TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
BẢN ÁN 30/2024/HS-PT NGÀY 23/04/2024 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ
Ngày 23 tháng 4 năm 2023 tại Hội trường xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Q xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 18/2024/TLPT-HS ngày 06 tháng 02 năm 2024 đối với bị cáo Phạm Như Q và bị cáo Vũ Thị G do có kháng cáo của bị cáo Phạm Như Q và bị cáo Vũ Thị G đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2023/HS-ST ngày 27/12/2023 của Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn, tỉnh Q.
- Bị cáo có kháng cáo:
1. Phạm Như Q, sinh ngày 02/8/2000, tại huyện V, tỉnh Q; nơi cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện V, tỉnh Q; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 09/12; dân tộc: kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn T và bà Hà Thị X; chồng, con: chưa có; tiền án, tiền sự: không; bị bắt, tạm giam ngày 11/10/2022, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Q, có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Phạm Như Q: Ông Vũ Mạnh K, Luật sư Công ty L thuộc Đoàn luật sư tỉnh Q; địa chỉ: Số A, lô A M, phường H, thành phố H, tỉnh Q, có mặt.
2. Vũ Thị G, sinh ngày 20/12/1975, tại huyện T, tỉnh Thái Bình; nơi cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện V, tỉnh Q; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 04/12; dân tộc: kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vũ Văn T1 và bà Trịnh Thị C; chồng là Vũ Minh C1 và có 02 con; tiền án, tiền sự: không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” hiện tại ngoại, có mặt.
- Bị hại: Vũ Thị G, sinh ngày 20/12/1975, tại huyện T, tỉnh Thái Bình: nơi cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện V, tỉnh Q, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Phạm Như Q, sinh ngày 02/8/2000, tại huyện V, tỉnh Q; nơi cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện V, tỉnh Q, có mặt.
- Người làm chứng:
+ Vũ Duy Q1, Hoàng Văn P, Giang Văn T2, Phạm Thị T3, Vũ Văn H1, Hà Thị Huyền T4, Nguyễn Quang C2, Hà Thị Hoài T5, Nguyễn Thanh H2, Trần Thị D, ông Đặng Thanh S đều vắng mặt.
+ Ông Phạm Văn T và bà Hà Thị X, có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phạm Như Q và Vũ Thị G là hàng xóm quen biết nhau. Do Q cần tiền tiêu xài cá nhân và biết G cho vay tiền với lãi suất cao, nên Q đã nhiều lần vay tiền của G. G đồng ý và hai bên thỏa thuận miệng cho vay với mức lãi suất từ 5.000 đồng/1.000.000đồng/1 ngày đến 7.000 đồng/1.000.000đồng/1 ngày, tương ứng với mức lãi suất thấp nhất là 182,5%/năm, lãi suất cao nhất là 255,5%/năm. Quá trình vay tiền do G cần giấy tờ, tài sản đảm bảo để cầm làm tin, nên Q đà sử dụng giấy tờ giả là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất số 60A, tờ bản đồ số 24, thuộc tổ E, khu D, phường C, thành phố C và Q nhận là chủ sở hữu thửa đất này, mục đích tạo niềm tin để lừa dối G cho vay tiền. Sau đó, Q không có khả năng trả tiền cho G nên Q bán thửa đất trên (không phải là của Q) cho G với giá 600.000.000 đồng, đã đặt cọc trước 230.000.000 đồng (là trừ vào số tiền 200.000.000 đồng G cho vay từ trước đó và 30.000.000 đồng tiền lãi từ việc cho vay tiền). Quá trình làm thủ tục chuyển nhượng, tại văn phòng C3 thì bị phát hiện GCNQSDĐ đối với thửa đất trên là giấy tờ giả, nên Q chưa nhận được số tiền G phải thanh toán còn lại là 370.000.000 đồng.
Các lần G cho Q vay tiền và việc Q dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của G được xác định cụ thể như sau:
Lầu 1: Vào ngày 09/10/2021, tại nhà Q ở thôn Đ, xã Đ, huyện V, Q hỏi G vay 10.000.000 đồng, G đồng ý. Cả hai thống nhất Q phái trả lãi cho G là 5.000đồng/1.000.000 đồng/1 ngày (tức là 50.000 đồng một ngày, với mức lãi suất là 182,5%/năm), cứ 10 ngày Q phải thanh toán tiền lãi cho G là 500.000 đồng, thời điểm bắt đầu vay Q phải trả lãi trước cho G 10 ngày và được G trừ trực tiếp vào số tiền cho vay. Vì vậy, G chỉ đưa cho Q 9.500.000 đồng và chuyển qua tài khoản số tiền này cho Q hai lần vào các ngày 09 và 11/10/2021. Trong thời gian từ ngày 09/10/2021 đến 08/02/2022 Q đã trả cho G số tiền lãi là 6.150.000 đồng (trong đó: tiền thu lãi hợp pháp là 673.973 đồng, tiền thu lợi bất chính là 5.476.027 đồng).
