Bản án về ly hôn, tranh chấp tài sản số 58/2022/HNGĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 58/2022/HNGĐ-PT NGÀY 31/05/2022 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP TÀI SẢN

Ngày 31 tháng 5 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số 142/2021/TLPT- HNGĐ ngày 23/11/2021 về việc Ly hôn, tranh chấp về tài sản khi ly hôn.

Do Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 640/2021/HNGĐ-ST ngày 27/9/2021 của Tòa án nhân dân quận Đ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 54/2021/QĐPT-HNGĐ ngày 21 tháng 12 năm 2021 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh Nguyễn Đức H; sinh năm 1990; nơi cư trú: Tập thể Ban quản lý trồng rừng, phường N, quận C, thành phố Hà Nội (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Văn B, sinh năm 1987; luật sư Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; tổ chức hành nghề: Công ty luật TNHH T; địa chỉ: (có mặt).

Bị đơn: Chị Nguyễn Thanh H, sinh năm 1989; nơi cư trú: Phòng 107 – 108, Đ11 Tập thể V, phường T, quận Đ, thành phố Hà Nội (vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Lương Thị T, sinh năm 1973; luật sư Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; tổ chức hành nghề: Công ty luật hợp danh Đ; địa chỉ: (có mặt)

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập:

1. Bà Phạm Thị Hà T, sinh năm 1966; địa chỉ: Số 1B/3/271 tổ 14 phố B, phường K, quận T, thành phố Hà Nội (vắng mặt).

2. Người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Thạch Q sinh năm 1959, chết ngày 30/12/2019:

a. Bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1963; địa chỉ: Số 11 ngõ 126 phố K, phường K, quận T, thành phố Hà Nội (vắng mặt).

b. Chị Nguyễn Hoàng Tố Q, sinh năm 1991; địa chỉ: Số 240 đường A, phường Q, quận T, thành phố Hà Nội (vắng mặt).

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập:

1. Bà Nguyễn Thị Bích T, sinh năm 1965 (có mặt).

2. Ông Nguyễn Tiến H, sinh năm 1958 (vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Phòng 107+108 Đ11 tập thể V, tổ 7, phường T, quận Đ, thành phố Hà Nội Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Nguyễn Thị Bích T, sinh năm 1965; địa chỉ: Phòng 107+108 Đ11 tập thể V, phường T, quận Đ, thành phố Hà Nội; là người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Tiến H, bà Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Hoàng Tố Q theo Giấy ủy quyền ngày 25/11/2020 (có mặt).

Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị Bích T, ông Nguyễn Tiến H, bà Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Hoàng Tố Q, bà Phạm Thị Hà T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo anh Nguyễn Đức H: Anh và chị Nguyễn Thanh H kết hôn tự nguyện, có đăng ký kết hôn ngày 22/01/2016 tại Ủy ban nhân dân phường T, quận Đ, thành phố Hà Nội. Sau khi kết hôn, anh chị chung sống tại số 22 ngõ 16 Hoàng Quốc Việt, phường N, quận C, thành phố Hà Nội. Vợ chồng chung sống đến khoảng giữa năm 2017 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do vợ chồng bất đồng quan điểm, không hợp tính cách, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, mất niềm tin về kinh tế. Vợ chồng không quan tâm đến nhau, kinh tế độc lập hoàn toàn riêng biệt. Cuối năm 2017, chị H chuyển về ở nhà bố mẹ đẻ tại Đ11, phường T, quận Đ, thành phố Hà Nội, vợ chồng sống ly thân từ đó cho đến nay. Thời gian này chị H vẫn liên lạc, nhắn tin với bà ngoại của anh và dì của anh. Khi anh nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì anh không thể liên lạc được với chị H. Anh H xác định tình cảm vợ chồng không còn, không có khả năng đoàn tụ, anh yêu cầu Tòa án giải quyết cho anh được ly hôn chị H.

Anh H và chị Hoa không có con chung. Anh không yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản chung.

