TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN B, TỈNH SƠN LA
BẢN ÁN 06/2021/HS-ST NGÀY 30/11/2021 VỀ TỘI BẮT, GIỮ HOẶC GIAM NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 30 tháng 11 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Sơn La, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 06/2021/HSST ngày 18 tháng 11 năm 2021, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/2021/QĐXXST- HS ngày 19 tháng 11 năm 2021, đối với các bị cáo:
1. Họ và tên: Thào A S1; Tên gọi khác: Thào A S; Sinh ngày 04/02/1983 tại huyện B, tỉnh Sơn La; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: bản C, xã H, huyện B, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ văn hóa: không biết chữ; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Đảng, đoàn thể: Không; Con ông: Thào A T, sinh năm 1962 và bà Mùa Thị N (đã chết); Bị cáo có vợ Mùa Thị X, sinh năm 1985 và có 06con, con lớn nhất 19 tuổi, con nhỏ nhất 09 tuổi, hiện nay đều cư trú tại bản C, xã H, huyện B, tỉnh Sơn La; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Nhân thân: Không. Bị cáo tại ngoại, có mặt.
2. Họ và tên: Thào A S2; Tên gọi khác: Không; Sinh ngày 18/10/2002 tại huyện B, tỉnh Sơn La; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: bản C, xã H, huyện B, tỉnh Sơn La; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ văn hóa: 5/12; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Đảng, đoàn thể: Không; Con ông: Thào A T, sinh năm 1962 và bà Mùa Thị V, sinh năm 1970; Bị cáo có vợ Mùa Thị D, sinh năm 2002 và có 02 con, con lớn nhất 04 tuổi, con nhỏ nhất 01 tuổi, hiện nay đều cư trú tại bản C, xã H, huyện B, tỉnh Sơn La; Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Nhân thân: Không. Bị cáo tại ngoại, có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Thào A S1 (Thào A S): Ông Cầm Trọng T, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La, có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Thào A S2: Ông Lường Duy T, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La, có mặt.
Người bị hại: Bà Mùa Thị V; Sinh năm 1970; Địa chỉ: Bản C, xã H, huyện B, tỉnh Sơn La, có mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Bà Mùa Thị L; Sinh năm 1995; Địa chỉ: Bản C, xã H, huyện B, tỉnh Sơn La, có mặt.
Người làm chứng:
Ông Thào A T; Sinh năm 1962; Địa chỉ: Bản C, xã H, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, có mặt.
Anh Thào A; Sinh năm 1974; Địa chỉ: Bản C, xã H, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, có mặt.
Người phiên dịch: Ông Thào A; Sinh năm 1971; Địa chỉ: Bản V, thị trấn B, huyện B, tỉnh Sơn La, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Tại bản cáo trạng số 32/CT-VKS-BY ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện B, tỉnh Sơn La, truy tố các bị cáo Thào A S1(Thào A S), Thào A S2 phạm tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Do nghi ngờ mẹ đẻ của mình là bà Mùa Thị V đã làm bùa chài cho anh Thào A L (là anh trai cùng cha khác mẹ với hai bị cáo) bị ốm, nên khoảng 14 giờ 30 phút ngày 26/5/2021, Thào A S2 đi đón bà Mùa Thị V ở đập thủy điện H, trên đường chở bà V về S2 hỏi có được làm bùa chài cho anh L hay không thì bà V trả lời không được làm, khi về đến nhà thì S2 tiếp tục hỏi bà V “Mẹ có được làm bùa chài cho anh L không, hiện nay L đang ốm rất nặng, nếu mẹ được làm thì chúng con xin mẹ đừng làm như thế cho thằng L đỡ ốm”, bà V trả lời không được làm việc đó. S2 tiếp tục hỏi nhưng bà V không thừa nhận việc làm bùa chài cho L, S2 tức giận, dùng tay phải tát vào má bên trái của bà V 03 lần. Lúc này Mùa Thị L là vợ của anh L đến, thấy bà V không thừa nhận việc làm bùa chài cho chồng mình nên bực tức đã đi đến gần bà V nói “Sao mẹ lại làm như thế” đồng thời dùng tay phải tát vào vùng má trái của bà V 02 lần.