Lầu 2: Vào ngày 08/02/2022 Q hỏi G vay 50.000.000 đồng, G đồng ý và thỏa thuận lãi suất là 5.000đồng/1.000.000 đồng/1 ngày (tức là 250.000 đồng một ngày, với mức lãi suất 182,5%/năm), Q trả lãi luôn 02 tháng là 15.000.000 đồng và trả cả số tiền 10.000.000 đồng của khoản vay 09/10/2021 (lần 1). Số tiền thực tế G giao cho Q là 25.000.000 đồng. Cả hai hẹn thời gian vay khoảng 02 tháng, nếu chưa trả được thì cứ sau 10 ngày Q sẽ phải trả lãi là 2.500.000 đồng đối với khoản vay 50.000.000 đồng này. Tổng số tiền lãi G thu được của lần vay này là 15.000.000 đồng (trong đó: tiền thu lãi hợp pháp là 1.643.836 đồng, tiền thu lợi bất chính là 13.356.164 đồng).
Lần 3: Vào ngày 07/3/2022. Q dùng điện thoại số 0356.552.xxx và zalo tên hiển thị “Phann Thảoo” liên lạc cho G vào số điện thoại 0866.520.xxxx và zalo tên hiển thị “Vu Thi Hong Gam” hỏi G vay số tiền 50.000.000 đồng. G thấy số tiền Q vay các lần trước đã nhiều nên yêu cầu Q phải có giấy tờ, tài sản đảm bảo để cầm làm tin, Q đồng ý và đến nhà G đưa cho G 01 GCNQSDĐ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất giả do Q thuê làm từ tháng 3/2022. G tin tưởng GCNQSDĐ này là thật nên đồng ý nhận giữ GCNQSDD do Q đưa và cho Q vay 50.000.000 đồng Cả hai thống nhất đối với khoản tiền cho vay này Q phải trả lãi cho G như hai lần trước và thời hạn vay là 06 tháng kể từ ngày 07/3/2022. Quỳnh trả lãi luôn 02 tháng đầu là 15.000.000 đồng được G trả trực tiếp vào tiền cho vay, nên số tiền thực tế G giao cho Q là 35.000.000 đồng. Tổng số tiền lãi G thu được của lần cho vay này là 15.000.000 đồng (trong đó: tiền thu lãi hợp pháp là 1.643.836 đồng, tiền thu lợi bất chính là 13.356.164đồng).
Lần 4: Vào ngày 22/3/2022 Q muốn vay thêm tiền để tiêu xài cá nhân nên đến nhà G đề nghị vay thêm 100.000.000 đồng và vẫn thế chấp giấy chứng nhận trên. Cả hai thống nhất Q phải trả lãi cho G như các lần trước, thời gian vay từ ngày 22/3/2022 đến 23/9/2022. Thống nhất Q trả lãi luôn 02 tháng là 30.000.000 đồng. Tuy nhiên thời điểm này G chưa giao tiền cho Q do G khai chưa có tiền. Nhưng sau đó đến khoảng đầu tháng 4/2022 thời điểm này G và Q thống nhất lại việc cho vay tiền và thống nhất bỏ giấy vay nợ 100.000.000 đồng trên đi để thỏa thuận và viết giấy nợ mới. Cụ thể, số tiền khoản vay cũ của lần 2 và lần 3 sẽ được tất toán hết để tính vay đợt mới là lần này. Do đó, khoản vay mới sẽ bao gồm số tiền Q vay lần 2, lần 3 là 100.000.000 đồng cùng với số tiền vay mới 100.000.000 đồng. Do đó tổng số tiền vay lần thứ 4 này là 200.000.000 đồng, thống nhất lại Q phái trả lãi khoản vay này là 7.000đ/1 triệu/1 ngày (tức là 1.400.000 đồng một ngày, với mức lãi suất là 255,5%/năm), vẫn tính thời gian bắt đầu vay khoản tiền lần này là ngày 22/3/2022. Quỳnh trả lãi trước cho G 01 tháng với số tiền là 42.000.000 đồng, ngoài ra Q cho thêm 6.000.000 đồng tiền cảm ơn vì G có nói với Q số tiền G cho Q vay là G đi vay của người khác, đồng thời trả cả số tiền 100.000.000 đồng khoản vay trước Q đang vay nên G chỉ đưa cho Q 52.000.000 đồng, G trực tiếp giao tiền mặt cho Q. Như vậy đến ngày 22/4/2022 là hết số tiền lãi 42.000.000 đồng mà Q đã đóng cho G. Từ ngày 23/4/2022 đến ngày 15/6/2022 Q trả cho G tiền lãi trong thời gian này là 47.600.000 đồng, số tiền lãi Q còn thiếu chưa trả lãi cho G 22 ngày = số tiền lãi là 30.800.000 đồng, nhưng G và Q thống nhất làm tròn là 30.000.000 đồng (với mức lãi suất là 248,9%). Việc vay khoản tiền 200.000.000 đồng này Q có làm giấy vay tiền không ghi lãi suất và giao cho G giữ, sau này cả hai đà húy đi. Như vậy, đối với lần vay này xác định, tổng số tiền lãi G thu được của lần cho vay này là 120.400.000 đồng nhưng thực tế chỉ tính là 119.600.00 đồng/200.000.000 đồng (trong đó: tiền thu lời hợp pháp là 9.424.000 đồng, tiền thu lợi bất chính là 110.175.342 đồng).
