TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 12/2023/HS-ST NGÀY 18/04/2023 VỀ TỘI BUÔN LẬU
Ngày 18 tháng 4 năm 2023 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tiến hành xét xử sơ thẩm công khai Vụ án hình sự thụ lý số 41/2021/TLST-HS ngày 20 tháng 10 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 15/2023/QĐXXST-HS ngày 21 tháng 3 năm 2023 đối với bị cáo:
Võ Đình T, sinh ngày 07 tháng 10 năm 1972 tại Bình Phước Nơi cư trú tại địa chỉ: Thôn B, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hoá: 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo:
Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ Đình L và bà Nguyễn Thị P; có vợ là bà Trần Thị Thanh C và 02 người con, lớn nhất sinh năm1997, nhỏ nhất sinh năm 2007; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 24/3/2021 cho đến ngày 17/01/2023 được thay thế bằng biện pháp bảo lĩnh; tại ngoại “có mặt”
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Minh Đ-Luật sư Văn phòng L4 thuộc Đoàn Luật sư B1; địa chỉ: Số A, đường P, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước “có mặt”
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Trần Thị Thanh C, sinh năm 1973 “có mặt”
2. Bà Nguyễn Phan Thể H, sinh năm 1988 “vắng mặt” Cùng nơi cư trú tại địa chỉ: Thôn B, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước
3. Ông Dương Xuân M, sinh năm 1981 “có đơn vắng mặt”
4. Bà D Trần Văn , sinh năm 1977 “có đơn vắng mặt” Cùng nơi cư trú tại địa chỉ: Số D, đường số E, phường T, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh - Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: Bà Ngô Thị T1- Luật sư Văn phòng L5 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh B1 bảo vệ cho ông Dương Xuân M và bà Dương Trần V; địa chỉ: Tổ F, khu phố P, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước “có đơn vắng mặt” - Người làm chứng 1. Bà Lê Thị Như B, sinh năm 1975 “vắng mặt” Nơi cư trú tại địa chỉ: F N, tổ G, khu phố I, phường C, thành phố Hồ Chí Minh 2. Bà Trần Thị Huyền M1, sinh năm 1988 “vắng mặt” Nơi cư trú tại địa chỉ: Tổ C, khu phố T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 07/11/2009, bị cáo Võ Đình T thành lập Công ty TNHH Một thành viên T2 (sau đây viết tắt là Công ty T2) để kinh doanh mua bán, chế biến xuất nhập khẩu hạt điều. Bị cáo là chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật, trực tiếp quản lý điều hành mọi hoạt động của Công ty T2. Bị cáo thuê bà Trần Thị Huyền M1 là nhân viên kế toán dịch vụ của Chi nhánh Công ty TNHH K1 - kiểm toán và tư vấn KH đảm nhận công việc cập nhật số liệu, chứng từ và làm báo cáo thuế cho Công ty T2 dựa trên số liệu do bị cáo cung cấp, thuê bà Nguyễn Phan Thể H phối hợp cùng vợ mình là bà Trần Thị Thanh C để thực hiện việc theo dõi, quản lý chấm công khoảng 70 người lao động thời vụ để thanh toán tiền lương hàng tháng. Công ty T2 không làm hợp đồng lao động với nhân viên và công nhân, không hạch toán đưa vào chi phí sản xuất để báo cáo quyết toán thuế.
Thông qua việc mua máy nén hơi của Công ty Cổ phần K2, địa chỉ: số D, đường E, phường T, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh nên bị cáo quen biết với bà Dương Xuân M làm Giám đốc và ông D Trần V là nhân viên. Qua đó, bị cáo được ông V và bà M môi giới mua điều nguyên liệu của một số đối tác nước ngoài. Nhận thấy giá điều nhập khẩu rẻ hơn điều trong nước và chính sách ưu đãi miễn thuế nhập khẩu 05% đối với loại hình nhập khẩu hạt điều nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu (Mã loại hình E31) nên bị cáo đại diện Công ty T2 đăng ký với Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công-Thành phố Hồ Chí M để thực hiện nhập khẩu điều nguyên liệu theo loại hình này.
