TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 57/2022/HSPT NGÀY 26/07/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 26 tháng 7 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 37/2022/TLPT-HS ngày 21 tháng 02 năm 2022 do có kháng cáo của bị cáo Vũ Văn H và bị hại (bà Vũ Thị N) đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 97/2021/HS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyên Hưng Hà , tỉnh Thái Bình theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 43/2022/QĐXXPT-HS ngày 29/3/2022 và các Quyết định hoãn phiên tòa số: 28/2022/HSPT-QĐ ngày 12/4/2022; số 36/2022/HSPT-QĐ ngày 11/5/2022; số 41/2022/HSPT-QĐ ngày 09/6/2022 và số 46/2022/HSPT-QĐ ngày 01/7/2022của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình.
* Bị cáo có kháng cáo: Vũ Văn H, sinh năm 1967 tại huyện H, tỉnh Thái Bình. Nơi cư trú: Thôn D, xã T, huyện H, tỉnh Thái Bình; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 10/10; dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Vũ Văn H và bà Vũ Thị O (đều đã chết); Có vợ là Trần Thị T và 02 con; Tiền án, tiền sự: Không.
Nhân thân: Tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam từ tháng 3/1987 đến tháng 10/1992 Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 25/11/2020 đến nay, tại ngoại có mặt tại phiên tòa.
* Bị hại có kháng cáo: Bà Vũ Thị N, sinh năm 1964; Địa chỉ: Thôn D, xã T, huyện H, tỉnh Thái Bình (có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Luật sư Phạm Quốc B – Công ty Luật Thiên Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (có mặt)
* Người làm chứng:
- Chị Vũ Thị H, sinh năm 1996
- Ông Vũ Đức T, sinh năm 1956
- Bà Vũ Thị P, sinh năm 1962
- Bà Vũ Thị C, sinh năm 1972
- Ông Vũ Đức T, sinh năm 1956
- Bà Đặng Thị L, sinh năm 1974
- Chị Đào Thị D, sinh năm 1985
- Ông Vũ Văn T, sinh năm 1974
Đều trú tại: Thôn D, xã T, huyện H, tỉnh Thái Bình.
(chị H có mặt; những người làm chứng khác vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 12/3/2019, bị cáo H cho rằng bà N nói xấu gia đình mình nên đến nhà bà N để làm rõ, đến nơi thì gặp bà N từ trong nhà đi ra, bị cáo H và bà N đã lời qua tiếng lại. Bà N và chị H (con gái bà N) đẩy bị cáo Hiệu ra ngoài ngõ, lúc này có bà Phượng, ông Tự đến can ngăn nên bị cáo H bỏ đi, khi đến cổng nhà ông Tiến thì bị cáo lại quay xe lại nhà bà N, bị cáo thấy bà N chạy vào trong sân cầm 01 thớt gỗ màu nâu, hình tròn, đường kính 22cm, dày 2,8cm nên bị cáo H đã nhặt 01 cành cây khô mục có 02 nhánh đã bong tróc vỏ dài khoảng 01 mét, đường kính lớn nhất khoảng 2,5cm rồi đứng trước cổng nhà bà N, khi hai bên đứng đối diện cách nhau khoảng 1,5 mét thì bà N cầm thớt quăng về phía bị cáo H, bị cáo H cầm cành cây vụt một nhát từ trên xuống, từ phải qua trái về phía bà N, do cành cây bị mục nên bị gãy làm 02 phần, phần ngọn văng trúng vào mặt trái của bà N gây thương tích, sau đó bị cáo vứt lại cành cây bị gãy và bỏ chạy về nhà. Bà N được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân, sau đó chuyển lên Bệnh viện mắt Thái Bình để điều trị, đến ngày 26/8/2019 thì xuất viện.
Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 181/20/Tgt ngày 30/9/2020 và Công văn số 31/CV-TTPY ngày 10/9/2020 của của Trung tâm giám định pháp y Sở y tế Thái Bình kết luận thương tích của bà N: Tổn thương mặt trái do vật tày tác động làm rách da my, vỡ nhãn cầu bên trái, đã được phẫu thuật múc nội nhãn cầu mắt trái, khâu niêm mạc, dùng thuốc kháng sinh giảm đau. Hiện tại: Còn đau nửa đầu bên trái từng lúc, đau tăng khi thay đổi thời tiết, xoang trán, mũi còn đau, mắt trái khoét bỏ nhãn cầu được thay mắt giả. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 53% (Năm mươi ba phần trăm).
Sau khi gây thương tích cho bà N, bị cáo H đã bồi thường cho bà N tổng số tiền 405.000.000 (Bốn trăm linh năm triệu) đồng. Bà N không yêu cầu bị cáo bồi thường bất kỳ khoản chi phí nào khác và đề nghị giải quyết theo pháp luật.
Bản án sơ thẩm số 97/2021/HS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyên Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã quyết định:
1. Tuyên bố: Bị cáo Vũ Văn H phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50; Điều 38 của Bộ luật hình sự; Xử phạt bị cáo Vũ Văn Hiếu: 02 năm 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày chấp hành án.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 357, 579, 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự:
Buộc bị cáo H phải bồi thường cho bà N các khoản chi phí:
- Tiền viện phí của 03 đợt điều trị: Ngày 12/8/2019 là: 49.275 đồng; từ ngày 12/8/2019 đến ngày 26/8/2019 là: 900.728 đồng và từ ngày 11/11/2019 đến ngày 13/11/2019 là: 826.320 đồng, tổng số tiền là: 1.776.323 đồng;
- Tiền công không lao động được trong thời gian nằm viện: 18 ngày x 200.000 đồng/ngày = 3.600.000 đồng;
- Tiền công người phục vụ trong thời gian nằm viện: 18 ngày x 200.000 đồng/ngày = 3.600.000 đồng;
- Tiền công không lao động được sau khi ra viện: 60 ngày x 200.000 đồng/ngày = 12.000.000 đồng;
- Tiền công người phục vụ sau khi ra viện: 30 ngày x 200.000 đồng/ngày = 6.000.000 đồng;
- Tiền bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian 18 ngày nằm viện và 60 ngày sau khi ra viện: 78 ngày x 100.000 đồng/ngày = 7.800.000 đồng;
- Tiền thuê xe từ nhà đến Bệnh viện Mắt Thái Bình (cả đi-về): 2.000.000 đồng;
- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần đối với 53% tổn hại sức khỏe tương ứng với 40 tháng lương tối tH (1.490.000 đồng/tháng): 40 tháng x 1.490.000 đồng/tháng là: 59.600.000 đồng.
Tổng số tiền là: 96.376.323 đồng (làm tròn là 96.376.000 đồng).
Bị cáo H tự nguyện bồi thường cho bà N số tiền 105.000.000 đồng, xét sự tự nguyện bồi thường của bị cáo là không trái pháp luật và đạo đức xã hội đồng thời cao hơn các khoản chi phí hợp lý đối với bà N nên chấp nhận. Đối trừ số tiền 105.000.000 đồng bị cáo tự nguyện bồi thường trong tổng số tiền 405.000.000 đồng bị cáo đã đưa cho bà N, buộc bà N phải trả lại cho bị cáo số tiền 300.000.000 đồng.
Ngoài ra án sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ thi hành án, xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/9/2021, bà Vũ Thị N kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết cành cây bị cáo H dùng để đánh bà là “hung khí nguy hiểm” và tăng mức bồi thường dân sự.
Ngày 01/10/2021, bị cáo Vũ Văn H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo trình bày:
Khi phạm tội, bị cáo quá bức xúc do bà N là chị ruột bị cáo mà lại có lời nói xúc phạm đến nhân phẩm của vợ bị cáo. Khi bà N ném thớt vào đùi bị cáo, bị cáo mới giơ cành củi lên để vụt về phía bà N với khoảng cách xa, mục đích chỉ nhằm đe dọa bà N nhưng không ngờ cành cây này do mục nên bị gẫy, phần ngọn bắn ra đập vào mắt trái của bà N dẫn đến bà N bị hỏng mắt. Bị cáo không hề mong muốn hậu quả xảy ra nhưng thực tế đã xảy ra. Trước khi phạm tội, bị cáo chưa có tiền án tiền sự, luôn chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bị cáo cũng rất có ý thức trong việc tự nguyện khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, giúp đỡ cơ quan chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ nội dung vụ án. Bị cáo đã có thời gian phục vụ trong quân ngũ, bố đẻ bị cáo là người có công với cách mạng, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, Tòa án huyện Hưng Hà xét xử bị cáo mức án 02 năm 06 tháng tù giam là quá nặng.
