TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 51/2023/HS-PT NGÀY 26/04/2023 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 26 tháng 04 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 11/2023/TLPT-HS ngày 30 tháng 01 năm 2023 đối với bị cáo Lê Văn D do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 143/2022/HS-ST ngày 21-11-2022 của Toà án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
- Bị cáo kháng cáo:
Lê Văn D, sinh năm 1974, tại thành phố Hồ Chí Minh; Nơi cư trú: phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh; Chỗ ở hiện nay: Ấp B, xã D, huyện D, tỉnh Long An; Nghề nghiệp: Buôn bán; Trình độ học vấn: 03/12; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không có; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lê Văn D1 (chết) và bà Lê Thị X (chết); Bị cáo có vợ tên Đặng Thị Kỳ L và có 03 con chung; Tiền án, tiền sự: Không có; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 26/8/2020 đến ngày 25/9/2020 cho tại ngoại đến nay, có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo D: Ông Bùi Quốc T1 và ông Phạm Tấn T2 là Luật sư Văn phòng Luật sư Q thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.
Những người không kháng cáo, kháng nghị không triệu tập:
Bị hại: Hồ Văn C, sinh năm 1982. Nơi cư trú: xã V, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh. Chỗ ở hiện nay: Ấp B, xã D, huyện D, tỉnh Long An.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Bà Đặng Thị Kỳ L (Gái L), sinh năm 1975. Nơi cư trú: Thôn D, xã N, thị xã A, tỉnh Bình Định. Chỗ ở hiện nay: Ấp B, xã D, huyện D, tỉnh Long An.
Người làm chứng:
1. Nguyễn Thị H, sinh năm 1967.
2. Đặng Đào C1, sinh năm 1969.
3. Trần Thị Kim T3, sinh năm 1983.
4. Trần Nhật T4, sinh năm 1979.
5. Nguyễn Vương Trung T5, sinh năm 1981.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 19 giờ ngày 17 tháng 4 năm 2020, bị cáo Lê Văn D đang ở tại hành lang nhà bị cáo D thuê thuộc Ấp B, xã D, huyện D, tỉnh Long An cùng với bà Đặng Thị Kỳ L (vợ D), ông Đặng Đào C1 (anh vợ D) và bà Nguyễn Thị H (vợ C1). Lúc này, bị hại Hồ Văn C đứng bên nhà của bị hại C cạnh nhà của bị cáo D thuê và dùng vòi nước xịt tưới cây làm nước văng qua bên nhà bị cáo D thuê nên dẫn đến xảy ra cự cãi giữa bị hại C với bị cáo D và bà L. Trong lúc cự cãi nhau, bị hại C dọa đem dao qua nhà bị cáo D để chém bị cáo và bà L thách thức bị hại C đi qua. Khoảng 05 phút sau, bị hại C đi từ nhà qua đem theo 01 con dao tự chế bằng kim loại dài 69 cm, chạy vào nhà của bị cáo D. Bị cáo D thấy vậy nên chạy vào bên trong nhà bị cáo D cách vị trí bị cáo D đang ngồi khoảng 5,5m lấy 01 thanh sắt dạng hình trụ tròn chiều dài 115 cm, đường kính 2,5cm chạy ra để đánh bị hại C. Khi đứng đối diện với bị hại C, tay phải bị cáo D cầm thanh sắt đánh theo hướng thẳng đứng từ trên xuống trúng vào đỉnh đầu của bị hại C 01 cái gây thương tích làm bị hại C rơi dao khỏi tay và té ngã xuống nền gạch. Bị cáo D tiếp tục dùng thanh sắt đánh trúng 01 cái vào hông phải của bị hại C làm bị hại C bất tỉnh và bị cáo D cầm thanh sắt cất ở vách cửa nhà của bị cáo D. Lúc này, có ông Nguyễn Vương Trung Tín đang ở nhà bị hại C nghe có tiếng động lớn nên chạy đến trước nhà bị cáo D phát hiện trên đầu bị hại chảy nhiều máu nên ông Tín truy hô và cùng với gia đình bị hại đưa bị hại C đi cấp cứu điều trị thương tích hồi phục sức khỏe. Sau đó, bị hại C có đơn yêu cầu xử lý hành vi của bị cáo D theo quy định pháp luật.
