc chuyển tiền cho bà Trần Thị Kim Th là để thực hiện hợp đồng mua bán cà phê; tuy nhiên căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thì lời khai của Phạm Trung T là không có căn cứ.

- Trương Đăng Kh khai nhận: Đầu năm 2012 Phạm Trung T chỉ đạo chuyển tiền của Trung tâm Xuất nhập khẩu V (mở tại V) đến tài khoản của bà Trần Thị Kim Th (cũng mở tại V) để bà Th chuyển tiền đến các địa chỉ T chỉ định hoặc rút ra chuyển lại cho T. Ngoài ra, T còn nhờ Thu vay tiền giúp rồi chuyển vào tài khoản của Trung tâm Xuất nhập khẩu V mở tại V. Cũng trong thời điểm này T cũng hứa giúp Kh vay tiền để mua cà phê, T hứa sẽ canh giá, chốt giá để Kh bán kiếm lời. Khoảng tháng 3/2013, T đưa Kh bản Hợp đồng mua bán số 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012, Kh đã mạo danh bà Th để ký hợp đồng này, để giúp T hợp lý hóa số tiền đã chuyển cho bà Th và tiền bà Th đã chuyển cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Đến ngày 20/3/2012, thực hiện theo yêu cầu của T, Kh đã lập và ký khống “Giấy ủy quyền” với nội dung bà Trần Thị Kim Th ủy quyền cho Kh “chịu mọi trách nhiệm trong nội dung hợp đồng mua bán” với Trung tâm Xuất nhập khẩu V; ký Bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2012 và ký Giấy cam kết trả nợ ngày 03/01/2013 với Trung tâm Xuất nhập khẩu V.

- Bà Trần Thị Kim Th khai: Bà Th không mua bán cà phê với Trung tâm Xuất nhập khẩu V, bà Th cũng không ủy quyền cho Trương Đăng Kh ký kết hợp đồng mua bán cà phê với Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Năm 2011, qua sự giới thiệu của Trương Đăng Kh (chồng bà Th), bà Th đã mở tài khoản cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V tại V chi nhánh B là nơi bà Th công tác. Vào năm 2012, bà Th có vài lần cho Phạm Trung T vay tiền và T đã trả đủ tiền; có vài lần Trung tâm Xuất nhập khẩu V chuyển tiền vào tài khoản của bà Th để bà Th rút tiền mặt chuyển khoản cho T hoặc tiếp tục chuyển khoản theo yêu cầu T. Phạm Trung T chuyển tiền trả cho bà Th bằng chuyển khoản (có bảng sao kê). Hiện Phạm Trung T không nợ tiền của bà Th và bà Th cũng không nợ tiền Trung tâm Xuất nhập khẩu V, nhưng bà Th không hiểu vì sao Trung tâm Xuất nhập khẩu V hạch toán ghi nợ 1.477.000.000 đồng đối với bà Th.

- Bị cáo Võ Quang V khai nhận: Theo chỉ đạo của Phạm Trung T, bị cáo đã chuyển tiền sai nguyên tắc cho bà Trần Thị Kim Th và hạch toán theo dõi số tiền chuyển cho bà Th theo Hợp đồng mua bán số 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012 thể hiện tại 09 chứng từ, tổng số tiền 6.600.000.000 đồng, với nội dung thanh toán tiền hàng cho bà Th, nhưng thực tế bà Th không giao hàng hóa (cà phê) cho Trung Tâm Xuất nhập khẩu V; hợp đồng cũng không yêu cầu ứng tiền trước. Theo chỉ đạo của Phạm Trung T, V đã lập 05 chứng từ chuyển 1.900.000.000 đồng cho bà Th với nội dung “Thanh toán tiền hàng” trong khi bà Th không có hợp đồng mua bán với Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Khi V nhận được Hợp đồng mua bán số 50 ngày 06/3/2012 do Phạm Trung T đưa, T có nói với V về việc Kh muốn kinh doanh cà phê thêm ở bên ngoài về bán cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V nên Trung tâm Xuất nhập khẩu V hỗ trợ làm hợp đồng này để có căn cứ chuyển tiền cho vợ chồng Kh. Chính vì vậy mặc dù hợp đồng không thể hiện việc Trung tâm Xuất nhập khẩu V phải chuyển tiền trước cho bà Th nhưng theo chỉ đạo của T, V đã lập 04 chứng từ chuyển cho bà Th 4.700.000.000 đồng và hạch toán Trung tâm Xuất nhập khẩu V đã ứng trước cho bà Th 2.400.000.000 đồng theo Hợp đồng mua bán số 50/MB12/TTXNK nêu trên.