Bà Vũ Thị N trình bày:
- Trước và tại phiên tòa bà N xin rút một phần yêu cầu kháng cáo về việc đề nghị xét xử bị cáo H về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự và chỉ đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự. Bởi vì bà đã gần 60 tuổi, sức khỏe yếu, lại là phụ nữ nên không có khả năng tự vệ, bị cáo là đàn ông, có sức khỏe, thái độ côn đồ khi xông đến nhà bà, làm hỏng hoàn toàn một mắt của bà, tổn hại sức khỏe vĩnh viễn đến 53%, sau đó còn có nhiều hành vi nhục mạ, đe dọa bà và gia đình. Vì vậy, phải tăng mức hình phạt để răn đe, giáo dục bị cáo - Bà không đồng ý việc bị cáo đền bù số tiền 105.000.000 đồng cho bà và buộc bà phải trả lại cho bị cáo số tiền 300.000.000 đồng. Trong các khoản tiền mà Tòa án sơ thẩm tuyên buộc đền bù, không có khoản bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 và mức bồi thường về tinh thần là không thỏa đáng theo quy định của luật. Thương tật của bà do bị cáo gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà cả đời về sau. Do một mắt bị dập nát dẫn đến mù lòa vĩnh viễn, mắt còn lại suy giảm thị lực còn 4/10 (thị lực đo sau 3 tháng bị tai nạn – tháng 11/2019 tại Bệnh viện Mắt Thái Bình), đến nay đã suy giảm trầm trọng, bà không thể làm được các công việc như trước kia, gia đình bà cũng bị ảnh hưởng lớn về tinh thần. Chồng bà, các con bà phải chạy chữa khắp nơi, hoang mang, lo lắng khi tình trạng sức khỏe của bà như vậy. Về số tiền bị cáo tự nguyện đền bù khi sự việc xảy ra, bà cho rằng Tòa cấp sơ thẩm tuyên bà “buộc” phải trả lại là không hợp lý. Bị cáo đã tự nguyện mang tiền đến đền bù cho gia đình bà, bị cáo đã viết cam kết số tiền trên “đều là trách nhiệm và tự nguyện sau này không có ý kiến gì”, trước sự chứng kiến của Công an xã Tiến Đức.
Vì vậy, bà đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết:
+ Tăng mức hình phạt đối với bị cáo H theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự;
+ Tăng mức bồi thường thiệt hại và chấp nhận việc bị cáo H tự nguyện mang đến bồi thường cho bà số tiền 405.000.000 đồng có sự chứng kiến của Công an xã Tiến Đức, bà đề nghị không xem xét đến.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình sau khi phân tích toàn bộ nội dung vụ án, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo kháng cáo, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân cũng như nội dung kháng cáo của người bị hại, đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, không châp nhân toàn bộ kháng cáo của bị cáo Vũ Văn H và của bà Vũ Thị N, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị cáo Vũ Văn H không có tranh luận gì Luật sư Phạm Quốc Bình phát biểu tranh luận: Về tội danh Tòa án cấp sơ thẩm đã xử đúng người đúng tội, nhưng không đồng ý với việc Tòa án cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b,s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự vì thực tế hành vi phạm tội của bị cáo đã rõ ràng, không thể chối cãi, bị cáo buộc phải khai nhận sự thật khách quan nên không thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tại giai đoạn điều tra, bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho bị hại số tiền 405.000.000 đồng và cam kết không có ý kiến, khiếu nại gì nhưng đến giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo lại thay đổi sự thỏa thuận không tự nguyện bồi thường mà Tòa án phải quyết định buộc bị cáo phải bồi thường, do đó bị cáo không đủ căn cứ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là tự nguyện bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 02 năm 06 tháng là quá nhẹ, cần tăng hình phạt đối với bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điểu 134 Bộ luật hình sự. Về trách nhiệm dân sự, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của bị hại, tôn trọng nguyên tắc tự thỏa thuận giữa các bên đã bồi thường xong số tiền 405.000.000 đồng để đảm bảo quyền lợi cho bị hại.
