Bản án về tội bắt, giữ người trái pháp luật số 112/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 112/2021/HS-PT NGÀY 23/12/2021 VỀ TỘI BẮT, GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 23 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 143/2021/TLHS-PT ngày 05 tháng 11 năm 2021 do có kháng cáo của bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 107/2021/HS-ST ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Bị cáo bị kháng cáo:

Nguyễn Thị D, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1982 tại Phường A, thành phố Ă, tỉnh Vĩnh Phúc; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Â, xã B, huyện C, tỉnh Vĩnh Phúc; chỗ ở hiện nay: Tổ dân phố E, phường A, thành phố Ă, tỉnh Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không: con ông Nguyễn Văn A và bà Hoàng Thị T; chồng là Nguyễn Văn C (đã ly hôn năm 2017) và 02 con, lớn sinh năm 1998, nhỏ sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại (Có mặt).

- Bị hại kháng cáo: Bà Hồ Thị G, sinh năm 1949; trú tại: Â, xã B, huyện C, tỉnh Vĩnh Phúc (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Vũ Vinh H - Luật sư Công ty luật TNHH I, Đoàn luật sư tỉnh Thái Nguyên; địa chỉ: Số 18, đường K, phường Đ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Thị D kết hôn với anh Nguyễn Văn C (con của bà Hồ Thị G), quá trình chung sống không hạnh phúc. Năm 2017, D và anh C đã ly hôn, theo Bản án số: 21/2018/HNGĐ-PT ngày 27/9/2018 về việc tranh chấp chia tài sản sau ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thì D được chia sở hữu, sử dụng 120m2 đất (100m2 đất ở và 20m2 đất vườn) và 05 gian phòng trọ, công trình phụ trên đất, trên tổng số 687 m2 đất mang tên hộ Nguyễn Văn C tại tờ bản đồ địa chính số 24, thôn Phổ, xã B, huyện C, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 11/8/2020 D đã được Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CV 815819, số vào sổ cấp GCN: CS01387. Tuy nhiên, bà Hồ Thị G là mẹ đẻ của anh Nguyễn Văn C không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, bà thường xuyên có đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Khoảng 08 giờ 00 phút ngày 20/01/2021, Nguyễn Thị D thuê 02 người thợ cơ khí là anh Đỗ Văn L, anh Vũ Mạnh T đến để hàn hàng rào sắt ngăn cách đất của D với đất của anh Chung thì bà G đến ngăn cản, nói với thợ: “Không được làm, đây là đất của tao, đất này đang tranh chấp”, thì D nói: “Đất này thuộc sở hữu của tôi, tôi có bìa đỏ thì tôi cứ làm”, bà G nói: “Tao đang có đơn tái thẩm thì mày phải chờ”, D nói: “Việc của ai người đấy làm, 5 năm, 10 năm, tôi cũng phải chờ à, tôi còn phải làm để nuôi con”. Sau đó, bà G đuổi, lôi, kéo anh T, anh L giằng dây điện máy hàn và máy cắt, không cho làm hàng rào thì D đuổi bà G ra và giằng lại dây điện. Lúc này, có bà Phạm Thị Hồng ở cùng thôn và là em dâu của bà G đến, rồi đưa bà G đến Uỷ ban nhân dân xã B trình báo sự việc. Sau đó, bà Hồng và bà G quay về thì thấy anh Thành, anh Lợi đang hàn rào sắt, bà G tiếp tục đuổi thợ không cho làm, lấy tay giằng dây điện máy hàn, máy cắt, thấy vậy D giằng co dây điện với bà G và nói: “Nếu bà vẫn cố tình phá của tôi thì tôi trói bà lại”, bà G nói: “Mày có giỏi mày trói đi”, quá trình giằng co dây điện thì bà G bị ngã nằm ngửa ra hiên nhà rồi bà G đưa hai tay ra thách D trói. Thấy vậy, D cầm lấy đoạn dây điện màu xanh, cuốn khoảng 2 - 3 vòng vào 2 cổ tay của bà G (chưa buộc dây), bà G ngồi dậy, tháo dây điện tuột ra khỏi tay, đồng thời đẩy hàng rào sắt mà thợ vừa dựng lên, giằng lấy dây điện. Do bực tức, D đẩy bà G ra, giằng lấy dây điện và nói: “Bà phá của tôi thì tôi trói bà lại, bà báo ai thì báo, báo công an luôn đi ”. Sau đó, D dùng đoạn dây điện có vỏ bọc bằng nhựa màu xanh dài 17,6m, đường kính 0,4cm, có một đầu là ổ cắm điện màu trắng trói 02 tay bà G và buộc khăn len của bà G đang quàng ở cổ vào cùng dây điện, D túm áo bà G ru, đẩy bà G vào trong phòng trọ số 11 của D, D khép cánh cửa gỗ (cửa không có khóa đóng) rồi đứng bên ngoài giữ cửa không cho bà G ra khỏi phòng. Khoảng 15 phút sau Công an xã B đến, yêu cầu D mở cửa, cởi trói cho bà G.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện C đã tổ chức khám nghiệm hiện trường theo quy định pháp luật và thu giữ tại hiện trường: 01 dây điện vỏ bọc nhựa màu xanh, dài 17,6m, đường kính 0,4cm, có một đầu là ổ cắm điện màu trắng và 02 thẻ nhớ (01 thẻ nhớ nhãn hiệu DSS, 01 thẻ nhớ nhãn hiệu Netac cùng có dung lượng 32GB).