Khoảng tháng 5/2015, ông V giới thiệu cho bị cáo đại diện Công ty T2 ký kết hợp đồng mua 621.339 kg hạt điều nguyên liệu của Công ty J, địa chỉ: B- Djicoroni Aci R Bamako B, M2. Khi đối tác chuyển hồ sơ, chứng từ lô hàng cho Công ty T2, do không rành thủ tục nên bị cáo chuyển hồ sơ, chứng từ nhờ ông V giúp thuê người làm thủ tục nhập khẩu theo loại hình E31 cho Công ty T2. Ông V liên hệ nhờ bà Phi V1 (không rõ lai lịch) ở Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh và được bà Phi V1 giới thiệu ông Trương Công K, sinh năm 1981, ngụ tại: 1, đường số B, Phường A, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, ông V chuyển hồ sơ, chứng từ và giới thiệu ông K làm thủ tục Hải quan cho Công ty T2. Ngày 26/6/2015, ông K làm thủ tục mở 02 tờ khai Hải quan cho Công ty T2 theo loại hình E31 tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công-Thành phố Hồ Chí Minh để nhập khẩu 621.339 kg hạt điều nguyên liệu nói trên. Tổng giá trị hàng hóa là 12.579.273.505 đồng. Do Công ty T2 có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dưới 2 năm, chưa đủ điều kiện ân hạn thuế theo quy định tại Điều 42 Thông tư số 38/2015/TT-BTC nên phải nộp 05% thuế nhập khẩu là 628.963.676 đồng, trước khi thông quan. Ngày 27/6/2015, số hạt điều của Công ty T2 được vận chuyển về đến Cảng C-Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 08/7/2015, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công-Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý cho thông quan. Bị cáo thuê xe vận chuyển toàn bộ số điều nhập khẩu về kho Công ty T2 và đưa khoảng 408.240 kg vào sản xuất cho ra 81.648 kg điều nhân đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, còn lại 213.099 kg sản xuất ra được 42.619,8 kg điều nhân phế phẩm (N điều bể, ngả màu vàng).
Từ ngày 29/7/2015 đến ngày 31/10/2015, bị cáo thuê ông K mở 03 tờ khai Hải quan xuất khẩu theo loại hình E62 (Xuất sản phẩm sản xuất để xuất khẩu) tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công-Thành phố Hồ Chí Minh để xuất bán 81.648 kg điều nhân cho Công ty G, địa chỉ: R 2105, T, 29-31 cheung Lee street, Chai W, Hồ N, tổng trị giá hàng hóa là 13.568.877.000 đồng. Đối với 42.619,8 kg điều phế phẩm thì bị cáo đã tự ý bán cho khách vãng lai với giá theo bị cáo trình bày là khoảng 3.000đ/kg thu được 127.859.400 đồng, do không làm hợp đồng, không xuất hóa đơn và không ghi chép sổ sách nên bị cáo không xác định được đã bán cho những ai. Số tiền bán điều phế phẩm này bị cáo sử dụng để thanh toán tiền lương cho công nhân cuối năm 2015.
Đến năm 2016, để thuận tiện cho việc làm thủ tục Hải quan nên bị cáo đại diện Công ty T2 đăng ký nhập khẩu điều nguyên liệu theo loại hình E31 tại Chi cục Hải quan C1. Đồng thời, bị cáo thuê bà Lê Thị Như B, sinh năm: 1975, ngụ tại: khu phố I, phường C, thành phố T, tỉnh Bình Dương làm thủ tục Hải quan cho Công ty T2. Khoảng tháng 02/2016, bị cáo đại diện Công ty T2 ký kết hợp đồng mua 396.512 kg hạt điều thô của Công ty C2, địa chỉ: 24 GECKO PL. NINGI.QLD 4511 và mua 133.770 kg hạt điều thô của Công ty Q.LIMITED, địa chỉ: R, Shandong International T, 51 Taiping road, Q, Trung Quốc. Cũng trong thời gian này, ông V giới thiệu cho bị cáo đại diện Công ty T2 ký kết hợp đồng mua 965.957 kg hạt điều thô của Công ty J AND TRADING LTD.
