Bản án về tội cố ý gây thương tích số 80/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 80/2022/HS-PT NGÀY 06/09/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 06/9/2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 80/2022/TLPT-HS ngày 22/7/2022 đối với bị cáo Nguyễn Tấn L do có kháng cáo của bị hại Thạch S đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2022/HS-ST ngày 07/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng.

- Bị cáo bị kháng cáo: Nguyễn Tấn L; Sinh năm: 1979; Nơi sinh: Huyện T, tỉnh Sóc Trăng; Nơi cư trú: Ấp T, xã Đ2, huyện T, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Mua bán; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn C và bà Nguyễn Thị T; Có vợ là bà Huỳnh Thị Diễm L, sinh năm 1982 và có 04 người con, người con lớn nhất sinh năm 2002, người con nhỏ nhất sinh năm 2010; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 07/01/2022 cho đến nay. (có mặt)

- Người bào chữa: Ông Võ H-luật sư của Văn phòng luật sư H thuộc Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng; Địa chỉ: Khóm C, Phường D, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

- Bị hại có kháng cáo: Ông Thạch S; Sinh năm: 1998; Nơi cư trú: Ấp T, xã Đ2, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

- Những người dưới đây không liên quan đến kháng cáo Hội đồng xét xử phúc thẩm không triệu tập gồm: Bị cáo Lý Ngọc E (tên gọi khác: K), Mạch Thị N (tên gọi khác: U); Bị hại Huỳnh L, Lý P; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Cao Minh Q, Nguyễn Thị Kim H, Lý H; Người làm chứng Lê Thị Đ, Lý Chí K, Phạm Ngọc T và Lý Thanh Q.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Tấn L có phát sinh mâu thuẫn với bà ngoại của Thạch S. Vào lúc khoảng 16 giờ 30 phút ngày 04/9/2021, tại quán cà phê của bà H (là chị ruột của L), S đến hỏi L về việc L đánh bà ngoại của S và L không thừa nhận việc đánh bà ngoại của S. Lúc này, H là cậu ruột của S đi đến, thì S cùng H dùng tay đánh L. L tức giận bỏ chạy vào nhà bà H định lấy hai cái ly thủy tinh (loại ly dùng uống cà phê) thì bị bà H ngăn cản nên L chạy về nhà lấy một cây dao có cán bằng gỗ hình trụ dài 11 cm, lưỡi dao bằng kim loại, màu đen, dài 27 cm, rộng 07 cm, mũi dao bằng, có một lưỡi bén, có vỏ bao bên ngoài là bao vợt cầu lông, màu đen chạy đến nhà của H để đánh nhau. Cùng lúc đó, S và H ra phía sau nhà H để tìm hung khí, S tìm được một cây sà beng bằng sắt, H tìm được một khúc gỗ hình trụ tròn, màu nâu, dài 180 cm và thanh sắt hộp, màu xám, dài 130 cm. Khi L đến nhà H định rút dao chém H thì được Lý P (là anh họ của H) can ngăn, P muốn giật dao trên tay L nên khi L rút dao ra khỏi bao vợt cầu lông thì trúng vào lòng bàn tay trái của P gây thương tích. Lúc này, S cầm cây sà beng nhào vô đánh L nhưng L né được, S ném cây sà beng về phía L thì L cũng né được và L cầm dao bằng tay phải đưa từ dưới hướng lên trên chém trúng vào khuỷu tay trái của S gây thương tích. Sau đó, L bỏ đi về nhà.

