TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 08/2022/HS-PT NGÀY 19/01/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 19 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 131/2021/TLPT-HS ngày 06 tháng 12 năm 2021 đối với bị cáo Trần Thị Đ, do có kháng cáo của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 157/2021/HS-ST ngày 02 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
- Bị cáo bị kháng cáo:
Họ và tên: Trần Thị Đ, sinh năm 1991 tại Cà Mau;
Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Nghề nghiệp: Nội trợ; trình độ học vấn: 08/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn X và bà Nguyễn Ngọc N; Chồng: Phạm Hoàng Cu E; Con: 01 người con sinh năm 2014; tiền sự: Không, tiền án: Không; Bị cáo không bị bắt tạm giữ, tạm giam; Bị cáo có mặt.
- Bị hại: Chị Nguyễn Huyền L, sinh năm 1995.
Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; có mặt.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Trần Dân Q – Luật sư của Văn phòng luật sư Chánh Kiến thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 10 giờ ngày 09/5/2021, Trần Thị Đ đang điều khiển xe mô tô trên đoạn đường thuộc ấp Thạnh Điền, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau thì nhìn thấy chị Nguyễn Huyền L dừng trước tiệm tạp hóa Sương Bình để vào tiệm tạp hóa. Do bực tức việc L không trả lãi tiền vay, cùng với thái độ của L khi bị cáo đòi tiền nên bị cáo Đ điều khiển xe đụng vào phía sau xe của chị L làm ngã xe. Bị cáo xuống xe đi đến dùng tay đánh chị L. Chị L dùng tay đánh lại, hai bên câu vật đánh nhau qua lại thì được người dân can ngăn nên cả hai bỏ đi. Sau đó, chị L đến Công an xã Lý Văn Lâm trình báo sự việc.
- Tại bản kết luận giám định Pháp y về thương tích số 188/TgT- 21 ngày 04/6/2021 của Trung tâm pháp y tỉnh Cà Mau, kết luận thương tích đối với Nguyễn Huyền L như sau:
+ Gãy đốt giữa ngón III tay phải tỷ lệ 01%. Do vật tày hoặc vật tày có cạnh gây ra;
+ Mắt phải chấn thương dập nhãn cầu giảm thị lực – xuất huyết võng mạc (thị lực 01/10) tỷ lệ 21%. Do vật tày hoặc vật tày có cạnh gây ra.
+ Xây xát da vùng mặt, mũi, sưng bầm khuỷu trái, xây xát da bàn tay trái, trầy xước mi trên, mi dưới mắt phải không còn để lại sẹo. Không xếp tỷ lệ %.
Kết luận: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định tính theo thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế là: 22% (Hai mươi hai phần trăm).
Bản án hình sự sơ thẩm số 157/2021/HSST ngày 02 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau, quyết định:
- Áp dụng khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 48, Điều 54 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Trần Thị Đ 03 (Ba) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo luật định. Ngày 16 tháng 11 năm 2022, bị hại Nguyễn Huyền L có đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Đ; về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo bồi thường cho bị hại chi phí điều trị thương tích 10.000.000 đồng (Điều trị tại Bệnh viện 5.000.000đ, chi phí ăn uống thời gian điều trị 5.000.000đ, chi phí đi lại trong thời gian điều trị 3.000.000đ, chi phí điều trị Đông y 2.000.000đ); thiệt hại về tài sản là 17.399.000 đồng (Chi phí sửa xe 3.000.000đ, Sửa điện thoại di động 4.000.000đ, nhẫn cưới bị mất 10.399.000đ); thu nhập bị mất là 28.500.000 đồng (tiệm giặt ủi 4.500.000đ, tiệm nail 24.000.000đ); tổn thất tin thần 22.350.000 đồng (15 lần mức lương cơ sở). Tổng cộng các khoản bồi thường bị hại yêu cầu là 78.249.000 đồng.
Tại phiên tòa, bị hại Nguyễn Huyền L giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Ý kiến Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau:
Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 355, Điều 356, Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của bị hại về tăng hình phạt; Chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại về trách nhiệm dân sự; sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự theo sự tự nguyện của bị cáo tại phiên tòa về số tiền bồi thường; Các phần khác về dân sự giử nguyên như án sơ thẩm.
Bị cáo: Thống nhất với đề nghị của Viện kiểm sát.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không thành khẩn khai báo; mức án 03 tháng tù là nhẹ. Yêu cầu cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần vì bị hại không hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của bị hại nên rút yêu cầu; Đồng thời, bồi thường tổn thất tinh thần phải giải quyết cùng trong một vụ án. Bị cáo có hành vi cố ý làm hư hỏng hoặc hủy tài sản là xe mô tô của bị hại; Nếu bị cáo không đồng ý bồi thường tiền sửa chữa xe thì đề nghị hủy án sơ thẩm giao về cấp sơ thẩm để khởi tố, điều tra xử lý hành vi làm hư hỏng xe trong cùng một vụ án.
