Bản án về tội chống người thi hành công vụ số 05/2023/HS-ST

TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC QUÂN KHU 9

BẢN ÁN 05/2023/HS-ST NGÀY 28/03/2023 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 28 tháng 3 năm 2023, tại Phòng xử án Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 04/2023/TLST- HS ngày 13 tháng 02 năm 2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2023/QĐXXST-HS ngày 15 tháng 3 năm 2023, đối với bị cáo:

Hàng Thanh T, sinh ngày 21 tháng 12 năm 1981, tại Kiên Giang; nơi cư trú: KP L, phường M, thành phố T, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hóa: Lớp 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hàng Văn T và bà Tạ Thị D; vợ Hà Kim T, có 03 con (con lớn nhất sinh năm 1999 và con nhỏ nhất sinh năm 2022); tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: bị truy nã từ ngày 16/12/2006 và bị bắt ngày 15/6/2021; bị tạm giữ từ ngày 15/6/2021 đến ngày 16/6/2021, bị tạm giam từ ngày 16/6/2021 đến ngày 12/9/2021 và ngày 13/9/2021 được thay đổi biện pháp ngăn chặn, hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

- Những bị hại:

1. Trần Phước T1, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1984, tại Kiên Giang; nơi cư trú: ấp B, xã H, huyện CT, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm thuê (nguyên là BN, CS, Đồn Biên phòng Cửa khẩu X, BCH BĐBP Kiên Giang, đã xuất ngũ: tháng 12/2007); vắng mặt.

2. Nguyễn Phước Tun TN, sinh ngày 26 tháng 11 năm 1987, tại Kiên Giang; nơi cư trú:, khu phố T, thị trấn S, huyện Đ, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Buôn bán (nguyên là BN, CS, Đồn Biên phòng Cửa khẩu X, BCH BĐBP Kiên Giang, đã xuất ngũ: tháng 12/2007); vắng mặt.

3. Nguyễn Văn C, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1987, tại Kiên Giang; nơi cư trú: ấp B, xã MT, huyện UT, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm thuê (nguyên là BN, CS, Đồn Biên phòng Cửa khẩu X, BCH BĐBP Kiên Giang; đã xuất ngũ: tháng 12/2007); vắng mặt.

- Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Đồn Biên phòng CKQT HT, BCHBĐBP Kiên Giang; có ông Nguyễn Văn T2 cấp bậc: ĐT, chức vụ: 3// làm đại diện Làm đại diện; sinh ngày: 05/5/1979; nơi cư trú: khu phố X, phường Đ, thành phố H, tỉnh Kiên Giang;

vắng mặt.

2. Phan Hồng M; sinh ngày: 09/8/1977; nơi cư trú: xóm N, xã DL, huyện C, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

3. Bùi Khắc D; sinh ngày: 22/5/1976; nơi cư trú: ấp X, xã TY, huyện AB, tỉnh Kiên Giang; vắng mặt.

- Những người làm chứng:

1. Cao S; vắng mặt 2. Chau D1; vắng mặt.

3. Chung Quốc L; vắng mặt.

4. Chau T3; vắng mặt.

5. Chau T4; vắng mặt.

6. Chau S1; vắng mặt.

7. Trần Văn P; vắng mặt.

8. Tạ Thị D2; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 16/9/2006, Tổ công tác đấu tranh chống buôn lậu của Đồn Biên phòng Cửa khẩu X, BCH BĐBP Kiên Giang hiện nay là Đồn Biên phòng CKQT HT, BCH BĐBP Kiên Giang (Tổ công tác) phát hiện một số đối tượng vận chuyển trái phép dầu Diesel Oil (Diesel) qua biên giới tại khu vực bãi biển thuộc ấp XX, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ban Chỉ huy Tổ công tác, phân công 01 Tổ công tác gồm 10 đồng chí mặc quân phục, sử dụng xe ô tô U oát Biển kiểm soát (BKS) QB 18-81 (xe U oát) và 06 xe mô tô cá nhân để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng buôn lậu. Khi Tổ công tác đến địa điểm trên thì các đối tượng để lại 14 can dầu Diesel (loại can 30 lít) rồi bỏ chạy. Tổ công tác tiến hành thu giữ hàng hóa và dùng xe U oát vận chuyển về đơn vị. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, khi Tổ công tác vận chuyển hàng hóa về đến đoạn đường ruộng muối thuộc ấp Bà Lý, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (ấp Bà Lý) xe U oát của Tổ công tác bị trượt bánh xuống mương nước bên phải đường. Sau đó, Tổ công tác, đã cử thêm một số quân nhân khác đến ấp Bà Lý để tăng cường, hỗ trợ thì mới đưa được xe U oát lên. Lúc này, tại hiện trường có khoảng 200 người dân (phần đông là thanh niên và phụ nữ) ở ấp Bà L đến xem. Khi các quân nhân Tổ công tác chuẩn bị bước lên xe U oát về đơn vị, thì có một số người dân đến chửi bới, ngăn cản Tổ công tác và một số đối tượng không biết tên khai sinh và địa chỉ (một số đối tượng) cầm cây tràm, đá ném vào xe U oát. Trong đó, có bà Tạ Thị D2 dùng lời lẽ chửi bới như:“Bắt dầu về cho ông nội chúng mày ăn sao mà bắt lắm thế, xe lật chúng mày không chết đi, để chúng tao về cúng vịt ăn” và bế một đứa bé đưa vào cửa sau bên phải xe U oát cản trở, đánh các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng và không cho đóng cửa xe U oát. Sau khi được các quân nhân can ngăn và đưa được bà Tạ Thị D2 ra khỏi xe U oát thì liền lúc này, Hàng Thanh T đã cùng với một số đối tượng khác hô hào, chửi bới, dùng đất, đá, cây tràm nhặt ở bên đường ném và dùng tay đánh các quân nhân Tổ công tác nhằm không cho đem hàng hóa về đơn vị. Quân nhân Chung Quốc L thấy T (con ông Hàng Văn T) đang đánh chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (CSBP). Quân nhân L chạy lại can ngăn và đẩy T ngã xuống dưới mương nước và bị T cầm đá ném trúng vào ngực trái của quân nhân L (nhưng không gây thương tích). Sau đó, T tiếp tục nhổ một đoạn cây tràm dài khoảng 60 centimét (cm) đánh trúng vào vai phải của quân nhân Trần Phước T1 làm cho T1 ngã xuống vuông tôm và một số đối tượng đứng trên bờ cầm đá ném trúng vào đầu T1 chảy máu. Lúc này, T1 bơi qua bờ bên kia vuông tôm và chạy về hướng Chợ Mới nhờ một người thanh niên (không biết họ, tên và địa chỉ) đang chơi đá bóng chở về đơn vị. Cùng thời điểm này, quân nhân Nguyễn Văn C đang đi đến xe U oát hỗ trợ thì bị một đối tượng vụt một cây tràm trúng vào vai trái phía sau cổ và quân nhân C bỏ chạy thì một đối tượng khác tiếp tục rượt đuổi theo để đánh C nhưng không trúng. Quân nhân Nguyễn Phước Tun TN bảo vệ ở phía sau xe U oát thấy T1 bị đánh nên chạy lại can ngăn thì bị một đối tượng khác đuổi đánh, ném đá trúng đầu gối ở chân phải làm chảy máu và quân nhân Phan Hồng M can ngăn một số đối tượng không cho đánh các cán bộ, CSBP của Tổ công tác, thì bị một số đối tượng khác đánh trúng vào điện thoại di động hiệu Nokia 6630 (điện thoại) đang cầm trên tay, làm rơi xuống mặt đường có đá và bị hư hỏng. Thấy có nhiều đối tượng, manh động và hung hăng nên Tổ công tác, đã bảo vệ xe U oát cùng hàng hóa vi phạm và rút lui về đơn vị. Riêng quân nhân Bùi Khắc D, sau khi bảo vệ xe U oát chở hàng hóa về đơn vị an toàn và quay trở lại hiện trường để lấy xe mô tô BKS 68 S8-6848 (xe mô tô) của mình thì thấy xe mô tô bị hư hỏng nhẹ.

Hậu quả: tỷ lệ tổn thương cơ thể của các quân nhân Trần Phước T1 là 06% (sáu phần trăm); Nguyễn Phước Tun TN là 02% (hai phần trăm) và Nguyễn Văn C (không có tỷ lệ tổn thương cơ thể). Một điện thoại bị hư hỏng, một xe U oát và một xe mô tô bị hư hỏng nhẹ.

