Bản án về tội buôn lậu số 23/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 23/2023/HS-ST NGÀY 07/06/2023 VỀ TỘI BUÔN LẬU

Ngày 07 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 35/2022/TLST- HS ngày 03/10/2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 04/2023/QĐXXST- HS ngày 14/02/2023 đối với bị cáo:

Họ tên: Đặng Văn A, sinh ngày 25 tháng 05 năm 1981 tại Quảng Bình; nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Khu phố 6, phường LP, thị xã PL, tỉnh Bình Phước; giới tính: Nam; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Phật giáo; trình độ học vấn: 10/12; nghề nghiệp: Kinh doanh; họ tên cha: Đặng Văn T, sinh năm: 1956; họ tên mẹ: Hồ Thị S, sinh năm 1965; họ tên vợ: Trần Thị Kim H, sinh năm 1981; bị cáo có 05 anh, em, lớn sinh năm 1976, con nhỏ sinh năm 1991; bị cáo có 02 con, con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2013.

Tiền án, tiền sự: không.

Ngày 07/3/2022, bị cáo Đặng Văn A bị khởi tố bị can, đến ngày 09/3/2022 bị bắt tạm giam theo Lệnh bắt bị can để tạm giam số 01 ngày 07/3/2022 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước. Ngày 15/8/2022, bị cáo được thay thế biện pháp ngăn chặn cho Bảo lĩnh. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Phí Ngọc M thuộc Văn phòng luật sư V, Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước. Có mặt.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Lê Ánh Ng, sinh năm 1981, địa chỉ: Khu phố 6, phường LP, thị xã PL, tỉnh Bình Phước. Vắng mặt.

2. Bà Bùi Thị Thanh Nh, sinh năm: 1991, địa chỉ: Khu phố 9, phường LP, thị xã PL, tỉnh Bình Phước. Vắng mặt.

3. Công ty TNHH MTV Chế biến hại ĐMV.

Địa chỉ: Lô A2, đường số 1, cụm Công nghiệp LBN, xã LBN, thành phố TA An, tỉnh Long An.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Lê Trà M1 - chức vụ: Giám đốc. Vắng mặt.

4. Công ty TNHH TN.

Địa chỉ: Khu phố Thị Vải, phường MX, thị xã PM, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Trần Bích Ph - chức vụ: Giám đốc.

Vắng mặt.

5. Công ty TNHH OVN.

Địa chỉ: Đường số 16, khu công nghiệp BH II, phường AB, thành phố BH, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo pháp luật: Nguyễn Thị Thanh L - chức vụ: Giám đốc. Vắng mặt.

6. Công ty TNHH SX TM XNK MT.

Địa chỉ: Thôn 5, xã LT, huyện PR, tỉnh Bình Phước. Người đại diện theo pháp luật: Lê Thị T - chức vụ: Giám đốc.

7. Công ty TNHH TM.

Địa chỉ: Đội 1, thôn PY, xã PT, thị xã PL, tỉnh Bình Phước. Người đại diện theo pháp luật: Huỳnh Thanh P - chức vụ: Giám đốc.

8. Công ty TNHH SX TM XNK TKQ.

Địa chỉ: Số 4A, khu phố PS, phường PB, thị xã PL, tỉnh Bình Phước. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phùng M C - chức vụ: Giám đốc.

Có đơn xin xét xử vắng mặt.

9. Doanh Nghiệp Tư Nhân L H.

Địa chỉ: Khu phố LD1, phường LP, thị xã PL, tỉnh Bình Phước. Chủ doanh nghiệp: Nguyễn Công H. Có đơn xin xét xử vắng mặt.

10. Công ty TNHH LPH.

Địa chỉ: Số 121 đường LVK, phường 6, thành phố TA, tỉnh Long An. Người đại diện theo pháp luật: Huỳnh Ngư C - chức vụ: Giám đốc.Vắng mặt.

