TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 565/2023/HS-PT NGÀY 21/08/2023 VỀ TỘI BUÔN LẬU VÀ VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP TIỀN TỆ QUA BIÊN GIỚI
Ngày 21 tháng 8 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 163/2023/TLPT-HS ngày 20 tháng 02 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim H và đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 02/2023/HS-ST ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang.
- Các bị cáo có kháng cáo:
1. Nguyễn Thị Kim H (Mười T), sinh năm 1969; Giới tính: Nữ; Nơi cư trú: Ấp P, xã Đ, huyện A, tỉnh An Giang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Đạo Phật; Nghề nghiệp: Kinh doanh; Trình độ học vấn: 6/12; Cha: Nguyễn Văn T1, sinh năm 1932 (chết); Mẹ: Mai Thị Ê, sinh năm 1932 (chết); Anh, chị, em: Có 12 người, bị cáo là người thứ 9; Chồng: Huỳnh Bá K, sinh năm 1964; Có 04 người con, lớn nhất sinh năm 1993, nhỏ nhất sinh năm 2009;
Năm 1999, bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh A bắt về tội “Buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” và bị tạm giam 03 tháng 03 ngày được tha về, không xử lý.
Ngày 22/01/2007, bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 03 năm tù, về tội “Buôn lậu”, chấp hành xong hình phạt ngày 25/10/2007.
Ngày 12/8/2021 và ngày 01/9/2021 bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh A khởi tố bị can về tội “Buôn lậu”.
Ngày 04/11/2021, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh A khởi tố bị can về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Ngày 23/12/2021, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh A khởi tố bị can về tội “Rửa tiền”.
Ngày 16/12/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh A khởi tố bị can về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
- Tiền án: Ngày 21/11/2022, bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 08 năm tù về tội “Buôn lậu” theo Bản án hình sự phúc thẩm số 844/2022/HS-PT.
- Tiền sự: Không;
- Bị cáo đang bị tạm giam trong vụ án khác từ ngày 06/7/2021 đến nay (có mặt);
2. Nguyễn Hoàng Ú (Út M), sinh năm 1971; Giới tính: Nam; Nơi cư trú:
Ấp P, xã Đ, huyện A, tỉnh An Giang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Đạo Phật; Trình độ học vấn: 09/12; Nghề nghiệp: Mua bán; Cha: Nguyễn Văn T1, sinh năm 1932 (Chết); Mẹ: Mai Thị Ê, sinh năm 1932 (Chết); A, chị, em: Có 12 người, bị cáo là người thứ 11; Vợ: Dương Tú A, sinh năm 1983; Có 04 người con, lớn nhất sinh năm 2002, nhỏ nhất sinh năm 2015.
- Tiền án, tiền sự: Không;
- Bị cáo đang bị tạm giam trong vụ án khác từ ngày 12/11/2020 đến nay (có mặt).
3. Nguyễn Tường Cẩm T2, sinh năm 1990; Giới tính: Nữ; Nơi cư trú: Ấp P, xã Đ, huyện A, tỉnh An Giang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Đạo Phật; Trình độ học vấn: 11/12; Nghề nghiệp: Làm thuê; Cha: Nguyễn Tường L, sinh năm 1965; Mẹ: Võ Thị D, sinh năm 1968; A, chị, em: Có 02 người, bị cáo là thứ nhất; Chồng: Huỳnh Văn V, sinh năm 1989; Có 02 người con, cùng sinh năm 2014;
- Tiền án, tiền sự: Không;
- Bị cáo được cho tại ngoại (có mặt);
- Người bào chữa:
1. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim H theo yêu cầu:
- Luật sư Hồ Hoàng P –Đoàn luật sư tỉnh A (có mặt)
- Luật sư Đường Ngọc H1 –Đoàn luật sư Thành phố H (vắng mặt)
2. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Ú theo yêu cầu:
- Luật sư Đỗ Đức B - Đoàn luật sư Thành phố H (có mặt)
- Luật sư Phạm Thanh B1 - Đoàn luật sư Thành phố H (có mặt)
- Luật sư Nguyễn Ngọc C – Đoàn luật sư tỉnh A (có mặt)
3. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tường Cẩm T2 theo yêu cầu của Tòa án: Luật sư Nguyễn Văn N - Đoàn luật sư tỉnh A (có mặt).
