TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
BẢN ÁN 129/2022/HS-PT NGÀY 17/08/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong các ngày 12 và 17/8/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 151/TLPT-HS ngày 02/6/2022 đối với bị cáo Đàm Văn V do có kháng cáo của bị cáo V đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 25/2022/HSST ngày 21/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Bị cáo kháng cáo: Đàm Văn V, sinh năm 1984 (Tên gọi khác: Không); Giới tính: Nam; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn T T, xã Đ C, huyện L N, tỉnh Bắc Giang; Dân tộc: Hoa; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hoá: Lớp 05/12; Chức vụ, đoàn thể, đảng phái: Không; Con ông: Đàm Sùi D, sinh năm 1930 (đã chết) và bà: Nguyễn Thị T, sinh năm 1935 (đã chết); Có vợ thứ nhất: Chu Thị Th, sinh năm 1984 (đã ly hôn) và vợ thứ hai: Bùi Thị Thanh M, sinh năm 1988 (đã ly hôn); Bị cáo có 04 con, con lớn sinh năm 2003, con nhỏ sinh năm 2018; Gia đình có 10 (mười) anh chị em, bị cáo là thứ mười; Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt truy nã, tạm giữ, tạm giam kể từ ngày 07/01/2022. Hiện đang bị tạm giam tại trại tạm giam tỉnh Bắc Giang (có mặt tại phiên tòa).
Bị hại: Chị Trương Thị C, sinh năm 1979. Địa chỉ: T T, Đ C, L N, Bắc Giang (có mặt).
* Người có quyền và nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Lý Thị K, sinh năm 1952 (vắng mặt).
2. Anh Đàm Đức V, sinh năm 1981 (có mặt).
3. Anh Đàm Văn N, sinh năm 1982 (có mặt).
Đều cùng địa chỉ: T T, Đ C, L N, Bắc Giang.
Trong vụ án còn có Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng không có kháng cáo và không liên quan đến kháng cáo, Tòa phúc thẩm không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 14 giờ 00 phút ngày 27/3/2019, Đàm Văn V, sinh năm 1984, trú tại thôn T T, xã Đ C, huyện L N, tỉnh Bắc Giang đang ở nhà thì nghe thấy tiếng cãi nhau ở sau nhà ông Lý Cón P, sinh năm 1971, trú cùng thôn nên có ra xem thế nào. Khi ra tới nơi, V thấy anh Đàm Đức V, sinh năm 1981, trú cùng thôn (là anh trai ruột của V) đang cãi nhau với ông P. Lúc này V tiến đến gần anh VN và hỏi là “Làm sao?” thì giữa V và anh VN xảy ra xô xát với nhau. Sau đó V đi về nhà lấy 01 (một) đoạn gậy rút, bằng kim loại màu vàng, có chuôi bằng đệm cao su màu đen, dài 35cm quay lại đuổi đánh anh VN nhưng anh VN bỏ chạy được nên V đi về nhà. Đến khoảng 15 giờ 00 phút cùng ngày, V điều khiển xe mô tô, nhãn hiệu Honda Airblade, BKS: 98E1- 635.95 từ nhà đến nhà anh VN để tìm đánh anh VN. Trên đường đi, V có nhặt được 01 (một) đoạn gậy gỗ, dài khoảng 60cm cầm theo. Khi đến nhà anh VN, thấy cửa xếp bằng kim loại, khép nhưng không khóa, V dùng tay kéo cánh cửa xếp phía bên trái ra rồi đứng ở ngoài cửa vừa dùng gậy đập và vừa dùng chân đạp vào cửa gọi “VN đâu ra đây nói chuyện”. Lúc này chị Trương Thị C, sinh năm 1979 (là vợ của anh VN) nghe tiếng V gọi thì đi từ dưới tầng hầm của ngôi nhà đi lên phía