TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
BẢN ÁN 06/2018/HNGĐ-PT NGÀY 16/07/2018 VỀ LY HÔN
Ngày 16 tháng 7 năm 2018 tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số:07/2018/TLPT- HNGĐ ngày 04 tháng 6 năm 2018 về việc: Ly hôn.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2018/HNGĐ-ST ngày 27 tháng 4 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố B bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 06/2018/QĐ-PT ngày 29 tháng 6 năm 2018 giữa các đương sự:
Nguyên đơn:Ông Ma Văn Đ, sinh năm 1951, có mặt.
Bị đơn: Bà La Thị C, sinh năm 1952, có mặt.
Cùng địa chỉ: Tổ 10A, phường Đ, thành phố B, tỉnh Bắc Kạn.
Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Ma Văn Đ.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm nội dung vụ án được tóm tắt như sau Nguyên đơn ông Ma Văn Đ trình bày:
Ông và bà La Thị C kết hôn ngày 10/01/1977 trên cơ sở tự nguyện và có đăng ký kết hôn hợp pháp tại UBND xã D, huyện B, tỉnh Bắc Kạn. Quá trình chung sống 40 năm đã có 02 con chung là Ma Thị Tú L sinh năm 1977 và Ma Văn H sinh năm 1981, nay các con đã lớn và có nghề nghiệp ổn định. Giữa ông và bà C có nhiều mâu thuẫn do tính tình không hợp, bà C thường hay dựng chuyện nói xấu, bôi nhọ ông từ nhiều năm và đuổi ông ra khỏi nhà từ tháng 01 năm 2013. Bà C thường chê ông hôi hám, ngủ hay nghiến răng, không tôn trọng ông nay ông không chịu đựng nổi nữa nên xin được ly hôn với bà C.
Về con chung đã trưởng thành ông không có ý kiến gì. Về tài sản chung ông không yêu cầu Tòa án giải quyết Về nợ chung không có
Bị đơn bà La Thị C trình bày:
Bà và ông Ma Văn Đ kết hôn và chung sống với nhau từ năm 1977, đến nay ông bà có 02 con chung là Ma Thị Tú L sinh năm 1977 và Ma Văn H sinh năm 1981, các con đã trưởng thành, có công ăn việc làm và đã có gia đình riêng. Việc bà và ông Đ kết hôn là tự nguyện, không ai ép buộc, qua 40 năm chung sống gia đình luôn hòa thuận, không có bạo lực gia đình, ông bà luôn tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc trong gia đình cũng như nuôi dạy con cái. Năm 2012 ông Đ tham gia bán hàng đa cấp và đến nhà bà Đinh Thị Q, trú tại: Thôn T, xã N, thành phố B, tỉnh Bắc Kạn để mời bà Q cùng tham gia. Từ đó ông Đ không hay về nhà ăn cơm, khi về hay cáu gắt, gia đình biết ông Đ quan hệ không bình thường với bà Q đã can ngăn nhưng ông không nghe, đến năm 2013 ông Đ bỏ nhà đi ở hẳn cùng bà Q. Đầu năm 2017 ông Đ có đơn ly hôn gửi Tòa án nhưng sau đó đã rút đơn về, nay ông tiếp tục có đơn yêu cầu ly hôn với bà, bà không đồng ý vì bà thấy tình cảm giữa bà và ông Đ vẫn còn, hơn nữa cả hai nay đều đã già , mâu thuẫn vợ chồng không có gì trầm trọng, các con và anh em trong gia đình đều quý mến ông Đ, việc ông theo bà Q chỉ là nhất thời nên bà tha thiết yêu cầu Tòa án bác đơn của ông Đ để gia đình được đoàn tụ.
Các vấn đề về con cái, tài sản chung, nợ chung bà không có ý kiến gì.
Sau khi hòa giải không thành, ngày 27/4/2018 Tòa án nhân dân thành phố B đã mở phiên tòa xét xử và quyết định:
Áp dụng Điều 28, 35,39,147 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Bác toàn bộ đơn khởi kiện của ông Ma Văn Đ đối với bà La Thị C về việc ly hôn.
Ngoài ra án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 07/5/2018 ông Ma Văn Đ có đơn kháng cáo không nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm. Ông yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết cho ông được ly hôn với bà La Thị C
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn: Ông Đ vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo là được ly hôn với bà C.
Bị đơn: Bà C vẫn tha thiết mong ông Đ suy nghĩ lại quay về đoàn tụ để gia đình có đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cái.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến:
Về thủ tục tố tụng: Việc chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng từ khi thụ lý vụ án đến trước khi nghị án và của những người tham gia tố tụng là đúng quy định của pháp luật.
Về nội dung kháng cáo: Tình cảm giữa ông Đ, bà C là vẫn còn bởi lẽ mâu thuẫn xuất phát từ lời nói của bà C dẫn đến ông Đ tự ái nên đã bỏ nhà đi và có đơn xin ly hôn, không có mâu thuẫn gì sâu xa và chưa đến mức trầm trọng, việc hàn gắn tình cảm giữa bà C, ông Đ là hoàn toàn có thể nên Toà án cấp sơ thẩm bác đơn xin ly hôn của ông Đ là có căn cứ. Đề nghị hội đồng xét xử bác đơn kháng cáo của ông Đ, giữ nguyên án sơ thẩm
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX (Hội đồng xét xử) nhận định:
[1] Về hình thức: Xét kháng cáo của đương sự làm trong hạn luật định được coi là hợp lệ và được cấp phúc thẩm xem xét.
