Bản án về tội cố ý gây thương tích số 37/2020/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 37/2020/HS-PT NGÀY 22/05/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 19 và 22 tháng 5 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 109/2019/HSPT ngày 06 tháng 12 năm 2019 đối với bị cáo Phạm Văn M, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2019/HS-ST ngày 11/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Phạm Văn M (tên gọi khác: K), sinh năm 1982 tại Nam Định; Nơi cư trú: Thôn S, xã P, huyện B, tỉnh B; nghề nghiệp Làm nông; trình độ văn hóa 9/12; dân tộc Kinh; tôn giáo Thiên Chúa; quốc tịch Việt Nam; con ông Phạm Văn M (đã chết) và bà Phạm Thị C; bị cáo có vợ là chị Trần Thị L, sinh năm 1989 và 03 người con lớn nhất sinh năm 2008, nhỏ nhất sinh năm 2014; tiền án, tiền sự không;

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 04/7/2017 đến ngày 12/4/2018 được thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn cho gia đình bảo lãnh, “có mặt”.

- Người bào chữa cho bị cáo:

1. Luật sư Nguyễn Thành K – Văn phòng Luật sư Bùi Gia Nên thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Số 210, Khu Đức Lập, TT. Đức P, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, “có mặt”.

2. Luật sư Dương Lê S – Văn phòng luật sư Lê S thuộc đoàn Luật sư tỉnh Đăk Lăk, địa chỉ: Số 200/20/5 đường Y Wang, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, “có mặt”.

- Bị hại: Lê Thanh P, sinh năm 1973, “có mặt”. Địa chỉ: Thôn S, xã P, huyện B, tỉnh B.

- Những người làm chứng:

1. Anh Trần Văn H, sinh năm 1993, “vắng mặt”. Địa chỉ: Thôn S, xã P, huyện B, tỉnh B.

2. Anh Lê Trung T, sinh năm 1998, “vắng mặt”. Địa chỉ: Thôn S, xã P, huyện B, tỉnh B.

3. Bà Lê Thị X, sinh năm 1970, “có mặt”. Địa chỉ: Thôn S, xã P, huyện B, tỉnh B.

4. Ông Nguyễn Công S, sinh năm 1963, “có mặt”. Địa chỉ: Đường 14/12, khu Đ, TT. Đ, huyện Btỉnh B.

5. Chị Trần Thị L, sinh năm 1989, “có mặt”. Địa chỉ: Thôn S, xã P, huyện B, tỉnh B.

- Người tham gia tố tụng khác:

1. Ông Phan Anh N – Giám định viên của Trung tâm y tế huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, “vắng mặt”.

2. Ông Đoàn Đức L – Giám định viên của Trung tâm pháp y tỉnh Bình Phước, “có mặt”.

3. Ông Nguyễn Thế B – Điều tra viên Công an huyện Bù Đăng, “có mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 18 giờ ngày 29/10/2015, Phạm Văn M (tên thường gọi là K) và Lê Thanh P xảy ra xô xát về việc M đào hố chôn cọc hàng rào sát ranh đất với gia đình P tại Thôn S, xã P, huyện B, tỉnh B nên xảy ra mâu thuẫn. M đứng đối diện hai tay cầm cây Xà Beng đánh 01 cái trúng vào vai phải của P gây thương tích, P chụp được cây Xà Beng giằng co với M. Sau đó thì M cầm Xà Beng bỏ đi về nhà, còn P cũng đi vào hiên nhà của P ngồi. Lúc này, Lê Thị H (con gái của P) về đến nhà thì P nói với H: “Mày về gọi mẹ và em mày lên đây, thằng M nó đánh ba”. H liền đi về nhà dưới nói với mẹ là Lê Thị X và em trai Lê Trung T về việc P bị M đánh, nên bà X và T cùng với H đi đến gặp P tại nhà trên (P có 02 nhà cách nhau khoảng 300m). Khi P thấy vợ, con mình đến thì P nhặt 01 đoạn cây gỗ vuông (có kích thước dài khoảng 70 cm, cạnh khoảng 04 cm) và đưa cho T một cây gỗ vuông tương tự, rồi cùng đi đến nhà M. Khi đến, P thấy M đứng trước nhà nên chạy đến đứng đối diện cách M khoảng 01 mét, P cầm cây gỗ bằng hai tay đánh 01 cái theo hướng từ trên xuống vào người M, M đưa tay phải lên đỡ nên trúng vào cẳng tay gây thương tích. Khi Lê Thị H đến nhìn thấy chị Trần Thị L (vợ M) đang đứng trong hiên nhà dưới, H nhặt 01 đoạn cây gỗ vuông dài 70 cm chạy vào đánh nhiều cái trúng vào bụng và đùi phải của chị L làm cây gỗ H cầm rơi xuống đất. Bà X chạy vào kéo H ra, H nhặt cây gỗ lên đánh 01 cái theo hướng từ trên xuống trúng vào đầu chị L gây thương tích. Trần Văn H (em của chị L) đứng trong nhà thấy vậy liền lấy 01 cây rựa dài 80 cm chạy ra chém 01 cái trúng vào vùng đùi phải của H gây thương tích rồi kéo chị L vào nhà.