Từ ngày 16/6/2016 đến ngày 08/7/2016, bị cáo thuê bà Lê Thị Như B làm thủ tục mở 09 tờ khai Hải quan cho Công ty T2 theo loại hình E31 tại Chi cục Hải quan C1 để nhập khẩu tổng cộng 421.210 kg hạt điều thô (Gồm: 287.440 kg mua của Công ty C2 và 133.770 kg mua của Công ty Q). Trong đó: nhập 308.315 kg hạt điều thô qua Cảng C-Thành phố Hồ Chí Minh; nhập 54.415 kg hạt điều thô qua Cảng H-Thành phố Hồ Chí Minh và nhập 58.480 kg hạt điều thô qua Cảng ICD P-Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng trị giá tính thuế là: 11.238.741.110 đồng. Do chưa đủ thời gian hoạt động xuất nhập khẩu để ân hạn thuế nên Công ty T2 phải nộp 5% thuế nhập khẩu là 561.937.057 đồng trước khi thông quan. Sau khi được Chi cục Hải quan C1 giải quyết cho thông quan, bị cáo thuê xe vận chuyển hạt điều về kho của Công ty B2 và đưa toàn bộ vào sản xuất được 84.242 kg điều nhân thành phẩm. Trong khi chưa tìm được đối tác mua để xuất khẩu nhưng bị cáo cần tiền để tiếp tục nhập khẩu hạt điều mua của Công ty J nên bị cáo đã tự ý bán 84.242 kg điều nhân cho nhiều khách vãng lai trong nước, theo bị cáo trình bày bán với giá từ 95.000 đồng - 100.000 đồng/01kg thu được khoảng 8.213.595.000 đồng. Do không làm hợp đồng, không xuất hóa đơn và cũng không ghi chép sổ sách nên bị cáo không xác định cụ thể bán cho những ai. Do số tiền thu được không đủ để thanh toán tiền hàng cho Công ty J nên bị cáo vay thêm 6.000.000.000 đồng của bà Ngô Thị L1, sinh năm 1966, ngụ tại: thôn P, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước và vay 5.000.000.000 đồng của bà Hoàng Thị H1, sinh năm 1967, ngụ tại: thôn H, xã L, huyện P, tỉnh Bình Phước để thanh toán tiền hàng và các khoản chi phí làm thủ tục nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa.
Từ ngày 19/7/2016 đến ngày 02/8/2016, bị cáo tiếp tục thuê bà Lê Thị Như B mở 04 tờ khai Hải quan theo loại hình E31 tại Chi cục Hải quan C1 để nhập khẩu tổng cộng 1.075.029 kg hạt điều thô qua Cảng C-Thành phố Hồ Chí Minh (Trong đó: 965.957 kg mua của Công ty J và 109.072 kg mua của Công ty C2). Tổng trị giá tính thuế là: 29.160.606.120 đồng, thuế suất nhập khẩu là 5% tương ứng số tiền thuế phải nộp là 1.458.030.306 đồng. Thời điểm này Công ty T2 được ân hạn thuế 275 ngày do đã đủ điều kiện thời gian kinh doanh nhập khẩu 02 năm theo qui định tại Điều 42 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (Tức là không phải đóng thuế nhập khẩu trước khi thông quan). Sau khi được giải quyết cho thông quan, bị cáo thuê xe vận chuyển toàn bộ lô hàng thuộc 04 tờ khai trên về kho Công ty B2.
Khi đưa hàng về kho, bị cáo thuê Công ty TNHH G1 thẩm định chất lượng số điều nhập khẩu của 04 tờ khai này thì xác định có 1.724 kg hạt điều mua của Công ty J bị mọc mầm hư hỏng. Tuy nhiên, bị cáo không khai báo số điều nguyên liệu mọc mầm hư hỏng này với Chi cục Hải quan C1 mà vẫn tổ chức đưa vào sản xuất cho ra 344,8 kg nhân điều phế phẩm (Nhân điều sâu, đen, ngã màu, mọc mầm). Còn lại 1.073.305 kg hạt điều thô, bị cáo tiếp tục đưa vào sản xuất 933.305 kg hạt điều thô cho ra được 47.628 kg điều nhân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (Tương ứng 238.140 kg hạt điều thô) và 139.033 kg điều nhân phế phẩm (Tương ứng 695.165 kg hạt điều thô) không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu. Tổng số điều nhân phế phẩm là 139.377,8 kg. Số hạt điều thô nhập khẩu còn tồn kho chưa đưa vào sản xuất là 140.000kg.
