Bản án về tội bắt người trái pháp luật số 103/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 103/2022/HS-PT NGÀY 05/09/2022 VỀ TỘI BẮT NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 05/9/2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 118/2022/TLPT-HS ngày 18/7/2022 đối với các bị cáo Trần Thị Lệ Q + đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 141/2022/HS-ST ngày 09/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Khánh Hòa.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Trần Thị Lệ Q, sinh năm 1988 tại thị xã H, tỉnh Khánh Hòa; nơi cư trú: Thôn S, xã A, thị xã H, tỉnh Khánh Hòa, quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: không; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 9/12; con ông Trần Ngọc E (1961) và bà Nguyễn Thị L (1965); chồng là Nguyễn Thành T (1983), có 02 con, lớn sinh năm 2012, nhỏ sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Thành T, sinh năm 1983 tại thành phố T, tỉnh T; nơi cư trú: Thôn S, xã A, thị xã H, tỉnh Khánh Hòa, quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật giáo; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 8/12, con ông Nguyễn Thành N (chết) và bà Vương Thị Thanh V (chết); vợ là Trần Thị Lệ Q (1988), có 01 con sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, có mặt tại phiên tòa.

3. Nguyễn Thị L, sinh năm 1965 tại huyện V, tỉnh Khánh Hòa; nơi cư trú: Thôn S, Ninh An, thị xã H, Khánh Hòa; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ, tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Không; trình độ học vấn: 01/12; con ông Nguyễn D (chết) và bà Nguyễn Thị A (chết); chồng là Trần Ngọc E (1961), có 05 con, lớn nhất sinh năm 1983, nhỏ nhất sinh năm 1995; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa: Luật sư Lê Văn R - Văn phòng luật sư Văn R, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Thành T, Trần Thị Lệ Q theo yêu cầu của các bị cáo. Luật sư R có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 05/3/2021, Trần Thị Lệ Q cùng chồng là Nguyễn Thành T và mẹ ruột là Nguyễn Thị L đang ngồi uống nước tại quán cà phê “O” ở thôn 1, xã I, thành phố N thì thấy Nguyễn Thị B điều khiển xe máy hiệu Honda Dream, biển kiểm soát 79K2-2268 chở theo con là Nguyễn Thị C lưu thông theo hướng từ đường Quốc lộ 1A rẽ vào đường hẻm bên cạnh quán cà phê O. Lúc này, Q nói T chạy ra chặn xe B lại để yêu cầu B trả số tiền 165.000.000đ mà Q đã đưa B để đầu tư kinh doanh đất thổ mộ. Nghe vậy, Nguyễn Thành T chạy ra đường hẻm, dùng tay ra hiệu yêu cầu Nguyễn Thị B dừng xe lại nhưng B không làm theo mà để xe máy va chạm vào người T làm B, cháu C cùng xe máy ngã xuống đường. Sau đó, T bế cháu C vào quán cà phê O nhờ người khách đang uống cà phê trông hộ. Cùng lúc này, Q và L từ quán cà phê chạy ra dùng tay đánh vào người B và khống chế B nằm dưới đất. Thấy B đã bị không chế, T đi đến xe máy của Q lấy 01 đoạn dây bằng vải và 01 đoạn dây bằng cao su rồi đưa cho L, còn mình cùng Q giữ chân, tay của B lại để L trói B lại. Sau khi trói B xong, T gọi điện thoại cho Công an xã I trình báo về sự việc đã bắt được B. Nhận được tin báo, Công an xã I đến nơi thì phát hiện Nguyễn Thị B đang bị trói tay, chân nằm dưới đất, còn Nguyễn Thành T, Trần Thị Lệ Q và Nguyễn Thị L đang đứng bên cạnh nên mời tất cả về trụ sở làm việc. Tại cơ quan công an, Nguyễn Thành T, Trần Thị Lệ Q và Nguyễn Thị L khai nhận hành vi phạm tội nêu trên.