Về nợ chung: Cuối năm 2017, chị H có mở quầy thuốc, cần vốn kinh doanh nên có vay của bố mẹ anh 2 tỷ đồng. Vì không có tiền nhưng để tạo điều kiện cho chị H kinh doanh tân dược nên bố mẹ đẻ anh đã thế chấp nhà đất là tài sản của bố mẹ anh để có tiền cho chị H vay. Số tiền 2 tỷ đồng đã được Ngân hàng giải ngân vào tài khoản của chị H. Chị H có viết giấy và ký xác nhận nợ. Chị H quản lý và sử dụng toàn bộ số tiền vay 2 tỷ đồng, anh không tham gia việc kinh doanh, song anh vẫn xác nhận đây là khoản nợ chung vợ chồng. Tuy nhiên, gia đình anh không có yêu cầu Tòa giải quyết số nợ này.

Bị đơn là chị Nguyễn Thanh H đã được triệu tập nhiều lần nhưng đều vắng mặt không đến Tòa thực hiện quyền nghĩa vụ tố tụng, không có bản tự khai.

Theo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Bích T, ông Nguyễn Tiến H: Ông H, bà T là bố mẹ đẻ của chị H. Tại đơn yêu cầu độc lập đề ngày 21/8/2020, bà T yêu cầu Tòa án giải quyết về số tiền 900.000.000 đồng bà T, ông H cho chị H vay. Ông bà xác định số tiền 900.000.000 đồng đưa chị H vay là khoản nợ chung của anh H, chị H. Ông bà yêu cầu Tòa án buộc anh H, chị H trả ông bà số tiền này.

Quá trình chung sống, anh H và chị H có một số tài sản chung gồm: 01 xe ô tô Mercedes-E205 biển số 30E-...; 01 xe ô tô khác nhưng ông bà không nhớ biển kiểm soát; trang thiết bị phòng khám răng tại Lô 18-19 khu đấu giá V, phường V, quận H, thành phố Hà Nội; quán café tại rạp chiếu phim CGV, tòa nhà Hồ Gươm Plaza - số 110 T, quận H, thành phố Hà Nội. Nay chị H bỏ nhà đi không rõ tung tích. Ngày 11/9/2020, bà T, ông H có Đơn yêu cầu Tòa án giao cho ông bà được quản lý toàn bộ tài sản chung của anh H chị H.

Theo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị K: Bà là vợ của ông Nguyễn Thạch Q (tức T). Ngày 30/12/2019, ông Q chết. Ông Q và bà K có 01 người con là Nguyễn Hoàng Tố Q. Bố mẹ đẻ của ông Q mất trước ông Q; ông Q không có người con riêng, con nuôi nào, không có bố mẹ nuôi. Đầu năm 2018, chị H vay của ông bà số tiền 200.000.000đ. Chị H có viết giấy vay tiền ngày 14/02/2018. Nay, ông Q đã mất, bà yêu cầu Tòa án buộc chị H, anh H phải trả cho bà số tiền 200.000.000 đồng nợ gốc và số tiền lãi theo mức lãi suất đã thỏa thuận là 7%/năm cho đến ngày trả xong khoản nợ.

Chị Nguyễn Hoàng Tố Q được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng đều vắng mặt không có lý do.

Theo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị Hà T: Tháng 11/2017, bà cho chị H vay 300.000.000 đồng; bà viết Giấy biên nhận vay tiền, chị H ký và ghi rõ tên ở mục người vay. Thời điểm bà cho chị H vay tiền thì chồng bà đã mất. Bà đề nghị Tòa án xác định đây là khoản nợ chung của anh H và chị H, yêu cầu Tòa án buộc anh H, chị H cùng có trách nhiệm trả bà số tiền nợ gốc 300 triệu đồng và số tiền lãi theo mức lãi suất thỏa thuận là 12,5%/năm từ tháng 12/2017 cho đến thời điểm xét xử.