Chính thời gian này Q không có tiền trả lãi cho G như đã hẹn nên G đề nghị Q bán thửa đất trên. Ngày 12/6/2022, Q giới thiệu với mẹ đẻ là bà Hà Thị X về việc Q là chủ sở hữu thửa đất trên và rủ bà X và G đi cùng đến thửa đất để xem, tại đây Q cũng chỉ và giới thiệu cho G xem đất. Sau khi xem đất xong G và Q thống nhất việc Q bán thửa đất cho G với giá 600.000.000 đồng, G nhờ con trai là Vũ Duy Q1 đứng tên giúp. Do Q còn nợ G 200.000.000 đồng tiền gốc và 30.000.000 đồng tiền lãi chưa trả, nên cả hai thống nhất viết giấy cọc mua bán đất là 230.000.000 đồng và hẹn đến ngày 16/6/2022 cả hai bên đến nhà Q để làm thủ tục viết giấy cọc mua bán đất. Ngày 15/6/2022. Q dùng điện thoại liên lạc vào số 0936.884.466 của anh Hoàng Văn P để nhờ làm giúp hợp đồng đặt cọc và Q có nói cho anh P biết việc Q nợ G số tiền 230.000.000 đồng nên nhờ viết hợp đồng đặt cọc chuyển số tiền Q nợ thành tiền Q nhận cọc. Đến buổi sáng ngày 16/6/2022, anh P có rủ anh Nguyễn Thanh H2 đi cùng, nhưng khi đến khu vực gần nhà Q thì anh H2 ở bên ngoài còn anh P vào nhà Q. Tại đây có Q, G, anh P và bố mẹ Q là bà X, ông Phạm Văn T, còn Q1 không có mặt do có việc bận nên để G ký giúp hợp đồng đặt cọc. Tại đây G đưa giấy chứng nhận trên ra để anh P ghi hợp đồng đặt cọc với nội dung G cùng con trai là Q1 đặt cọc mua thửa đất trên của Q, còn ông T, bà X là người chứng kiến. Sau khi làm hợp đồng đặt cọc xong, Q và G hẹn nhau đến ngày 20/6/2022 hai bên đến văn phòng C3 đê làm thủ tục chuyển nhượng công chứng thửa đất, khi chuyển nhượng xong G sẽ trả số tiền còn lại là 370.000.000 đồng.
Đến hẹn vào khoảng 12 giờ, ngày 20/6/2022 Q bắt xe taxi đến nhà P nhờ dẫn đến Văn phòng C3 tại số nhà D, đường T, phường C, thành phố C, tỉnh Q. Vào khoảng 14 giờ, cùng ngày Q, P, G và Q1 có mặt tại Văn phòng công chứng và gặp ông Giang Văn T2 (Công chứng viên) để làm thủ tục công chứng. Sau đó ông T2 giao cho chị Hà Thị Huyền T4 là nhân viên văn phòng C3 đê tiếp nhận hồ sơ thẩm định, quá trình tiếp nhận hồ sơ Q đưa ra giấy chứng nhận giả trên. Do chị T4 thấy nghi ngờ giấy chứng nhận có dấu hiệu làm giả nên đã báo lại ông T2 và đề xuất đưa cho anh Vũ Văn H1 là nhân viên văn phòng công chứng, mang đến Cơ quan Hành chính công thành phố C kiểm tra, thì phát hiện giấy chứng nhận trên có dấu hiệu làm giả, nên đã mang về đưa cho ông T2 và báo cáo lại sự việc. Ngay sau đó, ông T2 trình báo Công an thành phố C.
Tại cơ quan điều tra và tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Q khai báo hành vi phạm tội đúng như nội dung vụ án nêu trên.
Tại quá trình điều tra ban đầu, bị cáo G đà khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với lời khai của bị cáo Q và phù hợp với nội dung vụ án đã nêu trên.
Tuy nhiên sau đó tại cơ quan điều tra và tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo G đã thay đổi lời khai không thừa nhận lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, với lý do: quá trình làm việc với cơ quan công an thành phố C và công an huyện V tinh thần bị cáo bị hoảng loạn và bị ép ký vào các biên bản lấy lời khai, các bản tự khai là do điều tra viên đọc cho bị cáo chép. Tất cả các lời khai tại cơ quan công an đều không đúng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2023 HS-ST ngày 27/12/2023 của Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn, tỉnh Q đã căn cứ vào:
+ Điểm a khoản 3 Điều 174; điểm b khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 55 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Như Q 08 (T6) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 03 (Ba) năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội, bị cáo Phạm Như Q phải chấp chấp hành 11 (Mười một) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (11/10/2022).