(Ngoài ra, trong vụ án còn 04 bị cáo Võ Minh P1, Trần Công T3, Bùi Văn M1, Trần Văn P2 và những người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo, kháng nghị, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 09 giờ ngày 23/12/2018, Nguyễn Hoàng Ú (Út M) kêu Trần Công T3 đến chốt Biên phòng xã P, huyện A, tỉnh An Giang để cảnh giới (canh đường); gọi điện thoại kêu Võ Minh P1 sang Campuchia nhận và giao đường cát lậu, quần áo cũ cho các ghe để chuyển về Việt Nam. Khoảng 10 giờ cùng ngày, P1 đến Campuchia giao cho ghe của Nguyễn Văn D1 106 bao quần áo, giày, túi xách, mũ (nón); ghe của Lê Văn Đ 400 bao đường cát; ghe của Nguyễn Văn L1 498 bao đường cát; ghe của Trần Văn T4 499 bao đường cát. Tới canh đường tại chốt biên phòng, thấy lực lượng Bộ đội biên phòng đã về hết, nên điện thoại thông báo cho 04 ghe của D1, Đ, T4, L1 vượt qua chốt kiểm tra để giao hàng hóa cho Bùi Văn M1 tiếp nhận, vận chuyển đi tiêu thụ các nơi trong và ngoài tỉnh.
Khoảng 18 giờ 45 phút, ghe của D1, Đ, T4, L1 từ Campuchia về đến Kênh R, xã P, huyện A, tỉnh An Giang thì bị Tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ C6 phát hiện, yêu cầu dừng các phương tiện ghe lại để kiểm tra, phát hiện ghe của D1 vận chuyển 106 bao đựng quần áo, giày, túi xách, mũ (nón); ghe của Đ vận chuyển 400 bao đường cát trắng; ghe của T4 vận chuyển 499 bao đường cát trắng và ghe của L1 vận chuyển 498 bao đường cát trắng. Tổng cộng 1.397 bao đường cát, 106 bao chứa quần áo, giày, túi xách, mũ (nón), tất cả đều không có hóa đơn chứng từ nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ C6 tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang, tạm giữ 04 phương tiện ghe và toàn bộ hàng hóa nhập lậu.
Ngày 28/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ C6 ra Quyết định khởi tố vụ án, bị can và Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn D1, Lê Văn Đ, Nguyễn Văn L1, Trần Văn T4 về tội “Buôn lậu”. Quá trình mở rộng điều tra vụ án, ngày 30/01/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ C6 ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Võ Minh P1, Trần Công T3, Bùi Văn M1, về tội “Buôn lậu”. Sau đó, P1, T3, M1 bỏ trốn sang Campuchia, đến ngày 13 và 20/4/2020 các bị can đến Công an xã Đ, huyện A đầu thú.
Căn cứ Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 17/KL- HĐĐG.TTHS ngày 22/02/2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh An Giang, ghi nhận tại thời điểm ngày 22/12/2018, tổng giá trị hàng hoá phạm pháp là 1.034.947.000 đồng, trong đó: Ghe của Nguyễn Văn D1 vận chuyển 106 bao đựng quần áo, giày, túi xách, mũ (nón) trị giá 266.597.000 đồng; ghe của Lê Văn Đ vận chuyển 400 bao đường cát trắng trị giá 220.000.000 đồng; ghe của Trần Văn T4 vận chuyển 499 bao đường cát trắng trị giá 274.450.000 đồng và ghe của Nguyễn Văn L1 vận chuyển 498 bao đường cát trắng trị giá 273.900.000 đồng..
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010 đến năm 2020, Nguyễn Thị Kim H trực tiếp mua đường cát từ Campuchia mang về Việt Nam bán cho 33 người tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, và Thành phố Hồ Chí Minh trên 200.000 tấn đường cát, giá trị 2.885.444.356.364 đồng.
Quá trình điều tra Nguyễn Văn D1, Lê Văn Đ, Nguyễn Văn L1, Trần Văn T4, Võ Minh P1 (Phương C1), Trần Công T3, Bùi Văn M1, Trần Văn P2 (P), Nguyễn Tường Cẩm T2 khai nhận: Nguyễn Thị Kim H trực tiếp mua đường cát tại Campuchia vận chuyển về Việt Nam giao dịch bán cho khách hàng ở các tỉnh và điều hành toàn bộ đường dây vận chuyển hàng lậu và phân công nhiệm vụ cho từng người trong đường dây như sau: Nguyễn Hoàng Ú (Út Mạnh) trực tiếp điều hành đường dây, chỉ đạo công việc hàng ngày của Võ Minh P1, Trần Công T3, Bùi Văn M1. Cụ thể là: Võ Minh P1 được giao nhiệm vụ sang Campuchia nhận hàng hóa, điều ghe và giao hàng lậu cho các ghe; Tới canh đường tại chốt biên phòng P8 và thông báo cho các ghe biết thời điểm để vượt qua chốt tránh bị kiểm tra; Miền tiếp nhận hàng lậu khi đến Việt Nam rồi chuyển lên kho, chuyển lên xe tải và chuyển lên các ghe khác để vận chuyển đi tiêu thụ; Trần Văn P2 (Đôn) điều ghe, xe tải đến chỗ của M1 để nhận hàng lậu; Nguyễn Tường Cẩm T2 được Nguyễn Thị Kim H phân công nhiệm vụ điều phối các ghe chở đường cát nhập lậu đi giao cho khách hàng ở các tỉnh khác, ghi chép thông tin về số lần ghe vận chuyển, số lượng đường cát, số tiền mua bán đường cát nhập lậu, thực hiện các giao dịch thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng theo sự chỉ đạo của H.
