Bản án về tội bắt, giữ người trái pháp luật số 12/2024/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 12/2024/HS-PT NGÀY 03/01/2024 VỀ TỘI BẮT, GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 03 tháng 01 năm 2024, tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 296/2023/TLPT-HS ngày 01 tháng 12 năm 2023 đối với các bị cáo Nguyễn Thành G; Dương Thị T; Nguyễn Thị Thanh P bị Toà án nhân dân huyện K xét xử về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015; bị cáo Lê Thị L bị Toà án nhân dân huyện K xét xử về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 2 Điều 157 và khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015; các bị cáo Trần Văn T; Nguyễn Huy C; Lại Văn Tr bị Toà án nhân dân huyện K xét xử về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015.

Do có kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thành G, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Lê Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Huy C, Lại Văn Tr đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 35/2023/HS-ST ngày 27/09/2023 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Thành G - sinh năm 1974, tại tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: Thôn 17, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 12/12; Con ông Nguyễn C (Đã chết) và con bà Nguyễn Thị Y, sinh năm 1940; Bị cáo có vợ là Dương Thị T, sinh năm 1976 và 03 con, con lớn nhất sinh năm 1998, con nhỏ nhất, sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/01/2023 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên toà.

2. Lê Thị L - sinh năm 1978, tại tỉnh Thanh Hóa; Nơi cư trú: Thôn 19/5, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nữ; Trình độ học vấn: 9/12; Con ông Lê Việt H, sinh năm 1950 và con bà Đinh Thị K, sinh năm 1950. Bị cáo có chồng thứ nhất là Phan Trọng T, sinh năm 1970 (đã ly hôn) và chồng thứ hai là Nguyễn Hoài N, sinh năm 1981 (đã ly hôn) và 03 con, con lớn nhất sinh năm 1999, con nhỏ nhất sinh năm 2010; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/01/2023 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên toà.

3. Dương Thị T - sinh năm 1976, tại tỉnh Hà Tĩnh; Nơi cư trú: Thôn 17, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nữ; Trình độ học vấn: 02/12; Con ông Dương Xuân T, sinh năm 1952 và con bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1952. Bị caó cóchồng là Nguyễn Thành G, sinh năm 1974 và 03 con, con lớn nhất sinh năm 1998, con nhỏ nhất sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo tại ngoại. Có mặt tại phiên toà.

4. Nguyễn Thị Thanh P - sinh năm 1981, tại tỉnh Quảng Nam, Nơi cử trú: Tổ dân phố 7, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 02/12; Con ông Nguyễn Đình T (Đã chết) và con bà Lê Thị L (Đã chết); Bị cáo có chồng là Lê Thanh H, sinh năm 1977 (đã ly hôn) và 02 con, con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2015; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 04/01/2023 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên toà.

5. Trần Văn T - sinh năm 1974, tại tỉnh Nghệ An; Nơi cư trú: Thôn 15, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 6/12; Con ông Trần Văn T (đã chết) và con bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1947. Bị cáo có vợ là Nguyễn Thị T, sinh năm 1983 và 02 con, con lớn sinh năm 2001, con nhỏ sinh năm 2006; Tiên án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/01/2023 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên toà.

6. Nguyễn Huy C - sinh năm 1981, tại tỉnh Nghệ An; Nơi cư trú: Thôn 17, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 9/12; Con ông Nguyễn Huy C (đã chết) và con bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1951; Bị cáo có vợ là Phạm Thị B, sinh năm 1981 (đã ly hôn) và 02 con, con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 04/01/2023 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên toà.

7. Lại Văn Tr - sinh năm 1960, tại tỉnh Thái Bình; Nơi cư trú: Thôn B, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 7/12 ;Con ông Lại Văn T (đã chết) và con bà Hà Thị T, sinh năm 1937; Bị cáo có vợ là Trần Thị C, sinh năm 1961 và 02 con, con lớn sinh năm 1990, con nhỏ sinh năm 1993; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 04/01/2023 được thay đổi biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên toà.

Các bị hại:

1. Ông Nguyễn Xuân H, sinh năm 1980; Địa chỉ nơi làm việc: Đội cảnh sát hình sự - Công an huyện K – Số 236 G, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

2. Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1981; địa chỉ: Buôn E, xã Y, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

3. Ông Nguyễn Xuân T, sinh năm 2002; địa chỉ: Thôn Đ, xã M, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông (Vắng mặt).

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty Cổ phần cà phê TL; địa chỉ: Km 17, Quốc lộ 26, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ Hoàng P, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Xuân T - chức vụ: Tổng giám đốc và ông Phạm Đình B chức vụ: Trưởng ban kiểm soát (Đều vắng mặt).

2. Ông Trần Quốc T, sinh năm 2001;

3. Ông Phạm Quốc K, sinh năm 2003;

4. Ông Đinh Ngọc K, sinh năm 2003;

5. Ông Trần Văn D, sinh năm 2002;

6. Ông Lê Minh Q, sinh năm 2003;

7. Ông Hoàng Đức H, sinh năm 2003;

8. Ông Lê Duy H, sinh năm 2002;

9. Ông Lê Vũ T, sinh năm 2000;

10. Ông Mông Đức H, sinh năm 2002;

Đều công tác tại: Phòng cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Đắk Lắk – số 329 T, phường A, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Đều vắng mắt).