Trong lúc L và S2 mắng chửi bà V thì có Thào A S1 chạy sang xem và hỏi bà Vư: “Có phải mẹ được làm không, nếu được làm thì giải đi”. Bà V liền nói: “Mẹ không biết, không được làm”. Thấy bà V không nhận, S1 lấy một đoạn củi khô bằng gỗ cầm hai tay giơ lên đập vào đùi bà V 01 lần rồi định đập lần thứ hai thì chú ruột là Thào A Ư đến lao vào can ngăn giật lại khúc gỗ vứt xuống đất, còn Mùa Thị L thì bỏ về nhà để chăm sóc L. Sủ tiếp tục dùng tay phải của mình cầm vào cổ tay phải bà V rồi vung tay bà V lên đập vào mặt bên phải bà V 02 lần. Tiếp đó S1 cầm tay, còn S2 dùng hai tay đẩy lưng và kéo bà V đi vào trong nhà. Khi S1 và S2 đưa bà V vào trong nhà, mỗi người cầm một tay của bà V rồi cùng hỏi nơi bà V làm bùa chài yêu cầu giải bùa chài nhưng bà V vẫn không thừa nhận. Thấy bà V không nhận việc làm bùa chài cho L, S2 giữ hai tay của bà V còn S1 đi ra cửa thấy một đoạn dây thừng màu đỏ, S2 cầm và thắt thành thòng lọng luồn vào hai tay của bà V và kéo tay bà V thẳng lên trên đỉnh đầu, rồi vắt một đầu dây thừng lên xà nhà nhưng do đoạn dây thừng ngắn, S1 tiếp tục lấy một đoạn dây thừng buộc nối vào đầu đoạn dây đang buộc trên tay bà V rồi vắt và quấn một vòng qua xà nhà và kéo căng dây để treo bà V lên.
Trong lúc S1 đang kéo dây thì bà V ngồi xuống, thấy vậy S2 dùng hai tay bám đẩy vào hai bên hông để nhấc bà V lên đồng thời S1 tiếp tục kéo căng sợi dây thừng khi bà V trong tư thế hai tay bị treo ngược lên xà nhà, hai mũi bàn chân của bà V chạm nền nhà, S1 nhấc đầu dây đang kéo đè lên vòng dây đã quấn trên xà nhà để không cho dây thừng dịch chuyển và giữ ghì sợi dây để bà V không bị tụt xuống.
Khi đã treo được bà V lên xà nhà thì S1 và S2 tiếp tục tra hỏi bà V có được làm bùa chài cho Thào A L hay không, và yêu cầu nếu được làm bùa chài thì phải giải bùa. Trong lúc treo hai tay bà V lên xà nhà thì có ông Thào A T và Thào A Ư đến can ngăn nhưng S1 và S2 không nghe, mà vẫn treo bà V ở đó được khoảng 20 phút thì bà V bị đau và mỏi, do sợ đã thừa nhận được làm bùa chài cho L, S1 đã cởi sợi dây thừng ra cho bà V. Sau khi bị bắt giữ, đánh và trói, treo, bà V bị bầm tím và thấy đau trong người, đến ngày 28/5/2021 bà V đã đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện B. Đến ngày 08/8/2021 bà V đã đến Công an xã H và Cơ quan CSĐT công an huyện B trình báo sự việc.
Vật chứng thu giữ: 01 đoạn dây thừng, màu đỏ, loại 04 dây cuộn xoắn lại với nhau, dài 2,08m, đường kính 0,5cm; 01 đoạn dây thừng, màu đỏ, loại 04 dây cuộn xoắn lại với nhau, dài 64cm, đường kính 0,5cm.