Ngày 23/12/2018, biết các ghe chở hàng lậu bị bắt, Nguyễn Thị Kim H gọi điện thoại chỉ đạo cho Lê Thị Bạch V1, Nguyễn Thị Thu H2, Nguyễn Tường Cẩm T2 đến phòng của H tìm giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc mua bán đường nhập lậu, mang đi tiêu hủy. Sau đó, H cùng với P2 (P), Bạch V1, C và Nguyễn Thị Kim X (Năm Pha R) đi đến kho hàng của H tại G, Campuchia trốn và bàn cách giải quyết vụ hàng lậu bị bắt.
Đồng thời, trước khi P2, T3, M1 đến Cơ quan công an đầu thú, H và Ú kêu P2, T3, M1 đến nhà của H (gần cầu C, thuộc ấp P, xã Đ, huyện A) kêu P2, T3, M1 khai báo làm thuê cho bà H3 ở Campuchia và đưa tiền cho P2, T3, M1 thuê luật sư bào chữa, hứa giúp đỡ cho gia đình của T3.
* Lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Lê Thị Bạch V1, khai: Được Nguyễn Thị Kim H cho biết số lượng hàng nhập lậu bị bắt quả tang ngày 23/12/2018 là của H mua từ Campuchia vận chuyển trái phép về Việt Nam bán lại. Ngay sau khi bị bắt, H điện thoại kêu Bạch V1 cùng T2 đến nhà của H tìm kiếm các hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng lậu mang đi tiêu hủy rồi cùng H trốn qua gò T, Campuchia. Tại đây, H, X, T2, Phương Đ1 bàn bạc việc đối phó vụ án nhưng Bạch V1 không tham gia. Ngoài ra, H còn kêu Nguyễn Văn H4 (con của Bạch V1) mang tiền ra Hà Nội tìm người lo cho việc giải quyết 04 ghe hàng lậu, nhưng không lo được.
- Trần Nguyễn Bảo T5, Phạm Thanh S, Phạm Tấn L2, Nguyễn Phạm Khắc T6 (Chì Pê Đ), khai: Được H chỉ đạo đứng tên mở tài khoản tại ngân hàng S3, A2, V3, Ngân hàng E, Ngân hàng E1, Ngân hàng S4 để những người ở Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh… chuyển trả tiền mua đường cát, đường phèn. Sau này mới biết H mua bán đường cát nhập lậu và đối phó bằng cách nhờ đứng tên tài khoản rồi đi rút tiền giao lại cho H. T5, S, T6, L2, S1 không biết việc mua bán đường cát, đường phèn của H.
- Nguyễn Thị Kim T7 (em bị cáo Nguyễn Thị Kim H), cho biết: Cho Nguyễn Thị Kim H mượn tiền, không biết H sử dụng tiền vào việc gì, khi trả tiền thì H nhờ người khác chuyển tiền vào tài khoản của T7. T7 không thừa nhận việc mua bán đường cát nhập lậu.
- Nguyễn Thị N1 (vợ bị cáo Trần Công T3), trình bày: Khi T3 bị bắt, có người đàn ông và người phụ nữ lạ (không rõ họ tên, địa chỉ) đến nhà, mỗi người đưa cho N1 5.000.000 đồng, nói trả tiền công cho T3 rồi bỏ đi đâu không rõ.
