Bản án về ly hôn số 03/2023/HNGĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 03/2023/HNGĐ-PT NGÀY 16/06/2023 VỀ LY HÔN

Ngày 16 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 05/2023/TLPT- HNGđúngày 06 tháng 02 năm 2023 về việc “Ly hôn”.

Do bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số: 15/2022/HNGĐ-ST ngày 21/12/2022 của Tòa án nhân dân huyện Đ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 13/2023/QĐ-PT ngày 27/3/2023, Thông báo số: 59/TB-TA ngày 07/4/2023 và Quyết định Hoãn phiên tòa số: 23/2023/QĐ-PT ngày 04/5/2023; Quyết định Hoãn phiên tòa số: 27/2023/QĐ-PT ngày 02/6/2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Phạm Đức T sinh năm 1961. Nơi ĐKHKTT: Đội C, xã T, huyện Đ, tỉnh Đ. Hiện tr tại: Xóm X, Thôn H, Xã T, huyện Đ, tỉnh Thái Bình.

- Bị đơn: Bà Đào Thị M, sinh năm 1962. Địa chỉ: Đội C, xã T, huyện Đ, tỉnh Đ.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Vũ Văn L và ông Vũ Quang B- Luật sư công tác tại: Công ty Luật TNHH H; địa chỉ: Số A, ngõ M, đường N, phường L, quận T, thành phố Hà Nội.

- Người háng cáo: Bà Đào Thị M - Là bị đơn trong vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà M, ông L có mặt; ông T vắng mặt có lý do.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 06/5/2022 và quá trình giải quyết vụ án ở Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn ông Phạm Đức T trình bày:

- Về hôn nhân: Ông Phạm Đức T kết hôn với bà Đào Thị M vào năm 1988, đăng ký kết hôn tại: Uỷ ban nhân dân thị trấn Đ, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Đ), hai người kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, ông T và bà M chung sống với nhau hòa thuận hạnh phúc được một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến đánh cãi, chửi nhau. Do quan điểm sống bất đồng nên mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng; đã nhiều năm hai người không còn quan tâm, nói chuyện với nhau, từ năm 2015 thì sống ly thân, hiện nay ông T sinh sống tại xóm X, thôn H, xã T, huyện Đ, tỉnh Thái Bình, thi thoảng có việc thì ông T mới lên tỉnh Đ. Tuy nhiên, những lần ông T về nhà tại: Thôn C, xã T thì giữa bà M và ông T luôn xảy ra cãi vã, không ăn cơm và sinh hoạt cùng nhau. Năm 2021, ông T đã gửi đơn khởi kiện yêu cầu xin ly hôn với bà M tại Tòa án nhân dân huyện Đ, sau khi được Tòa án hòa giải, ông T đã rút đơn khởi kiện để vợ chồng đoàn tụ nhưng mâu thuẫn ngày càng trầm trọng hơn; vợ chồng vẫn sống ly thân và xảy ra xô xát 03 lần. Năm 2022, ông T lên tỉnh Đ 02 lần thì cả 02 lần bà M không về mở cửa nhà, ông T phải sang nhà anh N, chị Th là hàng xóm ăn cơm, ngủ nhờ và mượn xe để đi lại. Hiện tình cảm của ông T với bà M không còn, cuộc sống không có hạnh phúc nên ông T đề nghị Tòa án giải quyết cho ông được ly hôn với bà M.

- Về con chung: Ông T và bà M có 03 con chung là Phạm Đào Thu L, sinh năm 1988; Phạm Thu T, sinh năm 1993 và Phạm Thu N, sinh năm 1994. Hiện các con đã trưởng thành và lập gia đình nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Con riêng: Ông T có một con riêng tên Phạm An C, sinh ngày 29/8/2017.

- Về tài sản chung, nợ chung: Ông T không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại bản tự khai ngày 15/5/2022, Biên bản ghi lời khai ngày 26/10/2022 và quá trình giải quyết vụ án bị đơn bà Đào Thị M trình bày:

- Về hôn nhân: Bà Đào Thị M kết hôn với ông Phạm Đức T ngày 10/4/1988, có đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân thị trấn Đ, tỉnh Lai Châu cũ, hai người kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, ông T và bà M chung sống với nhau hòa thuận hạnh phúc không có mâu thuẫn gì lớn. Ông T đi làm ăn xa nhà từ năm 2010, đến năm 2015 thì ông T đi ngoại tình với bà Hà Thị Â, có con riêng. Khi biết ông T ngoại tình có con riêng, bà M vẫn tha thứ chấp nhận, khuyên ông T đưa con riêng về cùng bà M chăm sóc nhưng ông T vẫn chung sống với bà Â. Do đó, bà M và ông T đã sống ly thân từ tháng 06 năm 2020 cho đến nay.