Từ đó, cơ quan điều tra xác định: Trong khoảng thời gian từ ngày 05/01/2012 đến ngày 07/5/2012, Phạm Trung T lợi dụng danh nghĩa là Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu V, chỉ đạo cho vay và vay tiền đối với bà Trần Thị Kim Th. Để hợp thức hóa việc chuyển tiền cho bà Th sử dụng (1.900.000.000 đồng) và việc vay mượn tiền với bà Th (4.200.000.000 đồng); Phạm Trung T đã chỉ đạo Trương Đăng Kh – Phó Phòng Kế hoạch Kinh doanh Kho hàng, lập Hợp đồng mua bán khống số 50/MB12/TTXNK ngày 06/3/2012 mua 100 tấn cà phê của bà Th; Kh ký giả tên “Trần Thị Kim Th” trong hợp đồng. Từ ngày 06/3/2012 đến ngày 07/5/2012, Phạm Trung T tiếp tục chỉ đạo Võ Quang V chuyển vào tài khoản của bà Trần Thị Kim Th mở tại Ngân hàng V Chi nhánh B 4.700.000.000 đồng theo 04 Ủy nhiệm chi, nội dung ghi là trả tiền cho người bán hàng là Trần Thị Kim Th (trả nợ 2.300.000.000 đồng và chuyển thừa để bà Th rút ra sử dụng 2.400.000.000 tỷ đồng). Để hợp thức hóa việc chuyển tiền thành công nợ, ngày 20/3/2012, Kh lập và ký các giấy ủy quyền khống, đối chiếu công nợ và cam kết trả nợ khống. Vì có những cam kết trả nợ nêu trên hiện Trung tâm Xuất nhập khẩu V hạch toán cho bà Trần Thị Kim Th còn nợ 1.477.000.000 đồng. Hành vi cố ý làm trái của các đối tượng nêu trên diễn ra liên tục từ ngày 05/01/2012 đến ngày 03/01/2013, thể hiện qua 09 chứng từ ghi chuyển tiền khống (không có hàng), hợp đồng khống, giấy ủy quyền khống, biên bản đối chiếu và cam kết trả nợ khống. Hành vi lập chứng từ khống vay tiền và chuyển tiền của Trung tâm Xuất nhập khẩu V cho bà Trần Thị Kim Th sử dụng sai mục đích của Phạm Trung T, Trương Đăng Kh và Võ Quang V đã gây thiệt hại 1.477.000.000 đồng cho Tổng công ty C.

Quá trình điều tra Trương Đăng Kh đã bỏ trốn khỏi địa phương, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra Quyết định truy nã và Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can để xử lý sau khi bắt được Trương Đăng Kh.

4. Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của các bị cáo Nguyễn Công H và Phạm Trung T, gây thiệt hại cho Tổng công ty C 1.950.000.000 đồng:

Ngày 10/11/2010, Phạm Trung T (Phó Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu V) viết Tờ trình gửi Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu V “v/v thực hiện kế hoạch thu mua hàng hóa”; đề nghị được ứng 2.000.000.000 đồng để Trạm Gia Lai mua cà phê với giá từ 35.500 đồng/kg đến 36.500 đồng/kg, thời gian giao hàng dự kiến tháng 12/2010 (thực tế thì đến ngày 22/11/2010 Trạm Gia Lai mới có quyết định thành lập). Tờ trình đã được Nguyễn Công H - Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu V phê duyệt.