Cơ quan điều tra đã tiến hành thu giữ con dao tự chế bằng kim loại dài 69cm, tay cầm dạng hình tròn bằng kim loại màu trắng dài 17cm, lưỡi dao bằng kim loại màu đen dài 52cm của bị hại C đem qua nhà bị cáo D và 01 thanh sắt hình trụ tròn, chiều dài 115cm, đường kính 2,5cm của bị cáo sử dụng gây thương tích cho bị hại để xử lý.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 125/TgT.20-PY ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Trung tâm pháp y- Sở y tế Long An kết luận thương tích của bị hại Hồ Văn C như sau: 01 sẹo vết thương vùng trán- đỉnh trái kích thước 05cm x 0,5cm lành, không dấu thần kinh khu trú; CT Scan: nứt sọ trán trái, nứt xoang trán trái và gãy thành ngoài hốc mắt trái; Hiện tại không ghi nhận dập não hay tụ máu trên phim; Tổn thương dập não vùng chẩm trán trái không để lại di chứng thần kinh; Máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng đã điều trị ổn định không di chứng. Quyết định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của bị hại Hồ Văn C là 47%.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 143/2022/HS-ST ngày 21-11-2022 của Toà án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã xử:
Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38, khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Tuyên bố bị cáo Lê Văn D phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Xử phạt bị cáo Lê Văn D 04 (bốn) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 26/8/2020 đến ngày 25/9/2020.
Bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí, quyền và thời hạn kháng cáo đối với những người tham gia tố tụng.
Ngày 28/11/2023, bị cáo Lê Văn D kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị cáo Lê Văn D thừa nhận thực hiện hành vi như bản án sơ thẩm đã xử, bị cáo xác định bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” là đúng, không oan. Bị cáo Lê Văn D kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu quan điểm có nội dung:
Bị cáo kháng cáo trong thời hạn theo quy định của pháp luật nên Tòa án nhân dân tỉnh Long An thụ lý vụ án giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là có căn cứ.
Xét thấy từ mâu thuẫn nhỏ nhặc ban đầu hai bên thách đố nhau dẫn đến bị hại xách dao sang nhà bị cáo, hành vi xách dao sang nhà người khác có thể là hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc chỉ mang tính chất đe dọa, nhưng bị hại chưa thực hiện hành vi thì bị bị cáo D phát hiện tấn công gây thương tích cho bị hại. Điều này thể hiện qua lời khai của ông Đặng Đào C1 khi nghe tiếng đùng thì ông thấy bị hại té ngã xuống sàn nhà. Bà Nguyễn Thị H người mà bị cáo cho rằng bị hại nhằm vào để chém thì xác định, bà đang cho cháu ngoại ăn cơm thì thấy người thanh niên nhà kế bên kéo cửa rào nhà vợ chồng L trên tay có cầm con dao tự chế dài khoảng 60cm, xông vào nhà thì D chồng L có cầm cây ống sắt tròn dài khoảng 01m đánh vào đầu người thanh niên nhà kế bên và người này gục xuống nền nhà máu từ đầu chảy ra. Mặt khác bị cáo cho rằng bị hại định chém bà H là không có căn cứ, vì bà H đã khẳng định bị hại vào nhà thì bị bị cáo đánh, bà H cũng không mâu thuẫn thách đố gì với bị hại. Cho nên lời bào chữa của bị cáo cho rằng do bị hại giơ dao định chém bà H bị cáo mới đánh bị hại là không có căn cứ, theo lời khai bị cáo bị hại giơ dao thì bị cáo đánh ngay điều này thể hiện bị cáo đã chuẩn bị hung khí trước.
Như vậy, hành vi của bị cáo bị xét xử về tội cố ý gây thương tích theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cho bị cáo là có căn cứ. Tuyên phạt bị cáo mức án 04 năm tù là phù hợp. Khi kháng cáo, bị cáo không bổ sung tình tiết giảm nhẹ nào mới tuy nhiên qua xem xét hồ sơ thấy hành vi của bị hại là trái pháp luật, cũng vì mâu thuẫn nhỏ mà bị hại sử dụng hung khí nguy hiểm lao vào nhà bị cáo có khả năng thực hiện hành vi nguy hiểm cho gia đình bị cáo, nên có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo.
