TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔNG HƯNG, TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 63/2023/HS-ST NGÀY 18/07/2023 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ
Ngày 18/7/2023 tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện Đông Hưng, tỉnh T xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 68/2023/TLST- HS ngày 03 tháng 7 năm 2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 61/2023/QĐXXST-HS ngày 05 tháng 7 năm 2023 đối với bị cáo:
Họ và tên: Hà Huy T, sinh năm 1993; Nơi thường trú: Thôn A, xã G, huyện Đông Hưng, tỉnh T; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 9/12; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Con ông: Hà Huy L (đã chết); Con bà: Nguyễn Thị T1; Vợ, con: chưa có; Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Ngày 17/02/2014 tham gia nghĩa vụ quân sự, ngày 29/01/2016 xuất ngũ về địa phương.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 03/5/2023 đến nay.
Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Nguyễn Đình T2, sinh năm 1989
2. Anh Hoàng Duy Đ, sinh năm 1997 Đều trú tại: Thôn Th, xã T2, huyện Đ, tỉnh T
3. Anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1997 Trú tại: Thôn A, xã T2, huyện Đ, tỉnh T
4. Chị Nghiêm Lệ Q, sinh năm 2004 Trú tại: Thôn A, xã M, huyện Đ , tỉnh T (Tại phiên tòa vắng mặt những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Hà Huy T không đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực cho vay tín dụng. Lợi dụng nhu cầu của người dân cần vay vốn làm ăn, khi có người đặt vấn đề hỏi vay tiền, hai bên thống nhất mức lãi suất. Sau đó, T yêu cầu người vay tiền tự viết nội dung vay vào tờ giấy do T chuẩn bị với nội dung: người vay, ngày vay, số tiền vay (tiền gốc) và không ghi lãi suất. Sau đó, T đưa tiền mặt cho người vay tiền. Tiền lãi đóng cho T theo tháng bằng hình thức đưa tiền mặt trực tiếp, T sẽ tự viết giấy lưu lại những người đã trả lãi, trả gốc, còn nợ để ghi nhớ. Trong khoảng thời gian từ 20/11/2021 đến ngày 03/9/2022, T đã cho 04 người trên địa bàn huyện Đông Hưng vay tiền với lãi suất cao. Các lần cho vay có mức lãi suất khác nhau, tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên, có thể là mức 3.333 đồng/01 triệu đồng/01 ngày tương ứng với lãi suất 121,65%/ năm - gấp 6,083 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Điều 468 Bộ luật Dân sự (quy định là 20%/ năm); có thể là mức lãi suất 5.000 đồng/01 triệu đồng/01 ngày, tương ứng với lãi suất 182,5%/năm - gấp 9,125 lần mức lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự. Các lần cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cụ thể như sau:
1. Đối với giao dịch cho vay với mức lãi suất 3.333 đồng/01 triệu đồng/01 ngày tương ứng với lãi suất 121,65%/ năm - gấp 6,083 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự, gồm: Giao dịch vay tiền của anh Nguyễn Đình T2:
- Lần thứ nhất: Ngày 20/11/2021, anh T2 đến nhà T vay số tiền 20.000.000 đồng với mức lãi suất 3.333 đồng/01 triệu/01 ngày, tức là mỗi ngày anh T2 phải trả T tiền lãi suất là 66.660 đồng, cứ đủ 30 ngày anh T2 phải trả lãi cho T tương đương số tiền lãi 2.000.000 đồng/30 ngày; khi vay tiền T yêu cầu anh T2 viết giấy vay mượn tiền (chỉ ghi số tiền vay gốc, không ghi lãi suất) rồi đưa lại cho T, anh T2 không hứa hẹn thời gian trả tiền gốc đã vay mà chỉ viết khi nào có thì trả, T đồng ý. Sau khi thỏa thuận xong T đưa số tiền 20.000.000 đồng cho anh T2. Theo thỏa thuận, thì vào các tháng 12/2021, tháng 01, 02, 3, 4, 5/2022, anh T2 đều đến nhà trực tiếp trả T số tiền lãi là 2.000.000 đồng/30 ngày; ngày 20/6/2022, anh T2 đến trả T tiền lãi tháng 6 là 2.000.000 đồng và tiền vay gốc là 20.000.000 đồng. Từ ngày 20/11/2021 đến ngày 20/6/2022 (213 ngày), số tiền lãi anh T2 đã trả xong cho T là 14.000.000 đồng, số tiền lãi T được thu theo quy định của pháp luật là 20%/365 ngày × 20.000.000 đồng × 213 ngày = 2.334.247 đồng, số tiền lãi thu trái quy định của pháp luật cần truy cứu trách nhiệm hình sự là 14.000.000 đồng – 2.334.247 đồng = 11.665.753 đồng.
