TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 03/2021/HS-PT NGÀY 11/01/2021 VỀ TỘI BẮT NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 11 tháng 01 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 123/2020/TLPT-HS ngày 22 tháng 10 năm 2020 đối với bị cáo Hà Thị P và các bị cáo khác do có kháng cáo của bị cáo Hà Thị P, bị cáo Hà Anh D và bị cáo Nguyễn Quốc T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 40/2020/HS-ST ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.
Các bị cáo có kháng cáo:
1/ Hà Thị P, sinh ngày 12/12/1995; sinh trú quán: Khu 8, xã C, huyện B, tỉnh A; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hà Văn U, sinh năm 1936 và bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1958; có chồng là Phạm Tiến L (đã chết) và có 03 con, con lớn sinh năm 2014, con nhỏ sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo hiện nay đang tại ngoại, có mặt.
2/ Hà Anh D, sinh ngày 11/6/1995; sinh trú quán: Khu 3, xã H, huyện B, tỉnh A; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hà Ngọc N, sinh năm 1954 và bà Phạm Thị V sinh năm 1960; vợ con chưa có; tiền án, tiền sự: Không.
+ Về nhân thân: Trước khi xảy ra vụ án này, ngày 27/01/2020 D thực hiện hành vi đánh bạc và Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 52/2020/HSST ngày 29/12/2020, Hà Anh D bị Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh A xử phạt 06 (sáu) tháng tù về tội “Đánh bạc”.
Bị cáo đang tại ngoại, có mặt.
3/ Nguyễn Quốc T, sinh ngày 29/02/1988; sinh trú quán: Khu 4, xã Y, huyện B, tỉnh A; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hóa: Lớp 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Tiến Th (đã chết) và bà Nguyễn Thị I (đã chết); có vợ là Hà Thị K và có 01 con sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: Không.
+ Về nhân thân: Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 33/2010/HSST ngày 30/7/2010, Nguyễn Quốc T bị Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh A xử phạt 08 năm tù về tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”, bị cáo đã chấp hành án xong hình phạt ngày 31/8/2015, đến nay đã được xóa án tích. Bị cáo đang tại ngoại, có mặt.
Ngoài ra trong vụ án còn có bị hại không có kháng cáo, kháng nghị Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 8/2019, chị Phạm Thị S (chị gái ruột của Phạm Tiến L) ở cùng nhà với vợ chồng L, chị S nhờ L và vợ L là Hà Thị P vay giúp chị 25.000.000 đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau khi vay tiền, chị S đã trả nợ được cho L và P một phần, số tiền nợ còn lại khoảng 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đầu tháng 02/2020, vợ chồng L nhiều lần yêu cầu chị S phải trả nốt cho L và P số tiền còn thiếu mà chị S nhờ L và P vay giúp nhưng do không có tiền trả nên chị S cùng con đẻ của mình là cháu Phạm Ngọc X, sinh năm 2005 bỏ nhà L và P đến sinh sống tại nhà cậu ruột là ông Nguyễn Quốc Z ở thôn J, xã Đ, huyện Y để đi làm thuê tại xã Đ. Ngày 16/02/2020, L và P cùng bà Nguyễn Thị M (là mẹ đẻ của L và chị S) đến nhà ông Z ở xã Đ yêu cầu chị S về nhà mình tại xã C, huyện B, tỉnh A để giải quyết việc nợ nần giữa vợ chồng L, P và chị S nhưng chị S không đồng ý về. Ngoài số tiền nợ trên, chị S còn nhờ vợ chồng L, P đứng ra vay hộ tiền của một số người khác. Chị S vay và còn nợ của bà Nguyễn Thị F ở khu 9, xã Ch, huyện B, tỉnh A 5.000.000 đồng. Bà F nhiều lần điện thoại và tìm đến nhà L, P để đòi tiền chị S nhưng không được. Do chị S chưa trả nốt số tiền mà vợ chồng L, P đứng ra vay hộ chị S nên vợ chồng L, P thường xuyên bị một số đối tượng đến nhà đòi nợ. Ngày 10/3/2020 P, L bàn bạc xuống xã Đ nơi chị S đang sinh sống, làm thuê để bắt chị S đưa về nhà mình ở khu 8, xã Ch, huyện B, tỉnh A với mục đích giải quyết dứt điểm việc nợ nần đồng thời yêu cầu chị S ký giấy tờ sang nhượng quyền sử dụng đất cho vợ chồng L, P như gia đình đã thỏa thuận từ trước. Sau khi P và L bàn bạc, P rủ bà F cùng đi xuống xã Đ tìm chị S để đòi tiền đồng thời cũng muốn cho bà F biết rằng việc nợ nần của chị S đối với bà F, vợ chồng L, P không bao che. Thấy P rủ đi tìm chị S thì bà F đồng ý. P nhờ bà F gọi xe taxi hộ nên bà F đã điện thoại cho Nguyễn Quốc T (là cháu họ của bà F) làm nghề lái xe taxi thuê chở bà F và vợ chồng P, L xuống xã Đ, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc để tìm chị S. Cùng ngày, P điện thoại cho Hà Anh D là bạn của P và rủ D đi xuống xã Đ, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc cùng P để tìm gặp chị S giải quyết việc nợ nần thì D đồng ý.
