Bản án về tội buôn lậu số 678/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 678/2022/HS-PT NGÀY 15/09/2022 VỀ TỘI BUÔN LẬU

Ngày 15 tháng 9 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 296/2022/TLPT-HS ngày 20 tháng 5 năm 2022 đối với các bị cáo Đặng Thị H, Lê Văn Q do có kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số: 122/2022/HS-ST ngày 12/4/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Các bị cáo bị kháng nghị:

1. Đặng Thị H; sinh ngày 17 tháng 02 năm 1969, tại tỉnh Thái Bình; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số 30/6 đường P, Phường 7, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh; nơi cư trú: số 138/25/47 đường 20 Dương Quảng H, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: kinh doanh tự do; con ông: Đặng Hồng T và bà: Nguyễn Thị T (chết); chồng: Hà Minh T và 01 người con (sinh năm 1994); tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị bắt tạm giam ngày 25/01/2019; bị cáo có mặt tại phiên tòa.

2. Lê Văn Q; sinh ngày 16 tháng 6 năm 1990, tại tỉnh Quảng Ngãi; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú: số 75A/7 đường 297, phường P B, thành phố T (Quận 9 cũ), Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; trình độ văn hóa:12/12; nghề nghiệp: kinh doanh tự do; con ông Lê T và bà Nguyễn Thị Ơ; có vợ Nguyễn Thị Ngọc A và 01 người con (sinh năm 2016); tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị bắt tạm giam ngày 25/01/2019; bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa chỉ định cho bị cáo Đặng Thị H có: Luật sư Bùi Văn B – thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hồ chí Minh.

- Người bào chữa cho bị cáo Lê Văn Q có: Luật sư Lê Văn L, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ chí Minh.

Ngoài ra, các bị cáo Lê Văn T, Cao Hải L không có kháng cáo và không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lê Văn T là Giám đốc của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu M (gọi tắt là Công ty M), được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0310972735, ngày 07/7/2011; ngành nghề kinh doanh là bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, phi kim loại .... Ngoài ra, Lê Văn T còn thành lập và điều hành hoạt động 03 công ty gồm: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đầu tư TV (gọi tắt là Công ty TV) thuê Đỗ Tấn T làm Giám đốc; Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ HTP (gọi tắt là Công ty HTP) thuê Trần Anh H làm Giám đốc và Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ TTP (gọi tắt Công ty TTP) thuê Nguyễn Vũ T làm Giám đốc.

Lê Văn T đã sử dụng pháp nhân của Công ty TV, Công ty HTP để ký hợp đồng bán đồng phế liệu, nhôm phế liệu, nhôm thỏi, bột ô-xít kẽm với các công ty nước ngoài. Để trốn thuế xuất khẩu cho Công ty TV và Công ty HTP, Lê Văn T đã sử dụng pháp nhân Công ty TTP mở tờ khai hải quan, khai báo hàng hóa xuất khẩu là loại hàng có thuế suất xuất khẩu bằng 0% và thuê các doanh nghiệp khác làm dịch vụ xuất khẩu phế liệu đồng, nhôm với giá trọn gói từ 40 triệu đồng đến 120 triệu đồng cho 01 container hàng hóa. Cụ thể: Lê Văn T thuê 10 doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu 84 container hàng hóa (Trong đó, có 78 container được xuất qua cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh; 04 container xuất qua cảng Tiên Sa, Đà Nẵng; 02 container xuất qua Cảng Hải Phòng). Các doanh nghiệp đã mở 55 tờ khai hải quan, khai báo hàng hóa xuất khẩu là “lồng đèn vải”, “nhựa phế liệu”, “tượng gỗ”, “vải vụn”, “ống thép không gỉ”, “thanh nhôm”, “lon nhôm rỗng” (đều là những loại hàng hóa có thuế suất xuất khẩu 0%) hoặc khai đúng chủng loại nhưng khai giảm số lượng, giảm giá trị hàng hóa để trốn thuế xuất khẩu với tổng số tiền 22.156.251.150 đồng.