Sau đó, chị L và M được mọi người đưa đi điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, còn P được con trai là Lê Trung T chở xuống nhà ông Nguyễn Công S chụp Film X-Quang và mua thuốc điều trị.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 364 và số 366/2015/TgT của Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của Phạm Văn M là: 13%, của Trần Thị L là: 15%.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 126 và số 127/2017/TgT của Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của Lê Thanh P là: 16%, của Lê Thị H là: 10%.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 1247/C54B ngày 26/3/2018 của Tổng cục cảnh sát, Phân viện kỹ thuật hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận:

Gãy 1/3 giữa xương đòn phải trên Film X-Quang gửi giám định và Film X- quang chụp ngày 13/3/2018 là do vật tày cứng có trọng lượng, tác động trực tiếp từ hướng ngoài vào và từ trên xuống với một lực khá mạnh làm gẫy kín xương đòn. cây Xà Beng bằng kim loại như mô tả, nếu dùng đánh trực tiếp với một lực đủ mạnh vào vai phải gây ra được.

Khi ông P đã bị gãy 1/3 giữa xương đòn phải vẫn có khả năng cầm cây gỗ như mô tả đánh ông Phạm Văn M gãy 1/3 dưới xương quay tay phải.

Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 126/2017/TGT của Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước phù hợp với vị trí tổn thương trên Film X- Quang có ký hiệu KYOKKO GREEN 400080709 và phiếu chụp X-Quang số: 55000134/015 gửi giám định. Kết luận giám định pháp y về thương tích số 1247/C54B của Phân viện KHHS tại Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên kết quả Film chụp X-quang ngày 13/3/2018 cũng xác định gãy cũ 1/3 giữa xương đòn phải.

Tỉ lệ thương tật của Lê Thanh P: Đối chiếu với bảng tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích, Ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Áp dụng Chương 8, Phần V, Mục 1.2.

Xác định tại thời điểm giám định, ông Lê Thanh P có tỉ lệ thương tật là 16%.

Về vật chứng vụ án: 01 cây Xà Beng dài 1,6 m; Cơ quan điều tra đã chuyển Chi cục Thi hành án dân sự để phục vụ việc truy tố, xét xử.

Về trách nhiệm dân sự: Bị hại Lê Thanh P yêu cầu bị cáo Phạm Văn M bồi thường số tiền 25.035.000đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2019/HSST ngày 11/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng đã Tuyên xử:

Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Phạm Văn M phạm tội “ Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Phạm Văn M 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án, được khấu trừ vào thời gian bị cáo bị tạm giam từ ngày 04/7/2017 đến ngày 12/4/2018.

Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 584; Điều 590 Bộ luật dân sự ;

Buộc bị cáo Phạm Văn M tiếp tục bồi thường cho bị hại Lê Thanh P số tiền 18.881.000đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 15/10/2019, bị cáo Phạm Văn M có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án hình sự sơ thẩm.

Tại phiên tòa:

- Bị cáo Phạm Văn M vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo của mình, bị cáo M quanh co, chối tội không thừa nhận hành vi dùng Xà Beng đánh vào vai của bị hại Lê Thanh P gây thương tích và cho rằng bị cáo bị truy tố và xét xử oan. Bị cáo xác định chỉ cầm cây Xà Beng khua đại trúng vào bắp tay của bị hại P, không hề gây thương tích gì cho bị hại P. Bị cáo cho rằng hồ sơ giám định pháp y, các chứng cứ giám định pháp y đều không có tính pháp lý mặc dù đã được bản án số 73A/2018/HSPT ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước nêu nhưng đều không điều tra bổ sung khắc phục được, các chứng cứ buộc tội có nhiều mâu thuẫn, các suy đoán đều bất lợi cho bị cáo. Ngoài ra theo lời khai của bị hại P và ông Nguyễn Công S thì sau khi chụp X- Quang tại phòng khám ông S thì ông S có đeo dây đai số 8 nhưng trong quá trình làm việc tại Công an xã Phú S không có ai nhìn thấy bị hại P đeo dây đai số 8, quá trình điều tra một số lời khai bị hại P khai bị cáo M đánh vào tay, có lúc khai đánh vào vai là có mâu thuẫn, nguyên nhân trong suốt thời gian dài bị cáo khai nhận đánh vào vai của bị hại P là do Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đầu tiên, điều tra viên Nguyễn Thế Bảo, kiểm sát viên ép buộc, dụ dỗ, hướng dẫn bị cáo khai để buộc tội bị cáo chứ không phải do ý chí của bị cáo. Điều tra viên tự ý lấy bút xóa tự xóa và tự ý ghi lại chứ không phải bị cáo. Giấy phép hành nghề y dược tư nhân của ông S đã hết hạn vào thời điểm chụp Film cho ông P, ông S còn sửa chữa họ và năm sinh trong sổ theo dõi khám bệnh là hợp thức tài liệu để làm thủ tục trưng cầu giám định thương tích đối với ông P, nhưng cơ quan giám định vẫn tiến hành giám định là không có giá trị pháp lý. Ông S có mâu thuẫn trong lời khai về thời gian khám ông P, thương tích của ông P sau 02 năm mới được ông P trình báo và gần 02 năm Trung tâm y tế huyện Bù Đăng mới cấp Giấy y chứng cho ông P đi giám định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra là không đúng. Trong quá trình điều tra không có ai thấy ông P bị vết thương gãy ở vai từ lúc nào, do ai làm và xảy ra ở đâu và sau đó khi xảy ra sự việc bị cáo nghe có người nói ông P bị tai nạn lao động nhưng không biết thời điểm nào và sau khi xảy ra sự việc bị hại vẫn đi làm bình thường. Về bồi thường trách nhiệm dân sự: Ông P không cung cấp được các chứng từ bồi thường thiệt hại nào và trước đó ông P đồng ý bồi thường cho bị cáo thêm số tiền 20 triệu đồng để mong bị cáo bãi nại cho ông P, tuy nhiên cấp sơ thẩm lại buộc bị cáo bồi thường thêm cho ông P là không đúng, thực tế ông P không điều trị gì cả.

- Người bào chữa cho bị cáo phát biểu: Thống nhất với nội dung đơn kháng cáo của bị cáo M và đề nghị tuyên bị cáo M không phạm tội và đình chỉ giải quyết vụ án vì các lý do sau:

- Cấp sơ thẩm không tiến hành giám định lại thương tích của bị hại mặc dù tại phiên tòa cấp phúc thẩm trước đã nêu là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vết thương của bị hại có phải do bị cáo gây ra hay không là không có cơ sở để kết luận vì không ai thấy bị cáo gây ra thương tích cho bị hại P, tất cả Công an viên xã Phú S khẳng định không có việc bị hại đeo dây đai số 8 khi đến làm việc là mâu thuẫn với lời khai của ông S và bị hại P. Không xác định được thời điểm gây ra các vết thương cho ông P. Hồ sơ vụ án có sự mâu thuẫn về lời khai của bị cáo, bị hại ở từng giai đoạn khác nhau, có lời khai đánh vào tay, có lời khai đánh vào vai. Phiếu chụp X-Quang (XQ) của phòng khám ông S không xác định được ngày chụp XQ cho ông P, bản chụp XQ của phòng khám không được cấp phép hợp thức hóa sang Giấy y chứng là sai vì không có chụp XQ lại mà sử dụng bản XQ từ phòng khám không phép để ra một Giấy y chứng mang đi giám định là sai quy trình. Giấy y chứng số 54/YC-BV ngày 22/5/2017 của Bệnh viện đa khoa huyện Bù Đăng là không đảm bảo tính khách quan, không chụp X-Quang mà đưa giám định là không đúng với quy định của pháp luật. Kết luận giám định pháp y số 126/2017/TGT ngày 08/6/2017 của Trung tâm giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Bình Phước và số 1247/C54B ngày 26/3/2018 của Phân viện khoa học hình sự tại Tp. Hồ Chí Minh còn căn cứ vào Giấy y chứng số 54/YC-BV ngày 22/5/2017 của Bệnh viện đa khoa huyện Bù Đăng là không đảm bảo tính khách quan. Các luật sư đã nộp cho Hội đồng xét xử ba văn bản ghi ý kiến của Phân Viện pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng, Sở Y Tế tỉnh Bình Phước với nội dung thể hiện: Quy trình giám định pháp y để cấp giấy chứng nhận thương tích của bị hại trong vụ án này là sai. Bị cáo M trong suốt quá trình diễn ra các phiên tòa xét xử vẫn giữ nguyên các vấn đề kêu oan như trên. Đến thời điểm hôm nay bị cáo có dấu hiệu bị bệnh trầm cảm, do tâm lý bị ảnh hưởng, tinh thần không được ổn định.