Quá trình điều tra, Nguyễn Thị B không thừa nhận việc nhận số tiền 165.000.000đ của Trần Thị Lệ Q để góp vốn đầu tư kinh doanh đất thổ mộ.

Bản án hình sự sơ thẩm số 141/2022/HS-ST ngày 09/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Khánh Hòa áp dụng khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Trần Thị Lệ Q 09 tháng tù, các bị cáo Nguyễn Thành T, Nguyễn Thị L mỗi bị cáo 06 tháng tù đều về tội “Bắt người trái pháp luật”. Ngoài ra án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo.

Cùng ngày 17/5/2022, các bị cáo Trần Thị Lệ Q, Nguyễn Thành T, Nguyễn Thị L đều có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận định: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền tự do của người khác trái pháp luật, hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Bắt người trái pháp luật”. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo cung cấp thông tin về đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa bị cáo T với chị Nguyễn Thị B, theo các bị cáo nội dung đoạn ghi âm thể hiện chị B nợ các bị cáo số tiền 165.000.000đ, quá trình điều tra bị cáo Q đã cung cấp cho cán bộ điều tra tên U, hồ sơ vụ án cũng thể hiện có cán bộ điều tra tên Đoàn Ngọc U. Xét thấy toàn bộ hồ sơ vụ án không thể hiện có tài liệu này, xét đây là tình tiết chứng cứ mới phát sinh trong quá trình phúc thẩm nên đề nghị Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố N để tiến hành điều tra, xét xử lại theo quy định.

Luật sư R tranh luận: Không tranh luận về tội danh của các bị cáo; không tranh luận về quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc hủy bản án sơ thẩm. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo là dân lao động, có hiểu biết pháp luật rất hạn chế, các bị cáo bắt giữ bị hại với mục đích là để đòi tiền nợ; bản thân các bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội; sau khi thực hiện việc bắt chị B, các bị cáo đã gọi điện cho Công an xã I trình báo sự việc và nhờ đến giải quyết, đây là tình tiết tự thú nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng cho các bị cáo. Vì vậy, rất mong Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo và cho các bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Đơn kháng cáo của các bị cáo Trần Thị Lệ Q, Nguyễn Thành T đều còn trong hạn luật định nên hợp lệ để xem xét.

Ngày 05/9/2022 bị cáo có kháng cáo Nguyễn Thị L có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng Khánh Hòa. Xét thấy, trong hồ sơ đã có đầy đủ lời khai và sự vắng mặt của bị cáo L không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 290, Điều 351 của Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định xét xử vụ án vắng mặt bị cáo L theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung:

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Q và T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như án sơ thẩm đã nêu, lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và đã được thẩm tra tại phiên tòa. Do đó, có đủ căn cứ để xác định Bản án hình sự sơ thẩm số 141/2022/HS-ST ngày 09/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố N đã xét xử các bị cáo Trần Thị Lệ Q, Nguyễn Thành T, Nguyễn Thị L đều về tội “Bắt người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tại phiên tòa, các bị cáo Q và T có mở một đoạn ghi âm (không cung cấp cho Hội đồng xét xử) bằng điện thoại di động của bị cáo T và cho rằng đây là tài liệu xác định bị hại chị Nguyễn Thị B có nợ Q và T số tiền 165.000.000đ. Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng đây là tình tiết mới phát sinh.

Hội đồng xét xử nhận thấy:

[3.1] Nội dung đoạn ghi âm do các bị cáo mở tại phiên tòa không được thu thập theo đúng trình tự quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và hồ sơ vụ án không có tài liệu gì thể hiện có đoạn ghi âm này; Lời khai của các bị cáo T (BL 46, 54) và Q (BL 77, 81, 85, 88) có trong hồ sơ đều thể hiện không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh việc bị hại nợ tiền các bị cáo.

[3.2] Nội dung của đoạn ghi âm thể hiện cuộc nói chuyện giữa nhiều người nhưng không có căn cứ để xác định danh tính của những người này, không thể hiện có sự liên quan đến số tiền 165.000.000đ như các bị cáo trình bày.