11. Ông Trần Tuấn V, sinh năm 1992;

12. Ông Hồ Trọng H, sinh năm 1990;

13. Ông Ngô Hoàng P, sinh năm 1979;

14. Nguyễn Đức H, sinh năm 1990;

15. Ông Nguyễn Đức T, sinh năm 1978;

16. Ông Phạm Đức D, sinh năm 1993;

17. Ông Trương Huy L, sinh năm 1992;

18. Ông Hoàng Văn T, sinh năm 1995;

19. Ông Nguyễn Duy N, sinh năm 1996;

20. Ông Ngô Đỗ Hùng C, sinh năm 1982;

Đều công tác tại: Công an huyện K - Số 236 G, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Đều vắng mắt) Những người làm chứng:

1. Ông Nguyễn Thanh B, sinh năm 1979; địa chỉ: Tổ dân phố 3, thị trấn P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

2. Ông Hồ Tấn T, sinh năm 1969; địa chỉ: Thôn 1, xã T, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

3. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn 17, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

4. Ông Nguyễn Anh S, sinh năm 1988; địa chỉ: Thôn 17, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

5. Ông Đào Anh S, sinh năm 1982; địa chỉ: Thôn 17, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

6. Ông Lê Duy P, sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn 15, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

7. Ông Lâm Quang H, sinh năm 1973; địa chỉ: Thôn 17, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

8. Ông Phạm Văn H, sinh năm 1968; địa chỉ: Thôn 17, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).

9. Cháu Dương Gia B, sinh ngày 13/10/2005; địa chỉ: Thôn c, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.

Người giám hộ: Ông Dương Xuân T, sinh năm 1952; địa chỉ: Thôn c, xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

Ngoài ra trong vụ án còn có các bị cáo không có kháng cáo, không bị kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2011, Nguyễn Thành G nhận khoán lô cây cà phê (gọi tắt là vườn cây) tại thửa đất số 87, tờ bản đồ số 3, ở thôn B, xã H, huyện K của Công ty cổ phần cà phê TL (gọi tắt là Công ty TL). Vào niên vụ năm 2018 - 2019, G không nộp sản lượng theo hợp đồng nên bị Công ty TL khởi kiện. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 05/2020/DS- PT ngày 21/01/2020 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên buộc G phải trả cho Công ty TL 5.198kg cà phê quả tươi. Quá trình tổ chức thi hành án dân sự, G không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án nên ngày 16/3/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện K đã tiến hành kê biên, xử lý tài sản là vườn cây trên để thi hành án dân sự. Đến ngày 07/7/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện K đã giao vườn cây cho Công ty TL có toàn quyền sở hữu theo quy định pháp luật, đồng thời thông báo cho G biết. Ngày 06/11/2022, Công ty TL thuê ông Nguyễn Thanh B cưa hạ cây trồng để cải tạo vườn cây trên thì ông B thuê các ông Nguyễn Văn C, Nguyễn Xuân T và Hồ Tấn Th cưa hạ và dọn vườn cây cho Công ty TL.