Ngày 12/8/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện B ra Quyết định trưng cầu giám định số 38 gửi Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La để trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích và cơ chế hình thành dấu vết trên thân thể của bà Mùa Thị V. Ngày 20/8/2021, Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La đã ra Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 191/TgT, Kết luận: “Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là không xếp tỷ lệ phần trăm thương tích. Tại thời điểm giám định trên cơ thể Mùa Thị V không còn dấu vết thương tích để lại nên không xác định cơ chế hình thành vết thương.” Ngày 05/10/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện B phối hợp cùng VKSND huyện B và những người có liên quan tiến hành lập Biên bản về việc xác định vật chứng là khúc gỗ mà Thào A S1 đã dùng để đánh bà V, tuy nhiên sau khi sự việc xảy ra, ông Thào A T đã đốt khúc gỗ này tại bếp củi của gia đình. Sau khi tiến hành lấy lời khai của các bị can, bị hại và người làm chứng, những người có liên quan, có căn cứ để xác định vật chứng có đặc điểm là: 01 khúc gỗ dài 40cm, đường kính 15cm, thân khúc gỗ cứng, chắc, thân tròn, không có góc cạnh sắc gọn. Đây được xác định là khúc gỗ mà Thào A S1 sử dụng để đánh bà V vào ngày 26/5/2021 là phương tiện, hung khí nguy hiểm.
Đối với hành vi mà Thào A S1 dùng tay tát 02 lần vào má bên phải và sử dụng một khúc gỗ đánh vào đùi bên phải của bà V; và hành vi dùng tay tát vào má bên trái của bà V 03 lần của Thào A S2, căn cứ kết luận thương tích của Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La xác định tỷ lệ thương tích của bà V là 0%, ngày 26/9/2021, bà V có đơn đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi nói trên của S1 và S2. Do vậy, không cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Đối với hành vi của Mùa Thị L đã dùng tay tát 02 lần vào mặt bà V rồi đi về nhà, hành vi trên thực hiện với lỗi cố ý và xâm hại đến sức khỏe của bà V. Tuy nhiên kết luận giám định thương tích của bà V sau khi sự việc xảy ra là 0%, sau khi đánh bà V xong chị L về nhà và không biết, không tham gia việc trói, treo, đánh đập bà V. Do vậy, hành vi của L không đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc đồng phạm cùng với S1 và S2 về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Trong giai đoạn điều tra Cơ quan Điều tra đã quyết định xử lý hành chính đối với Mùa Thị L.
Về trách nhiệm dân sự: Ngày 26/9/2021, Thào A S1, Thào A S2 và Mùa Thị L đã thỏa thuận và bồi thường cho bà Mùa Thị V chi phí viện phí và tổn hại sức khỏe với số tiền là 7.700.000 đồng. Sau khi nhận được số tiền trên, bà V không có yêu cầu đề nghị gì thêm.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa công khai, các bị cáo Thào A S1, Thào A S2 đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với nội dung cáo trạng, phù hợp với các tài liệu chứng cứ, trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa không phát sinh tình tiết mới.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo Thào A S1, Thào A S2 đủ yếu tố cấu thành tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 157;
điểm b, i, s, m khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Thào A S1 (Thào A S) mức án từ tháng 09 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ; Xử phạt bị cáo Thào A S2 mức án từ tháng 09 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.
Về vật chứng vụ án: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015; khoản 1, điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Đề nghị tuyên tịch thu tiêu hủy số vật chứng gồm: 01 đoạn dây thừng, màu đỏ, loại 04 dây cuộn xoắn lại với nhau, dài 2,08m, đường kính 0,5cm; 01 đoạn dây thừng, màu đỏ, loại 04 dây cuộn xoắn lại với nhau, dài 64cm, đường kính 0,5cm.
Về trách nhiệm dân sự: Chấp nhận Thào A S1, Thào A S2 và Mùa Thị L đã thỏa thuận và bồi thường cho bà Mùa Thị V chi phí viện phí và tổn hại sức khỏe với số tiền là 7.700.000 đồng. Sau khi nhận được số tiền trên, bà V không có yêu cầu đề nghị gì thêm.
Về án phí: Đề nghị miễn án phí cho các bị cáo.
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ nguyên quyết định truy tố, bị cáo nhất trí với quyết định truy tố của Viện kiểm sát.
Tại Luận cứ bào chữa của người bào chữa cho bị cáo Thào A S1 khẳng định bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Song đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, pháp luật Nhà nước và một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, i, s, m khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự, vì bị cáo Thào A S1 phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường thiệt hại, bị cáo phạm tội do lạc hậu, bị cáo sinh sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức và am hiểu pháp luật còn nhiều hạn chế. Đề nghị áp dụng hình phạt bị cáo được cải tạo, giáo dục tại địa phương, đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo và miễn tiền án phí cho bị cáo.