11. Chi cục hải quan CT.

Địa chỉ: Quốc lộ 13, xã TT, thị xã CT, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn H1, Lê Văn T, Vũ Thị Đ. (có mặt tại phiên tòa ngày 13/6/2023, xin vắng mặt ngày 20/6/2023)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty TNHH MTV AT (Công ty AT), được thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cấp lần đầu ngày 13/10/2015, Mã số doanh nghiệp:

3801109773; địa chỉ tại: khu phố 6, phường LP, thị xã PL, tỉnh Bình Phước; ngành nghề kinh doanh chính: Mua bán chế biến nông sản… người đại diện theo pháp luật của Công ty là Đặng Văn A, sinh năm: 1981, HKTT: khu phố 6, phường LP, thị xã PL, tỉnh Bình Phước. Sau khi được cấp phép điều hành, Công ty AT mua bán chế biến hạt Điều nội địa (mua bán hạt Điều do người dân trong nước trồng thu hoạch đem bán). Đến tháng 5/2017 với ý định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực xuất nhập khẩu nên Đặng Văn A đã tìm hiểu qua bạn bè, xem thông tin tham khảo trên Internet về loại hình nhập khẩu nguyên liệu hạt Điều thô để sản xuất xuất khẩu. Từ đó A biết được muốn nhập khẩu được hạt Điều từ nước ngoài về Việt Nam để sản xuất lấy nhân xuất khẩu theo loại hình nhập khẩu sản xuất xuất khẩu thì theo quy định Công ty phải có đủ cơ sở vật chất gồm: Kho bãi, nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nhân hạt Điều, nhân công… và Công ty phải làm văn bản Thông báo gửi đến cơ quan hải quan đăng ký để cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra về cơ sở sản xuất. Khi cơ quan hải quan kiểm tra và có Kết luận là Công ty có đủ năng lực thực hiện loại hình nhập khẩu nguyên liệu hạt Điều thô để sản xuất xuất khẩu thì mới được nhập khẩu về sản xuất. Sau khi nhập khẩu hạt Điều thô về phải tách vỏ lấy nhân và xuất khẩu ra nước ngoài, không được bán trong nước và hàng hoá phải chịu sự giám sát của Cơ quan hải quan. A nhận thấy Công ty AT có đủ điều kiện cần thiết theo các quy định trên, nên ngày 16/5/2017 Đặng Văn A ký văn bản Thông báo cơ sở sản xuất, nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị và sản phẩm xuất khẩu gửi đến Chi cục hải quan CT đăng ký Công ty AT thực hiện loại hình nhập khẩu hạt Điều thô để sản xuất xuất khẩu. Ngày 19/05/2017, Chi cục hải quan CT có Kết luận kiểm tra cơ sở sản xuất số 460/KL-CT, xác nhận Công ty AT có đủ điều kiện thực hiện loại hình nhập khẩu nguyên liệu hạt Điều thô để sản xuất xuất khẩu. Sau khi được cơ quan hải quan cho phép nhập khẩu hạt Điều thô theo loại hình nhập khẩu nguyên liệu hạt Điều thô để sản xuất xuất khẩu, Đặng Văn A đã thông qua các mối quan hệ bạn bè hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mua hạt Điều thô từ nước ngoài về Việt Nam biết được một số người làm môi giới để thông qua họ tìm nhà cung cấp hạt Điều thô cho A từ các nước Châu Phi … (A không rõ nhân thân những người môi giới này). Theo đó, khi cần mua hạt Điều nhập khẩu A sẽ chủ động liên lạc với người môi giới để đặt hàng (Hạt Điều thô). Khi có hạt Điều người môi giới sẽ báo lại giá bán cho A. Nếu thấy hợp lý A sẽ đồng ý ký hợp đồng mua. Hợp đồng mua bán do phía đối tác soạn thảo, các điều khoản, thỏa thuận trong hợp đồng đều thông qua môi giới chứ không làm việc trực tiếp với đối tác bán hạt Điều. Sau khi thống nhất ký hợp đồng xong ngân hàng sẽ làm trung gian thanh toán, A chuyển tiền Việt Nam đồng vào ngân hàng để ngân hàng quy ra đô la Mỹ (USD) và thanh toán cho đối tác, đồng thời phía đối tác khi nhận tiền sẽ giao lại cho A bộ chứng từ liên quan đến lô hạt Điều gồm: Hợp đồng mua bán, hóa đơn, BiLL tàu…. Sau khi có hồ sơ mua bán hàng hoá (Hạt Điều thô), A ký các văn bản như: Đề nghị kiểm dịch thực vật, văn bản đề nghị đưa hàng về kho lưu trữ, rồi đưa hết cho người làm dịch vụ khai báo H quan được A thuê là bà Lê Ánh Ng, sinh năm 1986, chổ ở: 8.22 khối B, C/C H.B.P - TB, khu phố 4, HBP, thành phố TD, thành phố Hồ Chí Minh, để bà Ng tiến hành nộp các thủ tục để được thông quan đưa hạt Điều về Công ty AT tiến hành sản xuất lấy nhân.