- Dương Thành N2, cho biết: Tháng 10/2018, N2 xin vào làm thuê cho Nguyễn Thị Kim H (M), tiền công 6.000.000 đồng/tháng, H giao cho T3 điều hành hoạt động vận chuyển đường cát của N2, T3 giao cho N2 lái xe tải biển kiểm soát 67C - 045.77 chở đường cát nhập lậu từ kho Sống Đ2, Hạnh P3 về kho Lộc Phát để nấu đường phèn. Ngoài ra, có khoảng 7 - 8 chiếc xe tải khác cùng đến kho Sống Đ3, Hạnh P3 nhận đường cát nhập lậu chở đi các nơi. Nhơn làm thuê được 01 tháng thì nghỉ, sau đó tiếp tục xin vào làm tài xế lái xe tải chở đường phèn theo sự hướng dẫn của Nguyễn Thị Kim X (Năm Pha R), tiền công do X trả. N2 được biết đường cát nhập lậu là của H, còn Nguyễn Hoàng Ú (Út M), P2, T3, M1 là những người tham gia vận chuyển đường cát nhập lậu cho H từ Campuchia về Việt Nam.
- Trần Văn T8, Nguyễn Thị N3, trình bày: Làm thuê cho Nguyễn Hoàng Ú (Ú) đến ngày 22/5/2017 thì nghỉ, tiền công vận chuyển 400.000 đồng/chuyến, mỗi tháng vận chuyển từ 7 - 10 chuyến. Cách thức vận chuyển, khi có đường cát Út điện cho T8, N3 điều khiển ghe sang Campuchia gặp P2 nhận đường cát nhập lậu rồi chờ Tới điện thoại thông báo cho về Việt Nam thì T8, N3 điều khiển ghe chở đường cát nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam đồng thời điện cho M1 để biết địa điểm giao đường tại kho Sống Đồng, bến đò Bùng Binh và đoạn sông gần kho Lộc P4.
- Cao Minh T9, Trương Văn T10, Trần Văn Đ4, Trần Văn C2, Trần Văn C3, trình bày: Thừa nhận làm thuê cho Nguyễn Thị Kim H, nhiệm vụ phụ ghe hoặc chạy ghe chở đường cát nhập lậu và Trần Văn P2 (P) điều hành các ghe nhận, chở đường cát đi giao các nơi trong và ngoài tỉnh, sau đó gặp Nguyễn Tường Cẩm T2 nhận tiền công. T9, T10, C2 tham gia vận chuyển đường cát được vài chuyến thì nghỉ. Ngày 23/12/2018 khi các ghe đường bị bắt quả tang, T9, T10, C2, C3 không tham gia. Riêng Đ4, ngày 23/12/2018 có chạy ghe sang Campuchia nhận đường cát nhập lậu nhưng chưa vận chuyển về Việt Nam, do các ghe của D1, Đ, L1, T4 bị bắt nên Đ4 không tiếp tục thực hiện.
- Phan Văn B2, khai: Năm 2016, B2 làm thuê giữ kho Sống Đồng chứa đường cát, quần áo, giày dép, túi xách nhập lậu của H và Nguyễn Hoàng Ú là người điều hành mọi hoạt động trong kho; P2 điều các ghe D1, Đ, L1, T4, Đ4 sang Campuchia nhận hàng hóa nhập lậu vận chuyển về kho Sống Đ3; Tới có nhiệm vụ cảnh giới lực lượng chức năng; Nhơn chở hàng hóa nhập lậu từ kho đi nơi khác.
- Huỳnh Công M2, khai: Từ năm 2017 đến năm 2020, M2 làm thuê tại kho chế biến đường P và H, nhiệm vụ là bốc vác đường phèn lên các xe tải, tiền công 3.000.000 đồng/tháng. M2 không khai nhận chủ kho Lộc P4, Hạnh P3 là của Mười T; không khai các đối tượng điều hành, làm thuê trong các kho này.
- Huỳnh Bá K (chồng bị can Nguyễn Thị Kim H), trình bày: Kiệm có mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền của các cá nhân, công ty, doanh nghiệp chuyển đến, sau đó chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác trong, ngoài tỉnh cho nhiều người khác theo yêu cầu của H.
- Nguyễn Thị Kim X (Năm Pha R), trình bày: Xuyến là chủ kho sản xuất đường P, giao cho Nguyễn Phước L3 đứng tên chủ hộ kinh doanh, giao cho Nguyễn Tuấn L4 (cháu của X) quản lý ghe vận chuyển đường cát và hoạt động sản xuất đường phèn. X không biết hoạt động kinh doanh của Nguyễn Thị Kim H, Nguyễn Hoàng Ú.
- Lê Thị Thu T11, cho biết: Từ tháng 10/2018, T11 làm thuê cho Nguyễn Thị Kim H, công việc làm lễ tân khách sạn H8, tiền công 5.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, T11 được giao lập danh sách phát tiền lương, nhận tiền từ H giao lại cho Nguyễn Thị Thu H2 để trả cho những người có trong danh sách.