Sau khi xảy ra vụ việc như trên, Cơ quan điều tra tiến hành triệu tập các đối tượng có liên quan để lấy lời khai. Trong đó, có Hàng Thanh T nhưng T đã bỏ trốn. Khi bỏ trốn, T đi làm thuê ở nhiều nơi để sinh sống. Đến ngày 15/6/2021, bị Tổ công tác bắt giữ theo quyết định truy nã ngày 16/12/2006, của Cơ quan Điều tra hình sự Khu vực 3 Bộ đội Biên phòng.

Bị cáo Hàng Thanh T khai tại phiên tòa: vào chiều ngày 16/9/2006, bị cáo cùng với một số người khác (không biết họ, tên và địa chỉ) tham gia vận chuyển dầu Diesel lậu cho chủ người Campuchia tên L (không biết mặt và địa chỉ). Khi bị Tổ công tác phát hiện, bị cáo cùng với một số người khác bỏ lại các can dầu Diesel và bỏ chạy trốn theo nhiều hướng khác nhau, còn bị cáo thì bỏ chạy về nhà tại ấp Bà Lý để trốn. Một lúc sau, bị cáo nghe tiếng ồn ào cách nhà của bị cáo khoảng 600 mét (m) -700m bị cáo nhìn thấy, xe U oát của Tổ công tác chở dầu Diesel lún xuống mương nước. Bị cáo đi lại gần xe U oát, thì bị các anh cán bộ, CSBP của Tổ công tác nói: “đi ra, chỗ người ta đang làm việc”. Bị cáo và các CSBP có xô đẩy, chửi qua lại và bị cáo không có tham gia đánh ai. Sau đó, bị cáo bỏ đi về nhà.