Bằng cách thức nêu trên, trong thời gian từ ngày 28/6/2017 đến tháng 9/2019, Đặng Văn A với tư cách giám đốc Công ty AT mở 23 tờ khai H quan nhập khẩu hạt Điều thô theo loại hình sản xuất xuất khẩu (E31) từ nước Bờ Biển Ngà, với tổng số lượng 3.232.968 kg hạt Điều thô (với định mức 05kg hạt Điều thô thì sản xuất ra 01 kg hạt Điều nhân), tổng trị giá 140.520.005.510,1 đồng. Sau khi nhập khẩu được hạt Điều về Công ty AT, A cho công nhân sản xuất tách lấy nhân và mở 05 tờ khai xuất khẩu theo quy định (E62) được 79.380 kg nhân hạt Điều (tương đương 396.900 kg hạt Điều thô) với trị giá 17.281.407.500 đồng. Số lượng hạt Điều thô còn lại 2.836.068 kg trị giá 123.268.863.468 đồng thì A trộn lẫn với hạt Điều thô nội địa do A thu mua của nông dân ở khu vực thị xã PL hoặc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Sau đó thuê công nhân bóc tách thành hạt Điều nhân rồi tự ý bán hết toàn bộ số hạt Điều này cho 08 doanh nghiệp và một số cá nhân (không rõ tên, địa chỉ cụ thể) để thu lợi bất hợp pháp cụ thể như sau:

- Bán 561.741 kg nhân hạt Điều, với tổng số tiền 113.374.935.311 đồng, theo 36 hoá đơn giá trị gia tăng cho Công ty TNHH MTV Chế biến hạt ĐMV, địa chỉ: lô A2, đường số 1, cụm Công nghiệp LBN, xã LBN, thành phố TA, tỉnh Long An;

- Bán 126.096,9 kg nhân hạt Điều, với tổng số tiền 25.957.604.375 đồng, theo 06 hoá đơn giá trị gia tăng cho Công ty TNHH OVN, địa chỉ: đường số 16, khu Công nghiệp BH II, phường AB, thành phố BH, tỉnh Đồng Nai;

- Bán 13.232,2 kg nhân hạt Điều, với tổng số tiền 2.817.225.421 đồng, theo 02 hoá đơn giá trị gia tăng cho Công ty TNHH TN, Mã số thuế:

3800449303, Địa chỉ: khu phố TV, phường MX, thị xã PM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

- Bán 12.397,70 kg nhân hạt Điều, với tổng số tiền 2.144.460.996 đồng, theo 03 hoá đơn giá trị gia tăng cho Công ty TNHH MTV TM XNK MT, địa chỉ: thôn 5, xã Long TA, huyện PR, tỉnh Bình Phước;

- Bán 123.225,9 kg nhân hạt Điều, với tổng số tiền 26.867.434.420 đồng, theo 05 hoá đơn giá trị gia tăng cho Công ty TNHH TM, Mã số thuế:

3800740111, Địa chỉ: Đội 1, thôn PY, xã PT, thị xã PL, tỉnh Bình Phước;

- Bán 14.133 kg nhân hạt Điều, với tổng số tiền 541.215.000 đồng, theo 02 hoá đơn giá trị gia tăng cho Công ty TNHH SX TM XNK TKQ, địa chỉ: số 04A, khu phố PS, phường PB, thị xã PL, tỉnh Bình Phước;

- Bán 28.855,11 kg nhân hạt Điều, với tổng số tiền 5.791.280.787 đồng, theo 01 hoá đơn giá trị gia tăng cho DNTN L H, Mã số thuế: 3801161195 địa chỉ: khu phố LD1, phường LP, thị xã PL, tỉnh Bình Phước;

- Bán 15.875 kg nhân hạt Điều, với tổng số tiền 2.481.770.500 đồng, theo 01 hoá đơn giá trị gia tăng cho Công ty TNHH LPH, Mã số thuế:

1101778006, địa chỉ 121 đường LVK, phường 6, thành phố TA, tỉnh Long An.

Tổng doanh số nhân hạt Điều xuất bán cho 08 doanh nghiệp theo 57 hoá đơn là 895.557kg với số tiền 179.975.926.810 đồng.