Tại Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 640/2021/HNGĐ-ST ngày 27/9/2021 của Tòa án nhân dân quận Đ đã xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Đức H. Anh Nguyễn Đức H được ly hôn chị Nguyễn Thanh H. Con chung không có. Tài sản chung (động sản, bất động sản), anh H không yêu cầu giải quyết, nên không xét. Nợ chung: Anh H không yêu cầu giải quyết, nên không xét. Dành quyền khởi kiện đối với khoản vay của ông Q, bà T, ông H, bà T trong vụ án dân sự khác khi có yêu cầu. Anh Nguyễn Đức H phải chịu 300.000 đồng án phí Hôn nhân gia đình sơ thẩm. Bà Phạm Thị Hà T, bà Nguyễn Thị K và chị Nguyễn Hoàng Tố Q mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả bà T, bà K tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp.

Sau khi xử sơ thẩm, các đương sự kháng cáo như sau:

Bà Nguyễn Thị Bích T, ông Nguyễn Tiến H kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị Bích T, ông Nguyễn Tiến H; buộc anh Nguyễn Đức H và chị Nguyễn Thanh H cùng phải có trách nhiệm trả nợ số tiền 900.000.000đ.

Bà Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Hoàng Tố Q kháng cáo yêu cầu hủy một phần bản án sơ thẩm về phần nợ chung; chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị K và chị Nguyễn Hoàng Tố Q; buộc anh Nguyễn Đức H và chị Nguyễn Thanh H cùng phải có trách nhiệm trả nợ cho số tiền nợ gốc là 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) và tiền lãi 8,4%/năm từ ngày 14/02/2018 đến ngày 24/9/2021 là 59.260.000đ.

Bà Phạm Thị Hà T kháng cáo yêu cầu hủy một phần bản án sơ thẩm về phần nợ chung; chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Phạm Thị Hà T; buộc anh Nguyễn Đức H và chị Nguyễn Thanh H cùng phải có trách nhiệm trả nợ cho số tiền nợ gốc là 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng) và tiền lãi 12,5%/năm từ ngày 24/11/2017 đến ngày 24/11/2021 là 137.280.000đ.

Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm:

Ngày 14/01/2022, bà T nộp đơn yêu cầu tuyên bố chị Nguyễn Thanh H mất tích tại Tòa án nhân dân quận Đ. Ngày 17/01/2021, bà T có đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết của vụ tuyên bố mất tích theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự.

Ngày 15/3/2022, bà T có đơn trình bày về việc chị H đã về nhà nhưng bị trầm cảm nặng phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 nên đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ chị H phục hồi sức khỏe, tinh thần để tự mình quyết định, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Ngày 18/5/2022 chị H có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do không có được sức khỏe và sự tỉnh táo minh mẫn để tham gia phiên tòa.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31/5/2022: Anh H cung cấp 01 USB chứa đựng đoạn clip ghi lại hình ảnh chị H đang đứng bán thuốc tân dược tại quầy thuốc của gia đình. Bà T xác định ngày chị H trở về nhà là ngày 24/02/2022, hình ảnh trong clip đúng là chị H và cung cấp Bản trình bày không đề ngày tháng năm của chị H. Trong bản trình bày, chị H đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để khi xét xử lại bệnh tình chị ổn hơn, có thể tham gia và có lời khai bảo vệ cho bản than và có trách nhiệm với những người chị vay tiền.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giữ nguyên án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Người kháng cáo là bà Phạm Thị Thành có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo là chị Nguyễn Thanh H đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vụ án vắng mặt bà Phạm Thị Thành và chị Nguyễn Thanh H.

[2] Theo quy định tại Khoản 2 Điều 86 và Khoản 6 Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự thì người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền; trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án của Tòa án cấp sơ thẩm. Giấy ủy quyền ngày 25/11/2020 (bút lục 415) của ông Nguyễn Tiến H, bà Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Hoàng Tố Q không có nội dung những người này ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Bích T kháng cáo bản án nhưng có nội dung được thay mặt và nhân danh bên ủy quyền đưa ra các ý kiến, quyết định, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền nên cũng được coi là ủy quyền kháng cáo.

