Bản án về tội cố ý gây thương tích số 05/2024/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 05/2024/HS-PT NGÀY 05/03/2024 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 29/02/2024 và ngày 05/3/2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh T xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 02/2024/TLPT-HS ngày 15 tháng 01 năm 2024 đối với bị cáo Đỗ Văn D do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2023/HS-ST ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh T.

Bị cáo có kháng cáo:

ĐỖ VĂN D, sinh ngày 14 tháng 11 năm 1973 tại huyện S, tỉnh T.

Nơi thường trú: Thôn C, xã N, huyện S, tỉnh T; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hóa: Lớp 9/12; Dân tộc: S; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Đảng phái, đoàn thể: Không; Con ông: Đỗ Văn T và bà Lý Thị C; có vợ Thăng Thị S, sinh năm 1973 và 03 con; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 16/6/2023, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh T (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trần Văn L - Luật sư Văn phòng L1 - V - chi nhánh tại T (có mặt).

Địa chỉ: Tổ E, phường A, TP ., tỉnh T.

- Bị hại: Anh Đỗ Văn T1, sinh năm 1978 (có mặt).

Địa chỉ: Thôn N, xã N, huyện S, tỉnh T.

- Giám định viên: Ông Đào Thanh Q và ông Nguyễn Anh T2 thuộc Trung tâm Pháp y tỉnh T (có mặt).

- Người làm chứng:

1. Chị Chu Thị H, sinh năm 1981 (có mặt).

2. Bà Hoàng Thị S1, sinh năm 1948 (có mặt).

3. Anh Đỗ Văn T3, sinh năm 2005 (có mặt).

Cùng trú tại: Thôn N, xã N, huyện S, tỉnh T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 29/3/2023, bị cáo Đỗ Văn D đến nhà ông Đỗ Văn T1 ăn cơm, uống rượu. Khoảng 21 giờ cùng ngày, sau khi ăn uống xong, mọi người đi về. Ông T1 và bị cáo D đang dọn mâm thì bà Chu Thị H (vợ của ông T1) đi làm về và cùng dọn dẹp mâm cơm. Sau khi dọn xong, bà H đi tắm, ông T1 và bị cáo D ngồi uống nước tại gian khách nhà ông T1. Bị cáo D rủ ông T1 đi hát Karaoke nhưng ông T1 không đi. Sau đó, ông T1 và bị cáo D xảy ra mâu thuẫn, vật lộn, đánh nhau. Quá trình vật lộn, ông T1 dùng tay cào nhiều lần vào mặt bị cáo D gây rách da, chảy máu ở vùng mặt. Thấy vậy, bà H vào can ngăn nhưng không được nên đã chạy sang gọi bà Hoàng Thị S1 (mẹ đẻ của ông T1) sang để can ngăn. Bà S1 đi sang can ngăn nhưng không được nên đã bảo bà H gọi điện thoại báo Công an xã N, huyện S, tỉnh T đến để giải quyết. Sau khi báo Công an xong, bà H và bà S1 đi đến nhà ông T1 thì thấy anh T3 (con trai của ông T1) đang đứng ở đó, đồng thời thấy bị cáo D đi từ trong nhà ra đường đến vị trí trước cửa nhà bà S1. Lúc đó, ông T1 cũng đi theo bị cáo D. Tại đây, bị cáo D và ông T1 tiếp tục cãi nhau. Sau đó, bị cáo D đi về hướng Ủy ban nhân dân xã N, huyện S, tỉnh T, bị cáo D đứng trước cửa nhà bà Dương Thị M, sinh năm 1962, trú tại Thôn N, xã N, huyện S, tỉnh T đang xây dựng và cúi nhặt 02 viên ngói rồi quay người lại ném 01 viên theo hướng từ sau ra trước về phía ông T1 nhưng không trúng. Bị cáo D tiếp tục chuyển viên ngói còn lại từ tay trái sang tay phải ném theo hướng từ sau ra trước trúng vào vùng mặt trái và hõm mũi ông T1. Hậu quả, ông T1 bị thương phải đi điều trị tại Bệnh viện H1, thành phố V, tỉnh V.

