TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 21/2021/HNGĐ-PT NGÀY 14/05/2021 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON KHI LY HÔN
Ngày 14 tháng 5 năm 2021 tại Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 20/2021/TLPT-HNGĐ ngày 08 tháng 4 năm 2021 về việc: “Ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 21/2021/QĐ-PT ngày 04 tháng 5 năm 2021 giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Chị Trần Thị H, sinh năm 1993.
Nơi ĐKHKTT: Thôn x, xã T, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Nơi ở hiện nay: Thôn Đ, xã M, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Có mặt tại phiên tòa).
* Bị đơn: Anh Thiều Quang H, sinh năm 1990.
Địa chỉ: Thôn x, xã T, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Có mặt tại phiên tòa).
* Người kháng cáo: Bị đơn, anh Thiều Quang H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Trong đơn khởi kiện đề ngày 29/10/2020, tại bản tự khai ngày 20/11/2020 cũng như trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn chị Trần Thị H trình bày:
Về hôn nhân: Chị Trần Thị H và anh Thiều Quang H kết hôn trên cơ sở tự nguyện có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá vào ngày 08/01/2015. Sau khi kết hôn vợ chồng chung sống hoà thuận hạnh phúc được 05 tháng thì anh H đi xuất khẩu lao động; Từ khi đi xuất khẩu lao động anh H không gửi tiền về cho vợ con, vợ chồng không tin tưởng nhau về kinh tế nên tình cảm phai nhạt dần, đầu năm 2018 chị H bế con về nhà ngoại ở, hai bên không quan tâm gì đến nhau. Nay xét thấy tình cảm vợ chồng không còn, đời sống chung vợ chồng không thể tiếp tục duy trì, chị đề nghị Tòa án cho chị được ly hôn anh Thiều Quang H.
Về con chung: Vợ chồng có 01 con chung là cháu Thiều Quang Nam K, sinh ngày 13/7/2015. Ly hôn chị H yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng cháu K, không yêu cầu anh H phải cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị.
Về tài sản chung: Chị H không yêu cầu Toà án giải quyết.
* Tại bản tự khai ngày 20/11/2020, đơn đề nghị ngày 22/01/2021 cũng như quá trình giải quyết tại Tòa án, bị đơn là anh Thiều Quang H trình bày:
Anh và chị Trần Thị H kết hôn trên cơ sở tự nguyện như chị H trình bày là đúng, sau khi kết hôn và sinh con được 05 tháng thì anh đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc; Khi ở Hàn Quốc anh có gọi điện về bảo chị H đi học tiếng Hàn Quốc để đi xuất khẩu lao động, vợ chồng có cơ hội gần gũi nhau; Trong thời gian học tiếng Hàn với những người khác giới, chị H đã thay lòng đổi dạ, tự ý bế con về bên ngoại ở. Khi anh đi xuất khẩu lao động về được 03 ngày chị H có xuống nhà anh yêu cầu ly hôn, anh đã phân tích tác hại của việc ly hôn ảnh hưởng đến con cái sau này, nhưng chị H vẫn làm đơn ly hôn nhưng anh không đồng ý; Tại văn bản đề ngày 25/02/2021 anh H đồng ý ly hôn với chị H.
Về con chung: Vợ chồng có 01 con chung là Thiều Quang Nam K, sinh ngày 13/7/2015; Nếu ly hôn anh H mong muốn được nuôi con chung, không yêu cầu chị H cấp dưỡng nuôi con chung cùng anh. Anh H cho rằng trong thời gian cháu K ở bên ngoại gia đình bên nội thường xuyên lên đón cháu K về bên nội, mỗi lần lên, xuống đều có quà, quần áo, sữa tốt nhất về cho cháu K, anh 02 lần gửi 10 triệu về cho con. Hiện tại anh làm lái xe thu nhập 15.000.000đ/tháng, có đất đai nhà cửa bố mẹ cho trước thời kỳ hôn nhân nên anh H có đủ điều kiện nuôi cháu K đề nghị Tòa án giao cháu K cho anh trực tiếp nuôi dưỡng.
Tại Bản án sơ thẩm số 04/2021/HNGĐ-ST ngày 02/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã căn cứ khoản 1 Điều 56, các Điều 58; Điều 81, Điều 82 và Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình; khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 6; Điều 9; điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Xử: Về hôn nhân: Cho chị Trần Thị H được ly hôn anh Thiều Quang H. Về con chung: Giao con chung là Thiều Quang Nam K, sinh ngày 13/7/2015 cho chị Trần Thị H trực tiếp nuôi dưỡng.
Ghi nhận sự tự nguyện của chị H không yêu cầu anh H cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị.