Bị hại Trần Phước T1 khai tại Cơ quan điều tra: vào khoảng 16 giờ 30 ngày 16/9/2006, xe U oát đi đến đường ruộng muối ấp Bà L, khi các quân nhân của Tổ công tác đẩy được xe U oát lên xong thì lúc này, có đông người dân (khoảng 200 người) đến xem, trong đó có một người đàn bà (khi làm việc với Cơ quan điều tra mới biết tên bà là Tạ Thị D2), đã dùng lời lẽ chửi bới Tổ công tác và bế một đứa bé đưa vào cửa sau bên phải xe U oát để ngăn cản. Sau khi được các quân nhân can ngăn, đưa được bà D2 và bế đứa bé ra khỏi xe U oát và cùng thời điểm này, tôi thấy Chau T3 điều khiển xe mô tô 67 (không có Biển kiểm soát) chở Chau T4 ngồi ở phía sau lại chỗ xe U oát. Lúc này, tôi cùng với các CSBP khác đang ở phía sau xe U oát bảo vệ hàng hóa, không cho các đối tượng giành lại dầu Diesel trên xe U oát và tôi bị Chau T4 cùng với một số đối tượng xông vào vây đánh bằng tay và tôi bỏ chạy thì bị một số đối tượng khác dùng đá ném trúng ngực tôi và tôi la lên: “chết tao rồi TN ơi” và tôi bị ngã xuống đường. Sau đó, tôi cố đứng dậy và bỏ chạy, thì bị một người thanh niên khác có đặc điểm như: “đầu đội mũ vải lưỡi trai quay ngược ra sau, mặc áo thun trắng cũ có dính nhiều vết dầu, đuôi tóc phía sau dài” tiếp tục đuổi theo, trên tay cầm một đoạn cây tràm dài khoảng 60cm - 70cm đánh trúng vào vai phải của tôi, làm cho tôi ngã xuống vuông tôm và tôi bị một số đối tượng khác tiếp tục ném đá xuống vuông tôm, khi tôi đang bơi nên trúng vào đầu làm chảy máu. Lúc này, tôi tiếp tục bơi qua bờ bên kia vuông tôm và chạy về hướng Chợ Mới nhờ người thanh niên (không biết mặt và địa chỉ) đang chơi bóng đưa tôi về đơn vị. Tôi biết mặt Chau T3, vì trước đây tôi được phân công trực ở chốt ở ấp Bà Lý, thì Chau T3 có gặp tôi và nói: “Em có chở 01- 02 can dầu Diesel bằng xe mô tô, xin anh cho em qua chốt”. Tôi không đồng ý nên Chau T3 có chửi tôi và sau đó, điều khiển xe mô tô bỏ đi. Thương tích của tôi hiện nay đã khỏi tôi không yêu cầu khởi tố tội “Cố ý gây thương tích” và bồi thường về phần dân sự. Tuy nhiên, tôi yêu cầu khởi tố về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Bị hại Nguyễn Văn C khai tại Cơ quan điều tra: vào khoảng 16 giờ 30 ngày 16/9/2006, tại ấp Bà Lý tôi cùng với các đồng chí trong Tổ công tác, can ngăn và đưa một người bà (không biết tên và địa chỉ) cùng với đứa bé ra khỏi xe U oát. Liền lúc này, có một số đối tượng dùng đá, cây tràm có ở ven đường đánh và ném vào Tổ công tác. Thấy vậy, tôi chưa kịp chạy thì bất ngờ bị vụt một cây tràm từ phía sau trúng vào vai phải gần cổ và tôi tiếp tục bỏ chạy được một đoạn thì đến xe U oát và tôi lên xe về đơn vị. Trong lúc, bỏ chạy tôi có quay lại nhìn và thấy có đông người cầm đá ném theo tôi nhưng không trúng. Sau đó, tôi cùng với các quân nhân Phước T1 và TN được mọi người đưa đi Bệnh viện thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang để cấp cứu và chúng tôi nằm điều trị ở Bệnh viện được 03 ngày và sau đó thì trở về đơn vị. Tôi không biết mặt đối tượng cầm cây tràm gây thương tích cho tôi. Do thời điểm này, có đông người dân (khoảng 200 người), sự việc diễn ra nhanh và rất lộn xộn. Tôi yêu cầu Cơ quan điều tra, xử lý các đối tượng về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Bị hại Nguyễn Phước Tun TN khai tại Cơ quan điều tra: khoảng 16 giờ 30 ngày 16/9/2006, tại ấp Bà Lý tôi thấy các quân nhân can ngăn bà Tạ Thị D2 và đưa bà D2 cùng với đứa bé ra khỏi khu vực xe U oát. Cùng thời điểm này, tôi thấy Chau T3 điều khiển xe mô tô 67 (không có biển kiểm soát) và chở 01 người thanh niên (không biết tên và địa chỉ) ngồi phía sau đi đến xe U oát. Lúc này, người thanh niên này cùng với một số đối tượng rất hung hăng xông vào, dùng tay, chân đấm đá, dùng cây tràm có ở ven đường đánh Tổ công tác để giành lại dầu Diesel nhưng không lấy được do trên xe còn các quân nhân khác. Sau đó, tôi cùng với quân nhân Trần Phước T1 và các quân nhân khác trong Tổ công tác đi lại phía sau xe U oát đứng để bảo vệ hàng hóa. Liền lúc này một số đối tượng xông vào đánh T1 trước; tôi thấy vậy nên lao vào giải cứu T1 và đánh trả lại một số đối tượng đã đánh T1. Đồng thời, tôi cũng bị một đối tượng đạp vào lưng, từ phía sau làm tôi ngã chúi xuống hố, tôi cố gắn đứng lên và bỏ chạy thì tiếp tục bị một số đối tượng khác dùng đá, cây có ở ven đường ném trúng vào tôi làm cho đầu gối, bàn chân bên phải bị chảy máu và tôi tiếp tục bỏ chạy theo xe U oát về đơn vị. Tôi không biết tên và địa chỉ những người đã gây ra thương tích cho tôi và T1, vì có đông người dân (khoảng 200 người), sự việc diễn ra nhanh và rất lộn xộn. Tôi không yêu cầu khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích” và bồi thường về phần dân sự. Tuy nhiên, tôi yêu cầu khởi tố về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án Bùi Khắc D và Nguyễn Văn Tùng có lời khai tại Cơ quan điều tra: vào khoảng 16 giờ 30 ngày 16/9/2006 tại ấp Bà L, chúng tôi thấy một số đối tượng đã lấy đá ném và dùng cây tràm đập phá các tài sản như: 01 xe U oát của đơn vị và 01 xe mô tô đều bị hư hỏng nhẹ và tiền chi phí điều trị cho các bị hại trên, tại Bệnh viện thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, do đơn vị đã bỏ tiền chi trả cho Bệnh viện xong. Chúng tôi không yêu cầu bồi thường và bồi hoàn về phần dân sự.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án Phan Hồng M có lời khai tại Cơ quan điều tra: vào khoảng 16 giờ 30 ngày 16/9/2006 tại ấp Bà L, tôi cùng với các cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác đẩy được xe U oát lên xong, khi xe U oát chuẩn bị chạy về đơn vị, thì một số đối tượng đã ngăn cản không cho xe U oát chạy. Lúc này, tôi đang đứng ở phía cửa sau, phía bên phải xe U oát và nói: “có chuyện gì không, tránh ra để xe U oát đi”. Tuy nhiên, một số đối tượng này, không nghe mà còn xông vào xô đẩy các cán bộ, CSBP. Tôi bị 02 - 03 người thanh niên không biết tên khai sinh và địa chỉ đã xong vào đánh trúng vào điện thoại của tôi đang cầm ở trên tay, làm cho chiếc điện thoại rơi xuống mặt đường có đá, bị vỡ vỏ ngoài, mất bàn phím và bị hư hỏng. Điện thoại tôi mua vào khoảng đầu năm 2005, với số tiền là 2.800.000đ. Tôi không yêu cầu bồi thường về phần dân sự hay ý kiến gì thêm.