Trong lúc đó, Lý Ngọc E nhìn thấy S và Phi bị L gây thương tích nên đã tri hô. Q là chồng của Ngọc E trong nhà nghe thấy nên chạy ra và giật lấy khúc tre khô do Ngọc E đang cầm đi đến chỗ S và Phi, dọc đường thì khúc tre bị gãy nên Q nhặt lấy một thanh sắt hộp đuổi theo định đánh L nhưng bị bà H chặn đường ngăn cản làm Q té ngã xuống hàng rào nhà bà Lê Thị Đ nên rơi mất thanh sắt hộp, bà H cũng ngã theo Q. Trong lúc giữa Q và bà H xảy ra xô xát thì bà L cũng chạy đến giúp bà H (Q, Hoa và L xô xát bằng tay). Lúc này, Ngọc E định chạy đến chỗ Q nhưng Mạch Thị N là mẹ ruột của Ngọc E kêu lại và lấy khúc gỗ có sẵn trong nhà đưa cho Ngọc E mang theo phòng thân vì thấy những người tham gia đánh nhau đều có hung khí. Ngọc E cầm lấy khúc gỗ do N đưa cho chạy đến vị trí của Q với bà H, L đang xô xát với nhau và dùng khúc gỗ đánh trúng vào vùng đầu của L gây thương tích, khiến bà L, bà H, Q dừng xô xát và cùng đi về nhà. Sau đó, Thạch S, Lý P, Huỳnh Thị Diễm L, Cao Minh Q, Nguyễn Thị Kim H đều nhập viện điều trị đến ngày 10/9/2021 thì xuất viện.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 290/TgT-PY ngày 22/10/2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận về thương tích của Thạch S như sau: Dấu hiệu chính qua giám định, sẹo mặt sau-ngoài khuỷu trái, kích thước 07cm x 0,6cm, gây đứt bán phần gân duỗi chung các ngón, rách bao khớp, hiện tại hạn chế ít động tác gấp khuỷu (cẳng tay gấp-duỗi được trong khoảng 5° đến 145°), chức năng cổ-bàn tay trái không hạn chế; Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 14%; Thương tích không nằm ở vùng gây nguy hiểm đến tính mạng, thương tích do vật sắc gây nên, thương tích không gây ảnh hưởng thẩm mỹ vùng mặt.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 289/TgT-PY ngày 22/10/2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận về thương tích của Lý P như sau: Dấu hiệu chính qua giám định, sẹo mặt lòng từ đốt I ngón 1 đến lòng bàn tay, kích thước 05cm x 0,4cm, gây đứt gân gấp ngón 1 đã được phẫu thuật nối gân gấp, hiện tại hạn chế ít chức năng ngón 1; Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 08%; Thương tích không nằm ở vùng gây nguy hiểm đến tính mạng, thương tích do vật sắc gây nên, thương tích không gây ảnh hưởng thẩm mỹ vùng mặt.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 288/TCT-PY ngày 22/10/2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận về thương tích của Cao Minh Q như sau: Dấu hiệu chính qua giám định, các vết sưng nề, đau vùng mặt và ngực đã được điều trị khỏi; Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 00%.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 305/TgT-PY ngày 03/11/2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận về thương tích của Huỳnh Thị Diễm L như sau: Dấu hiệu chính qua giám định, sẹo xuôi đỉnh-trán, kích thước 03cm x 0,4cm, bề mặt bờ sẹo nham nhở; Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 02%; Thương tích nằm ở vùng gây nguy hiểm đến tính mạng, thương tích do vật tày gây nên, thương tích không gây ảnh hưởng thẩm mỹ vùng mặt.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 306/TgT-PY ngày 03/11/2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận về thương tích của Nguyễn Thị Kim H như sau: Dấu hiệu chính qua giám định, các tổn thương bầm mắt phải, bầm cánh tay phải-trái, nề ngón 2 tay phải, nề gối phải đã được điều trị khỏi, mắt phải-trái không thấy tổn thương; Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 00%.

Sau khi sự việc xảy ra, bà L đã có đơn yêu cầu khởi tố hình sự đối với hành vi gây thương tích của Lý Ngọc E và Mạch Thị N. Riêng Lý P đã có đơn không yêu cầu khởi tố đối với hành vi gây thương tích của L do đã được bồi thường đầy đủ theo yêu cầu với số tiền 40.000.000 đồng.

* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2022/HS-ST ngày 07/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng quyết định:

- Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134; các điểm b, s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Nguyễn Tấn L.

- Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 134; các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Lý Ngọc E.

- Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 134; các điểm i, s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Mạch Thị N.

- Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Tấn L, Lý Ngọc E và Mạch Thị N phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn L 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 (ba) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 07/6/2022). Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Giao bị cáo Nguyễn Tấn L cho Uỷ ban nhân dân xã Đ2, huyện T, tỉnh Sóc Trăng nơi bị cáo cư trú, giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì phải thực hiện theo quy định Luật thi hành án hình sự.

- Xử phạt bị cáo Lý Ngọc E 09 (chín) tháng tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 07/6/2022). Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Giao bị cáo Lý Ngọc E cho Uỷ ban nhân dân phường T, quận D, thành phố Hồ Chí Minh nơi bị cáo cư trú, giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì phải thực hiện theo quy định Luật Thi hành án hình sự.

- Xử phạt bị cáo Mạch Thị N 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 06/7/2022). Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Giao bị cáo Mạch Thị N cho Uỷ ban nhân dân xã Đ2, huyện T, tỉnh Sóc Trăng nơi bị cáo cư trú, giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì phải thực hiện theo quy định Luật thi hành án hình sự.

- Về bồi thường thiệt hại: Căn cứ vào Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); các điều 584, 585, 586, 590 và 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Buộc bị cáo Nguyễn Tấn L bồi thường cho bị hại Thạch S tổng số tiền 22.430.000 đồng. Buộc bị cáo Lý Ngọc E bồi thường cho bị hại Huỳnh Thị Diễm L tổng số tiền 1.729.500 đồng. Buộc bị cáo Mạch Thị N bồi thường cho bị hại Huỳnh Thị Diễm L tổng số tiền 1.729.500 đồng.

- Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, nghĩa vụ chậm thi hành án dân sự, án phí, quyền kháng cáo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

* Đến ngày 20/6/2022, bị hại Thạch S kháng cáo yêu cầu buộc bị cáo L phải chấp hành hình phạt tù, không cho bị cáo L hưởng án treo và yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại lên số tiền 51.000.000 đồng.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị hại Thạch S giữ nguyên nội dung kháng cáo yêu cầu buộc bị cáo L phải chấp hành hình phạt tù, không cho bị cáo L hưởng án treo và yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại lên số tiền 51.000.000 đồng.