cầu thang để kiểm tra. Nhìn thấy chị C, V hỏi “Văn đâu?”, chị C đáp “Không biết”. Nghe vậy thì V tiếp tục dùng gậy đập, dùng chân đạp vào cửa xếp nhiều lần tiếp tục hỏi “Văn đâu?” nhưng chị C vẫn trả lời “Không biết”. Lúc này chị C xuống bếp lấy 01 (một) con dao, dạng dao phay, cán bằng gỗ, dài 39.5cm ném về phía V thì trúng vào cánh cửa xếp bên tay phải của V và rơi xuống nền nhà. Sau đó chị C tiếp tục quay lại bếp, nhặt 01 (một) mẩu gạch ném về phía V nhưng không trúng mà trượt qua vai của V. Lúc này chị C lấy điện thoại ra để gọi cho anh VN về. Thấy vậy thì V nói “Mày quay tao à”, rồi V đi vào trong nhà, nhặt con dao phay ở nền nhà và giơ dao lên chém về phía chị C. Chị C quay người về phía cầu thang dẫn xuống tầng hầm định bỏ chạy nhưng không kịp, đã bị V dùng dao chém trúng vào vùng đỉnh trán và ngã xuống chân cầu thang. Thấy vậy thì V bỏ đi ra ngoài, khi V quay ra đến cửa thì gặp bà Lý Thị K, sinh năm 1952, trú cùng thôn, là mẹ đẻ của chị C. V ra lấy xe mô tô đi về nhà, còn bà Kđi vào trong nhà và nhìn thấy chị C nằm ngất dưới nền tầng hầm, bên cạnh cầu thang, vùng trán chảy nhiều máu nên đã đưa chị C đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Đ C, huyện L N, sau đó chị C được chuyển đến Trung tâm y tế huyện L N điều trị đến ngày 04/4/2019 ra viện. Ngày 28/3/2019 chị C có đơn trình báo gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện L N đề nghị giải quyết.
Ngày 28/3/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Quá trình khám nghiệm hiện trường, thu giữ: 02 (hai) mẫu chất màu nâu đỏ, nghi là máu, được niêm phong lần lượt vào các phong bì thư dán kín, có ký hiệu “M2” và “M5”. Trong các ngày 28, 29/3/2019 và 15/4/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn đã thu giữ của V: 01 (một) gậy rút, bằng kim loại màu vàng, có chuôi bằng đệm cao su màu đen, dài 35cm; Thu giữ của anh VN: 01 (một) con dao, dạng dao phay bằng kim loại, cán bằng gỗ, dài 39.5cm do anh VN nhặt được tại hiện trường, vị trí gần cầu thang đi xuống tầng hầm của ngôi nhà vào ngày 27/3/2019; 01 (một) mũ cối, màu xanh, đã qua sử dụng và 01 (một) áo gió, màu đỏ - đen, đã qua sử dụng; thu giữ mẫu máu của chị C được niêm phong trong bì thư ký hiệu “M” để phục vụ việc giám định.
Tại biên bản làm việc ngày 28/3/2019 với Trạm y tế xã Đ C, huyện L N và Trung tâm y tế huyện L N về thương tích ban đầu của chị C và tại Giấy chứng nhận thương tích số 27 ngày 09/4/2019 của Trung tâm y tế huyện L N đều xác định thương tích của chị C: Vùng đỉnh trán có 01 (một) vết thương ngang, sắc gọn, dài 07cm; 01 (một) vết xây sát da dài 02cm tại ngón V, bàn chân trái.
Tại bản kết luận giám định số 461/KL-KTHS ngày 11/4/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang xác định: Mẫu máu thu tại hiện trường ký hiệu “M2”, “M5” gửi giám định có máu người, thuộc nhóm máu O; Trên con dao gửi giám định không phát hiện thấy dấu vết máu; Mẫu máu của Trương Thị C, ký hiệu “M” gửi giám định thuộc nhóm máu O.