- Bán cho một số cá nhân (không rõ nhân thân lai lịch) 130.881,10 kg nhân hạt Điều, số tiền 26.302.520.262 đồng.

Như vậy, tổng số hạt Điều nhân mà Đặng Văn A đã bán cho 08 doanh nghiệp theo 57 hoá đơn giá trị gia tăng và bán cho một số cá nhân là 1.026.438 kg, số tiền 206.278.447.072 đồng, trong đó 459.224,4 kg nhân hạt Điều có nguồn gốc từ hạt Điều thô do A mua nội địa và 567.213,6 kg nhân hạt Điều (tương đương 2.836.068 kg hạt Điều thô) có nguồn gốc từ nguyên liệu hạt Điều nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu.

Khi bán nhân hạt Điều A không nói cho khách mua biết số lượng nhân hạt Điều A bán cho họ có nguồn gốc từ hạt Điều nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu. Để đối phó với cơ quan hải quan, A cung cấp số liệu không đúng sự thật cho bà Bùi Thị Thanh Nh, sinh năm 1991, HKTT: khu phố 9, phường LP, thị xã PL, tỉnh Bình Phước là kế toán dịch vụ do A thuê để cập nhập số liệu vào sổ nhập - xuất - tồn hàng tháng thể hiện số lượng hạt Điều nhập khẩu vẫn tồn kho báo cáo với cơ quan hải quan.

Ngày 22/10/2020, Chi cục hải quan CT ra Quyết định số: 239/QĐ- HQBP, về việc kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hoá xuất khẩu tại trụ sở Công ty AT đồng thời ra Kết luận số 1671/KL-HQBP, ngày 06/11/2020 xác định: “Tại Công ty AT không còn tồn kho thực tế đối với số lượng nguyên liệu, thành phẩm, bán thành phẩm hạt Điều thô chưa bóc vỏ thuộc loại hình sản xuất suất khẩu với số lượng 2.836.068 kg, trị giá 123.268.863.468 đồng”. Đặng Văn A đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nêu trên.

Kết luận giám định số 3087/KL-KTHS, ngày 20/6/2022 của Phân Viện Khoa học hình sự Bộ Công An giám định chữ ký của đại diện Công ty AT trên các tài liệu gồm: 01 Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật và 06 Văn bản đề nghị đưa hàng hóa về bảo quản, của Công ty TNHH MTV AT, xác định tất cả các chữ ký của đại diện Công ty AT trên các văn bản nêu trên đều là chữ ký của Đặng Văn A.

Thu giữ, tạm giữ, xử lý đồ vật, tài liệu:

- 01 (Một) quyển hóa đơn giá trị gia tăng của Cục thuế tỉnh Bình Phước phát hành, quyển số 0000205 đã sử dụng 12 tờ (Thu giữ trong quá trình khám xét chỗ ở Đặng Văn A). Đây là các tài liệu của Công ty được thu giữ và lưu trong hồ sơ vụ án, cần được trả lại cho Công ty AT.

- 02 (Hai) quyển hóa đơn giá trị gia tăng của Cục thuế tỉnh Bình Phước phát hành quyển số 0000366 đã sử dụng 37 tờ và quyển số 00566 đã sử dụng 33 tờ (Đặng Văn A tự nguyện giao nộp trong quá trình điều tra). Đây là các tài liệu của Công ty được thu giữ và lưu trong hồ sơ vụ án, cần được trả lại cho Công ty AT.

- 23 bộ hồ sơ tờ khai nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (E31);

05 bộ hồ sơ xuất khẩu E62; 01 (Một) Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật và 06 (Sáu) Văn bản đề nghị đưa hàng hóa về bảo quản, của Công ty TNHH MTV AT; do Chi cục hải quan CT cung cấp. Đây là tài liệu chứng cứ của vụ án được lưu trong hồ sơ vụ án.

- 01 (Một) mộc dấu hình tròn của Công ty TNHH MTV AT, mã số doanh nghiệp: 3801109773; 01 (Một) mộc dấu hình chữ nhật của Công ty TNHH MTV AT, mã số doanh nghiệp: 3801109773; 01 (Một) mộc dấu hình chữ nhật khắc tên “Đặng Văn A” (Thu giữ trong quá trình khám xét chỗ ở Đặng Văn A). Đây là các con dấu của Công ty cần được trả lại cho Công ty AT.

