TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 45/2022/HS-PT NGÀY 31/05/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 31 tháng 5 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số:69/2022/HSPT-HS ngày 09 tháng 3 năm 2022 đối với bị cáo Hồ Thanh L; do có kháng cáo của bị cáo L và bị hại Huỳnh Văn H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số:34/2021/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện TB, tỉnh An Giang.
Bị cáo có kháng cáo:
Hồ Thanh L, sinh năm 1995, nơi sinh tại huyện TB, tỉnh An Giang; xã AH, huyện TB, tỉnh An Giang; nghề nghiệp: Mua bán; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Đạo phật; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Hồ Văn B và bà Bạch Thị Thu Th; Anh, em: có 02 người, bị cáo là người thứ nhất; Vợ: Võ Thiện Tường V; con có 01 người, sinh năm 2019.
Tiền án, tiền sự: không;
Bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 13/9/2021 đến nay, bị cáo có mặt.
Bị hại: Ông Huỳnh Văn H, sinh năm 1968, nơi cư trú: tổ 7, ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, (có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Luật sư Phan Đăng H là Luật sư của Công ty Luật TNHH MTV AK (AK Lawfirm) thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ. Địa chỉ: Số 175, Trần Văn Khéo, phường Cái K, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, (có mặt)
- Người làm chứng:
1. Bà Bạch Thị Thu Th (L), sinh năm 1973, (có mặt)
2. Ông Trần Bích L, sinh năm 1986, (vắng mặt)
3. Bà Nguyễn Thị Hồng L, sinh năm 1983, (vắng mặt)
4. Bà Võ Thiện Tường V, sinh năm 1995, (có mặt)
5. Bà Huỳnh Thị H, sinh năm 1960, (vắng mặt)
6. Ông Hồ Văn B, sinh năm 1974, (có mặt)
7. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1965, (vắng mặt) (Trong vụ án này, bị cáo Hồ Thanh L và bị hại Huỳnh Văn H kháng cáo;
Viện kiểm sát không kháng nghị)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Khoảng 06 giờ ngày 11/02/2021, Hồ Thanh L kéo cửa hàng rào lưới B40 của tiệm “TL” để gần tiệm tạp hóa của ông Huỳnh Văn H thuộc xã AH, huyện TB, tỉnh An Giang, rồi đi chợ. Đến 07 giờ cùng ngày, L quay về nghe bà Bạch Thị Thu Th (mẹ ruột L) cho biết vừa cự cải với ông H, bà Phạm Thị H (người cho ông H thuê mặt bằng), chị Nguyễn Thị Hồng L (con bà H) về việc L đẩy cửa rào lưới B40 qua gần tiệm của ông H. Nghe vậy, L tức giận liền tháo nón bảo hiểm đang đội cầm trên tay phải, đi bộ qua tìm gặp ông H đang ngồi ghế nhựa. L đi đến đứng đối diện cách khoảng 0,5m hỏi ông H “Sao, mầy sao”, vừa hỏi xong L cầm nón bảo hiểm đánh từ trên xuống, ông H đưa tay lên đỡ nên trúng làm gãy xương đốt bàn tay ngón I bàn tay phải. Cùng lúc này, ông H bị té ngã ngữa ra phía sau, L tiếp tục dùng tay đánh, dùng chân đạp trúng vào vùng bụng, vùng ngực của ông H làm gãy xương sườn VII, IX, X bên trái thì bà Th, bà H, chị L và ông Trần Văn H đến can ngăn. Sau đó, L bỏ về nhà, còn ông H đến Công an xã AH trình báo sự việc và đến Bệnh viện đa khoa Nhật Tân điều trị.
Ngày 21/02/2021, ông H có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với Hồ Thanh L; ngày 13/9/2021, Hồ Thanh L bị khởi tố, điều tra.
Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 131/21/TgT ngày 24/3/2021 của Trung tâm pháp y – Sở y tế An Giang kết luận:
Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do từng thương tích gây nên hiện tại:
- Sưng nề vùng đầu mặt không thương tích tồn tại 00%;
- Sưng nề bàn tay phải không thương tích tồn tại 00%;
- Gãy xương đốt bàn ngón tay I bàn tay phải: 03%;
- Gãy xương sườn VII, IX, X bên trái: 06%.
- Gãy 1/3 dưới xương trụ trái – điều trị bảo tồn.
- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 09% (chín phần trăm). Kết luận khác: thương tích do vật tày gây ra.
Tại Cáo trạng số 31/CT-VKSTB.HS ngày 11 tháng 11 năm 2021, Viện Kiểm sát nhân dân huyện TB đã truy tố bị cáo Hồ Thanh L về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số34/2021/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện TB, tỉnh An Giang đã quyết định:
Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134; Điều 38; điểm b, i khoản 1, 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
1. Tuyên bố: Bị cáo Hồ Thanh L phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
2. Xử phạt: Bị cáo Hồ Thanh L 06 (sáu) tháng tù, thời gian tính kể từ ngày chấp hành án.
- Hình phạt bổ sung: không áp dụng.
3. Biện pháp tư pháp:
* Về xử lý vật chứng: Căn cứ vào Điều 46, Điều 47, Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
- Tịch thu, tiêu hủy:
+ 01 (một) cái mũ bảo hiểm màu xanh xám đen;
+ 01 (một) cái ghế nhựa (loại ghế có lưng tựa), màu xanh bị gãy 02 chân;
+ 01 (một) cái ghế nhựa (loại ghế có lưng tựa), màu xanh bị gãy 01 chân;
+ 01 (một) cái ly bằng thủy tinh dùng để uống cà phê đã bị bể;
+ 01 (một) cái ly sứ màu trắng dùng để uống trà đã bị bể;
+ 01 (một) cái bình đựng nước trà màu trắng bị bể;
(Theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 15/11/2021 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện TB và Chi cục Thi hành án dân sự huyện TB).
* Tiếp tục tạm giữ tài sản để đảm bảo thi hành án: Tiền đồng Việt Nam, số tiền là 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) của bị cáo Hồ Thanh L giao nộp theo biên lai thu tiền số 0003053 ngày 12/10/2021 và biên lai thu số N 0 0005652 ngày 27/9/2021 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện TB.
4. Về trách nhiệm dân sự: Điều 584, 585, 586, 589, 590 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Buộc bị cáo Hồ Thanh L có trách nhiệm bồi thường cho bị hại Huỳnh Văn H chi phí điều trị bệnh: 19.000.000đ; tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm:
7.450.000đ; thiệt hại tài sản: 270.000đ. Tổng cộng là 26.720.000đ (hai mươi sáu triệu, bảy trăm hai mươi ngàn đồng).
5. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g khoản 1 Điều23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bị cáo Hồ Thanh L phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm là 336.000đ(ba trăm ba mươi sáu ngàn đồng).
Bị hại Huỳnh Văn H phải chịu 10.650.000 đồng (mười triệu, sáu trăm năm mươi ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về quyền kháng cáo của bị cáo, người bị hại; trách nhiệm thi hành án dân sự theo quy định pháp luật;
Ngày 07/01/2022, bị cáo L có đơn xin cứu xét hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính, con còn nhỏ mới 24 tháng tuổi; xin giảm nhẹ hình phạt cho được hưởng án treo;
Ngày 12/01/2022,bị hại ông Huỳnh Thanh H kháng cáo yêu cầu xem xét hành vi của bị cáo côn đồ, hung hăng, hình phạt chưa đúng tính chất mức độ phạm tội; yêu cầu bị cáo bồi thường 302.000.000đ; yêu cầu xem xét việc bị hại phải chịu án phí là chưa phù hợp pháp luật;
Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị cáo L giữ nguyên nội dung kháng cáo, xin cho được hưởng án treo; đồng ý bồi thường thêm tiền tổn thất tinh thần cho bị hại 15.000.000đ;
Bị hại H đưa ra một số tài liệu liệt kê số tiền yêu cầu bồi thường hàng hóa, thuê mặt bằng, nhân công; yêu cầu tăng mức hình phạt đối với bị cáo và tăng mức bồi thường tổng số tiền 302.000.000đ;
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm về vụ án và đề xuất với Hội đồng xét xử:
- Về thủ tục kháng cáo: Bị cáo L, bị hại H nộp đơn kháng cáo hợp lệ nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm;
- Về nội dung kháng cáo của bị cáo L: Quá trình điều tra, lời khai của bị cáo, bị hại nó phù hợp với các tình tiết trong hồ sơ vụ án; kết quả tỷ lệ thương tật bị cáo gây ra cho bị hại là 9%; bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình; cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích”theo điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ Luật hình sự là có căn cứ;
Cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo tại các điểm b, i khoản 1, 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017; xử phạt bị cáo L 06 tháng tù, đã có xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là phù hợp pháp luật; tuy nhiên, do hành vi của bị cáo mang tính chất côn đồ nên không đủ điều kiện cho bị cáo hưởng án treo;