Tại bản kết luận giám định số 8819/19/TgT ngày 06/05/2019 của Trung tâm pháp y, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị C do thương tích gây nên hiện tại là 5%; Cơ chế, vật, chiều hướng gây thương tích: Thương tích vết sẹo vùng đỉnh trán do vật sắc gây nên, không xác định được chiều hướng gây thương tích; Thương tích vết sẹo nông ngón V bàn chân trái do trà sát gây nên, không xác định được chiều hướng gây thương tích. Các thương tích không ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Quá trình điều tra, V không thừa nhận đã dùng dao chém gây thương tích cho chị C. V xác định khi V tiến đến gần chị C thì chị C bỏ chạy, sau đó bị vấp ngã xuống cầu thang dẫn xuống tầng hầm của ngôi nhà. Thấy vậy thì V quay lưng bỏ về. Ngày 25/7/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn tiến hành cho chị C đối chất với V, kết quả: Chị C xác định V là người đã chém gây thương tích cho chị; Còn V xác định không được chém gây thương tích cho chị C. Cùng ngày 25/7/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn đã tiến hành thực nghiệm điều tra theo lời khai của chị C, V và ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung về cơ chế hình thành vết thương trên cơ thể chị C phù hợp với tình huống thực nghiệm điều tra theo lời khai của ai. Tại bản kết luận giám định pháp y bổ sung số 9075/19/TgT ngày 08/10/2019 của Trung tâm pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang xác định: Vết thương hình thành trên cơ thể chị C phù hợp với tình huống thực nghiệm theo lời khai của C.
Ngày 15/4/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn đã ra Quyết định trưng cầu giám định bổ sung về chiều hướng, cơ chế hình thành các vết thương của chị C. Tại bản Kết luận giám định pháp y bổ sung số 9391/20/TgT ngày 20/4/2020 của Trung tâm pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang xác định: Vết thương vùng đỉnh trán của chị C do vật sắc gây nên; Vết thương ngón V bàn chân trái do trà sát gây nên. Con dao gửi giám định gây được thương tích vùng đỉnh trán của chị C, không gây được thương tích vết thương ngón V bàn chân trái của chị C. Tình huống thực nghiệm điều tra của Đàm Văn V không gây được cho chị C thương tích vùng đỉnh trán và ngón V bàn chân trái.
Trong các ngày 20, 25/4/2020 và ngày 16/10/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn tiến hành cho anh VN nhận dạng qua bản ảnh đối với con dao do anh VN đã giao nộp; tiến hành cho chị C nhận dạng qua bản ảnh đối với con dao V sử dụng để chém gây thương tích cho chị; tiến hành cho V nhận dạng qua bản ảnh đối với con dao chị C sử dụng để ném về phía V. Kết quả: Anh VN, chị C và V đều nhận ra con dao do anh VN đã giao nộp chính là con dao chị C sử dụng ném V và chị C xác định đó là con dao V sử dụng chém chị C.
Với nội dung như trên, Bản án hình sự sơ thẩm số 25/2022/HSST ngày 21/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã căn cứ khoản 1 Điều 134; điểm i khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Đàm Văn V 08 (tám) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam (07/01/2022).