Tại Kết luận giám định tổn thương cơ thể trên người sống số 115/2023/KLTTCT-TTPY ngày 16/5/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh T đối với ông Đỗ Văn T1, kết luận:

- Tổn thương tụ máu nhu mô não hiện không còn hình ảnh trên phim chụp CT-Sanner: 5% - Sẹo mi trên mắt trái kích thước như mô tả: 3% - Sẹo mi dưới mắt trái kích thước như mô tả: 3% - Vỡ xoang hàm trái: 7% - Gãy xương chính mũi: 7% - Vỡ xương hốc mắt trái có ảnh hưởng giảm thị lực như trên: 29% Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của Đỗ Văn T1 tại thời điểm giám định là 45% nên.

- Cơ chế, vật gây thương tích: Thương tích như trên là do tác động vật tầy gây Tại Kết luận giám định tổn thương cơ thể trên người sống số 141/KLTTCT- TTPY ngày 23/6/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh T đối với bị cáo Đỗ Văn D, kết luận:

- Các kết quả chính: Sẹo đuôi mắt trái 03% - Kết quả khám chuyên khoa:

+ Khám chuyên khoa mắt:

+ Thị lực: Mắt phải 9/10; mắt trái 5/10 đeo kính 0,75 Diop = 8/10.

+ Nhãn áp: Mắt phải 18mmHg, mắt trái 19mmHg.

+ Soi đáy mắt: Bình thường.

+ Chuẩn đoán: Mắt trái: viễn thị, mắt phải: Bình thường.

- Kết quả cận lâm sàng: không.

- Kết quả khác: không.

Kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của Đỗ Văn D tại thời điểm giám định là 03%.

- Cơ chế, vật gây thương tích: Thương tích để lại sẹo đuôi mắt trái là do tác động vật tầy gây nên.

Tại Kết luận giám định số: 5383/KL-KTHS ngày 22-8-2023 của V Bộ C1, kết luận:

- Các sợi màu đen nghi lông, tóc bám dính trên mảnh gạch ngói vỡ, màu đỏ cam ghi thu giữ tại vị trí số 06 (ký hiệu A2) gửi giám định là lông, tóc người, không có gốc nên không phân tích được kiểu gen (ADN).

- Dấu vết màu nâu đỏ thu giữ tại vị trí số 01 (Ký hiệu A1) là máu người và là của Đỗ Văn D có mẫu tóc ký hiệu M1.

- Trên mảnh gạch ngói vỡ, màu đỏ cam thu giữ tại vị trí số 06 (Ký hiệu A2) có bám dính dấu vết máu người và là máu của Đỗ Văn T1 có mẫu tóc ký hiệu M2.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2023/HS-ST ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh T đã quyết định:

Căn cứ: Điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Tuyên bố bị cáo Đỗ Văn D phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Xử phạt bị cáo Đỗ Văn D 05 (Năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam (ngày 16/6/2023).

Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận và chuyển số tiền 5.000.000đ do bị cáo Đỗ Văn D nộp (bà S nộp thay bị cáo D) theo Biên lai thu tiền ký hiệu: BLTT/23, số:

0000909 ngày 06-11-2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S, tỉnh T cho bị hại ông Đỗ Văn T1 để bồi thường thiệt hại.