- Lần thứ hai: Ngày 15/7/2022, anh T2 đến nhà T vay 10.000.000 đồng với mức lãi suất 3.333 đồng/01 triệu/01 ngày, tức là mỗi ngày anh T2 phải trả T tiền lãi suất là 33.330 đồng, cứ đủ 30 ngày anh T2 phải trả lãi cho Thạch tương đương số tiền lãi 1.000.000 đồng/30 ngày; khi vay tiền T yêu cầu anh T2 viết giấy vay mượn tiền (chỉ ghi số tiền vay gốc, không ghi lãi suất) rồi đưa lại cho T, anh T2 không hứa hẹn thời gian trả tiền gốc đã vay mà chỉ viết khi nào có thì trả, T đồng ý. Sau khi thỏa thuận xong, T đưa số tiền 10.000.000 đồng cho anh T2. Theo thỏa thuận thì vào các tháng 8, 9/2022, anh T2 đều đến trực tiếp nhà T trả T số tiền lãi là 1.000.000 đồng/30 ngày; ngày 15/10/2022 anh T2 đã đến nhà trả T tiền lãi tháng 10 là 1.000.000 đồng và tiền vay gốc là 10.000.000 đồng. Từ ngày 15/7/2022 đến ngày 15/10/2022 (93 ngày), số tiền lãi anh T2 đã trả xong cho T là 3.000.000 đồng, số tiền lãi T được thu theo quy định của pháp luật là 20%/365 ngày × 10.000.000 đồng × 93 ngày = 509.589 đồng, số tiền lãi thu trái quy định của pháp luật cần truy cứu trách nhiệm hình sự là 3.000.000 đồng – 509.589 đồng = 2.490.411 đồng.
Như vậy, tổng số tiền T cho anh T2 vay là 30.000.000 đồng, số tiền T đã thu lợi bất chính từ việc cho anh T2 vay tiền bị xử lý trách nhiệm hình sự là 11.665.753 đồng + 2.490.411 đồng = 14.156.164 đồng.
2. Đối với những giao dịch cho vay với mức lãi suất 5.000 đồng/01 triệu/01 ngày tương ứng với lãi suất 182,5%/1 năm – vượt 9,125 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự, gồm:
2.1. Giao dịch vay tiền của anh Hoàng Duy Đ. Ngày 28/11/2021, anh Đ đến nhà T vay số tiền 20.000.000 đồng, với mức lãi suất 5.000 đồng/01 triệu/01 ngày, tức là mỗi ngày anh Đ phải trả T tiền lãi suất là 100.000 đồng, cứ đủ 30 ngày anh Đ phải trả lãi cho T tương đương số tiền lãi 3.000.000 đồng/30 ngày; khi vay tiền T yêu cầu anh Đ viết giấy vay mượn tiền (chỉ ghi số tiền vay gốc, không ghi lãi suất) rồi đưa lại cho T, anh Đ không hứa hẹn thời gian trả tiền gốc đã vay mà chỉ viết khi nào có thì trả, T đồng ý. Sau khi thỏa thuận xong T đưa số tiền 20.000.000 đồng cho anh Đ. Theo thỏa thuận, thì vào các tháng 12/2021, tháng 01, 02/2022, anh Đ đều đến nhà trực tiếp trả T số tiền lãi là 3.000.000 đồng/30 ngày; ngày 28/5/2022 anh Đ đến trả T tiền lãi tháng 5 là 3.000.000 đồng và tiền vay gốc là 20.000.000 đồng, xin không đóng lãi tháng 3 và 4 do khó khăn, T đồng ý. Từ ngày 28/11/2021 đến ngày 28/5/2022 (182 ngày), số tiền lãi anh Đ đã trả xong cho T là 12.000.000 đồng, số tiền lãi Th được thu theo quy định của pháp luật là 20%/365 ngày × 20.000.000 đồng × 182 ngày = 1.994.521 đồng, số tiền lãi thu trái quy định của pháp luật cần truy cứu trách nhiệm hình sự là 12.000.000 đồng – 1.994.521 đồng = 10.005.479 đồng.