- Võ Thị Thu T12 (con của Nguyễn Hoàng Ú), cho biết: Là nhân viên của Công ty H9, được H giao nhiệm vụ mang tiền đến ngân hàng nộp vào tài khoản Công ty, thanh toán tiền mua bán xăng của cây xăng H10.
- Lâm Thị T13, Nguyễn Trọng H5, Trầm Thị Kiểm Á, Hứa Phước P5, Hứa Thị Bích V2, Nguyễn Thị Mỹ C4, Triệu Thị Kim L5, Trương Thị G, Trang Hữu Đ5, Lữ Thúy T14, Nguyễn Thị C4, Trần Thị Tuyết H6, Đào Bích Đ6, Đào Bình A1, Đào Ngọc B3, Trần N4, Trần Chí H7, Nguyễn Ngọc N5, Trương Kim L6, Lê Thị Kim N6, Nguyễn Kim P6, Quang Duy T15, Trần Đức N7, Nguyễn Ngọc Y, Nguyễn Cao C5, Lê Kim L7, Trương Quang N8, Võ Thị Hoa B4, Huỳnh Phi P7, Triệu Kim L5, trình bày: Đã nhiều lần trực tiếp thỏa thuận với Nguyễn Thị Kim H (Mười T) mua đường cát, đường phèn, việc mua bán không lập hợp đồng, không có hóa đơn chứng từ và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản do H cung cấp các số tài khoản do nhiều người đứng tên khác nhau để chuyển trả tiền mua bán đường cát, đường phèn.
Nguyễn Văn S2, khai: Tháng 3/2016 đến tháng 8/2017, S2 mở hộ kinh doanh Nguyễn Văn S2, có mua đường cát, đường phèn của Nguyễn Thị Kim H (M), việc mua bán không lập hợp đồng, không có hóa đơn chứng từ. Đồng thời, bà H mượn tài khoản tại ngân hàng S3 do S2 đứng tên để giao dịch thanh toán bằng hình thức chuyển khoản trả tiền mua bán đường cát, đường phèn với những người khác nhau.
Trước Cơ quan điều tra các bị cáo Võ Minh P1, Trần Công T3, Bùi Văn M1, Nguyễn Tường Cẩm T2, Trần Văn P2 khai nhận: Nguyễn Thị Kim H (M) trực tiếp điều hành toàn bộ đường dây vận chuyển hàng lậu và phân công nhiệm vụ cho từng người, trong đó: Nguyễn Hoàng Ú (Út M) trực tiếp điều hành, chỉ đạo công việc hàng ngày của Võ Minh P1, Trần Công T3, Bùi Văn M1, Nguyễn Tường Cẩm T2, Trần Văn P2.
Riêng bị cáo Nguyễn Thị Kim H, Nguyễn Hoàng Ú không thừa nhận hành vi pham tội.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 02/2023/HS-ST ngày 09 tháng 01 năm 2023 Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị Kim H, Nguyễn Hoàng Ú, Nguyễn Tường Cẩm T2 phạm tội “Buôn lậu”.
- Áp dụng: Điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 188; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58; Điều 56 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị Kim H 14 (mười bốn) năm tù. Tổng hợp hình phạt 08 (tám) năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” theo Bản án hình sự phúc thẩm số 844/2022/HS-PT ngày 21/11/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, buộc bị cáo phải chấp hành chung hình phạt của 02 bản án là 22 (hai mươi hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 06/7/2021.
Phạt bổ sung: Phạt tiền đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim H là 90.000.000 đồng (Chín mươi triệu đồng).
- Áp dụng: điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 188; Điều 17; Điều 38; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Hoàng Ú 13 (mười ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 12/11/2020.
Phạt bổ sung: Phạt tiền đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Ú là 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).
- Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 188; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Tường Cẩm T2 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về tội danh và hình phạt đối với 04 bị cáo Võ Minh P1, Trần Công T3, Bùi Văn M1, Trần Văn P2; Xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, từ ngày 12/01/2023 đến 17/01/2023 các bị cáo Nguyễn Thị Kim H, Nguyễn Hoàng Ú và Nguyễn Tường Cẩm T2 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.