Từ những phân tích trên Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Văn D; Sửa Bản án sơ thẩm số 143/2022/HS-ST ngày 21-11-2022 của Toà án nhân dân huyện Đức Hòa theo hướng giảm cho bị cáo từ 3 đến 6 tháng tù.
Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các khoản khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục Phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời gian kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục Phúc thẩm.
Luật sư phát biểu bào chữa có nội dung: Về tội danh các Luật sư thống nhất tội danh bị cáo bị Tòa sơ thẩm xét xử nên không có ý kiến khác. Về nguyên nhân dẫn đến xảy ra sự việc từ mâu thuẫn cải vã nhau trong việc nước tưới cây văn qua lại giữa hai nhà, dẫn đến việc thách thức nhau từ đó bị hại cầm dao sang nhà bị cáo, do bị cáo lo cho người nhà bị cáo nên bị cáo đã lấy ống sắt chặn bị hại lại với ý định chống trả lại. Với mục đích muốn đánh rớt hung khí của bị hại nhưng lại trúng vào đầu bị hại. Vì vậy, Luật sư thống nhất với ý kiến của Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa bị cáo có tình tiết giảm nhẹ là do có hành vi trái pháp luật của bị hại theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự nhưng án sơ thẩm chưa áp dụng khi xét xử đối với bị cáo. Ngoài ra bị cáo là người có học vấn thấp nên việc phạm tội coi là do lạc hậu là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và các tình tiết giảm nhẹ khác theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự mà án sơ thẩm chưa ghi nhận cụ thể như bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và xem xét cho bị cáo được hưởng án treo thể hiện tính khoan hồng nhân đạo của pháp luật.
Bị cáo không tranh luận.
Bị cáo nói lời sau cùng xin được giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Bị cáo Lê Văn D kháng cáo trong thời hạn theo quy định của pháp luật nên Tòa án nhân dân tỉnh Long An thụ lý vụ án giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là có căn cứ.
[2] Về nội dung: Lời khai nhận tội của bị cáo Lê Văn D trước Tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng cùng với bản kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y - Sở y tế Long An, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường và phù hợp với nội dung bản cáo trạng. Thấy rằng, vào khoảng 19 giờ ngày 17 tháng 4 năm 2020, tại nhà của bị cáo Lê Văn D đang thuê ở thuộc Ấp B, xã D, huyện D, tỉnh Long An, do bị hại C cầm con dao tự chế bằng kim loại dài 69cm đi qua nhà bị cáo D. Lúc này, bị cáo D lấy 01 ống sắt chắn cửa hình trụ tròn, chiều dài 115 cm, đường kính 2,5cm, đi đến chặn bị hại và dùng tay phải cầm ống sắt đánh từ trên xuống trúng vào đầu của bị hại C 01 cái gây thương tích, bị hại C té ngã xuống nền gạch bị cáo đánh tiếp cái thứ hai trúng vào hông phải bị hại C 01 cái nhưng không gây thương tích. Kết quả giám định bị hại C bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 47%.
[3] Bị cáo là người đã thành niên, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình và có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Từ mâu thuẫn giữa gia đình bị cáo với bị hại trong việc tưới nước văn qua lại giữ hai nhà, bị hại có hành động cầm dao sang nhà bị cáo, bị cáo đã dùng ống sắt là hung khí nguy hiểm đánh gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ 47%. Xét thấy từ mâu thuẫn ban đầu hai bên thách đố nhau dẫn đến bị hại xách dao sang nhà bị cáo, hành vi xách dao sang nhà bị cáo là hành vi trái pháp luật, nhưng bị hại chưa thực hiện hành vi thì bị bị cáo D phát hiện lấy hung khí ra đối kháng và tấn công gây thương tích cho bị hại. Thể hiện qua lời khai của ông Đặng Đào C1 khi nghe tiếng đùng thì ông thấy bị hại té ngã xuống sàn nhà. Bà Nguyễn Thị H người mà bị cáo cho rằng bà đang cho cháu ngoại ăn cơm thì thấy người thanh niên nhà kế bên kéo cửa rào nhà vợ chồng L trên tay có cầm con dao tự chế dài khoản 60cm, xông vào nhà thì D chồng L có cầm cây ống sắt tròn dài khoảng 01m đánh vào đầu người thanh niên nhà kế bên và người này gục xuống nền nhà máu từ đầu chảy ra. Mặt khác, bị cáo cho rằng bị hại định chém bà H là không có căn cứ, vì bà H đã khẳng định bị hại vào nhà thì bị bị cáo đánh, bà H cũng không mâu thuẫn thách đố gì với bị hại. Cho nên bị cáo cho rằng do bị hại giơ dao định chém bà H bị cáo mới đánh bị hại là không có căn cứ. Bị cáo xác định khi thấy bị hại cầm dao sang cách bị cáo hơn 5m bị cáo lấy hung khí đi đến ngăn bị hại và tấn công bị hại, điều này thể hiện bị cáo đã chuẩn bị hung khí trước ra đối kháng và tấn công bị hại như Kiểm sát viên phân tích là có căn cứ. Như vậy, hành vi phạm tội của bị cáo không thuộc trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự hoặc phạm tội do vượt quá phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Án sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng pháp luật và không oan sai. Bị cáo bị Tòa sơ thẩm xử phạt 04 (bốn) năm tù. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