Nguyên nhân mâu thuẫn là do ông T đi ngoại tình, mỗi lần về nhà thì vợ chồng lại xảy ra cãi vã, có lần còn đánh nhau; cụ thể: Vào ngày 30 tết âm lịch năm 2020, chuẩn bị đón tết năm 2021, bà M có mua hoa quả, chuẩn bị mâm cơm thắp hương tại ngôi nhà ở tỉnh Thái Bình nhưng ông T vô cớ vứt hết đồ của bà M ra sân, dắt xe máy của bà M ra sân, cầm bình nước nóng ném vào mặt bà M (làm xước da mặt); Còn việc cãi vã, xô xát (tại ngôi nhà ở thôn C, xã T, huyện Đ) thì gia đình nào cũng có. Hiện ông T và bà M đã lớn tuổi, bà M mong muốn cuộc sống bình yên nên bà không đồng ý ly hôn, bà M nghĩ vợ chồng chỉ nên sống ly thân, ông T cứ ở tỉnh Thái Bình, bà M ở tỉnh Đ, khi nào có công việc thì có nơi chốn để đi về.

Về con chung của vợ chồng và con riêng của ông T: Bà M thống nhất lời khai như nội dung ông T trình bày.

Về tài sản chung, nợ chung: Không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 15/2022/HNGĐ-ST ngày 21/12/2022 của TAND huyện Đ, tỉnh Đ quyết định:

Căn cứ Điều 51, khoản 1 Điều 56, Điều 19, Điều 21 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đức T với bà Đào Thị M.

1. Về hôn nhân: Cho ông Phạm Đức T được ly hôn bà Đào Thị M.

2. Về con chung: Ông T và bà Mcó 03 con chung là Phạm Đào Thu L, sinh năm 1988; Phạm Thu T, sinh năm 1993 và Phạm Thu N, sinh năm 1994. Hiện các con đã trưởng thành, khỏe mạnh, có năng lực pháp luật, hành vi đầy đủ và có gia đình nên không đặt ra vấn đề nuôi dưỡng, cấp dưỡng.

Về con riêng: Không yêu cầu Tòa án giải quyết.

3. Về tài sản, công sức, nợ chung: Không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 30/12/2022, Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Đ nhận được đơn kháng cáo của bà Đào Thị M là bị đơn trong vụ án, kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, bà M đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện xin ly hôn của ông Phạm Đức T.

Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã lấy lời khai của ông T, tại buổi làm việc ông T vẫn khẳng định ông không còn tình cảm với bà M, hôn nhân không thể hàn gắn được và đề nghị được ly hôn. Tòa án cũng đã triệu tập bà Â lên làm việc, tuy nhiên vì điều kiện công tác nên bà Â đã gửi văn bản ghi ý kiến với nội dung: Bà Â có quen ông Phạm Đức T trong một thời gian, sau đó bà Â phát hiện mình có con nhưng lúc đó cái thai đã lớn nên bà Â quyết định giữ lại. Trong thời gian bà Â sinh con và nuôi con thì ông T đi làm ở các tỉnh rất xa, có khi 6 tháng đến 01 năm mới tới thăm con một lần, mỗi lần ông T về thăm con rồi đi luôn chứ không ở chung với hai mẹ con. Bà Â luôn vun vén cho ông T lo xây dựng gia đình hạnh phúc với bà M và cũng chưa bao giờ yêu cầu ông T phải ly hôn với bà M để lấy bà Â.

