Bản án về tội cố ý gây thương tích số 53/2022/HSST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG, TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 53/2022/HSST NGÀY 29/07/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 28, 29 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 42/2022/TL-HSST ngày 08/6/2022 đối với bị cáo:

Họ và tên: Nguyễn Thị R. Giới tính: Nữ. Sinh năm xxxx. Nơi sinh: Huyện G, tỉnh Tiền Giang. ĐKHKTT và chỗ ở: Ấp A, xã G, huyện G, tỉnh Tiền Giang. Nghề nghiệp: Làm ruộng. Trình độ học vấn: 3/12. Con ông Nguyễn Văn Đ (Chết) và bà Huỳnh Thị R (Chết). Chồng: Trần Phước L, sinh năm xxxx. Con: Trần Thanh P, sinh năm xxxx. Tiền án, tiền sự: không. Bị cáo có mặt.

Người bào chữa: Luật sư Phạm Duy M- Văn phòng Luật sư Phạm Duy Mỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, có mặt.

Bị hại:

1/ Trương Văn B, sinh năm 1955. Nơi cư trú: Ấp A, xã G1, huyện G, tỉnh Tiền Giang, có mặt.

2/ Trần Thị K, sinh năm 1961. Nơi cư trú: Ấp A, xã G1, huyện G, tỉnh Tiền Giang, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do mâu thuẫn từ trước, sáng ngày 17/6/2020 ông Trần Phước L là chồng bị cáo R, tổ chức làm đường đan đi vào nhà của ông L. Do xe đổ vật tư cát, đá làm rơi vào đất ông B, nên ông B và ông L xảy ra cãi nhau. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày bị cáo R đi đến nhà chị Đinh Hồng V để lấy xe đã gửi trước đó. Khi ông B nhìn thấy bị cáo R, ông B có chửi bị cáo R và tiến đến gần bị cáo R. Do tức giận, bị cáo R dùng tay đánh ông B một cái vào mặt, ông B dùng tay đánh lại bà R trúng mặt. Bị cáo R nhặt 01 đoạn ống nhựa (loại ống nước nhựa đường kính 34mm) có gần đó đánh vào người ông B khoảng 03 đến 04 cái trúng vào đầu và mặt ông B. Lúc này bà K (vợ ông B) trong nhà chạy ra can ngăn, bị cáo R đang cầm ống nước trên tay tiếp tục đánh bà K gây thương tích. Trong khi đánh ông B và bà K thì đoạn ống nhựa bị gãy, vỡ thành 03 đoạn. Giám định pháp y về thương tích kết luận: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Trương Văn B là 04%. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của bà Trần Thị K là 05%. Thương tích do vật tầy gây nên. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị cáo Nguyễn Thị R là 03%, do vật tầy gây nên. Kết luận giám định số 3184/C09B ngày 11/6/2021 của Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh thuộc Viện khoa học hình sự - Bộ Công an, kết luận: Đoạn ống nhựa đã bị gãy, vỡ thành 03 (ba) đoạn tác động lên cơ thể người gây thương tích là hung khí nguy hiểm. Ông B, bà K có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với người đã gây thương tích cho ông B, bà K. Bị cáo R có đơn không yêu cầu xử lý hình sự đối với người đã gây thương tích cho bị cáo R.

Tại bản cáo trạng số 67/CT-VKS-GCĐ ngày 25/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện G, tỉnh Tiền Giang đã truy tố bị cáo Nguyễn Thị R về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.

* Viện kiểm sát đề nghị: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị R phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Về hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134, điểm e, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự. Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự về án treo, Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về sửa đổi một số điều Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị R từ 06 tháng đến 09 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 01 năm đến 01 năm 06 tháng tính từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Gia Thuận, huyện G giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Về vật chứng: Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự, điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, tịch thu tiêu hủy 01 đoạn ống nhựa (loại ống nước nhựa đường kính 34mm) đã bị gãy, vỡ thành 03 đoạn.