Đối với kháng cáo của bị hại, khai nại cấp sơ thẩm sai sót tố tụng là không có cơ sở; về hình phạt cấp sơ thẩm cân nhắc xử bị cáo 6 tháng tù là có cơ sở; nên cần y mức án đối với bị cáo L; về yêu cầu bồi thường thiệt hại, do bị hại không chứng minh được thiệt hại thực tế có xảy ra, nên không có cơ sở xem xét;
Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo L về việc xin hưởng án treo; không chấp nhận kháng cáo của bị hại về tăng mức bồi thường và tăng hình phạt.Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; căn cứ điểm b, i khoản 1, 2 Điều 51 ; Điều 38 Bộ Luật hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2017, giữ y án sơ thẩm; xử phạt bị cáo 06 tháng tù về tội „Cố ý gây thương tích”; các phần quyết định còn lại của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị;
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Về tố tụng và tội danh như quan điểm của Viện kiểm sát thì Luật sư không có ý kiến; về hành vi của bị cáo manh động; tính côn đồ, đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt để răng đe bị cáo; đối với tổn thất tinh thần, luật quy định ngoài tổn hại sức khỏe, còn liên quan đến tinh thần khác, ảnh hưởng đến tâm lý, buôn bán,....đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận tiền tổn thất tinh thần cho bị hại là 50 tháng lương cơ bản;
Về tiền thuê mặt bằng là thực tế có (có cung cấp hợp đồng thuê), đề nghị chấp nhận 18.000.000đ tiền thuê mặt bằng; về chi phí thuê nhân công 02 người nên phải trả lương, thuê nhân công là 24.000.000đ;
Về hàng hóa, sau khi xảy ra sự việc này thì bị hại không còn buôn bán nữa nên có ảnh hưởng do đó, đề nghị chấp nhận số tiền 180.000.000đ;
Về tố tụng, bị hại rút lại yêu cầu hủy bản án, nhưng cần nêu lên để thấy rằng có sai sót của cấp sơ thẩm;
Từ đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị hại về tăng hình phạt đối với bị cáo và bồi thường cho bị hại số tiền 302.000.000đ;
Tranh luận:
Viện kiểm sát: Về yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo thấy rằng cấp sơ thẩm đã áp dụng các tiết giảm nhẹ, nên xử phạt bị cáo 06 tháng tù là phù hợp pháp luật; về tổn thất tinh thần bị hại yêu cầu là không có cơ sở; dựa vào tỷ lệ thương tật 9% để đánh giá mức độ tổn thất mà đưa ra mức bồi thường hợp lý; bị hại yêu cầu mức tối đa 50 tháng lương cơ bản là chưa phù hợp pháp luật; còn các khoản bồi thường khác về hàng hóa, thuê mặt bằng, nhân công thì không có cơ sở chứng minh có thiệt hại, nên không chấp nhận;
Luật sư: về tổn thất tinh thần được quy định tại khoản 2 Điều 590 Luật dân sự; còn chứng cứ khác như hợp đồng thuê mặt bằng, thuê nhân công và thu lợi nhuậnbán hàng hóa của bị hại làm căn cứ cho yêu cầu của bị hại là có cơ sở; đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị hại;
Viện kiểm sát: Cho rằng tổn thất tinh thần tuy không cân đo đông đếm được, tuy nhiên dựa vào tỷ lệ thương tật của bị hại để làm căn cứ cụ thể hóa số tiền bồi thường tinh thần cho phù hợp; còn mức thiệt hại hàng hóa không liên quan trực tiếp hành vi của bị cáo, nên không phải buộc bị cáo phải chịu; phía bị hại cũng không có chứng cứ chứng minh thực tế có xảy ra thiệt hại; nên Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm;
Lời nói sau cùng bị cáo L do hoàn cảnh gia đình, con còn nhỏ;xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo;
Đề nghị của Viện kiểm sát, Luật sư và lời nói sau cùng của bị cáo sẽ được Hội đồng xét xử ghi nhận, xem xét và thảo luận tại phòng nghị án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Thủ tục kháng cáo của bị cáo L và bị hại H trong thời hạn luật định, được Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận để giải quyết theo trình tự phúc thẩm;
[2] Về sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa vắng người làm chứng;tuy nhiên, đã có lời khai tại Cơ quan điều tra; việc vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử; xét thấy cần thiết Hội đồng xét xử sẽ công bố lời khai của người liên quan, người làm chứng tại phiên tòa; căn cứ vào Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự xét xử vắng mặt theo thủ tụng chung;
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo L về việc xin cho được hưởng án treo và yêu cầu tăng hình phạt của bị hại H, Hội đồng xét xử nhận thấy;