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Án xử xong, ngày 27/4/2022, bị cáo V kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án vì án xử phạt bị cáo quá cao.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thay đổi yêu cầu kháng cáo, bị cáo trình bày án sơ thẩm kết bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích là không đúng, bị cáo không chém chị C đề nghị HĐXX xem xét.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, sau khi phân tích nội dung vụ án, đánh giá hành vi phạm tội, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo đã đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Y án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: đơn kháng cáo của bị cáo được làm trong thời gian kháng cáo và gửi đến Tòa án nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang theo đúng quy định tại Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự, là đơn kháng cáo hợp pháp. HĐXX chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của bị cáo theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét hành vi phạm tội của bị cáo HĐXX thấy: Qua xem xét các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, trên cơ sở diễn biến, kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm thì vụ án có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ. Cụ thể:
Trong vụ án này có hai người làm chứng là anh Đàm Văn N và bà Lý Thị K sau khi bị cáo V chém chị C đã có mặt nhưng có lời khai mâu thuẫn chưa được làm rõ. Anh N khai, anh đi bộ qua cửa thì thấy chị C nằm ở trước cửa xếp, tay cầm điện thoại như muốn quay phim, chụp ảnh, trên trán bị chảy máu. Khi anh hỏi chị C “bị làm sao đấy” chị C nói là “bị V đánh”; bà Kcũng đứng ở trước cửa xếp ngoài hiên nhà có bảo anh gọi điện thoại cho anh VN về đưa chị C đi cấp cứu, ngoài ra anh không biết gì khác (BL 390, 391). Bà Kkhai chỉ nhìn thấy bị cáo có mặt ở nhà chị C, tay cầm gậy (khi thì khai gậy sắt dài khoảng 1 m, bán kính bằng ống nhựa 27 (BL279, 280) khi lại khai không rõ là gậy sắt hay gậy gỗ (BL 281, 284); bà thấy V đi vào khoảng 1 phút sau thì đi ra (BL 284), khi bị cáo ra về bà có vào nhà chị C thấy chị C nằm ngất ở dưới nên xi măng gần bậc cầu thang lên trên nhà, chán chảy nhiều máu, bà đỡ chị C lên nhà chính, khoảng 5 phút sau thì anh N đi qua, bà có bảo anh N điện cho anh VN (BL282, 284). Anh Đàm Đức V khai khi về thì thấy chị C nằm phía trong cửa xếp, đầu chảy máu, có thấy con dao phay ở hiện trường nền xi măng trước cửa nhà chính. Chị C khẳng định bị V chém khi đứng ở bậc cầu thang thứ 3 dưới tầng hầm và bị ngã đập đầu xuống nền bê tông xi măng nền tầng hầm và ngất đi không biết gì. Như vậy, anh N, bà Kéo, anh VN, chị C có những lời khai mâu thuẫn nhau về vị trí chị Kéo nằm sau khi bị V chém mà chưa được làm rõ. Vì vậy cần phải điều tra làm rõ nội dung này.
Quá trình thực hiện khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra chỉ tiến hành xác định và khám nghiệm hiện trường trước cửa và trên nên nhà chính nơi anh N và anh VN thấy chị C bị thương nằm mà không tổ chức khám nghiệm và thu giữ các dấu vết, đồ vật dưới nền xi măng tầng hầm và khu vực dưới tầng hầm cũng như cầu thang xuống tầng hầm nơi chị C và bà Kkhai chị C sau khi bị chém đã ngã đập đầu xuống nền xi măng, đầu chảy nhiều máu và ngất đi. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị C, anh VN đều khẳng định tại vị trí chị C nằm ngất dưới tầng hầm, chị C bị chảy nhiều máu và có nhiều vết máu, khi đi điều trị ở viện về vẫn còn những vết máu này. Những tình tiết, chứng cứ này chưa được điều tra, làm rõ tại cấp sơ thẩm.
Tài liệu trong hồ sơ thể hiện ngày 27/03/2019 chị C bị V chém và được đưa đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Đ C, sau đó được chuyển lên điều trị tại Trung tâm y tế huyện L N từ 16 giờ 11 phút ngày 27/03/2019 đến 16 giờ ngày 04/4/2019 thì ra viện; anh VN cũng điều trị tại Trung tâm y tế huyện L N từ 21 giờ 17 phút ngày 27/03/2019 đến 16 giờ ngày 01/4/2019 thì ra viện và đều là điều trị nội trú nhưng 07 giờ 40 phút ngày 28/03/2019 chị C cùng anh VN đã có đơn trình báo (đánh máy) và làm việc tại trụ sở công an huyện Lục Ngạn (BL 14, 15). Sau đó anh VN làm việc liên tục với Cơ quan điều tra từ 9 giờ 45 phút cho đến 11 giờ 20 phút ngày 28/03/2019 (BL 35, 36, 54, 55, 56). Sự việc này mâu thuẫn với quá trình điều trị nội trú của anh VN và chị C thể hiện tại các BL 40, 41, từ BL 179 đến 207. Cần điều tra làm rõ những vấn đề này làm căn cứ giải quyết vụ án.