Bà Phạm Thị Hà T, bà Nguyễn Thị Bích T có mặt tại phiên tòa sơ thẩm nên Đơn kháng cáo đề ngày 06/10/2021 của bà T, bà T đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Tiến H, bà Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Hoàng Tố Q nộp đến Tòa án ngày 07/10/2021 là trong thời hạn luật định. Theo quy định tại Điều 28 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì người kháng cáo phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp. Việc Tòa án cấp sơ thẩm thông báo cho bà K và chị Quỳnh nộp tạm ứng án phí phúc thẩm chung 300.000đ là không đúng. Việc bà K, chị Quỳnh kháng cáo nhưng chỉ có 01 biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm không phải do lỗi của họ mà là của Tòa án. Ông H là người cao tuổi có đơn đề nghị miễn tạm ứng án phí, án phí. Như vậy, 03 biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm được xác định là của bà T, bà T; bà K và chị Quỳnh.

[3] Xét yêu cầu Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án/tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm của bà Nguyễn Thị Bích T: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 thì khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Như vậy, khi bà T cho rằng chị Nguyễn Thanh H bị trầm cảm nặng dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự thì phải có kết luận giám định pháp y tâm thần và bà T phải thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố chị H mất năng lực hành vi dân sự theo quy định nêu trên. Trường hợp bà T có yêu cầu và Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu này thì Tòa án mới áp dụng Điểm d Khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên trong vụ án, bà T không yêu cầu tuyên bố chị H mất năng lực hành vi dân sự nên Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Bà T đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ chị H phục hồi bệnh trầm cảm là không có căn cứ quy định tại Điều 214 và 288 Bộ luật tố tụng dân sự. Mặt khác, theo clip do anh Nguyễn Thanh H cung cấp và xác nhận của bà T tại phiên tòa thì hiện chị H sức khỏe bình thường, đang bán thuốc tân dược tại cửa hàng thuốc của gia đình. Do đó, Tòa án không chấp nhận yêu cầu tạm đình chỉ giải quyết vụ án/xét xử phúc thẩm của bà T.

[4] Về thẩm quyền giải quyết vụ án:

Chị Nguyễn Thanh H đăng ký hộ khẩu tại Phòng 107 – 108, Đ11 Tập thể V, phường T, quận Đ, thành phố Hà Nội. Nơi ở sau khi kết hôn với anh Nguyễn Đức H là Tập thể Ban quản lý trồng rừng, số 22 ngõ 116 đường Hoàng Quốc Việt, phường N, quận C, thành phố Hà Nội. Chị H làm việc tại Công ty TNHH phát triển thương mại và dịch vụ Thanh Hoa, địa chỉ tại số 22, ngõ 116, Hoàng Quốc Việt, phường N, quận C và Phòng khám đa khoa quốc tế AA, địa chỉ Lô 18-19 khu đấu giá V, quận H.

Theo lời khai của bà T (bút lục 418): Thời gian đầu vợ chồng chị H cư trú tại quận C, sau một thời gian chuyển về cư trú tại số 48 ngõ 40 Phan Đình Giót. Thời gian thụ tinh nhân tạo lần 2 chị H cư trú ở Tam Đảo một thời gian, sau đó chuyển về nhà bố mẹ đẻ ở 3 ngày.

Theo lời khai của anh H tại phiên tòa, do vợ chồng mâu thuẫn căng thẳng, chị H đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở từ cuối năm 2017.

Tại các Giấy biên nhận vay tiền ngày 24/11/2017 giữa chị H và bà T (bút lục 215), Giấy vay tiền ngày 14/02/2018 giữa chị H với ông Q (Tiến) (bút lục 62), Giấy vay tiền ngày 04/4/2018 giữa chị H với bà T đều thể hiện địa chỉ của chị H là Phòng 107 – 108, Đ11 Tập thể V.

Theo Sổ khám bệnh của chị H và các tài liệu khám chữa bệnh từ ngày 27/12/2017 đến ngày 06/4/2018 (bút lục 382-402), trong thời gian chị H thụ tinh nhân tạo, chị H ở tại địa chỉ số nhà 48 ngõ 40 Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận T.