- Số tiền 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) do gia đình Đặng Văn A tự giao nộp cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước để khắc phục hậu quả thiệt hại, nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Số tiền 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) do gia đình Đặng Văn A tự giao nộp đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước để khắc phục hậu quả thiệt hại, nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Phong tỏa số tiền: 10.589.827 VNĐ (Mười triệu, năm trăm tám mươi chín ngàn, tám trăm hai mươi bảy đồng) trong tài khoản: 050041528076 do Đặng Văn A mở tại: Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Bình Phước của Đăng Văn A theo Lệnh phong toả số 13/LPT-CSKT, ngày 20/6/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước, để đảm bảo thi hành án.

Tại cáo trạng số 39/CT-VKS-P1 ngày 25/9/2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo Đặng Văn A về tội “Buôn lậu” theo điểm a khoản 4 Điều 188 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa:

- Bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Đặng Văn A phạm tội “Buôn lậu”; Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 188; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo mức án từ 07 đến 08 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự: Đối với 567.213,6 kg nhân điều (tương đương 2.836.068 kg hạt điều thô) A bán bất hợp pháp vào thị trường nội địa với nhiều mức giá khác nhau áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can xác định đơn giá trung bình chung A bán ra là 200.965 đồng/1kg, thu được số tiền: 113.990.081.124 đồng. Đây là tiền có được từ hành vi phạm tội buôn lậu nên phải tịch thu nộp vào ngân sách Nhà nước, được khấu trừ đi số tiền 2.200.000.000đ do bị cáo và gia đình đã tự nguyện giao nộp.

Kiến nghị Cơ quan hải quan cần tăng cường hơn nữa trong việc theo dõi, quản lý nguồn hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức để sản xuất, xuất khẩu nhằm bảo đảm hàng hoá này được sản xuất, xuất khẩu, không bị lén bán ra thị trường nội địa rồi đổi bằng hàng hoá khác hợp thức nguồn hàng xuất khẩu, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở trong nước, xâm phạm đến hoạt động quản lý ngoại thương về xuất, nhập khẩu.

- Quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo:

Luật sư không có ý kiến gì về Cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Buôn lậu”. Luật sư cho rằng bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như: Trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Đặng Văn A luôn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đã tác động gia đình vay mượn để nộp khắc phục số tiền 2.200.000.000 vnđ vào Ngân sách nhà nước, khắc phục một phần hậu quả, hoàn cảnh hiện nay của bị cáo Đặng Văn A rất khó khăn có 02 con còn nhỏ đang tuổi đi học, cha mẹ thì tuổi cao, sức yếu, bản thân bị cáo lại đang bị bệnh sỏi thận uống thuốc điều trị do đó đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS và đề nghị HĐXX xem xét áp dụng Điều 54 BLHS Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Bình Phước, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo Đặng Văn A khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản Cáo trạng truy tố. Xét thấy, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, phù hợp với vật chứng của vụ án cùng những tài liệu, chứng cứ đã thu thập có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Do đó, Hội đồng xét xử có cơ sở kết luận:

Bị cáo Đặng Văn A là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV AT (sau đây viết tắt là: Công ty AT), ngành nghề kinh doanh chính là mua bán, chế biến nông sản. Sau khi được cơ quan hải quan cho phép nhập khẩu hạt Điều thô từ nước ngoài về Việt Nam theo loại hình nhập khẩu nguyên liệu hạt Điều thô để sản xuất xuất khẩu, dưới danh nghĩa công ty AT, A đã cho nhập khẩu hạt Điều thô từ nước Bờ Biển Ngà. Theo quy định của pháp luật về hải quan, khi chuyển tiêu thụ nội địa hàng nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu thì người khai hải quan phải làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan mới và phải được sự đồng ý của cơ quan kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Hạt điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ nước Bờ Biển Ngà, không thuộc danh mục 46 nước được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam và số hạt Điều này chưa được kiểm định an toàn thực phẩm, nên không thể được phép tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, Đặng Văn A không tuân thủ sự kiểm soát của cơ quan hải quan và các quy định về hàng hoá nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Từ tháng 7/2017 đến tháng 9/2019, mặc dù không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật hải quan, không thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhưng A đã tự ý chuyển tiêu thụ nội địa số lượng 2.836.068kg hạt Điều trị giá 123.268.863.468 đồng là vi phạm quy định tại: khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 20/01/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Điều 21 Mục 2 Chương II Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 Quy định về thủ tục hải quan, thuế xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, Cáo trạng số 39/CT-VKS- P1 ngày 25/9/2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo Đặng Văn A về tội “Buôn lậu” theo điểm a khoản 4 Điều 188 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3] Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu, gây nguy hại đến an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu Hạt điều Việt Nam. Khi thực hiện tội phạm, bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự nhưng vì mục đích tư lợi bị cáo đã cố ý thực hiện tội phạm. Do đó, cần áp dụng mức hình phạt phù hợp tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, xét trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; đã tự nguyện nộp số tiền 2.200.000.000 đồng để khắc phục hậu quả nên bị cáo được xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Do bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự và để thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, căn cứ vào đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, Hội đồng xét xử áp dụng cho bị cáo mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự.