Lời khai của bị cáo V và bị hại C cũng như bà Klà người làm chứng có sự mâu thuẫn nhưng không được Cơ quan điều tra cho đối chất sau khi khởi tố bị can với lý do chị C và bà Kcho rằng bị cáo V nóng tính nên từ chối đối chất là không có căn cứ, không đúng quy định. Những nội dung mâu thuẫn này cần được đối chất để làm rõ các tình tiết của vụ án.
Quá trình thực nghiệm điều tra (BL 84, 85), chị C khai V đứng đối diện với chị cách khoảng 1,5m tay trái cầm dao nhưng không rõ loại dao gì, chị C quay mặt theo hướng từ trái qua phải về hướng nhà bếp định bỏ chạy thì thấy V dơ dao lên sau đó chị thấy đau ở phía trên trên và bị đẩy từ phía sau ngã đập đầu xuống nền bê tông ngất đi. Khi thực nghiệm, Cơ quan điều tra không tiến hành đo chiều dài sải tay của V, chưa xác định được loại dao gì, chiều dài bao nhiêu để cho thực nghiệm xem với khoảng cách 1,5m thì bị cáo có thể chém được vào vị trí chị C bị thương tích hay không? Quá trình điều tra, chưa làm rõ được có sự mâu thuẫn trong lời khai của chị C về con dao bị cáo dùng để gây thương tích cho chị. Chưa cho thực nghiệm xem với vị trí, khoảng cách, tư thế giữa bị cáo V và chị C, những vật dụng bị cáo V cầm có thể gây được thương tích theo chiều ngang trên trán của chị C hay không? Biên bản xem xét tại chỗ của Hội đồng xét xử (BL 459), dựa vào đâu để kết luận chiều cao chị C là 1,61m; chiều cao bị cáo V là 1,65m và chiều dài cánh tay phải trái của bị cáo V là 70cm? Kết luận giám định trên con dao anh VN nộp không phát hiện thấy dấu vết máu (anh VN khai sau khi anh nhặt con dao mang nộp cho CQĐT thì không rửa và không sử dụng đến), không tiến hành giám định xem trên con dao này có dấu vân tay của bị cáo V hay của ai khác hay không là chưa đảm bảo quy định. Cần thiết phải giám định dấu vân tay trên con dao để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Ngoài ra quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm còn có vi phạm, thiếu sót sau: Thứ nhất: anh N, bà Kéo, anh VN chỉ là người biết sự việc chị C bị thương nên tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng quy định tại Điều 66 Bộ luật TTHS mà không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn và bản án sơ thẩm số 25/2022/HS-ST ngày 21/4/2022 của TAND huyện Lục Ngạn đều xác định những người này là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án nên quá trình tố tụng đã cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người có quyền và nghĩa vụ liên quan là không đúng, vi phạm tố tụng. Từ đó dẫn đến việc Đàm Văn N đã kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xét lại bản án sơ thẩm số 25/2022/HS-ST ngày 21/4/2022 của TAND huyện Lục Ngạn để bị cáo V không bị oan.
Thứ hai, việc cho bị hại nhận dạng con dao của gia đình bị hại do anh VN giao nộp, cũng chính là con dao do bị hại dùng để ném bị cáo để khẳng định đó là con dao bị cáo đã dùng để chém gây thương tích cho bị hại là không đảm bảo khách quan, không phù hợp với lời khai của bị hại. Ngày 25/4/2019, chị C nhận dạng được con dao là vật chứng của vụ án (BL 98) nhưng ngay trước đó, ngày 17/4/2019 chị C khai tay trái V cầm dao không rõ loại dao gì (BL257).