- Người bào chữa trình bày: Thống nhất về tội danh và khung hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo L. Xét nguyên nhân xảy ra vụ án là có lỗi của cả bị hại S và bị cáo L, trong đó bị hại S là người đã đánh bị cáo L trước; bị cáo L có đủ điều kiện để được hưởng án treo nên Tòa án cấp sơ thẩm cho bị cáo L hưởng án treo là đúng quy định pháp luật, phù hợp mức độ hành vi của bị cáo gây ra. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã nộp thêm tiền bồi thường cho bị hại S theo quyết định của bản án sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L cũng đã thống nhất bồi thường thêm cho bị hại S tiền ngày công lao động của bị hại, người chăm sóc bị hại S trong thời gian điều trị thương tích và tiền bồi dưỡng sức khỏe với tổng số tiền là 10.000.000 đồng, thể hiện sự ăn năn hối cải của bị cáo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng thêm cho bị cáo L tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và giữ nguyên phần quyết định về hình phạt đối với bị cáo L của bản án sơ thẩm. Đối với phần trách nhiệm dân sự, đề nghị sửa án sơ thẩm ghi nhận việc bị cáo L thống nhất bồi thường thêm cho bị hại S số tiền 10.000.000 đồng; đề nghị không chấp nhận yêu cầu của bị hại S về việc tăng tiền bồi thường tổn thất tinh thần.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng xác định Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn L 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với bị cáo, có căn cứ theo Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo (sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo L bồi thường cho bị hại S số tiền 22.430.000 đồng là phù hợp với chi phí điều trị thương tích và các khoản khác theo quy định của pháp luật. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo L có nộp thêm số tiền bồi thường cho bị hại S theo quyết định của bản án sơ thẩm, thể hiện sự ăn năn, hối cải của bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L thống nhất bồi thường thêm cho bị hại số tiền ngày công lao động và bồi dưỡng sức khỏe là 10.000.000 đồng. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), chấp nhận đề nghị của người bào chữa, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại Thạch S, giữ nguyên quyết định về hình phạt đối với bị cáo L và sửa phần quyết định về trách nhiệm dân sự của bị cáo L của bản án sơ thẩm, buộc bị cáo L bồi thường cho bị hại S số tiền 10.000.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo và phạm vi xét xử phúc thẩm: Xét Đơn kháng cáo của bị hại Thạch S lập và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm vào ngày 20/6/2022 là đúng quy định về người kháng cáo, thời hạn kháng cáo, hình thức, nội dung kháng cáo theo quy định tại các điều 331, 332 và 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Do đó, căn cứ vào Điều 345 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét nội dung kháng cáo của bị hại Thạch S, về việc yêu cầu buộc bị cáo Nguyễn Tấn L phải chấp hành hình phạt tù, không cho bị cáo L hưởng án treo và yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại lên số tiền 51.000.000 đồng theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Tấn L như sau: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L khai nhận hành vi phạm tội đã thực hiện như cáo trạng và bản án sơ thẩm đã xác định. Xét lời khai nhận của bị cáo L tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của bị hại Thạch S, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Nguyễn Thị Kim H, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án mà cơ quan điều tra đã thu thập được. Như vậy, có đủ căn cứ để xác định: Vào lúc khoảng 16 giờ 30 phút ngày 04/9/2021, khi bị cáo L đến quán của bà H thì xảy ra mâu thuẫn với bị hại S và Lý H. Bị hại S cùng Huỳnh dùng tay đánh bị cáo L, bị cáo L tức giận bỏ chạy về nhà lấy một cây dao bằng kim loại (là loại hung khí nguy hiểm) chém bị hại S gây thương tích với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 14%. Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm kết luận bị cáo Nguyễn Tấn L phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị hại S yêu cầu bị cáo L phải chấp hành hình phạt tù, không cho bị cáo hưởng án treo: Xét khi lượng hình, Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định bị cáo L không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có căn cứ. Đồng thời, Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại nhưng bị hại không nhận nên bị cáo đã nộp số tiền 12.000.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện T để bồi thường cho bị hại; sau khi phạm tội, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có nhân thân tốt; bị hại cũng có một phần lỗi do tấn công bị cáo trước. Từ đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo L các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng pháp luật. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xử phạt bị cáo L mức án 01 năm 06 tháng tù là phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị cáo, đặc điểm nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo L được áp dụng. Xét bị cáo L bị xử phạt tù không quá ba năm, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có nơi cư trú rõ ràng, bị cáo có khả năng tự cải tạo và việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm cho bị cáo L hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách là 03 năm, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm là có căn cứ, đúng quy định của Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo (sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Ngoài ra, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo L đã tự nguyện nộp số tiền 10.340.000 đồng để bồi thường cho bị hại theo quyết định của bản án sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo tự nguyện bồi thường thêm cho bị hại số tiền 10.000.000 đồng, điều này thể hiện thái độ ăn năn, hối cải của bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị hại Thạch S, về việc buộc bị cáo L phải chấp hành hình phạt tù, không cho bị cáo hưởng án treo.

