Bản án về tội buôn lậu số 31/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 31/2023/HS-ST NGÀY 19/07/2023 VỀ TỘI BUÔN LẬU

Ngày 19 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 24/2023/TLST-HS ngày 23 tháng 5 năm 2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 29/2023/QĐXXST- HS ngày 20 tháng 6 năm 2023 đối với bị cáo H và tên: Hồ Ngọc C, tên gọi khác: không; giới tính: nam; sinh năm 1955 tại Quảng Ngãi; nơi thường trú: khu phố B (nay là khu phố A) phường P, thành phố P, tỉnh Bình Thuận; nghề nghiệp: kinh doanh; trình độ học vấn: 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: kinh; tôn giáo: không; con ông Hồ Ngọc D, sinh năm 1924 (đã chết) và bà Đỗ Thị S, sinh năm 1932 (đã chết); bị cáo có 05 người em, bị cáo là con thứ nhất trong gia đình; vợ là Tạ Thị Mỹ C1, sinh năm 1972 (đã ly hôn); bị cáo có 03 người con, lớn nhất sinh năm 1993, nhỏ nhất sinh năm 2005; tiền án: không; tiền sự: không.

Bị cáo bị bệnh suy thận giai đoạn cuối, viêm gan siêu vi C mạn tính, tim thiếu máu cục bộ, cao huyết áp hiện đang điều trị chạy thận định kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện N2, Quận E, thành phố Hồ Chí Minh nên bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh đến nay. Bị cáo vắng mặt tại phiên tòa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Hồ Ngọc Đ, sinh năm 1969 (có mặt) Địa chỉ: khu phố 7, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận 2. Chị Nguyễn Thị Kim P, sinh năm 1978 (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: Ấp Thuận Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước 3. Chị Lê Thị Kim D1, sinh năm 1981 (vắng mặt) Địa chỉ: số 19/285 đường Lê Quý Đôn, khu phố Tân Xuân, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước 4. Anh Trần Văn S1, sinh năm 1972 (vắng mặt) Địa chỉ: ấp T, thị xã B, tỉnh Bình Dương 5. Chị Huỳnh Thị Kim C2, sinh năm 1989 (vắng mặt) Địa chỉ: số A đường B, phường G, quận E, thành phố Hồ Chí Minh 6. Bà Tạ Thị Lan P1, sinh năm 1966 (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: ấp 1, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước 7. Ông Nguyễn Văn N, nguyên đội trưởng tại Chi cục Hải quan C4 (nay công tác tại Cục Hải quan tỉnh B) (có mặt) 8. Bà Nguyễn Thị Thanh L, nguyên công chức Chi cục Hải quan C4 (nay công tác tại Cục Hải quan tỉnh B) (có mặt)

- Người làm chứng:

1. Anh Nguyễn Văn E, sinh năm 1972 (vắng mặt) Địa chỉ: thôn Phú Châu, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước

2. Chị Trần Thị T, sinh năm 1980 (vắng mặt) Địa chỉ: thôn P, xã P, thị xã P, tỉnh Bình Phước.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2016, Hồ Ngọc C rủ ông UDAI KANT GUPA, quốc tịch Singapore và ông KARAN ASHOK, quốc tịch Ấn Độ cùng tham gia góp vốn để thành lập công ty. Hai người này đồng ý và đưa hộ chiếu cho C làm thủ tục đăng ký thành lập và đứng đại diện pháp nhân Công ty TNHH X (Công ty X); ngày 16/3/2016, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh B cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 38011207xx; địa chỉ trụ sở: đường L, khu phố P, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước; ngành nghề kinh doanh chính: xuất nhập khẩu nông sản… Theo hồ sơ thì công ty có 3 thành viên góp vốn: Cầm góp 6.000.000.000đ, chiếm 60% cổ phần; UDAI KANT GUPA và KARAN ASHOK mỗi người góp 2.000.000.000đ, mỗi người chiếm 20% cổ phần, nhưng thực tế chỉ có Cầm bỏ vốn thành lập công ty vì sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập công ty thì UDAI KANT GUPA và KARAN ASHOK không góp vốn, không liên lạc lại với C. Đến tháng 4/2017, C đã tự lập khống các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp từ UDAI KANT GUPA và KARAN ASHOK sang cho em trai Cầm là Hồ Ngọc Đ, SN 1969; cư trú: khu phố G, phường H, thành phố P, tỉnh Bình Thuận, rồi C tự làm thủ tục đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp gồm 02 thành viên góp vốn, trong đó C chiếm 60% cổ phần và là người đại diện theo pháp luật; Đ chiếm 40% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn; mọi hoạt động của công ty do Cầm quản lý, điều hành. Cầm thuê bà Nguyễn Thị Kim P, sinh năm 1978; trú tại: ấp T, xã T, huyện Đ, tỉnh Bình Phước - là người được Cầm thuê làm kế toán dịch vụ kê khai thuế theo tháng theo số liệu C cung cấp. Đến tháng 8/2018, C đã nhờ P tìm giúp địa nơi đặt biển hiệu công ty. Phụng nhờ và bà Lê Thị Kim D1, sinh năm 1981; trú tại: số A đường L, khu phố T, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước đã đồng ý cho đặt biển hiệu của Công ty X tại nhà mình. Mặc dù chỉ đặt biển hiệu nhưng C vẫn làm thủ tục đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở của Công ty X theo địa chỉ nhà bà D1. Từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến tháng 9/2016 thì Công ty X không hoạt động kinh doanh.