Căn cứ phê duyệt của Nguyễn Công H, Phòng Kế toán lập Phiếu chi số 0PC1001409 ngày 10/11/2010 chi cho Phạm Trung T 2.000.000.000 đồng. Tại phiếu chi: T ký nhận mục “Người nhận tiền”; bà Lê Anh T ký mục “Kế toán trưởng”; bà Lê Thị Thu H ký mục “Thủ quỹ”; bà Phan Thị Thanh H ký mục “Người lập phiếu” và Nguyễn Công H ký mục “Thủ trưởng đơn vị”. Thực tế số tiền 2.000.000.000 đồng này không được chuyển cho Trạm Gia Lai mua cà phê như lý do ứng tiền ghi trong phiếu chi. Hiện Trạm Gia Lai đã giải thể.

Tổng công ty C và Trung tâm Xuất nhập khẩu V không có quy định về việc Trung tâm Xuất nhập khẩu V chi hoa hồng cho các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty C đã bán cà phê cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Khi Nguyễn Công H đưa cho bà Lê Anh T (Phó phòng Phụ trách phòng Tài chính kế toán Trung tâm Xuất nhập khẩu V bản danh sách 14 Giám đốc các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty C đã nhận tiền chi hoa hồng và cho biết 2.000.000.000 đồng Phạm Trung T ứng ngày 10/11/2010 đã dùng để chi hoa hồng; nhưng do bản danh sách nhận tiền chi hoa hồng không có chữ ký người nhận tiền nên bà Lê Anh T đã trả lại Nguyễn Công H và yêu cầu Phan Thị Thanh H (Kế toán thanh toán) vẫn hạch toán 2.000.000.000 đồng vào khoản phải thu đối với Trạm Gia Lai, không cho hoàn ứng. Đến ngày 27/10/2014, Sổ chi tiết công nợ của Trung tâm Xuất nhập khẩu V vẫn thể hiện Trạm Gia Lai đang nợ Trung tâm Xuất nhập khẩu V 2.000.000.000 đồng (tiền ứng mua cà phê theo Tờ trình ngày 10-11- 2010).

Để hợp pháp hóa số tiền trên, Phạm Trung T và Lê Văn L đã lên Trạm Gia Lai gặp Vũ Đăng H, Trạm trưởng nhờ nhận nợ giúp. Ngày 31/5/2011, Lê Văn L (Phó Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu V) và Vũ Đăng H (Trạm trưởng Trạm Gia Lai) đã ký Bản đối chiếu công nợ, có nội dung: Trung tâm ứng vốn cho Trạm Gia Lai hoạt động ngày 10/11/2010: 2.000.000.000 đồng. Ngoài biên bản đối chiếu công nợ nêu trên, Phạm Trung T, Lê Văn L và Vũ Đăng H còn ký Biên bản làm việc ngày 31/5/2011 với nội dung: Thống nhất nội dung thứ 3 tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2011 (khoản ứng vốn 2.000.000.000 đồng); do Trung tâm phải chi lại tiền hoa hồng cho các khách hàng bán hàng cho Trung tâm bằng tiền mặt nên lãnh đạo Trung tâm đã nhờ Trạm Gia Lai ứng tiền để có nguồn thanh toán hoa hồng cho các khách hàng và không phải chịu trách nhiệm thanh toán về số tiền công nợ này. Ngày 22/5/2013, Nguyễn Công H và Vũ Đăng H tiếp tục ký Biên bản làm việc với nội dung: Căn cứ biên bản làm việc (v/v ghi nhớ số nợ ứng vốn nội bộ) ngày 31/5/2011 tại Trạm Gia Lai giữa lãnh đạo Trung tâm và ông Vũ Đăng H, Trạm trưởng Trạm Gia Lai; nay ông Nguyễn Công H - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty tiếp tục nhờ ông Vũ Đăng H đứng ra nhận nợ hộ số nợ trên (2.000.000.000 đồng). Khi nào Tổng Công ty thu hồi nợ thì ông Nguyễn Công H có trách nhiệm trả toàn bộ số nợ trên (2.000.000.000 đồng). Ông Vũ Đăng H không phải chịu trách nhiệm nào trước Tổng Công ty về số nợ (2.000.000.000 đồng) này.

Lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra thể hiện:

- Bị cáo Nguyễn Công H khai: Tại cuộc họp giao ban tại Tổng công ty C vào khoảng tháng 10/2010, ông Đoàn Đình Th (Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty C) chỉ đạo Trung tâm Xuất nhập khẩu V phải chi tiền hoa hồng cho lãnh đạo các đơn vị thành viên bán cà phê niên vụ 2010-2011 cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V để xuất khẩu; đầu tháng 11/2010, H đã họp với lãnh đạo Trung tâm Xuất nhập khẩu V, thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Thiêm về việc Trung tâm Xuất nhập khẩu V phải chi tiền hoa hồng. Đến ngày 10/11/2010, Phạm Trung T lập tờ trình đề nghị ứng 2.000.000.000 đồng cho Trạm Gia Lai, Nguyễn Công H duyệt chi 2.000.000.000 đồng cho T và T đã sử dụng 2.000.000.000 đồng này để chi hoa hồng. Khi nhận được bản danh sách gồm 14 giám đốc đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty C đã nhận 2.011.211.000 đồng, Nguyễn Công H đã gọi điện thoại cho các giám đốc và xác nhận 14 giám đốc đã nhận tiền hoa hồng như danh sách đã liệt kê.

Khi Tổng công ty C kiểm tra các khoản công nợ của Trung tâm Xuất nhập khẩu V, theo đề nghị của Phạm Trung T, Nguyễn Công H đã lên tỉnh Đắk Lắk nhờ Vũ Đăng H (Trạm trưởng Trạm Gia Lai) nhờ nhận nợ hộ khoản 2.000.000.000 đồng này. Vũ Đăng H đồng ý ký xác nhận nợ với Trung tâm Xuất nhập khẩu V nhưng yêu cầu Nguyễn Công H phải ký vào Biên bản làm việc với nội dung buộc Nguyễn Công H có trách nhiệm trả 2.000.000.000 đồng khi Tổng công ty C thu hồi nợ và Hải không phải chịu về số nợ 2.000.000.000 đồng này.

Sau này, Nguyễn Công H thay đổi lời khai, cho rằng H không đưa ra thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Thiêm đến lãnh đạo Trung tâm Xuất nhập khẩu V về việc chi hoa hồng, cũng không đưa ra chủ trương chi tiền hoa hồng cho khách hàng, mà việc chi hoa hồng cho khách hàng là do Phạm Trung T tự ý thực hiện. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập trong hồ sơ vụ án cho thấy lời khai của Nguyễn Công H là không có căn cứ.

- Bị cáo Phạm Trung T khai: Sáng ngày 09/11/2010, tại phòng làm việc của Nguyễn Công H, H đã thông báo cho Phạm Trung T và bà Lê Anh T (Phó phòng Phụ trách phòng Tài chính kế toán) biết Giám đốc các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty C ở miền Trung - Tây Nguyên đề nghị Trung tâm Xuất nhập khẩu V phải chi tiền hoa hồng thì họ mới bán cà phê cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V. Nguyễn Công H giao Phạm Trung T viết Tờ trình tạm ứng 2.000.000.000 đồng lý do là ứng cho Trạm Gia Lai, giao Phòng tài chính kế toán làm thủ tục chi 2.000.000.000 đồng. Thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Công H, Phạm Trung T đã viết tờ trình đề nghị tạm ứng 2.000.000.000 đồng cho Trạm Gia Lai và ký nhận 2.000.000.000 đồng tại Phiếu chi số 0PC1001409 ngày 10/11/2010. Phạm Trung T khẳng định chỉ ký nhận tại Phiếu chi số 0PC1001409 ngày 10/11/2010 chứ không nhận tiền, số tiền 2.000.000.000 đồng sau khi nhận đã để lại quỹ Trung tâm Xuất nhập khẩu V để chi tiền hoa hồng theo căn cứ vào lượng cà phê các đơn vị thành viên đã bán cho Trung tâm Xuất nhập khẩu V; Phòng Tài chính kế toán sẽ báo cáo Nguyễn Công H để cân đối, quyết định chi tiền hoa hồng. Phạm Trung T không biết Nguyễn Công H và Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Xuất nhập khẩu V đã chi hoa hồng số tiền 2.000.000.000 đồng cụ thể như thế nào.