- Căn cứ vào các kết quả giải quyết khiếu nại số 128/TB-UBND ngày 19/6/2019 của UBND huyện Bù Đăng đã xác định Giấy y chứng này cấp sai, không đúng quy định. Việc hủy cấp Giấy y chứng này thuộc thẩm quyền UBND huyện Bù Đăng và luật sư đang chờ kết quả. Với một tài liệu, chứng cứ làm cơ sở buộc tội là Giấy y chứng, mà Giấy y chứng cấp sai trình tự thủ tục, nằm trong diện phải hủy thì không thể coi đó làm căn cứ giải quyết vụ án. Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12.6.2014 của Bộ y tế hướng dẫn với vết thương như thế có thể áp dụng hai mức tỷ lệ thương khác nhau từ 6 – 10% và từ 16 – 20%. Việc Cơ quan giám định xác định tỷ lệ thương tích từ 16 – 20% cho bị hại là gây bất lợi cho bị cáo.

- Bị hại có ý kiến tranh luận : Mong Hội đồng xét xử xử đúng người, đúng tội.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phát biểu: Căn cứ vào các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra, phiên tòa sơ thẩm, lời khai của người bị hại và lời khai của những người làm chứng, phù hợp với các Kết luận giám định, phù hợp với biên bản vụ việc ngày 29/10/2015 do Công an xã Phú S lập, vật chứng vụ án mà bị cáo Phạm Văn M thừa nhận là cây Xà Beng dài 1,6m và phù hợp với các lời khai của Luật sư, Điều tra viên, Giám định viên, tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, do đó có đủ cơ sở để xác định bị cáo M là người cầm cây Xà Beng bằng sắt dài khoảng 1,6m cầm bằng hai tay đánh vào vai phải của bị hại Lê Thanh P gây thương tích cho bị hại P là 16%. Hành vi nêu trên của bị cáo đã bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội, không oan. Bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng không cung cấp được căn cứ nào chứng minh cho bị cáo không phạm tội, xét lời khai của bị cáo và luật sư bào chữa cho bị cáo mâu thuẫn với lời khai của những người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác do đó không có cơ sở để chấp nhận.

Về bồi thường thiệt hại: Cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo Phạm Văn M còn phải tiếp tục bồi thường cho bị hại Lê Thanh P số tiền 18.881.000đồng là đúng quy định pháp luật. Xét đây là các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, thu nhập thực tế bị mất, tiền bù đắp về tổn thất tinh thần, phù hợp với quy định tại Điều 584, Điều 585, Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 và phù hợp với quy định của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại.

- Từ những nhận định trên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Văn M. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2019/HS-ST ngày 11/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đơn kháng cáo của bị cáo được thực hiện trong thời hạn luật định, có hình thức và nội dung phù hợp với quy định tại Điều 331, 332 và 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự nên được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Phạm Văn M vẫn giữ nguyên quan điểm theo như đơn kháng cáo. Luật sư bào chữa cho bị cáo M cho rằng bị cáo không phạm tội vì các lý do như đã nêu trên.

[3] Hội đồng xét xử xét các lời trình bày của bị cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo là không có cơ sở để chấp nhận, bởi lẽ, quá trình điều tra, xét xử bị cáo Phạm Văn M và bị hại Lê Thanh P đều thừa nhận có sự việc mâu thuẫn về việc đào hố chôn cọc hàng rào sát ranh đất nhau nên ngày 29/10/2015 bị cáo M đã dùng cây Xà Beng đánh bị hại P, sau đó xảy ra xô sát giữa hai gia đình và được Công an xã Phú S ghi nhận sau khi xảy ra xô xát giữa gia đình ông M và gia đình ông P: “Vào khoảng 18 giờ thì có 04 người bị thương tích gồm có bị cáo M, bà L, ông P và chị H”. Sau khi xảy ra vụ việc ông Trần Văn H là em vợ của bị cáo M đến Công an xã Phú S giao nộp vật chứng gồm “01 cây rựa dài khoảng 80 cm, cán dài khoảng 50 cm, lưỡi bằng kim loại dài khoảng 30cm và 01 cây xà beng dài khoảng 1.6m, một đầu dẹt, một đầu nhọn” và xác nhận anh và bị cáo M dùng các hung khí trên gây thương tích cho ông P và chị H.

Căn cứ vào Biên bản ghi lời khai ngày 05/12/2015 tại (bút lục 56), khi bị cáo M chưa bị khởi tố về hành vi gây thương tích đối với ông P, với tư cách là người bị hại trong vụ án bị cáo khai: „„…Lúc này có ông P đang đứng đây, tôi nói đây là cọc hàng ranh, anh không được nhổ lên, ông P nói tao cứ nhổ mày làm gì tao. Đồng thời ông P cầm 01 cọc rào nhổ lên. Tôi tức giận nên cầm cây xà beng đánh một cái theo hướng từ trên xuống trúng vào vai hoặc vào tay của ông P, tôi cầm cây Xà Beng bằng hai tay”; Như vậy bị cáo M cho rằng có sự hướng dẫn của Luật sư khai nhận tội là không phù hợp bởi vì ngày 21/12/2016 thì Văn phòng Luật sư Xuân Ninh - Thuộc đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước mới có giấy giới thiệu Luật sư Lê Xuân Ninh đến Công an huyện Bù Đăng với lý do bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là vợ chồng ông M trong vụ án cố ý gây thương tích, mặt khác Luật sư Ninh cũng khẳng định không có sự việc hướng dẫn bị cáo khai nhận tội mà bị cáo tự trình bày theo ý chí của bị cáo. Do đó việc bị cáo trình bày do Luật sư hướng dẫn khai là không có cơ sở.