[3.3] Đặt giả thuyết cho rằng giữa các bị cáo và bị hại có mối quan hệ làm ăn, có việc nợ tiền trên thực tế thì đây cũng chỉ là quan hệ dân sự, không làm thay đổi về bản chất hành vi phạm tội của các bị cáo; các bị cáo có quyền khởi kiện vụ án dân sự để được xem xét giải quyết, do vậy việc các bị cáo bắt trói bị hại là đã vi phạm pháp luật về hình sự.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc hủy bản án sơ thẩm.

[3] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo:

Xét thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, các bị cáo biết việc làm của mình là không đúng nhưng vẫn thực hiện nên cần xử phạt nghiêm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Lê Văn R cho rằng cần áp dụng tình tiết tự thú cho các bị cáo vì các bị cáo đã chủ động gọi điện báo sự việc cho Công an xã I. Hội đồng xét xử nhận thấy: Hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra có nhiều người chứng kiến, việc các bị cáo gọi điện cho Công an xã I là để yêu cầu giải quyết việc bị hại nợ tiền chứ không phải trình báo về hành vi phạm tội của các bị cáo. Do vậy, không có căn cứ để áp dụng tình tiết tự thú hoặc đầu thú cho các bị cáo trong trường hợp này.

Xét các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự cho các bị cáo Nguyễn Thành T, Nguyễn Thị L là có thiếu sót cần rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng là tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo, do vậy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của các bị cáo T và L.

Riêng đối với bị cáo Trần Thị Lệ Q, sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo; ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo có nhân thân tốt và hiện đang nuôi con nhỏ (sinh năm 2020), chồng của bị cáo là Nguyễn Thành T cũng là bị cáo trong vụ án này; Tại phiên tòa, bị cáo Q cung cấp tài liệu khám siêu âm thể hiện bị cáo đang mang thai 07 tuần tuổi. Bên cạnh đó, hành vi của các bị cáo không mang mục đích xấu, sự việc xảy ra chỉ với mục đích đòi tiền nợ, điều này thể hiện thông qua việc các bị cáo đã gọi điện cho Công an xã I để yêu cầu hổ trợ giải quyết việc đòi nợ. Do vậy, cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị Lệ Q, giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo Nguyễn Thành T, Nguyễn Thị L phải nộp tiền án phí hình sự phúc thẩm; bị cáo Trần Thị Lệ Q không phải nộp tiền án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thành T, Nguyễn Thị L và giữ nguyên phần bản án sơ thẩm đối với các bị cáo.

Áp dụng khoản 1 Điều 157; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Thành T, Nguyễn Thị L.

Tuyên xử:

- Xử phạt bị áo Nguyễn Thành T 06 (sáu) tháng tù về tội “Bắt người trái pháp luật”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

- Xử phạt bị áo Nguyễn Thị L 06 (sáu) tháng tù về tội “Bắt người trái pháp luật”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

2. Căn cứ điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Thị Lệ Q, sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 1 Điều 157; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo Trần Thị Lệ Q.

Tuyên xử: Xử phạt bị áo Trần Thị Lệ Q 09 (chín) tháng tù về tội “Bắt người trái pháp luật” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Trần Thị Lệ Q cho Ủy ban nhân dân xã A, thị xã H, tỉnh Khánh Hòa giám sát và giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo Trần Thị Lệ Q thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo Trần Thị Lệ Q cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì có thể bị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trong trường hợp bị cáo Trần Thị Lệ Q thực hiện hành vi phạm tội mới thì buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định của Điều 56 Bộ luật hình sự.

3. Bị cáo Trần Thị Lệ Q không phải nộp tiền án phí hình sự phúc thẩm. Các bị cáo Nguyễn Thành T, Nguyễn Thị L mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ tiền án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

241
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội bắt người trái pháp luật số 103/2022/HS-PT

Số hiệu:103/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Khánh Hoà
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:05/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về