Bản án về tội cố ý gây thương tích số 10/2024/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

BẢN ÁN 10/2024/HS-PT NGÀY 22/04/2024 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 22 tháng 4 năm 2024 tại Hội trường xét xử số 01, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 14/2024/TLPT-HS ngày 27 tháng 02 năm 2024 đối với bị cáo Hồ Văn L và các bị cáo khác, do có kháng cáo của bị cáo Hồ Văn L đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2024/HS-ST ngày 22/01/2024 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Bị cáo có kháng cáo: Hồ Văn L, sinh ngày 29 tháng 6 năm 2007 (Thời điểm phạm tội 15 tuổi 3 tháng 20 ngày) tại: huyện V, tỉnh Quảng Trị; nơi cư trú: Thôn X, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị; Quốc tịch: Việt Nam, Dân tộc: B1; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 9/12; Nghề nghiệp: Học sinh; con ông Hồ Văn T và bà Hồ Thị Ư.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 09/6/2023 đến nay; có mặt.

Người đại diện hợp pháp của bị cáo Hồ Văn L: Ông Hồ Văn T, sinh năm 1967 (bố của bị cáo L); nơi cư trú: Thôn X, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị; có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Hồ Văn L: Ông Nguyễn Lương C. Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Q; có mặt.

Bị hại: Anh Trần Anh T1, sinh ngày 20/6/2006; nơi cư trú: Thôn P, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị.

Người đại diện hợp pháp của anh Trần Anh T1: Ông Trần Văn H (Bố của anh T1), sinh năm 1972; nơi cư trú: Thôn P, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị.

Ngoài ra, có 04 bị cáo khác không có kháng cáo, không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 20 giờ 50 ngày 09/02/2023, các học sinh trường Trung học phổ thông D1 gồm: Hồ Văn L, Hồ Duy T2, Hồ Văn L1, Hồ Trung Đ, Hồ Anh D, Hồ Lâm H1, Hồ Trung H2, Hồ Văn A, Hồ Văn Đ1, Hồ Văn V, Hồ Văn T3, Hồ Anh N, Hồ Bạch Trường P, Hồ Văn Đ2 đi ra Công viên huyện V chơi. Lúc này, tại quán nước vỉa hè sát hàng cây cau của công viên có nhóm học sinh của trường Trung học cơ sở N4 cũng đang trò chuyện với nhau. Nhóm của trường N4 thấy nhóm học sinh trường nội trú đi ngang qua thì Đức A1 và B nói “Nhọt”, “Tẻ pí” là tiếng chửi tục của người dân tộc Bru Vân Kiều. T2, L1 và D (nhóm trường dân tộc nội trú) vừa đi qua, vừa chửi tục lại Đức A1 và B bằng tiếng dân tộc Kinh.

Đức A1 nãy sinh ý định rủ các bạn đánh nhóm học sinh trường nội trú nên nói to “Đập bọn nớ hè” rồi đứng dậy lấy 01 thanh kim loại ở lề đường gần chỗ ngồi, chạy về phía T2 cùng các bạn để đánh. Nhật M và B cùng chạy theo Đức A1. T4, Đ và L1 liền bẻ thanh gỗ chống cây ở công viên ném lại phía nhóm Anh nhưng không trúng. Cả nhóm học sinh Trường D1 nội bỏ chạy. Hồ Văn Đ1 đi sau cùng nên bị A1, Nhật M và B chặn lại. Đức A1 đứng đối diện dùng hai tay cầm gậy kim loại đánh 2 cái vào tay trái Đ1, Đ1 dùng tay giằng cái gậy Anh đang cầm thì bị Nhật M đứng phía sau dùng hai tay cầm gậy gỗ đánh 1 cái vào đầu Đinh. Đinh bỏ chạy và chạy theo các bạn đến đầu hẻm Đ. Sau khi Đinh bỏ chạy, Đức A1, B và M quay lại vị trí cũ tiếp tục ngồi uống nước.

Khi gặp các bạn, Hồ Văn Đ1 kể lại việc vừa bị nhóm của A1 đánh vào đầu và tay nhưng không để lại thương tích. L1 liền sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook gọi điện messenger video cho Hồ Văn S kể lại sự việc. Hồ Ai Ngọc Á đang chơi cùng S nên cả hai người đi tìm gặp L1 xem Đ1 bị đánh như thế nào. Khi S và Á vừa ra khỏi cổng phụ trường thì gặp Hồ Văn S1; Hồ Xuân N1, Hồ Ánh Đ3 nên rủ đi cùng.