+ Khoản 2 Điều 201; điểm i khoản 1 Điều 51; điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 35 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Vũ Thị G 250.000.000 đồng (Hai trăm năm mươi triệu đồng) về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Về biện pháp tư pháp: Bị cáo Phạm Như Q phải nộp lại số tiền 200.000.000 đồng để tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước: Bị cáo Vũ Thị G phải nộp lại số tiền 17.249.316 đồng để tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước: Bị cáo Vũ Thị G phải trả lại cho bị cáo Phạm Như Q số tiền 70.900.684 đồng (tiền lãi vượt quá 20% mà bị cáo G thực tế đã thu của Q).
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
- Ngày 28/12/2023 bị cáo Phạm Như Q làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, vì bị cáo thấy mức hình phạt 11 năm cho cả hai tội đối với bị cáo là quá cao so với hành vi phạm tội của bị cáo.
- Ngày 08/01/2024 bị cáo (bị hại) Vù Thị G kháng cáo có nội dung: đề nghị cấp phúc thẩm minh oan cho bị cáo, nếu không oan thì xin xử mức phạt thấp khoảng từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Q; buộc Q phải trả cho bị cáo G số tiền 200.000.000 đồng đặt cọc mua đất và 87.000.000 đồng tiền gốc vay và tiền lãi theo lãi suất Ngân hàng kể từ ngày vay; đề nghị Tòa án phúc thẩm kiến nghị với cơ quan điều tra công an huyện V khởi tố ông Phạm Văn T và bà Hà Thị X (bố mẹ của Q) về hành vi giúp sức cho Q lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị cáo (G).
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Phạm Như Q giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt cho cả hai tội.
Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Q: đồng tình với bài phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến nhân thân, hoàn cảnh gia đình, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo, đề nghị áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Q về cả hai tội với mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt liền kề.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo (bị hại) Vũ Thị G khai nhận hành vi phạm tội của mình đúng như lời khai ban đầu của bị cáo G tại cơ quan điều tra và đúng như nội dung vụ án mà Cáo trạng đã nêu, bị cáo thừa nhận Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là đúng người, đúng tội, bị cáo xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo xuống còn từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; còn đối với số tiền 230.000.000 đồng ghi trong Hợp đồng đặt cọc mua đất, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại vì thực tế bị cáo có đưa cho bị cáo Q số tiền 200.000.000 đồng để đặt cọc mua đất chứ không phải như lời khai của bị cáo và bị cáo Q tại cơ quan điều tra là số tiền đặt cọc mua đất được chuyển từ số tiền bị cáo cho Q vay nợ trước đó sang, từ đó đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu bị cáo Q phải trả lại cho bị cáo số tiền 200.000.000 đồng mà bị cáo đã đưa cho Q; và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền mà Toà sơ thẩm buộc bị cáo phái trả lại cho Q vì trên thực tế bị cáo Q chưa trả lãi cho bị cáo như án sơ thẩm đã nêu; còn các nội dung khác trong đơn kháng cáo bị cáo giữ nguyên.
Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử:
- Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bị cáo Q, sửa bản án sơ thẩm: giảm hình phạt cho bị cáo Q về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, áp dụng: điểm a khoản 3 Điều 174; điểm b khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 55 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Như Q từ 07 năm đến 07 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 03 (Ba) năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội, bị cáo Phạm Như Q phải chấp chấp hành từ 10 năm đến 10 năm 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt 11/10/2022.
- Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bị cáo G, sửa bản án sơ thẩm: giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo G, phạt bị cáo G 50.000.000 đồng sung ngân sách Nhà nước.
- Về biện pháp tư pháp: đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm về phần biện pháp tư pháp: buộc bị cáo Q phải nộp lại số tiền 121.500.000 đồng để sung ngân sách Nhà nước; buộc bị cáo G phải nộp lại số tiền 673.973 đồng sung ngân sách Nhà nước; buộc bị cáo G phải trả lại cho bị cáo Q số tiền lãi đã nhận là 4.976.027 đồng.
Lời nói sau cùng: các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Như Q và bị cáo Vũ Thị G làm trong hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Về xác định người tham gia tố tụng: Trong tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Tòa án cấp sơ thẩm không xác định bị cáo Vũ Thị G là bị hại và trong tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, Toà sơ thẩm không xác định bị cáo Phạm Như Q là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, là thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng. Tuy nhiên trong đơn kháng của bị cáo Vũ Thị G đã có đủ nội dung kháng cáo với tư cách là bị hại, còn bị cáo Q chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; mặt khác cả hai bị cáo này đều có lời khai trong quá trình điều tra và có mặt tại phiên toà sơ thẩm. Do đó Toà phúc thẩm không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm mà chỉ cần sửa bản án sơ thẩm, bổ sung tư cách bị hại của Vũ Thị G, tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của bị cáo Q là đủ.