Buộc bị cáo Đỗ Văn D phải bồi thường cho bị hại ông Đỗ Văn T1 số tiền 44.414.580đ được khấu trừ vào số tiền 5.000.000đ theo Biên lai thu tiền ký hiệu: BLTT/23, số: 0000909 ngày 06-11-2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S, tỉnh T. Bị cáo Đỗ Văn D còn phải bồi thường tiếp số tiền 39.414.580đ. Người nhận tiền: Ông Đỗ Văn T1 – Sinh năm: 1978; Địa chỉ: Thôn N, xã N, huyện S, tỉnh T.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 15 tháng 12 năm 2023, bị cáo Đỗ Văn D có đơn kháng cáo với nội dung cho rằng Tòa án nhân dân huyện S xét xử bị cáo mức án 05 (năm) năm tù về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự là chưa đúng người đúng tội, đề nghị xét xử phúc thẩm đảm bảo công bằng, tránh oan sai.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 29/2/2024 và ngày 05/3/2024, bị cáo Đỗ Văn D giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày: Tối ngày 29/3/2023 bị cáo được bị hại T1 là em con nhà chú, gọi điện thoại bảo bị cáo đến nhà T1 ăn cơm uống rượu. Sau khi ăn cơm xong giữa bị cáo và T1 có lời qua tiếng lại rồi 2 người vật nhau xuống nền nhà, khi bị cáo vừa bước xuống bậc thềm thì bị T1 cầm vật gì đó vụt từ phía sau vào ngang đuôi mắt trái của bị cáo, nên bị cáo quay lại tiếp tục xô xát với T1. Lúc vật lộn bị cáo nằm trên đè T1 nằm dưới thì được mẹ T1 là bà S1, vợ T1 là chị H can ngăn yêu cầu bị cáo bỏ T1 ra nhưng bị cáo nói nếu bỏ T1 ra nó sẽ giết bị cáo; ngay lúc đó có con trai T1 là cháu T3 đến, bị cáo nhìn thái độ của T3 không bình thường nên bị cáo đã bỏ T1 ra, rồi bị cáo đi ra ngoài, khi ra ngoài đường thì T1 cầm vật gì đó đuổi theo bị cáo nên bị cáo sợ và chạy bị ngã trẹo chân, bị cáo tiếp tục đứng dậy chạy đến khu vực cổng nhà bà Dương Thị M cúi xuống nhặt được 2 viên gạch hay ngói bị cáo không nhớ, lúc này T1 đứng cách bị cáo khoảng 5 đến 6 mét bị cáo dùng tay phải ném 1 viên về phía Thành, sau đó chuyển viên còn lại từ tay trái sang tay phải ném tiếp về phía T1 rồi bị cáo đi vào nhà bà M nhặt được cái cán chổi để đề phòng nhưng không thấy T1 đuổi theo nữa, sau đó bị cáo gọi điện thoại cho con trai bị cáo đến đón đưa ra Trạm y tế xã N lau rửa băng bó vết thương. Bị cáo xác định có được vật lộn với T1 tại nhà T1, sau đó có ném 2 viên gạch hay ngói về phía T1 nhưng không rõ có trúng T1 hay không, việc bị cáo ném 2 viên gạch ngói về phía T1 là phòng vệ chính đáng chứ không phải cố ý gây thương tích cho T1, vì lúc đó bị cáo đang bị T1 đuổi. Bị cáo cho rằng kết quả khám nghiệm hiện trường là không khách quan vì không có mặt bị cáo tham gia buổi khám nghiệm; cơ quan điều tra thực nghiệm điều tra nhưng không cho bị cáo ra chỉ hiện trường, không đưa thêm người làm chứng là bà Dương Thị M vào tham gia tố tụng; bị cáo không nhất trí với kết luận giám định thương tích của bị cáo, bị hại và đã có đơn yêu cầu giám định lại nhưng không được xem xét giải quyết. Bị cáo xác định hành vi của bị cáo chỉ là phòng vệ chính đáng chứ không phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử Hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại bị cáo về tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc giảm hình phạt cho bị cáo.