Ngày 29/9/2016, bị cáo thuê bà B mở 01 tờ khai Hải quan xuất khẩu theo loại hình E62 tại Chi cục Hải quan C1 để Công ty T2 xuất bán 15.876 kg điều nhân (Tương ứng 79.856 kg điều nguyên liệu) cho Công ty S, LTD, địa chỉ: C, M3, ONTARIO, M1V 2V3, CANADA. Trị giá tính thuế là 3.195.745.000 đồng. Ngày 16/11/2016, bị cáo tiếp tục thuê bà B mở 01 tờ khai Hải quan theo loại hình E62 tại Chi cục Hải quan C1 để Công ty T2 xuất bán 31.752 kg điều nhân (Tương ứng với 158.760 kg hạt điều nguyên) cho Công ty RIZHAO JUFENG FOODSTUFFS CO,LTD, địa chỉ: NO.1, SANGHAI ROAD 2, RIZHAO, SANGDONG, TRUNG QUỐC, trị giá tính thuế là 6.941.490.469 đồng. Tuy nhiên, B không nghe rõ nên đã thực hiện việc mở tờ khai cho Công ty T2 theo loại hình B11 (Xuất kinh doanh). Do không biết B mở nhầm loại hình nên bị cáo vẫn báo lại cho Trần Thị Huyền M1 thống kê số điều xuất khẩu trên vào sổ theo dõi điều nhân xuất khẩu từ nguồn điều nhập khẩu.
Từ khoảng tháng 10/2016 - 12/2016, do giá điều tăng giảm thất thường đồng thời trong giai đoạn này, bị cáo đến hạn trả nợ cho bà Ngô Thị L1 và bà Hoàng Thị H1. Để giải quyết các khoản nợ trên bị cáo cùng vợ là Trần Thị Thanh C bán toàn bộ 140.000kg điều thô nhập khẩu còn tồn kho và 139.377,8 kg điều nhân phế phẩm cho nhiều người thu được tổng số tiền khoảng 2.657.500.000 đồng, mà không ký hợp đồng mua bán, không ghi chép sổ sách và không khai báo Hải quan, không đóng thuế nhập khẩu. Trong số những người mua điều thì bị cáo và bà C chỉ xác định bán cho bà Lê Thị Ngọc L2, sinh năm 1979, ngụ tại: thôn B, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước 130.000 kg điều nhân phế phẩm và bán cho bà H2, bà L3 (không rõ lai lịch) ngụ phường P, thị xã P, tỉnh Bình Phước nhưng không xác định được bán số lượng bao nhiêu. Số tiền thu được bị cáo sử dụng hết để trả nợ cho bà L1, bà H1 và trả lương cho công nhân.
Mặc dù, bị cáo đã bán hết số hạt điều nhập khẩu nhưng bị cáo vẫn đại diện Công ty T2 báo cáo tình hình sử dụng nguyên liệu năm 2016 cho Chi cục Hải quan C1 thể hiện số điều nhập khẩu đang tồn kho tại Công ty. Đối với số tiền thuế được ân hạn 275 ngày thì đến ngày 30/12/2016, căn cứ vào Luật thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực từ 01/9/2016, bị cáo đại diện Công ty T2 mở tờ khai Hải quan mới xin chuyển mục đích sử dụng từ đối tượng ân hạn thuế sang đối tượng miễn thuế đối với 04 tờ khai Hải quan nhập khẩu đã được ân hạn thuế. Từ năm 2017 Công ty T2 không gửi báo cáo Quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu theo hình thức sản xuất xuất khẩu cho Chi cục Hải quan C1.