Việc bị cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày sau khi bị khởi tố và bị bắt tạm giam thì bị điều tra viên Nguyễn Thế Bảo ép, hướng dẫn khai là đánh vào vai ông P, cụ thể là đơn xin bãi nại ngày 05/7/2017 điều tra viên hướng dẫn bị cáo viết, sau đó tẩy xóa ép bị cáo ghi lại, rồi tự ký nháy vào đơn xin bãi nại chứ bị cáo không ký, tại phiên tòa hôm nay điều tra viên Nguyễn Thế Bảo khẳng định việc bị cáo M khai trong suốt quá trình điều tra là do bị cáo tự nguyện khai, không có việc điều tra viên ép cung hay hướng dẫn bị cáo khai, tại đơn xin bãi nại ngày 05/7/2017 là do bị cáo M tự viết theo ý chí của mình, việc tẩy xóa viết lại và ký nháy là do bị cáo M tự thực hiện, nếu đúng như lời trình bày của bị cáo điều tra viên ép buộc bị cáo viết sau đó tẩy xóa viết lại thì không có lý do gì điều tra viên không ép bị cáo ký nháy vào đơn xin bãi nại mà phải tự ký nháy vào đơn, hơn nữa tại phiên tòa bị cáo M và Luật sư bào chữa không xuất trình được chứng cứ, tài liệu gì chứng minh có việc hướng dẫn của Luật sư và điều tra viên nên không có căn cứ để chấp nhận.

Việc bị cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng lời khai của bị hại P có nhiều mâu thuẫn lúc khai đánh vào vai lúc khai đánh vào tay và khi bị hại đến công an xã Phú S làm việc thì không ai thấy bị hại đeo dây đai số 08 nên không có cơ sở xác định bị cáo đánh vào vai của bị hại P, không xác định được thời điểm nào bị vết thương trên vai. Bị cáo nghe có người nói sau ông từng bị tai nạn lao động và sau khi sự việc xảy ra bị hại vẫn đi làm bình thường. Bị hại P khẳng định thực tế ông bị bị cáo M đánh vào vai phải gây thương tích, có lúc ông khai đánh vào tay vì ông không phân biệt được phần tay với vai, sau khi bị thương tích thì ông đã liền đến phòng khám của ông S để chụp X-Quang vết thương trên vai do bị cáo M gây ra, ngoài vết thương này ra không còn vết thương nào khác và ông cũng chưa bao giờ bị tai nạn lao động, sau khi có sự việc ông vẫn đi làm nhưng là đi đốc công, không làm công việc nặng và ông S cũng khẳng định có sự việc tối ngày 29/10/2015 ông có chụp X-Quang cho ông P, khi ông P đến phòng khám của ông S thì có vết thương rớm máu ở vai phải và ông tiến hành chụp X-Quang cho ông P, ông S xác định không có vết thương nào khác trên cánh tay như bị cáo M trình bày và đối với vết thương nứt đòn trên vai phải thì bị hại vẫn lao động được trên 70%, phù hợp với kết quả đối chiếu Film chụp X-Quang của ông S với các Film chụp X-Quang của các Cơ quan giám định là Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước, Phân viện khoa học Hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh xác định bị hại P có vết thương gẫy 1/3 giữa xương đòn phải ở vai, ngoài thương tích gẫy 1/3 giữa xương đòn phải ở vai, không có thương tích nào ở tay.

Theo diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm ngày 09/10/2019 (tại bút lục số 1088) có thể hiện việc: Luật sư bào chữa cho bị cáo yêu cầu ông S đeo dây đai số 8 cho ông P, sau khi đeo dây đai số 8 ông P mặt áo thun mỏng không cài nút áo bằng mắt thường nếu không để ý thì cũng khó phát hiện ông P có đeo dây đai số 8 hay không, ông P khai tại thời điểm ông đến Công an xã Phú S làm việc ông mặt một chiếc áo bên trong và mặc thêm một áo khoác bên ngoài, do trời lạnh ông kéo áo khoác kín cổ, do đó bằng mắt thường thì không thể nhìn thấy dây đai số 8 được. Bị cáo M cũng như Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng không có bất cứ tài liệu chứng cứ nào chứng minh việc bị cáo M dùng Xà Beng đánh vào tay của bị hại P, nên lời trình bày của bị cáo và Luật sư bào chữa cho bị cáo là không có cơ sở chấp nhận.