Tại Bản án sơ thẩm số 24/2018/HSST ngày 24/01/2018, Tòa án nhân dân Thành phố H đã tuyên xử:

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Công H, Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H và Trần Thanh T1 phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Áp dụng khoản 3 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 17; Điều 58; điểm b, i, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo H);

Áp dụng khoản 3 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 17; Điều 58; điểm i, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo T);

Áp dụng khoản 3 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 17; Điều 58; điểm i, s, t, x khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo V);

Áp dụng khoản 3 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 17; Điều 58; điểm b, s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo H);

Áp dụng khoản 3 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 17; Điều 58; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo Tiền);

Xử phạt:

1. Nguyễn Công H 06 (sáu) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 20/4/2016.

2. Phạm Trung T 13 (mười ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 09/6/2015.

3. Võ Quang V 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ đi thời gian tạm giam trước từ ngày 09/6/2015 đến ngày 01/7/2016.

4. Nguyễn Hồng H 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án. án.

5. Trần Thanh T1 06 (sáu) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành Ngoài ra bản án còn tuyên trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, xử lý tài sản kê biên, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật Ngày 05/02/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H có quyết định kháng nghị đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo Phạm Trung T, Nguyễn Công H, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1.

Ngày 05/02/2018, bị cáo Nguyễn Công H kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại 1.950.000.000 đồng mà không khấu trừ số tiền 500.000.000 đồng mà bị cáo đã nộp; Tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét đến tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Ngày 07/02/2018, bị cáo Phạm Trung T kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 05/02/2018, bị cáo Võ Quang V kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh, bị cáo chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phạm tội như cấp sơ thẩm đã tuyên xử và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Ngày 05/02/2018, bị cáo Nguyễn Hồng Hà kháng cáo đề nghị xem xét lại các tình tiết giảm nhẹ xử bị cáo mức án theo khoản 1 Điều 165 Bộ luật hình sự, xem xét lại mức lãi suất 21%/năm là cao.

Ngày 02/02/2018, bị cáo Trần Thanh T1 kháng cáo cho rằng bị cáo không cố ý trong quá trình ký kết Hợp đồng số 63. Tuy nhiên, có lỗi vô ý khi không lường trước được các yếu tố về mặt khách quan dẫn đến Hợp đồng số 63 không thực hiện được nên xin giảm nhẹ hình phạt và xử phạt bị cáo mức án cải tạo không giam giữ.

Ngày 09/10/2018, bị cáo Trần Thanh T1 kháng cáo bổ sung đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm và tuyên bị cáo không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; không phải liên đới bồi thường số tiền 17.398.035.755 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Trung T, Nguyễn Hồng Hà, Trần Thanh T1 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; bị cáo Nguyễn Công H, Võ Quang V thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nêu, chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố H phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau:

Đối với bị cáo Nguyễn Công H: Bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như bản án sơ thẩm đã nêu; lời khai nhận của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận bị cáo H phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng hành vi phạm tội của bị cáo gây thiệt hại lớn, bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo 06 năm tù là chưa đảm bảo tính nghiêm minh. Đề nghị Hội đồng xét xử tăng mức án của bị cáo H từ 06 năm lên 07 đến 08 năm tù.

Đối với các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H và Trần Thanh T1, qua xem xét toàn bộ nội dung vụ án nhận thấy: V ký 05 hợp đồng mua bán khống với công ty B để che giấu việc cho vay tiền là trái quy định pháp luật nên không thể xác định thiệt hại bao gồm cả khoản lãi vay 21%/năm. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ trong số nợ 18 tỷ đồng có khoản nào thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra, khoản nào thất thoát do hợp đồng dân sự gây ra nên chưa đủ căn cứ để quy kết đối với các bị cáo. Tương tự, việc V ký hợp đồng với Công ty H; cấp sơ thẩm chưa làm rõ số tiền bị cáo làm thất thoát. Bản án sơ thẩm và lệnh kê biên số 14 kê biên tài sản diện tích đất của công ty T để đảm bảo thi hành án song tài sản hiện đang bị thế chấp tại Ngân hàng T nhưng cơ quan điều tra không làm rõ xác định tình trạng. Những vấn đề nêu trên cấp phúc thẩm không khắc phục được nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Công H trình bày: Luật sư đồng ý về tội danh mà cấp sơ thẩm đã quy kết đối với bị cáo; tuy nhiên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các bị cáo H, T rút số tiền 2 tỷ đồng để chi hoa hồng cho các đại lý, không hưởng lợi cho bản thân. Bối cảnh các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là do thời điểm đó Trung tâm làm ăn thua lỗ nên các bị cáo chi hoa hồng cho các đại lý để kích cầu. Trong suốt quá trình công tác tại Tổng Công ty C cũng như các đơn vị trực thuộc bị cáo H có nhiều thành tích trong công tác, được khen thưởng; cha mẹ bị cáo đều là người có công với các mạng; sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã khắc phục hậu quả thêm 100 triệu, thể hiện bị cáo rất ăn năn hối hận về hành vi của mình. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H; chấp nhận kháng cáo của bị cáo H, giảm hình phạt cho bị cáo.