Khoảng 04 giờ 30 phút ngày 07/11/2022, các ông C, T và Th đi xe mô tô đến vườn cây, mang theo cưa lốc và tiến hành cưa hạ cây trong vườn (gồm cây cà phê, sầu riêng...). Khoảng 05 giờ 10 phút cùng ngày, Nguyễn Thành G biết tin Công ty TL thuê người cưa hạ vườn cây mình từng nhận khoán thì G cùng vợ là Dương Thị T, đi xe mô tô chở theo con trai 08 tuổi đến vườn cây. Đến nơi thấy có người đang cưa hạ cây trong vườn nên G gọi điện thoại thông báo sự việc cho một số người thân, Thuỷ gọi điện thoại cho Lê Thị L nhờ đến vườn cây chở con về nhà thì L đồng ý. Lúc này, G, T la hét chửi bới và cùng nhiều đối tượng khác (chưa rõ nhân thân lai lịch) ngăn cản và đuổi những người cưa cây. Thấy vậy, ông C, T và Th bỏ chạy và báo cho Công ty TL biết. Sau đó, sự việc được trình báo đến Công an huyện K nên Công an huyện cử tổ công tác gồm các ông Nguyễn Đức T, Nguyễn Xuân H, Trương Huy L, Nguyễn Duy N, Ngô Đỗ Hùng C, Trần Tuấn V và Phạm Đức D là cán bộ Công an huyện đang tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn xã H, cùng phối hợp với Công an xã H đến hiện trường giải quyết vụ việc. Nghe tin vườn cây trước đây G nhận khoán đang bị cưa hạ thì Ngô Công A, Trần Văn T, Lại Văn Tr, Nguyễn Thị Thanh P, Nguyễn Huy C, Huỳnh Văn Q và nhiều đối tượng khác với số lượng khoảng 300 người đến vườn cây. Lúc này, G và một số đối tượng lấy cưa lốc, xe mô tô và các vật dụng để cưa cây của các ông C, T, Th và một số xe mô tô của các cán bộ công an đến vườn cây làm nhiệm vụ chất thành đống ở ngã tư vườn cây (nơi giao nhau của đường đi giữa các vườn cây) và hô hào người dân đuổi bắt các ông C, T, Th. Khi lực lượng Công an yêu cầu người dân không có hành vi vi phạm pháp luật thì Nguyễn Thành G nói “tôi nói các ông là công an mà các ông làm cái trò mèo này đúng không?”. Cùng lúc này thấy nhiều đối tượng đã bắt ông C rồi trói chân tay vào đuôi chiếc xe mô tô và giữ ở khu vực đống xe mô tô ở ngã tư các vườn cây thì G tiếp tục nói lớn “Giữ chặt lại cho tôi đi, giữ hết lại...chặn hết lại không cho xe nào đi hết” thì nhiều đối tượng cùng Lê Thị L, Dương Thị T đến bắt ông Nguyễn Xuân T. Ngô Công A cũng đến hỗ trợ các đối tượng bắt, trói ông T xong thì Ngô Công A bỏ đi về. Lúc này, Lê Thị L, Dương Thị T cùng nhiều đối tượng khác đứng giữ hai người bị bắt, khi dây trói ông T tuột ra thì L cột lại. Thấy ông C và T bị bắt giữ, ông Nguyễn Xuân H đến gần yêu cầu các đối tượng không được giữ người trái pháp luật thì Nguyễn Thành G tiếp tục chỉ ông H và nói "thằng này chỉ đạo cắt cây". Nghe vậy, Nguyễn Thị Thanh P và các đối tượng gần đó đã bắt và trói ông H lại. Lê Thị L ép ông H ngồi gần hai người đàn ông đã bị giữ trước đó, khi ông H nói mình là công an huyện đến làm nhiệm vụ thì có một số đối tượng lục túi lấy ra 01 thẻ ngành công an của ông H. Thấy vậy, L nói “Thằng cha H này công an huyện” và cùng các đối tượng tiếp tục giữ ông H và 02 người bị bắt. Quá trình giữ người, L và các đối tượng ép các ông C, T và H phải viết bản tường trình theo yêu cầu của các đối tượng, L nói “Viết ngay, anh viết ngay lập tức, viết đi, anh có viết không? Anh có tin cái tay đó không viết được nữa luôn không, viết rõ ràng ra cho tao”. Một số đối tượng còn đánh các ông C, T và H.

Trước việc nhiều đối tượng bắt, giữ người trái pháp luật và chống đối quyết liệt nên Công an huyện K huy động thêm lực lượng đến hiện trường và báo cáo đến Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị phối hợp giải quyết. Khoảng 08 giờ 30 phút cùng ngày, Lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk đã huy động 280 cán bộ, chiến sỹ, phối hợp với các lực lượng khác đến giải cứu những người bị bắt giữ. Lực lượng Công an đã dùng loa tuyên truyền, yêu cầu đám đông giải tán để làm nhiệm vụ nhưng các đối tượng không chấp hành. Lê Thị L, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P và các đối tượng vẫn giữ 03 người bị bắt tại hiện trường. Lụa nói “Cơ động ngoài kìa, mấy bà đâu dồn hết lên đây, giải cứu người là xong đấy... giữ người lại, không cho đưa đi”. Nhiều đối tượng cùng với Trần Văn T, Nguyễn Huy C vác cây cà phê, sầu riêng bị cưa hạ và kéo xe máy của người dân lao động để ở hai bên lô cà phê gần đó đem ra chắn ngang giữa đường đi ngay trước lực lượng Cảnh sát cơ động đang tiến vào. L cùng các đối tượng khác ra đứng giữa đường để hô hào, ngăn cản không cho lực lượng Công an và Cảnh sát cơ động vào giải cứu người bị giữ. L đứng trên các đoạn cây mà các đối tượng lấy ra cản đường, vừa hô hào chống đối, vừa dùng điện thoại phát trực tiếp trên mạng xã hội, Trần Văn T, Nguyễn Huy C, Lại Văn Tr, Huỳnh Văn Q cùng nhiều đối tượng khác hô hào, đứng cản đường và xô đẩy các cán bộ, chiến sỹ Công an và Cảnh sát cơ động không cho tiến vào khu vực những người bị bắt giữ, làm hư hỏng một số xe mô tô. Dương Thị T tiếp tục ôm giữ ông H không cho giải cứu. Sau khi lực lượng chức năng thực hiện việc trấn áp và giải cứu thành công 03 người bị bắt thì Công an huyện K đã bắt quả tang Lê Thị L, Trần Văn T, Lại Văn Tr và Nguyễn Huy C; Đồng thời tiến hành việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thành G, Nguyễn Thị Thanh P, Huỳnh Văn Q. Quá trình điều tra, đến ngày 16/01/2023 Cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục khởi tố đối với Dương Thị T và Ngô Công A về hành vi Bắt, giữ người trái pháp luật.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 137/TgT-TTPY ngày 17/01/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận về giám định thương tích của ông Nguyễn Xuân H như sau: Các chấn thương phần mềm; Vết xây xát vùng trán phải, xây xát vùng nhân trung, bầm tím sưng nề tai phải, bầm tím bả vai phải, đau tức vùng lồng ngực, bầm tím hai cẳng tay tại thời điểm giám định đã lành, không để lại sẹo, không làm biến đổi sắc tố da, không để lại di chứng. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 0%.