Ngày 12/8/2019 (bút lục 02) và ngày 23/8/2019 (bút lục 13) ông H (bố đẻ chị H), bà Nguyễn Thị Loan (bà của chị H) nhận văn bản tố tụng của Tòa án thay chị H tại địa chỉ Phòng 107 – 108, Đ11 Tập thể V, phường T. Ngày 03/9/2019, ông H bà T có đơn đề nghị UBND phường T xác nhận chị H có hộ khẩu thường trú tại phường (bút lục 22). Ngày 04/9/2019, ông H, bà T có đơn dừng giải quyết việc ly hôn để làm rõ chị H đang sinh sống ở đâu (bút lục 23).

Điểm b Khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Ngày 05/7/2021, ông H bà T có Đơn yêu cầu Tòa án nhân dân quận Đ tuyên bố chị H mất tích. Như vậy, ông H, bà T cũng đã thừa nhận nơi cư trú cuối cùng của chị H là Phòng 107 – 108, Đ11 Tập thể V, phường T, quận Đ.

Như vậy, theo các tài liệu trên, chị H đã không còn cư trú tại quận C từ lâu, nơi cư trú cuối cùng của chị H trước khi không biết chị H đi đâu là Phòng 107- 108, Đ11 Tập thể V, quận Đ.

Tại Biên bản làm việc ngày 12/8/2019 của Tòa án nhân dân quận Đ (bút lục 01) với Tổ trưởng Tổ 7A phường T, quận Đ đã xác nhận chị H có hộ khẩu và hiện đang cư trú tại Phòng 107+108 Đ11 Tập thể V, phường T, quận Đ. Các xác nhận ngày 16/9/2019 và ngày 12/3/2020 của ông Tổ trưởng Tổ 7A phường T, quận Đ đối với đơn của bà T (bút lục 190, 503) với nội dung chị H lấy chồng từ ngày 02/10/2016, ở nhà chồng, không ở với bà T từ ngày đấy và chị H từ tháng 10/2018 cho đến nay không sinh sống tại gia đình và không xuất hiện ở tổ dân phố đều là xác nhận sau khi Tòa án quận Đ thụ lý vụ án và xác nhận theo đề nghị của bà T, có nội dung khác với xác nhận ban đầu nên không được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định sự thay đổi nội dung xác nhận của Tổ trưởng Tổ 7A phường T là có căn cứ và hợp pháp.

Như vậy, có căn cứ khẳng định tại thời điểm ngày 19/8/2019 khi Tòa án quận Đ thụ lý vụ án, chị H có nơi cư trú và nơi cư trú cuối cùng là tại địa chỉ Phòng 107 – 108, Đ11 Tập thể V, phường T, quận Đ. Do đó, xác định Tòa án nhân dân quận Đ thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 2 Luật cư trú năm 2020.

[5] Về việc Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết và xét xử vắng mặt chị H:

Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành biện pháp xác minh sự có mặt, vắng mặt của chị H tại nơi cư trú do anh H khai trong đơn khởi kiện là Phòng 107 – 108, Đ11 Tập thể V, phường T, quận Đ tại Biên bản làm việc ngày 12/8/2019 với Tổ trưởng Tổ 7A phường T (bút lục 01) đúng quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự.

Theo Khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP quy định, người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ nơi cư trú, làm việc của người bị kiện cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự.

Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự, trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Mục 9 Giải đáp nghiệp vụ số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 cũng đã hướng dẫn: Trường hợp sau khi thụ lý vụ án mà không tống đạt được văn bản tố tụng, xác minh tại địa phương thì họ đã đi khỏi nơi cư trú 6 tháng trước; đây được xác định là trường hợp người bị kiện giấu địa chỉ. Tòa án căn cứ quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Như vậy, chị H vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về, không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của chị H nên Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện tống đạt văn bản tố tụng cho người thân thích cùng nơi cư trú với chị H, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo đúng quy định tại Điều 177, 179 của Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai, chị H vẫn vắng mặt nên Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt chị H là đúng quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 192, Điểm b Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự.