Căn cứ vào lời khai tại biên bản phiên tòa ngày 28/4/2017 tại (bút lục 214) bị cáo M khai: „„Tôi có dùng cây Xà Beng bằng hai tay đứng đối diện đánh bị cáo P 01 cái từ trên xuống vào vùng vai nhưng không biết chính xác vị trí do trời đã tối‟; đến ngày 13/7/2017 khi Kiểm sát viên là ông Hoàng Văn Đàm, cùng Luật sư Nguyễn Thành K tiến hành ghi lời khai của bị cáo, thì bị cáo M khai nhận “Vào ngày 29/10/2015 khi tôi và P xảy ra xô xát tôi tức giận nên cầm cây Xà Beng bằng tay trái đánh một cái từ trên xuống trúng vào vai của P thì P dùng tay chụp cây Xà Beng và cùng tôi vật lộn một lúc thì tôi cầm Xà Beng đi về nhà của mình chỉ một mình tôi tham gia đánh P”, “ tôi không bị ai ép cung hay đánh đập gì cả mọi lời khai của tôi là hoàn toàn tự nguyện” “tôi đã nhận được Bản kết luận điều tra nói trên hành vi phạm tội của tôi được thể hiện đầy đủ trong đó tôi không thay đổi hay bổ sung gì thêm”, Luật sư Nguyễn Thành K khẳng định không có việc hướng dẫn hoặc ép buộc bị cáo M khai theo ý Luật sư, ngày 13/7/2017 Luật sư K có tham gia và chứng kiến việc ghi lời khai của bị cáo M, việc bị cáo M khai là do bị cáo M tự khai, Luật sư không có hướng dẫn hay ép buộc bị cáo M khai.

Đối với ý kiến của bị cáo và Luật sư về việc Giấy phép hành nghề y dược tư nhân của ông S đã hết hạn vào thời điểm chụp phim cho ông P nên không có giá trị pháp lý; ông S còn sửa chữa họ và năm sinh trong sổ theo dõi khám bệnh là hợp thức hóa tài liệu để làm thủ tục trưng cầu giám định thương tích đối với ông P, nhưng các Cơ quan giám định vẫn giám định là không có tính pháp lý, quá trình điều tra truy tố vi phạm nghiêm trọng thủ tục giám định mà Bản án phúc thẩm số 73A/2018/HS-PT ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã nêu rõ. Hội đồng xét xử thấy rằng: Đối với Giấy phép hành nghề y dược tư nhân của ông S đã hết hạn vào thời điểm chụp Film cho ông P là vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh, không làm thay đổi bản chất sự việc, không ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án. Mặt khác, ông S khẳng định do ông không để ý nên có việc ghi thông tin vào sổ sai sót, tại phiên tòa ông xác định người mà ông chụp X-Quang ngày hôm đó mà ông ghi nhầm họ chỉ là một người và chính là bị hại P có mặt tại phiên tòa hôm nay, không có việc ông cố ý hợp thức hóa hồ sơ vì ông không có mối quan hệ gì với ông P, không biết ông P là ai và không có mâu thuẫn gì với bị cáo M. Việc ông chụp Film X-Quang cho ông P và ghi là tệ nạn xã hội tức là đánh nhau, tại nạn ..vv, vì đây là sổ cá nhân của ông ghi với mục đích để theo dõi những người đến khám bệnh tại Phòng khám, không phải sổ khám bệnh theo mẫu của các Trung tâm y tế phát hành, nên không có cơ sở để xác định việc hợp thức hóa hồ sơ. Như vậy căn cứ kết quả giám định của Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước và Tổng cục Cảnh sát, Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh thì kết quả Film chụp X- Quang của bị hại do Phòng chuẩn đoán hình ảnh Nguyễn Công S chụp phù hợp với tổn thương vai phải của bị hại P. Do đó, có thể xác định ông P có đến phòng khám của ông S để chụp X-Quang, việc này phù hợp với lời khai của bị cáo, ông S và phù hợp với biên bản do Công an xã Phú S Lập sau khi sự việc xảy ra, phù hợp với việc giao nộp vật chứng của anh Trần Văn H và phù hợp với thương tích của bị hại do bị cáo gây ra.