Luật sư Đỗ Hoàng D bào chữa cho bị cáo Phạm Trung T trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bị cáo chưa được áp dụng tình tiết giảm nhẹ đã khắc phục một phần hậu quả. Chính Tổng công ty cũng đã xác nhận nhận chuyển nhượng những nhà xưởng để thu hồi tiền thất thoát, giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo T. Cấp sơ thẩm kê biên tài sản nhưng không xem xét đây là tình tiết khắc phục hậu quả là ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo, dẫn đến hình phạt đối với bị cáo T là nghiêm khắc. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 54 xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; đồng thời thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo để bị cáo được ở ngoài chữa bệnh.

Luật sư Trần Vũ T bào chữa cho bị cáo Võ Quang V trình bày: Bị cáo V không phải là người lao động của V theo quy định pháp luật, bị cáo cũng không được bàn bạc thống nhất về hành vi của với bị cáo khác. Bị cáo là người phụ thuộc, chỉ sai ở việc nghe theo lời của giám đốc thực hiện hủy các hóa đơn. Bị cáo không được hưởng lợi từ hành vi phạm tội; hiện tại hoàn cảnh gia đình khó khăn, có con nhỏ. Bị cáo có 04 tình tiết giảm nhẹ nên có căn cứ áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Luật sư Trịnh Văn N bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng H trình bày: Bản án cấp sơ thẩm xác định số tiền thiệt hại theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/5/2015 là không đúng vì trong đó có những khoản nợ do thực hiện giao dịch dân sự. Số tiền thiệt hại bao gồm cả tiền lãi là không có cơ sở vì thỏa thuận giữa các bên là vi phạm pháp luật; theo nguyên tắc đối với vụ án hình sự không thể xác định thỏa thuận dân sự của các bên làm cơ sở giải quyết. Nội dung bản án tuyên trách nhiệm liên đới là không đúng. Tòa án phải xác định rõ trách nhiệm bồi thường của từng bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Luật sư Vũ Xuân Đ bào chữa cho bị cáo Trần Thanh T1 trình bày: Các giao dịch bị cáo thực hiện với V là giao dịch dân sự. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Trần Thanh T1 vô tội; đồng thời không buộc bị cáo phải chịu liên đới bồi thường 17.398.035.755 đồng vì bị cáo đã gán nhà xưởng cho công ty T và giá trị tài sản gán nợ khoảng 58 tỷ, cao hơn số tiền buộc bị cáo phải bồi thường.

Người đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty C – Công ty TNHH MTV trình bày: Bị hại không ý kiến gì, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết. Ngoài ra, bị hại đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Quyết định kháng nghị số 07/QĐ-VKS-P3 ngày 05/2/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H và kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Công H, Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng Hà, Trần Thanh T1 làm trong hạn luật định nên hợp lệ và được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung:

[2.1] Đối với nhóm hành vi của Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1 trong việc sử dụng hợp đồng mua bán khống để giải ngân vốn vay:

Trung tâm Xuất nhập khẩu V là đơn vị hạch toán phụ thuộc, được Tổng công ty C ủy quyền vay vốn ngân hàng để kinh doanh, tự chủ trong hoạt động kinh doanh, tự quyết định trong việc ký hợp đồng, ứng tiền mua bán hàng hóa; không có chức năng cho vay. Tuy nhiên, Phạm Trung T (Giám đốc V) lại ký kết các hợp đồng mua bán khống với Công ty B, Công ty H và bà Trần Thị Kim Th, chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền cho các tổ chức, cá nhân này với mục đích cho vay, lãi suất 21%/năm. Hành vi của các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1 đã vi phạm quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thất thoát tài sản của nhà nước.