Bị hại: Thống nhất với ý kiến của người bảo vệ quyền lợi cho bị hại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Khoảng 10 giờ ngày 09 tháng 5 năm 2021, trước tiệm tạp hóa Sương B thuộc ấp Thạnh Điền, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, Trần Thị Đ có hành vi dùng tay đánh và câu vật với chị L gây thương tích cho chị L ở vùng mặt và tay.
Kết luận giám định pháp y về thương tích số 66/TgT-21 ngày 01/02/2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Cà Mau kết luận: Gãy đốt giữa ngón III tay phải tỷ lệ 01%. Mắt phải chấn thương dập nhãn cầu giảm thị lực – xuất huyết võng mạc (thị lực 01/10) tỷ lệ 21%. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 22%.
Hành vi của bị cáo Đ là hành vi cố ý gây thương tích. Bị cáo gây thương tích cho bị hại xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn trong việc bị hại còn nợ tiền vay của bị cáo nhưng chây ì không trả. Bị cáo gây thương tích cho bị hại bằng tay với tỷ lệ 22%. Bị hại yêu cầu xử lý hình sự đối với bị cáo. Do đó, Bản án hình sự sơ thẩm số 157/2021/HS-ST ngày 02 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau xử phạt bị cáo Trần Thị Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2] Xét kháng cáo của bị hại, thấy rằng:
[2.1] Về trách nhiệm sự: Hành vi phạm tội của bị cáo Đ là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của người khác trái pháp luật, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Án sơ thẩm áp dụng hình phạt tù, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống bình thường của xã hội một thời gian để cải tạo giáo dục bị cáo là phù hợp. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như bị cáo thần khẩn khai báo, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo đã khắc phục toàn bộ phần hậu quả do mình gây ra, bị cáo có ông nội là người có công với cách mạng nên án sơ thẩm áp dụng mức hình phạt 03 tháng tù là tướng xứng. Vì vậy, bị hại kháng cáo yêu cầu tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho rằng, bị cáo không thành khẩn khai báo với căn cứ: Tại cơ quan điều tra bị cáo thừa nhận cố ý đụng vào xe của bị hại nhưng tại phiên tòa bị cáo không thừa nhận cố ý đụng xe.
Xét thấy, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi gây thương tích cho bị hại. Thương tích của bị hại do bị cáo gây ra là do bị cáo dùng tay đánh bị hại. Việc xe bị cáo đụng vào xe của bị hại không gây ra thương tích cho bị hại. Do đó, không chấp nhận lời trình bày của người bảo vệ quyền lợi cho bị hại.
[2.2] Về trách dân sự:
Bị hại kháng cáo yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần 22.350.000đ, tiền thiệt hại về tài sản 17.399.000đ (sửa chữa xe Airblade 3.000.000đ, Điện thoại di động bị hư 4.000.000đ, Nhẫn cưới bị mất giá trị 10.399.000đ); tổng 02 khoản này là 39.749.000đ.
Xét thấy, 02 khoản tiền này tại phiên tòa sơ thẩm bị hại rút lại yêu cầu nên cấp sơ thẩm không giải quyết trong vụ án này. Theo quy định của Luật tố tụng thì Tòa án có hai cấp xét xử đó là sơ thẩm và phúc thẩm. Do cấp sơ thẩm chưa giải quyết nên cấp phúc thẩm không xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Do đó, bị hại có quyền yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường các khoản tiền này theo trình tự tố tụng dân sự ở một vụ án khác.
Đối với tiền chi phí điều trị: Án sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường 4.409.282đ, bị hại kháng cáo yêu cầu bồi thường 5.000.000đ. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đồng ý bồi thường 5.000.000đ.
Đối với tiền ăn của người bệnh và người nuôi bệnh: Án sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường 840.000đ, bị cáo kháng cáo yêu cầu bồi thường tiền ăn và chi phí đi lại 3.000.000đ. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đồng ý bồi thường 3.000.000đ.
Như vậy, tổng số tiền điều trị bị hại yêu cầu là 10.000.000đ gồm: Tiền thuốc điều trị tại Bệnh viện 5.000.000đ, tiền chi phí ăn uống và đi lại 3.000.000đ, tiền thuốc Đông y 2.000.000đ. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đồng ý bồi thường.