Tại Luận cứ bào chữa của người bào chữa cho bị cáo Thào A S2 khẳng định bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Song đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, pháp luật Nhà nước và một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, i, s, m khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 34 Bộ luật hình sự, vì bị cáo Thào A S2 phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường thiệt hại, bị cáo phạm tội do lạc hậu, bị cáo sinh sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức và am hiểu pháp luật còn nhiều hạn chế. Đề nghị áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với bị cáo S2, đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo và miễn tiền án phí cho bị cáo, những vấn đề khác theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.
Ý kiến của các bị cáo Thào A S1, Thào A S2 không bổ sung bào chữa, tranh luận: Các bị cáo nhất trí với bản cáo trạng và luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Các bị cáo nhận thức hành vi của các bị cáo là vi phạm pháp luật, mong Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất và được cải tạo, giáo dục tại địa phương.
Bị hại bà Mùa Thị V trình bày ý kiến tranh luận: Nhất trí với ý kiến luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Thào A S1, Thào A S2, Mùa Thị L đã tự nguyện thỏa thuận và bồi thường chi phí viện phí và tổn hại sức khỏe với số tiền là 7.700.000 đồng. Tôi đã nhận đủ số tiền, không yêu cầu gì thêm. Đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Lời nói sau cùng của các bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và xin được miễn tiền án phí.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện B, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về tội danh: Tại phiên tòa các bị cáo Thào A S1, Thào A S2 thừa nhận, do nghi ngờ mẹ mình là bà Mùa Thị V làm bùa chài cho anh Thào A L là anh trai cùng cha khác mẹ của hai bị cáo bị ốm nặng nên ngày 26/5/2021 Thào A S1 và Thào A S2 đã có hành vi tra khảo, bắt giữ, đánh đập và dùng dây thừng buộc, trói và treo bà V lên xà nhà của ông Thào A T ở bản C, xã H, huyện B, thời gian treo khoảng 20 phút với mục đích để tra hỏi và yêu cầu bà V giải bùa chài cho Thào A L. Bà V bị đau, mỏi và do sợ nên đã thừa nhận được làm bùa chài cho L, S1 đã cởi sợi dây thừng ra cho bà V. Sau khi bị bắt giữ, đánh và trói, treo, bà V bị bầm tím và thấy đau trong người, đến ngày 28/5/2021 bà V đã đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện B. Đến ngày 08/8/2021 bà V đã đến Công an xã H và Cơ quan CSĐT công an huyện B trình báo sự việc.
Xét lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với kết quả điều tra được chứng minh như sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, vật chứng, Biên bản về việc xác định vật chứng của vụ án, Kết luận giám định pháp y về thương tích. Lời khai người bị hại, người làm chứng.
Như vậy, có đủ cơ sở kết luận: Các bị cáo Thào A S1, Thào A S2 đã thực hiện hành vi Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội danh quy định khoản 1 tại Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015.
Khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:
“1. Người nào bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ hiểu biết để nhận thức được hành vi của mình làm là vi phạm pháp luật, hành vi thực hiện tội phạm của các bị cáo đã xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của công dân, sức khỏe của con người, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an và an toàn xã hội của địa phương. Nhưng do lạc hậu, mê tín nên các bị cáo đã cố ý thực hiện tội phạm. Hành vi của các bị cáo trong vụ án này là đồng phạm giản đơn, không có sự bàn bạc, chuẩn bị và thống nhất trước.
[3] Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
[4] Về tình tiết giảm nhẹ: Tòa cần xem xét chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa cho các bị cáo, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo theo điểm b, i, s, m khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Vì các bị cáo đều phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường thiệt hại, các bị cáo phạm tội do lạc hậu, các bị cáo sinh sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức và am hiểu pháp luật còn nhiều hạn chế.