Do C đã từng làm Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu điều tỉnh B và Chủ tịch H1 (VINACAS), biết giá hạt điều thô ở các nước C rẻ hơn trong nước và việc nhập khẩu hạt điều thô theo loại hình sản xuất xuất khẩu sẽ được miễn thuế nhập khẩu và không phải thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (loại hình E31) nên nảy sinh ý định lợi dụng pháp nhân Công ty X để nhập khẩu hạt điều thô theo loại hình E31 về Việt Nam nhưng không nhằm mục đích để sản xuất từ hạt điều thô ra hạt điều nhân rồi xuất khẩu theo loại hình xuất sản phẩm sản xuất xuất khẩu (loại hình E62) mà trực tiếp bán hạt điều thô tại Việt Nam để thu lợi nhuận. Cầm biết rõ Công ty X không có cơ sở sản xuất, không có nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị và nhân công phục vụ cho việc sản xuất xuất khẩu hạt điều; không đủ điều kiện để hoạt động nhập khẩu hạt điều thô loại hình E31, nhưng để thực hiện được ý định này, mặc dù công ty không thuê kho nhưng C vẫn đưa địa chỉ kho của ông Nguyễn Văn E, sinh năm 1972, trú tại: thôn P, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước và bà Trần Thị T, sinh năm 1980, trú tại: thôn P, xã P, thị xã P, tỉnh Bình Phước, để nhờ Trần Văn S1, sinh năm 1972; thường trú: ấp T, thị xã B, tỉnh Bình Dương, để nhờ soạn thảo giúp 02 hợp đồng Công ty X thuê kho của ông E và bà T. Sau khi S1 soạn thảo đưa lại 02 hợp đồng này cho C, C đã nhờ một người đàn ông (không rõ nhân thân, lai lịch) ở thành phố Hồ Chí Minh - cũng là người cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng mua máy móc thiết bị cho C để người này ký giả tên ông E, bà T. Sau khi có hợp đồng thuê kho đã có chữ ký giả của người cho thuê thì do lúc này C không có mặt ở công ty nên đã nhờ Đ ký ở phần người thuê. Đồng thời, C nhờ một người (không rõ nhân thân) đánh máy Bảng kê khai máy móc sản xuất hạt điều và B tổng hợp lương công nhân. Sau khi hoàn thành các thủ tục hồ sơ cơ sở sản xuất, C đã ký tên, đóng dấu công ty và hồ sơ cho S1 để nhờ làm giúp Thông báo cơ sở sản xuất, nơi giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ cho việc sản xuất xuất khẩu hạt điều để gửi hồ sơ cho Cơ quan Hải quan. S1 đã nhờ bà Huỳnh Thị Kim C2, sinh năm 1989; trú tại: số A đường B, phường G, Quận E, thành phố Hồ Chí Minh, là nhân viên của S1 soạn thảo Thông báo cơ sở sản xuất cho Công ty X rồi đưa lại cho C ký. Ngày 05/9/2016, Công ty X gửi hồ sơ trên đến Chi cục Hải quan C4 để xin cấp phép nhập khẩu hàng hóa thuộc loại hình E31. Sau khi được Chi cục Hải quan C4 kết luận Công ty X đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa thuộc loại hình E31, C đã liên hệ với những người môi giới (không rõ nhân thân, lai lịch) giao dịch mua hạt điều thô có nguồn gốc từ các nước C của các công ty: Kothari – Singapore; Sri Ganesh E1 – Ấn Độ; Ecom A - A; A - Ấn Độ. Sau khi ký hợp đồng xong thì có thỏa thuận Ngân hàng làm trung gian thanh toán: Cầm chuyển tiền Việt Nam vào ngân hàng để quy ra dolla Mỹ (USD) và thanh toán cho đối tác; ngân hàng giao lại cho C bộ chứng từ liên quan đến lô hạt điều gồm: Hóa đơn, Bill tàu…. Sau khi có hồ sơ mua bán hạt điều thô, C trực tiếp ký hoặc ủy quyền và chỉ đạo Đức ký các văn bản như: Sao y hóa đơn; Bill tàu; đề nghị kiểm dịch thực vật; văn bản đề nghị đưa hàng về kho lưu trữ rồi đưa hồ sơ cho bà C2 làm thủ tục khai báo Hải quan nhập khẩu.