[4] Về biện pháp tư pháp:

Đối với 567.213,6 kg nhân điều (tương đương 2.836.068 kg hạt điều thô) A bán bất hợp pháp vào thị trường nội địa với nhiều mức giá khác nhau áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo xác định đơn giá trung bình chung A bán ra là 200.965 đồng/1kg, thu được số tiền: 113.990.081.124 đồng. Đây là tiền có được từ hành vi phạm tội buôn lậu nên phải tịch thu nộp vào ngân sách Nhà nước. Khấu trừ số tiền 2.200.000.000đ do bị cáo đã tự nguyện giao nộp thì còn phải tịch thu của bị cáo 111.790.081.124 đồng.

Đối với bà Lê Ánh Ng được Đặng Văn A thuê làm dịch vụ khai báo hải quan để nhập khẩu hạt Điều theo loại hình sản xuất xuất khẩu, không phải là nhân viên Công ty AT. Việc bà Ng làm thủ tục để Công ty AT nhập khẩu hạt Điều theo loại hình sản xuất xuất khẩu là hợp pháp đúng theo quy định của hải quan. Hành vi sai phạm chỉ phát sinh khi Đặng Văn A bán trái phép số hạt Điều nguyên liệu nêu trên. Quá trình điều tra xác định bà Ng không biết và không tham gia vào quá trình A bán số hạt Điều này nên không xem xét xử lý.

Đối với bà Bùi Thị Thanh Nh được Đặng Văn A thuê làm kế toán dịch vụ cho Công ty AT chỉ tiếp nhận số liệu, tài liệu từ Đặng Văn A để cập nhập sổ sách theo yêu cầu của A, việc A bán trái phép số hạt Điều được nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, bà Nh không biết và không tham gia vào quá trình A bán số hạt Điều này nên không xem xét xử lý.

Đối với Công ty TNHH MTV chế biến hạt ĐMV; Công ty TNHH OVN; Công ty TNHH TN; Công ty TNHH MTV TM XNK MT; Công ty TNHH TM; Công ty TNHH SX TM XNK TKQ; DNTN L H; Công ty TNHH LPH. Quá trình điều tra xác định khi mua nhân hạt Điều các doanh nghiệp này không biết số lượng nhân hạt Điều A bán có nguồn gốc từ hạt Điều do A đại diện Công ty AT nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu rồi A tự ý bán tiêu thụ nội địa nên không xem xét xử lý.

[5] Về xử lý vật chứng:

+ Đối với 23 bộ hồ sơ tờ khai nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (E31); 05 bộ hồ sơ xuất khẩu E62; 01 (Một) Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật và 06 (Sáu) Văn bản đề nghị đưa hàng hóa về bảo quản, của Công ty TNHH MTV AT; do Chi cục hải quan CT cung cấp. Đây là tài liệu chứng cứ của vụ án được lưu trong hồ sơ vụ án.

+ 01 (Một) quyển hóa đơn giá trị gia tăng của Cục thuế tỉnh Bình Phước phát hành, quyển số 0000205 đã sử dụng 12 tờ (Thu giữ trong quá trình khám xét chỗ ở Đặng Văn A). Đây là các tài liệu của Công ty được thu giữ và lưu trong hồ sơ vụ án, cần được trả lại cho Công ty AT.

+ 02 (Hai) quyển hóa đơn giá trị gia tăng của Cục thuế tỉnh Bình Phước phát hành quyển số 0000366 đã sử dụng 37 tờ và quyển số 00566 đã sử dụng 33 tờ (Đặng Văn A tự nguyện giao nộp trong quá trình điều tra). Đây là các tài liệu của Công ty được thu giữ và lưu trong hồ sơ vụ án, cần được trả lại cho Công ty AT.