Qua trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự xác định: Chữ ký của bị cáo và mộc dấu của Công ty T2 trên hồ sơ 02 tờ khai nhập khẩu theo loại hình E31 mở tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công-Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 và 13 tờ khai nhập khẩu theo loại hình E31 mở tại Chi cục Hải quan C1 năm 2016 so với chữ ký, mẫu dấu so sánh do một người ký ra và cùng một mộc dấu đóng ra.
Qua xác minh tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – Thành phố Hồ Chí Minh xác định: Công ty T2 không mở tờ khai Hải quan chuyển tiêu thụ nội địa đối với 213.099 kg hạt điều thô nhập khẩu thuộc 02 tờ khai nhập khẩu theo loại hình E31 mở tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty T2 đã đóng 05% thuế nhập khẩu trước khi thông quan nên không gây thất thu thuế nhập khẩu cho ngân sách Nhà nước.
Qua xác minh tại Chi cục Hải quan C1 xác định: Công ty T2 không mở tờ khai Hải quan chuyển tiêu thụ nội địa đối với 1.258.099 kg hạt điều thô nhập khẩu thuộc 13 tờ khai nhập khẩu theo loại hình E31 mở tại Chi cục Hải quan C1; Không làm thủ tục hoàn thuế đối với 15.876 kg điều nhân xuất khẩu theo loại hình E62; Không khai báo Hải quan 1.724 kg điều bị mọc mầm hư hỏng; Riêng 31.752 kg điều nhân mà theo lời khai bị cáo xác định mở nhầm tờ khai xuất khẩu theo loại hình B11 thì theo quy định pháp luật Hải quan Công ty T2 tự kê khai, tự chịu trách nhiệm. Do đó, Công ty T2 không được khấu trừ số điều mọc mầm, hư hỏng và số điều xuất khẩu theo loại hình B11. Chi cục Hải quan C1 xác định: Việc bị cáo tự ý chuyển tiêu thụ nội địa số điều nhập khẩu đã vi phạm quy định tại điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ T3 gây thất thu số tiền thuế nhập khẩu là 1.379.355.342 đồng. Bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền thuế nhập khẩu 1.379.355.342 đồng vào tài khoản của Chi cục Hải quan C1 mở tại Kho bạc Nhà nước C3.
Quá trình điều tra xác định: Từ năm 2015 – 2016, bị cáo đã tự ý chuyển tiêu thụ nội địa tổng cộng 1.471.198 kg hạt điều thô nhập khẩu với trị giá:
38.283.705.201 đồng. Trong đó: Bị cáo đưa 1.331.198 kg điều thô nguyên liệu vào sản xuất cho ra 266.239,6 kg điều nhân rồi chuyển tiêu thụ nội địa còn lại 140.000 kg điều thô thì bị cáo không đưa vào sản xuất mà bán trực tiếp cho thương lái trong nước.
Ngoài ra, quá trình mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan điều tra còn phát hiện năm 2017 Công ty T2 đăng ký mở 04 tờ khai Hải quan nhập khẩu 1.116.210 kg hạt điều thô nguyên liệu theo loại hình E31 tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công-Thành phố Hồ Chí Minh. Qua điều tra, T không thừa nhận đã làm thủ tục nhập khẩu số điều nói trên, cơ quan CSĐT đã có văn bản đề nghị Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – Thành phố Hồ Chí Minh xác minh làm rõ số điều nhập khẩu nêu trên để xử lý theo quy định pháp luật.
Việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật gồm:
- Hồ sơ 02 tờ khai Hải quan nhập khẩu theo loại hình E31 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – TP Hồ Chí Minh gồm tờ khai số:
100454407062 ngày 26/6/2015 và 100454644731 ngày 26/6/2015; Hồ sơ 03 tờ khai Hải quan xuất khẩu theo loại hình E62 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – TP Hồ Chí Minh gồm tờ khai số: 300480634660 ngày 29/7/2015, 300533810160 ngày 12/9/2015, 300593187660 ngày 31/10/2015; Hồ sơ 13 tờ khai Hải quan nhập khẩu theo loại hình E31 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan C1 gồm tờ khai số: 100904666814 ngày 16/6/2016, 100914573324 ngày 22/6/2016, 100916354345 ngày 23/6/2016, 100924957453 ngày 29/6/2016, 100930993702 ngày 03/7/2016, 100930995102 ngày 03/7/2016, 100930995912 ngày 03/7/2016, 100939506732 ngày 08/7/2016, 100939533112 ngày 08/7/2016, 100954098713 ngày 19/7/2016, 100954115143 ngày 19/7/2016, 100964026112 ngày 26/7/2016, 100973890846 ngày 02/8/2016; Hồ sơ 01 tờ khai xuất khẩu theo loại hình E62 số: 301011803540 ngày 29/9/2016 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan C1; Hồ sơ 01 tờ khai xuất khẩu theo loại hình B11 số:
301079587560 ngày 16/11/2016 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan C1.
