Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 64/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 64/2022/HS-PT NGÀY 09/08/2022 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Ngày 09 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 85/2022/TLPT- HS ngày 11 tháng 7 năm 2022 đối với bị cáo Trịnh Thị Kiều O do có kháng cáo của bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2022/HS-ST ngày 24/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện L, thành phố Cần Thơ.

- Bị cáo có kháng cáo:

Trịnh Thị Kiều O, sinh năm 1984 tại Cần Thơ. Nơi cư trú: ấp A2, xã T, huyện L, thành phố Cần Thơ; giới tính: nữ; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; nghề nghiệp: tài xế; trình độ học vấn: 9/12; con ông Trịnh Văn G và bà Đinh Thị H; tiền án, tiền sự: không.

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú;  mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo: Bà Đinh Thị Kiều T, sinh năm 1980; Địa chỉ: ấp A2, xã T, huyện L, thành phố Cần Thơ; Có mặt.

Trong vụ án còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do biết Trịnh Thị Kiều O có cho vay tiền nên từ ngày 17 tháng 8 năm 2019 âm lịch (nhằm ngày 15 tháng 9 năm 2019 dương lịch) đến ngày 29 tháng 8 năm 2019 âm lịch (nhằm ngày 27 tháng 9 năm 2019 dương lịch), Nguyễn Thị Đ và Đinh Thị Kiều T hỏi vay tiền của O 03 lần tổng số tiền 60.000.000 đồng, với lãi suất 20%/tháng (tương đương 240%/năm). Việc thỏa thuận vay giữa O và Đ, T thực hiện thanh toán lãi hàng tháng, bắt đầu tính lãi là vào tháng liền kề tiếp theo của các khoản vay và không thỏa thuận thời hạn thanh toán tiền nợ gốc, cụ thể như sau:

Lần thứ 1: Vào ngày 15 tháng 9 năm 2019, Đ vay số tiền 40.000.000 đồng, O đưa ra lãi suất là 20%/tháng (tương đương 240%/năm) thì Đ đồng ý vay, cùng đi với Đ đến nhận tiền có T. Sau khi nhận tiền, Đ và T chia nhau mỗi người 20.000.000 đồng. Mỗi tháng, T là người đóng lãi cho O số tiền là 8.000.000 đồng. Tính đến tháng 12 năm 2020, O đã thu 14 tháng tiền lãi với số tiền là 112.000.000 đồng của T đối với khoản vay trên.

Lần thứ 2: Vào ngày 27 tháng 8 năm 2019 âm lịch (nhằm ngày 25 tháng 9 năm 2019 dương lịch), T nhờ Đ gọi điện thoại cho O để hỏi vay thêm 10.000.000 đồng, cũng với lãi suất 20%/tháng (tương đương 240%/năm). Mỗi tháng T và Đ đóng lãi cho O số tiền là 2.000.000 đồng. Tính đến tháng 12 năm 2020, O đã thu 14 tháng tiền lãi với số tiền là 28.000.000 đồng. T đã đóng lãi cho O 26.000.000 đồng, Đ đã đóng lãi cho O 2.000.000 đồng đối với khoản vay trên.

Lần thứ 3: Vào ngày 29 tháng 8 năm 2019 âm lịch (nhằm ngày 27 tháng 9 năm 2019 dương lịch), T nhờ Đ gọi điện thoại cho O để hỏi vay thêm 10.000.000 đồng cũng với lãi suất 20%/tháng (tương đương 240%/năm). Mỗi tháng T và Đ đóng lãi cho O số tiền là 2.000.000 đồng. Tính đến tháng 12 năm 2020, O đã thu 14 tháng tiền lãi với số tiền là 28.000.000 đồng, trong đó T đã đóng lãi cho O 26.000.000 đồng, Đ đã đóng lãi cho O 2.000.000 đồng đối với khoản vay trên.