Bà Vũ Thị N nhất trí với ý kiến của luật sư và không bổ sung gì.
Bị cáo nói lời sau cùng: Bản án sơ thẩm xét xử bị cáo mức án quá nặng. Bị cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo được cải tạo tại địa phương.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Kháng cáo của bị cáo và bị hại làm trong hạn luật định là hợp lệ nên được xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo của bị cáo Vũ Văn H thấy:
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã tuyên xử. Lời khai của bị cáo phù hợp với các chứng cứ, tài liệu được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án. Do đó có đủ cơ sở kết luận: Chiều ngày 12/3/2019, do nghi ngờ bà N nói xấu gia đình mình nên bị cáo đã đến nhà bà N để nói chuyện, hai bên lời qua tiếng lại thì bà N cầm thớt gỗ ném vào người bị cáo nên bị cáo đã cầm một đoạn cành cây khô mục ở ven đường vụt về phía bà N, do cành cây bị gãy nên phần ngọn đã văng vào mặt trái bà N gây thương tích, tỷ lệ thương tích do bị cáo gây nên cho bà N là 53%.Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Xét yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo thì thấy bị cáo là em trai của bị hại nhưng chỉ vì nghi ngờ chị gái mình nói xấu gia đình mình, bị cáo không tìm H ngọn nguồn, không tìm giải pháp phân tích, H giải hài H mà lại đến nhà và sử dụng cành cây để gây thương tích cho chị gái của mình, hậu quả bà N bị hỏng mắt trái hoàn toàn, phải lắp mắt giả, tỷ lệ thương tích 53%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của bị hại, đồng thời gây bức xúc, bất bình trong nhân dân. Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo mức án 02 năm 06 tháng tù là có căn cứ, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội cũng như nhân thân của bị cáo. Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình. Do đó, Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vũ Văn H như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tại phiên tòa là phù hợp.
[3] Xét kháng cáo của bị hại:
[3.1] Về đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Vũ Văn H:
Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư và bà N cho rằng bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải nên Tòa án cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trên là không đúng. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Các tài liệu thu thập có trong hồ sơ vụ án thể hiện sau khi gây thương tích cho bà N bị cáo H đã trình bày đầy đủ diễn biến hành vi phạm tội của mình với cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai của bị cáo phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác cũng như lời khai của những người tham gia tố tụng khác. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử với mình là đúng người, đúng tội và xin lỗi bị hại, mong được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để tự cải tạo bản thân thành người tốt, có ích cho xã hội. Do đó, có đủ căn cứ cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “khai báo thành khẩn” được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự như đề nghị của đại diện Viện kiếm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tại phiên tòa là phù hợp.
