TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỨC LINH, TỈNH BÌNH THUẬN
BẢN ÁN 49/2021/HS-ST NGÀY 29/09/2021 VỀ TỘI BẮT, GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 29/9/2021, tại Tòa án nhân dân huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 51/2021/TLST-HS, ngày 10/9/2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 50/2021/QĐXXST-HS ngày 14/9/2021, đối với bị cáo:
Nguyễn Đ, sinh năm 1976, tại: Quảng Nam.
Nơi cư trú: Tổ 1, thôn 2, xã MP, huyện D, tỉnh Bình Thuận; nghề nghiệp: Nông; trình độ học vấn: Lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn T và bà Lê Thị B; có vợ: Phạm Thị Thu Th; có 02 con: con lớn sinh năm 2002, con nhỏ sinh năm 2011; tiền án: Không; tiền sự: Ngày 8/3/2021 bị xử phạm vi phạm hành chính 750.000 đồng về hành vi ném gạch vào nhà người dân; ngày 21/7/2021 bị xử phạt vi phạm hành chính 2.500.000 đồng về hành vi cố ý gây thương tích cho người khác; bị cáo tại ngoại . Có mặt.
-Bị hại: Ông Nguyễn Thanh B, sinh năm 1993 Nơi cư trú: Tổ 1, thôn 6, xã ĐK, huyện D, tỉnh Bình Thuận. Có mặt.
-Người làm chứng: Ông Nguyễn Thanh Đ1, sinh năm 1952. Có mặt. Ông Nguyễn Đức D1, sinh năm 2002. Có mặt. Ông Nguyễn Đức T1, sinh năm 1993. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trong tháng 12/2020, Nguyễn Thanh B, sinh năm 1993, mua của ông Lê Xuân Hải ở xã ĐK 01 đám cây tràm khoảng 4000m2 và bán lại cho Nguyễn Đ ở xã MP, với giá 21.000.000 đồng. Ông Đ đã giao đủ cho ông B 21.000.000 đồng. Đồng thời hai bên thỏa thuận qua tết Nguyên Đán năm 2021 ông Đ đến cưa cây tràm. Tuy nhiên, đến tháng 2/2021 thì ông B không mua được cây tràm của ông Hải, nên báo cho ông Đ biết và xin trả lại 21.000.000 đồng cho ông Đ. Ông Đ không đồng ý, vì cho rằng giá cây tràm đã tăng lên so với lúc mua, nên buộc ông B phải trả 31.000.000 đồng. Đến khoảng 18 giờ ngày 11/2/2021 (nhằm ngày 30 Tết âm lịch), ông B đến nhà ông Đ để nói chuyện và trả lại tiền. Khi ông B vào sân, thì ông Đ dùng tay đánh ông B vào mặt và đầu nhiều cái, ông B không phản ứng gì. Sau đó, ông Đ dùng 01 sợi dây dù sọc đen- xám dài 156,5cm trói 02 tay ông B ra sau. Tiếp theo, ông Đ kéo ông B đến gốc cây vú sữa và dùng 01 sợi dây điện màu trắng dài 458cm, dùng 01 đầu trói 02 chân ông B lại, còn 01 đầu thì cột vào cây vú sữa. Lúc này ông Đ kêu ông B gọi điện về nhà kêu người đem tiền xuống trả, thì mới thả. Ông B nhờ Nguyễn Đức D1 là con ông Đ lấy điện thoại của B ra gọi về nhà cho B nói chuyện với cha là ông Nguyễn Thanh Đ1. Ông B nói với ông Đ1 là đem 5.000.000 đồng xuống nhà ông Đ để chuộc B về. Nghe vậy, ông Đ nói phải đem 31.000.000 đồng mới đủ. Khoảng 20 phút sau ông Đ1 đến nhà ông Đ, thấy con mình bị trói, nên la lối, cãi vã với ông Đ và dùng điện thoại chụp hình ảnh B bị trói, người dân xung quanh đến xem. Ông Đ nhờ Nguyễn Đức T1 cởi trói tay cho B, còn trói chân thì B tự cởi ra. Sau đó ông Đ gọi báo cho Công an xã Mê Pu đến làm việc.