[6] Trường hợp khi bà T nhận thấy chị H biệt tích 06 tháng liền trở lên thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 381 Bộ luật tố tụng dân sự, bà T có quyền yêu cầu Tòa án nơi cư trú cuối cùng của chị H thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Tuy nhiên bà T không thực hiện các biện pháp thông báo tìm kiếm; không yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định tại Khoản 2 Điều 387 Bộ luật tố tụng dân sự mà lại có đơn yêu cầu tuyên bố chị H mất tích, đồng thời yêu cầu quản lý tài sản của chị H. Như vậy, từ khi Tòa án quận Đ thụ lý vụ án cho đến khi xét xử, yêu cầu Tòa án tuyên bố chị H mất tích chưa được Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết nên không có căn cứ Tòa án cấp sơ thẩm tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự.

Theo quy định của Điều 69 Bộ luật dân sự và Điều 383 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú, tiếp tục quản lý tài sản của người bị Tòa án tuyên bố mất tích trong các việc dân sự về yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích. Như vậy, bà T không có quyền yêu cầu Tòa án quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của chị Nguyễn Thanh H trong vụ án ly hôn.

Ngày 16/3/2022, Tòa án nhân dân quận Đ cũng đã có Thông báo 382/TB- TA trả lại đơn khởi kiện của ông Nguyễn Tiến H, bà Nguyễn Thị Bích T về việc yêu cầu tuyên bố chị Nguyễn Thanh H mất tích.

[7] Theo bà T khai, chị H có mặt tại nơi cư trú từ ngày 28/02/2022. Tuy nhiên từ đó cho đến nay chị H không có ý kiến gì về việc không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm mà chỉ muốn “nêu ý kiến để bảo vệ cho bản thân và có trách nhiệm với bên thứ ba”. Như vậy là chị H không có kháng cáo quá hạn.

Theo quy định tại Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Trong vụ án không có kháng cáo, không có kháng nghị phần của bản án sơ thẩm về vấn đề hôn nhân, con chung và tài sản chung là bất động sản, động sản. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 282 Bộ luật tố tụng dân sự, những phần bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Tuy nhiên, nay chị H đã có mặt và để đảm bảo quyền lợi cho Hoa, Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn xem xét lại việc Tòa án cấp sơ thẩm xử cho anh H được ly hôn chị H là có căn cứ hay không.

Theo chị H, anh H không còn chung thủy với chị H. Còn theo anh H thì anh không còn niềm tin và thương yêu chị H. Trong thời kỳ hôn nhân nhưng chị H phải tự mình ký giấy vay tiền của nhiều người trong đó có cả người thân của anh H chứng tỏ vợ chồng không giúp đỡ nhau, không cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh tế trong gia đình. Chị H bỏ đi ở nơi khác là vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng là sống chung với nhau. Vợ chồng không còn quan tâm, chăm sóc nhau. Như vậy là anh H, chị H đã vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng quy định tại Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình. Do vợ chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xử cho anh H được ly hôn chị H là có căn cứ quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình.

[8] Anh H không yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản. Chị H vắng mặt, chưa có ý kiến, yêu cầu gì về phần tài sản. Như vậy, vấn đề chia tài sản giữa anh H, chị H chưa được giải quyết thì anh H, chị H có quyền khởi kiện chia tài sản sau khi ly hôn theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự. Phần quyết định về tài sản chung của bản án sơ thẩm không tuyên quyền khởi kiện vụ án khác của chị H đối với tài sản chung khi có yêu cầu là chưa đầy đủ.

[9] Theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự, trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây: a) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; b) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; c) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Trong vụ án, nguyên đơn không có yêu cầu giải quyết tài sản chung, nợ chung; bị đơn không có mặt tại nơi cư trư, chưa có ý kiến gì nên Tòa án không giải quyết về tài sản chung, nợ chung. Do đó, việc giải quyết vụ án chỉ còn là cho ly hôn hay không nên không có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của những người cho chị H vay tiền; yêu cầu đòi nợ tiền cho vay của những người này cũng không liên quan đến vụ án ly hôn; yêu cầu độc lập của những người cho chị H vay tiền mà được giải quyết trong cùng một vụ án ly hôn sẽ làm cho việc giải quyết vụ án lâu hơn.