[2] Về tội danh:
[2.1] Đối với bị cáo Phạm Như Q: tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Phạm Như Q khai nhận hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu; bị cáo thừa nhận bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng, không oan, bị cáo không thắc mắc gì về tội danh. Hội đồng xét xử nhận thấy: lời khai của bị cáo Q phù hợp lời khai của bị cáo (bị hại) Vũ Thị G, phù hợp với lời khai của những người làm chứng và phù hợp với các tài liệu, chứng có trong hồ sơ vụ án, vì vậy có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Phạm Như Q bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Xét về khung hình phạt của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Viện kiểm sát nhân dân huyện Vân Đồn truy tố bị cáo Q về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự tương ứng với số tiền chiếm đoạt là 230.000.000 đồng là không đúng, bởi vì trên thực tế bị cáo Q đã thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt số tiền 600.000.000 đồng của bị cáo Vũ Thị G, mặc dù bị cáo chưa nhận được số tiền 370.000.000 đồng, nhưng bị cáo đã có ý thức chiếm đoạt cả số tiền 370.000.000 đồng này, việc bị cáo Q chưa chiếm đoạt được số tiền 370.000.000 đồng thì bị phát hiện ngăn chặn là ngoài ý thức chủ quan của bị cáo. Do vậy phải xác định hành vi lừa đảo của bị cáo Q phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền là 600.000.000 đồng. Hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt 600.000.000 đồng của bị cáo Phạm Như Q thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự, có mức hình phạt tù từ 12 năm 20 năm hoặc chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo khoản 2 điều 268 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì hành vi của bị cáo Q phải bị truy tố và xét xử về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự và thẩm quyền xét xử vụ án phải thuộc Tòa án cấp tỉnh mới đúng pháp luật. Việc Viện kiểm sát nhân dân huyện Vân Đồn truy tố và Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn đã xét xử bị cáo Q về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự là không đúng.
Tuy nhiên Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn đã 02 lần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện V để chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền truy tố, nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện Vân Đồn vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và không chuyển vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Q để truy tố theo thẩm quyền, trong khi đó Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn chỉ có thẩm quyền xét xử bị cáo Phạm Như Q về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 của Bộ luật hình sự mà không có thẩm quyền xét xử Q về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự và Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn cũng không có thẩm quyền chuyển vụ án lên Tòa án nhân dân tỉnh Q để xét xử theo thẩm quyền. Xét thấy, mặc dù Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn đã xét xử vụ án không đúng thẩm quyền, nhưng do giới hạn của việc xét xử nên Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn đã xét xử bị cáo Q theo tội danh và điều khoản Viện kiểm sát đã truy tố nên Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn không có lỗi.
[2.2] Đối với bị cáo Vũ Thị G: tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Vũ Thị G khai nhận hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung cáo trạng đã truy tố bị cáo về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Hội đồng xét xử xét thấy, mặc dù tại phiên toà sơ thẩm và tại đơn kháng cáo bị cáo G không thừa nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng đã nêu, nhưng căn cứ vào lời khai ban đầu (hồi 17 giờ ngày 20/6/2022 tại Công an thành phố C) ngay sau khi bị công chứng viên phát hiện sử dụng Giấy chứng nhận QSD đất giả để làm hợp đồng mua bán, bị cáo G đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình phù hợp với lời khai của bị cáo Q; và ngay ngày hôm sau (ngày 21/6/2022) bị cáo G đã đến Công an huyện V tố giác bị cáo Q và có lời khai tại Công an huyện V (hồi 14 giờ ngày 21/6/2022) đều có nội dung phù hợp với lời khai của G tại Công an T ngày 20/6/2022 và phù hợp với lời khai của bị cáo Q về nội dung vụ án; những lời khai này của bị cáo G được thực hiện trước khi hành vi cho vay lãi nặng của bị cáo bị phát hiện; lời khai của bị cáo G còn phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà sơ thẩm, do đó có đủ cơ sở xác định lời khai ban đầu của bị cáo G tại Công an T và Công an huyện V là khách quan, đúng sự thật, phù hợp với nội dung vụ án. Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo G khai: tại cấp sơ thẩm bị cáo không nhớ và do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ nên đã khai không đúng về nội dung vụ án, nay bị cáo đã nhận thức được nên khai nhận hành vi phạm tội của mình, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu là đúng, không oan, bị cáo khẳng định lời khai tại phiên toà phúc thẩm của bị cáo là đúng. Vì vậy đủ cơ sở xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Vũ Thị G về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự là đúng pháp luật.
[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Như Q.
