Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 47/2022/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ TAM ĐIỆP, TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 47/2022/HS-ST NGÀY 12/07/2022 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Ngày 12 tháng 7 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Tam Điệp xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 40/2022/TLST-HS ngày 31/5/2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 45/2022/QĐXXST-HS, ngày 29 tháng 6 năm 2022, đối với các bị cáo:

1. Phạm Thị Tuyết Nh, sinh ngày 10/5/1986 tại huyện D, tỉnh Hà Nam; Nơi cư trú: số nhà 29 đường N, tổ 11, phường Tr, thành phố T, tỉnh Ninh Bình; Giới tính: nữ; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Nghề nghiệp: lao động tự do; Trình độ học vấn: 12/12; Con ông Phạm Hồng C (đã chết) và con bà Nguyễn Thị H; Bị cáo có chồng và 02 con; Tiền án, tiền sự: không; Nhân thân: không.

Hiện bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 61/2022/HSST-LCĐKNCT ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Tam Điệp (có mặt).

2. Nguyễn Mạnh Q, sinh ngày 05/10/1986, tại thành phố T, Ninh Bình, Nơi cư trú: thôn 4A, xã Đ, thành phố T, tỉnh Ninh Bình; Giới tính: nam; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Nghề nghiệp: lao động tự do; Trình độ học vấn: 8/12; Con ông Nguyễn Văn T (đã chết) và con bà Vũ Thị L; Bị cáo có vợ và 02 con; Tiền án, tiền sự: không;

- Nhân thân:

+ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 16/QĐXPHC ngày 09/3/2010 của Công an xã Đ, thị xã T (nay là thành phố T) xử phạt 200.000 đồng về hành vi “Cố ý gây thương tích”, chấp hành xong ngày 07/8/2010.

+ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 02/QĐ ngày 21/02/2011 của Trạm Công an T, thị xã T (nay là thành phố T) xử phạt 100.000 đồng về hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”, chấp hành xong ngày 23/02/2011.

Hiện bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 62/2022/HSST-LCĐKNCT ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Tam Điệp (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

- Anh Nguyễn Văn Ph, sinh năm 1984; (vắng mặt);

Nơi cư trú: tổ 12, phường Tr, thành phố T, tỉnh Ninh Bình.

- Anh Phạm Hữu Th1, sinh năm 1989; (vắng mặt).

Nơi cư trú: tổ 4, phường N, thành phố T, tỉnh Ninh Bình;

- Anh Phạm Khắc B, sinh năm 1986; (vắng mặt).

Nơi cư trú: xóm Y, xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình;

- Anh Cao Văn T, sinh năm 1997; (vắng mặt).

Nơi cư trú: thôn Q, xã C, huyện C, tỉnh Thanh Hoá;

- Anh Nguyễn Minh Đ, sinh năm 1991; (vắng mặt).

Nơi cư trú: thôn D, xã L, huyện K, tỉnh Hà Nam.

- Anh Trương Văn Th2, sinh năm 1978; (vắng mặt).

Nơi cư trú: thôn 3, xã Đ, thành phố T, tỉnh Ninh Bình;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Mạnh Q và Phạm Thị Tuyết Nh là vợ chồng cùng nhau mở cửa hàng bán ghế Massage và sinh sống ở số nhà 29 đường N, thuộc tổ 11, phường Tr, thành phố T. Quá trình kinh doanh vợ chồng Nh và Q có tích góp được một khoản tiền nên nảy sinh ý định cho người khác vay tiền với mức lãi suất cao nhằm thu lời bất chính. Hai vợ chồng thống nhất khi có người hỏi vay tiền thì Q và Nh trao đổi với nhau để thống nhất về số tiền cho vay, mức lãi suất vay từ 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày đến 4.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày; đối với khoản vay trên 01 tháng thì thời hạn trả lãi suất là 01 tháng tính bằng 30 ngày và trả lãi vào ngày trùng với ngày vay hàng tháng. Nếu người vay đồng ý vay thì Q, Nh giao tiền cho người vay bằng tiền mặt hoặc Nh vào ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11, lắp sim số thuê bao 0965009xxx của Nh thực hiện việc chuyển tiền cho vay từ tài khoản ngân hàng thương mại cổ phần Ng (viết tắt Vbank) số 0221xxx40484 hay ngân hàng thương mại cổ phần Q (viết tắt là MB) số 9966xx188888 đều tên của Nh hoặc Q vào ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại di động nhãn hiệu Iphone X, lắp sim số thuê bao 097483xxx8 của Q để thực hiện việc chuyển tiền cho vay từ tài khoản ngân hàng MB số 66886xx66666 tên của Q đến các số tài khoản ngân hàng mà người vay cung cấp; đồng thời Nh, Q yêu cầu người vay viết giấy vay tiền ghi rõ ngày vay, số tiền vay và thời hạn vay, không ghi lãi suất để tránh bị phát hiện hành vi cho vay lãi nặng rồi ký ghi rõ họ tên. Đồng thời Nh, Q và người vay tiền trao đổi cho nhau số điện thoại để liên lạc trong quá trình trả lãi. Đến ngày trả lãi, người vay trả lãi bằng tiền mặt hoặc chuyển vào số tài khoản của Nh hoặc Q. Giấy vay tiền, số tiền lãi suất và tiền gốc đã thu về đều do Nh giữ và chi tiêu chung.

Thông qua quan hệ quen biết với Phạm Thị Tuyết Nh, Nguyễn Mạnh Q từ trước, các anh Trương Văn Th2; Nguyễn Minh Đ; Cao Văn T; Phạm Khắc B; Nguyễn Văn Ph và Phạm Hữu Th1 biết Nh và Q cho vay lãi không cần tài sản thế chấp nên đã đến nhà ở số 29 đường N, thuộc tổ 11, phường Tr, thành phố T gặp Nh, Q để vay tiền. Trong thời gian từ ngày 08/12/2020 đến ngày 13/12/2021 bị Cơ quan Công an phát hiện, Q và Nh đã cho các anh Th2, Đ, T, Th1, Ph và B vay tổng số tiền 312.000.000 đồng trong đó cho anh Th2 và anh T vay với mức lãi suất 4.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày bằng 146%/năm và gấp 7,3 lần; cho anh Đ, T, B, Ph và Th1 vay với mức suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày bằng 109,5%/năm và gấp 5,475 lần so với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự nhằm thu lời bất chính số tiền 129.556.712 đồng, cụ thể như sau:

1. Cho anh Trương Văn Th2 vay:

Lần thứ nhất: Ngày 08/12/2020, anh Trương Văn Th2 đến nhà ở gặp Phạm Thị Tuyết Nh hỏi vay 30.000.000 đồng trong thời hạn 03 tháng để kinh doanh. Nh đồng ý và thống nhất với Q cho anh Th2 vay tiền với mức lãi suất 4.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày, thời hạn trả lãi là 01 tháng tính bằng 30 ngày và trả lãi vào ngày mùng 8 hàng tháng; anh Th2 đồng ý với yêu cầu vay nêu trên. Sau đó, Nh giao cho anh Th2 30.000.000 đồng tiền mặt và anh Th2 viết giấy vay tiền theo yêu cầu của Nh ghi rõ ngày vay 08/12/2020, số tiền vay 30.000.000 đồng, thời hạn vay 03 tháng rồi đưa cho Nh giữ. Đến ngày 08/3/2021, anh Th2 chưa có tiền để trả gốc nên đã thỏa thuận miệng với Nh và Q để tiếp tục vay 30.000.000 đồng với mức lãi suất giữ nguyên là 4.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày đến khi trả hết tiền gốc. Ngày 11/11/2021, anh Th2 đã trả cho Nh, Q 2.000.000 đồng tiền gốc và thỏa thuận miệng với Nh, Q tiền lãi của số tiền gốc 28.000.000 đồng vẫn giữ nguyên và tính từ ngày 08/11/2021. Từ ngày 08/12/2020 đến ngày 13/12/2021, anh Th2 đã trả cho Nh và Q tổng số tiền lãi là 39.360.000 đồng; trong đó từ ngày 08/12/2020 đến ngày 08/11/2021 anh Th2 đã trả 10 tháng tiền lãi của khoản vay 30.000.000 đồng là 36.000.000 đồng và còn nợ 01 tháng tiền lãi từ ngày 08/4/2021 đến ngày 08/5/2021 là 3.600.000 đồng; từ ngày 08/11/2021 đến ngày 13/12/2021, anh Th2 đã trả 01 tháng tiền lãi của khoản vay còn lại 28.000.000 đồng là 3.360.000 đồng, chưa trả tiền gốc và tiền lãi từ ngày 08/12/2021 đến ngày 13/12/2021.

Tiền lãi theo thỏa thuận mà anh Th2 phải trả cho Nh và Q tính từ ngày 08/12/2020 đến ngày 13/12/2021 là 43.520.000 đồng bao gồm tiền lãi của khoản vay 30.000.000 đồng tính từ ngày 08/12/2020 đến ngày 08/11/2021 (11 tháng tính bằng 330 ngày) là 4.000 đồng x 30 x 330 ngày = 39.600.000 đồng và tiền lãi của khoản vay 28.000.000 đồng tính từ ngày 08/11/2021 đến ngày 13/12/2021 (01 tháng 05 ngày tính bằng 35 ngày) là 4.000 đồng x 28 x 35 ngày = 3.920.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Nh và Q được phép thu đối với khoản vay này là 6.043.835 đồng bao gồm tiền lãi của khoản vay 30.000.000 đồng tính từ 08/12/2020 đến ngày 08/11/2021 (335 ngày theo lịch thực tế) là 30.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 335 ngày = 5.506.849 đồng và tiền lãi của khoản vay 28.000.000 đồng tính từ ngày 08/11/2021 đến ngày 13/12/2021 (35 ngày theo lịch thực tế) là 28.000.000 đồng x 20% : 365 x 35 ngày = 536.986 đồng. Thực tế tiền lãi được phép thu mà Nh và Q đã thu được của anh Th2 là 5.473.973 đồng bao gồm tiền lãi của khoản vay 30.000.000 đồng tính từ 08/12/2020 đến ngày 08/11/2021 (305 ngày theo lịch thực tế, do Nh và Q cho anh Th2 nợ 01 tháng tiền lãi) là 30.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 305 ngày = 5.013.699 đồng và tiền lãi của khoản vay 28.000.000 đồng tính từ ngày 08/11/2021 đến 13/12/2021 (30 ngày theo lịch thực tế, do anh Th2 chưa trả tiền lãi tính từ ngày 08/12/2021 đến ngày 13/12/2021) là 28.000.000 đồng x 20% : 365 x 30 ngày = 460.274 đồng.

Số tiền Nh và Q thu lợi bất chính từ việc cho anh Th2 vay 30.000.000 đồng từ ngày 08/12/2020 đến ngày 13/12/2021 là 43.520.000 đồng – 6.043.835 đồng = 37.476.165 đồng. Thực tế Nh và Q đã thu lợi bất chính là 39.360.000 đồng - 5.473.973 đồng = 33.886.027 đồng.

Lần thứ hai: Ngày 28/01/2021, do tiếp tục cần tiền để kinh doanh nên anh Th2 đến nhà ở gặp Nh hỏi vay 30.000.000 đồng trong thời hạn 01 tháng. Nh đồng ý và thống nhất với Q cho anh Th2 vay tiền với mức lãi suất 4.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày. Anh Th2 đồng ý với mức lãi suất Nh và Q đưa ra rồi Nh giao cho anh Th2 30.000.000 đồng tiền mặt (do tin tưởng anh Th2 nên Nh không yêu cầu anh Th2 viết giấy vay tiền). Tuy nhiên đến ngày 28/02/2021, anh Th2 chưa có tiền để trả gốc nên đã thỏa thuận miệng với Nh và Q để tiếp tục vay 30.000.000 đồng với mức lãi suất giữ nguyên là 4.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày đến khi trả hết tiền gốc; thời hạn trả lãi là 01 tháng tính bằng 30 ngày và trả lãi vào ngày 28 hàng tháng. Từ ngày 28/01/2021 đến ngày 13/12/2021, anh T.2 đã trả cho Nh và Q 09 tháng tiền lãi là 32.400.000 đồng và còn nợ 01 tháng tiền lãi từ ngày 28/3/2021 đến ngày 28/4/2021 là 3.600.000 đồng; chưa trả tiền gốc 30.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 28/11/2021 đến ngày 13/12/2021 cho Nh và Q.

Tiền lãi theo thỏa thuận mà anh Th2 phải trả cho Nh và Q tính từ ngày 28/01/2021 đến ngày 13/12/2021 (10 tháng 15 ngày tính bằng 315 ngày ) là 4.000 đồng x 30 x 315 ngày = 37.800.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Nh và Q được phép thu đối với khoản vay này tính từ ngày 28/01/2021 đến ngày 13/12/2021 (319 ngày theo lịch thực tế) là 30.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 319 ngày = 5.243.836 đồng. Thực tế tiền lãi được phép thu mà Nh và Q đã thu được của anh Th2 tính từ ngày 28/01/2021 đến 13/12/2021 (273 ngày theo lịch thực tế, do Nh và Q cho anh Th2 nợ 01 tháng tiền lãi và do anh Th2 chưa trả tiền lãi tính từ ngày 28/11/2021 đến ngày 13/12/2021) là 30.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 273 ngày = 4.487.671 đồng.