Vật chứng thu giữ: 01 sợi dây dù sọc đen- xám dài 156,5cm, bản rộng 3,2cm; 01 sợi dây điện màu trắng dài 458cm.
Theo Cáo trạng số 53/CT-VKS-HS ngày 8/9/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Linh truy tố Nguyễn Đ ra trước Tòa án nhân dân huyện Đức Linh để xét xử về tội: Bắt, giữ người trái pháp luật, theo khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Linh, giữ nguyên Cáo trạng; đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 157, điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, -Phạt bị cáo Nguyễn Đ từ 15 đến 18 tháng cải tạo không giam giữ. Khấu trừ một phần thu nhập hợp lý để sung công quỹ. Tịch thu tiêu hủy vật chứng.
Bị cáo ý kiến: Biết hành vi là sai trái. Xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
-Bị hại: Xin giảm nhẹ cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục: Vụ án xảy ra trên địa bàn huyện đức Linh, nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện Đức Linh theo quy định tại khoản 1 Điều 268, khoản 1 Điều 269 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
[2] Về hành vi của bị cáo: Lời nhận tội của bị cáo, lời khai của bị hại, người làm chứng tại phiên tòa hôm nay phù hợp với các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, như: Lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng, Biên bản kiểm tra hiện trường kèm theo hình ảnh chụp tại hiện trường vụ án; vật chứng trong vụ án thể hiện: Xuất phát từ việc ông Nguyễn Thanh B bán cho bị cáo Nguyễn Đ 01 đám cây tràm vào tháng 12/2020, với giá 21.000.000 đồng và thỏa thuận qua tết Nguyên Đán bị cáo Đ đến khai thác cây tràm. Tuy nhiên, đến tháng 2/2021 thì ông B gọi điện thông báo cho bị cáo là không bán cây tràm nữa và xin trả lại 21.000.000 đồng. Bị cáo cho rằng giá cây tràm đã tăng lên so với lúc mua, nên không đồng ý nhận lại tiền. Đến khoảng 18 giờ ngày 11/2/2021 (nhằm ngày 30 tết Nguyên Đán), ông B đến nhà bị cáo với mục đích nói chuyện và trả lại 21.000.000 đồng. Khi ông B đến sân, bị cáo dùng tay đánh ông B, rồi sau đó dùng dây dù dạng bẹ và dây điện trói tay, chân ông B và cột vào cây vú sữa trong sân nhà bị cáo (ông B không phản ứng gì). Sau đó bị cáo nói ông B kêu người nhà đem tiền đến trả đủ cho bị cáo thì bị cáo mới thả. Xét diễn biến về tư tưởng và hành vi khách quan của bị cáo trong lúc thực hiện hành vi phạm tội như sau: Thứ nhất, vì cho rằng ông B bội tín trong việc mua bán cây tràm đối với bị cáo. Thứ hai là giá cây tràm tại thời điểm tháng 2/2021 tăng hơn so với lúc mua vào tháng 12/2020, nên bị cáo buộc ông B phải trả cho mình số tiền 31.000.000 đồng, trong đó 21.000.000 đồng tiền bị cáo đã giao cho ông B để mua cây tràm và 10.000.000 đồng là tiền bồi thường. Thứ ba về nguyên tắc trong giao dịch dân sự, khi một bên có lỗi và gây thiệt hại, thì bên kia có quyền yêu cầu bồi thường. Ở trường hợp này bị cáo có cơ sở để cho rằng ông B gây thiệt hại cho bị cáo và bị cáo yêu cầu ông B bồi thường 10.000.000 đồng là không có tính chất chiếm đoạt. Từ đó cho thấy ý chí chủ quan của bị cáo là bắt trói ông B để nhằm mục đích buộc ông B bồi thường cho mình 10.000.000 đồng tiền bị thiệt hại. Do đó, việc bị cáo yêu cầu ông B gọi điện về nhà kêu người đem tiền đến là để bồi thường cho bị cáo, chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản của ông B hoặc người nhà ông B. Đồng thời trong thời gian bắt, trói ông B, bị cáo không có lời nói hoặc hành động nhằm đe dọa ông B hoặc người thân của ông B, để nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Nên hành vi của bị cáo chỉ cấu thành tội bắt, giữ người trái pháp luật, được quy định tại khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Hình sự.