[2] Về nội dung thể hiện:
[2.1] Ông Ma Văn Đ và bà La Thị C kết hôn năm 1977 trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn hợp pháp tại UBND xã D, huyện B, tỉnh Bắc Thái (nay là xã D, thành phố B, tỉnh Bắc Kạn). Quá trình chung sống vợ chồng hạnh phúc, ông bà có 02 người con chung là Ma Thị Tú L và Ma Anh H, hiện các con đã trưởng thành và có gia đình riêng. Mâu thuẫn vợ chồng phát sinh từ năm 2013, nguyên nhân mâu thuẫn theo như ông Đ là do vợ chồng tính tình không hợp nhau, bà C thường chê ông hôi hám, ngủ ngáy, nghiến răng, dựng chuyện, bôi xấu ông và đuổi ông ra khỏi nhà từ tháng 1 năm 2013 đến nay. Ông Đ đã làm đơn ly hôn nhưng sau đó lại rút đơn về đoàn tụ [2.2] Còn theo bà C: Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng không có gì lớn, nguyên nhân dẫn đến việc ông Đ bỏ nhà đi là từ khi ông Đ tham gia bán hàng đa cấp vào năm 2012 thì có quen biết bà Đinh Thị Q nên đã nảy sinh tình cảm với bà Q, mặc dù bà đã khuyên can nhiều lần nhưng ông Đ vẫn bỏ nhà đi sống chung với bà Q từ năm 2013 cho đến nay. Bà không đồng ý ly hôn vì bà vẫn còn tình cảm với ông Đ ông bà đều đã già, bà mong muốn được đoàn tụ để chung sống cùng con cháu.
Quá trình giải quyết vụ án ông Đ thừa nhận ông bỏ nhà đi và sống cùng nhà với bà Q nhưng chỉ là ở nhờ chứ không phải sống chung như vợ chồng, nguyên nhân ông đến ở nhờ tại nhà bà Q là vì bà C thường nói xấu và đuổi ông ra khỏi nhà chứ giữa ông và bà C cũng không có việc cãi, chửi nhau, không có bạo lực gia đình, quá trình mâu thuẫn vợ chồng hai bên gia đình, tổ phố chưa có biện pháp gì phải can thiệp, cả hai bên đều không ai vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng Hai con của ông bà là chị Ma Thị Tú L và anh Ma Anh H tại bản ghi ý kiến ngày 02/7/2018 đều khẳng định: Anh chị được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, không có bạo lực gia đình. Chị L và anh H đều không đồng ý bố mẹ ly hôn, mong muốn bố mẹ đoàn tụ để các con được chăm sóc bố,mẹ lúc tuổi già, ốm đau và có một gia đình hạnh phúc có đủ ông, bà, bố mẹ.
Tại phiên tòa phúc thẩm bà C vẫn tha thiết mong được đoàn tụ, bà đã nhận ra những khuyết điểm của mình khi trách mắng ông Đ, bà có lời xin lỗi và mong ông Đ tha lỗi, quay về đoàn tụ để gia đình đầy đủ hạnh phúc cùng con cháu.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình thì: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” Đối chiếu với quy định nêu trên, HĐXX thấy hôn nhân giữa vợ chồng ông Đ, bà C chưa đến mức trầm trọng, tình cảm vợ chồng vẫn còn, đời sống chung vẫn có thể tồn tại được vì quyền lợi của các con, các cháu, yêu cầu đoàn tụ của bà C là hoàn toàn chính đáng. Do vậy việc Toà án cấp sơ thẩm bác đơn xin ly hôn của ông Ma Văn Đ để hai bên đoàn tụ là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự cũng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ gì mới để chứng minh mâu thuẫn vợ chồng giữa ông Đ, bà C là trầm trọng. Do đó yêu cầu kháng cáo của ông Ma Văn Đ là không có cơ sở để chấp nhận. Cần bác kháng cáo.
Xét ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn thấy có căn cứ . Cần chấp nhận.
Ông Ma Văn Đ phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 308, Điều 28, 35,39,147, 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án Áp dụng: Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình;
1. Không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Ma Văn Đ 2. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số:02/2018/HNGĐ-ST ngày 27 tháng 4 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố B.
Tuyên xử:
Bác toàn bộ đơn khởi kiện của ông Ma Văn Đ đối với bà La Thị C về việc ly hôn.
3.Về án phí:
Ông Ma Văn Đ phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí ly hôn sơ thẩm, được trừ vào 300.000đ tạm ứng án phí đã nộp ngày 17/10/2017 theo biên lai thu số 05387 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.
Ông Ma Văn Đ phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào 300.000đ tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm ông Đ đã nộp theo biên lai thu số 05207 ngày 17/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị “Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự” Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về ly hôn số 06/2018/HNGĐ-PT
Số hiệu: | 06/2018/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Kạn |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 16/07/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về