Các chấn thương phần mềm do vật tày cứng tác động trực tiếp.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 138/TgT-TTPY ngày 17/01/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận về giám định thương tích của ông Nguyễn Văn C như sau: Vết sưng bầm để lại vết biến đổi sắc tố da vùng trán trái (cách đường giữa trán 1,5cm, cách đường chân tóc trán 03cm), kích thước 01cm x 0,8cm; Chấn thương phần mềm; Sưng bầm vùng trán, gò má hai bên, đau sưng nề vùng mũi, đau tức ngực tại thời điểm giám định đã lành, không để lại sẹo, không làm biến đổi sắc tố da. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích là 1%. Cơ chế hình thành thương tích do vật tày tác động trực tiếp.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 149/TgT-TTPY ngày 18/01/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận về giám định thương tích của ông Nguyễn Xuân Trường như sau: Vết xây xát để lại sẹo mờ nằm chéo khoé ngoài mắt trái, kích thước 1,5cm x 0,1cm. Chấn thương phần mềm; Sung bầm gò má trái, đau thái dương hai bên, đau vùng lưng, đau vùng ngực tại thời điểm giám định đã lành, không để lại sẹo, không làm biến đổi sắc tố da. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do từng thương tích gây nên hiện tại là 3%. Vật tác động và cơ chế hình thành thương tích: Vật tày và vật tày có cạnh tác động trực tiếp gây nên.

Quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K đã thu thập được các Video quay sự việc các đối tượng Bắt, giữ người trái pháp luật và Chống người thi hành công vụ tại hiện trường. Kết quả giám định như sau:

Tại Kết luận giám định số 715/KL-KTHS ngày 22/5/2023 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận về đối tượng giám định như sau:

Không phát hiện thấy dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung file video mẫu cần giám định. Không xác định được không gian, thời gian trong các file video mẫu cần giám định.

- Tiếng nói của người đàn ông trong file video (ký hiệu A1, A2, A3) mẫu cần giám định (ký hiệu “Giang" trong mục II - phụ lục) và tiếng nói của Nguyễn Thành G trong mẫu so sánh là của cùng một người.

+ Hình ảnh của người đàn ông (mặc áo khoác ngoài dài tay màu xanh đã bạc màu, mặc quần vải màu nâu, chân đi ủng màu đen) trong file video (kí hiệu A2, A3) mẫu cần giám định và hình ảnh của Nguyễn Thành G trong mẫu so sánh là của cùng một người.

- Tiếng nói của người phụ nữ trong các file video (ký hiệu A6, A7, A8, A9, A13) mẫu cần giám định (kí hiệu “Lụa” trong mục II - phụ lục) và tiếng nói của Lê Thị L trong mẫu so sánh là của cùng một người + Hình ảnh người phụ nữ (có đặc điểm mặc áo khoác ngoài dài tay màu đen, có sọc màu trắng ở hai bên cánh tay, đội mũ bảo hiểm màu nâu, đeo khẩu trang màu trắng, mặc quần vải màu đen) trong các file video (kí hiệu A15, A18, A20) mẫu cần giám định và hình ảnh của Lê Thị L trong mẫu so sánh là của cùng một người.

- Hình ảnh người đàn ông (có đặc điểm mặc áo khoác ngoài màu xám dài tay, đội mũ vải vành rộng màu nâu, đeo khẩu trang màu nâu, mặc quần vải màu xanh lá cây loại quần rằn ri) trong file video (kí hiệu A2) mẫu cần giám định và hình ảnh của Lại Văn T trong mẫu so sánh là của cùng một người.

- Tiếng nói của người đàn ông trong các file video (kí hiệu A12, A15) mẫu cần giảm định (kí hiệu “Thịnh” trong mục II – phụ lục) và tiếng nói của Trần Văn T trong mẫu so sánh là của cùng một người.

+ Hình ảnh của người đàn ông (có đặc điểm mặc áo thun ngắn tay có cổ, màu xanh - trắng, trên áo có các đường sọc màu đen, mặc quần ngắn Jean màu xanh) trong các file video (kí hiệu A11, A12, A13, A14, A15, A18) mẫu cần giám định và hình ảnh của Trần Văn T trong mẫu so sánh là của cùng một người.

Hình ảnh của người đàn ông (có đặc điểm mặc áo dài tay màu xanh lá cây, mặc quần vải màu xanh) trong các file video (kí hiệu A18, A19) mẫu cần giám định và hình ảnh của Nguyễn Huy C trong mẫu so sánh là của cùng một người.

- Hình ảnh của người phụ nữ (có đặc điểm mặc áo khoác ngoài dài tay màu đen, áo thun ngắn tay màu xám, hai ống tay áo màu đen, dây buộc tóc màu tím, đeo khẩu trang màu trắng, mặc quần vải màu nâu đỏ, dưới cằm có nốt ruồi màu đen, tay phải cầm cái bật lửa) trong các file (kí hiệu A16, A17, A19, A20) mẫu cần giám định và hình ảnh của Dương Thị T trong mẫu so sánh là của cùng một người.

- Đã chuyển nội dung tiếng nói, mô tả hình ảnh và trích xuất hình ảnh các đối tượng trong các file video gửi giám định, chi tiết thể hiện trong phụ lục kèm theo.