Đối với ý kiến của Luật sư cho rằng Giấy y chứng số 54/YC-BV ngày 22/5/2017 của Bệnh viện đa khoa huyện Bù Đăng và Kết luận giám định pháp y số 126/2017/TGT ngày 08/6/2017 của Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước và số 1247/C54B ngày 26/3/2018 của Phân viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh còn căn cứ vào giấy chứng y số 54/YC-BV ngày 22/5/2017 của Bệnh viện đa khoa huyện Bù Đăng là không đảm bảo tính khách quan, không chụp X-Quang mà giám định là không đúng với quy định của pháp luật, sau khi vụ án đã bị hủy nhưng cơ quan điều tra, truy tố chưa bổ sung được gì thêm. Tại phiên tòa sơ thẩm ông Phan Anh Ngọc khẳng định: Việc cấp Giấy y chứng cho ông Lê Thanh P của Bệnh viện đa khoa huyện Bù Đăng là đúng quy định của pháp luật, đúng quy trình cấp Giấy chứng nhận thương tích mà Bộ Y tế hướng dẫn, đúng với chức năng, nhiệm vụ, quy chế của Bệnh viện được ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng có chức năng, nhiệm vụ khám, chữa bệnh “Tổ chức khám giám định sức khỏe, khám giám định pháp y khi hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu”. Nội dung cấp Giấy chứng nhận thương tích do Bác sỹ khám bệnh căn cứ vào kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng để xác định và chịu trách nhiệm về kết quả khám của mình. Giấy chứng nhận thương tích xác nhận tình trạng thương tích của bệnh nhân khi được bác sỹ trực tiếp thăm khám kết hợp với kết quả khám cận lâm sàng. Nguyên nhân gây ra tình trạng thương tích do cơ quan điều tra xác minh…”. Như vậy, Trung tâm y tế huyện Bù Đăng cấp Giấy y chứng số 54/YC- BV ngày 22/5/2017 cho ông P đảm bảo tính khách quan, đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, tại phiên tòa hôm nay ông Đoàn Đức Loát là giám định viên của Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước khẳng định kết luận giám định pháp y số 126/2017/TGT ngày 08/6/2017 của Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước là đúng quy định của pháp luật, việc này Sở Y Tế đã có Thông báo số 1670/TB-SYT ngày 13/8/2019 về kết quả giải quyết tố cáo của bị cáo M, việc giám định của Trung tâm giám định y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước là đúng theo quy định của Thông tư số 47/2013/TT- BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y mà không dựa vào giấy y chứng số 54/YC-BV ngày 22/5/2017 của Bệnh viện đa khoa huyện Bù Đăng cấp để làm căn cứ kết luận tỷ lệ thương tích cho ông Lê Thanh P. Hiện nay Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bù Đăng đã lập biên bản làm việc và thu giữ Film chụp X-Quang ngày 13/3/2018 tại Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ công tác giải quyết vụ án. Như vậy, việc trưng cầu và Kết luận giám định lại tỷ lệ % thương tích đối với ông P đảm bảo đúng quy trình, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, đúng theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế.

Đối với ý kiến các luật sư cho rằng đã nộp cho Hội đồng xét xử ba văn bản ghi ý kiến của Phân Viện pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng, Sở Y Tế tỉnh Bình Phước với nội dung thể hiện: Quy trình giám định pháp y để cấp giấy chứng nhận thương tích của bị hại trong vụ án này là sai. Căn cứ vào các kết quả giải quyết khiếu nại số 128/TB-UBND ngày 19/6/2019 của UBND huyện Bù Đăng đã xác định Giấy y chứng này cấp sai, không đúng quy định. Việc hủy cấp Giấy y chứng này thuộc thẩm quyền UBND huyện Bù Đăng và các luật sư đang chờ kết quả. Với một tài liệu, chứng cứ làm cơ sở buộc tội là Giấy y chứng, mà Giấy y chứng cấp sai trình tự thủ tục, nằm trong diện phải hủy thì không thể coi đó làm căn cứ giải quyết vụ án. Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12.6.2014 của Bộ y tế hướng dẫn với vết thương của bị hại có thể áp dụng hai mức tỷ lệ thương khác nhau từ 6 – 10% và từ 16 – 20%. Việc Cơ quan giám định xác định tỷ lệ thương tích từ 16 – 20% cho bị hại là gây bất lợi cho bị cáo.

Tuy nhiên, đây là nhận định chủ quan của các luật sư, không có tài liệu nào thể hiện nội dung bắt buộc phải hủy Giấy y chứng này. Việc xác định tài liệu chứng cứ có hợp pháp hay không phải do Cơ quan trưng cầu giám định chịu trách nhiệm thu thập theo quy định của pháp luật có liên quan và cung cấp cho cơ quan giám định. Cơ quan giám định không có chức năng và không đủ khả năng để xác định được chứng cứ từ Cơ quan trưng cầu cung cấp là có hợp pháp hay không. Do đó, Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh đã căn căn vào chương 8, phần V, Mục 1.2 Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12.6.2014 của Bộ y tế để xác định tại thời điểm giám định, ông Lê Thanh P có tỷ lệ thương tật là 16% là đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật không gây bất lợi cho bị cáo. Đối với Giấy y chứng có hợp pháp hay không, có thể bị hủy hay không, phải do cơ quan chuyên môn, cơ quan có thẩm quyền thu hồi và hủy Giấy y chứng đó. Trung tâm y tế huyện Bù Đăng khẳng định việc cấp Giấy y chứng số 54/YC-BV ngày 22/5/2017 cho ông P đảm bảo tính khách quan, đúng quy định của pháp luật. Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước khẳng định kết luận giám định pháp y số 126/2017/TGT ngày 08/6/2017 của Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Bình Phước là đúng quy định của pháp luật. Luật sư cho rằng bị cáo có dấu hiệu bị bệnh trầm cảm, do tâm lý bị ảnh hưởng, tinh thần không được ổn định nhưng không xuất trình được căn cứ nào chứng minh.