Đối với kháng cáo về mất thu nhập: Bị hại kháng cáo yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiền mất thu nhập 28.500.000đ gồm: Mất thu nhập tại tiệm giặt ủi là 4.500.000đ (150.000đ/ngày x 30 ngày); mất thu nhập tại tiệm nail là 24.000.000đ (400.000đ/ngày x 60 ngày). Bị cáo không đồng ý, chỉ chấp nhận số tiền như án sơ thẩm đã xử.
Xét thấy, bị hại yêu cầu bồi thường tiền mất thu nhập tại tiệm giặt ủi và tiệm nail nhưng bị hại không cung cấp được chứng cứ chứng minh về sự hoạt động của tiệm giặt ủi, tiệm nail cũng như chứng cứ về sự thu nhập mà bị hại đặt ra. Án sơ thẩm tính thu nhập theo mức bình quân 250.000đ/ngày của một người lao động tự do trên địa bàn thành phố Cà Mau để buộc bị cáo bồi thường cho bị hại là phù hợp.
Do đó, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị hại về việc tăng số tiền mất thu nhập của bị hại. Số tiền bị cáo phải bồi thường mất thu nhập là 2.750.000đ (250.000đ x 11 ngày).
Như vậy, tổng số tiền bị cáo có nghĩa vụ bồi thường cho bị hại là 12.750.000đ (gồm tiền thuốc điều trị và chi phí ăn uống đi lại lúc nằm viện 10.000.000đ, tiền mất thu nhập 2.750.000đ), nhưng bị cáo đã bồi thường 10.000.000đ; Do đó, bị cáo còn có nghĩa vụ tiếp tục bồi thường 2.750.000đ.
[3] Người bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho rằng, hành vi bị cáo cố ý đụng xe của bị cáo vào xe của bị hại làm ngã xe, gây hư hỏng xe của bị hại là có dấu hiệu của tội cố ý làm hư hỏng hoặc tội hủy hoại tài sản; Đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm giao về điều tra giải quyết lại trong cùng một vụ án.
Xét thấy, quá trình điều tra bị hại có yêu cầu bị cáo phải bồi thường tiền sửa xe do xe ngã, bị trầy xướt bên ngoài xe (áo xe) với số tiền 3.000.000đ. Song, số tiền trên là bị hại dự toán sẽ sửa chữa chứ không phải do cơ quan có thẩm quyền định giá sửa chữa. Hành vi bị cáo làm ngã xe bị hại không có quan hệ nhận quả đối với thương tích của bị hại. Do đó, bị hại cho rằng hành vi bị cáo làm ngã xe của bị hại gây thiệt hại có dấu hiệu của tội cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản thì có quyền yêu cầu Cơ quan Công an xem xét giải quyết bằng một vụ án khác. Do đó, không chấp nhận lời yêu cầu của người bảo vệ quyền lợi cho bị hại.
[3] Về án phí: Bị hại không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; Bị hại phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; Bị hại đã dự nộp 435.000đ chuyển thu để thi hành phần án phí mà bị hại phải chịu.
Bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường bị hại 2.750.000đ nên bị hại phải chịu án phí dân sự 300.000đ. Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000đ.
[4]. Các phần khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của bị hại Nguyễn Huyền L về hình phạt; Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 157/2021/HSST ngày 02 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau về hình phạt.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại Nguyễn Huyền L về tăng bồi thường; Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 157/2021/HSST ngày 02 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau về phần bồi thường.
2. Áp dụng khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Trần Thị Đ 03 (ba) tháng tù, về tội “Cố ý gây thương tích”; Thời hạn chấp hành án phạt tù được tính kể từ ngày bị cáo chấp hành án.
Áp dụng khoản 1 Điều 584, khoản 1 Điều 585, khoản 1 Điều 590 của Bộ luật Dân sự; Khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điểm a khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Buộc bị cáo Trần Thị Đ có nghĩa vụ tiếp tục bồi thường cho bị hại Nguyễn Huyền L số tiền 2.750.000 đồng (Hai triệu bảy trăm năm mươi ngàn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, nếu chậm thi hành án thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Án phí: Bị cáo Trần Thị Đ phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Án phí hình sự phúc thẩm: Bị hại Nguyễn Huyền L phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng); Bị hại Nguyễn Huyền L có dự nộp án phí phúc thẩm số tiền 435.000 đồng (Biên lai thu tiền số 0000597 ngày 16/11/2021), nay chuyển thu án phí 200.000 đồng, trả lại cho bị hại L số tiền 235.000 đồng (Hai trăm ba mươi lăm nghìn đồng).
3. Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị không xem xét đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 08/2022/HS-PT
Số hiệu: | 08/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/01/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về