Bản án về tội cố ý gây thương tích số 27/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 27/2020/HS-PT NGÀY 29/06/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 29/6/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 22/2020/TLPT-HS ngày 31/03/2020 đối với bị cáo Trương Thị M do có kháng cáo của bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 01/2020/HSST ngày 13/01/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai.

*Bị cáo bị kháng cáo:

Trương Thị M, sinh năm 1981, tại Nghệ An. Nơi cư trú: tổ dân phố A, thị trấn C, huyện Đ, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: làm nông; học vấn: 02/12; dân tộc:

Thổ; Giới tính: Nữ; con ông Trương Văn C và bà Trương Thị H, có chồng là Bạch Đình D và 04 con, lớn nhất sinh năm 2001, nhỏ nhất sinh năm 2012; Tiền án; tiền sự: không;

Bị cáo tại ngoại, có mặt.

* Người đại diện của bị cáo: Ông Bạch Đình D. Sinh năm 1976. Địa chỉ: TDP9, TT C, huyện Đ, tỉnh Gia Lai ( Chồng ), có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Vũ Quang K - Luật sư thuộc văn phòng luật sư M Nguyễn- Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai, có mặt.

*Bị hại có kháng cáo:

Đặng Thị H, sinh năm 1978. Trú tại: tổ dân phố A, thị trấn C, huyện Đ, tỉnh Gia Lai, có mặt 

NỘI DUNG VỤ ÁN

1.Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Giữa gia đình bị cáo Trương Thị M và gia đình bà Đặng Thị H, trú tại tổ dân phố 9, thị trấn C, huyện Đ, tỉnh Gia Lai có rẫy cạnh nhau tại khu vực xã I, huyện Đ, tỉnh Gia Lai và hai gia đình có xảy ra mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, nên ngày 10/8/2017 bà H đóng cọc gỗ giữa đường đi chung của hai bên rẫy.

Sáng ngày 12/9/2017, Trương Thị M điều khiển xe máy vào rẫy để làm, khi rẽ vào rẫy đã tông vào cọc gỗ do bà H đóng trước đó bị ngã xe, Trương Thị M bực tức và quay xe máy đi về để tìm bà H đánh trả thù. Khi về đến tổ dân phố 9, thị trấn C cách nhà bà H khoảng 20m, lúc này khoảng 10giờ30 phút cùng ngày, M nhìn thấy bà H đang dẫn con trai (sinh năm 2015) từ trong nhà đi ra ngoài đường chơi. M dừng xe máy và lấy con dao (loại dao chặt) dắt trên gác baga xe chạy đến chém bà H. Bà H hoảng sợ ngồi ôm lấy con và quay lưng về hướng M, M dùng dao chém 02 nhát trúng vào tay bà H. Bà H ôm con bỏ chạy, M đuổi theo và chém 01 nhát vào chân trái. Bà H chạy vào nhà anh Trần Văn Tuấn ở gần đó thì M tiếp tục đuổi theo nhưng được anh Tuấn và mọi người can ngăn nên M bỏ đi về nhà rồi đến Công an thị trấn C, huyện Đ khai báo về hành vi dùng dao chém bà H đồng thời giao nộp cho Công an hung khí mà bị cáo đã sử dụng. Ngay lúc đó bà H được mọi người đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Đ.

Tại kết luận giám định pháp y về thương tích số 245/TgT-TTPY ngày 31/10/2017 của Trung tâm pháp y tình Gia Lai kết luận tổng tỷ lệ thương tích của bà Đặng Thị H là 12%.

Bị cáo và gia đình đã bồi thường cho bị hại 50.000.000 đồng.

2. Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:

Tại bản án hình sơ thẩm số 01/2020/HSST ngày 13/01/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai đã quyết định:

1. Tuyên bố bị cáo Trương Thị M phạm tội “Cố ý gây thương tích” Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; Điều 50; điểm b, s, r, q khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015, xử:

-Phạt bị cáo Trương Thị M 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

-Tiếp tục thực hiện biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú” cho đến khi có quyết định thi hành án.

-Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện Đ, tỉnh Gia Lai giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về phần dân sự: Áp dụng Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 590 của Bộ luật dân sự 2015, buộc bị cáo Đặng Thị H bồi thường tổng cộng cho bà Đặng Thị H số tiền 54.929.343 đồng, bị cáo đã bồi thường 50.000.000 đồng. Buộc bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho người bị hại số tiền 4.929.343 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyết định về xử lý vật chứng, nghĩa vụ chịu án phí, và quyền kháng cáo của bị cáo, bị hại theo luật định.

3. Kháng cáo của bị hại Ngày 14/01/2020, bị hại Đặng Thị H kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tăng mức bồi thường thiệt hại.

4. Diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm:

-Bị hại nêu rõ nội dung kháng cáo: yêu cầu Hội đồng xét xử không cho bị cáo được hưởng án treo; tăng tiền bồi thường dân sự: tăng mức bồi thường về bồi dưỡng sức khỏe sau khi ra viện; bù đắp tổn thất tinh thần cho con của bị cáo bị hoảng loạn tinh thần do chứng kiến hành vi bị cáo gây thương tích cho bị hại với số tiền 50.000.000 đồng; và 20.000.000 đồng tiền bồi thường tổn thất tinh thần, danh dự, phẩm chất.

-Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên và không có ý kiến gì khác.

-Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có tình tiết giảm nhẹ án sơ thẩm chưa áp dụng là “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, các khoản tiền bồi thường đã được Tòa án tính toán đầy đủ, nên đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

-Kiểm sát viên phát biểu ý kiến: Về hình phạt: Không đồng ý với ý kiến của người bào chữa cho bị cáo về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, vì bị cáo phạm vào tội quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS là tội nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo bốn tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như án sơ thẩm đã nêu, và có nhân thân tốt nên Tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo là có cơ sở, nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, thấy rằng Tòa sơ thẩm tính đủ các khoản buộc bị cáo phải bồi thường, tuy nhiên việc tính chi phí bù đắp tổn thất tinh thần hơi thấp, đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng tính tiền bồi thường về tổn thất tinh thần cho bị hại tương đương từ 9 đến 12 tháng lương tối thiểu.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai nhận hành vi phù hợp với nội dung bản án sơ thẩm, phù hợp với lời khai của bị hại và các chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở khẳng định: trong lúc chạy xe đi làm rẫy bị cáo đã tông vào cọc gỗ do bị hại Đặng Thị H đóng giữa ranh giới rẫy của hai gia đình, nên bị cáo Trương Thị M bực tức tìm bị hại đánh trả thù. Bị cáo đã dùng dao (loại dao chặt) để sẵn trên xe đi làm rẫy chém vào người bị hại 03 nhát, gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 12%.

[2] Xét bị cáo dùng dao là “ Dùng hung khí nguy hiểm” phạm vào tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS, gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể 12% nên Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo Trương Thị M về tội “Cố ý gây thương tích” theo tình tiết định khung tăng nặng “ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 Điều này” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[3] Xét kháng cáo của bị hại yêu cầu không cho bị cáo hưởng án treo, thấy rằng: ý kiến của người bào chữa cho bị cáo về việc đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo là không đúng, vì bị cáo phạm vào tội quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS là tội nghiêm trọng, nên không chấp nhận đề nghị trên. Tuy nhiên, xét thấy khi quyết định hình phạt, Tòa án sơ thẩm đã xem xét nguyên nhân, điều kiện dẫn đến việc phạm tội, đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, áp dụng đúng các tình tiết giảm nhẹ như: bị cáo đã bồi thường thiệt hại; bị cáo là người có bệnh bị hạn chế về khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; đã tự thú; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, là 4 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, q, r, s khoản 1 Điều 51 BLHS. Mặt khác, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, nên Tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo 12 tháng tù là hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị cáo đã phạm và không cách ly bị cáo ra ngoài xã hội mà giao bị cáo cho chính quyền địa phương và gia đình giám sát, giáo dục là có căn cứ, nên không chấp nhận kháng cáo của bị hại về việc không cho bị cáo hưởng án treo.