Đúng ra, Tòa án cấp sơ thẩm không nên thông báo cho những người đòi nợ tiền nộp tạm ứng án sơ thẩm mà cần giải thích cho họ biết theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác. Sau khi anh H, chị H ly hôn, những người cho chị H vay tiền đều có quyền khởi kiện anh H, chị H ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu trả nợ tiền vay bằng vụ án dân sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 26, Khoản 2 Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự.

[10] Bản án sơ thẩm không xác định rõ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nào có yêu cầu độc lập. Xét thấy:

- Ngày 16/9/2019, ông Nguyễn Thạch Q (Tiến) có Đơn yêu cầu độc lập (bút lục 64). Ngày 30/12/2019, ông Nguyễn Thạch Q chết (bút lục 252). Ông Nguyễn Thạch Q có vợ là bà Nguyễn Thị K (bút lục 251, 261) và con là chị Nguyễn Hoàng Tố Q (bút lục 256, 261). Khoản 4 Điều 25 Nghị quyết 326 quy định, trường hợp những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng chung một yêu cầu độc lập thì họ phải nộp chung tiền tạm ứng án phí. Bà K và chị Tố Q là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng theo đơn yêu cầu độc lập của ông Thạch Q nên nộp chung tiền tạm ứng án phí tại biên lai ngày 20/7/2020 của bà Nguyễn Thị K (bút lục 279) là đúng.

- Ngày 08/01/2020, bà Phạm Thị Hà T có Đơn yêu cầu độc lập (bút lục 204). Ngày 20/7/2020, bà Phạm Thị Hà T nộp tạm ứng án phí sơ thẩm (bút lục 281).

- Ngày 21/8/2020, bà Nguyễn Thị Bích T có Đơn yêu cầu độc lập (bút lục 310). Ngày 14/9/2020, ông Nguyễn Tiến H và bà Nguyễn Thị Bích T có lời khai số tiền cho chị H vay là tài sản chung của vợ chồng ông bà (bút lục 316). Ngày 16/9/2020, Tòa án cấp sơ thẩm Thông báo cho ông Nguyễn Tiến H, bà Nguyễn Thị Bích T phải nộp 19.500.000đ tạm ứng án phí sơ thẩm (bút lục 337). Ngày 28/9/2020, bà T có đơn xin miễn tạm ứng án phí với lý do hoàn cảnh kinh tế khó khăn (bút lục 336) nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận nên ngày 07/10/2020 Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí lần 2 (bút lục 339). Ngày 16/10/2020, ông Nguyễn Tiến H có đơn đề nghị miễn giảm tạm ứng án phí với lý do ông là người cao tuổi (bút lục 349); bà Nguyễn Thị Bích T có đơn xin gia hạn nộp tiền tạm ứng án phí với lý do phải đi vay tiền.

Bà T không thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn xin miễn tạm ứng án phí của bà T là đúng. Trường hợp bà T gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí mà có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường nơi cư trú thì theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH, bà T được Tòa án giảm 50% mức tạm ứng án phí mà bà phải nộp. Tuy nhiên, bà T chỉ có đơn xin miễn, không có đơn xin giảm nên theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH bà T không được giảm tạm ứng án phí. Hết thời hạn trong thông báo nộp tiền tạm ứng án phí lần hai mà bà T không nộp tạm ứng án phí thì theo quy định tại Điều 202, Điểm d Khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án trả lại đơn yêu cầu độc lập của bà T.

Ông H không có đơn yêu cầu độc lập. Sau khi bà T có đơn yêu cầu độc lập đề ngày 21/8/2020 thì ngày 25/11/2020 ông H mới có giấy ủy quyền cho bà T.