[3.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo L thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình; xuất phát từ tính tình nóng nãi, khi nghe mẹ bị cáo nói mới cự cải với bị hại, nên bị cáo bực tức tìm bị hại và dùng nón bảo hiểm đánh, đạp nhiều cái vào bụng, hông bị hại; và thương tích của bị hại chính bị cáo gây ra; cấp sơ thẩm xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương thích” là đúng tội, không oan;
[3.2] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp lời khai trong quá trình điều tra vụ án, phù hợp lời trình bày của bị hại, người làm chứng, phù hợp với vật chứng thu giữ; biên bản khám nghiệm hiện trường; Kết luận Giám định pháp y đối với thương tích của bị hại và phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ; bị cáo gây tổn hại cho sức khỏe cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 9%. Cấp sơ thẩm căn cứ điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự tuyên bố bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” và xử phạt bị cáo 06 tháng tù là đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo tại các điểm b, i khoản 1, 2 Điều 51 và Điều 52 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 là có căn cứ đúng pháp luật;
[3.3] Về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt không đáng có, cách cư xử chưa đúng mực mà bị cáo gây tổn thương cho bị hại đến 9% thương tật; thấy rằng, sức khỏe tính mạng là vốn quý của con người; vì vậy được pháp luật bảo vệ. Hành vi của bị cáo trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của bị hại, gây mất an ninh trật tự địa phương, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nên cần xử phạt mức án nghiêm mới đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung; cấp sơ thẩm đã cân nhắc xử bị cáo mức án 06 tháng tù là có xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ và có khoan hồng cho bị cáo;
[4] Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã khắc phục thêm số tiền 6.720.000đ cho đủ số tiền mà cấp sơ thẩm buộc bồi thường cho bị hại 26.720.000đ và tại phiên tòa bị cáo đồng ý tăng thêm cho bị hại tiền tổn thất tinh thần 15.000.000đ; xét thấy, đây là tình tiết mới thể hiện thiện chí mong muốn bồi thường cho bị hại. Mặt dù bị cáo đã khắc phục đủ số tiền bồi thường cho bị hại mà án sơ thẩm đã buộc và tính chất, thương tích do bị báo gây ra tuy không lớn, nhưng hành vi của bị cáo mang tính côn đồ, nên bị cáo xin hưởng án treo là chưa đủ điều kiện để được hưởng án treo; cần có thời gian cách ly bị cáo với xã hội trong một thời gian để răn đe, giáo dục phòng chống tội phạm cho xã hội hiện nay; do đó kháng cáo của bị cáo xin cho hưởng án treo và bị hại yêu cầu tăng mức hình phạt không được Hội đồng xét xử chấp nhận là phù hợp quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa;
[5] Xét yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại của bị hại thì thấy;
[5.1] Về tiền thuê mặt bằng 18.000.000đ; chi phí thuê nhân công 02 người là 24.000.000đ; thiệt hại hàng hóa sau khi xảy ra sự việc, bị hại không còn buôn bán nữa, nên có ảnh hưởng đến việc kinh doanh do đó, đề nghị chấp nhận số tiền 180.000.000đ; các yêu cầu trên là không có cơ sở chấp nhận vì hành vi của bị cáo không liên quan trực tiếp đến hàng hóa này , bị hại không có chứng cứ chứng minh là hàng hóa bị hư, quá đát; sau khi xảy ra sự việc bị hại cũng không nhập viện điều trị ngày nào và bị hại vẫn hoạt động mu a bán bình thường; Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bị hại là phù hợp với quan điểm của Viện kiểm sát;
[5.2] Về tổn thất tinh thần, bị hại yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần là 50 tháng lương cơ bản là chưa phù hợp với pháp luật; bởi vì thương tích gây tổn hại cho bị hại 9% và bị hại cũng không có nhập viện điều trị; chỉ ở nhà điều trị và đi tái khám bệnh; sau khi xảy ra sự việc bị hại vẫn đi đứng sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm xem xét buộc bồi thường 7.450.000đ là chưa hợp lý; tại phiên tòa bị cáo đồng ý bồi thường thêm 15.000.000đ tương ứng hơn 10 tháng lương cơ bản là phù hợp pháp luật; nên Hội đồng xét xử chấp nhận số tiền bồi thường thêm tổn thất tinh thần là 15.000.000đ; tổng cộng tiền tổn thất tinh thần là 22.720.000đ; sửa án sơ thẩm về tiền bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại;
[6] Đối với tiền án phí dân sự, do bị hại yêu cầu bồi thường hàng hóa, lợi nhuận, tiền nhân công…không được chấp nhận, nên cấp sơ thẩm buộc bị hại phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật là phù hợp.