Người làm chứng Chung Quốc L khai tại Cơ quan điều tra: vào khoảng 16 giờ 00 phút ngày 16/09/2006, tôi nhận được điện thoại của 2// Trần Văn Đ (Đồn T, Tổ công tác) với nội dung, điều khiển xe mô tô chở đồng chí Lê Văn V đi đến ấp Bà Lý để tăng cường, hỗ trợ đẩy xe U oát bị lún ở ấp Bà Lý. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, thì chúng tôi đến chỗ xe U oát. Lúc này, tôi thấy có một số đối tượng dùng gạch, đá, cây tràm đánh và ném vào cán bộ, CSBP của Tổ công tác. Trong đó, có Hàng Thanh T (con ông Hàng Văn T) đang đánh CSBP. Tôi chạy lại can ngăn và đẩy T ngã xuống dưới mương và T cầm đá ném lại, trúng vào ngực trái của tôi nhưng không gây thương tích. Lúc này, T mặc áo thun màu trắng, đội mũ vải lưỡi trai quay ngược ra sau, cao khoảng 1,60m - 1,65m dáng người trung bình để tóc dài phủ hai tai. Tôi nhận ra T vì trước đây, tôi được phân công xuống địa bàn ấp Bà Lý để nắm tình hình, cho nên tôi biết được T. Trong lúc thi hành nhiệm vụ tất cả chúng tôi đều mặc quân phục có quân hàm, quân hiệu.

Những người làm chứng Cao S và Chau D1 có lời khai tại Cơ quan điều tra: vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 16/09/2006, tại ấp bà Lý chúng tôi thấy các CSBP có can bà Tạ Thị D2 bế đứa bé ra khỏi xe U oát xong, thì Hàng Thanh T (con bà Tạ Thị D2) ngay lập tức xông vào đánh các CSBP. Sau đó, chúng tôi cũng nhìn thấy T tiếp tục cầm một đoạn cây tràm dài khoảng 60cm - 70cm đuổi theo một CSBP đánh trúng một cây vào vai phải của CSBP, làm cho CSBP này ngã xuống vuông tôm, lúc này T mặc áo thun màu trắng cũ, đội mũ lưỡi trai quay ngược ra sau. Chúng tôi nhận ra T, vì đứng rất gần với T khoảng 05m - 06m và chúng tôi ở cùng ấp Bà Lý với T nên nhận ra được T. Ngoài ra, chúng tôi còn thấy Chau S1 và Trần Văn P dùng chân đạp và tay đánh các CSBP, do chúng tôi ở cùng ấp Bà Lý nên biết mặt.

Người làm chứng Tạ Thị D2 khai tại Cơ quan điều tra: sự việc xảy ra vào buổi chiều ngày 16/9/2006, tôi có mặt nhưng chỉ đứng xem, không có tham gia đánh, ngăn cản và chửi bới Tổ công tác. Tôi có biết con tôi (Hàng Thanh T) sau khi sự việc lật xe U oát của Biên phòng tại ấp Bà Lý. T có bị truy nã do Cơ quan điều tra đến nhà tôi và thông báo cho gia đình tôi biết là T đã bị truy nã và để gia đình vận động con tôi ra đầu thú, để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Gia đình tôi không biết được con tôi bỏ trốn ở đâu và tôi cũng không liên lạc được. Sau đó, một thời gian gần đây (tôi không nhớ tháng, năm) thì con tôi có trở lại với gia đình, đã cưới vợ và có 02 con.