Trong phần tranh luận:
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Đối với 03 bị cáo kháng cáo thì lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là hoàn toàn phù hợp với những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Những lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải và các bị cáo kháng cáo nhưng không có tình tiết nào mới để làm thay đổi bản chất, nội dung vụ án. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim H (Luật sư Hồ Hoàng P) trình bày: Đồng ý về bản án sơ thẩm về tội danh đã xét xử đối với bị cáo, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các nội dung sau khi quyết định hình phạt, cụ thể:
- Đối với số lượng 1397 bao đường cát mà cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giá trị hàng hóa trong vụ án này đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim H bị quy kết là hơn 1.000.000.000 đồng.
- Mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã tuyên có phần quá nghiêm khắc đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim H bởi vì: Trong hoàn cảnh hiện tại bị cáo H tại phiên tòa hôm nay cũng như tại những vụ án khác đã xét xử thì bị cáo H đã thực sự ăn năn hối cải, khác với giai đoạn điều tra ban đầu. Đối với hình phạt bổ sung kính mong Hội đồng xét xử có quan tâm xem xét số tiền 100.000.000 đồng đã nộp trong giai đoạn điều có thể xem đây là tình tiết để cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Về số lượng hàng là quần áo thì mong Hội đồng xét xử xem xét việc bị cáo có tham gia trong việc buôn lậu đường, còn mặt hàng quần áo, nón, giày dép bị cáo không kinh doanh mặt hàng này. Bị cáo H qua quá trình điều tra, qua nhiều phiên tòa thì bị cáo đã thực sự ăn năn hối cải, đây là việc rất tốt chứng minh rằng qua quá trình tạm giam và quá trình làm việc với cơ quan tố tụng bị cáo đã nhìn nhận được hành vi sai trái của bị cáo, đây là thành công về mặt pháp luật.
Từ đó, xin Hội đồng xét xử xem xét đối với người biết ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo H, giảm cho bị cáo một phần hình phạt.
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Ú (Luật sư Nguyễn Ngọc C) trình bày:
Trong vụ án này xác định có đồng phạm. Vai trò của bị cáo Nguyễn Hoàng Ú trong vụ án là vai trò đồng phạm giúp sức. Cụ thể là vào ngày 23/12/2018 bị cáo không trực tiếp chỉ đạo các bị cáo thực hiện việc buôn lậu. Tuy nhiên, công việc này đã diễn ra trước đó. Theo như thường lệ thì ngày đó các bị cáo đồng phạm trong vụ án này đã thực hiện vai trò nhiệm vụ đã được giao trước đó. Do vậy tại cấp sơ thẩm cũng như trong suốt quá trình điều tra vụ án thì bị cáo thấy rằng trực tiếp trong ngày 23/12/2018 bị cáo không chỉ đạo nên bị cáo nghĩ là không phạm tội. Do nhận thức này dẫn đến việc bị cáo không khai báo, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo không được như các bị cáo khác trong vụ án, để được xem xét áp dụng các tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải cũng như xem xét các tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Bản thân bị cáo xuất thân từ thành phần nhân dân lao động nghèo, bị cáo là người lao động làm thuê, làm mướn trong vụ án này, vai trò bị cáo là thứ yếu, trình độ nhận thức pháp luật của bị cáo kém, bị cáo là lao động chính trong gia đình, có 04 con nhỏ, vợ bị cáo bị bệnh hiểm nghèo. Đó là những tình tiết mới phát sinh tại cấp phúc thẩm nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo. Từ những phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 4 Điều 188, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, xét xử bị cáo với mức hình phạt khởi điểm của Điều 188 của Bộ luật Hình sự đối với bị cáo, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa cũng như thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người ăn năn, cho bị cáo sớm về hòa nhập với cộng đồng.
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng Ú (Luật sư Đỗ Đức B) trình bày: Thống nhất với quan điểm bào chữa của Luật sư C. Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Ú chưa nhận thức hết hành vi phạm tội của bị cáo, sau khi bản án sơ thẩm tuyên bị cáo đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của bị cáo và ăn năn hối cải cho nên tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị cáo đã khai báo hành vi phạm tội của bị cáo, vì vậy có tình tiết mới so với bản án sơ thẩm tuyên đối với bị cáo. Gia đình bị cáo rất khó khăn, có 04 con nhỏ, vợ bị cáo bị ung thư. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay qua lời phát biểu của đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Ú không có tình tiết mới, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết mới là bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và gia đình bị cáo rất khó khăn.
Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Tường Cẩm T2 (Luật sư Nguyễn Văn N) trình bày: Thống nhất với tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Cẩm T2. Bị cáo nhiệm vụ đưa rước con cháu cho bà H đi học, trong khi đưa rước về làm việc nhà nội trợ, trong thời gian đó thời gian làm việc thì có nhân viên sinh con và xin nghỉ việc, bị cáo H mới cân nhắc bị cáo Cẩm T2 làm thay nhiệm vụ ghi chép sổ sách, thông báo cho khách hàng và báo cáo lại. Ban đầu bị cáo T2 rất vui mừng cứ nghĩ vào làm việc cho bị cáo H được làm nhiệm vụ kế toán ghi chép sổ sách, theo dõi tiền báo cáo cho bị cáo H. Tuy nhiên đến ngày 23/12/2018 số lượng đường cát bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố đó là hàng lậu thì lúc đó bị cáo T2 mới biết mình tham gia giúp sức trong đường dây buôn lậu với vai trò không trực tiếp đi giao hàng, bán hàng, chỉ ghi chép sổ sách bán hàng rồi báo cáo lại cho bị cáo H đến khi cơ quan tiến hành tố tụng truy tố tội “Buôn lậu”, các bị cáo khác bị tạm giam, tạm giữ để tiến hành điều tra, riêng bị cáo T2 được cho tại ngoại vì có nhân thân tốt, có địa chỉ rõ ràng, thành khẩn khai báo, bản án sơ thẩm có ghi nhận ngay từ khi khởi tố vụ án bị cáo T2 đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, tình tiết vụ án cho Cơ quan điều tra, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Vợ chồng bị cáo T2 không có nghề nghiệp ổn định, bị cáo có con sinh đôi, hoàn cảnh khó khăn, hiện nay đang nuôi mẹ bị cao huyết áp, chuyển hóa Kali, hạ Canxi, đục thủy tinh thể, phải mổ thay thế thủy tinh thể nhưng gia đình chưa có tiền thực hiện, bị cáo thường xuyên đưa mẹ đi khám bệnh định kỳ. Từ những phân tích nêu trên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo T2 để bị cáo sớm về nuôi mẹ già và con nhỏ.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Đơn kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Kim H, Nguyễn Hoàng Ú và Nguyễn Tường Cẩm T2 làm trong hạn luật định nên hợp lệ.
[2] Ngày 23/12/2018, Nguyễn Thị Kim H (M), Nguyễn Hoàng Ú (Ú), Võ Minh P1 (P), Trần Công T3, Bùi Văn M1, Trần Văn P2 (P), Nguyễn Tường Cẩm T2 đã thực hiện hành vi buôn lậu 1.397 bao đường cát trắng và 106 bao quần áo, giày, túi xách, mũ (nón), tổng giá trị hàng hóa là 1.034.947.000 đồng thì bị bắt quả tang.
Với hành vi nêu trên, Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị Kim H (M), Nguyễn Hoàng Ú (Ú), Võ Minh P1 (P), Trần Công T3, Bùi Văn M1, Trần Văn P2 (P), Nguyễn Tường Cẩm T2 phạm tội “Buôn lậu” quy định tại điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
[3] Xét kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Kim H, Nguyễn Hoàng Ú và Nguyễn Tường Cẩm T2:
Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp tới trật tự, hoạt động quản lý kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách của Nhà nước về xuất, nhập khẩu. Do đó, cần phải xét xử các bị cáo với một mức án nghiêm, tương xứng với hành vi phạm tội mới đủ tác dụng giáo dục, cải tạo nhằm răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội.
Khi xem xét hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá vai trò mức độ phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho từng bị cáo, cụ thể như sau:
- Bị cáo Nguyễn Thị Kim H: Bị cáo là chủ mưu, cầm đầu điều hành toàn bộ hoạt động của đường dây buôn lậu đường cát, quần áo, túi xách, giày dép cũ qua biên giới Việt Nam – Campuchia, là chủ số hàng lậu bị bắt quả tang ngày 23/12/2018 và lôi kéo các bị cáo khác phạm tội. Khi đường dây buôn lậu bị phát hiện, bị cáo chỉ đạo cho các đối tượng tham gia trốn sang Campuchia để trốn tránh cơ quan chức năng, hướng dẫn khai báo gian dối và dụ dỗ, hứa hẹn hoặc đe dọa để các bị cáo khác lo sợ, không dám khai báo hoặc khai báo sai sự thật. Ngoài ra, bản thân bị cáo còn có nhân thân rất xấu, năm 1999 bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh A bắt về tội “Buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”; Ngày 22/01/2007 bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 03 năm tù, về tội “Buôn lậu”.