Do hết khả năng đóng lãi, Đ và T xin trả dần tiền nợ gốc hàng tháng không đóng lãi nữa nhưng O không đồng ý nên đến ngày 28 tháng 6 năm 2021, Đ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện L để tố giác hành vi cho vay lãi nặng của O.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 18/2022/HSST ngày 24/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện L đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Trịnh Thị Kiều O phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Căn cứ: khoản 2 Điều 201; điểm i, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 38 Bộ luật hình sự;

Xử phạt: Bị cáo Trịnh Thị Kiều O 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn phạt tù được tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Về xử lý tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm:

- Tịch thu sung công quỹ nhà nước đối với:

+ Khoản tiền bị cáo dùng để cho vay: Buộc Nguyễn Thị Đ trả cho bị cáo số tiền vay 20.000.000 đồng và Đinh Thị Kiều T trả cho bị cáo số tiền vay 40.000.000 đồng. Buộc bị cáo nộp số tiền 60.000.000 đồng.

+ Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự mà bị cáo đã thu của người vay: Buộc bị cáo nộp 14.028.000 đồng.

- Buộc bị cáo trả cho người vay số tiền lãi thực tế đã thu: trả cho bà Nguyễn Thị Đ số tiền 4.000.000 đồng. Đối với số tiền 149.972.000 đồng của bà Đinh Thị Kiều T đã đóng lãi cho bị cáo, tại phiên tòa, bà T không yêu cầu nhận lại nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.

Ngoài ra, bản án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi tuyên án sơ thẩm, ngày 02/6/2022 bị cáo Trịnh Thị Kiều O kháng cáo xin được hưởng án treo; ngày 13/7/2022, bị cáo O có đơn thay đổi yêu cầu kháng cáo về áp dụng hình phạt tiền. Ngày 07/6/2022, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Đinh Thị Kiều T kháng cáo xin được nhận lại số tiền lãi thực tế đã đóng là 149.972.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo về áp dụng hình phạt tiền.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu kháng cáo nhận lại số tiền 149.972.000 đồng.

Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án: Bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng với hành vi phạm tội của bị cáo, đã xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo. Tuy nhiên, tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo cung cấp thêm chứng cứ liên quan về gia đình có công với Cách mạng, thực hiện xong nghĩa vụ với bà Đ, biên lai thu tiền đã tuyên sung vào công quỹ Nhà nước theo Bản án sơ thẩm. Căn cứ Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 về xử lý tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo cũng đảm bảo đủ tác dụng răn đe và phòng ngừa chung, đó cũng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Đối với kháng cáo xin nhận lại số tiền lãi thực tế đã thu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tại phiên tòa bà T rút yêu cầu kháng cáo nên đề nghị Đình chỉ yêu cầu này. Tuy nhiên, đây là tiền thu lợi bất chính của bị cáo nên đề nghị tịch thu sung công. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, tuyên áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo Trịnh Thị Kiều O và có áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự để xử phạt với số tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Kháng cáo của bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn luật định nên vụ án được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng và bản án sơ thẩm đã quy kết. Đối chiếu với tài liệu chứng cứ thể hiện trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở để kết luận:

Từ ngày 15/9/2019, bị cáo đã nhiều lần cho Nguyễn Thị Đ và Đinh Thị Kiều T vay tổng số tiền là 60.000.000 đồng, với lãi suất thỏa thuận là 20%/tháng, tương đương 240%/năm. Tính đến ngày 28/6/2021, trường hợp Đ và T đóng đủ 21 tháng tiền lãi thì số tiền bị cáo thu được là 252.000.000 đồng, nhưng do Đ và T đóng không đầy đủ nên bị cáo chỉ thu thực tế là 168.000.000 đồng.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, mức lãi suất cho vay cao nhất là 20%/năm; trong khi, mức lãi suất bị cáo đặt ra cao gấp 12 lần so với quy định trong giao dịch dân sự. Căn cứ số tiền và thời gian vay thì số tiền lãi tối đa bị cáo được phép thu là 21.042.000 đồng. Do đó, bị cáo thu lợi bất chính số tiền là 230.958.000 đồng.

Với hành vi và số tiền thu lợi bất chính nêu trên, cấp sơ thẩm truy tố xét xử bị cáo về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” với tình tiết định khung “Phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: [3.1] Đối với kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đinh Thị Kiều T:

Tại phiên tòa, bà T rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo. Xét việc rút kháng cáo là ý chí tự định đoạt của đương sự, không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[3.2] Đối với kháng cáo của bị cáo Trịnh Thị Kiều O:

Bị cáo kháng cáo xin được áp dụng hình phạt tiền, với lý do: bản thân bị bệnh ung thư, không có sức khỏe, hoàn cảnh gia đình bị cáo đơn chiếc, cha mẹ bị cáo hết tuổi lao động, bị cáo là lao động chính trong gia đình, ông ngoại của bị cáo có công với Cách mạng.

Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo là người đã thành niên, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tín dụng mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vay và tiềm ẩn cả nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an ninh địa phương. Do đó, cần có mức án tương xứng để không chỉ đảm bảo tác dụng giáo dục răn đe đối với bị cáo mà còn phòng ngừa chung cho xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng và phải chịu các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng theo quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo cung cấp biên lai thu số tiền 74.228.000 đồng (biên lai thu số 0005201 ngày 06/6/2022) là số tiền đã tuyên sung vào công quỹ Nhà nước theo Bản án sơ thẩm. Qua điều này thể hiện: bị cáo đã thật sự ăn năn hối cải và có thiện chí sửa chữa sai lầm. Bên cạnh đó, bị cáo đã thực hiện xong nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị Đ số tiền lãi thực tế đã thu 4.000.000 đồng; đồng thời, bổ sung giấy chứng nhận gia đình có công với Cách mạng (ông ngoại của bị cáo là ông Đinh Văn H1 được Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng 3 về việc đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – Đây là nghĩa cử cao đẹp được Nhà nước tri ân và trân trọng) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên Hội đồng xét xử xem xét áp dụng thêm cho bị cáo về tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, việc bị cáo bị bệnh ung thu phải điều trị thường xuyên, mặc dù không là tình tiết giảm nhẹ nhưng cũng được Hội đồng xét xử cân nhắc khi áp dụng hình phạt.

Sau khi xem xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đánh giá về hoàn cảnh gia đình, nhân thân không có tiền án tiền sự của bị cáo, đối chiếu nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Hội đồng xét xử xét thấy: Theo Biên bản xác minh ngày 17/8/2021 của Công an xã Th, huyện L, thành phố Cần Thơ thì hành vi phạm tội của bị cáo không mang tính chất chuyên nghiệp cũng như không hoạt động dưới hình thức băng nhóm (Bút lục: 105). Nên việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với bị cáo cũng đảm bảo đủ tác dụng răn đe và phòng ngừa chung. Đồng thời, Hội đồng xét xử có xem xét áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Qua đó, giúp bị cáo nhận thấy chính sách khoan hồng của Nhà nước, giáo dục ý thức biết sống đặt mình trong khuôn khổ pháp luật và trở thành người có ích cho xã hội.

Từ những phân tích trên, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp.

[4] Riêng, số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà bị cáo thực tế đã thu của bà Đinh Thị Kiều T là 149.972.000 đồng, tại cấp sơ thẩm người vay không yêu cầu thì khoản tiền thu lợi bất chính phải tịch thu sung quỹ Nhà nước. Tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm, người liên quan kháng cáo yêu cầu nhận lại số tiền này nhưng tại phiên tòa phúc thẩm bà T đã rút kháng cáo. Đồng thời, bị cáo phạm tội nhiều lần và phải chịu tình tiết tăng nặng nên việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ về phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo điểm i Điều 51 (nêu trên) là không đúng quy định. Nhưng bản án sơ thẩm không bị kháng nghị. Nên việc thiếu sót của cấp sơ thẩm được nêu ra để nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: do kháng cáo và việc rút kháng cáo được chấp nhận nên không ai phải chịu.

[6] Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.

1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trịnh Thị Kiều O.

Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 18/2022/HSST ngày 24 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện L, thành phố Cần Thơ.

2. Tuyên bố: Bị cáo Trịnh Thị Kiều O phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Căn cứ: khoản 2 Điều 201; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, các Điều 54 và 35 Bộ luật Hình sự;

Xử phạt: Bị cáo Trịnh Thị Kiều O số tiền 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng).

3. Căn cứ: khoản 2 Điều 135 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bà Đinh Thị Kiều T được nhận lại 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0005536 ngày 30/6/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, thành phố Cần Thơ.

4. Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

233
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 64/2022/HS-PT

Số hiệu:64/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:09/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về