- Kế hoạch ngày 15/9/2006, của Tổ công tác về thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến Biên giới Hà Tiên (Từ ngày 01/9/20006 đến ngày 30/9/2006).

- Biên bản kiểm tra hiện trường, sơ đồ hiện trường do Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 Bộ đội Biên phòng lập vào hồi 08 giờ 00 ngày 28/10/2006, thể hiện: hiện trường nơi xảy ra vụ án "Chống người thi hành công vụ" nằm ở đường ruộng muối thuộc địa phận ấp Bà L, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên. Vị trí hiện trường rộng và thoáng. Mặt đường nơi xảy ra vụ án rộng 3,80m, là loại đường đất và có lẫn nhiều đá. Phía Bắc hiện trường tiếp giáp với vuông tôm của ông Chau M, phía trong là ruộng lầy ngập nước. Phía Nam hiện trường tiếp giáp với mương dẫn nước rộng 2m và sâu 0.6m. Hai bên bờ mương có đóng nhiều cọc tràm để chống sạt lở. Các cọc tràm có kích thước trung bình dài 0,70m đường kính 8cm. Tiếp giáp với mương dẫn nước là vuông tôm của các ông Chau Mao, Cao S và ông Chau L. Trên bờ vuông tôm của ông Cao S sát với mương dẫn nước có dựng một lều trông vuông tôm. Phía Đông hiện trường là đường đi về ấp Bà Lý, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên. Phía T1 hiện trường là đường đi về ấp XX, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên.

- Biên bản khám nghiệm phương tiện và Bản ảnh khám nghiệm phương tiện do Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 Bộ đội Biên phòng lập vào hồi 08 giờ 00 ngày 28/10/2006 xác định: xe U oát bị hư hỏng cửa trước, cửa sau bên phải bị vênh bản lề; kính chắn gió phía sau bị bể hoàn toàn và đuôi xe bên phải có vết lõm không rõ hình thù, đường kính chỗ rộng nhất là 05cm, đầu và đuôi vết lõm cách mặt đất theo thứ tự là 41cm và 38cm.

- Biên bản xác định thiệt hại do Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3 Bộ đội Biên phòng lập vào hồi 09 giờ 00 ngày 30/10/2006, tại Tổ công tác xác định: xe U oát bị bể kính chắn gió phía sau, trầy xước ở bên trái, phải đuôi xe.

- Bản kết luận pháp y về thương tích số: 350; 351 và 352 PY/2006/Th.T ngày 09/11/2006, của Trung Tâm pháp y - Sở Y tế tỉnh Kiên Giang kết luận: tỷ lệ tổn thương cơ thể Trần Phước T1: 06 % (sáu phần trăm); Nguyễn Phước Tun TN: 02% (hai phần trăm) và Nguyễn Văn C (không có tỷ lệ tổn thương cơ thể).

Tại bản Cáo trạng số 01/CT-VKS-KV2 ngày 10/2/2023, Viện kiểm sát quân sự Khu vực 2 Bộ đội Biên phòng đã truy tố bị cáo về tội: “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, căn cứ khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015; điểm b khoản 1 và điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017, của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo. Trên cơ sở phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả vụ án, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố bị cáo Hàng Thanh T phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

Áp dụng khoản 1 Điều 330; khoản 1 Điều 38; điểm i khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS, xử phạt bị cáo Hàng Thanh T từ 06 (sáu) tháng đến 01 (một) năm tù.

Về bồi thường thiệt hại: các bị hại và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án không yêu cầu bồi thường, bồi hoàn về phần dân sự. Đề nghị HĐXX không xem xét về trách nhiệm dân sự trong vụ án này.

Về xử lý vật chứng: đề nghị HĐXX ghi nhận ngày 16/9/2006, Tổ công tác, thu giữ 14 can dầu Diesel (loại can 30 lít) do không xác định được chủ sở hữu nên đến ngày 16/10/2006 đã chuyển số tang vật trên cho Phòng Tài chính thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bị cáo đồng ý với các nội dung luận tội của Kiểm sát viên về tội danh, điều luật áp dụng và không có ý kiến tranh luận gì thêm.