Bằng thủ đoạn nêu trên, từ ngày 20/10/2016 đến ngày 12/12/2017, C đã sử dụng pháp nhân của Công ty X mở 09 tờ khai hải quan nhập khẩu theo loại hình E31 tại Chi cục Hải quan C4 để nhập khẩu 1.258.720 kg hạt điều thô có nguồn gốc từ các nước C như: Ivory Coast, T1, N1, G. Tổng trị giá hàng hóa là 51.189.326.254,9đ, trong đó C trực tiếp ký các thủ tục mở 02 tờ khai Hải quan và khai báo điện tử mở 03 tờ khai Hải quan để nhập khẩu; khi C vắng mặt đã ủy quyền cho Đ ký thủ tục mở 04 tờ khai Hải quan nhập khẩu. Toàn bộ số hạt điều thô này sau khi nhập khẩu về, C không tiến hành sản xuất để xuất khẩu theo loại hình E62 mà đã lén bán trái phép toàn bộ số hạt điều thô này cho nhiều cá nhân trong nước để thu lợi bất chính. Do thời gian đã lâu, quá trình bán số hạt điều thô này C không ký hợp đồng, không ghi chép theo dõi vào sổ sách, không xuất hóa đơn nên không nhớ đã bán cho những ai, không nhớ tên tuổi, địa chỉ của những người đã mua điều. Từ lời khai và kết quả sao kê các tài khoản ngân hàng đã xác định có bà Tạ Thị Lan P1, sinh năm 1966, nơi cư trú: ấp A, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Bình Phước, là người mua 175.000 kg hạt điều thô trị giá 6.200.000.000đ. Tuy nhiên, khi bán số hạt điều trên thì Cầm không ký hợp đồng mua bán, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không nói cho bà P1 và những người mua khác biết nguồn gốc số hạt điều trên.

Ngày 06/7/2021 Cục kiểm tra sau thông quan - T2 kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan đối với Công ty X, phát hiện Công ty X không hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại địa điểm đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngày 27/8/2021, Cục kiểm tra sau thông quan -T2 chuyển vụ việc có dấu hiệu tội cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B để điều tra theo quy định. Quá trình điều tra, Hồ Ngọc C đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nêu trên. Đến nay, toàn bộ số điều trên đã bị C lén tiêu thụ hết trong nước nên không thể thu hồi.

Kết luận giám định số 50/KL(TL)-KTHS ngày 30/9/2022 số 229/KL- KTHS ngày 01/3/2023 của Phòng K Công an tỉnh B giám định con dấu và chữ ký của người đại diện theo pháp luật và người có liên quan trên bộ hồ sơ cơ sở sản xuất và 09 bộ tờ khai nhập khẩu loại hình E31.