2.2. Giao dịch vay tiền của chị Nghiêm Lệ Q. Ngày 07/12/2021, chị Q đến nhà T vay số tiền 5.000.000 đồng, với mức lãi suất 5.000 đồng/01 triệu/01 ngày, tức là mỗi ngày chị Q phải trả T tiền lãi suất là 25.000 đồng, cứ đủ 30 ngày chị Q phải trả lãi cho T tương đương số tiền lãi 750.000 đồng/30 ngày; khi vay tiền T yêu cầu chị Q viết giấy vay mượn tiền (chỉ ghi số tiền vay gốc, không ghi lãi suất) rồi đưa lại cho T, chị Q không hứa hẹn thời gian trả tiền gốc đã vay mà chỉ viết khi nào có thì trả, T đồng ý. Sau khi thỏa thuận xong T đưa số tiền 5.000.000 đồng cho chị Q. Theo thỏa thuận, thì vào các tháng 01, 02, 3, 4, 5, 6/2022, chị Q đều đến nhà trực tiếp trả T số tiền lãi là 750.000 đồng/30 ngày; ngày 07/7/2022 chị Q đến trả Thạch tiền lãi tháng 07 là 750.000 đồng và xin không đóng tiền lãi nữa, chỉ phải trả tiền vay gốc do kinh tế khó khăn, T đồng ý. Từ ngày 07/12/2021 đến ngày 07/7/2022 (213 ngày), số tiền lãi chị Q đã trả xong cho T là 5.250.000 đồng, số tiền lãi T được thu theo quy định của pháp luật là 20%/365 ngày × 5.250.000 đồng × 213 ngày = 583.562 đồng, số tiền lãi thu trái quy định của pháp luật cần truy cứu trách nhiệm hình sự là 5.250.000 đồng – 583.562 đồng = 4.666.438 đồng. Chị Q vẫn còn nợ tiền gốc của Thạch là 5.000.000 đồng.