Để đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo và quy kết trách nhiệm dân sự thì cần thiết phải xác định đúng thiệt hại thực tế từ hành vi cho vay trái quy định pháp luật của các bị cáo.

Đối với hợp đồng ký kết với Công ty B: Cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do làm thất thoát số tiền 18.001.269.599 đồng, trong đó 10.680.894.472 đồng tiền gốc và 7.320.375.127 đồng tiền lãi. Xét thấy, V ký kết 05 hợp đồng mua bán số 08, 09, 10, 11, 12 với Công ty B để lập thủ tục vay Ngân hàng T số tiền 854.373 USD (tương đương 17.800.007.082 đồng), theo khế ước số 10215. V không có chức năng cho vay, việc lập hợp đồng khống để được Ngân hàng T giải ngân sau đó cho Công ty B vay lại với lãi suất 21%/năm là trái với quy định pháp luật. Do đó, không thể xác định giá trị thiệt hại bao gồm cả khoản tiền lãi 21%/năm.

Ngoài ra, số tiền vay này Công ty B sử dụng một phần để cấn trừ nợ của các hợp đồng mua bán cà phê trước đó; phần còn lại Công ty B vay V với lãi suất 21%/năm. Căn cứ biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/3/2015 giữa V và Công ty B, kèm theo Bảng kê chi tiết các khoản phải thu thì thấy số nợ 854.373 USD V cho Công ty B vay được tính chung vào các khoản phải trả khác. Ngoài 05 hợp đồng ký khống thì giữa V và Công ty B còn ký kết và thực hiện thực tế các hợp đồng khác (số 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07). Kết quả đối chiếu công nợ ngày 31/3/2015, xác định tổng số nợ còn phải thu của Công ty B 18.781.267.439 đồng bao gồm cả các khoản phải thu từ hợp đồng mua bán thực tế khác. Cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ, trong tổng số nợ 18.781.267.439 đồng còn phải thu này, phần nào bị thất thoát do hành vi cho vay trái pháp luật gây ra, phần nào là công nợ chưa thu từ giao dịch dân sự mà quy kết các bị cáo làm trái quy định, gây thất thoát toàn bộ số tiền nêu trên là chưa có căn cứ.

Tương tự, đối với việc quy kết hành vi ký kết Hợp đồng 63 với Công ty H để giải ngân vốn vay: Cấp sơ thẩm xác định thiệt hại cần phải thu hồi là 17.398.035.755 đồng, trong đó bao gồm 6.551.191.262 đồng tiền lãi vay là không đúng quy định. Ngoài số tiền 24.100.000.000 đồng V chuyển cho Công ty H vay theo Hợp đồng mua bán khống số 63 thì giữa hai bên có ký kết và thực hiện các hợp đồng mua bán số 168, 173, 174, 03, 04, 09, 11. V đã chuyển ứng trước cho Công ty H 33,3 tỷ đồng để thực hiện việc mua bán. Các hợp đồng mua bán này, Công ty H có giao hàng một phần nhưng không đủ số lượng hoặc không giao. Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2011, 27/2/2012, 31/3/2012 thể hiện các khoản tiền 02 bên chuyển cho nhau là để thực hiện các hợp đồng 168, 173, 174, 03, 04, 09, 11. Đến biên bản đối chiếu công nợ cuối cùng ngày 31/5/2015 xác định nợ gốc của Công ty H là 10.846.844.493 đồng; cơ quan điều tra chưa làm rõ đây là khoản còn lại phải thu từ số tiền vay 24.100.000.000 đồng hay là khoản nợ tổng phải thu từ hợp đồng vay và hợp đồng mua bán khác.

Như vậy, cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ số tiền V bị thiệt hại do hành vi cho vay trái quy định là bao nhiêu để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và xử lý trách nhiệm dân sự.