+ Đối với tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ sự phân tích tại Mục [2.1] trên thấy rằng, mặc dù bị cáo Q bị xét xử về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo diêm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự là không đúng, nhưng mức hình phạt 08 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là phù hợp với hành vi chiếm đoạt số tiền 600.000.000 đồng của bị hại nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để truy tố, xét xử lại mà giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Q về tội danh, điều khoản mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Vân Đồn đã truy tố và Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn đã xét xử; tại phiên toà phúc thẩm Luật sư của bị cáo xuất trình cho Hội đồng xét xử 02 biên lai thu tiền, thể hiện gia đình bị cáo đã tự nguyện nộp số tiền 20.200.000 đồng vào Chi cục thi hành án Dân sự huyện Vân Đồn để đảm bảo thi hành án; tại phiên toà phúc thẩm bị cáo khai bị cáo đã tác động gia đình nộp hộ bị cáo khoản tiền trên để khắc phục hậu quả. Xét thấy bị cáo đã tự nguyện nộp một phần tiền theo quyết định của bản án sơ thẩm, do đó được xác định đây là tình tiết giảm nhẹ mới, cần được xem xét cho bị cáo khi quyết định hình phạt, vì vậy có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Q về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
+ Đối với tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, do bị cáo sử dụng tài liệu giả để thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội danh và điều luật được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ Luật Hình sự, có mức hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo 03 năm tù về tội này là đã xử ở mức đầu khung của mức hình phạt, xét thấy mức hình phạt này là phù hợp với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo; tại phiên toà phúc thẩm mặc dù bị cáo có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng tình tiết giảm nhẹ này chỉ được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự nên bị cáo không đủ điều kiện để được áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự để được hưởng mức hình phạt dưới khung hình phạt bị truy tố. Do đó không có cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Q về tội danh này.
[4] Xét kháng cáo của bị cáo Vũ Thị G.
[4.1] Xét kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm minh oan cho bị cáo, nếu không oan thì đề nghị Toà phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, xử bị cáo mức hình phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Hội đồng xét xử thấy rằng, như đã phân tích ở trên thì hành vi của bị cáo G đã đủ yếu tố cấu thành tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự nên việc Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội : “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự là đúng, không oan.
Bị cáo là phụ nữ, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo có chồng bị bệnh nặng phải liên tục nằm viện điều trị, bản thân bị cáo không có công việc ổn định, đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đà được cấp sơ thẩm áp dụng khi quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và trước khi xét xử phúc thẩm bị cáo nộp cho Tòa án: tài liệu chứng minh bị cáo có hai anh trai ruột là người có công với Nhà nước, 01 biên lai thu tiền tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vân Đồn về việc tự nguyện trả khoản tiền đã thu lãi trái pháp luật cho người vay và giấy có xác nhận của Chính quyền đại phương về việc gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, đây là những tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần áp dụng cho bị cáo.
Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự nên cần áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự khi quyết định hình phạt, cho bị cáo được hưởng mức phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng. Do đó có đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, tuy nhiên mức hình phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng mà bị cáo đề nghị là không được chấp nhận.
[4.2] Xét kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Q về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Q mức hình phạt 08 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo Q, nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Q về tội danh này.
[4.3] Xét kháng cáo buộc Q phải trả cho bị cáo (G) số tiền 200.000.000 đồng đặt cọc mua đất và 87.000.000 đồng tiền cho vay và tiền lãi theo lãi suất Ngân hàng kể từ ngày vay.
- Bị cáo G khai rằng: trong số tiền 230.000.000 đồng ghi trong hợp đồng đặt cọc mua đất thì có 200.000.000 đồng là tiền bị cáo G trực tiếp đưa cho Q để đặt cọc mua đất, chứ không phải là chuyển từ khoản tiền cho vay sang và 30.000.000 đồng là tiền Q bảo cho thêm bị cáo nên mới ghi như vậy chứ không phải là tiền lãi.
Hội đồng xét xử xét thấy, căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cùng lời khai của bị cáo Q thì không đủ căn cứ để xác định số tiền 200.000.000 đồng ghi trong hợp đồng đặt cọc là tiền bị cáo G trực tiếp đưa cho Q trước khi ký hợp đồng, mà chỉ có đủ căn cứ xác định số tiền 200.000.000 đồng này là chuyển từ số tiền Q vay G trước đó sang; về nguyên tắc thì số tiền 200.000.000 đồng bị cáo Q chiếm đoạt của G thì bị cáo Q phải trả lại cho bị hại G, nhưng số tiền 200.000.000 đồng này được xác định là phương tiện phạm tội của tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, theo quy định của pháp luật thì số tiền này cần phải bị tịch thu sung ngân sách Nhà nước, do đó không chấp nhận kháng cáo của bị cáo G về việc buộc Q phải trả cho G số tiền 200.000.000 đồng.
- Đối với kháng cáo buộc Q phải trả cho G tiền gốc cho vay và tiền lãi theo lãi suất Ngân hàng từng thời điểm kể từ ngày vay.
Xét thấy số tiền gốc mà G dùng để cho vay là phương tiện phạm tội phải được tịch thu sung ngân sách nhà nước, đối với tiền lãi, trong đó có: lãi theo quy định của pháp luật được xác định là do phạm tội mà có nên tịch thu sung ngân sách Nhà nước, tiền lãi trái quy định của pháp luật được trả lại cho người vay. Do đó đối với kháng cáo buộc Q phải trả cho G tiền gốc và tiền lãi theo lãi suất Ngân hàng kể từ ngày vay là không được chấp nhận.