[5] Về hình phạt chính: Tòa cần xem xét cân nhắc xử phạt các bị cáo mức hình phạt phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi thực hiện tội phạm và nhân thân của các bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng, nên không cần thiết cách ly các bị cáo mà cần giao các bị cáo cho chính quyền địa phương nơi cư trú của các bị cáo giám sát giáo dục theo quy định tại Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 cũng đảm bảo điều kiện để các bị cáo tự cải tạo, giáo dục trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
[6] Về khấu trừ thu nhập: Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “ Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng…”. Xét điều kiện, hoàn cảnh của các bị cáo cho thấy các bị cáo làm nghề trồng trọt, thu nhập không ổn định, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Do vậy Tòa cần xem xét không khấu trừ thu nhập đối với các bị cáo.
[7] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 4, Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Xét thấy các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa các bị cáo không thuộc diện đang đảm nhiệm chức vụ gì nên không áp dụng hình phạt bổ sung này với các bị cáo.
[8] Về vật chứng vụ án: 01 đoạn dây thừng, màu đỏ, loại 04 dây cuộn xoắn lại với nhau, dài 2,08m, đường kính 0,5cm và 01 đoạn dây thừng, màu đỏ, loại 04 dây cuộn xoắn lại với nhau, dài 64cm, đường kính 0,5cm là của các bị cáo dùng thực hiện phạm tội, không còn giá trị sử dụng, cần tịch thu tiêu huỷ, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; khoản 1, điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.
[9] Về trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại: Các bị cáo, người có liên quan và người bị hại đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường tổn thất tinh thần, tổn hại sức khỏe của người bị hại. Tổng số tiền bồi thường là 7.700.000 đồng, trong đó bị cáo S1 2.500.000 đồng, bị cáo S2 2.500.000 đồng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Mùa Thị L 2.700.000 đồng, bị hại đã nhận đủ, hiện nay không có yêu cầu đề nghị gì thêm. Sự thỏa thuận và bồi thường nêu trên là do các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào bị ép buộc, phù hợp với pháp luật. Tòa cần xem xét chấp nhận.
[10] Về án phí: Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, thì các bị cáo Thào A S1, Thào A S2 là người dân tộc thiểu số sinh sống tại bản C, xã H, huyện B, tỉnh Sơn La là bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Gia đình các bị cáo là hộ nghèo thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định tại điểm đ, khoản 1, điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu,miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Do vậy Tòa cần xem xét miễn án phí cho các bị cáo.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ khoản 1, Điều 157; điểm b, i, s, m khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015.
- Tuyên bố các bị cáo Thào A S1 (Thào A S), Thào A S2 phạm Tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.
- Xử phạt bị cáo Thào A S1 (Thào A S) 09 (Chín) tháng cải tạo không giam giữ;
- Xử phạt bị cáo Thào A S2 09 (Chín) tháng cải tạo không giam giữ.
Thời hạn tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.
- Không áp dụng hình phạt bổ sung, không khấu trừ thu nhập đối với các bị cáo.
- Giao bị cáo Thào A S1, Thào A S2 cho UBND xã H, huyện B, tỉnh Sơn La, giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
2. Về vật chứng vụ án: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015; khoản 1, điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
- Tịch thu tiêu hủy số vật chứng gồm: 01 đoạn dây thừng, màu đỏ, loại 04 dây cuộn xoắn lại với nhau, dài 2,08m, đường kính 0,5cm và 01 đoạn dây thừng, màu đỏ, loại 04 dây cuộn xoắn lại với nhau, dài 64cm, đường kính 0,5cm.
(Chi tiết theo biên bản về việc giao nhận vật chứng, tài sản của vụ án giữa Công an huyện B và Chi cục Thi hành án dân sự huyện B ngày 18/11/2021).
3. Về trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại: Căn cứ các Điều 584, 585, 586 Bộ luật dân sự.
- Chấp nhận sự thỏa thuận giữa các bị cáo, người có liên quan và người bị hại đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường tổn thất tinh thần, tổn hại sức khỏe của người bị hại. Tổng số tiền bồi thường là 7.700.000 đồng, (đã giao trả đủ).
4. Về Án phí: Căn cứ điểm đ, khoản 1, điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Thào A S1, Thào A S2.
Báo cho các bị cáo, người bị hại biết có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm theo quy định chung của pháp luật, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến mình trong thời hạn 15 ngày theo quy định chung.
Bản án về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật số 06/2021/HS-ST
Số hiệu: | 06/2021/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bắc Yên - Sơn La |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/11/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về