Trong đó Công ty TNHH Một thành viên MR (gọi tắt là Công ty MR) do Đặng Thị H là chủ sở hữu và điều hành toàn bộ hoạt động công ty. Trong năm 2014, Đặng Thị H nhận làm dịch vụ xuất khẩu đồng, nhôm phế liệu trọn gói cho Lê Văn T, thực hiện từ khi bốc xếp hàng vào container tại kho, đến khi container hàng được xếp lên tàu và có vận đơn (bill tàu) với chi phí từ 40-45 triệu đồng/01 container đồng phế liệu và từ 63-68 triệu đồng/01 container nhôm phế liệu. Đặng Thị H chỉ đạo Lê Văn Q là nhân viên của Công ty MR mở tờ khai hải quan, khai báo xuất khẩu các loại hàng hóa từ ngày 06/3/1014 đến ngày 05/12/2014 đã mở 25 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, khai báo xuất khẩu 31 container hàng hóa cho Công ty TV gồm 16 container nhựa phế liệu, 10 container vải vụn, 04 container tượng gỗ, 01 container lồng đèn vải đều có thuế suất bằng 0% nhưng thực tế Công ty TV xuất khẩu 31 container với số lượng 630,016 tấn đồng, nhôm phế liệu và nhôm thỏi (thể hiện tại 25 Vận đơn và 25 Hóa đơn thương mại có tổng trị giá 55.636.966.864 đồng. Đặng Thị H, Lê Văn Q đã giúp sức cho Lê Văn T trốn thuế xuất khẩu với tổng số tiền 12.026.738.702 đồng. Ngoài ra, Đặng Thị H còn thông qua một người tên là K (không xác định được lai lịch) ở Hải Phòng sử dụng pháp nhân Công ty MR mở 01 tờ khai tại Chi cục Hải quan Cảng Hải Phòng khu vực II, khai báo xuất khẩu 02 container nhôm thỏi, số lượng 40,72 tấn, trị giá 315.945.654 đồng và nộp thuế xuất khẩu (thuế suất 15%) là 47.391.848,12 đồng cho Công ty TV, nhưng thực tế Công ty TV đã xuất khẩu số lượng 40,79 tấn nhôm thỏi, trị giá 1.622.332.168 đồng với thuế xuất khẩu 15% giúp cho Lê Văn T trốn thuế xuất khẩu số tiền 195.957.977 đồng.

Tổng số tiền mà Đặng Thị H đã giúp sức cho bị cáo Thiện trốn thuế là 12.222.696.679 đồng đã được hưởng lợi là 1.328.000.000 đồng. Riêng đối với Lê Văn Q là người làm công được công ty của Đặng Thị H trả lương hàng tháng nên không có hưởng lợi từ việc mở tờ khai hải quan, khai báo xuất khẩu giúp cho Thiện trốn thuế xuất khẩu.

Tại bản cáo trạng số 12/CTr-VKSTC-V3 ngày 16/3/2021, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố các bị cáo Lê Văn T, Đặng Thị H, Lê Văn Q, Cao Hải L về tội “Buôn lậu”, theo điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, Lê Văn T đã thuê Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị Thủy A làm dịch vụ xuất khẩu đồng, nhôm phế liệu từ Cảng Đà Nẵng đi một số nước Châu Á, khai báo hải quan hàng hóa xuất khẩu là “vải vụn” (thuế suất xuất khẩu 0%) giúp cho Lê Văn T trốn thuế xuất khẩu. Lê Văn T và đồng phạm đã bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, Lê Văn T bị xử phạt 12 năm tù về tội “Buôn lậu”.

- Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 122/2022/HS-ST ngày 12/4/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Căn cứ điểm a, b khoản 4, khoản 5 Điều 188; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54; Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Đặng Thị H 08 (Tám) năm tù về tội: “Buôn lậu”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 25/01/2019.

Phạt bổ sung bị cáo Đặng Thị H với số tiền 40.000.000 (Bốn mươi triệu) đồng sung ngân sách nhà nước.