Kết luận định giá tài sản số 06/KL-HĐĐGTS ngày 27/01/2023 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện K kết luận: Phần hư hỏng của xe mô tô biển số 47M1-X trị giá 205.000 đồng; Phần hư hỏng của xe mô tô biển số 47M1- X trị giá 345.000 đồng.

Vật chứng bị tạm giữ:

- 08 xe mô tô gồm: xe mô tô BKS 47P1 -X; xe mô tô BKS 47L1 - X; xe mô tô BKS 47K1 - X; xe mô tô BKS 47F1- X; xe mô tô BKS 47M1 – X; xe mô tô BKS 47M1 - X; xe mô tô BKS 47M1 - X; xe mô tô BKS 47M1- X và 01 cua lốc nhãn hiệu STIHL-MS381; 01 cưa lốc nhãn hiệu STIHL-MS250;

01 can nhựa màu trắng "10lit"; 01 can nhựa màu vàng; 02 chiếc áo màu đen có dán miếng nhựa màu vàng có chữ "CSCĐ"; 02 quẹt gas màu xanh; 02 đoạn dây màu xanh;

01 con dao màu đen kích thước (0,43 x 0,06)m; 01 đoạn cây dài 5,1m; 01 đoạn cây dài 5,0m; 01 đoạn cây dài 1,8m; 01 đoạn cây dài 1,8m; 01 chiếc điện thoại di động màn hình cảm ứng, nhãn hiệu Redmi note 11, có vỏ màu xanh; 01 chiếc điện thoại di động màn hình cảm ứng, màu xanh, nhãn hiệu Realme C17.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 35/2023/HSST ngày 27/09/2023 của Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, đã quyết định:

Về tội danh và hình phạt: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thành Gi, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P và Ngô Công A phạm tội "Bắt, giữ người trái pháp luật”. Bị cáo Lê Thị L phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Chống người thi hành công vụ”. Các bị cáo Trần Văn T, Nguyễn Huy C, Lại Văn Tr và Huỳnh Văn Q phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

- Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 157; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thành G 04 (Bốn) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/01/2023.

- Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 157; khoản 1 Điều 330; điểm b, s, n khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Lê Thị Lụa 03 (Ba) năm tù về tội "Bắt, giữ người trái pháp luật” và 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.

- Áp dụng Điều 55 Bộ luật hình sự, tổng hợp hình phạt của hai tội buộc bị cáo Lê Thị L phải chấp hành 04 (Bốn) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/01/2023.

- Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 157; điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Dương Thị T 02 (Hai) năm 09 (Chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 157; điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh P 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 04/01/2023.

- Áp dụng khoản 1 Điều 157; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Ngô Công A 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Thời gian thử thách là 03 (Ba) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Áp dụng khoản 1 Điều 330; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Trần Văn T 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/01/2023.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Huy C 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 04/01/2023.

- Áp dụng khoản 1 Điều 330, điểm i, s, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Lại Văn Tr 09 (Chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 04/01/2023.

- Áp dụng khoản 1 Điều 330, điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Huỳnh Văn Q 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (Một) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Ngô Công A, Huỳnh Văn Q cho Ủy ban nhân dân xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk giám sát giáo dục, gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo Điều 68, Điều 92 Luật thi hành án hình sự năm 2019. Trong thời gian thử thách nếu các bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của Bản án trước và tổng hợp hình phạt của Bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự. Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 125 Bộ luật tố tụng hình sự: Hủy bỏ Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh cấm xuất cảnh đối với bị cáo Ngô Công A, Huỳnh Văn Q kể từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 27/9/2023.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của các bị cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 13/10/2023, các bị cáo Nguyễn Thành G, Lê Thị L, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Trần Văn T, Nguyễn Huy C nộp đơn kháng cáo kêu oan, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Thành G, Lê Thị L, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Trần Văn T, Nguyễn Huy C đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình như nội dung Bản cáo trạng và Bản án hình sự sơ thẩm cũng như lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm nhưng các bị cáo cho rằng hành vi của các bị cáo không phải là hành vi phạm tội và giữ nguyên nội dung kháng cáo. Riêng bị cáo Lại Văn Tr có đơn xin thay đổi nội dung kháng cáo và thừa nhận hành vi phạm tội, xin giảm hình phạt và được hưởng án treo.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và xác định Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các các bị cáo Nguyễn Thành G; Dương Thị T; Nguyễn Thị Thanh P bị Toà án nhân dân huyện Krông Pắc xét xử về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015; bị cáo Lê Thị L bị Toà án nhân dân huyện Krông Pắc xét xử về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 2 Điều 157 và khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015; các bị cáo Trần Văn T; Nguyễn Huy Công; Lại Văn Tr bị Toà án nhân dân huyện Krông Pắc xét xử về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xét mức hình phạt 04 (Bốn) năm 06 (Sáu) tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thành G; Bị cáo Lê Thị L 04 (Bốn) năm 06 (Sáu) tháng tù; Bị cáo Dương Thị T 02 (Hai) năm 09 (Chín) tháng tù, Bị cáo Nguyễn Thị Thanh P 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù; Bị cáo Trần Văn T 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù; Bị cáo Nguyễn Huy C 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù; Bị cáo Lại Văn Tr 09 (Chín) tháng tù là phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra. Quá trình xét xử Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng như nhân thân của các bị cáo. Tại cấp phúc thẩm các bị cáo Nguyễn Thành G, Lê Thị L, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Trần Văn T, Nguyễn Huy C cho rằng hành vi của mình không vi phạm pháp luật, việc Toà án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo là oan nhưng các bị cáo không cung cấp được tài lại chứng cứ nào để chứng minh. Riêng đối với bị cáo Lại Văn Tr tại phiên toà phúc thẩm bị cáo có đơn xin thay đổi nội dung đơn kháng cáo, nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình, ăn năn hối cải mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật xin được giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Do bị cáo là người cao tuổi, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng nên không cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thành G, Lê Thị L, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Trần Văn T, Nguyễn Huy C, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lại Văn Tr, giữa nguyên bản án sơ thẩm về tội danh và mức hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Thành G, Lê Thị L, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Trần Văn T, Nguyễn Huy C, sửa bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo Lại Văn Tr, cho bị cáo hưởng án treo.