Năm 2021, do bà Â chuyển công tác về đơn vị khác xa nhà hơn vì thế ông T xin đón con về nuôi dưỡng cho tiện chăm sóc. Từ đó đến nay ông T cũng không yêu cầu bà Â gửi tiền cấp dưỡng nuôi con. Việc ly hôn giữa ông Phạm Đức T và bà Đào Thị M hoàn toàn không liên quan gì đến bà Â. Bà Â đề nghị không tham gia tố tụng và nếu có giấy mời thì cũng xin phép được vắng mặt trong các buổi làm việc và các phiên xét xử.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đào Thị M vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà M đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo của bà M. Ông Phạm Đức T xin vắng mặt tại phiên tòa và giữ nguyên yêu cầu xin ly hôn, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đ giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ phát biểu tại phiên tòa: Đơn kháng cáo của bà M nộp trong hạn luật định như vậy kháng cáo là hợp lệ. Quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm,Thẩm phán chủ tọa và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Qua xem xét một cách toàn diện những lời trình bày và các chứng cứ do các đương sự cung cấp, thấy rằng: Cả ông T và bà M đều đã có những hành vi đánh, chửi, x c phạm danh dự, nhân phẩm đối phương, các hành vi này được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, đồng thời là hành vi vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng quy định tại Điều 21 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Việc ông T ngoại tình, việc vợ chồng đã sống ly thân từ nhiều năm, không còn sự tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; Tất cả các hành vi đó đều vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng quy định tại Điều 19 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và khiến cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; ông T cũng đã làm đơn xin ly hôn đến lần thứ hai, sau khi rút đơn xin ly hôn lần thứ nhất, hai bên đã không thể hàn gắn, tình trạng hôn nhân vẫn không được cải thiện. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, có đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn Phạm Đức T.

Về kiến nghị của bà M đối với cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân môt vợ một chồng của ông T: Bà M cho rằng ông T đã chung sống như vợ chồng với bà Hà Thị Â một thời gian dài và bà cho rằng chữ ký đứng tên Phạm Hiển Đ trong Giấy đăng ký kết hôn với bà Â là chữ ký của ông T nhưng bà không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh. Vì vậy, kiến nghị của bà M không có căn cứ để xem xét trong vụ án này. Nếu bà M cho rằng ông T đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì có quyền làm đơn gửi đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để đề nghị xem xét, giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự.

Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đ đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Đ căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bà Đào Thị M; Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 15/2022/HNGĐ-ST ngày 21/12/2022 của TAND huyện Đ và miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bà M.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] V tố tụng:

[1.1] Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Đức T về việc xin ly hôn với bà Đào Thị M, Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Đ xác định quan hệ pháp luật là “Ly hôn”, tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án là đúng quy định tại khoản 1 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Đơn kháng cáo của bà Đào Thị M được nộp trong thời hạn luật định, có nội dung và hình thức đảm bảo theo quy định tại Điều 272, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự nên việc kháng cáo là hợp lệ.

[1.2] Ngày 13/6/2023, Tòa án nhận được đơn của ông Phạm Đức T xin phép được vắng mặt tại phiên tòa. Do vậy, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định xét xử vắng mặt ông T.

[1.3] Đối với yêu cầu của bà M và Luật sư về việc tạm ngừng phiên tòa trong phần tranh luận; xét thấy, các tài liệu chứng cứ có hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm đã có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, việc tạm ngừng phiên tòa là không có cơ sở theo quy định tại Điều 259, 304, của Bộ luật tố tụng dân sự, do đó yêu cầu của bà M và luật sư không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2] V nội dung kháng cáo của bị đơn Đào Thị M:

Bà M cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét, nhận định về việc ông T có con riêng và có mối quan hệ bất chính với bà Â, đăng ký kết hôn giả với bà Â là hôn nhân trái pháp luật, bà M đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu xin ly hôn của ông T.

Xét thấy, tại Tòa án cấp sơ thẩm bà M đã xuất trình các tài liệu về việc ông T có quan hệ với bà Â và có 01 con riêng, ông T cũng thừa nhận việc ông có con riêng với bà Â. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, ông T trình bày mặc dù ông có quan hệ với bà Â và có con riêng, tuy nhiên trong Giấy đăng ký kết hôn và trong Giấy khai sinh của cháu Phạm An C thì ở mục người chồng, người cha ghi tên là Phạm Hiển Đ, sinh năm 1962 không phải ghi tên Phạm Đức T, sinh năm 1961.

Việc bà Â có con với ông T thì bà Â đã bị xử lý kỷ luật, khai trừ Đảng, cách chức Hiệu trưởng, chuyển công tác. Hiện tại thì ông T cũng đã đón cháu Phạm An C ra tỉnh Thái Bình để chăm sóc, nuôi dưỡng từ tháng 01 năm 2021. Tuy nhiên, ông T khẳng định tình cảm của ông với bà M đã hết, không thể chung sống hạnh phúc; ông T vẫn đề nghị Tòa án giải quyết cho ông được ly hôn với bà M.