+ 01 (Một) mộc dấu hình tròn của Công ty TNHH MTV AT, mã số doanh nghiệp: 3801109773; 01 (Một) mộc dấu hình chữ nhật của Công ty TNHH MTV AT, mã số doanh nghiệp: 3801109773; 01 (Một) mộc dấu hình chữ nhật khắc tên “Đặng Văn A” (Thu giữ trong quá trình khám xét chỗ ở Đặng Văn A). Đây là các con dấu của Công ty cần được trả lại cho Công ty AT.

+ Nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền 2.200.000.000đồng mà bị cáo và gia đình đã nộp cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước.

[6] Ngoài ra, cũng cần kiến nghị Cơ quan hải quan: cần tăng cường hơn nữa trong việc theo dõi, quản lý nguồn hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức sản xuất xuất khẩu nhằm bảo đảm hàng hoá được sản xuất, xuất khẩu đúng mục đích, không bị bán trái phép ra thị trường nội địa rồi đổi bằng hàng hoá khác nhằm hợp thức nguồn hàng xuất khẩu, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở trong nước, xâm phạm đến hoạt động quản lý ngoại thương về xuất, nhập khẩu.

[7] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát về tội danh, điều khoản áp dụng điều luật và đề nghị mức án xử phạt bị cáo là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử được chấp nhận.

[8] Quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo được chấp nhận.

[9] Án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo phải chịu theo quy định pháp luật.

[10] Án phí dân sự: bị cáo không phải chịu.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Đặng Văn A phạm tội “Buôn lậu”.

2. Về hình phạt:

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 188; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 50, 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, xử phạt bị cáo Đặng Văn A 07 (bảy) năm tù về tội “Buôn lậu”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó từ ngày 09/3/2022 đến ngày 15/8/2022.

3. Biện pháp tư pháp:

Tịch thu của bị cáo số tiền 111.790.081.124 đồng (một trăm mười một tỷ bảy trăm chín mươi triệu không trăm tám mươi mốt nghìn một trăm hai tư đồng - đã khấu trừ số tiền 2.200.000.000 đồng mà bị cáo và gia đình đã nộp) là trị giá của 2.836.068kg hạt Điều mà bị cáo tiêu thụ trái phép ra thị trường để sung vào ngân sách nhà nước.

4. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

- Lưu trong hồ sơ vụ án:

+ 23 bộ hồ sơ tờ khai nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (E31);

05 bộ hồ sơ xuất khẩu E62; 01 (Một) Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật và 06 (Sáu) Văn bản đề nghị đưa hàng hóa về bảo quản, của Công ty TNHH MTV AT; do Chi cục hải quan CT cung cấp.

+ 01 (Một) quyển hóa đơn giá trị gia tăng của Cục thuế tỉnh Bình Phước phát hành, quyển số 0000205 đã sử dụng 12 tờ (Thu giữ trong quá trình khám xét chỗ ở Đặng Văn A).

+ 02 (Hai) quyển hóa đơn giá trị gia tăng của Cục thuế tỉnh Bình Phước phát hành quyển số 0000366 đã sử dụng 37 tờ và quyển số 00566 đã sử dụng 33 tờ (Đặng Văn A tự nguyện giao nộp trong quá trình điều tra).

- Trả lại cho Công ty AT:

+ 01 (Một) mộc dấu hình tròn của Công ty TNHH MTV AT, mã số doanh nghiệp: 3801109773; 01 (Một) mộc dấu hình chữ nhật của Công ty TNHH MTV AT, mã số doanh nghiệp: 3801109773; 01 (Một) mộc dấu hình chữ nhật khắc tên “Đặng Văn A” (thu giữ trong quá trình khám xét chỗ ở Đặng Văn A).

- Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) do gia đình Đặng Văn A tự giao nộp cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 0000251 giữa Công an tỉnh Bình Phước và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước.

- Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) do gia đình Đặng Văn A tự giao nộp cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 0000251 giữa Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước.

5. Về án phí hình sự sơ thẩm: Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, M1ễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Buộc bị cáo Đặng Văn A phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng).

6. Quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết công khai theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

187
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội buôn lậu số 23/2023/HS-ST

Số hiệu:23/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về