Bị hại Đỗ Văn T1 trình bày: Sau khi ăn cơm, uống rượu tại nhà anh xong, bị cáo rủ anh đi hát karaoke nhưng anh không đi, nên bị cáo và anh có lời qua tiếng lại, rồi bị cáo vật đè anh xuống đất, trong lúc vật lộn thì móng tay của anh có cào làm xước mặt bị cáo gây chảy máu, sau đó được mẹ và vợ anh can ngăn thì bị cáo bỏ anh ra và đi ra ngoài cổng. Khi ra ngoài đường thì bị cáo vẫn tiếp tục có những lời lẽ chửi bới, thách thức anh. Mặc dù đã được vợ anh, mẹ anh tiếp tục can ngăn nhưng bị cáo vẫn rất hung hăng chửi bới, anh chỉ đi theo để bảo bị cáo đi về thì bị bị cáo ném 2 viên gạch hay ngói về phía anh, 1 viên trượt, còn 1 viên trúng vùng mặt trái của anh dẫn đến gây thương tích như đã được giám định. Anh xác định vết thương trên vùng mặt anh là do bị cáo ném gạch ngói gây nên, anh nhất trí với kết luận giám định thương tích và không có ý kiến khiếu nại gì. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai anh có cầm vật gì đó vụt từ phía sau vào ngang đuôi mắt trái của bị cáo và khai anh cầm vật gì đó đuổi theo bị cáo là không đúng sự thật, bị cáo vẫn không nhận ra được sai phạm, không hối lỗi về hành vi của mình nên anh đề nghị Hội đồng xét xử xử giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T phát biểu quan điểm:

- Về thủ tục tố tụng đảm bảo đúng quy định pháp luật; đơn kháng cáo của bị cáo hợp lệ trong hạn luật định; thủ tục giải quyết vụ án đúng trình tự tố tụng.

- Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết liên quan đến vụ án trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, đánh giá mức độ hành vi phạm tội để xét xử bị cáo Đỗ Văn D 05 (năm) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ, đúng với hành vi phạm tội của bị cáo.

Xét kháng cáo của bị cáo Đỗ Văn D: Tại cấp phúc thẩm, bị cáo không xuất trình được tài liệu, chứng cứ mới chứng minh cho nội dung kháng cáo. Không có căn cứ cho rằng hành vi của bị cáo là do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như bị cáo và luật sư trình bày. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đỗ Văn D, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2023/HS-ST ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh T. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Người bào chữa của bị cáo trình bày luận cứ bào chữa:

Theo Kết luận giám định thương tích đối với bị cáo Đỗ Văn D, ghi suy giảm thị lực ở mắt trái, nhưng chưa làm rõ nguyên nhân để tính tỷ lệ thương tích của bị cáo là 3% hay 11%, nếu tỷ lệ là 11% thì đã đủ điều kiện khởi tố bị hại T1 về tội Cố ý gây thương tích. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm triệu tập cán bộ điều tra để làm rõ các nội dung: Trong quá trình điều tra không thu thập vết máu tại vị trí sân bê tông trước cửa nhà ông T1 (vị trí số 1) và thực nghiệm điều tra để làm rõ cơ chế hình thành vết thương bên mắt trái của bị cáo tại các bút lục 253, 269, 272, 276 có phải do móng tay hay do vật tày khác gây ra; không thực nghiệm điều tra để xác định cơ chế hình thành các vết thương của bị hại Đỗ Văn T1.

Đề nghị triệu tập Giám định viên để làm rõ các nội dung: Việc suy giảm thị lực mắt trái của bị cáo có phải do tác động vết thương mắt trái gây ra hay không, nguyên nhân không tính tỷ lệ thương tích mắt trái của bị cáo; làm rõ xem một vật tày có thể gây ra đa vết thương trên người bị hại được hay không theo như Kết luận giám định thương tích có trong hồ sơ. Xác định vị trí xương xoang hàm trái của bị hại T1, làm rõ có trường hợp nào khi bị tác động không vỡ xương bên ngoài nhưng lại vỡ xương bên trong không.

Cấp sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” là không đúng với bản chất sự việc vì thời điểm này bị hại T1 đang cầm gạch đuổi theo bị cáo nên hành vi của bị cáo ném một vật vào phía bị hại T1 chỉ với mục đích là phòng vệ chính đáng. Do đó, bị cáo D chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại, trường hợp Hội đồng xét xử không hủy án thì chuyển tội danh cho bị cáo Đỗ Văn D để xét xử về tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự.