Bà M công nhận: Mâu thuẫn giữa vợ chồng đã kéo dài trong nhiều năm, từ tháng 6/2020 đến nay khi ông T chuyển về tỉnh Thái Bình sinh sống thì hai ông bà cũng ít khi gọi điện hỏi thăm, không quan tâm đến nhau, không tôn trọng nhau, mỗi khi gặp nhau thì hai người lại xảy ra cãi chửi nhau, các con và họ hàng cũng đã nhiều lần khuyên ông T về chung sống với bà M nhưng ông T không đồng ý. Tháng 5/2023, bà M bị thoái hóa khớp vai, tràn dịch khớp vai phải về Hà Nội điều trị, tuy nhiên ông T không gọi điện hỏi thăm, động viên, không lên chăm sóc bà M.

Trong những lần lên tỉnh Đ năm 2023, ông T cũng không về ngôi nhà ở thôn C, xã T ăn, ở sinh hoạt cùng bà M, ông T ở đâu thì bà M không biết, điều đó chứng tỏ tình nghĩa vợ chồng giữa ông T và bà M không còn nữa.

Mặc dù nguyên nhân của mâu thuẫn vợ chồng được ông T và bà M trình bày khác nhau, nhưng căn cứ vào ý kiến trình bày của các đương sự và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cũng như ý kiến trình bày của bà M tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng có đủ cơ sở kết luận ông T và bà M đã sống ly thân với nhau, không còn sự tôn trọng, quan tâm đến nhau; đây là lần thứ hai ông T nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án cho thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng đã thực sự trầm trọng, vợ chồng không còn yêu thương, tin tưởng, không còn quan tâm, chăm sóc cho nhau…vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo quy định tại Điều 17, Điều 19 của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Xét tình cảm vợ chồng phải xuất phát từ hai phía, cùng có nghĩa vụ thương yêu, tôn trọng, cùng chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Đến nay, tình cảm của ông T với bà M không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, việc ông T đề nghị được ly hôn và Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông T là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình, do đó nội dung kháng cáo của bà M về việc yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu xin ly hôn của ông T để vợ chồng bà được đoàn tụ là không có căn cứ để chấp nhận.

Trong phần tranh luận tại phiên tòa, Bà M kiến nghị xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng của ông T, xét thấy bà M chưa cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của bà là có căn cứ và nội dung kiến nghị không nằm trong phạm vi xét xử phúc thẩm nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết trong vụ án này.

Từ những phân tích đánh giá nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa, giữ nguyên Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 15/2022/HNGĐ-ST ngày 21/12/2022 của TAND huyện Đ, tỉnh Đ là có căn cứ nên được chấp nhận.

Về các con chung của ông T và bà M hiện đã trưởng thành, có gia đình riêng và sống độc lập, các đương sự không yêu cầu giải quyết vấn đề nuôi dưỡng, cấp dưỡng nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

Con riêng của ông T với bà Â là cháu Phạm An C, sinh ngày 29/8/2017, hiện do ông T trực tiếp nuôi dưỡng, ông T không yêu cầu bà Â phải cấp dưỡng nuôi con.

Về tài sản chung, nợ chung: Các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông T là người cao tuổi thuộc diện miễn án phí và có đơn xin miễn áp phí. Tòa án cấp sơ thẩm miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông T là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

[4] Về án phí phúc thẩm: Mặc dù nội dung kháng cáo của bà Đào Thị M không được chấp nhận nhưng bà M là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận miễn án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án ly hôn cho bà M theo quy định tại khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm c khoản 1 Điều 24, điểm a khoản 5 Điều 27, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Căn cứ vào Điều 17, Điều 19, khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bà Đào Thị M; Giữ nguyên Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 15/2022/HNGĐ-ST ngày 21/12/2022 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Đ.

Tuyên xử:

1.1.Về hôn nhân: Cho ly hôn giữa ông Phạm Đức T và bà Đào Thị M.

1.2. Về con chung, con riêng: Các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết.

1.3. Về tài sản và nợ chung: Các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Về án phí:

- Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Phạm Đức T;

- Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bà Đào Thị M.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (16/6/2023).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

96
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về ly hôn số 03/2023/HNGĐ-PT

Số hiệu:03/2023/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:16/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về