Số tiền Nh và Q thu lợi bất chính từ việc cho anh Th2 vay 30.000.000 đồng từ ngày 28/01/2021 đến ngày 13/12/2021 là 37.800.000 đồng – 5.243.836 đồng = 32.556.164 đồng. Thực tế Nh và Q đã thu lợi bất chính là 32.400.000 đồng - 4.487.671 đồng = 27.912.329 đồng.

Như vậy tính đến ngày 13/12/2021, trong 02 lần cho vay nêu trên, Nh và Q đã sử dụng số tiền 60.000.000 đồng cho anh Trương Văn Th2 vay; đã thu được 2.000.000 đồng tiền gốc và anh Th2 còn nợ 58.000.000 đồng tiền gốc. Tổng số tiền lãi theo mức lãi suất 20%/năm mà Nh và Q được phép thu là 6.043.835 đồng + 5.243.836 đồng = 11.287.671 đồng; tuy nhiên, thực tế tiền lãi được phép thu mà Nh và Q đã thu được là 5.473.973 đồng + 4.487.671 đồng = 9.961.644 đồng. Tổng số tiền lãi Nh và Q thu lợi bất chính từ việc cho anh Th2 vay 02 lần là 37.476.165 đồng + 32.556.164 đồng = 70.032.329 đồng; thực tế Q và Nh đã thu lợi bất chính là 33.886.027 đồng + 27.912.329 đồng = 61.798.356 đồng.

2. Cho anh Nguyễn Minh Đ vay:

Lần thứ nhất: Ngày 17/3/2021 anh Đ đến nhà ở gặp Q hỏi vay 20.000.000 đồng trong thời hạn 01 tháng để giải quyết công việc cá nhân. Q đồng ý và thống nhất với Nh cho anh Đ vay tiền với mức lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày; anh Đ đồng ý với mức lãi suất Q, Nh đưa ra. Sau đó, Q giao cho anh Đ 20.000.000 đồng tiền mặt và anh Đ viết giấy vay tiền theo yêu cầu của Q ghi rõ ngày vay 17/3/2021, số tiền vay 20.000.000 đồng, thời hạn vay 01 tháng rồi đưa cho Q. Tính đến ngày 13/12/2021, anh Đ đã trả cho Q và Nh 08 tháng 22 ngày tiền lãi là 15.720.000 đồng, chưa trả tiền lãi từ ngày 08/12/2021 đến ngày 13/12/2021 và tiền gốc 20.000.000 đồng.

Tiền lãi theo thỏa thuận mà anh Đ phải trả cho Nh và Q tính từ ngày 17/3/2021 đến ngày 13/12/2021 (08 tháng 27 ngày tính bằng 267 ngày) là 3.000 đồng x 20 x 267 ngày = 16.020.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Nh và Q được phép thu đối với khoản cho vay 20.000.000 đồng từ ngày 17/3/2021 đến ngày 13/12/2021 (271 ngày theo lịch thực tế) là 20.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 271 ngày = 2.969.863 đồng. Thực tế tiền lãi được phép thu mà Nh và Q đã thu của anh Đ tính từ ngày 17/3/2021 đến ngày 08/12/2021 (266 ngày theo lịch thực tế, do anh Đ chưa trả tiền lãi từ ngày 08/12/2021 đến 13/12/2021) là 20.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 266 ngày = 2.915.069 đồng.

Số tiền Nh và Q thu lợi bất chính từ việc cho anh Đ vay 20.000.000 đồng là 16.020.000 đồng - 2.969.863 đồng = 13.050.137 đồng. Thực tế Q và Nh đã thu lợi bất chính từ lần cho vay 20.000.000 đồng là 15.720.000 đồng - 2.915.069 đồng = 12.804.931 đồng.

Lần thứ hai: Ngày 08/4/2021, anh Đ đến nhà ở gặp Q hỏi vay thêm 40.000.000 đồng trong thời hạn 01 tháng. Q đồng ý và thống nhất với Nh cho anh Đ vay tiền với lãi suất vẫn tính là 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày. Anh Đ đồng ý và viết giấy vay tiền ghi ngày vay 08/4/2021, số tiền vay 40.000.000 đồng và thời hạn vay 01 tháng đưa cho Q. Sau đó Q và anh Đ thỏa thuận miệng với nhau là anh Đ trả 22 ngày tiền lãi của khoản vay 20.000.000 đồng từ ngày 17/3/2021 đến ngày 08/4/2021 kể từ ngày 08/4/2021, anh Đ trả tiền lãi của hai khoản vay cộng dồn mỗi tháng là 5.400.000 đồng vào cùng một ngày rồi Nh chuyển từ tài khoản ngân hàng Vietcombank của Nh đến tài khoản ngân hàng V số 0901xx111765 của anh Đ số tiền 38.200.000 đồng sau khi đã trừ đi số tiền lãi 22 ngày của khoản vay 20.000.000 đồng là 1.320.000 đồng và trừ trước 480.000 đồng tiền lãi của hai khoản vay tính từ ngày 08/4/2021 đến ngày 08/5/2021 tức đến ngày 08/5/2021 anh Đ chỉ phải trả 5.400.000 đồng – 480.000 đồng = 4.920.000 đồng tiền lãi. Đến thời hạn 01 tháng, anh Đ chưa có tiền trả gốc nên đã thỏa thuận miệng với Q và Nh để tiếp tục vay 02 khoản với mức lãi suất không thay đổi đến khi trả hết tiền gốc; thời hạn trả lãi là 01 tháng tính bằng 30 ngày và trả lãi vào ngày mùng 08 hàng tháng. Từ ngày 08/4/2021 đến ngày 13/12/2021 anh Đ đã trả cho Q và Nh 08 tháng tiền là 28.800.000 đồng; tiền lãi từ ngày 08/12/2021 đến ngày 13/12/2021 và tiền gốc 40.000.000 đồng.

Tiền lãi theo thỏa thuận mà anh Đ phải trả cho Nh và Q tính từ ngày 08/4/2021 đến ngày 13/12/2021 (08 tháng 05 ngày tính bằng 245 ngày) là 3.000 đồng x 40 x 245 ngày = 29.400.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Nh và Q được phép thu đối với khoản cho vay 40.000.000 đồng từ ngày 08/4/2021 đến ngày 13/12/2021 (249 ngày theo lịch thực tế) là 40.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 249 ngày = 5.457.534 đồng. Thực tế tiền lãi được phép thu mà Nhung và Q đã thu của anh Đ tính từ ngày 08/4/2021 đến ngày 13/12/2021 (244 ngày theo lịch thực tế, do anh Đ chưa trả tiền lãi từ ngày 08/12/2021 đến 13/12/2021) là 40.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 244 ngày = 5.347.945 đồng.