Bị cáo Đỗ Văn D nhất trí với luận cứ bào chữa của Luật sư, không bổ sung thêm nội dung khác.

Khi được Hội đồng xét xử cho phép nói lời sau cùng, bị cáo nhận thấy sai do chủ động ném anh T1 trước, đề nghị Hội đồng xét xử Hủy bản án sơ thẩm hoặc chuyển tội danh xét xử bị cáo về tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và giảm hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Tại phiên tòa ngày 29/02/2024, sau khi xem xét ý kiến đề nghị của luật sư về việc triệu tập Giám định viên đến phiên tòa để làm rõ các kết luận giám định về thương tích của bị cáo và bị hại, nên Hội đồng xét xử đã tạm ngừng phiên tòa để triệu tập Giám định viên.

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đỗ Văn D cho rằng trong quá trình điều tra: Kết quả khám nghiệm hiện trường là không khách quan vì không có mặt bị cáo tham gia buổi khám nghiệm; cơ quan điều tra thực nghiệm điều tra nhưng không cho bị cáo ra chỉ hiện trường, không đưa thêm người làm chứng là bà Dương Thị M vào tham gia tố tụng; bị cáo không nhất trí với kết luận giám định thương tích của bị cáo, bị hại và đã có đơn yêu cầu giám định lại nhưng không được xem xét giải quyết. Bị cáo xác định hành vi của bị cáo chỉ là phòng vệ chính đáng chứ không phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử Hủy bản án sơ thẩm để điều tra xử lại bị cáo về tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc giảm hình phạt cho bị cáo.

[2] Xét kháng cáo của bị cáo và lời trình bày của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Bị cáo khai tối ngày 29/3/2023 uống rượu tại nhà Đỗ Văn T1 khoảng 4-5 chén thủy tinh nhỏ nhưng không say, bị cáo hoàn toàn tỉnh táo và làm chủ bản thân. Sau khi bị cáo và T1 xảy ra xô xát vật lộn ở trong nhà T1 đã được bà S1 và chị H can ngăn, khi bị cáo đi ra ngoài đường thì thấy T1 cầm vật gì đó đuổi bị cáo nên bị cáo chạy và nhặt được hai viên gạch hay ngói (bị cáo không nhớ) ném T1 dẫn đến T1 bị thương tích là hành vi phòng vệ chính đáng là chưa đủ cơ sở, bởi lẽ: Trong quá trình điều tra không có nhân chứng nào nhìn thấy anh T1 cầm đồ vật gì đuổi bị cáo, lời trình bày này của bị cáo chỉ là một phía, ngoài ra không có tài liệu chứng cứ nào khác trong hồ sơ vụ án nên không đủ căn cứ chứng minh. Việc anh T1 chưa dùng đồ vật hay hung khí gì để tác động đến cơ thể bị cáo, nhưng bị cáo đã nhặt gạch ngói ném anh T1 trước, điều đó thể hiện bị cáo hoàn toàn chủ động chứ không có hành vi bị kích động về tinh thần cũng như vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như bị cáo và Luật sư trình bày.

- Bị cáo cho rằng kết quả khám nghiệm hiện trường là không khách quan vì không có mặt bị cáo tham gia buổi khám nghiệm. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự, việc khám nghiệm hiện trường không bắt buộc phải có mặt bị cáo, Biên bản khám nghiệm hiện trường có trong hồ sơ (bút lục số 31) thể hiện buổi khám nghiệm có các thành phần tham gia và có người chứng kiến theo đúng quy định, do vậy việc khám nghiệm hiện trường là hoàn toàn khách quan. Kết quả khám nghiệm hiện trường không thể hiện có vết máu ở cửa nhà bị hại T1, do vậy không tiến hành thu thập để thực nghiệm điều tra là có cơ sở.