Khoảng 03 giờ 30 phút ngày 11/3/2020, L điều khiển xe mô tô chở P đến nhà bà F và gửi xe mô tô tại đây. Sau đó, T điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Kia Moring, biển kiểm soát 19A-231.80 đến đón bà F và vợ chồng L, P sau đó tiếp tục đi đón D. Trên đường đi xuống xã Đ, huyện Y. P là người chỉ dẫn đường cho T lái xe, khi T lái xe đến thôn J, xã Đ cách ngõ vào nhà ông Z khoảng 30m thì dừng lại để chờ chị S đi làm qua. Lúc này trên xe ô tô của T có P, L, bà F, D và T lái xe ngồi trong xe P bàn bạc với D. P nói, nếu trong quá trình nói chuyện mà chị S bỏ chạy thì tất cả cùng nhau bắt, giữ chị S lại và đưa chị S lên xe ô tô. Thấy vậy, T và D sợ liên quan đến pháp luật nên chần chừ không thực hiện thì L giải thích rằng chị S là chị gái ruột của L, đây là chuyện gia đình nếu có việc gì xảy ra thì vợ chồng L chịu trách nhiệm hết nên T và D không có ý kiến phản ứng gì nữa.
Khoảng 06 giờ 15 phút cùng ngày, cháu X là con đẻ của chị S điều khiển xe đạp chở chị S đi từ cổng nhà ông Z ra. Khi hai mẹ con chị S đi đến khu vực trường Mầm non thuộc địa phận thôn J, xã Đ thì P bảo T lái xe ô tô theo sau áp sát xe đạp của cháu X, đồng thời P bảo D xuống xe trước vì chị S không biết D là ai, nếu chị S bỏ chạy theo hướng ngược lại với xe ô tô thì D có trách nhiệm bắt, giữ chị S lại. Sau khi D xuống xe, T điều khiển xe ô tô đi sau xe đạp của cháu X một đoạn nữa thì vượt lên ép xe đạp của cháu X chở chị S vào lề đường. Khi cháu X dừng xe lại thì L mở cửa xe đi xuống, chị S nhìn thấy L liền bỏ chạy quay lại và hô cháu X về báo tin cho người nhà. L đuổi theo chị S khoảng 2, 3m thì túm được tay phải của chị S, D cũng chạy từ phía sau đến giữ chị S lại. Chị S phản kháng, chống cự thì P mở cửa xe chạy đến giữ tay trái của chị S. Sau đó, P và L mỗi người cầm 01 bên tay chị S lôi kéo, D đứng phía sau dùng 02 tay du đẩy chị S lên xe ô tô và ép chị S ngồi vào hàng ghế sau. Chị S ngồi giữa, P ngồi bên trái, L ngồi bên phải còn bà F vẫn ngồi bên ghế phụ phía trước. Chị S hoảng sợ hô to “Bắt cóc, bắt cóc…” thì một số người dân xung quanh chạy đến, thấy vậy L bảo T lái xe bỏ đi còn D đứng lại nói chuyện, giải thích cho mọi người biết đây là chuyện nội bộ trong gia đình. Khi ngồi lên xe, thấy chị S đeo 01 chiếc nón bên tay trái thì bà F quay lại cầm lấy chiếc nón để lên phía trước cho đỡ vướng víu. Chị S dùng tay đập vào cửa kính, cạy chốt định mở cửa xe thì L, P giữ tay lại. Chị S liền cắn vào khuỷu tay trái L thì bị L huých khuỷu tay trái trúng vào miệng gây sưng nề, chảy máu vùng môi dưới. Thấy chị S giằng co, cãi nhau với vợ chồng L, P, bà F nói: “Thôi chị em có gì về nhà bảo nhau” thì chị S ngồi im không kêu gào nữa. P tiếp tục chỉ đường cho T lái xe đi về khu vực cầu Việt Trì, tỉnh A thì dừng lại chờ D. Tại đây, T cho chị S mượn điện thoại gọi cho chị Phạm Thị W ở khu 8, xã Ch là chị gái của chị S và L. Chị S điện thoại thông báo cho chị Hưng biết việc vợ chồng L, P đang trên đường đưa chị S về nhà. Một lúc sau D bắt xe taxi đến, L thanh toán tiền taxi cho D, sau đó D chuyển sang xe của T và đi cùng với mọi người. T chở nhóm người này đi theo sự chỉ dẫn của P đến khu vực thị xã Phú Thọ, tỉnh A thì D xuống xe trước. T tiếp tục lái xe đến nhà bà F thì L xuống lấy xe máy gửi trước đó, rồi T chở P, chị S và bà F về nhà P. Đến khu vực đầu dốc thấy ông Phạm Văn Vĩnh (là chú ruột của chị S) đứng chặn đầu xe thì T dừng lại mở cửa cho chị S xuống. Chị S cùng ông Vĩnh đi vào nhà anh Phạm Văn Đức (là em họ của chị S) ở gần đó để giải quyết sự việc. P thanh toán cho T 700.000 đồng tiền xe rồi T và bà F ra về. Một lúc sau, L đến yêu cầu chị S về nhà nói chuyện nhưng chị S không đồng ý và trình báo Cơ quan Công an đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Với nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 40/2020/HS-ST ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:
Tuyên bố: Căn cứ khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017); các điểm i, s khoản 1, khoản 2 điều 51 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Hà Thị P 09 (Chín) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị cáo bị bắt đi thi hành án.