2.3. Giao dịch vay tiền của anh Nguyễn Văn D. Ngày 03/9/2022, anh D đến nhà T vay số tiền 5.000.000 đồng, với mức lãi suất 5.000 đồng/01 triệu/01 ngày, tức là mỗi ngày anh D phải trả T tiền lãi suất là 25.000 đồng, cứ đủ 30 ngày anh D phải trả lãi cho T tương đương số tiền lãi 750.000 đồng/30 ngày; khi vay tiền T yêu cầu anh D viết giấy vay mượn tiền (chỉ ghi số tiền vay gốc, không ghi lãi suất) rồi đưa lại cho T, anh D không hứa hẹn thời gian trả tiền gốc đã vay mà chỉ viết khi nào có thì trả, T đồng ý. Sau khi thỏa thuận xong T đưa số tiền 5.000.000 đồng cho anh D. Theo thỏa thuận, thì vào các tháng 10, 11, 12/2022 và tháng 01, 02, 03/2023, anh D đều đến nhà trực tiếp trả T số tiền lãi là 750.000 đồng/30 ngày; đến ngày 03/4/2023 do không có tiền trả tiền lãi nữa nên anh D đã xin T cho nợ tiền lãi, tiền gốc trả sau, T đồng ý. Đến ngày 30/4/2023, khi hành vi phạm tội của T bị phát hiện thì giữa hai bên vẫn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận, anh D vẫn chưa trả T số tiền lãi tháng 4 và số tiền vay gốc. Từ ngày 03/9/2022 đến ngày 30/4/2023 (240 ngày), số tiền lãi anh D phải trả cho T là 240 ngày × 25.000 đồng/01 ngày = 6.000.000 đồng. Trong đó, số tiền lãi được thu theo quy định của pháp luật là 20%/365 ngày × 5.000.000 đồng × 240 ngày = 657.534 đồng, số tiền lãi thu trái quy định của pháp luật cần truy cứu trách nhiệm hình sự là 6.000.000 đồng – 657.534 đồng = 5.342.466 đồng. Trên thực tế anh D mới trả cho T số tiền lãi là 4.500.000 đồng (tương đương trong 180 ngày). Do đó, số tiền lãi T đã thu vượt quá quy định của pháp luật cần trả lại cho anh Duy là: 4.500.000 đồng – 493.151 đồng (tiền lãi suất được thu theo quy định của pháp luật là 20%/365 ngày × 5.000.000 đồng × 180 ngày) = 4.006.849 đồng. Anh D vẫn còn nợ tiền gốc của T là 5.000.000 đồng.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng, tỉnh T truy tố bị cáo Hà Huy T thu lời bất chính là 34.170.548 đồng.
Tại bản cáo trạng số 66/VKSĐH ngày 03/7/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng, tỉnh T truy tố bị cáo Hà Huy T về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên toà sơ thẩm:
Bị cáo Hà Huy T khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng đã truy tố.
Đại diện VKSND huyện Đông Hưng tham gia phiên toà giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố: Bị cáo Hà Huy T phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đề nghị: Áp dụng khoản 1 Điều 201; điểm i, s khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 35; Điều 50 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Hà Huy Thạch từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Về việc xử lý tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm: Tịch thu của bị cáo số tiền dùng để cho vay mà những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vay đã trả tiền gốc 50.000.000 đồng (anh T2 đã trả 30.000.000 đồng; anh Đ đã trả 20.000.000 đồng); Tịch thu số tiền lãi theo quy định của pháp luật mà bị cáo đã thu trên thực tế của người vay: 5.915.068 đồng để nộp ngân sách nhà nước. Truy thu số tiền mà người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vay chưa trả tiền vay gốc là 10.000.000 đồng để nộp ngân sách nhà nước gồm: chị Q 5.000.000 đồng; anh D 5.000.000 đồng. Buộc bị cáo trả lại cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan số tiền thu lời bất chính 32.834.932 đồng. Ngoài ra còn đề nghị về án phí.
Bị cáo Hà Huy T nói lời sau cùng: Bị cáo nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định của Cơ quan điều tra Công an huyện Đông Hưng, điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Xét lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa như: Giấy vay tiền do người vay đã viết, gồm: anh Hoàng Duy Đ đề ngày 28/11/2021; chị Nghiêm Lệ Q đề ngày 07/12/2021; anh Nguyễn Văn D đề ngày 03/9/2022; Giấy viết trả nợ lãi và gốc do Hà Huy T tự viết đối với anh Nguyễn Đình T2, anh Hoàng Duy Đ, chị Nghiêm Lệ Q, anh Nguyễn Văn D; Lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: anh Nguyễn Đình T2, anh Hoàng Duy Đ; anh Nguyễn Văn D, chị Nghiêm Lệ Q.