[7] Trong phần quyết định của bản án sơ thẩm có tuyên buộc trách nhiệm của bị cáo bồi thường cho bị hại, nhưng phần quyết định của bản án không tuyên về trách nhiệm thi hành án dân sự theo luật định là có thiếu sót; cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm chung;
[8] Các phần quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[9] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định pháp luật; bị hại không phải chịu;
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 2 Điều 357, Điều 135 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Thanh L về việc xin hưởng án treo;
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại về tăng mức tiền bồi thường tổn thất tinh thần;
Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2021/HS-ST ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện TB, tỉnh An Giang đã quyết định:
Căn cứ điểm a khoản 1Điều 134; điểm b, i khoản 1 và khoản 2 Điều 51 ;
Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
[1] Tuyên bố bị cáo: Hồ Thanh L phạm tội “Cố ý gây thương tích”;
Xử phạt: Bị cáo Hồ Thanh L 06 (sáu) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù, được tính kể từ ngày bị cáo chấp hành án.
[2] Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ các Điều 584, 585, 586 và 590 Bộ luật Dân sự năm 2015;
Buộc bị cáo Hồ Thanh L có trách nhiệm bồi thường cho bị hại Huỳnh Văn H chi phí điều trị bệnh: 19.000.000đ; tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm: 22.450.000đ (7.450.000đ + 15.000.000đ); thiệt hại tài sản: 270.000đ. Tổng cộng là 41.720.000đ(Bốn mươi một triệu, bảy trăm hai mươi ngàn đồng).
Tiếp tục tạm giữ số tiền là 26.720.000đồng (hai mươi sáu triệu bảy trăm hai mươi nghìn đồng) của bị cáo Hồ Thanh L giao nộp theo biên lai thu tiền số 0003053 ngày 12/10/2021; biên lai thu tiền số 0005652 ngày 27/9/2021và biên lai thu tiền số 0003104 ngày 07/01/2022 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện TB, để đảm bảo thi hành án;
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
[3] Về xử lý vật chứng:Căn cứ vào Điều 46, Điều 47, Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; tịch thu, tiêu hủy:
+ 01 (một) cái mũ bảo hiểm màu xanh xám đen;
+ 01 (một) cái ghế nhựa (loại ghế có lưng tựa), màu xanh bị gãy 02 chân;
+ 01 (một) cái ghế nhựa (loại ghế có lưng tựa), màu xanh bị gãy 01 chân;
+ 01 (một) cái ly bằng thủy tinh dùng để uống cà phê đã bị bể;
+ 01 (một) cái ly sứ màu trắng dùng để uống trà đã bị bể;
+ 01 (một) cái bình đựng nước trà màu trắng bị bể;
(Theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 15/11/2021 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện TB và Chi cục Thi hành án dân sự huyện TB).
[4] Án phí sơ thẩm: Bị cáo L phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và 2.086.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Bị hại Huỳnh Văn H phải chịu 10.650.000 đồng (mười triệu, sáu trăm năm mươi ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
[5] Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo L phải chịu 200.000đ; bị hại H không phải chịu;
[6] Các phần quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2021/HS-ST ngày 28/12/2021 của Tòa án nhân dân huyện TB, tỉnh An Giang không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 LuậtThi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 45/2022/HS-PT
Số hiệu: | 45/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân An Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 31/05/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về