Tại bút lục 67 đến 75 trong hồ sơ vụ án thể hiện ngày 16/5/2023 cơ quan điều tra dẫn bị cáo ra hiện trường để xác định hiện trường theo chỉ dẫn của bị cáo, để bị cáo xác định vị trí bị cáo vật lộn, nhặt gạch ngói ném bị hại T1. Tại bút lục 116 đến 127 trong hồ sơ vụ án thể hiện ngày 01/6/2023 cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm hiện trường, đã cho bị cáo diễn tả lai các động tác theo bị cáo đã mô tả. Việc cơ quan điều tra dẫn bị cáo ra hiện trường để xác định hiện trường, tiến hành thực nghiệm điều tra có lập biên bản, vẽ sơ đồ, chụp ảnh quá trình thực hiện để lưu hồ sơ là đúng quy định của pháp luật. Do vậy bị cáo cho rằng cơ quan điều tra không cho bị cáo chỉ dẫn hiện trường là không có căn cứ.

- Về các Kết luận giám định thương tích số 115/2023/KLTTCT-TTPY ngày 16/5/2023 đối với Đỗ Văn T1 và Kết luận số 141/2023/KLTTCT-TTPY ngày 23/6/2023 đối với Đỗ Văn D: Tại phiên tòa phúc thẩm các Giám định viên thuộc Trung tâm Pháp y tỉnh T đã giải thích rõ ràng từng vết thương, cơ chế hình thành vết thương. Đối với đề nghị của Luật sư về việc làm rõ một vật tày có thể gây ra đa vết thương trên người bị hại được hay không? các Giám định viên khẳng định: Theo chuyên ngành y khoa, khi tác động lực vào một vị trí trên cơ thể con người không có nghĩa sẽ chỉ gây nên tổn thương tại đó mà còn theo từng trường hợp cụ thể, trong vụ án này khi có ngoại lực tác động vào vùng đầu sẽ gây nên đa chấn thương. Đối với ý kiến của Luật sư cho rằng trong quá trình điều tra đã không xác định tỷ lệ thương tích mắt trái của bị cáo, các Giám định viên khẳng định: Bị cáo được bác sĩ chuyên khoa mắt khám, soi đáy mắt bình thường, không có tổn thương, thị lực mắt trái 5/10 khi đeo kính cận 0,75 Diop = 8/10, do vậy kết luận suy giảm thị lực mắt trái của bị cáo do tật khúc xạ viễn thị gây nên, không phải do tác động ngoại lực. Đối với bị hại T1, các kết quả chụp chiếu đều ghi nhận có tổn thương và dẫn đến bị suy giảm thị lực, do vậy kết quả giám định thương tích đối với bị cáo và bị hại là khác nhau.

Xét các Kết luận giám định về thương tích của bị cáo và bị hại đã được Giám định viên giải thích rõ ràng tại phiên tòa. Việc thực hiện giám định thương tích cho bị cáo D và bị hại T1 là đúng các quy trình giám định; các kết luận giám định thương tích là hoàn toàn khách quan, có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, vì vậy không có căn cứ chấp nhận đề nghị của bị cáo và luật sư về việc giám định lại.

- Đối với đề nghị của Luật sư về việc thực nghiệm điều tra lại để làm rõ cơ chế hình thành vết thương của bị hại và cơ chế hình thành vết thương tại đuôi mắt trái của bị cáo. Theo quy định tại Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự, nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia thực nghiệm. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử trình chiếu file video do bà S1 cung cấp trong quá trình điều tra, mặc dù đoạn file video đã được giám định tại KLGĐ số 114/KL - KTHS ngày 08/9/2023 của Phòng K Công an tỉnh T, kết luận: Không đủ cơ sở xác định được nội dung trong file video gửi giám định có bị cắt ghép, chỉnh sửa hay không (do nội dung hình ảnh được ghi lại qua một thiết bị khác), tuy nhiên qua xem đoạn video được trình chiếu tại phiên tòa bị cáo, bị hại thừa nhận tiếng nói, hình ảnh trong đoạn file video đó là tiếng nói và hình ảnh của bị cáo và bị hại là khách quan, trung thực. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận đề nghị tiến hành thực nghiệm điều tra lại của Luật sư.