Do đó có đủ cơ sở kết luận: Trong khoảng thời gian từ 20/11/2021 đến ngày 03/9/2022, Hà Huy T đã 05 lần cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đối với 04 người, gồm: Nguyễn Đình T2, Hoàng Duy Đ; Nguyễn Văn D, Nghiêm Lệ Q với tổng số tiền gốc là 60.000.000 đồng, mức lãi suất nhỏ nhất từ 3.333 đồng/1.000.000 đồng/1 ngày; lớn nhất là 5.000 đồng/1.000.000 đồng/1 ngày tương đương 121,65%/năm đến 182,5%/năm vượt mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (20%) từ 6,083 lần đến 9,125 lần. Trong đó, số tiền lãi được thu theo quy định của pháp luật là 6.079.452 đồng; thu lời bất chính đến thời điểm tội phạm bị phát hiện để xử lý hình sự là 34.170.548 đồng. Số tiền lãi bị cáo đã thu thực tế của những người liên quan là 38.750.000 đồng; trong đó tiền lãi được thu theo quy định của Bộ luật Dân sự là 5.915.068 đồng; số tiền thu lời bất chính phải trả lại cho người liên quan là 32.834.932 đồng. Hành vi của bị cáo Hà Huy T phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự 1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2...
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
[3] Đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo thấy: hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, vì vậy việc xét xử bị cáo bằng pháp luật hình sự là cần thiết để giáo dục bị cáo và có tác dụng trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm chung.
[4] Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình s ự, Hội đồng xét xử thấy: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng nào. Về tình tiết giảm nhẹ bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, có thời gian tham gia quân đội nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục, cải tạo bị cáo như Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng đề nghị là phù hợp.
[5] Về các biện pháp tư pháp: Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự, Điều 5 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
- Tịch thu của bị cáo số tiền dùng để cho vay mà những người có quyền lợi liên quan vay đã trả tiền gốc 50.000.000 đồng (anh T2 đã trả 30.000.000 đồng; anh Đ đã trả 20.000.000 đồng) để sung quỹ nhà nước.
- Tịch thu số tiền lãi theo quy định của pháp luật mà bị cáo đã thu trên thực tế của người vay: 5.915.068 đồng để nộp ngân sách nhà nước (gồm tiền lãi anh Thi trả: 2.334.247 đồng + 509.589 đồng = 2.843.836 đồng; anh Đ trả 1.994.521 đồng; chị Q trả 583.562 đồng; anh D trả 493.151 đồng).
- Buộc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải nộp lại số tiền gốc 10.000.000 đồng vay của bị cáo chưa trả bị cáo để nộp ngân sách nhà nước (gồm:
chị Quyên phải nộp 5.000.000 đồng; anh D phải nộp 5.000.000 đồng).
- Buộc bị cáo trả lại cho những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan số tiền thu lời bất chính 32.834.932 đồng gồm: anh T2 11.665.753 đồng + 2.490.411 đồng = 14.156.164 đồng; anh Đ 10.005.479 đồng; chị Q 4.666.438 đồng; anh Duy 4.006.849 đồng.
[6] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
[7] Bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: Bị cáo Hà Huy T phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”
2. Áp dụng: Khoản 1 Điều 201; điểm i, s khoản 1; khoản 2 Điều 51; Điều 35; Điều 50 Bộ luật hình sự. Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Xử phạt bị cáo Hà Huy T 70.000.000 (bẩy mươi triệu) đồng.
3. Về các biện pháp tư pháp: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự:
- Buộc bị cáo phải nộp Ngân sách nhà nước 50.000.000 đồng + 5.915.068 đồng = 55.915.068 đồng - Buộc những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải nộp ngân sách nhà nước gồm: chị Nghiêm Lệ Q phải nộp 5.000.000 đồng; anh Nguyễn Văn D phải nộp 5.000.000 đồng.
- Buộc bị cáo trả lại cho những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm: anh Nguyễn Đình T2 14.156.164 đồng; anh Hoàng Duy Đ 10.005.479 đồng; chị Nghiêm Lệ Q 4.666.438 đồng; anh Nguyễn Văn D 4.006.849 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Hà Huy Thạch phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.
5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Vắng mặt những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan báo cho biết có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người phải thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 63/2023/HS-ST
Số hiệu: | 63/2023/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đông Hưng - Thái Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/07/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về