Đối với đề nghị của bị hại không cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “ tự nguyện bồi thường”, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Việc gây thương tích cho bị hại là lỗi của bị cáo, bị cáo đã nhận thức được hành vi sai trái của mình và đã cùng gia đình tích cực chủ động bồi thường nhanh chóng, kịp thời cho bị hại điều trị vết thương, gia đình bị cáo đã đưa cho bị hại số tiền 405.000.000 đồng. Sau khi bị hại có đơn yêu cầu khởi tố đối với bị cáo thì hai bên phát sinh mâu thuẫn về số tiền bồi thường này vì bị cáo cho rằng tại văn bản tự nguyện bồi thường hai bên thỏa thuận bị cáo bồi thường số tiền 405.000.000 đồng cho bị hại thì bị hại cam kết không được viết đơn yêu cầu khởi tố đối với bị cáo. Theo quy định thì việc bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận thì đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo tự nguyện bồi thường cho bị hại số tiền 105.000.000 đồng và xin được đối trừ vào số tiền đã đưa cho bị hại. Vì vậy, có đủ cơ sở xác định bị cáo H đã có ý thức và thực tế đã giao cho bị hại số tiền 405.000.000 đồng là thể hiện sự tự nguyện bồi thường thiệt hại cho bị hại, việc các bên có tranh chấp về mức bồi thường được Tòa án xem xét giải quyết theo quy định. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả” theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự là phù hợp Như phân tích tại phần [2] nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo mức án 02 năm 06 tháng tù là có căn cứ, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội cũng như nhân thân của bị cáo, do đó không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị hại về việc tăng mức hình phạt đối với bị cáo
[3.2] Về đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, tăng mức các khoản chi phí khác và bổ sung thêm khoản tiền bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo đúng quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 đối với bị cáo Vũ Văn H:
[3.2.1] Bà N cho rằng trong các khoản tiền mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc đền bù, không có khoản bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bổ sung thêm khoản tiền bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 đã nêu rõ, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
“a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.” Bản án sơ thẩm đã quyết định buộc bị cáo bồi thường toàn bộ các khoản này (tiền viện phí, tiền công không lao động được trong thời gian nằm viện, tiền công người phục vụ trong thời gian nằm viện, tiền công không lao động được sau khi ra viện, tiền công người phục vụ sau khi ra viện, tiền bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian 18 ngày nằm viện và 60 ngày sau khi ra viện, tiền thuê xe từ nhà đến Bệnh viện Mắt Thái Bình và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần).Vì vậy, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của bà N.
[3.2.2] Bà N cho rằng Tòa án huyện Hưng Hà chỉ tuyên buộc bị cáo đền bù 03 tháng lương tối thiểu, tương đương với số tiền là 4.700.000 đồng đối với tổn thất về tinh thần của bà. Tuy nhiên, tại phần Quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên “Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần đối với 53% tổn hại sức khỏe tương ứng với 40 tháng lương tối tH (1.490.000 đồng/tháng):40tháng x 1.490.000 đồng/tháng là:
59.600.000 đồng”. Tại đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, bà N vẫn yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần và tăng mức các khoản chi phí khác. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy hành vi của bị cáo đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, khiến một mắt của bị hại bị mù lòa vĩnh viễn, ảnh hưởng rất lớn về thẩm mỹ, tinh thần, khả năng lao động cho bị hại trong suốt phần đời còn lại. Vì vậy, cần buộc bị cáo phải bồi thường tổn thất về tinh thần mà bị hại phải gánh chịu với mức tối đa là 50 lần mức lương cơ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 là phù hợp. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tính số ngày công không lao động được sau khi ra viện được là 60 ngày, tiền công người phục vụ sau khi ra viện 30 ngày và tiền bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian 18 ngày nằm viện, 60 ngày sau khi ra viện là chưa hợp lý vì tính từ thời điểm bà N bị thương tích cho đến khi bà N phẫu thuật xong là khoảng 6 tháng, do đó cần sửa bản án sơ thẩm về số ngày công không lao động được khi ra viện lên thành 06 tháng (tương đương với 180 ngày) và tiền bồi dưỡng sức khỏe sau khi ra viện lên thành 06 tháng 18 ngày (tương đương với 198 ngày) mới bảo đảm bù đắp tổn thất cho bị hại; tăng số ngày tính tiền công của người phục vụ khi ra viện lên thành 180 ngày. Do đó, có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của bà N.
Đối với việc bà N yêu cầu bị cáo bồi thường cả tổn thất tinh thần cho chồng, con bà, khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ quy định việc bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm sức khỏe gánh chịu, do đó yêu cầu này của bà N là không có cơ sở. Đối với yêu cầu của bà N buộc bị cáo bồi thường khoản thu nhập bị mất của con gái bà trong thời gian 06 tháng nghỉ việc để chăm sóc bà với số tiền từ 33.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng/tháng: Yêu cầu này của bà N là không có cơ sở pháp lý, không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh nên Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu này của bà N, áp dụng mức thu nhập bình quân tại địa phương để làm căn cứ giải quyết theo quy định.
Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo này của bị hại, buộc bị cáo bồi thường cho bị hại các khoản tiền sau:
- Tiền viện phí của 03 đợt điều trị: Ngày 12/8/2019 là: 49.275 đồng; từ ngày 12/8/2019 đến ngày 26/8/2019 là: 900.728 đồng và từ ngày 11/11/2019 đến ngày 13/11/2019 là: 826.320 đồng, tổng số tiền là: 1.776.323 đồng;
- Tiền công không lao động được trong thời gian nằm viện: 18 ngày x 200.000 đồng/ngày = 3.600.000 đồng;
- Tiền công người phục vụ trong thời gian nằm viện: 18 ngày x 200.000 đồng/ngày = 3.600.000 đồng;
- Tiền công không lao động được sau khi ra viện (06 tháng): 180 ngày x 200.000 đồng/ngày = 36.000.000 đồng;
- Tiền công người phục vụ sau khi ra viện (06 tháng): 180 ngày x 200.000 đồng/ngày = 36.000.000 đồng - Tiền bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian 18 ngày nằm viện và 06 tháng (180 ngày) sau khi ra viện: 198 ngày x 100.000 đồng/ngày = 19.800.000 đồng;
- Tiền thuê xe từ nhà đến Bệnh viện Mắt Thái Bình (cả đi,về): 2.000.000 đồng;
- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần đối với 53% tổn hại sức khỏe tương ứng với 50 tháng lương tối tH (1.490.000 đồng/tháng): 50 tháng x 1.490.000 đồng/tháng là: 74.500.000 đồng.
Tổng số tiền là: 177.276.323 đồng (làm tròn là 177.276.000 đồng).
[3.3] Về đề nghị không xem xét đến số tiền 405.000.000 đồng do bị cáo tự nguyện mang đến bồi thường cho bà có sự chứng kiến của Công an xã Tiến Đức. Bị cáo tự nguyện mang số tiền 405.000.000 đồng đến bồi thường cho bị hại, bị hại cũng nhận số tiền này và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, do sau đó các bên không thỏa thuận được mức bồi thường nên bị cáo yêu cầu Tòa án giải quyết. Như nhận định ở mục [3.2], Tòa án đã buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của bị hại, buộc bị hại phải trả lại cho bị cáo số tiền thừa là 227.724.000 đồng.
Từ những nhận định và căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp và cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị hại, sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự theo quy định.
[4] Về án phí: Kháng cáo của bị cáo Vũ Văn H không được chấp nhận nên bị cáo H phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Kháng cáo của bị hại bà Vũ Thị N được chấp nhận một phần nên bà N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm b khoản 2 Điều 357của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị cáo Vũ Văn H; Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Vũ Thị N; Sửa bản án sơ thẩm số 97/2021/HS-ST ngày 20 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyên Hưng Hà , tỉnh Thái Bình về trách nhiệm dân sự. Cụ thể:
1.1. Tuyên bố bị cáo Vũ Văn H phạm tội “Cố ý gây thương tích”
1.2. Về hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 50 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Vũ Văn H 02 năm 06 tháng tù. Thời hạn từ tính từ ngày chấp hành án.
1.3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 357, 579, 584, 585, 586, 590 Bộ luật dân sự. Buộc bị cáo Vũ Văn H phải bồi thường cho bà Vũ Thị N tổng số tiền 177.276.000 (một trăm bảy mươi bảu triệu hai trăm bảy mươi sáu nghìn) đồng. Đối trừ số tiền 405.000.000 đồng bị cáo đã đưa cho bà Vũ Thị N, buộc bà N phải trả lại cho bị cáo Vũ Văn H số tiền 227.724.000 (hai trăm hai mươi bảy triệu bảy trăm hai mươi bốn nghìn) đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Về án phí: Bị cáo Vũ Văn H phải chịu 200.000 đồng án phí hình s ự phúc thẩm. Bà Vũ Thị N không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án ngày 26/7/2022.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 57/2022/HSPT
Số hiệu: | 57/2022/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thái Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/07/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về