Số tiền Nh và Q thu lợi bất chính từ việc cho anh Đ 40.000.000 đồng là 29.400.000 đồng - 5.457.534 đồng = 23.942.466 đồng. Thực tế Q và Nh đã thu lợi bất chính là 28.800.000 đồng - 5.347.945 đồng = 23.452.055 đồng.

Như vậy tính đến ngày 13/12/2021, trong 02 lần cho vay nêu trên Nh và Q đã sử dụng số tiền 60.000.000 đồng cho anh Nguyễn Minh Đ vay (chưa trả tiền gốc). Tổng số tiền lãi theo mức lãi suất 20%/năm mà Nh và Q được phép thu là 2.969.863 đồng + 5.457.534 đồng = 8.427.397 đồng; thực tế tiền lãi được phép thu mà Q và Nh đã thu là 2.915.069 đồng + 5.347.945 đồng = 8.263.014 đồng. Tổng số tiền lãi Q và Nh thu lợi bất chính từ việc cho anh Đ vay là 13.050.137 đồng + 23.942.466 đồng = 36.992.603 đồng; thực tế Q và Nh đã thu lợi bất chính là 12.804.931 đồng + 23.452.055 đồng = 36.256.986 đồng.

3. Anh Cao Văn T vay:

Lần thứ nhất: Ngày 18/3/2021, anh T đến nhà ở gặp Q hỏi vay 12.000.000 đồng trong thời hạn 03 tháng để giải quyết công việc cá nhân. Q đồng ý và thống nhất với Nh cho anh T vay với mức lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/ 01 ngày, thời hạn trả lãi là 01 tháng tính bằng 30 ngày và trả lãi vào ngày 18 hàng tháng.

Anh T đồng ý với yêu cầu của Q, Nh nêu trên. Sau đó, Q giao cho anh T 12.000.000 đồng tiền mặt và anh T viết giấy vay tiền ghi ngày vay 08/4/2021, số tiền vay 12.000.000 đồng và hẹn đến tháng 6/2021 trả tiền gốc rồi đưa cho Q. Đến ngày 18/6/2021, anh T chưa có tiền để trả gốc nên đã thỏa thuận miệng với Q và Nh để tiếp tục vay 12.000.000 đồng với mức lãi suất không thay đổi đến khi trả hết tiền gốc. Đến ngày 13/9/2021 anh T trả cho Q, Nh số tiền gốc 12.000.000 đồng (hợp đồng đã hết thời hạn trước ngày 13/12/2021) và đã trả tổng cộng là 6.500.000 đồng trong đó tiền lãi phải trả của 05 tháng 25 ngày vay là 6.300.000 đồng và anh T đã trả thêm 200.000 đồng theo yêu cầu của Nh, Q để kết thúc hợp đồng vay.

Lãi suất theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Q và Nh được phép thu đối với khoản cho vay này tính từ ngày 18/3/2021 đến ngày 13/9/2021 (179 ngày theo lịch thực tế) là 12.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 179 ngày = 1.176.986 đồng.

Số tiền Nh và Q đã thu lợi bất chính từ việc cho anh T vay 12.000.000 đồng là 6.500.000 đồng – 1.176.986 đồng = 5.323.014 đồng.

Lần thứ 2: Do tiếp tục cần tiền để giải quyết công việc nên ngày 08/11/2021 anh T đến nhà ở gặp Q hỏi vay số tiền 20.000.000 đồng trong thời hạn 03 tháng. Q và Nh đồng ý cho anh T vay với mức lãi suất 4.000 đồng/1.000.000 đồng/ 01 ngày, thời hạn trả lãi là 01 tháng tính bằng 30 ngày và trả lãi vào ngày 08 hàng tháng; Anh T đồng ý với yêu cầu của Q, Nh. Sau đó, Q chuyển từ tài khoản ngân hàng M của Q đến tài khoản ngân hàng M số 03xx378003 của anh T số tiền 20.000.000 đồng và anh T viết giấy vay tiền đưa cho Q. Từ ngày 08/11/2021 đến ngày 13/12/2021, anh T đã trả cho Q và Nh 01 tháng tiền lãi là 2.400.000 đồng; chưa trả tiền lãi từ ngày 08/12/2021 đến ngày 13/12/2021 và tiền gốc 20.000.000 đồng.

Tiền lãi theo thỏa thuận tính mà anh T phải trả cho Nh và Q từ ngày 08/11/2021 đến ngày 13/12/2021 (01 tháng 05 ngày tính bằng 35 ngày) là 4.000 đồng x 20 x 35 ngày = 2.800.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Q và Nh được phép thu đối với khoản cho vay này tính từ ngày 28/11/2021 đến ngày 13/12/2021 (35 ngày theo lịch thực tế) là 20.000.000 đồng x 20% : 365 x 35 ngày = 383.562 đồng. Thực tế tiền lãi được phép thu mà Nh và Q đã thu được của anh T từ ngày 08/11/2021 đến ngày 08/12/2021 (30 ngày theo lịch thực tế) là 20.000.000 đồng x 20% : 365 x 30 ngày = 328.767 đồng.

Số tiền Nh và Q thu lợi bất chính từ việc cho anh T vay 20.000.000 đồng này là 2.800.000 đồng – 383.562 đồng = 2.416.438 đồng. Thực tế số tiền Nh và Q đã thu lợi bất chính là 2.400.000 đồng – 328.767 đồng = 2.071.233 đồng.

Như vậy tính đến ngày 13/12/2021, trong 02 lần cho vay nêu trên, Q và Nh đã sử dụng số tiền 32.000.000 cho anh Cao Văn T vay; đã thu được 12.000.000 đồng tiền gốc và anh T còn nợ 20.000.000 đồng tiền gốc. Tổng số tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Nh và Q được phép thu là 1.176.986 đồng + 383.562 đồng = 1.560.548 đồng; thực tế tiền lãi được phép thu mà Nh và Q đã thu được là 1.176.986 đồng + 328.767 đồng = 1.505.753 đồng.

Tổng số tiền lãi Nh và Q nhằm thu lợi bất chính từ việc cho anh T vay là 5.323.014 đồng + 2.416.438 đồng = 7.739.452 đồng; tuy nhiên, thực tế Q và Nh đã thu lợi bất chính là 5.323.014 đồng + 2.071.233 đồng = 7.394.247 đồng.