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 188; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54; Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Lê Văn Q 04 (Bốn) năm tù về tội: “Buôn lậu”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 25/01/2019.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định hình phạt đối với các bị cáo Lê Văn T 13 năm tù; về tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Lê Văn T; xử phạt bị cáo Cao Hải L 07 năm tù; về xử lý vật chứng; về trách nhiệm dân sự; về án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 26/4/2022 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị số 23/QĐ-VKS-P3 kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm với nội dung: Mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo Đặng Thị H và Lê Văn Q là nhẹ so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, không đảm bảo tính nghiêm minh, thiếu công bằng bất bình đẳng so với mức án của bị cáo Cao Hải L. Do đó đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt tù đối với các bị cáo Đặng Thị H và Lê Văn Q.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quyết định kháng nghị số 23/QĐ-VKS-P3 Ngày 26/4/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng hình phạt tù đối với các bị cáo Đặng Thị H và Lê Văn Q.

- Các bị cáo Đặng Thị H, Lê Văn Q thừa nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã tuyên. Đề nghị giữ nguyên mức hình phạt mà Tòa án sơ thẩm đã xử.

Đại diện Viện Kiểm sát cấp cáo tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: Về người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; Quyết định kháng nghị còn trong hạn luật định, đủ điều kiện để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Quan điểm giải quyết vụ án: Xét Quyết định kháng nghị số 23/QĐ-VKS-P3 Ngày 26/4/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng hình phạt tù đối với các bị cáo Đặng Thị H, Lê Văn Q là có căn cứ. Do đó đề nghị sửa bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo Đặng Thị H từ 10 năm đến 12 năm tù và xử phạt bị cáo Lê Văn Q từ 7 năm đến 8 năm tù.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Đặng Thị H có ý kiến: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Hà là có căn cứ và đúng pháp luật. Tại cấp phúc thẩm bị cáo Đặng Thị H có thêm tình tiết giảm nhẹ mới. Do đó đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Đặng Thị H.