L đi về hướng công viên, các bạn còn lại trong nhóm cũng đi theo. Khi đi L1 nhặt 01 cục đá hình tròn màu trắng có đường kính khoảng 4cm ở gần chỗ L1 đứng để làm hung khí. L và H1 đi theo đường Huyền Trần Công C1. T2 nhặt 01 cục vữa xi măng ở sân UBND huyện cầm theo; N nhặt 01 mảnh vỡ gạch ở sân UBND huyện bỏ vào túi quần và nhặt 01 gậy gỗ cầm trên tay; Trung Đạt nhặt 01 gậy tre ở sân UBND huyện để làm hung khí.

Khi nhìn thấy nhóm của Lê Đức A2 vẫn đang ngồi chơi tại quán nước vỉa hè nên L, T2 và Hạt N2 liền chạy đến để đánh; nhóm Đức A2 bỏ chạy. T2 và Hạt N2 đi đến phía sau xe ô tô nơi M, S2, T1 đang trốn. Hạt N2 thấy T1 và M trốn trước đầu xe nên ném cục đá về phía T1 và M nhưng không trúng ai rồi nói to “Ê ê đây có mấy thằng nì” rồi chạy ngược ra phía Quốc lộ A.

Cùng lúc đó, Trần Anh T1 vùng chạy ra Quốc lộ A để băng ngang qua đường. Lúc này, L1 đang đứng phía trước Bưu điện huyện V quan sát thấy, liền chạy đến giải phân cách giữa Quốc lộ A, cầm 01 cục đá chuẩn bị từ trước ném trúng vào vùng lưng của T1. T1 tiếp tục chạy băng qua Quốc lộ A. L đang đứng ở vỉa hè gốc ngã ba bưu điện huyện thấy T1 đang chạy về phía mình nên L nhặt 01 mảnh vỡ gạch (loại gạch lát vỉa hè, có hình tam giác, kích thước các cạnh 13cm x 13cm x 12cm và bề dày 03cm) ở bên cạnh. Khi T1 chạy đến phía trước cách L khoảng 03 mét thì L cầm mảnh vỡ gạch ở tay phải, ném trúng vào đầu T1 làm T1 ngã sấp xuống mặt đường. S1 thấy T1 chạy ra từ chỗ trốn nên cũng đuổi theo để đánh. Khi S1 chạy đến thì T1 đã bị L ném đá trúng đầu ngã nằm trên đường nên S1 dùng chân phải đá một cái trúng vào phía bên phải đầu của T1 rồi dừng lại. Sau đó cả nhóm học sinh nội trú bỏ chạy về trường.

Bản Kết luận giám định tổn thương cơ thể trên người sống số: 98/KLTTCT- TTPY ngày 04/4/2023 của Trung tâm Pháp y tỉnh Q, đối với tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Trần Anh T1, sinh năm 2006, nơi thường trú: Thôn P, xã V, huyện V, tỉnh Quảng Trị:

…Căn cứ Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y: Quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của Trần Anh T1 tại thời điểm giám định là: 46% (Bốn mươi sáu phần trăm), áp dụng phương pháp cộng tại Thông tư. Các thương tích trên do vật dày gây nên.” Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2024/HSST ngày 22/01/2024 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị:

Căn cứ Điều 134 của Bộ luật hình sự: Tuyên bố các bị cáo Hồ Văn L, Hồ Văn S1, Hồ Văn L1, Hồ Duy T2, Hồ Hạt N3 và Hồ Trung Đ phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38, khoản 1 Điều 54, Điều 90, Điều 91, Điều 101 của BLHS:

Xử phạt bị cáo Hồ Văn L 24 (hai mươi tư) tháng tù, thời hạn chấp hành hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 khoản 2 Điều 54, Điều 90, Điều 91 và Điều 100 của Bộ luật hình sự; Điều 99 Luật Thi hành án hình sự; điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số: 01/2023/TTLT ngày 18/01/2023 quy định việc phối hợp trong thực hiện một số quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự tại cộng đồng:

Xử phạt bị cáo Hồ Văn S1 và Hồ Văn L1 mỗi bị cáo 16 (mười sáu) tháng cải tạo không giam giữ;

Xử phạt các bị cáo Hồ Duy T2, Hồ Hạt N3 và Hồ Trung Đ mỗi bị cáo: 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng và nghĩa vụ nộp án phí của các bị cáo.

Ngày 30/01/2024, bị cáo Hồ Văn L kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về đề nghị Tòa án cho bị cáo được hưởng mức án Cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù cho hưởng án treo.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Văn L; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 255; Điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 58 Bộ luật hình sự. Xử phạt: Hồ Văn L 24 (Hai mươi tư) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày thi hành án.