4. Cho anh Phạm Hữu Th1 vay:

Ngày 14/8/2021, anh Th1 đến nhà ở gặp Q và Nh hỏi vay 10.000.000 đồng hẹn đến ngày 14/11/2021 trả nợ gốc để giải quyết công việc cá nhân. Q và Nh thống nhất cho anh Th1 với mức lãi 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày, thời hạn trả lãi 01 tháng tính bằng 30 ngày và trả lãi vào ngày 14 hàng tháng. Anh Th1 đồng ý với yêu cầu của Q, Nh và viết giấy vay tiền ghi ngày 14/8/2021, số tiền vay là 10.000.000 đồng, hẹn đến ngày 14/1/2021 trả rồi đưa cho Nh giữ. Sau đó, Nh chuyển từ tài khoản ngân hàng V của Nh đến tài khoản ngân hàng A số 330xx135321 của anh Th1 số tiền 10.000.000 đồng. Đến hạn, anh Th1 chưa có tiền trả gốc nên thỏa thuận miệng với Q và Nh để tiếp tục vay 10.000.000 đồng với mức lãi suất không thay đổi đến khi trả hết tiền gốc. Tính đến ngày 13/12/2021, anh Th1 đã trả cho Q và Nh 01 tháng tiền lãi từ ngày 14/8/2021 đến ngày 14/9/2021 là 900.000 đồng; nợ 02 tháng tiền lãi từ ngày 14/9/2021 đến ngày 14/11/2021; chưa trả 10.000.000 đồng tiền gốc và tiền lãi từ ngày 14/11/2021 đến ngày 13/12/2021.

Tiền lãi theo thỏa thuận mà anh Th1 phải trả cho Q và Nh tính từ ngày 14/8/2021 đến ngày 13/12/2021 (03 tháng 29 ngày tính bằng 119 ngày) là 3.000 đồng x 10 x 119 ngày = 3.570.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Q và Nh được phép thu đối với khoản vay này từ ngày 14/8/2021 đến ngày 13/12/2021 (121 ngày theo lịch thực tế) là 10.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 121 ngày = 663.014 đồng. Thực tế tiền lãi được phép thu mà Q và Nh đã thu từ ngày 14/8/2021 đến ngày 14/9/2021 (31 ngày theo lịch thực tế) là 10.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 31 ngày = 169.863 đồng.

Như vậy, số tiền Q và Nh thu lợi bất chính từ việc cho anh Th1 vay 10.000.000 đồng là 3.570.000 đồng – 663.014 đồng = 2.906.986 đồng; thực tế Q và Nh đã thu lợi bất chính là 900.000 đồng – 169.863 đồng = 730.137 đồng.

5. Cho Nguyễn Văn Ph vay:

Lần thứ nhất: Ngày 30/8/2021 anh Nguyễn Văn Ph cùng vợ là chị Phạm Thị Xuân Th (sinh năm 1993, trú tại tổ 12, phường Tr, thành phố T, Ninh Bình) đến nhà ở gặp Q hỏi vay 90.000.000 đồng, trong thời hạn 03 ngày để giải quyết việc gia đình. Q thống nhất với Nh cho vợ chồng anh Ph vay với mức lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày; vợ chồng anh Ph đồng ý vay. Sau đó, Nh chuyển khoản cho Q rồi Q chuyển từ tài khoản ngân hàng M của Q đến tài khoản ngân hàng T số 19xx36xxx829 của anh Ph số tiền 70.000.000 đồng và giao cho anh Ph 20.000.000 đồng tiền mặt; anh Ph nhận tiền rồi viết giấy vay tiền ghi ngày 30/8/2021, số tiền vay 90.000.000 đồng, hẹn 03 ngày trả và vợ chồng anh Ph cùng ký tên đưa cho Q. Đến ngày 01/9/2021, khi anh Ph trả tiền gốc là 90.000.000 đồng (hợp đồng đã hết thời hạn trước ngày 13/12/2021) thì Q và Nh yêu cầu anh Ph phải trả 05 ngày tiền lãi vì thời gian vay ngắn; anh Ph đồng ý và đã trả 1.300.000 đồng, còn thiếu 50.000 đồng Q và Nh cho anh Ph.

Tiền lãi theo thỏa thuận anh Ph phải trả cho Q, Nh trong thời hạn 05 ngày là 3.000 đồng x 90 x 05 ngày = 1.350.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Nh và Q được phép thu đối với khoản vay này trong thời hạn 05 ngày là 90.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 05 ngày = 246.575 đồng.

Số tiền Nhung và Quân thu lợi bất chính từ việc cho Phương vay 90.000.000 đồng là 1.300.000 đồng – 246.575 đồng = 1.053.425 đồng.

Lần thứ hai: Do cần tiền để giải quyết công việc nên ngày 14/9/2021 anh Ph tiếp tục đến nhà ở gặp Q hỏi vay 30.000.000 đồng trong thời hạn 02 tháng. Q thống nhất với Nh cho anh Ph vay với mức lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày, thời hạn trả lãi 01 tháng tính bằng 30 ngày và trả lãi vào ngày 14 hàng tháng; anh Ph đồng ý vay theo yêu cầu của Q, Nh. Sau đó, Nh chuyển khoản cho Q rồi Q chuyển từ tài khoản ngân hàng M của Q đến tài khoản ngân hàng T số 190xx6xxx829 của anh Ph số tiền 30.000.000 đồng rồi anh Ph viết giấy vay tiền đưa cho Q. Tính đến ngày 13/12/2021, anh Ph đã trả cho Q và Nh 02 tháng tiền lãi từ ngày 14/9/2021 đến ngày 14/11/2021 là 5.400.000 đồng;

chưa trả tiền lãi từ ngày 14/11/2021 đến ngày 13/12/2021 và 30.000.000 đồng tiền gốc.

Tiền lãi theo thỏa thuận mà anh Ph phải trả cho Q và Nh tính từ ngày 14/9/2021 đến ngày 13/12/2021 (02 tháng 29 ngày tính bằng 89 ngày) là 3.000 đồng x 30 x 89 ngày = 8.010.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Q và Nh được phép thu đối với khoản cho vay này tính từ ngày 14/9/2021 đến ngày 13/9/2021 (90 ngày theo lịch thực tế) là 30.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 90 ngày = 1.479.452 đồng. Thực tế tiền lãi được phép thu mà Q và Nh đã thu từ ngày 14/9/2021 đến 14/9/2021 (61 ngày theo lịch thực tế) là 30.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 61 ngày = 1.002.740 đồng Số tiền Q và Nh thu lợi bất chính từ việc cho anh Ph vay số tiền 30.000.000 đồng này là 8.010.000 đồng – 1.479.452 đồng = 6.530.548 đồng.