Luật sư bào chữa chi bị cáo Lê Văn Q có ý kiến: Bị cáo Lê Văn Q là nhân viên làm việc tại Công ty của bị cáo Đặng Thị H, do nhận thức về pháp luật hạn chế nên bị cáo có thực hiện công việc theo sự phân công, chỉ đạo của bị cáo Đặng Thị H trong việc mở tại khai hải quan và khai báo xuất khẩu hàng hóa nên bị cáo phạm tội với vai trò giúp sức. Tuy nhiên Viện kiểm sát kháng nghị so sánh mức độ phạm tội giữa bị cáo Lê Văn Q với bị cáo Cao Hải L là không phù hợp. Án sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lê Văn Q và xử phạt bị cáo Lê Văn Q với mức án 4 năm tù là đã đảm bảo việc giáo dục và răn đe đối với bị cáo. Do đó đề nghị giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời hạn luật định, đủ điều kiện để xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với biên bản ghi lời khai của người liên quan, người làm chứng cùng các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Có đủ cơ sở xác định: Lê Văn T thành lập Công ty M để mua bán kim loại phế liệu với các doanh nghiệp và cá nhân tại thị trường nội địa. Để xuất khẩu bán số kim loại phế liệu đã thu mua trong nước cho các doanh nghiệp nước ngoài, Lê Văn T thành lập và điều hành hoạt động 03 doanh nghiệp gồm: Công ty TV, Công ty HTP và Công ty TTP (trong đó Công ty TV, Công ty HTP chuyên thực hiện bán kim loại phế liệu cho các doanh nghiệp nước ngoài và Công ty TTP tiến hành hoạt động dịch vụ xuất khẩu). Lê Văn T biết rõ biết thuế suất xuất khẩu đối với loại đồng, nhôm phế liệu là 22%, đối với nhôm thỏi là 15%, nhưng để hưởng lợi từ tiền trốn thuế xuất khẩu, từ tháng 3 năm 2014 đến tháng 5 năm 2016 Lê Văn T sử dụng pháp nhân Công ty TTP và thuê 10 doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu được 86 container các doanh nghiệp đã mở 55 tờ khai hải quan, khai báo hàng hóa xuất khẩu là “lồng đèn vải”, “nhựa phế liệu”, “tượng gỗ”, “vải vụn”, “ống thép không gỉ”, “thanh nhôm”, “lon nhôm rỗng” (đều là những loại hàng hóa có thuế suất xuất khẩu 0%) hoặc khai đúng chủng loại nhưng khai giảm số lượng, giảm giá trị hàng hóa để xuất khẩu 86 container với số lượng 1.773,318 tấn đồng phế liệu, nhôm phế liệu, nhôm thỏi và bột ô-xít kẽm …, có tổng trị giá 111.450.107.715 đồng nhưng chỉ nộp thuế xuất khẩu số tiền 200.587.202 đồng và trốn thuế xuất khẩu với tổng số tiền 23.148.786.715 đồng. Lê Văn T hưởng lợi số tiền 21.760.786.715 đồng. Trong đó Đặng Thị H đã sử dụng pháp nhân Công ty MR và Đặng Thị H chỉ đạo Lê Văn Q là nhân viên Công ty MR mở 26 tờ khai hải quan khai báo gian dối giúp cho Lê Văn T buôn lậu 634,095 tấn đồng phế liệu, nhôm phế liệu và nhôm thỏi trị giá 57.259.299.032 đồng, trốn thuế xuất khẩu số tiền 12.222.696.679 đồng và Đặng Thị H hưởng lợi số tiền 1.328.000.000 đồng. Do đó Bản án sơ thẩm tuyên bố các bị cáo Đặng Thị H, Lê Văn Q đã phạm vào tội “Buôn lậu” theo quy định khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Xét hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại gây tác hại đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. Do vậy cần xử phạt nghiêm nhằm giáo dục và răn đe phòng ngừa chung.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo Đặng Thị H, Lê Văn Q, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Trong vụ án này, Lê Văn T là kẻ chủ mưu, cầm đầu. Chính bị cáo Lê Văn T đã sử dụng pháp nhân của 3 công ty do Lê Văn T thành lập và thuê 10 doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp của bị cáo Đặng Thị H làm dịch vụ xuất khẩu hàng hóa để xuất khẩu 86 container với số lượng 1.773,318 tấn đồng phế liệu, nhôm phế liệu, nhôm thỏi và bột ô-xít kẽm …, có tổng trị giá 111.450.107.715 đồng nhưng chỉ nộp thuế xuất khẩu số tiền 200.587.202 đồng và trốn thuế xuất khẩu với tổng số tiền 23.148.786.715 đồng, bị cáo Lê Văn T hưởng lợi với tổng số tiền là 21.760.786.715 đồng. Ngoài ra, ngày 14/102019 Lê Văn T đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xử phạt 12 năm tù về tội “Buôn lậu”. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Lê Văn T 13 năm tù. Không có kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Lê Văn T.

Trong khi bị cáo Đặng Thị H phạm tội với vai trò đồng phạm, Đặng Thị H giúp sức cho Lê Văn T bằng cách sử dụng pháp nhân là Công ty MR do Đặng Thị H làm giám đốc và chỉ đạo Lê Văn Q là nhân viên Công mở 26 tờ khai hải quan khai báo gian dối giúp cho Lê Văn T trốn thuế xuất khẩu với số tiền 12.222.696.679 đồng/23.148.786.715 đồng và bị cáo Đặng Thị H được hưởng lợi số tiền 1.328.000.000 đồng. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét xét và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Đặng Thị H như: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tác gia đình nộp lại một phần tiền đã hưởng lợi để sung công quỹ nhà nước; gia đình bị cáo có cha là thương binh; chính quyền địa phương xác nhận bị cáo Đặng Thị H đang nuôi dưỡng mẹ chồng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự nên Án sơ thẩm áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Đặng Thị H với mức án 8 năm tù là có căn cứ và có phần nghiêm khắc hơn so với bị cáo Lê Văn T. Tại cấp phúc thẩm bị cáo Đặng Thị H tác động gia đình tự nguyện nộp số tiền 90.000.000 đồng để thực hiện nộp một phần tiền thu lợi bất chính do bị cáo Đặng Thị H phạm tội mà có với số tiền 50.000.000 đồng và nộp phạt bổ sung số tiền 40.000.000 đồng theo án sơ thẩm đã tuyên. Chứng tỏ bị cáo Đặng Thị H đã thật sự ăn năn, hối cải.