Mặt khác, theo Điều 189, Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự thì nếu có yêu cầu khởi kiện độc lập thì ông H phải ký đơn yêu cầu độc lập, bà T không được ký thay ông H. Hơn nữa, đơn yêu cầu độc lập ngày 21/8/2020 bà T ký với tư cách cá nhân bà T, không ký với tư cách đồng thời là người được ông H ủy quyền. Việc Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông H nộp tạm ứng án phí là không đúng. Tuy nhiên, ông H không nộp tạm ứng án phí do là người cao tuổi, có đơn xin miễn tạm ứng án phí.

Tòa án cấp sơ thẩm không ra thông báo trả lại đơn yêu cầu độc lập của bà T hay thông báo thụ lý đơn yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác mà chỉ ra thông báo về việc thụ lý vụ án với việc đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (bút lục 358) là không đúng quy định tại Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 74, Khoản 1 Điều 146, Điều 201, Điều 202 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án cấp phúc thẩm xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án chỉ có bà Phạm Thị Hà T và những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Thạch Q (Tiến) là bà Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Hoàng Tố Q.

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 72, Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự, trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện vụ án khác. Yêu cầu độc lập được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận giải quyết trong cùng vụ án ly hôn nhưng khi xét xử lại không giải quyết theo hướng chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu mà dành quyền khởi kiện cho họ trong vụ án dân sự khác nhưng lại buộc họ phải chịu án phí là không đúng.

[11] Từ những phân tích, nhận định như trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật một số vấn đề nhưng việc thu thập chứng cứ và chứng minh đã được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật nên chỉ sửa một phần bản án sơ thẩm về xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; về quyền khởi kiện vụ án khác của chị H đối với tài sản chung, nợ chung và về án phí. Không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đề nghị của chị H về việc hủy án sơ thẩm.

Do sửa bản án sơ thẩm nên những người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp cho những người kháng cáo.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 293, Khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 19, Khoản 1 Điều 56, Điều 59, Điều 60 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Xử: Sửa Bản án sơ thẩm số 640/2021/HNGĐ-ST ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân quận Đ.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Đức H. Anh Nguyễn Đức H được ly hôn chị Nguyễn Thanh H.

2. Con chung: Không có 3. Tài sản chung (động sản, bất động sản): Anh Nguyễn Đức H không yêu cầu Tòa án giải quyết. Chị Nguyễn Thanh H có quyền khởi kiện vụ án khác về chia tài sản (bất động sản, động sản, nợ chung) sau khi ly hôn.

4. Yêu cầu độc lập của bà Phạm Thị Hà T, bà Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Hoàng Tố Q về việc đòi nợ tiền đã cho chị Nguyễn Thanh H vay không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án. Ông Nguyễn Tiến H, bà Nguyễn Thị Bích T, bà Phạm Thị Hà T, bà Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Hoàng Tố Q có quyền khởi kiện vụ án khác.

5. Án phí:

Anh Nguyễn Đức H phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm nhưng được trừ vào 300.000 đồng (Ba trăm đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 9066 ngày 19/8/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đ, thành phố Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Bích T, ông Nguyễn Tiến H, bà Phạm Thị Hà T, bà Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Hoàng Tố Q không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm.

Trả lại bà Phạm Thị Hà T số tiền 10.400.000đ (Mười triệu bốn trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí sơ thẩm và 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 14576 ngày 20/7/2020 và số 69143 ngày 15/10/2021 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đ, thành phố Hà Nội.

Trả lại bà Nguyễn Thị K số tiền 5.650.000đ (Năm triệu sáu trăm năm mười nghìn đồng) tạm ứng án phí sơ thẩm và 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 14585 ngày 20/7/2020 và số 69145 ngày 15/10/2021 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đ, thành phố Hà Nội.

Trả lại bà Nguyễn Thị Bích T số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 69144 ngày 15/10/2021 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đ, thành phố Hà Nội.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

383
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về ly hôn, tranh chấp tài sản số 58/2022/HNGĐ-PT

Số hiệu:58/2022/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 31/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về