Lời nói sau cùng, bị cáo cho rằng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo là lao động chính trong gia đình, bị cáo đang nuôi 02 đứa con nhỏ, vợ bị cáo không có việc làm, hay ốm đau bệnh tật (sức khỏe yếu) và cha ruột bị cáo được tặng nhiều Kỷ niệm chương. Xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo, các bị hại, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và những người tham gia tố tụng khác không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, có cơ sở để khẳng định các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên toà, mặc dù bị cáo cho rằng mình không có hành vi đánh, lôi kéo, xô đẩy các CSBP, nhưng lời khai nhận của bị cáo vào ngày 15/6/2021, tại Tổ công tác thì bị cáo đã có hành vi dùng tay đánh, lôi kéo, xô đẩy CSBP đang thực hiện nhiệm vụ, nhằm để giành lấy lại số hàng hóa đã bị bắt giữ trên xe U oát của Tổ công tác. Lời khai này, của bị cáo phù hợp với các lời khai của các bị hại, những người làm chứng và phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, do đó HĐXX có đủ cơ sở để kết luận: vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 16/9/2006, tại ấp Bà Lý, Tổ công tác đang vận chuyển 14 can dầu Diesel là hàng hóa do các đối tượng buôn lậu bỏ lại và chở bằng xe Uoát về đơn vị để xử lý. Khi xe U oát chạy đến đoạn đường ruộng muối ấp Bà Lý (gần nhà của bị cáo), thì bị trượt lún xuống bờ mương nước. Lúc này, có khoảng 200 người dân đến xem, trong đó có Hàng Thanh T, Tạ Thị D2, Chau T4, Chau T3, Chau S1, Trần Văn P và cùng một số đối tượng chửi bới, dùng gạch, đá và cây tràm đánh và ném vào cán bộ, CSBP của Tổ công tác nhằm giành lấy lại 14 can dầu Diesel đã bị bắt giữ và ngăn cản không cho chở hàng hóa về đơn vị. Sau đó, Nguyễn Phước T1 là CSBP của Tổ công tác đang làm nhiệm vụ vào can ngăn, thì Hàng Thanh T dùng cây tràm dài khoảng 70cm đánh trúng vai phải của T1, làm cho T1 ngã xuống mương nước và T1 tiếp tục bị một số đối tượng khác ném đá trúng đầu của T1 làm chảy máu, đồng thời các quân nhân Nguyễn Phước Tun TN và Nguyễn Văn C cũng bị một số đối tượng dùng chân đạp, tay đánh và dùng cây tràm, đá có ở ven đường ném gây ra thương tích. Ngoài ra, một số đối tượng còn dùng đá ném, cây tràm đánh và đập phá, đã gây thiệt hại tài sản cho Tổ công tác.

Hậu quả: Trần Phước T1 bị thương tích là 06%; Nguyễn Phước Tun TN bị thương tích 02% và Nguyễn Văn C (không có tỷ lệ thương tích). Một xe U oát của đơn vị, một xe mô tô đều bị hư hỏng nhẹ và điện thoại bị hư hỏng. Làm cản trở việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Tổ công tác.

Khi phạm tội bị cáo trên 18 tuổi, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, hành động này của bị cáo nhằm mục đích cản trở nhiệm vụ của Tổ công tác đang thi hành công vụ và giành lại hàng hóa đã vận chuyển trái phép. Trên cơ sở so sánh, đánh giá BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 với BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hội đồng xét xử xét thấy, về mặt tổng thể khoản 1 Điều 257 BLHS năm 1999 có mức hình phạt bằng với khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015. Do đó, căn cứ khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015; điểm b, khoản 1, điểm h, khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017. Vì vậy, có đủ cơ sở để kết luận hành vi của bị cáo phạm tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS. Từ những phân tích, đánh giá trên, HĐXX có đủ cơ sở khách quan và căn cứ pháp lý để kết luận Cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự Khu vực 2 Bộ đội Biên phòng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra là ít nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo đã xâm hại trực tiếp đến hoạt động bình thường, đúng đắn của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đang thi hành công vụ, làm giảm hiệu lực hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gây mất an ninh trật tự tại địa phương cho nên cần phải xử phạt bị cáo mức án tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội để cải tạo, giáo dục và phòng ngừa chung.