Thứ ba: các hoạt động điều tra gồm: thực nghiệm điều tra, nhận dạng, đối chất thể hiện trong hồ sơ đều được tiến hành trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chưa đảm bảo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Tài liệu trước khi khởi tố vụ án thể hiện tại thông báo kết quả kiểm sát quyết định tạm đình chỉ tin báo (BL 24A) ngày 28/7/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn viện dẫn các căn cứ ngày 23/4/2020; 20/4/2020 và ngày 25/4/2020 Cơ quan điều tra công an huyện Lục Ngạn tiến hành một số hoạt động tố tụng là không đảm bảo tính khách quan, lô gic về mặt thời gian.
Bản án sơ thẩm nhận định: Khoảng 15 giờ 00 phút ngày 27/3/2019 tại nhà của chị Trương Thị C ở thôn T T, xã Đ C, huyện L N, Đàm Văn V đã có hành vi dùng 01 con dao phay, lưỡi dao bằng kim loại, cán dao bằng gỗ, dài 39.5cm (là hung khí nguy hiểm) chém một nhát trúng vào vùng đỉnh trán của chị C. Hậu quả gây thương tích cho chị C 05% sức khỏe.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo trước sau đều không thừa nhận hành vi dùng dao chém gây thương tích cho chị C mà khai khi bị cáo cầm gậy lao về phía chị C, khi tiến đến gần chị C thì chị C bỏ chạy, sau đó bị vấp ngã xuống cầu thang dẫn xuống tầng hầm của ngôi nhà. Bị cáo không gây thước tích cho chị C. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh N là người làm chứng có khẳng định khi anh đến thấy chị C nằm dưới đất trước cửa nhà ở trán có một vết thương nhỏ săc, anh nghi ngờ do chị C tự dùng con dao lam hoặc vật sắc nhọn tạo nên mà không thể do bị chém được.
Từ những căn cứ nêu trên, chưa đủ căn cứ để kết luận bị cáo V là người đã trực tiếp chém gây thương tích cho chị C; chưa có đủ cơ sở để khẳng định vật gây thương tích cho chị C chính là con dao mà anh VN đã giao nộp được gửi giám định. Do đó, cần thiết phải điều tra làm rõ việc bị cáo có gây thương tích cho bị hại hay không? Bằng vật gì? Các nội dung này tại cấp phúc thẩm không thể bổ sung, khắc phục được.
Do cấp sơ thẩm xác định sai tư cách tham gia tố tụng của người người làm chứng; chưa làm rõ được việc bị cáo có gây thương tích cho bị hại hay không? bằng vật gì? Vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, quy định tại Điều 15 Bộ luật TTHS mà tại cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.
Chưa đủ căn cứ để xem xét đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo. Vì vậy, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm b, c khoản 1 Điều 358 Bộ luật TTHS, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển toàn bộ hồ sơ về cho VKSND huyện Lục Ngạn để điều tra lại.
[3]. Đối với kháng cáo của anh Đàm Văn N: Anh N là người làm chứng không có quyền kháng cáo mà chỉ có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc anh tham gia tron vụ án với tư cách người làm chứng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 66 Bộ luật TTHS. Vì vậy, kháng cáo của anh N là kháng cáo không hợp pháp. Việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn kháng cáo của anh và tiến hành thông báo kháng cáo theo đơn kháng cáo của anh là không đúng luật định. Tòa án sơ thẩm cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
[4] Về án phí: Do hủy án sơ thẩm nên bị cáo không phải chịu án phí.
Vì lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm b, c khoản 1 Điều 358 của BLTTHS:
1. Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 25/2022/HS-ST ngày 21/4/2022 của TAND huyện Lục Ngạn. Chuyển toàn bộ hồ sơ về cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn để điều tra lại.
2. Về án phí: Bị cáo, Bị hại không phải chịu án phí hính sự sơ thẩm và án phí hình sự phúc thẩm,
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 129/2022/HS-PT
Số hiệu: | 129/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/08/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về