Từ những cơ sở lập luận trên, sau xem xét đánh giá toàn bộ các chứng cứ, xem xét các lời khai nhận tội của bị cáo nói trên phù hợp với lời khai người bị hại, các nhân chứng trực tiếp, phù hợp với các Kết luận giám định, phù hợp với biên bản vụ việc ngày 29/10/2015 do Công an xã Phú S lập, vật chứng vụ án mà bị cáo M thừa nhận là cây Xà Beng dài 1,6m và phù hợp với các lời khai của Luật sư, Điều tra viên, Giám định viên, tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, do đó Hội đồng xét xử có cơ sở để xác định chính bị cáo bị cáo Phạm Văn M là người cầm cây Xà Beng bằng sắt dài khoảng 1,6m là hung khí nguy hiểm cầm bằng hai tay đánh vào vai phải của bị hại Lê Thanh P gây thương tích cho bị hại P là 16%. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội, không oan sai người không thực hiện hành vi phạm tội.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa có hóa đơn thuốc hợp lệ ngày 29/10/2015, ngày 10/11/2015, ngày 20/11/2015, 10/12/2015, tổng cộng là 12.651.000đồng; tiền xe đò đi về thị xã Đồng Xoài khám và lấy thuốc 02 lần = 04 lượt x 70.000đ/lượt = 280.000đồng. Tiền thu nhập thực tế bị mất bị hại yêu cầu 30 ngày, bị hại không nhập viện mà bó bột và điều trị thuốc nam; căn cứ biên bản xác minh đối với Trung tâm y tế huyện Bù Đăng thì thương tích nứt xương đòn phải thời gian hồi phục chấn thương để trở lại lao động bình thường là từ 03 đến 04 tháng nên bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường 30 ngày x 150.000đồng/ngày là phù hợp, số tiền được chấp nhận là 4.500.000đ. Tiền tổn thất tinh thần được chấp nhận bằng 10 tháng lương tối thiểu theo yêu cầu của bị hại là 14.900.000đồng. Tổng cộng số tiền bị hại P yêu cầu được chấp nhận, buộc bị cáo Phạm Văn M phải bồi thường là 32.331.000đồng. Sau khi khấu trừ nghĩa vụ qua số tiền 13.350.000đồng và 100.000đồng bị cáo Phạm Văn M đã tự nguyện nộp theo Bản án hình sự sơ thẩm số 67/2018/HS-ST ngày 24/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng và Bản án phúc thẩm số 73A/2018/HS-PT ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước hiện nay đã có hiệu lực pháp luật thì bị cáo Phạm Văn M còn phải tiếp tục bồi thường cho bị hại Lê Thanh P số tiền 18.881.000đồng. Xét đây là các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, thu nhập thực tế bị mất, tiền bù đắp về tổn thất tinh thần, do đó Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định bị cáo Phạm Văn M còn phải tiếp tục bồi thường cho bị hại Lê Thanh P số tiền 18.881.000đồng là có căn cứ và phù hợp với quy định tại Điều 584, Điều 585, Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 và phù hợp với quy định của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định về bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, bị cáo M cho rằng bị hại P không điều trị gì cả nhưng không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho yêu cầu của bị cáo là có căn cứ nên kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận.

Từ những cơ sở lập luận trên Hội đồng xét xử thấy rằng không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Phạm Văn M, cần giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

[5] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[6] Quan điểm của bị cáo và người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa là không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[7] Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

[8] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;

Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Văn M.

Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 65/2019/HS-ST ngày 11/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

- Về tội danh và hình phạt:

Tuyên bố bị cáo Phạm Văn M (tên gọi khác: Khương) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Phạm Văn M 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án, được khấu trừ vào thời gian bị cáo bị tạm giam từ ngày 04/7/2017 đến ngày 12/4/2018.

- Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 584; Điều 585; Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Buộc bị cáo Phạm Văn M tiếp tục bồi thường cho bị hại Lê Thanh P số tiền 18.881.000đồng (Mười tám triệu tám trăm tám mươi mốt ngàn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp Bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

- Án phí:

Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Phạm Văn M phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngìn đồng).

Án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Phạm Văn M phải chịu 944.000đ (Chín trăm bốn mươi bốn ngàn đồng).

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

41
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 37/2020/HS-PT

Số hiệu:37/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về