Đối với bị cáo Lê Văn Q là người làm công ăn lương tại Công ty MR do Đặng Thị H làm giám đốc, phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án nhưng có vai trò không đáng kể. Bị cáo Lê Văn Q thực hiện theo mệnh lệnh của Giám đốc công ty là bị cáo Đặng Thị H để mở 26 tờ khai hải quan, giúp cho Lê Văn T trốn thuế xuất khẩu. Tuy nhiên bị cáo Lê Văn Q không có hưởng lợi trong việc chiếm đoạt tiền trốn thuế của bị cáo Lê Văn T. Sau khi phạm tội bị cáo Lê Văn Q đã thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, Án sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Lê Văn Q 04 năm tù là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Đối với bị cáo Cao Hải L phạm tội với vai trò giúp sức cho Lê Văn T, Cao Hải L đã sử dụng pháp nhân Công ty do Cao Hải L làm giám đốc để khai báo xuất khẩu 05 container hàng hóa. Tuy số tiền do bị cáo Cao Hải L giúp Thiện chiếm đoạt và được hưởng lợi ít hơn bị cáo Đặng Thị Hà. Tuy nhiên, bị cáo Cao Hải L không thành khẩn khai báo chứng tỏ không ăn năn hối cải về việc làm sai trái của mình. Bị cáo Cao Hải L cũng không có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Nên Án sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 7 năm tù là thỏa đáng.

Do đó, không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Đặng Thị H, bị cáo Lê Văn Q là có căn cứ.

[4] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Đặng Thị H, bị cáo Lê Văn Q chưa phù hợp với nhận định trên.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Đặng Thị H, Lê Văn Q không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

[6] Đối với số tiền 90.000.000 đồng do gia đình bị cáo Đặng Thị H nộp theo biên lai thu số 0002974 ngày 14/9/2022 tại Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh để nộp một phần tiền thu lợi bất chính do bị cáo Đặng Thị H phạm tội mà có 50.000.000 đồng để sung công quỹ nhà nước và phạt bổ sung số tiền 40.000.000 đồng, sẽ được khấu trừ khi thi hành án về phần buộc bị cáo Đặng Thị H giao nộp số tiền để sung công quỹ nhà nước và nộp phạt bổ sung.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Giữ nguyên hình sự sơ thẩm số 122/2022/HS-ST ngày 12/4/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về hình phạt đối với các bị cáo Đặng Thị H, Lê Văn Q.

2.1. Căn cứ điểm a,b khoản 4, khoản 5 Điều 188; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 54; Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Đặng Thị H 08 (tám) năm tù về tội: “Buôn lậu”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 25/01/2019. Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Phạt bổ sung bị cáo Đặng Thị H số tiền 40.000.000 (Bốn mươi triệu) đồng sung ngân sách nhà nước.

2.2. Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 188; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 2 Điều 54; Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Lê Văn Q 04 (bốn) năm tù về tội: “Buôn lậu”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 25/01/2019. Tiếp tục tạm giam bị cáo Lê Văn Q để đảm bảo thi hành án.

3. Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Đặng Thị H, Lê Văn Q không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Đối với số tiền 90.000.000 đồng do gia đình bị cáo Đặng Thị H nộp theo biên lai thu số 0002974 ngày 14/9/2022 tại Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh để nộp một phần tiền thu lợi bất chính do bị cáo Đặng Thị H phạm tội mà có 50.000.000 đồng để sung công quỹ nhà nước và phạt bổ sung số tiền 40.000.000 đồng, sẽ được khấu trừ khi thi hành án về phần buộc bị cáo Đặng Thị H giao nộp số tiền để sung công quỹ nhà nước và nộp phạt bổ sung.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

433
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội buôn lậu số 678/2022/HS-PT

Số hiệu:678/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về