[4] Xét kháng cáo của bị hại Thạch S về việc tăng mức bồi thường thiệt hại lên số tiền 51.000.000 đồng: Xét Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét và buộc bị cáo bồi thường cho bị hại S tổng số tiền 22.430.000 đồng, trong đó chi phí điều trị thương tích là 12.000.000 đồng và tiền bù đắp tổn thất tinh thần với số tiền là 10.430.000 đồng (07 tháng lương cơ sở) là phù hợp với quy định về bồi thường thiệt hại theo Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các điều 584, 585 và 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Xét tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L tự nguyện thống nhất bồi thường thêm cho bị hại S khoản tiền ngày công lao động của bị hại, người chăm sóc bị hại S trong thời gian điều trị thương tích và tiền bồi dưỡng sức khỏe với tổng số tiền là 10.000.000 đồng nên Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận. Đối với yêu cầu của bị hại S về việc tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận.

[5] Từ những nhận định trên, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, chấp nhận đề nghị của người bào chữa, không chấp nhận phần kháng cáo của bị hại Thạch S về việc không cho bị cáo L hưởng án treo, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại Thạch S về việc tăng tiền bồi thường thiệt hại, sửa phần quyết định của bản án sơ thẩm về bồi thường thiệt hại, buộc bị cáo L bồi thường cho bị hại S tổng số tiền 32.430.000 đồng và theo đó, bị cáo L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 1.621.500 đồng.

[6] Giao Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quản lý số tiền mà bị cáo Nguyễn Tấn L đã nộp sau khi xét xử sơ thẩm để đảm bảo thi hành án gồm: Số tiền 10.430.000 đồng (Mười triệu, bốn trăm ba mươi ngàn đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000543 ngày 17/8/2022 và số tiền 1.321.500 đồng (Một triệu, ba trăm hai mươi mốt ngàn, năm trăm đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000545 ngày 17/8/2022.

[7] Về án phí phúc thẩm: Theo quy định tại khoản 2 Điều 135 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021); khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, thì bị hại Thạch S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[8] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

Không chấp nhận phần kháng cáo của bị hại Thạch S, về việc yêu cầu buộc bị cáo Nguyễn Tấn L phải chấp hành hình phạt tù, không cho bị cáo Nguyễn Tấn L được hưởng án treo.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại Thạch S, về việc yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại lên số tiền 51.000.000 đồng.

Giữ nguyên quyết định về hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Tấn L; sửa phần bồi thường thiệt hại và án phí dân sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Tấn L của Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2022/HS-ST ngày 07/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng.

2. Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Nguyễn Tấn L.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn L 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích” và 03 (ba) năm thử thách, thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 07/6/2022.

Giao bị cáo Nguyễn Tấn L cho Ủy ban nhân dân xã Đ2, huyện T, tỉnh Sóc Trăng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo Nguyễn Tấn L thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 và Điều 68 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo Nguyễn Tấn L cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 hai lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Về bồi thường thiệt hại:

- Căn cứ vào Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); các điều 584, 585, 586, 590 và khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

- Xử buộc bị cáo Nguyễn Tấn L bồi thường cho bị hại Thạch S tổng số tiền là 32.430.000 đồng (Ba mươi hai triệu, bốn trăm ba mươi ngàn đồng).

- Về nghĩa vụ chậm thi hành án dân sự: Khi bản án có hiệu L pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Về hướng dẫn thi hành án dân sự: Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

- Giao Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quản lý số tiền mà bị cáo Nguyễn Tấn L đã nộp sau khi xét xử sơ thẩm để đảm bảo thi hành án gồm: Số tiền 10.430.000 đồng (Mười triệu, bốn trăm ba mươi ngàn đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000543 ngày 17/8/2022 và số tiền 1.321.500 đồng (Một triệu, ba trăm hai mươi mốt ngàn, năm trăm đồng) theo Biên lai thu tiền số 0000545 ngày 17/8/2022.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021); điểm c khoản 1 Điều 23 và Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Xử buộc bị cáo Nguyễn Tấn L chịu án phí dân sự sơ thẩm là 1.621.500 đồng (Một triệu, sáu trăm hai mươi mốt ngàn, năm trăm đồng).

5. Về án phí phúc thẩm:

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 135 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021); khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Bị hại Thạch S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

6. Các phần Quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

7. Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

397
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 80/2022/HS-PT

Số hiệu:80/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:06/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về