[4.4] Xét kháng cáo đề nghị Tòa án phúc thẩm kiến nghị với cơ quan điều tra công an huyện V khởi tố ông Phạm Văn T và bà Hà Thị X (bố mẹ của Q) về hành vi giúp sức cho Q lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị cáo G.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo, của những người làm chứng và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án không có cơ sở xác định ông Phạm Văn T và bà Hà Thị X (bố mẹ của Q) có hành vi giúp sức cho Q lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị cáo G nên không chấp nhận nội dung kháng cáo này của bị cáo G.
[5] Về Biện pháp tư pháp:
- Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xác định bị cáo G đã cho bị cáo Q vay số tiền và tiền lãi bị cáo G đã thu và nhằm thu được cụ thể như sau:
+ Lần 1: Q vay G 10.000.000 đồng, thời gian tính lãi từ ngày 09/10/2021; số tiền thực tế G mới đưa cho Q là 9.500.000 đồng (do trừ trước tiền lãi của 10 ngày vay là 500.000 đồng); tổng lãi của lần vay này là 6.150.000 đồng, gồm: lãi thực tế G đã thu là 5.650.000 đồng và lãi do trừ vào khoản vay lần 1 là 500.000 đồng (khoản 500.000 đồng này trên thực tế G chưa được nhận từ Q).
+ Lần 2: Q vay G 50.000.000 đồng, thời gian tính lãi từ ngày 08/02/2022; số tiền thực tế G đưa cho Q là 25.000.000 đồng (do trừ số tiền 10.000.000 đồng vay của lần 1 và trừ lãi của 60 ngày vay lần 2 là 15.000.000 đồng). Trên thực tế G chưa được nhận từ Quỳnh số tiền lãi này.
+ Lần 3: Q vay G 50.000.000 đồng, thời gian tính lãi từ ngày 07/3/2022; số tiền thực tế G đưa cho Q là 35.000.000 đồng (do trừ lãi của 60 ngày vay lần 3 là 15.000.000 đồng). Trên thực tế G cũng chưa được nhận từ Q số tiền lãi này.
+ Lần 4: cho vay 100.000.000 đồng, tính sộp với các lần vay trước ghi thành cho vay 200.000.000 đồng, thời gian tính lãi từ ngày 22/3/2022; số tiền thực tế G đưa cho Q là 52.000.000 đồng (do trừ lãi của 30 ngày vay lần 4 là 42.000.000 đồng và số tiền Q bảo cho G là 6.000.000 đồng). Tổng tiền lãi của lần vay này gồm: số tiền 42.000.000 đồng (tính lãi của 30 ngày) do trừ vào khoản vay lần 4; số tiền 47.600.000 đồng là tiền tính lãi của 34 ngày tiếp theo từ ngày 21/4/2022 đến 24/5/2022) và số tiền 30.000.000 đồng (làm tròn) là tiền tính lãi của 22 ngày sau đó. Trên thực tế Q chưa trả G số tiền 42.000.000 đồng của lãi 30 ngày này vì mới chi trừ vào tiền vay; đối với số tiền lãi 47.600.000 đồng (tính lãi của 34 ngày tiếp theo), theo Q khai đã trả nhiều lần cho G, nhưng G không thừa nhận, hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc Q đã trả số tiền này cho G, nên chưa đủ cơ sở để kết luận G đã nhận số tiền lãi 47.600.000 đồng của Q; đối với số tiền lãi 30.000.000 đồng của 22 ngày, số tiền này trên thực tế Q cũng chưa trả cho G.
Như vậy, trên thoả thuận thì bị cáo G cho bị cáo Q vay số tiền là 210.000.000 đồng và số tiền để tính lãi do tính gộp cả các lần vay lại là 310.000.000 đồng, nên tổng số tiền lãi bị cáo G đã thu và nhằm thu được của số tiền 310.000.000 đồng là 155.750.000 đồng, trong đó gồm: tiền lãi theo quy định (đã thu và nhằm thu được) là 13.386.302 đồng và tiền lãi vượt quá quy định (thu lợi bất chính đã thu và nhằm thu được) là 142.xxxx.698 đồng (số tiền 142.xxxx.698 đồng này được sử dụng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo G), nhưng trên thực tế tổng số tiền mà bị cáo Q nhận được từ bị cáo G chỉ là 121.500.000 đồng. Mặc dù khi cho Q vay tiền G đã trừ tiền lãi vào trong số tiền cho Q vay, nhưng trên thực tế Q chưa trả cho G bất cứ một khoản tiền vay nào, do đó tổng số tiền lãi đã trừ vào tiền vay được xác định là tiền lãi nhằm đạt được chứ không phải là tiền lãi đã thu được. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, chỉ đủ cơ sở xác định xác định số tiền lãi trên thực tế Q mới chi trả cho G là 5.650.000 đồng, trong đó xác định tiền lãi đã thu theo quy định là 673.973 đồng, tiền lãi đã thu vượt quá quy định (thu lợi bất chính) là 4.976.027 đồng.