Đối với bị cáo Lê Thị L thời điểm phạm tôi bị cáo chưa mang thai nên việc Toà án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cho bị cáo là không chính xác, tuy nhiên mức hình phạt của bị cáo là tương xứng nên Toà án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bị cáo Nguyễn Thành G trình bày ý kiến tranh luận và cho rằng các bị cáo bị kết án oan sai, vì các bị cáo không có bất cứ việc làm gì chống người thi hành công vụ hay bắt giữ người trái pháp luật đối với công an và hơn 200 cảnh sát cơ động, khi đến tại hiện trường khu vườn cà phê của Nguyễn Thành G bị kẻ xấu hủy hoại có tổ chức từ lúc rạng sáng khoảng 4 giờ nhưng kết án cho rằng các bị cáo chống người thi hành công vụ, việc kéo cây cà phê sầu riêng ra chặn đường không cho công an cơ động vào giải cứu người bị bắt giữ là do tất cả bà con cùng thực hiện nhưng chỉ kết tội các bị cáo. Mặt khác, tài sản vườn cà phê sầu riêng bị hủy hoại là của gia đình Nguyễn Thành G, nhưng lại xác định là của công ty TL để bảo vệ cho họ thực hiện hành vi thuê người hủy hoại vườn cà phê của Nguyễn Thành G, từ đó quy kết tội oan cho các bị cáo và quy kết việc làm chân chính của các bị cáo và các bà con khác thành hành vi phạm tội. Sự thật là tài sản của gia đình Nguyễn Thành G lại biến thành tài sản của công ty TL, hành vi hủy hoại vườn cây cà phê của gia đình Nguyễn Thành G do công ty này cùng một số người khác thực hiện lại không bị xử lý. Gia đình Nguyễn Thành G đã đầu tư vườn cây trong 20 năm qua hoàn toàn đúng theo hợp đồng hợp tác rõ ràng hợp pháp, giờ lại thành tài sản của người khác và quy kết gia đình Nguyễn Thành G và các bị cáo cùng bà con xem thường quyền sở hữu của công ty.

Mặt khác tại thời điểm xảy ra sự việc có rất nhiều người mà các bị cáo không hề hay biết rồi lại biến thành người bị hại trong vụ án nhưng không điều tra xác minh làm rõ và việc công an mà mặc quần áo như nông dân, rạng sáng đi soi đèn cho nhưng người cưa cây cà phê đang chờ thu hoạch của nhà Nguyễn Thành G.

Ngược lại việc các bị cáo bảo vệ điều đúng và bảo vệ tài sản bị hủy hoại dù không phải tài sản của các bị cáo, việc các bị cáo thực hiện các hành động bảo vệ những giá trị này không phải hành vi vi phạm pháp luật, các bị cáo chỉ hành động theo đạo đức và văn hóa. Vì vậy, các bị cáo không đồng ý và đề nghị hủy hết toàn bộ án của tòa cấp huyện để điều tra lại toàn bộ sự việc.

Các bị cáo Lê Thị L, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Trần Văn T, Nguyễn Huy C đồng ý với ý kiến tranh luận của bị cáo Nguyễn Thành G và không trình bày ý liến gì thêm.

Bị cáo Lại Văn Tr đồng ý với quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát và mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Xét lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận:

Sáng ngày 07/11/2022, Công ty cổ phần cà phê TL thuê người đến cắt, dọn vườn cây của Công ty tại thửa đất số 87, tờ bản đồ số 3, ở thôn B, xã H để cải tạo lại vườn cây thì bị Nguyễn Thành G, Dương Thị T cùng nhiều đối tượng khác đến ngăn cản, chống đối, không cho cưa cây. Sau đó, một số đối tượng đã bắt giữ ông Nguyễn Văn C trói chân tay vào xe máy. G tiếp tục hô hào, nói các đối tượng khác bắt những người cưa cây thì Dương Thị T, Lê Thị L đã bắt giữ ông Nguyễn Xuân T.