Căn cứ khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017); điểm s khoản 1, khoản 2 điều 51 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Hà Anh D 09 (Chín) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị cáo bị bắt đi thi hành án.
Căn cứ khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017); các điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Nguyễn Quốc T 07 (Bảy) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị cáo bị bắt đi thi hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 03 tháng 9 năm 2020 bị cáo Hà Thị P có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Ngày 05 tháng 9 năm 2020 bị cáo Hà Anh D và bị cáo Nguyễn Quốc T có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo không giam giữ. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo P, D và bị cáo T vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hà Thị P sửa Bản án sơ thẩm số: 40/2020/HS-ST ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Y xử bị cáo P 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách gấp đôi tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hà Anh D và Nguyễn Quốc T, giữ nguyên mức hình phạt đã tuyên tại Bản án sơ thẩm số: 40/2020/HS-ST ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Y đối với bị cáo Hà Anh D và Nguyễn Quốc T.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của các bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T trong thời hạn luật định, hợp lệ được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét.
[2] Về nội dung: Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung Bản án sơ thẩm đã tóm tắt nêu trên. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với nhau và phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Từ đó có đủ căn cứ để kết luận: Do bức xúc về việc chị Phạm Thị S là chị gái của Phạm Tiến L nợ tiền của vợ chồng L và nhờ vợ chồng L đứng ra vay hộ của một số người khác, sau đó chị S không trả mà bỏ về thôn J, xã Đ, huyện Y sinh sống. Hàng ngày mọi người đến nhà L, P đòi nợ nên khoảng 06 giờ 15 phút ngày 11/3/2020, L và P thuê Nguyễn Quốc T (lái xe taxi) chở L, P cùng Hà Anh D về thôn J, xã Đ mục đích là để bắt chị S đưa về nhà giải quyết dứt điểm việc nợ nần. Tại đây L, P và D đã cùng nhau khống chế, lôi kéo bắt chị S lên xe ô tô của T. T biết việc chị S không đồng ý lên xe nhưng nghĩ chuyện gia đình nên T vẫn chở chị S về huyện B, tỉnh A theo sự chỉ đạo của L.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cùng tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết hợp với kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào tính chất, mức độ thực hiện tội phạm, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để xét xử các bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T về tội “Bắt người trái pháp luật” theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự (được sửa đổi bổ sung năm 2017) là đúng người, đúng tội, có căn cứ pháp luật, không oan sai.
[3] Xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo P và T, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào tính chất mức độ thực hiện tội phạm, các tình giảm nhẹ: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, lần đầu phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và người bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T nộp thêm tài liệu xác nhận các bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo đơn, trước khi phạm tội nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng… Đây là những tình tiết mới cần được xem xét, cân nhắc cho các bị cáo tại cấp phúc thẩm. Tuy nhiên mức hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo P và bị cáo T là phù hợp nên bị cáo P và bị cáo T xin giảm nhẹ hình phạt không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
Bị cáo D phạm tội với vai trò giúp sức, bị cáo được bị cáo P rủ đi, bị cáo không được biết mục đích ban đầu là đi bắt chị S, sau khi biết bị cáo đã từ chối nhưng do L nói đây là chuyện gia đình và mọi việc do L chịu toàn bộ, không liên quan gì đến bị cáo. Do nhận thức đơn giản nên D đồng ý đi tiếp giúp vợ chồng P. Xét thấy, với tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra, cấp sơ thẩm buộc bị cáo D chấp hành 09 tháng tù là có phần nghiêm khắc vì bị cáo chỉ phạm tội với vai trò giúp sức nên cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo D.