- Số hàng hóa buôn lậu trị giá 38.283.705.201 đồng qua điều tra xác định số hàng hóa trên đã bán cho nhiều người khác nhau trong nhiều thời gian nên không thu giữ được.
- Các phương tiện dùng vào việc phạm tội như điện thoại di động dùng để liên lạc, máy tính dùng để gửi, nhận mail và các thiết bị dùng trong hoạt động sản xuất hạt điều đã thất lạc, hư hỏng và mất nên không thu hồi được.
Tại Cáo trạng số 23/CT-VKS-P2 ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước và tại phiên toà truy tố bị cáo Võ Đình T về tội buôn lậu theo quy định tại các điểm a khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự.
Quan điểm của Kiểm sát viên đề nghị xử phạt bị cáo Võ Đình T trong phạm vi mức án từ 07 đến 08 năm tù. Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo đề nghị xử phạt bị cáo trong phạm vi mức án từ 06 đến 07 năm tù.
NHẬN ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh B, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên toà không có ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của người và cơ quan tiến hành tố tụng.
Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng trong vụ án đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Bị cáo Võ Đình T đã hoàn toàn thừa nhận việc phạm tội và hành vi phạm tội như nội dung vụ án đã được tóm tắt ở trên nên có đủ căn cứ kết luận: Bị cáo nhận thức rõ việc chuyển tiêu thụ nội địa số điều nguyên liệu nhập khẩu theo loại hình E31 theo quy định phải khai báo Hải quan và đóng thuế nhập khẩu nhưng bị cáo vẫn tự ý chuyển tiêu thụ nội địa 1.471.198 kg hạt điều thô nhập khẩu với trị giá 38.283.705.201 đồng mà không khai báo Hải quan, gây thất thu số tiền thuế nhập khẩu là 2.570.256.075 đồng. Lời khai nhận tội của bị cáo hoàn toàn phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ nên có đầy đủ cơ sở để xác định bị cáo phạm vào tội buôn lậu, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 188 của Bộ luật hình sự; do đó, việc truy tố của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đối với bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế trong hoạt động xuất nhập khẩu của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện tội phạm, bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, hoàn toàn nhận thức rõ và làm chủ được hành vi, có lỗi cố ý nhằm thu lợi bất chính thể hiện bị cáo rất xem thường pháp luật nên cần xử phạt bị cáo một loại và mức hình phạt nghiêm minh, tương xứng, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt một thời gian nhất định trong trại giam mới có tác dụng răn đe, trừng trị, giáo dục bị cáo trở thành người có ích cho xã hội và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, nhận thức về pháp luật xuất nhập khẩu còn hạn chế nhất định, sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền thuế nhập khẩu thất thu với tổng số tiền 2.570.256.075 đồng là những tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Do bị cáo có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như đã nêu trên và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên cần căn cứ khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cho bị cáo.
[3] Về xử lý vật chứng:
[3.1] Đối với tổng số tiền 2.570.256.075 đồng mà bị cáo Võ Đình T có được do trốn thuế nhập khẩu là tiền thu lợi bất chính nên cần phải truy thu nộp ngân sách Nhà nước đối với tổng số tiền 2.570.256.075 đồng này theo quy định của pháp luật. Do bị cáo thông qua Công ty TNHH Một thành Viên T2 đã khắc phục và nộp đầy đủ tổng số tiền 2.570.256.075 đồng nên được khấu trừ hết.