Thực tế số tiền Q và Nh đã thu lợi bất chính là 5.400.000 đồng - 1.002.740 đồng = 4.397.260 đồng Lần thứ ba: Ngày 29/10/2021, anh Ph tiếp tục đến nhà ở gặp Q hỏi vay 10.000.000 đồng, trong thời hạn 10 ngày để giải quyết công việc cá nhân. Sau khi thống nhất với Nh Q đồng ý cho anh Ph vay với lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày; anh Ph đồng ý vay. Sau đó, Nh chuyển khoản cho Q rồi Q chuyển từ tài khoản ngân hàng M của Q đến tài khoản ngân hàng T số 190203xx829 của anh Ph số tiền 10.000.000 đồng rồi anh Ph viết giấy vay tiền đưa cho Q. Tuy nhiên đến hạn 10 ngày, anh Ph chưa có tiền trả tiền gốc nên đã thỏa thuận miệng với Q, Nh tiếp tục vay thêm 06 ngày nữa. Đến 14/11/2021, khi anh Ph đã trả cho Q và Nh 10.000.000 đồng tiền gốc (hợp đồng đã hết thời hạn trước ngày 13/12/2021) và đã trả tổng cộng 600.000 đồng trong đó tiền lãi phải trả của 16 ngày là 480.000 đồng và anh Ph đã trả thêm 120.000 đồng theo yêu cầu của Q và Nh do thời gian vay ngắn.

Tiền lãi theo thỏa thuận mà anh Ph phải trả cho Q và Nh tính từ ngày 29/10/2021 đến ngày 14/11/2021 (16 ngày) của khoản vay này là 3.000 đồng x 10 x 16 ngày = 480.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Q và Nh được phép thu đối với khoản cho vay này là 10.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 16 ngày = 87.671 đồng. Số tiền Nh và Q thu lợi bất chính của khoản tiền cho Ph vay này là 600.000 đồng – 87.671 đồng = 512.329 đồng.

Như vậy, tính đến ngày 13/12/2021 Nguyễn Mạnh Q và Phạm Thị Tuyết Nh đã sử dụng 130.000.000 đồng cho anh Ph vay 03 lần; đã thu được 100.000.000 đồng tiền gốc và anh Ph còn nợ 30.000.000 đồng tiền gốc. Tổng số tiền lãi suất cao nhất 20%/năm theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Q và Nh được phép thu là 246.575 đồng + 1.479.452 đồng + 87.671 đồng = 1.813.698 đồng; thực tế tiền lãi được phép thu mà Nh và Q đã thu được là 246.575 đồng + 1.002.740 đồng + 87.671 đồng = 1.336.986 đồng. Tổng số tiền Q và Nh nhằm thu lợi bất chính từ việc cho anh Ph vay 03 lần là 1.053.425 đồng + 6.530.548 đồng + 512.329 đồng = 8.096.032 đồng; thực tế Q và Nh đã thu lợi bất chính là 1.053.425 đồng + 4.397.260 đồng + 512.329 đồng = 5.963.014 đồng.

6. Cho anh Phạm Khắc B vay:

Do cần tiền để bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô nên ngày 01/9/2021 anh B gọi điện đến số thuê bao 097483xxx8 của Q hỏi vay 10.000.000 đồng. Q đồng ý và thống nhất với Nh cho anh B vay với mức lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày, thời hạn trả lãi là 01 tháng tính bằng 30 ngày. Anh B đồng ý với các yêu cầu của Q, Nh. Tại nhà ở, Q chuyển từ tài khoản ngân hàng M của Q đến tài khoản ngân hàng thương mại cổ phần C số 1098xx47556 của anh B số tiền 10.000.000 đồng. Ngày 06/9/2021 do cần thêm tiền để giải quyết công việc nên anh B đến nhà ở gặp Q để hỏi vay tiếp 10.000.000 đồng, trong thời hạn 01 tháng. Q và Nh thống nhất cho anh B vay tiếp, đồng thời không tính tiền lãi đối với khoản vay 10.000.000đ từ ngày 01/9/2021 đến ngày 06/9/2021 mà bắt đầu tính tiền lãi của số tiền 20.000.000 đồng từ ngày 06/9/2021 với mức lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày. Anh B đồng ý và viết giấy vay tiền ghi 06/9/2021, số tiền vay là 20.000.000 đồng, hẹn 01 tháng sau trả đủ cả gốc và lãi rồi đưa cho Q. Sau đó, Q chuyển từ tài khoản ngân hàng M của Q đến tài khoản ngân hàng V số 109xx2547556 của anh B số tiền 10.000.000 đồng. Đến ngày 06/10/2021 do chưa có tiền trả nợ gốc nên anh B thỏa thuận miệng với Q và Nh để tiếp tục vay tiền đến khi trả được nợ gốc, thời hạn trả lãi là 01 tháng tính bằng 30 ngày và trả lãi vào ngày mùng 6 hàng tháng. Đến ngày 19/11/2021, anh B đã trả cho Q và Nh 20.000.000 đồng tiền gốc (hợp đồng đã hết thời hạn trước ngày 13/12/2021); trả lãi của 02 tháng 13 ngày là 4.380.000 đồng và đã trả thêm 220.000 đồng theo yêu cầu của Q và Nh để kết thúc hợp đồng, tổng cộng là 4.600.000 đồng.

Tiền lãi theo thỏa thuận mà anh B phải trả cho Q và Nh vay tính từ ngày 06/9/2021 đến ngày 19/11/2021 (02 tháng 13 ngày tính bằng 73 ngày) là 3.000 đồng x 20 x 73 ngày = 4.380.000 đồng.

Tiền lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự mà Nh và Q được phép thu đối với khoản vay này tính từ ngày 06/9/2021 đến 19/11/2021 (74 ngày theo lịch thực tế) là 20.000.000 đồng x 20% : 365 ngày x 74 ngày = 810.959 đồng.

Số tiền Nh và Q đã thu lợi bất chính từ việc cho B vay 20.000.000 đồng là 4.600.000 đồng – 810.959 đồng = 3.789.041 đồng.

Ngày 13/12/2021, theo tố giác về tội phạm của người dân ở tổ 11, phường Tr, thành phố T, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình triệu tập Nguyễn Mạnh Q và Phạm Thị Tuyết N để làm việc. Tại Cơ quan cảnh sát điều tra, Q và Nh đã khai nhận toàn bộ hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đồng thời Q giao nộp 01 (một) điện thoại di động Iphone X, lắp sim số thuê bao 097483xxx8; Nh giao nộp 01 (một) điện thoại di động Iphone 11, lắp sim số thuê bao 0965009xxx và 09 tờ giấy vay tiền do Trương Văn Th2, Nguyễn Minh Đ, Cao Văn T, Nguyễn Hữu Th1, Nguyễn Văn Ph, Phạm Khắc B viết.

Trong quá trình kiểm tra, xác minh tố giác về tội phạm, ngày 21/12/2021 anh Nguyễn Minh Đ đã trả hết số tiền gốc 60.000.000 đồng; anh Cao Văn T đã trả hết số tiền gốc 20.000.000 đồng cho Q và Nh. Cùng ngày anh Đ, anh Tn đã giao nộp cho Cơ quan cảnh sát điều tra 02 giấy biên nhận đã trả tiền gốc cho Q và Nh.

Tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q thừa nhận hành vi cho nhiều người vay tiền với lãi suất vượt quá quy định của pháp luật nhằm thu lợi bất chính nội dung sự việc đúng như bản cáo trạng đã nêu.

Tại bản Cáo trạng số 44/CT-VKS-TPTĐ ngày 30 tháng 5 năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã truy tố các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q ra trước Tòa án nhân dân thành phố Tam Điệp để xét xử về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 2, khoản 3 Điều 201 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tam Điệp vẫn giữ nguyên bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử: tuyên bố các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

- Áp dụng khoản 2 Điều 201; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 35, Điều 15, khoản 1 Điều 57 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q.

Xử phạt bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng. đồng.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Q từ 220.000.000 đồng đến 240.000.000 Về xử lý vật chứng và áp dụng biện pháp tư pháp: áp dụng các điểm a, b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; các điểm a, b, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Tịch thu sung quỹ nhà nước 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone X và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11.

- Buộc các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải nộp các khoản tiền sau đây để tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.

+ Đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh số tiền 118.024.109 đồng (bao gồm:

tiền dùng cho người khác vay lãi nặng 107.000.000 đồng, tiền lãi tối đa theo quy định của Bộ luật dân sự đã thu được của những người vay là 11.024.109 đồng) + Đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Q số tiền 118.024.109 (bao gồm: tiền dùng cho người khác vay lãi nặng 107.000.000 đồng, tiền lãi tối đa theo quy định của Bộ luật dân sự đã thu được của những người vay là 11.024.109 đồng) + Đối với anh Trương Văn Th2 số tiền 58.000.000 đồng (có được do vay của Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q);

+ Đối với anh Nguyễn Văn Ph số tiền 30.000.000 đồng (có được do vay của Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q);

+ Đối với anh Phạm Hữu Th1 số tiền 10.000.000 đồng (có được do vay của Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q;

+ Tịch thu tiêu hủy 01 sim có số thuê bao 0965009xxx và 01 sim có số thuê bao 097483xxx8.

Tại phiên tòa bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q thừa nhận trong thời gian từ ngày 08/12/2020 đến ngày 13/12/2021, thông qua giao dịch cho vay tài sản, Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q đã thỏa thuận cho 06 người vay tổng số tiền 312.000.000 đồng (ba trăm mười hai triệu đồng), trong đó thỏa thuận cho các anh: Nguyễn Minh Đ vay số tiền 60.000.000 đồng, Cao Văn T vay số tiền 12.000.000 đồng, Phạm Khắc B vay số tiền 20.000.000, anh Phạm Hữu Th1 vay số tiền 10.000.000 đồng và anh Nguyễn Văn Ph vay số tiền 130.000.000 đồng với mức lãi suất 3.000đ/1.000.000đ/1 ngày; thỏa thuận cho anh Trương Văn Th2 vay số tiền 60.000.000 đồng và anh Cao Văn T vay 20.000.000 đồng với 4.000đ/1.000.000đ/1 ngày. Mức lãi suất mà Q và Nh thỏa thuận với sáu người vay nêu trên đã vượt gấp hơn 5 lần mức lãi suất cho vay tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, nhằm mục đích thu lợi bất chính tổng số tiền là 129.556.712 đồng (một trăm hai mươi chín triệu năm trăm năm mươi sáu nghìn, bảy trăm mười hai đồng), Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận hành vi bị truy tố như bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tam Điệp.

Các bị cáo không tranh luận với đại diện Viện kiểm sát về tội danh, hình phạt và nói lời sau cùng xin Hội đồng xét xử xem xét xử phạt bị cáo mức án thấp nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi của các bị cáo.

Lời khai nhận tội của các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q tại phiên tòa và trong quá trình điều tra phù hợp với lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, và các giấy vay tiền, giấy biên nhân đã thu giữ và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên có đủ cơ sở kết luận hành vi của các bị cáo như sau: Trong thời gian từ ngày 08/12/2020 đến ngày 13/12/2021 tại số nhà 29, đường N, tổ 11, phường Tr, thành phố T, Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q đã thỏa thuận cho 06 người vay 11 lần với tổng số tiền 312.000.000 đồng, trong đó thỏa thuận cho anh Trương Văn Th2 vay số tiền 60.000.000 đồng và anh Cao Văn T vay 20.000.000 đồng với mức lãi suất 4.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày (bằng 146%/năm và gấp 7,3 lần so với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015), anh Nguyễn Minh Đ vay số tiền 60.000.000 đồng, anh Cao Văn T vay số tiền 12.000.000 đồng, anh Phạm Hữu Th1 vay số tiền 10.000.000 đồng, anh Nguyễn Văn Ph vay số tiền 130.000.000 đồng, anh Phạm Khắc B vay số tiền 20.000.000 đồng với mức lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày (bằng 109,5%/năm và gấp 5,475 lần so với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015). Mức lãi suất mà Nh và Q đã thỏa thuận với 06 người vay nêu trên đã vượt gấp hơn 5 lần mức lãi suất cho vay tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 và đã thu lợi bất chính tổng số tiền 129.556.712 đồng.

[2] Điều 201 của Bộ luật Hình sự quy định về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” như sau:

''1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế về hoạt động cho vay trong giao dịch dân sự được pháp luật hình sự bảo vệ. Các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q đều là người có năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi với lỗi cố ý nên hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 201 của Bộ luật Hình sự. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tam Điệp truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trong vụ án này có hai đối tượng tham gia nhưng mang tính đồng phạm giản đơn, khi quyết định hình phạt cần xem xét đến vai trò đồng phạm của từng bị cáo để cá thể hóa mức hình phạt cho phù hợp.

Đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh là người khởi xướng việc cho vay lãi nặng, bị cáo có một lần trực tiếp cho 01 người vay và cùng Q thỏa thuận cho 01 người vay tiền. Mặt khác bị cáo là người quản lý tiền vay và tiền lãi còn đối với Q đã trực tiếp cho 04 người vay. Do vậy về vai trò của bị cáo Nh và Q bằng nhau.

[3] về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của các bị cáo.