+ Tất cả dấu mộc trên các tài liệu trong bộ hồ sơ cơ sở sản xuất và 09 bộ tờ khai nhập khẩu loại hình E31 đều do con dấu của Công ty X đóng ra;

+ Chữ ký tên “Hồ Ngọc C” trên các tài liệu giám định là do Hồ Ngọc C ký; chữ ký tên “Hồ Ngọc Đ” trên các tài liệu giám định là do Hồ Ngọc Đ ký; chữ ký, chữ viết tên “Trần Thị T” và “Nguyễn Văn E” tài liệu giám định không đồng dạng với chữ ký của ông Nguyễn Văn E, bà Trần Thị T và không phải chữ viết do Trần Văn S1 viết, không xác định được là chữ ký, chữ viết của ai; chữ ký tên “Nguyễn Thị Thanh L” trên các tài liệu giám định là do Nguyễn Thị Thanh L ký; Tại bản Cáo trạng số 18/CT-VKS-P1 ngày 19/5/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã truy tố bị cáo Hồ Ngọc C về tội “Buôn lậu” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa sơ thẩm:

+ Bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt, bị cáo thống nhất các lời khai trong suốt quá trình điều tra và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản Cáo trạng đã truy tố và xin giảm nhẹ hình phạt.

+ Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước giữ nguyên bản Cáo trạng số 18/CT-VKS-P1 ngày 19/5/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã truy tố đối với bị cáo; đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội “Buôn lậu” theo điểm a khoản 4 Điều 188, áp dụng điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2015, xử phạt bị cáo từ 12 đến 13 năm tù; về các vấn đề khác đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định của Cơ quan điều tra, Điều tra viên Công an tỉnh B, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, người tham gia tố tụng không có người nào có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt do sức khỏe của bị cáo không đảm bảo cho việc xét xử. Căn cứ Điều 290, Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử nhưng không ra bản án, quyết định không có lợi cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

[3] Trong quá trình giải quyết vụ án bị cáo Hồ Ngọc C khai nhận toàn bộ các hành vi như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố. Xét lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp các biên bản kiểm tra, biên bản xác minh, phù hợp lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, phù hợp các nội dung kết luận cùng những vật chứng, tài liệu, chứng cứ khác được thu thập có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có căn cứ xác định:

Từ tháng 10/2016 đến tháng 12/2017, Hồ Ngọc C đã trực tiếp điều hành và sử dụng pháp nhân của Công ty TNHH X mở 09 tờ khai Hải quan nhập khẩu 1.258.720 kg hạt điều thô thuộc loại hình E31 có tổng trị giá 51.189.326.254,9 đồng. Sau khi nhập khẩu, bị cáo đã không cho sản xuất ra nhân điều và xuất khẩu theo loại hình E62 mà tự ý bán tiêu thụ nội địa hết toàn bộ số lượng hạt điều thô trên để thu lợi bất chính. Số hạt điều thô có nguồn gốc xuất xứ từ các nước C như: Ivory Coast, T1, N1, G không nằm trong danh sách 46 nước được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam và số hạt điều này chưa được kiểm định an toàn thực phẩm nên không thể được phép tiêu thụ tại thị trường nội địa mà buộc phải xuất khẩu theo loại hình E62. Hành vi của bị cáo C không tuân thủ sự kiểm soát của cơ quan Hải Q và các quy định về hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, tự ý tiêu thụ nội địa 1.258.720 kg hạt điều thô mà không khai báo với cơ quan hải quan, không kê khai tờ khai hải quan mới là vi phạm Điều 60 Luật Hải quan; khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hành vi của bị cáo C đã đủ yếu tố cấu thành tội “Buôn lậu” theo điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự. Do đó, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo C là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

[4] Xét thấy, hành vi bị cáo thực hiện đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về hải quan, quản lý ngoại thương, gây ảnh hưởng các hoạt động thương mại lành mạnh trong ngành điều Việt Nam nói chung và uy tín thương hiệu hạt điều Việt Nam trên thế giới nói riêng.

[5] Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc tự ý chuyển tiêu thụ nội địa đối với hạt điều thô nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu mà không khai báo hải quan là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo vẫn cố tình thực hiện [6] Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra, truy tố bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, bị cáo có thành tích tốt trong công tác phát triển sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm điều và xây dựng Hiệp hội cây điều Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; hiện bị cáo bị bệnh nặng phải chạy thận nhân tạo định kỳ, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo tại điểm s, khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự Về hình phạt bổ sung: Do hiện nay bị cáo đang bị bệnh nặng, không có nghề nghiệp, thu nhập nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[7] Biện pháp tư pháp:

Căn cứ Điều 46, điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự, cần tịch thu số tiền do bị cáo phạm tội mà có. Do bị cáo đã bán hạt điều cho nhiều người, việc mua bán không có hợp đồng, chứng từ mua bán, không ghi chép sổ sách nên không xác định được bị cáo đã bán và thu được bao nhiêu tiền. Áp dụng nguyên tác có lợi cho bị cáo xác định giá trị số lượng hạt điều nhập khẩu tiêu thụ bất hợp pháp trong thị trường nội địa theo giá trị nhập khẩu trên hồ sơ hải quan là 51.189.326.254,9 đồng. Đây là số tiền bị cáo phạm tội mà có nên cần tuyên tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước.