[4] Xét kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của bị cáo Lê Văn D:
[4.1] Khi xét xử, cấp sơ thẩm đã áp dụng cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ như: Bị cáo có nhân thân tốt, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục một phần hậu quả cho bị hại. Bị cáo phạm tội có một phần lỗi của bị hại. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bị cáo không có tình tiết tăng nặng nên đã áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự xét xử bị cáo 4 năm tù là mức án dưới mức thấp nhất khung hình phạt bị cáo bị truy tố. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo có cung cấp tình tiết gia đình khó khăn. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị xem xét tình tiết bị hại có lỗi do có hành vi trái pháp luật mặc dù không nghiêm trọng cần xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo, án sơ thẩm áp dụng tình tiết này theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự là chưa phù hợp. Luật sư có đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự do bị cáo có học vấn thấp nên phạm tội thuộc trường hợp do lạc hậu và xem các tình tiết bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; gia đình khó khăn là các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự mà án sơ thẩm chưa ghi nhận để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Xét thấy bị cáo phạm tội có hành vi trái pháp luật của bị hại tuy không nghiêm trọng nhưng cũng ảnh hưởng đến tinh thần của bị cáo nên ý kiến của Kiểm sát viên đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự là phù hợp. Án sơ thẩm chưa ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo: Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự được xem là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự theo Luật sư đề nghị là có căn cứ nên ghi nhận để xem xét. Tình tiết phạm tội do lạc hậu theo quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự do bị cáo có học vấn thấp và tình tiết gia đình bị cáo khó khăn theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự do Luật sư đề nghị là không phù hợp bởi lẽ: Bị cáo sống tại vùng đô thị không thiếu các thông tin, cũng như sức khỏe của mọi người đều phải được tôn trọng, mọi người đều biết không phân biệt người có học vấn cao hay thấp; Gia đình bị cáo khó khăn nhưng không có xác nhận của địa phương hoặc chứng cứ cụ thể. Xét thấy bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ theo định tại điểm e, khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự nên có căn cứ xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo xét giảm hình phạt đối với bị cáo từ 3 tháng đến 6 tháng tù như đề nghị của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa là phù hợp.
[4.2] Về yêu cầu xin hưởng án treo: Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng, hình phạt đối với bị cáo hơn 3 năm tù nên không đủ điều kiện cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.
[5] Từ nhận xét tại [4.1] và [4.2] Hội đồng xét xử có căn cứ áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự: Chấp nhận 1 phần kháng cáo của bị cáo. Sửa bản án sơ thẩm giảm 1 phần hình phạt đối với bị cáo.
[6] Về án phí: Áp dụng Điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm do kháng cáo được chấp nhận một phần.
[7] Các khoản khác của án sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị không bị án Phúc thẩm cải sửa có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lê Văn D; Sửa hình phạt của bản án sơ thẩm số: 143/2022/HS-ST ngày 21-11-2022 của Toà án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
2. Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38, khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Tuyên bố bị cáo Lê Văn D phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Xử phạt bị cáo Lê Văn D 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 26/8/2020 đến ngày 25/9/2020.
3. Về án phí: Áp dụng Điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Bị cáo Lê Văn D không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
4. Các khoản khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, không bị án Phúc thẩm sửa có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 51/2023/HS-PT
Số hiệu: | 51/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Long An |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về