Ngoài ra Bản án còn tuyên về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con chung; về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xử sơ thẩm, ngày 05/3/2021, bị đơn anh Thiều Quang H làm đơn kháng cáo, với nội dung: Đề nghị cấp phúc thẩm giải quyết cho anh được nuôi con chung là cháu Thiều Quang Nam K, sinh ngày 13/7/2015.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn chị Trần Thị H không rút đơn khởi kiện; bị đơn anh Thiều Quang H vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến:
Về thủ tục tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán: Chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) trong quá trình giải quyết vụ án. Hội đồng xét xử (HĐXX) đã chấp hành đúng các quy định của BLTTDS về phiên tòa phúc thẩm. Việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án cũng như tại phiên tòa các đương sự đã thực hiện đúng các quy định tại Điều 70, Điều 71, Điều 72 và Điều 234 BLTTDS.
Về nội dung: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thanh Hóa đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS quyết định theo hướng: Không chấp nhận kháng cáo của anh H, giữ nguyên Bản án sơ thẩm 04/2021/HNGĐ-PT ngày 02/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định:
[1] Về tố tụng: Đây là vụ án Hôn nhân và gia đình có con chưa thành niên, quá trình giải quyết vụ án, do các bên đương sự không thống nhất được các vấn đề tranh chấp trong vụ án nên Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp theo khoản 3 Điều 208 BLTTDS và đã thông báo kết quả thu thập tài liệu chứng cứ cho các bên đương sự cũng như Viện kiểm sát cùng cấp được biết.
[2] Xét về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo:
Sau khi xét xử sơ thẩm bị đơn kháng cáo và nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo đúng quy định tại Điều 272, Điều 273 và 276 BLTTDS. Quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa hôm nay đương sự không rút đơn kháng cáo, không rút đơn khởi kiện. Vì vậy, kháng cáo của bị đơn được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
[3] Xét kháng cáo của anh Thiều Quang H về yêu cầu được chăm sóc, nuôi dưỡng con chung cháu Thiều Quang Nam K, HĐXX nhận thấy:
Anh H, chị H có 01 con chung là Thiều Quang Nam K, sinh ngày 13/7/2015, cả hai anh, chị đều có nguyện vọng mong muốn được nuôi con chung sau khi ly hôn; HĐXX thấy rằng: Hiện tại anh H và chị H đều có thu nhập ổn định, chị H làm công nhân, anh H hiện làm môi giới kinh doanh nhà đất, thu nhập của chị H từ 8.000.000đ đến 9.000.000đ/1 tháng, anh H có thu nhập cao hơn và đã có nhà cửa bên nội cho.
Tuy nhiên nhận thấy cháu K từ nhỏ ở với chị H, chị H là người có công chăm sóc cháu nhiều hơn, hơn nữa bố mẹ chị H cũng có cam kết hỗ trợ chị H trong việc nuôi nấng, chăm sóc hỗ trợ kinh tế cho chị H nuôi cháu K, việc khó khăn về chỗ ở là khắc phục được; Thấy rằng chị H đi làm dâu cũng có những thiệt thòi nhất định, khi ly hôn chị không yêu cầu gì về kinh tế mà chỉ có mong muốn duy nhất là được nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn, để đảm bảo quyền lợi của chị H.
Thực tế từ tháng 7/2015 đến cuối năm 2020 cháu K ở cùng chị H, chị trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cháu phát triển bình thường, nên chị H đã chứng minh chị có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con (Từ cuối năm 2020, gia đình anh H đón cháu về nhà bố mẹ đẻ chơi và giữ cháu ở lại cho đến nay), hơn nữa hiện cháu K mới hơn 05 tuổi nên việc giao cháu cho chị H chăm sóc, nuôi dưỡng sẽ phù hợp hơn về tâm, sinh lý của cháu. Quyền được trực tiếp nuôi con là quyền chính đáng của bố và mẹ. Tuy nhiên để không bị xáo trộn và đảm bảo sự phát triển ổn định, bình thường về mọi mặt cho con trẻ, khi giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng phải đảm bảo mọi quyền lợi tốt nhất cho con và đúng quy định pháp luật nên cần căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình tiếp tục giao cháu K cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, nên không chấp nhận kháng cáo của anh H. HĐXX giữ nguyên phần giao con của cấp sơ thẩm.
Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử nhận thấy kháng cáo của bị đơn, anh Thiều Quang H không có căn cứ để chấp nhận. Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa tại phiên tòa là có cơ sở.
[4] Về án phí: Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên anh H phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308; Khoản 1 Điều 28; Điều 38 và Điều 148 Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Căn cứ khoản 1 Ðiều 56; Điều 81; Điều 82 và Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn anh Thiều Quang H. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 04/2021/HNGĐ-PT ngày 02/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Về phần con chung, cụ thể:
Tiếp tục giao cháu Thiều Quang Nam K, sinh ngày 13/7/2015 cho chị Trần Thị H trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh H không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung cùng chị H. Anh H có quyền qua lại trông nom, chăm sóc, giáo dục con chung không ai được cản trở.
Án phí phúc thẩm: Anh Thiều Quang H phải nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) do kháng cáo không được chấp nhận, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) anh H đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2018/0007427 ngày 12/3/2021 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn số 21/2021/HNGĐ-PT
Số hiệu: | 21/2021/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 14/05/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về