[4] Xét kháng cáo của bị hại về yêu cầu tăng tiền bồi thường thiệt hại, thấy rằng: Tòa sơ thẩm đã đưa vào xem xét, tính toán đủ các khoản chi phí hợp lý mà pháp luật quy định bị cáo phải bồi thường cho bị hại như : Tiền thuốc điều trị; Tiền xe đi lại; tiền bù đắp ngày công lao động của bị hại trong thời gian điều trị; tiền bù đắp ngày công lao động của người chăm sóc bị hại; tiền bù đắp ngày công sau khi ra viện bị hại chưa thể đi lao động được; tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho bị hại; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.

Bị hại kháng cáo yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiền cho con của bị hại do bị hoảng loạn tinh thần vì đã chứng kiến việc bị hại bị chém gây thương tích, xét thấy pháp luật không quy định phải bồi thường khoản này, nên không chấp nhận kháng cáo.

Đối với kháng cáo yêu cầu tăng tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho bị hại, thấy rằng Tòa sơ thẩm đã tính toán quyết định khoản bồi thường này 4.000.000 đồng, đồng thời buộc bị cáo bồi thường 30 ngày công không lao động được cho bị hại, như vậy là phù hợp, nên không chấp nhận kháng cáo của bị hại về tăng khoản tiền này.

Riêng đối với tiền bù đắp tổn thất tinh thần của bị hại, Tòa sơ thẩm chỉ tính bằng 6 tháng lương tối thiểu là có phần thấp, trong trường hợp này nên tính bằng 12 tháng lương tối thiểu mới phù hợp.

Do vậy, chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại về bồi thường dân sự, sửa bản án sơ thẩm, buộc bị cáo bồi thường cho bị hại tiền bù đắp tổn thất tinh thần từ mức 6 tháng lương lên 12 tháng lương tối thiểu, tức là tăng 6 x 1.490.000 đồng = 8.940.000 đồng so với mức bồi thường Tòa sơ thẩm đã tuyên. Tức là buộc bị cáo bồi thường cho bị hại tổng số tiền: 54.929.343 + 8.940.000 = 63.869.343 đồng. Bị cáo đã bồi thường 50.000.000 đồng, còn phải bồi thường thêm 13.869.343 đồng.

Do sửa bản án sơ thẩm về phần bồi thường dân sự, nên sửa tiền án phí dân sự sơ thẩm tương ứng bị cáo phải nộp theo quy định.

Bị hại kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Từ các nhận định trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356; Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo:

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; Điều 50; các điểm b, q, r, s khoản 1, Điều 51; Điều 54; Điều 65 BLHS, xử:

- Phạt bị cáo Trương Thị M 12 (mười hai) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Tiếp tục thực hiện biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú” cho đến khi có quyết định thi hành án.

- Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện Đ, tỉnh Gia Lai giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Sửa quyết định của bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự và án phí dân sự sơ thẩm như sau:

- Áp dụng Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 590 của Bộ luật dân sự 2015, buộc bị cáo Trương Thị M bồi thường tổng cộng cho bà Đặng Thị H số tiền 63.969.343 đồng ( Sáu mươi ba triệu, chín trăm sáu mươi chín ngàn, ba trăm bốn mươi ba) đồng. Bị cáo đã bồi thường 50.000.000 đồng, còn phải tiếp tục bồi thường 13.869.343 (Mười ba triệu, tám trăm sáu mươi chín ngàn, ba trăm bốn mươi ba) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, hàng tháng, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 của Bộ luật dân sự.

- Căn cứ khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12 /2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử buộc bị cáo phải chịu 693.467 ( Sáu trăm chín mươi ba ngàn, bốn trăm sáu mươi bảy) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

3. Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 12; khoản 2 Điều 23; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12 /2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bị hại không phải chịu án phí hình sự, án phí dân sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

68
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 27/2020/HS-PT

Số hiệu:27/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về