[8]. Về xử lý vật chứng:

Lưu theo hồ sơ vụ án: 01 con dấu của Công ty TNHH X, mã số thuế: 38011207xx; Địa chỉ: đường L, tổ A, khu phố P, phường T, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước. Đặc điểm: con dấu hình tròn, trên con dấu có nội dung: “CÔNG TY TNHH X * M.S.D.N: 38011207xx-C.T.T.N.H.H * TX. ĐỒNG XOÀI – T. BÌNH PHƯỚC”; 01 con dấu của Công ty TNHH X, mã số thuế: 38011207xx; Địa chỉ: đường L, tổ A, khu phố P, phường T, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước. Đặc điểm: con dấu hình chữ nhật, trên con dấu có nội dung: “CÔNG TY TNHH X * MST: 38011207xx, Đ. L - tổ A - KP . P - P.T – ĐX – BP”; 01 quyển hóa đơn giá trị gia tăng số 000872, mẫu số: 01 GTKT3/001, ký hiệu 38AA/16P, từ số 043551 đến số 043600 do Cục T phát hành, chưa sử dụng (Bản gốc); 01 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 38011207xx do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cấp lần đầu ngày 16/3/2016, đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 09/8/2018 cho Công ty TNHH X (Bản gốc); Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp không ghi ngày, tháng 4/2017 giữa ông Hồ Ngọc Đ và ông UDAI KANT GUPA; sinh ngày: 18/02/1990; Quốc tịch: Singapore; Số hộ chiếu: E2980869B và ông Hồ Ngọc Đ; SN: 16/10/1969; CMND: 370963165, số lượng 02 tờ (Bản gốc);

Tài liệu do Chi cục Hải quan C4 cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra gồm:

09 bộ hồ sơ tờ khai nhập khẩu theo loại hình E31 của Công ty X (bản gốc); 01 bộ hồ sơ cơ sở sản xuất của Công ty X (bản gốc) [9]. Đối với Hồ Ngọc Đ: là em ruột của C, có đứng tên thành viên Công ty X nhưng không tham gia góp vốn, được Cầm thuê trông coi văn phòng và thực hiện các công việc theo sự chỉ đạo của C. Khi được bị cáo nhờ ký 02 hợp đồng thuê kho thì đã có chữ ký của người cho thuê kho. Bị cáo không bàn bạc, không nói cho Đ biết việc lập khống hợp đồng, lập khống hồ sơ năng lực của công ty. Khi được bị cáo ủy quyền để ký thủ tục mở 04 tờ khai Hải quan nhập khẩu hạt điều theo loại hình E31, nhưng Đ không biết mục đích của C là nhập khẩu hạt điều để bán tiêu thụ nội địa. Đ cũng không tham gia bán trái phép số hạt điều nguyên liệu nêu trên trong nước và không được hưởng lợi gì. Do đó, không đủ cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự Đ vai trò đồng phạm.

Đối với ông Trần Văn S1 và bà Huỳnh Thị Kim C2: Ông S1 là người được Cầm nhờ soạn thảo giúp một số tài liệu trong hồ sơ cơ sở sản xuất và thuê làm dịch vụ, thủ tục khai báo Hải quan của Công ty X nhập khẩu hạt điều theo loại hình E31; bà C2 là người được S1 thuê làm dịch vụ khai báo Hải quan cho Công ty X để nhập khẩu hạt điều theo loại hình E31. Kết quả điều tra xác định ông S1 và bà C2 không bàn bạc, trao đổi, cũng không biết mục đích của C là nhập khẩu hạt điều để bán tiêu thụ nội địa; không tham gia bán trái phép số hạt điều này trong nước và không được hưởng lợi gì nên không xem xét.

- Đối với bà Nguyễn Thị Kim P: Là người được bị cáo thuê làm kế toán dịch vụ cho Công ty X. Phụng chỉ tiếp nhận số liệu, tài liệu từ bị cáo để cập nhập sổ sách kế toán theo yêu cầu và kê khai thuế của Công ty X, việc bị cáo tự ý tiêu thu nội địa trái phép số hạt điều nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, P không biết và không tham gia nên không xem xét xử lý.