[2.2] Đối với hành vi của Nguyễn Công H và Phạm Trung T làm thất thoát số tiền 1.950.000.000 đồng:

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Công H thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nêu. Lời khai của bị cáo phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định: Nguyễn Công H và Phạm Trung T đã có hành vi cố ý làm trái quy định, chi hoa hồng cho các đại lý sai nguyên tắc, gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 1.950.000.000 đồng như cấp sơ thẩm đã quy kết.

Đối với bị cáo Nguyễn Công H: Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá tính chất hành vi phạm tội của bị cáo và xử phạt bị cáo 06 năm tù là phù hợp. Tuy nhiên, xét thấy trong quá trình điều tra bị cáo H cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có thân nhân là người có công với cách mạng, trong công tác bị cáo cũng đã có nhiều đóng góp và được tặng bằng khen, trong quá trình điều tra bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, bị cáo H tuổi đã cao, sức khỏe không tốt. Hơn nữa, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo cũng đã tác động gia đình tiếp tục khắc phục thêm 100.000.000 đồng cho bị hại. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị hại cũng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử thấy có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Công H, giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt, giúp bị cáo an tâm cải tạo tốt, thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.

Đối với bị cáo Phạm Trung T, có đủ căn cứ để quy kết bị cáo T cùng với bị cáo H có hành vi cố ý làm trái quy định gây thiệt hại cho Tổng Công ty C 1.950.000.000 đồng thông qua việc chi hoa hồng cho các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, do bị cáo T còn có hành vi cố ý làm trái quy định gây thiệt hại khác đã được nêu tại mục [2.1] và cần phải điều tra, xét xử lại. Do đó, Hội đồng xét xử hủy phần quyết định của bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt của bị cáo Phạm Trung T liên quan đến hành vi này để không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

[2.3] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H:

Tại Quyết định kháng nghị số 07/QĐ-VKS-P3, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt đối với các bị cáo. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát thay đổi nội dung kháng nghị, chỉ yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo H, đề nghị hủy bản án sơ thẩm đối với các bị cáo còn lại.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo H là chưa xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Đánh giá tính chất hành vi phạm tội của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử xét thấy cần giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo như đã phân tích tại mục [2.2] nên không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H.

Về đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại đối với hành vi phạm tội của các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1 của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử tại mục [2.1] nên được chấp nhận.

[3] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Công H; chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1 và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H; sửa bản án sơ thẩm về hình phạt của bị cáo Nguyễn Công H; hủy bản án sơ thẩm liên quan đến các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1.

[4] Do hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại đối với các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1 nên Hội đồng xét xử không xem xét nội dung yêu cầu và quan điểm bào chữa của các Luật sư bào chữa cho các bị cáo.

[5] Các bị cáo Nguyễn Công H, Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 355, Điều 357, Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1/. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Công H; sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 24/2018/HSST ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố H về hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Công H.

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Công H phạm tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Áp dụng khoản 3 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 17; Điều 58; điểm b, i, s, v, x khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Công H 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 20/4/2016. Tuyên trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.

Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự 2015; Điều 275, 288, 587, 589 Bộ luật Dân sự 2015.

Buộc bị cáo Nguyễn Công H phải liên đới với Phạm Trung T bồi thường số tiền 1.950.000.000 đồng cho Tổng Công ty C.

Bị cáo Nguyễn Công H phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm; đồng thời liên đới với bị cáo Phạm Trung T chịu 70.500.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

2/. Chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị số 07/QĐ-VKS-P3 ngày 05/2/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H và kháng cáo của các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1.

Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 24/2018/HSST ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố H về tội danh, hình phạt, trách nhiệm dân sự khác đối với các bị cáo Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1.

Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra lại vụ án theo quy định pháp luật.

3/. Các quyết định của bản án sơ thẩm liên quan đến việc tạm giữ, kê biên tài sản tiếp tục được thực hiện để đảm bảo cho việc điều tra, xét xử lại.

4/. Án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Nguyễn Công H, Phạm Trung T, Võ Quang V, Nguyễn Hồng H, Trần Thanh T1 không phải chịu.

5/. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

86
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng số 290/2020/HS-PT

Số hiệu:290/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:29/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về