[3] Về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội bị cáo thực hiện: Hành vi phạm tội của bị cáo xâm phạm đến quyền tự do thân thể của người khác; làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, vì hành vi phạm tội của bị cáo thực hiện ngay trong buổi chiều cuối năm tết Nguyên Đán, ngoài ra bị cáo đã bị xử lý hành chính trong thời gian tại ngoại.
[4] Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít ngiêm trọng, có thái độ khai báo thành khẩn, đã tự nguyện bồi thường thỏa đáng cho bị hại tiền thiệt hại về sức khỏa và tổn thất tinh thần, mặc dù bị hại chưa có yêu cầu bị cáo phải bồi thường; bị hại có đơn bãi nại cho bị cáo. Ngoài ra trong vụ án này bị hại cũng có một phần lỗi là khi chưa mua được đám tràm của ông Hải, nhưng bán lại cho bị cáo và nhận tiền đủ, đến khi không thực hiện được việc mua bán, thì làm cho bị cáo bức xúc và thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó, áp dụng điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Xét bị cáo có nơi cư trú và công việc ổn định, nên chọn hình phạt cải tạo không giam giữ theo Điều 36 Bộ luật Hình sự, như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là phù hợp.
[5] Về vật chứng trong vụ án: Sợi dây dù màu sọc đen- xám dài 156,5cm, rộng 3,2cm và sợi dây điện màu trắng dài 458cm là tài sản của bị cáo dùng vào việc phạm tội và không có giá trị sử dụng, nên tịch thu tiêu hủy.
[6] Về bồi thường thiệt hại dân sự: Ông B đã được bị cáo bồi thường thiệt hại 20.000.000 đồng. Đây là sự tự nguyện thỏa thuận giữa bị cáo và ông B, xét thấy sự thỏa thuận này phù hợp pháp luật. Tại phiên tòa không ai có yêu cầu gì về bồi thường dân sự, nên không xem xét.
[7] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về giải quyết vụ án là phù hợp và có căn cứ.
[8] Về hành vi tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên: Kể từ khi tiếp nhận tin báo về tội phạm cho đến khi ban hành kết luận điều tra, Điều tra viên thực hiện hành vi tố tụng, ban hành các văn bản tố tụng đúng thẩm quyền, đúng thời hạn và đúng trình tự của Bộ luật Tố tụng hình sự; thực hiện các hoạt động điều tra đúng luật định. Đối với Kiểm sát viên trong quá trình giám sát các hoạt động ở giai đoạn điều tra thực hiện đúng thẩm quyền. Trong giai đoạn truy tố Kiểm sát viên tiến hành hoạt động tố tụng đúng thẩm quyền và trình tự tố tụng. Trong giai đoạn điều tra, truy tố không có sự khiếu nại gì.
[9] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.
[10] Bị cáo, bị hại được quyền kháng cáo bản án, theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Khoản 1 Điều 157, Điều 36, điểm b, i, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; Điều 106, khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136, Điều 331, 333 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14.
1. Tuyên bố: Nguyễn Đ phạm tội: “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
Phạt: Bị cáo Nguyễn Đ 16 (mười sáu) tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận nhận được Bản án và Quyết định thi hành án cải tạo không giam giữ.
Giao cho Ủy ban nhân dân xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận phối hợp với gia đình bị cáo giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành án.
Khấu trừ tiền thu nhập của bị cáo mỗi tháng 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) trong 16 tháng cải tạo không giam giữ, để sung vào ngân sách Nhà nước. Việc khấu trừ được thực hiện hàng tháng.
2. Về việc xử lý vật chứng: tịch thu tiêu hủy sợi dây dù màu sọc đen- xám, dài 156,5cm, rộng 3,2cm và sợi dây điện màu trắng dài 458cm, theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 10/9/2021.
3. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Đ phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
4. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại có quyền kháng bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (29/9/2021), để Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm.
Trường hợp Bản án thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự
Bản án về tội bắt, giữ người trái pháp luật số 49/2021/HS-ST
Số hiệu: | 49/2021/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đức Linh - Bình Thuận |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 29/09/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về