- Đối với bà Tạ Thị Lan P1: Là người đã mua 175.000 kg hạt điều thô của bị cáo nhưng bà P1 không biết nguồn gốc từ nhập khẩu theo loại hình E31 nên không đủ cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự bà P1 vai trò đồng phạm với C về hành vi buôn lậu; không đủ cơ sở xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Tuy nhiên, hành vi mua 175.000 kg hạt điều thô không có hóa đơn, chứng từ nêu trên của bà P1 là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. Do đó, Cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị cơ quan Thuế làm rõ xử lý theo quy định.

- Đối với các cá nhân khác có giao dịch chuyển tiền đặt cọc mua điều của bị cáo đến nay Cơ quan điều tra chưa xác định được nên tiếp tục xác minh và đề nghị xử lý sau.

- Đối với hai cá nhân người nước ngoài là ông UDAI KANT GUPA, quốc tịch: Singapore và ông KARAN ASHOK, quốc tịch: Ấn Độ có tên trong thành viên góp vốn của Công ty X. Tuy nhiên, hai người này được Hồ Ngọc C mời tham gia góp vốn vào Công ty X nhưng thực tế hai người này không tham gia góp vốn mà mới chỉ được C làm thủ tục hợp thức việc góp vốn để đăng ký thông tin thành viên góp vốn và không tham gia vào hoạt động của Công ty X nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

- Đối với ông Nguyễn Văn E và bà Trần Thị T là người đứng tên trong hợp đồng cho Công Phương M thuê kho. Tuy nhiên, ông E và bà T không cho thuê, không ký hợp đồng cho thuê và cũng không liên quan gì đến hoạt động của Công ty X nên không xem xét xử lý.

- Đối với bà Lê Thị Kim D1 người cho Công ty X đặt biển hiệu tại địa chỉ số A đường L, khu phố T, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, bà D1 chỉ cho Công ty X gắn nhờ biển hiệu tại nhà của mình chứ không tham gia vào các hoạt động của Công ty X nên không xem xét xử lý - Đối với các cá nhân thuộc Chi cục C4 là ông Nguyễn Văn N và bà Nguyễn Thị Thanh L có liên quan đến việc tham mưu và ban hành kết luận Công ty X có đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa thuộc loại hình E31, là có dấu hiệu vi phạm quy trình công tác. Tuy nhiên, do đã hết thời hạn điều tra nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa thu thập đủ hồ sơ, tài liệu; chưa làm rõ hành vi sai phạm của các cá nhân này nên đã có quyết định số 05/QĐ-CSKT ngày 22/3/2023 tách hành vi và tài liệu có liên quan để tiếp tục xác minh, làm rõ và xem xét xử lý sau.

[10]. Về án phí hình sự:

Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Hồ NGọc C3 phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) [11] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh:

Tuyên bố bị cáo Hồ Ngọc C phạm tội “Buôn lậu”

2. Về áp dụng điều luật và hình phạt:

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt bị cáo Hồ Ngọc C 12 năm tù về tội “Buôn lậu”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

3. Biện pháp tư pháp.

Căn cứ Điều 46, 47 Bộ luật Hình sự:

Buộc bị cáo Hồ Ngọc C nộp lại số tiền 51.189.326.254,9 đồng để sung vào Ngân sách nhà nước.

4. Về xử lý vật chứng:

- Lưu theo hồ sơ vụ án:

01 con dấu của Công ty TNHH X, đặc điểm: con dấu hình tròn, trên con dấu có nội dung: “CÔNG TY TNHH X * M.S.D.N: 38011207xx-C.T.T.N.H.H * TX. ĐỒNG XOÀI – T. BÌNH PHƯỚC”;

01 con dấu của Công ty TNHH X, đặc điểm: con dấu hình chữ nhật, trên con dấu có nội dung: “CÔNG TY TNHH X * MST: 38011207xx, Đ. L - tổ A - KP . P - P.T - Đ - Bình Phước”; (Theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 0006, quyển số 0000296 giữa Công an tỉnh B và Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước ngày 26/5/2023)

5. Về án phí:

Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Hồ Ngọc C phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng).

6. Quyền kháng cáo: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo Bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo Bản án này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Bản án hoặc Bản án niêm yết theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

8
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội buôn lậu số 31/2023/HS-ST

Số hiệu:31/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:19/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về