Với hành vi phạm tội nêu trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 107/2021/HS-ST ngày 30/9/2021, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Thị D phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.

Áp dụng: khoản 1 Điều 157, điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm i khoản 1 Điều 52, khoản 1, 2 và khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị D 01 (Một) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 (Hai) năm. Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Nguyễn Thị D cho Ủy ban nhân dân phường A, thành phố Ă, tỉnh Vĩnh Phúc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 16/6/2021 bị hại kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử huỷ án hoặc xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự và không cho bị cáo hưởng án treo, tại phiên tòa phúc thẩm bị hại giữ nguyên kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tham gia phiên tòa đã phát biểu quan điểm, phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo đã đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị hại, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 107/2021/HS-ST ngày 30/9/2021, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Vĩnh Phúc.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị hại bà Hồ Thị G làm trong hạn luật định, hợp lệ được xem xét giải quyết.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thị D đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, có đủ căn cứ để xác định như sau: Sau khi ly hôn với anh Nguyễn Văn C, theo Bản án số 21/2018/HNGĐ-PT ngày 27/9/2018 về việc tranh chấp chia tài sản sau ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thì D được chia sở hữu, sử dụng 120m2 đất (100m2 đất ở và 20m2 đất vườn) và 05 gian phòng trọ, công trình phụ trên đất, trên tổng số 687 m2 đất mang tên hộ Nguyễn Văn Chung tại tờ bản đồ địa chính số 24, thôn Phổ, xã B, huyện C, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 11/8/2020 D đã được Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CV 815819, số vào sổ cấp GCN: CS01387. Khoảng 08 giờ 00 phút ngày 20/01/2021, Nguyễn Thị D thuê 02 người thợ cơ khí là anh Đỗ Văn L, anh G Mạnh T đến để hàn hàng rào sắt ngăn cách đất của D với đất của anh Chung thì bà G đến ngăn cản, không cho thợ thi công dẫn đến mâu thuẫn giữa D và bà G. Sau đó, D dùng đoạn dây điện có vỏ bọc bằng nhựa màu xanh dài 17,6m, đường kính 0,4cm, có một đầu là ổ cắm điện màu trắng trói 02 tay bà G và buộc khăn len của bà G đang quàng ở cổ vào cùng dây điện, D túm áo bà G ru, đẩy bà G vào trong phòng trọ số 11 của D, D khép cánh cửa gỗ (cửa không có khóa đóng) rồi đứng bên ngoài giữ cửa không cho bà G ra khỏi phòng. Khoảng 15 phút sau Công an xã B đến, yêu cầu D mở cửa, cởi trói cho bà G.

[3] Căn cứ vào lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, xét thấy cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Nguyễn Thị D về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự 2015 là có căn cứ đúng người, đúng tội. Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do thân thể của công dân được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an tại địa phương nên cần thiết phải xử lý về hình sự và áp dụng mức hình phạt nghiêm đối với bị cáo để giáo dc bị cáo cũng như phòng ngừa chung. Hi đồng xét xử sơ thẩm đã cân nhắc, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo để quyết định hình phạt 01 năm tù cho hưởng án treo, thử thách 02 năm đối với bị cáo là phù hợp.