[4] Xét đơn kháng cáo xin được cải tạo tại địa phương của các bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy:
Trong vụ án bị cáo Hà Thị P và phạm tội xuất phát từ việc bức xúc do bị mọi người đến đòi nợ chị S và nghĩ vợ chồng bị cáo bao che đưa chị S đi chốn nên bị cáo đã nghe theo chồng đi bắt, đưa chị S về giải quyết việc nợ nần. Do nhận thức pháp luật hạn chế và nghĩ việc đi bắt, đưa chị S (là chị gái ruột của chồng) về để giải quyết việc nợ nần là không vi phạm. Sau khi bị truy tố, theo bị cáo P trình bày, chồng bị cáo do suy nghĩ nhiều nên đã tự tử tại nhà riêng để lại cho bị cáo một mình nuôi 03 con nhỏ (con lớn nhất 07 tuổi, con nhỏ nhất 03 tuổi). Hội đồng xét xử thấy bị cáo P có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, chồng bị cáo đã chết, hiện bị cáo nuôi ba con nhỏ (con lớn nhất 07 tuổi, con nhỏ nhất 03 tuổi). Xét thấy không cần bắt bị cáo P chấp hành hình phạt tù mà cho bị cáo cải tạo tại địa phương cũng đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo theo quy định tại điều 65 Bộ luật hình sự và Hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2008/NQ- HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.
Bị cáo T phạm tội với vai trò giúp sức, bản thân bị cáo chỉ là người chở taxi thuê, bị cáo không được biết mục đích ban đầu là đi bắt chị S, sau khi biết bị cáo đã từ chối nhưng do L nói đây là chuyện gia đình và mọi việc do L chịu toàn bộ, không liên quan gì đến bị cáo. Do nhận thức đơn giản nên khi thấy chị S chống cự khi bị L, P và D đưa lên xe, T vẫn tiếp tục điều khiển xe theo sự chỉ đạo của L. Một lúc sau, bị cáo T còn cho chị S mượn điện thoại để gọi về nhà thông báo để mọi người không lo lắng. Mặc dù trước đây bị cáo đã một lần bị đưa ra xét xử nhưng bị cáo đã được xóa án tích, bị cáo đã hoàn lương, có vợ và một con mới 06 tháng tuổi. Lần phạm tội này thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và thực hiện với vai trò giúp sức. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được Ủy ban nhân dân xã Y xác nhận có việc làm ổn định, có nơi cư trú rõ ràng và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chính sách pháp luật. Xét thấy không cần bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù mà cho bị cáo cải tạo tại địa phương cũng đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo không vi phạm quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự và Hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2008/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.
Đối với bị cáo D mặc dù phạm tội với vai trò giúp sức nhưng ngoài hành vi vi phạm này bị cáo còn có hành vi Đánh bạc nên bị cáo không đủ điều kiện để áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự và Hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2008/NQ- HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, kháng cáo xin cải tạo tại địa phương của bị cáo không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Từ những nhận định trên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần đơn kháng cáo của các bị cáo P, bị cáo D và bị cáo T. Cụ thể chuyển hình phạt tù sang cho hưởng án treo đối với bị cáo P và bị cáo T; giảm hình phạt tù cho bị cáo D.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Vì kháng cáo của các bị cáo được Hội đồng xét xử chấp nhận nên các bị cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 355 và điểm c, e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 40/2020/HS-ST ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Y đối với các bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T.
Tuyên bố: Các bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T phạm tội “Bắt người trái pháp luật”.
Căn cứ khoản 1 Điều 157; các điểm i, s khoản 1, khoản 2 điều 51; khoản 1, 2 và 5 điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Xử phạt: Hà Thị P 09 (Chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo Hà Thị P cho Ủy ban nhân dân xã C, huyện B, tỉnh A giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Căn cứ khoản 1 Điều 157; các điểm s khoản 1, khoản 2 điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Xử phạt: Hà Anh D 07 (bảy) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị cáo bị bắt đi thi hành án.
Căn cứ khoản 1 Điều 157; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51; khoản 1, 2 và 5 điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).
Xử phạt: Nguyễn Quốc T 07 (Bảy) tháng tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 01 (Một) năm 02 (Hai) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo Nguyễn Quốc T cho Ủy ban nhân dân xã Y, huyện B, tỉnh A giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật Thi hành án Hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, các bị cáo Hà Thị P, Hà Anh D và Nguyễn Quốc T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tội bắt người trái pháp luật số 03/2021/HS-PT
Số hiệu: | 03/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/01/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về