- Bị cáo Nguyễn Hoàng Ú: Là người được bị cáo H chỉ đạo trực tiếp, có trách nhiệm phụ trách quá trình chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam thông qua việc điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho bị cáo Võ Minh P1 lo việc điều ghe, giao nhận hàng lậu cho các ghe tại Campuchia; sau đó các ghe sẽ lo liên hệ cho Trần Công T3 lúc này có nhiệm vụ canh coi lực lượng chức năng phòng chống buôn lậu, lực lượng Biên phòng tại chốt Biên phòng P8 để các ghe chở hàng lậu không bị phát hiện khi qua biên giới Campuchia - Việt Nam; lúc này Bùi Văn M1 sẽ lo việc tiếp nhận, hướng dẫn các ghe chở hàng lậu đến điểm tập kết, chuẩn bị cho lực lượng công đoàn nhanh chóng chuyển hàng lậu lên các phương tiện khác như ghe, xe tải do Trần Văn P2 điều tới để chuẩn bị đi giao hàng hoặc đưa vào kho để tránh bị phát hiện. Trong quá trình điều hành, bị cáo Ú đều trực tiếp gọi điện thoại chỉ đạo mọi hoạt động của P2, T3, M1 và nhận báo cáo mỗi khi các bị cáo này hoàn thành xong nhiệm vụ. Như vậy, bị cáo có vai trò giúp sức tích cực, chỉ sau bị cáo H.
- Bị cáo Nguyễn Tường Cẩm T2: Bị cáo được bị cáo H trực tiếp giao nhiệm vụ điều phương tiện đến tiếp nhận hàng lậu từ Bùi Văn M1; sau đó điều phối, vận chuyển hàng lậu giao cho khách hàng ở trong, ngoài tỉnh hoặc chuyển về kho H, Lộc P4 nấu đường phèn theo chỉ đạo của H trong mỗi lần nhận hàng lậu về tới Việt Nam. Thực hiện việc ghi sổ sách, số lượng hàng nhập lậu, nhận tiền mua bán đường cát từ các khách hàng của H và chuyển tiền mua đường cát lậu cho 02 tiệm V4 và Trương L8 để thanh toán với người bán bên Campuchia. Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ rõ thái độ ăn năn hối cải, chưa có tiền án tiền sự, là những người làm thuê, hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lực thấp nên nhận thức pháp luật còn hạn chế, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, được Cơ quan điều tra Công an tỉnh A có văn bản đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ trong vụ án. Ngay từ khi bắt đầu khởi tố vụ án, bị cáo đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị trong việc làm rõ các tình tiết của vụ án cho Cơ quan điều tra, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Từ đó, mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử đối với các bị cáo là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với các lý do đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Xét, những nội dung này đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Riêng đối với bị cáo Ú thì quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nên không có căn cứ để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, có thái độ thành khẩn khai báo nhưng bị cáo phạm tội với vai trò tích cực (là người điều hành các bị cáo khác và nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo H) nên mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Do vậy, Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo.
[4] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Kim H, Nguyễn Hoàng Ú và Nguyễn Tường Cẩm T2; Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[6] Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, nên các bị cáo phải chịu.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015,
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị Kim H (M), Nguyễn Hoàng Ú (Út M) và Nguyễn Tường Cẩm T2;
Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 02/2023/HS-ST ngày 09/01/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang,
1. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị Kim H (M), Nguyễn Hoàng Ú (Ú), Nguyễn Tường Cẩm T2 phạm tội “Buôn lậu”.
2. Áp dụng: điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 188; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58; Điều 56 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị Kim H (M) 14 (mười bốn) năm tù. Tổng hợp hình phạt 08 (tám) năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” theo Bản án hình sự phúc thẩm số 844/2022/HS-PT ngày 21/11/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, buộc bị cáo phải chấp hành chung hình phạt của 02 bản án là 22 (hai mươi hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 06/7/2021.
Phạt bổ sung: Phạt tiền đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim H (M) là 90.000.000 đồng (Chín mươi triệu đồng).
3. Áp dụng: điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 188; Điều 17; Điều 38; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Hoàng Ú (Út M) 13 (mười ba) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 12/11/2020.
Phạt bổ sung: Phạt tiền đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Ú (Út M) là 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).
4. Áp dụng: điểm a khoản 4 Điều 188; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Tường Cẩm T2 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành hình phạt.
5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
6. Án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Nguyễn Thị Kim H (M), Nguyễn Hoàng Ú (Út M) và Nguyễn Tường Cẩm T2, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội buôn lậu và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới số 565/2023/HS-PT
Số hiệu: | 565/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/08/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về