Thấy vậy, Ngô Công A cũng tham gia hỗ trợ bắt giữ ông Trường, sau đó bỏ về. Thấy đồng chí Nguyễn Xuân H là Cán bộ công an huyện K được phân công đến hiện trường làm nhiệm vụ có mặt ở đó nên G chỉ vào mặt đồng chí H và nói "Thằng này chỉ đạo cắt cây..." thì nhiều đối tượng khác đã bắt giữ đồng chí H. Lúc này, Nguyễn Thị Thanh P ôm siết cổ giữ đồng chí H để các đối tượng khác trói tay chân vào xe máy. Sau đó, Lê Thị L, Dương Thị T và Nguyễn Thị Thanh P giữ ông C, ông T và đồng chí H lại.

Khoảng 09 giờ cùng ngày, khi lực lượng Công an huyện K phối hợp với Lực lượng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk đến hiện trường giải cứu những người bị bắt giữ, yêu cầu các đối tượng và người dân giải tán thì Lê Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Huy C, Lại Văn Tr, Huỳnh Văn Q và nhiều đối tượng khác (chưa rõ nhân thân lai lịch) dùng các đoạn cây cà phê, sầu riêng chắn lối vào hiện trường, đứng phía trước hô hào phản đối, xô đẩy... để cản trở lực lượng thi hành công vụ vào hiện trường giải cứu những người bị bắt giữ.

Như vây, hành vi của các bị cáo Nguyễn Thành G, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P đã đủ yếu tố cấu thành tội "Bắt, giữ người trái pháp luật” được quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự. Hành vi của bị cáo Lê Thị L đã đủ yếu tố cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” được quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự và tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự. Hành vi của bị cáo Ngô Công A đã đủ yếu tố cấu thành tội "Bắt, giữ người trái pháp luật” được quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự. Hành vi của các bị cáo Trần Văn T, Nguyễn Huy C, Lại Văn Tr và Huỳnh Văn Q đã đủ yếu tố cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự.

Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Nguyễn Thành G; Dương Thị T; Nguyễn Thị Thanh P về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015; bị cáo Lê Thị L bị xét xử về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 2 Điều 157 và khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015; các bị cáo Trần Văn T; Nguyễn Huy C; Lại Văn Tr bị xét xử về tội “Chống người thi hành công vụ” theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 là đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2]. Xét kháng cáo kêu oan của cáo bị cáo Nguyễn Thành G, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Lê Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Huy C, Lại Văn Tr, thì thấy:

Các bị cáo cho rằng mình chỉ đang bảo vệ và giúp bảo vệ tài sản của Nguyễn Thành G trước việc bị một số người vào cưa hạ cây cà phê đang trong thời kỳ cho thu hoạch là lô cà phê tại thửa đất số 87, tờ bản đồ số 3 tại thôn B, xã H, huyện K. Tuy nhiên, đối với diện tích đất này tại Bản án dân sự phúc thẩm số 05/2020/DS-PT ngày 20/01/2020 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên buộc Nguyễn Thành G trả cho Công ty cà phê TL 5.198kg cà phê quả tươi nhưng quá trình tổ chức thi hành án G không thực hiện nghĩa vụ nên ngày 16/3/2022 Chi cục thi hành án dân sự huyện K đã tiến hành kê biên, xử lý tài sản là vườn cây nêu trên để thi hành án. Đến ngày 7/7/2022 Chi cục thi hành án dân sự huyện K đã bàn giao vườn cây cho Công ty cà phê TL và cũng đã báo cho G được biết. Do đó, diện tích đất và vườn cây không còn thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nguyễn Thành G việc các bị cáo cho rằng mình chỉ đang bảo vệ tài sản và giúp bảo vệ tài sản là không có cơ sở.

Bị cáo Nguyễn Thành G là người trực tiếp hô hào, kích động các bị cáo khác cùng nhiều đối tượng bắt giữ ông C, ông T và đồng chí H. Bị cáo Lê Thị L là người hô hào cùng bị cáo Dương Thị T, Ngô Công A bắt giữ ông T và khi bị cáo Nguyễn Thị Thanh P cùng các đối tượng khác bắt đồng chí H thì L cũng tham gia giữ đồng chí H. L là người trực tiếp ép và dùng những lời lẽ đe doạ những người bị bắt buộc họ viết tường trình rồi tiếp tục giữ ông C, ông T và đồng chí H đến khi Cảnh sát cơ động vào giải cứu. Bị cáo Dương Thị T là người cùng bị cáo L, Ngô Công A bắt giữ ông T và tham gia giữ ông C, ông T, đồng chí H đến khi Cảnh sát cơ động vào giải cứu bị cáo còn ôm chặt đồng chí H không cho giải cứu. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh P là người tham gia ôm siết cổ đồng chí H để các đối tượng khác trói tay chân rồi cùng T, Lụa giữ ông C, ông T và đồng chí H đến khi những người này được giải cứu.

Do đó, Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Nguyễn Thành G, Lê Thị L, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ngoài ra đối với bị cáo Lê Thị L khi thấy Cảnh sát cơ động tiến vào giải cứu người thì L đã hô hào các chị phụ nữ ra đứng trước mặt cảnh sát cơ động dùng điện thoại quay Video phát trực tiếp lên mạng xã hội, ngăn cản không cho Cảnh sát cơ động vào giải cứu người bị bắt giữ nên hành vi của bị cáo còn cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo Trần Văn T và Nguyễn Huy C đã cùng một số người khác vác cây cà phê, cây sầu riêng chắn ngang đường ngăn cản Cảnh sát cơ động vào giải cứu người rồi tiếp tục đứng giữa đường ngăn cản, hô hào, xô đẩy Cảnh sát cơ động. Đối với bị cáo Lại Văn Tr là người có mặt tại hiện trường từ sớm biết có lực lượng Công an đang làm nhiệm vụ, tại đó bị cáo đã dùng tay giật khẩu trang của một số người tự xưng là Công an rồi chửi bới họ. Tr còn hô hào, ngăn cản không cho Cảnh sát cơ động vào giải cứu người.