Bị cáo Hồ Văn L phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Người bào chữa cho bị cáo Hồ Văn L trình bày: Đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, xử phạt bị cáo 24 tháng tù cho hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi: Vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 09/02/2023, các bị cáo Hồ Văn L, Hồ Văn L1, Hồ Văn S1, Hồ Duy T2, Hồ Hạt N3 và Hồ Trung Đ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt đã thống nhất ý chí dùng hung khí đuổi đánh Trần Anh T1, Nguyễn Văn Nhật M1 và Võ Văn S3. Trong đó, bị cáo L là người đã dùng 01 mảnh vỡ gạch (loại gạch lát vỉa hè, có hình tam giác, kích thước các cạnh 13cm x 13cm x 12cm và bề dày 03cm) ném trúng vào đầu T1, gây thương tích cho anh Trần Anh T1 với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 46%. Hành vi nêu trên của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS.

Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật hình sự: Tuyên bố bị cáo Hồ Văn L phạm tội: “Cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng quy định của pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo:

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Hồ Văn L là người trước đó tuy có bị rượt đuổi nhưng không bị đánh. Khi cả nhóm gặp nhau ở quán phở M2 thì khởi xướng “Quay lại đập bọn nớ hè” và các bị cáo khác đều là người chưa đủ 18 tuổi, lẽ ra cấp sơ thẩm phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử thấy, Tòa án sơ thẩm đã xử phạt bị cáo với mức hình phạt đã tuyên là thỏa đáng.

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo đều thể hiện thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi sự việc xảy ra đã đến thăm hỏi và gia đình của bị hại mặc dù thuộc diện hộ nghèo nhưng đã cùng với các bị cáo khác bồi thường đầy đủ theo yêu cầu của bị hại với tổng số tiền yêu cầu là 55.000.000 đồng để khắc phục một phần hậu quả gây ra; bị cáo phạm tội lần đầu, là người dân tộc thiểu số, lại sinh sống ở vùng khó khăn, mặc dù đang là học sinh được học tập ở trung tâm thị trấn nhưng chừng mực nào đó nhận thức pháp luật cũng còn hạn chế; người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; bị cáo có ông bà nội là người tham gia dân công hoả tuyến và được tặng thưởng Huân chương kháng chiến; bị cáo thuộc trường hợp người phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

- Về tính chất vai trò: Các bị cáo phạm tội với tính chất đồng phạm giản đơn; bị cáo L là người trước đó tuy có bị rượt đuổi nhưng không bị đánh. Nhưng khi cả nhóm gặp nhau ở quán phở M2 thì bị cáo L đã khởi xướng “Quay lại đập bọn nớ hè”, L đã cùng các bị cáo khác truy đuổi nhóm B, sau khi nhóm B bỏ chạy, thì quay sang truy đuổi nhóm bị hại Trần Anh T1. Khi thấy bị hại Trần Anh T1 bị L1 ném đá vào người nhưng vẫn chạy về phía mình, thì L đã nhặt 01 viên gạch, khi cách T1 03m đã ném vào đầu làm T1 ngã nằm sấp về phía trước bất động trên đường và tổn thương 46% sức khoẻ. Do đó, vai trò của L vừa là người khởi xướng, đồng thời là người thực hành tích cực gây nên thương tích chính đối với bị hại.

Vì vậy, xét vai trò, vị trí của L trong vụ án phải chịu hình phạt cao hơn các bị cáo khác và cần phải xử mức hình phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Về hình phạt: Cấp sơ thẩm đã xem xét về khung hình phạt áp dụng đối với bị cáo có mức hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù; tuy nhiên bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS, bị cáo là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi nên đã được áp dụng thêm các Điều 90, 91 và 101 BLHS, cần áp dụng thêm khoản 1, 2 Điều 54 BLHS, để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất mức khung hình phạt liền kề với mức hình phạt 24 tháng tù. Cho nên, xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo Hồ Văn L đề nghị cho bị cáo L được hưởng án treo là không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo mà áp dụng hình phạt tù và buộc chấp hành tại cơ sở giam giữ là có căn cứ.

Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo không cung cấp được các tình tiết mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ mức hình phạt mà cần chấp nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Tiếp tục ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án.

[4] Về án phí: Do kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Văn L; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 02/2024/HSST ngày 22/01/2024 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Xử:

1. Căn cứ Điều 134 của Bộ luật hình sự: Tuyên bố bị cáo Hồ Văn L phạm tội:

“Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134; khoản 1 Điều 17; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38, khoản 1 Điều 54, Điều 90, Điều 91, Điều 101 của BLHS: Xử phạt bị cáo Hồ Văn L 24 (hai mươi tư) tháng tù, thời hạn chấp hành hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

2. Về án phí: Bị cáo Hồ Văn L phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

94
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 10/2024/HS-PT

Số hiệu:10/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Trị
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/04/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về