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q đã 11 lần cho vay lãi nặng, trong đó có 02 lần thu lợi bất chính mỗi lần trên 30.000.000 đồng (02 lần đều cho anh Th2 vay) nên Nh và Q đều phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q cho anh Trương Văn Th2 vay 02 lần nhằm thu lời bất chính số tiền trên 30.000.000 đồng, vì lý do khách quan tính đến ngày bị phát hiện 13/12/2021 Nh và Q mới thu được số tiền 33.886.027 đồng và 27.912.329 đồng nên thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt nên khi quyết định hình phạt cần áp dụng quy định tại Điều 15 và khoản 1 Điều 57 của Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q quá trình điều tra, truy tố đã thành khẩn khai báo, đã hoàn trả cho anh Th2, Th1, Ph toàn bộ tiền thu lợi bất chính, bị cáo Nh có bố đẻ và bị cáo Q có bố vợ là “Người hoạt động kháng chiến và có con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học”; nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Về nhân thân: Bị cáo Nguyễn Mạnh Q là người có nhân thân xấu, đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi Cố ý gây thương tích và sử dụng trái phép chất ma túy, Bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh là người có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự.

[4] Xét tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn mạnh Q, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của các bị cáo. Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 35 của Bộ luật Hình sự để áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền đối với các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn mạnh Q cũng đủ để giáo dục cải tạo các bị cáo.

[5] Về hình phạt bổ sung: căn cứ khoản 3 Điều 201 của Bộ luật Hình sự quy định “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Do áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền nên Hội đồng xét xử Quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q là phù hợp với quy định của pháp luật.

[6] Về xử lý vật chứng và các biện pháp tư pháp:

Đối với 09 tờ giấy vay tiền và 02 tờ giấy biên nhận là tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của Nh và Q; vì vậy được lưu tại hồ sơ vụ án.

Đối với 02 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone X và Iphone 11 đã thu giữ của Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q. Đây là công cụ phương tiện phạm tội cần tịch thu sung nộp ngân sách Nhà nước là phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Đối với 01 sim số thuê bao 097483xxx8 của Nguyễn Mạnh Q, 01 sim số thuê bao 0965009xxx của Phạm Thị Tuyết Nh không còn giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy là phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

[7] Đối với số tiền sử dụng vào việc phạm tội Đối với tổng số tiền 312.000.000 đồng là tiền chung của vợ chồng mà Nh và Q dùng cho vay lãi nặng là công cụ, phương tiện phạm tội nên căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cần tịch thu nộp Ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:

- Đối với khoản tiền gốc 30.000.000 đồng anh Nguyễn Văn Ph chưa trả cho các bị cáo cần buộc anh Ph nộp lại để tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

- Đối với khoản tiền gốc 10.000.000 đồng anh Phạm Hữu Th1 chưa trả cho các bị cáo cần buộc anh Th1 nộp lại để tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

- Đối với khoản tiền gốc 58.000.000 đồng anh Trương Văn Th2 chưa trả cho các bị cáo cần buộc anh Th2 nộp lại để tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

- Đối với khoản 214.000.000 đồng cho vay, Nh và Q đã thu hồi gốc cần buộc các bị cáo phải liên đới nộp lại, theo phần: Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q, mỗi người phải nộp lại ½, tương ứng với số tiền 107.000.000 đồng.

[8] Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 Số tiền 22.048.219 đồng tương ứng tiền lãi mức 20%/năm do Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q đã thu được từ việc cho các anh Nguyễn Văn Ph, anh Phạm Hữu Th1, Phạm Khắc B, anh Cao Văn T, anh Nguyễn Minh Đ, anh Trương Văn Th2 vay tiền, đây là tiền do các bị cáo phạm tội mà có nên căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cần tịch thu nộp Ngân sách nhà nước, theo phần: mỗi bị cáo phải nộp lại ½ tương ứng với số tiền 11.024.109 đồng.

Do đó Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q phải nộp lại mỗi bị cáo số tiền 118.024.109 đồng.

[9] Đối với các khoản tiền các bị cáo thu lời bất chính.

Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q cho vay với lãi suất vượt quá mức quy định của pháp luật để thu lời bất chính, là khoản tiền các bị cáo chiếm đoạt bất hợp pháp nên cần buộc các bị cáo có nghĩa vụ liên đới trả lại số tiền thu lời bất chính cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tuy nhiên anh Nguyễn Minh Đ, anh Cao Văn T, anh Phạm Khắc B không yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả số tiền lãi vượt quy định, các anh Nguyễn Văn Ph, Trương Văn Th2 và Phạm Hữu Th1 đã nhận lại số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt bất hợp pháp, không yêu cầu vấn đề gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[10] Về hành vi, quyết định tố tụng: Cơ quan điều tra Công an thành phố Tam Điệp, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tam Điệp, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[11] Về án phí: các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; các điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 201; điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 35, Điều 15, khoản 1 Điều 57 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và bị cáo Nguyễn Mạnh Q;

- Căn cứ vào các điểm a, b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; các điểm a, b, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự

- Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; các điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Tuyên bố:

Các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

2. Về hình phạt:

2.1. Xử phạt bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng);

2.2. Xử phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Q 220.000.000 đồng (hai trăm hai mươi triệu đồng);

3. Về xử lý vật chứng và các biện pháp tư pháp:

+ Tịch thu nộp ngân sách nhà nước tổng số tiền 312.000.000 đồng sử dụng vào việc phạm tội và 22.048.219 đồng tiền do phạm tội mà có, cụ thể như sau:

- Buộc các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và Nguyễn Mạnh Q phải liên đới nộp lại số tiền 236.048.219 đồng (bao gồm 214.000.000 đồng tiền sử dụng vào việc phạm tội và 22.048.219 đồng là tiền do phạm tội mà có) để tịch thu nộp ngân sách Nhà nước, theo phần mỗi bị cáo phải nộp 118.024.109 đồng (một trăm mười tám triệu, không trăm bốn mươi tám nghìn, một trăm linh chín đồng).

- Buộc anh Trương Văn Th2 phải nộp lại số tiền 58.000.000 đồng (năm mươi tám triệu đồng) đã vay của các bị cáo để tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

- Buộc anh Nguyễn Văn Ph phải nộp lại số tiền 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) đã vay của các bị cáo để tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

- Buộc anh Phạm Hữu Th1 phải nộp lại số tiền 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) đã vay của các bị cáo để tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

- Tịch thu sung quỹ nhà nước 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone X, số IMEI: 3548580991936156 và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11, số IMEI: 352901113468618.

- Tịch thu tiêu hủy 01 sim có số thuê bao 0965009xxx (sim số có các dãy số 8984048008816926251) và 01 sim có số thuê bao 097483xxx8 (sim số có các dãy số 8984048000034292924).

Những vật chứng trên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố T đã chuyển cho Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tam Đ theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 03 tháng 6 năm 2022 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố T và Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.

4. Về án phí:

- Buộc bị cáo Phạm Thị Tuyết Nh và bị cáo Nguyễn Mạnh Q mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm để sung nộp ngân sách Nhà nước.

Án xử sơ thẩm các bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

83
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 47/2022/HS-ST

Số hiệu:47/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Tam Điệp - Ninh Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về