Theo quy định của pháp luật thì số tiền bị cáo dùng để cho vay (210.000.000 đồng) được xác định là phương tiện phạm tội và tiền lãi theo quy định (13.386.302 đồng) được xác định là tiền do phạm tội mà có, phải bị tịch thu sung ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế bị cáo G mới đưa cho bị cáo Q số tiền 121.500.000 đồng và bị cáo G mới chỉ thu lãi theo quy định là 673.973 đồng, do đó chỉ cần tịch thu sung ngân sách Nhà nước số tiền thực tế đã đưa và số tiền lãi thực tế đã nhận trên; do số tiền 121.500.000 đồng trên hiện bị cáo Q đang giữ, do đó buộc bị cáo Q phải nộp lại để sung ngân sách Nhà nước; đối với số tiền lãi theo quy định mà bị cáo G đã thực thu của Q là 673.973 đồng, cần buộc bị cáo G phải nộp lại để sung ngân sách Nhà nước.
Đối với số tiền lãi vượt quá quy định (thu lợi bất chính) cần được trả lại cho người vay (bị cáo Q), tuy nhiên trong tổng số tiền thu lợi bất chính (142.xxxx.698 đồng) thì xác định G mới chi thu thực tế là 4.976.027 đồng từ Q, còn số tiền 142.xxxx.698 đồng - 4.976.027 đồng = 137.387.671 đồng là khoản tiền lãi mà bị cáo G nhằm thu được, chứ Q chưa trả cho G, nên cần buộc G phải trả lại cho người vay (bị cáo Q) số tiền là 4.976.027 đồng.
Do cấp sơ thẩm đã tính không đúng về các khoản tiền của biện pháp tư pháp trên, do đó cấp phúc thẩm sẽ sửa bản án về phần biện pháp tư pháp đối với các bị cáo, do sửa biện pháp tư pháp nên cần sửa phần án phí dân sự sơ thẩm đối với bị cáo G theo quy định.
- Đối với khoản tiền mà gia đình bị cáo G và gia đình bị cáo Q đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vân Đôn cần tạm giữ để đảm bảo thi hành án.
[6] Về quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Q tại phiên toà phúc thẩm là có căn cứ nên được chấp nhận.
Về quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Q là cơ bản phù hợp nên được chấp nhận một phần.
[7] Về án phí: Bị cáo Q và bị cáo G không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; bị cáo G phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
[8] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ: điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của: bị cáo Phạm Như Q và bị cáo Vũ Thị G, sửa Bán án hình sự sơ thẩm số 47/2023 HS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn, tỉnh Q: giảm mức hình phạt tù cho bị cáo Phạm Như Q về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; giảm mức hình phạt tiền cho bị cáo Vũ Thị G.
1.1. Căn cứ: điểm a khoản 3 Điều 174; điểm b khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 55 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Phạm Như Q 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 03 (ba) năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội, buộc bị cáo Phạm Như Q phải chấp chấp hành 10 (mười) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (11/10/2022).
1.2. Căn cứ: khoản 2 Điều 201; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 35; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Vũ Thị G 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) về tội: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
2. Về biện pháp tư pháp:
2.1. Căn cứ: điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 345; Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, sửa Bán án hình sự sơ thẩm số 47/2023/HS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Vân Đồn, tỉnh Q về phần Biện pháp tư pháp đối với các bị cáo.
Căn cứ: điểm a, b khoản 1 Điều 47 và khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự.
+ Buộc bị cáo Phạm Như Q phải nộp lại số tiền 121.500.000 đồng (Một trăm hai mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng) để tịch thu sung ngân sách Nhà nước;
+ Buộc Bị cáo Vũ Thị G phải nộp lại số tiền 673.973 đồng (Sáu trăm bảy mươi ba nghìn chín trăm bảy mươi ba đồng) để tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước;
+ Buộc Bị cáo Vũ Thị G phải trả lại cho bị cáo Phạm Như Q số tiền 4.976.027 đồng (Bốn triệu chín trăm bảy mươi sáu nghìn không trăm hai mươi bảy đồng).
2.2. Tạm giữ số tiền 20.200.000 đồng (hai mươi triệu hai trăm nghìn đồng) và số tiền 55.650.000 đồng (năm mươi lăm triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng) mà gia đình bị cáo Q (theo Biên lai thu tiền: số 0003xxxx ngày 27/12/2023 và số 0003371 ngày 22/3/2024 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vân Đồn, tỉnh Q) và gia đình bị cáo G (theo Biên lai thu tiền số 0003384 ngày 22/4/2024 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vân Đồn, tỉnh Q) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vân Đồn để đảm bảo thi hành án.
3. Về án phí: áp dụng Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016 UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Bị cáo Phạm Như Q và bị cáo (bị hại) Vũ Thị G không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
- Về án phí dân sự sơ thẩm: sửa phần án phí dân sự sơ thẩm đối với bị cáo G: Buộc bị cáo Vũ Thị G phải nộp 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự số 30/2024/HS-PT
Số hiệu: | 30/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/04/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về