* Ý kiến của Luật sư: Không thống nhất cáo trạng truy tố bị cáo R. Luật sư cho rằng Kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận hung khí nguy hiểm là không đúng tinh thần của điều luật và a Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Vì ống nhựa bị cáo R sử dụng không phải là hung khí nguy hiểm, nên hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 13, Điều 282 Bộ Luật tố tụng hình sự đình chỉ vụ án.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa Kiểm sát viên, bị hại thống nhất nội dung quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Tại phiên tòa bị cáo R khai do ông B có lời lẽ thô tục chửi xúc phạm bị cáo R và gia đình của bị cáo, ông B dùng tay đánh bị cáo, nên bị cáo có dùng ống nước nhựa gây thương tích cho ông B và bà K như cáo trạng nêu, nhưng bị cáo cho rằng ống nhựa mà bị cáo sử dụng không phải là hung khí nguy hiểm. Bị cáo R nói lời nói sau cùng kêu oan, không nhận tội.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện G, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện G, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, bị cáo, bị hại, không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai của bị cáo R tại phiên tòa phù hợp biên bản vụ việc, hiện trường, kết luận giám định pháp y, kết luận giám định hung khí, lời khai của bị hại, người làm chứng, vật chứng và các chứng cứ khác có trong hồ sơ. Bị cáo R là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được gây thương tích cho người khác là vi phạm pháp luật. Nhưng vì mâu thuẩn cá nhân, có phần lỗi của bị hại, bị cáo R đã sử dụng loại ống nước nhựa có đường kính 34mm đánh trúng vào đầu và mặt gây tổn thương cơ thể của ông B 04%, đánh bà K gây tổn thương cơ thể 05%. Hành vi của bị cáo R với lỗi cố ý.

Quan điểm của Luật sư tranh tụng tại phiên tòa và bị cáo tranh luận cho rằng đoạn ống nhựa mà bị cáo đã sử dụng không phải là hung khí nguy hiểm, Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an đã phủ định toàn bộ Kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng xét xử nhận thấy: Trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án, bị cáo R có đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an thực hiện giám định lại vật chứng là công cụ, phương tiện gây án. Để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự, Tòa án đã Quyết định trưng cầu giám định lại theo yêu cầu của bị cáo. Tại Kết luận giám định số 57/KL-KTHS ngày 05/4/2022 của Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an kết luận: “ Đoạn ống nhựa ghi thu gãy, vỡ thành 03 đoạn gửi giám định không lắp ráp được thành 01 đoạn ống hoàn chỉnh nên không đủ yêu tố tiến hành giám định”. Như vậy, Kết luận giám định số 57/KL- KTHS của Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an không mâu thuẩn, không loại trừ Kết luận giám định số 3184/C09B của Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại mục 3.1 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2016 của Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao hướng dẫn như sau: “Dùng hung khí nguy hiểm” là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Tại mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định: “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công”.

Như vậy, đoạn ống nhựa mà bị cáo R đã sử dụng là dụng cụ được chế tạo nhằm mục đích phục vụ cho cuộc sống con người (trong sản xuất, sinh hoạt). Tại phiên tòa bị cáo R thừa nhận có sử dụng đoạn ống nhựa gây thương tích cho bị hại tổn thương cơ thể của ông B là 04%, bà K là 05%, tức là đã gây nguy hiểm đến sức khỏe của bị hại. Do đó đoạn ống nhựa mà bị cáo R đã sử dụng gây thương tích đã hội đủ thuộc tính của “hung khí nguy hiểm”, đã được chỉ ra và Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn cụ thể như viện dẫn trên. Tính chất nguy hiểm của hành vi còn thể hiện khi bị cáo R sử dụng “hung khí nguy hiểm” tác động lên vùng trọng yếu của cơ thể bị hại như: Vùng đầu, má, mũi. Do vậy bị cáo R phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

Hội đồng xét xử có căn cứ kết luận bị cáo Nguyễn Thị R phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.

[3] Hành vi của bị cáo R nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người được luật pháp bảo vệ, cụ thể trong vụ án này sức khỏe của ông B và bà K bị xâm hại, còn ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an ở địa phương. Nhân thân bị cáo R chưa tiền án, tiền sự. Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhất thời phạm tội trong lúc nóng giận, không kiềm chế được, nên phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra. Bị cáo mới phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định điểm e, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Bị cáo phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, Hội đồng xét xử có xem xét khi quyết định hình phạt. Xét tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, không cần thiết cách ly khỏi đời sống xã hội cũng đủ giáo dục cải tạo bị cáo.

[4] Vật chứng: Đoạn ống nhựa (loại ống nước nhựa đường kính 34mm) đã bị gãy, vỡ thành 03 đoạn là công cụ phạm tội nên tịch thu tiêu hũy.