Như vậy, Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Lê Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Huy C, Lại Văn Tr về tội “Chống người thi hành công vụ” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Xét mức án 04 (Bốn) năm 06 (Sáu) tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thành G. Mức án 03 (Ba) năm tù về tội "Bắt, giữ người trái pháp luật” và 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ” đối với bị cáo Lê Thị L. Mức án 02 (Hai) năm 09 (Chín) tháng tù đối với bị cáo Dương Thị T. Mức án 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh P. Mức án 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù đối với bị cáo Trần Văn T và Nguyễn Huy C. Mức án 09 (Chín) tháng tù đối với bị cáo Lại Văn Tr mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử đối với các bị cáo là là tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. Bởi lẽ, tình chất hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự coi thường pháp luật, không tuân thủ các quy định, yêu cầu của cơ quan chức năng, xâm phạm đến hoạt động bình thường đúng đắn của lực lượng thi hành nhiệm vụ gây sáo trộn trật tự an ninh nông thôn. Các bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và nhận thức được quyền bất khả xâm phạm về sức khoẻ, cũng như hoạt động đúng đắn của cơ quan chức năng khi thi hành nhiệm vụ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Quá trình xét xử Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng như nhân thân của các bị cáo. Tại cấp phúc thẩm các bị cáo Nguyễn Thành G, Lê Thị L, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Trần Văn T, Nguyễn Huy C không nhận tội và không cung cấp được tài lại chứng cứ nào mới. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thành G, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Lê Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Huy C giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo.

Riêng đối với bị cáo Lê Thị L thời điểm phạm tôi bị cáo chưa mang thai nên việc Toà án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự cho bị cáo là không chính xác cần rút kinh nghiệm.

Đối với bị cáo Lại Văn Tr tại phiên toà phúc thẩm bị cáo có đơn xin thay đổi nội dung kháng cáo vì bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo rất ăn năn hối cải mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật, bị cáo là người cao tuổi, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều tính tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm i, s, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự và có nơi cu trú rõ ràng. Bởi vậy, việc giam giữ bị cáo là không cần thiết cần áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo hưởng án treo và giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã H, huyện K giám sát, giáo dục bị cáo cũng đủ răn đe, phòng ngừa chung và giáo dục bị cáo thành công dân tốt có ích cho xã hội.

[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4]. Về án phí phúc thẩm:

Các bị cáo Nguyễn Thành G, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Lê Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Huy C phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bị cáo Lại Văn Tr không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] - Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thành G, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Lê Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Huy C.

Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 35/2023/HSST ngày 27/09/2023 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk đối với các bị cáo Nguyễn Thành G, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Lê Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Huy C.

- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lại Văn Tr.

Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số: 35/2023/HSST ngày 27/09/2023 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Đắk Lắk về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo Lại Văn Tr cho bị cáo hưởng án treo.

[2] Về tội danh, điều luật áp dụng và mức hình phạt:

Về tội danh và hình phạt: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thành G, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P phạm tội "Bắt, giữ người trái pháp luật”. Bị cáo Lê Thị L phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “Chống người thi hành công vụ”. Các bị cáo Trần Văn T, Nguyễn Huy C, Lại Văn Tr phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

- Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 157; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thành G 04 (Bốn) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/01/2023.

- Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 157; khoản 1 Điều 330; điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Lê Thị L 03 (Ba) năm tù về tội "Bắt, giữ người trái pháp luật” và 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.

- Áp dụng Điều 55 Bộ luật hình sự, tổng hợp hình phạt của hai tội buộc bị cáo Lê Thị L phải chấp hành 04 (Bốn) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/01/2023.

- Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 157; điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Dương Thị T 02 (Hai) năm 09 (Chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng điểm c, đ khoản 2 Điều 157; điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh P 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 04/01/2023.

- Áp dụng khoản 1 Điều 330; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Trần Văn T 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/01/2023.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Huy C 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/11/2022 đến ngày 04/01/2023.

- Áp dụng khoản 1 Điều 330, điểm i, s, x khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Lại Văn Tr 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo Lại Văn Tr cho Ủy ban nhân dân xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk giám sát giáo dục, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo Điều 68, Điều 92 Luật thi hành án hình sự năm 2019. Trong thời gian thử thách nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của Bản án trước và tổng hợp hình phạt của Bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự. Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 125 Bộ luật tố tụng hình sự: Hủy bỏ Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú kể từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 03/01/2024.

[3] Án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Các bị cáo Nguyễn Thành G, Dương Thị T, Nguyễn Thị Thanh P, Lê Thị L, Trần Văn T, Nguyễn Huy C mỗi người phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Bị cáo Lại Văn Tr không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

95
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội bắt, giữ người trái pháp luật số 12/2024/HS-PT

Số hiệu:12/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 03/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về