[3] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 29/3/2023 tại nhà anh Đỗ Văn T1, sau khi ăn cơm, uống rượu, bị cáo Đỗ Văn D và bị hại Đỗ Văn T1 xảy ra mâu thuẫn, vật lộn nhau. Quá trình vật lộn, bị hại T1 dùng tay cào cấu vào mặt bị cáo D dẫn đến bị cáo D bị thương tích ở đuôi mắt trái tổn hại 03% sức khỏe. Bị cáo D chạy ra ngoài, đến cổng nhà bà Dương Thị M tại thôn N, xã N, huyện S, tỉnh T, bị hại T1 đi theo. Tại đây, bị cáo D đã có hành vi cầm 02 viên gạch ngói (là hung khí nguy hiểm) ném theo hướng từ sau ra trước, 01 viên trúng vào vùng mặt trái và hõm mũi của bị hại Đỗ Văn T1. Hậu quả: Bị hại Đỗ Văn T1 tổn hại 45 % sức khỏe. Thương tích của bị hại T1 phù hợp với vết máu trên vật chứng đã thu giữ, phù hợp với các kết luận giám định, phù hợp với lời khai của bị cáo nên có căn cứ xác định thương tích trên mặt bị hại T1 là do bị cáo ném gạch ngói gây nên.

[3] Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm hại đến sức khỏe của người khác; xâm phạm trật tự an toàn xã hội, gây mất trật tự trị an tại địa phương. Xét, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá toàn diện, khách quan các tài liệu, chứng cứ để xử phạt bị cáo D 05 năm tù về tội Cố ý gây thương tích là có căn cứ, không oan, không sai. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 151/2023/HS-ST ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S như đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là phù hợp pháp luật.

[5] Về luận cứ bào chữa của Luật sư, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận đề nghị của luật sư về việc Hủy bản án sơ thẩm và chuyển tội danh cho bị cáo.

[6] Bị cáo Đỗ Văn D phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đỗ Văn D, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2023/HS-ST ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh T như sau:

Căn cứ: Điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Tuyên bố bị cáo Đỗ Văn D phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Xử phạt bị cáo Đỗ Văn D 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam (ngày 16/6/2023).

- Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận và chuyển số tiền 5.000.000đ do bị cáo Đỗ Văn D nộp (bà S nộp thay bị cáo D) theo Biên lai thu tiền ký hiệu BLTT/23, số: 0000909 ngày 06-11-2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S, tỉnh T cho bị hại ông Đỗ Văn T1 để bồi thường thiệt hại. Buộc bị cáo Đỗ Văn D phải bồi thường cho bị hại ông Đỗ Văn T1 số tiền 44.414.580đ được khấu trừ vào số tiền 5.000.000đ theo Biên lai thu tiền ký hiệu: BLTT/23, số: 0000909 ngày 06-11-2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S, tỉnh T. Bị cáo Đỗ Văn D còn phải bồi thường tiếp số tiền 39.414.580đ. Người nhận tiền: Ông Đỗ Văn T1 – Sinh năm: 1978; Địa chỉ: Thôn N, xã N, huyện S, tỉnh T.

- Về án phí sơ thẩm: Buộc bị cáo Đỗ Văn D phải chịu 200.000đ án phí Hình sự sơ thẩm và 1.970.729đ án phí dân sự có giá ngạch. Tổng cộng cả hai án phí là 2.170.729đ (Hai triệu, một trăm bảy mươi nghìn, bảy trăm hai mươi chín đồng).

Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với ông Đỗ Văn T1.

- Về án phí phúc thẩm: Bị cáo Đỗ Văn D phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (05/3/2024).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

41
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 05/2024/HS-PT

Số hiệu:05/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 05/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về