[4] Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo; trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và gia đình của bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, có 02 con còn nhỏ, vợ không có việc làm và sức khỏe yếu, bị cáo là lao động chính trong gia đình, vụ việc phạm tội xảy ra đã lâu nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm i khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS. Đối với các đơn xác nhận của ông Hàng Văn Tất (cha ruột) của bị cáo, được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp Hội Chữ thập đỏ”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số” và Kỷ niệm chương Hội Cựu chiến binh Việt Nam do Chính quyền địa phương xác nhận, thể hiện ông Hàng Văn Tất là người có nhiều cống hiến trong cộng đồng, mà bị cáo đã cung cấp các tài liệu này cho Tòa án trước khi mở phiên tòa hôm nay. Vận dụng theo tinh thần quy định tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp Lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020, của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Xét thấy, các tài liệu trên là chưa phù hợp để áp dụng được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Mặc dù, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đã bỏ trốn và bị Cơ quan điều tra ra Quyết định truy nã và bị bắt giữ theo Quyết định truy nã. Vì thế, Hội đồng xét xử nhận thấy cần phải tuyên một mức án nghiêm minh, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một khoảng thời gian nhất định nhằm để cải tạo, giáo dục, bị cáo có ý thức tuân theo pháp luật, ngăn ngừa bị cáo phạm tội mới. Tiếp tục duy trì lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Đề nghị của Kiểm sát viên về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ chấp nhận.

[5] Trong vụ án này, bị cáo Hàng Thanh T và một số đối tượng Chau S1, Chau T3 và Trương Văn H đã khai nhận có một số lần đi vận chuyển thuê dầu Diesel lậu từ Việt Nam sang Campuchia để lấy tiền công tiêu xài. Tuy nhiên, do không xác định số lượng, giá trị hàng hóa nên không đủ cơ sở để khởi tố các đối tượng trên về hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Các tài sản bị thiệt hại của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án như: một xe U oát của đơn vị; một xe mô tô đều bị hư hỏng nhẹ và một điện thoại bị hư hỏng trong khi thi hành nhiệm vụ mà do một số đối tượng đã gây ra. Xét thấy, có dấu hiệu của tội “Hủy hoại tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra không tiến hành định giá các tài sản bị thiệt hại tại thời điểm xảy ra vụ án và không xác định được một số đối tượng đã gây ra các thiệt hại về tài sản cho đến nay đã quá lâu, nên đã hết thời hạn truy cứu trách nhiện hình sự.

Đối với các lời khai của các bị hại Trần Phước T1, Nguyễn Phước Tun TN và những người làm chứng Cao S, Chau D1 đối với hành vi của Tạ Thị D2, Chau T4, Chau T3, Chau S1 và Trần Văn P đã có hành vi la hét, chửi bới, dùng chân, tay, đánh các cán bộ, CSBP của Tổ công tác đang thực hiện nhiệm vụ có dấu hiệu phạm tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 257 BLHS năm 1999 và đồng phạm trong vụ án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Xét thấy, căn cứ khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 27 và Điều 28 BLHS. Cơ quan điều tra không khởi tố Tạ Thị D2, Chau T4, Chau T3, Chau S1 và Trần Văn P là đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, tại phiên tòa hôm nay bị cáo không thừa nhận hành vi ném đá trúng vào ngực người làm chứng Chung Quốc L và chỉ có một lời khai của người làm chứng Chung Quốc L cho rằng, bị cáo ném đá trúng vào ngực của mình và không có chứng cứ nào khác, để xác định cho hành vi phạm tội này đối với bị cáo cho nên HĐXX không xem xét.

[6] Về bồi thường thiệt hại, do không có yêu cầu gì về bồi thường thiệt hại nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Về xử lý vật chứng, vật chứng trong vụ án này là 14 can dầu Diesel (loại can 30 lít) trước khi xét xử Tổ công tác đã xử lý theo quy định của pháp luật.

[8] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 của Quốc hội; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bị cáo Hàng Thanh T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào điểm g khoản 2 Điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

1. Về hình sự:

Tuyên bố bị cáo Hàng Thanh T phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

Áp dụng khoản 1 Điều 330; khoản 1 Điều 38; điểm i khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Hàng Thanh T 01 (một) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi thi hành án, được trừ thời gian bị tạm giữ và tạm giam trước đó (từ ngày 15 tháng 6 năm 2021 đến ngày 12 tháng 9 năm 2021). Tiếp tục duy trì lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật.

2. Về án phí:

Áp dụng khoản 2 Điều 135 và khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo Hàng Thanh T phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

3. Quyền kháng cáo đối với bản án:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 28/3/2023) đối với bị cáo có mặt và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án đối với các bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án này lên Tòa án quân sự Quân khu 9./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

85
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội chống người thi hành công vụ số 05/2023/HS-ST

Số hiệu:05/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án quân sự
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về