[3.2] Đối với đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên toà đề nghị truy thu tổng số tiền mà bị cáo đã thu được từ việc chuyển tiêu thụ thị trường nội địa trái phép toàn bộ số hạt điều thô nhập khẩu là 10.998.954.400 đồng, bị cáo đã nộp khắc phục tương đương với số tiền thuế nhập khẩu 5% là 2.570.256.075 đồng nên bị cáo còn phải nộp tiếp là 8.428.698.325 đồng, thấy rằng nguồn tiền của bị cáo sử dụng mua toàn bộ số hạt điều này là hợp pháp, việc đưa số điều vào tiêu thụ nội địa mà không khai báo Hải quan nhằm mục đích trốn thuế nhập khẩu nhưng sau đó bị cáo đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền thuế nhập khẩu bị thất thu mà bị cáo thu lợi bất chính với tổng số tiền 2.570.256.075 đồng nên việc đề nghị truy thu thêm số tiền 8.428.698.325 đồng trên là không có cơ sở nên không được chấp nhận.
[3.3] Tập hồ sơ 02 tờ khai Hải quan nhập khẩu theo loại hình E31, 03 tờ khai Hải quan xuất khẩu theo loại hình E62 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – TP Hồ Chí Minh; 13 tờ khai Hải quan nhập khẩu theo loại hình E31, 01 tờ khai xuất khẩu theo loại hình E62, 01 tờ khai xuất khẩu theo loại hình B11 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan C1 là những tài liệu, chứng cứ của vụ án nên cần lưu theo hồ sơ vụ án.
[4] Án phí hình sự, bị cáo Võ Đình T phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Võ Đình T phạm tội buôn lậu.
2. Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 188; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các điều 38, 50, 54 của Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, Xử phạt bị cáo Võ Đình T 07 (bảy) năm tù; thời hạn tù kể từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án, được trừ đi thời gian tạm giam từ ngày 24 tháng 3 năm 2021 đến ngày 17/01/2023.
3. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, - Buộc bị cáo Võ Đình T có trách nhiệm phải nộp ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất chính là 2.570.256.075 đồng, được khấu trừ hết vào toàn bộ số tiền bị cáo đã nộp xong đầy đủ là 2.570.256.075 đồng.
- Lưu những tài liệu, chứng cứ theo hồ sơ vụ án gồm các hồ sơ sau đây: Hồ sơ 02 tờ khai Hải quan nhập khẩu theo loại hình E31 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – TP Hồ Chí Minh gồm tờ khai số:
100454407062 ngày 26/6/2015 và 100454644731 ngày 26/6/2015; Hồ sơ 03 tờ khai Hải quan xuất khẩu theo loại hình E62 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công – TP Hồ Chí Minh gồm tờ khai số: 300480634660 ngày 29/7/2015, 300533810160 ngày 12/9/2015, 300593187660 ngày 31/10/2015; Hồ sơ 13 tờ khai Hải quan nhập khẩu theo loại hình E31 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan C1 gồm tờ khai số: 100904666814 ngày 16/6/2016, 100914573324 ngày 22/6/2016, 100916354345 ngày 23/6/2016, 100924957453 ngày 29/6/2016, 100930993702 ngày 03/7/2016, 100930995102 ngày 03/7/2016, 100930995912 ngày 03/7/2016, 100939506732 ngày 08/7/2016, 100939533112 ngày 08/7/2016, 100954098713 ngày 19/7/2016, 100954115143 ngày 19/7/2016, 100964026112 ngày 26/7/2016, 100973890846 ngày 02/8/2016; Hồ sơ 01 tờ khai xuất khẩu theo loại hình E62 số: 301011803540 ngày 29/9/2016 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan C1; Hồ sơ 01 tờ khai xuất khẩu theo loại hình B11 số: 301079587560 ngày 16/11/2016 của Công ty T2 mở tại Chi cục Hải quan C1.
4. Bị cáo Võ Đình T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
5. Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết.
Bản án về tội buôn lậu số 12/2023/HS-ST
Số hiệu: | 12/2023/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về