[4] Xét kháng cáo của bị hại, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Đối với kháng cáo đề nghị huỷ án sơ thẩm: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ các thủ tục và tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Việc xét xử bảo đảm khách quan, bị hại có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích, bị hại và luật sư không có khiếu nại, tố cáo gì về việc điều tra, truy tố. Nên kháng cáo đề nghị huỷ án sơ thẩm của bị hại không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Đối với kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự và không cho bị cáo hưởng án treo: Sau khi Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm tại Bản án số 21/2018/HNGĐ-PT và phân chia tài sản chung của vợ chồng cho bị cáo được sử dụng 120m2 đất và tài sản trên đất. Ngày 11/8/2020 D đã được Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CV 815819, số vào sổ cấp GCN: CS01387. Ngày 20/01/2021, Nguyễn Thị D thuê 02 người đến để hàn hàng rào sắt ngăn cách đất của D với đất của anh C thì bà G đến ngăn cản không cho làm vì bà vẫn chưa đồng ý với bản án và đang đi khiếu nại. Điều 106 Hiến pháp 2013 cũng đã quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.” Tại khoản 1 Điều 19 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Trong vụ án này bị cáo D đã được Toà án phân chia quyền sử dụng đất và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà G không đồng ý với bản án nhưng không chờ kết quả giải quyết khiếu nại theo thủ tục tố tụng mà cố ý cản trở trái phép việc sự dụng đất của bị cáo dẫn đến việc bị cáo bức xúc, trói và giữ bà G trong phòng để tiếp tục thi công hàng giào. Toà án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội Bắt, giữ người trái pháp luật là có căn cứ. Bà G cho rằng phải xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự. Theo hướng dẫn tại Tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì “Người già” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên. Còn theo hướng dẫn tại Điểm a, Tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt thì “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Riêng đối với khái niệm “Người già yếu” là tình tiết định khung được quy định tại Điều 157 của phần các tội phạm, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Bản thân bà G mặc dù đã trên 70 tuổi và xuất trình sổ khám bệnh về một số loại bệnh như: Bệnh tăng huyết áp, mạch vành, nhưng qua tình tiết sự việc thấy rằng bà G vẫn đủ sức khoẻ để du đẩy hàng giào, rằng co với bị cáo, hàng ngày vẫn tự đi lại, phục vụ bản thân, tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, thực tế bà G vẫn đủ sức khoẻ, đi lại bình thường, minh mẫn, nên không có căn cứ để áp dụng tình tiết quy định tại điểm e khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự “Phạm tội đối với người già yếu”, mà chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự “Phạm tội đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên”.

Tại phiên toà phúc thẩm người bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại (luật sư Vũ Quang V) đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hoãn phiên toà để tiến hành giám định, nhưng quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã gia quyết định trưng cầu giám định số 92 ngày 02/02/2021, yêu cầu Trung tâm giám định pháp y tỉnh Vĩnh Phúc giám định phần trăm tổn hại sức khoẻ của bà G, ngày 03/02/2021 bà G đã có đơn từ chối giám định, cơ quan điều tra đã làm việc với bà G để hướng dẫn và giải thích cho bà G nhưng bà G vẫn kiên quyết từ chối giám định. Nên đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại, Hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Trong vụ án này trước khi phạm tội bị cáo là người là người có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, có nơi cư trú ổn định và người bị hại có một phần lỗi. Cấp sơ thẩm đã xem xét và quyết định xử phạt bị cáo 01 năm tù, cho hưởng án treo, thử thách 02 năm là có căn cứ. Nên kháng cáo của bị hại không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[5] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị hại bà Hồ Thị G, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 107/2021/HS-ST ngày 30/9/2021 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Vĩnh Phúc.

Áp dụng: khoản 1 Điều 157, điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm i khoản 1 Điều 52, khoản 1, 2 và khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị D 01 (Một) năm tù cho hưởng án treo, thử thách là 02 (Hai) năm về tội bắt, giữ người trái pháp luật, thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Nguyễn Thị D cho Ủy ban nhân dân phường A, thành phố Ă, tỉnh Vĩnh Phúc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bà Hồ Thị G không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1053
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội bắt, giữ người trái pháp luật số 112/2021/HS-PT

Số hiệu:112/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về