[5] Trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa ông B yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại tổng số tiền 34.000.000 đồng gồm: Tiền thuốc chi phí điều trị, 30 ngày công lao động bị mất (Mỗi ngày 300.000 đồng), chi phí dự kiến phẫu thuật thẩm mỹ mí mắt và điều trị khi tái phát. Bà K yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại tổng số tiền 35.000.000 đồng gồm: Tiền thuốc chi phí điều trị, 30 ngày công lao động bị mất (Mỗi ngày 200.000 đồng), chi phí dự kiến phẫu thuật thẩm mỹ sửa mũi và điều trị khi tái phát. Bị cáo R thừa nhận có gây thương tích cho bị hại nhưng không đồng ý bồi thường là chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra. Nên cần buộc bị cáo R phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định Điều 590 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, xét yêu cầu bồi thường của ông B, bà K chưa phù hợp. Cụ thể là:

Về khoản chi phí dự kiến phẩu thuật thẩm mỹ mí mắt, sửa mũi và chi phí điều trị khi tái phát là khoản chi phí chưa phát sinh, không thực tế nên không có căn cứ chấp nhận. Về ngày công lao động, Hội đồng xét xử có xem xét toàn diện tỷ lệ thương tích của bị hại, cơ chế hình thành vết thương, phương pháp điều trị, thời gian cần thiết để bình phục sức khỏe trong 15 ngày là phù hợp. Ông B và bà K mổi người đều có yêu cầu khoản chi phí tiền thuê xe ôm đi thị xã G 02 lần để mua thuốc là chưa phù hợp. Vì cả 02 lần mua thuốc của 02 bị hại cùng nhà thuốc L, nên chấp nhận khoản chi phí này cho mổi bị hại là 01 lần. Các chi phí còn lại theo bản kê tiền thuốc (BL 113, 128) và hóa đơn, tài liệu do bị hại cung cấp là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe nên được chấp nhận. Tiền công lao động tự do ở địa phương của lao động nam là 300.000đồng/ngày, lao động nữ 200.000đồng/ngày là phù hợp.

Như vậy, thiệt hại của ông B được xác định: Chi phí điều trị 2.609.200 đồng, công lao động bị mất 15 ngày là 4.500.000 đồng, tổng cộng là 7.109.200 đồng. Ông B có phần lỗi dùng lời lẽ thô tục chửi xúc phạm bị cáo R dẫn đến bị cáo R gây thiệt hại, nên ông B phải chịu trách nhiệm tương xứng mức độ lỗi là 1/3 mức thiệt hại. Bị cáo R phải chịu trách nhiệm tương xứng mức độ lỗi là 2/3 mức thiệt hại, tương đương số tiền 4.739.500 đồng. Thiệt hại của bà K được xác định: Chi phí điều trị 2.545.000 đồng, công lao động bị mất 15 ngày là 3.000.000 đồng, tổng cộng là 5.545.000 đồng. Thiệt hại của bà K do lỗi hoàn toàn của bị cáo R, nên bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Bà K và ông B yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại 01 lần khi án có hiệu lực pháp luật là phù hợp.

[6] Về chi phí thực hiện giám định lại theo yêu cầu của bị cáo, tại phiên tòa bị cáo R không có yêu cầu, Hội đồng xét xử ghi nhận. Bị cáo R phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.

Đề nghị của Luật sư không có căn cứ, Hội đồng xét xử không chấp nhận. Đề nghị của Viện kiểm sát có căn cứ, Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị R phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Về hình phạt: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134, điểm e, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự về án treo, Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về sửa đổi một số điều của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Phạt bị cáo Nguyễn Thị R 06 (Sáu) tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (Một) năm. Giao bị cáo Nguyễn Thị R cho UBND xã G1, huyện G, tỉnh Tiền Giang giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 (Hai) lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Vật chứng : Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự, điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tịch tịch thu tiêu hủy đoạn ống nhựa (loại ống nước nhựa đường kính 34mm) đã bị gãy, vỡ thành 03 đoạn.

Trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào các Điều 590, 357 Bộ luật dân sự.

Bị cáo Nguyễn Thị R phải bồi thường thiệt hại cho ông Trương Văn B số tiền 4.739.500 (Bốn triệu bảy trăm ba mươi chín ngìn năm trăm) đồng khi án có hiệu lực pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Thị R phải bồi thường thiệt hại cho bà Trần Thị K số tiền 5.545.000 (Năm triệu năm trăm bốn mươi lăm ngìn) đồng khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của ông Trương Văn B, bà Trần Thị K cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bị cáo R còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Án phí sơ thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Bị cáo R phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng và án phí dân sự sơ thẩm 514.000 đồng.

Bị cáo, bị hại, được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưởng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

241
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 53/2022/HSST

Số hiệu:53/2022/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Gò Công Đông - Tiền Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về