Bản án về kiện đòi tài sản số 64/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

 BẢN ÁN 64/2023/DS-PT NGÀY 28/09/2023 VỀ KIỆN ĐÒI TÀI SẢN

Trong các ngày 20/9/2023 và ngày 28/9/2023, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 45/2023/DS-PT ngày 11/8/2023 về việc Kiện đòi tài sản; Tranh chấp hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc, khai thác đất rừng và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 15/2023/DS-ST ngày 21/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 57/2023/QĐ-PT ngày 22/8/2023;

giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV T11; địa chỉ: số D H, K, T, Hà Nội;

đại diện theo pháp luật: Ông Trần Doãn S; chức vụ: Giám đốc; có mặt.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hà C; địa chỉ: Ngõ G, phường M, quận H, thành phố Hà Nội; có mặt Bị đơn: Anh Lê Quốc T, sinh năm 1971; địa chỉ: Tổ A, phường H, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tiến L, sinh năm 1980; địa chỉ: tổ A, phường T, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập:

Bà Lương Thị C1; sinh năm 1950; địa chỉ: Xóm C, xã P, TP ., tỉnh Thái Nguyên; đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tiến L, sinh năm 1980; địa chỉ: Tổ A, phường T, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T, bà C1: Ông Nguyễn Văn T1, Tư vấn viên Trung tâm T12, V; địa chỉ: Số F, ngõ A, đường T, quận C, TP . Hà Nội; có mặt Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Đinh Văn C2, sinh năm 1958; địa chỉ: Xóm K, xã P, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

2. Ban Quản lý rừng đặc dụng , phòng hộ tỉnh T; địa chỉ: Xóm T, xã C, huyện V, tỉnh Thái Nguyên; đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Đăng H, chức vụ: Phó Giám đốc; có mặt

3. Ủy ban nhân dân xã P, thành phố T; đại diện theo ủy quyền: Ông Trịnh Lâm A; Công chức Địa chính – Xây dựng; có mặt

4. Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch tỉnh T; đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Mạnh X, Chuyên viên Phòng K1; có mặt

5. Hạt Kiểm lâm thành phố T; đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thúy H1 - Kiểm lâm viên; có mặt

6. Bà Tạ Thị H2, sinh năm 1956 7. Anh Dương Văn T2, sinh năm 1975

8. Anh Dương Văn T3, sinh năm 1977

9. Chị Dương Thị P, sinh năm 1979

10. Anh Dương Văn T4, sinh năm 1985 Cùng địa chỉ: Xóm C, xã P, TP ., tỉnh Thái Nguyên; đều có mặt

11. Anh Dương Hồi B, sinh năm 1968

12. Chị Dương Thị H3, sinh năm 1975 Cùng địa chỉ: Xóm C, xã P, TP ., tỉnh Thái Nguyên; đều có mặt

13. Anh Dương Văn N, sinh năm 1969; địa chỉ: Xóm Đ, xã P, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

 14. Chị Dương Thị B1, sinh năm 1979; địa chỉ: Xóm K, xã P, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

15. Chị Dương Thị A1, sinh năm 1982; địa chỉ: Xóm T, xã H, huyện Y, tỉnh Bắc Giang; vắng mặt Anh B, chị H3, anh N, chị B1, chị A1 uỷ quyền cho ông Nguyễn Tiến L, sinh năm 1980; địa chỉ: Tổ A, phường T, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

Người làm chứng:

1. Ông Nghiêm Ngọc T5, sinh năm 1953; địa chỉ: Xóm T, xã P, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

2. Ông Vũ Văn G, sinh năm 1967; Bà Lương Thị T6, sinh năm 1970; địa chỉ: Xóm T, xã Q, Tp ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

3. Ông Nguyễn Trọng H4, sinh năm 1981; Trưởng xóm K, xã P, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

4. Ông Ngô Xuân Đ, sinh năm 1952; địa chỉ: Xóm C, xã P, TP ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

 5. Ông Vũ Văn H5, sinh năm 1984; địa chỉ: Xóm C, xã P, Tp ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

 6. Ông Lương Văn H6, sinh năm 1967; địa chỉ: Xóm C, xã P, Tp ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt

7. Ông La Văn H7, sinh năm 1971; địa chỉ: Xóm C, xã P, Tp ., tỉnh Thái Nguyên; vắng mặt

8. Ông La Văn T7, sinh năm 1965; địa chỉ: Xóm C, xã P, Tp ., tỉnh Thái Nguyên; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn Công ty TNHH MTV T11 (gọi tắt là Công ty T11) trình bày:

Ngày 24/5/2011, Công ty T11 do ông Trần Doãn S là Giám đốc ký hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng cùng toàn bộ tài sản trên đất với ông Dương Văn B2 và ông Dương Văn T8, nội dung: Ông B2 và ông T8 đồng ý chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác không thời hạn diện tích 08 ha rừng keo và 04 ha hoa màu, cây ăn quả tại lô G, 08, 09 tiểu khu B và 05 ngôi nhà gắn liền với đất tại xã P, thành phố T cho Công ty T11, với giá 1,5 tỷ đồng. Hợp đồng có xác nhận của UBND xã P. Công ty đã giao đầy đủ số tiền theo thỏa thuận cho ông T8, ông B2.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty T11 đã quản lý, khai thác và sử dụng toàn bộ số diện tích nhận chuyển giao cùng tài sản gắn liền với đất liên tục từ năm 2011 đến năm 2021 là 10 năm, không có tranh chấp. Tháng 05/2021, anh Lê Quốc T là con rể của ông B2 đã chiếm giữ 02 ngôi nhà là tài sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty. Công ty đã báo UBND xã P, Công an xã P lập biên bản sự việc vào các ngày 25/6, 13/7 và 06/08/2021, nhưng anh T vẫn không chấm dứt việc chiếm hữu, sử dụng và khai thác bất hợp pháp, gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của Công ty.

Công ty T11 khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết công nhận Công ty T11 được quyền sử dụng, khai thác và hưởng lợi hợp pháp đối với toàn bộ diện tích 08 ha đất rừng, 04 ha hoa màu, cây ăn quả gắn liền với đất tại Lô 07, 08, 09, tiểu khu B và sở hữu 05 ngôi nhà trên diện tích đất nêu trên, đồng thời yêu cầu anh T bồi thường thiệt hại cho Công ty G1 cây Bạch đàn đường kính 20 cm; khoảng 80 m² cây chè đã trồng 5 năm đang trong thời kỳ khai thác bị anh T phá huỷ.

Quá trình giải quyết vụ án, đại diện Công ty T11 rút một phần yêu cầu khởi kiện về nội dung công nhận quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại tài sản, yêu cầu Tòa án công nhận quyền sở hữu tài sản trên đất là 02 ngôi nhà anh T đang chiếm giữ thuộc quyền sở hữu của Công ty T11, yêu cầu công nhận quyền khai thác, chăm sóc và hưởng lợi trên diện tích đất tranh chấp thuộc khoảnh 7, lô 8, tiểu khu B bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã P, TP .. Tại phiên toà, nguyên đơn rút yêu cầu công nhận quyền khai thác, chăm sóc rừng, chỉ yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản của Công ty T11 là 02 ngôi nhà và quyền hưởng lợi công chăm sóc toàn bộ diện tích rừng mà Công ty T11 nhận chuyển quyền từ ông T8, ông B2, yêu cầu anh T chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu 2 ngôi nhà và thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái và an dưỡng đường T của Công ty T11.

Nguyên đơn cung cấp các tài liệu gồm:

Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng ngày 24/5/2011 giữa Công ty T11 với ông Dương Văn B2 (tức Bản) và ông Dương Văn T8;

Hợp đồng khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng dự án 661 giữa Ban Q với Công ty T11 năm 2011;

Văn bản số 1319/UBND-TH ngày 11/8/2011 của UBND tỉnh T về việc chấp thuận chủ trương đầu tư khu du lịch sinh thái và an dưỡng đường T;

Quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 8/11/2011 của UBND tỉnh T phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng Khu D đường T;

Quyết định số 2951/QĐ - UBND ngày 21/11/2011 của UBND tỉnh T về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu D đường T;

Giấy chứng nhận đầu tư ngày 25/9/2012 của UBND tỉnh T cấp cho Công ty T11, trong đó diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,2 ha;

Biên bản giao nhận mốc chỉ giới quy hoạch của Khu D và An dưỡng đường Trường S1 ngày 10/12/2011.

Bản đồ quy hoạch dự án Khu D đường T.

Bị đơn anh Lê Quốc T, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Dương Thị H3 trình bày:

Năm 1997, vợ chồng anh Lê Quốc T, chị Dương Thị H3 khai phá được khoảng 10.000 m2 đất khu vực đồi Đ, nay là xóm K, xã P, thành phố T, nằm giáp với khu đất của bố mẹ vợ là ông Dương Tiến B3 (đã chết năm 2014) bà Lương Thị C1 khai phá. Ngoài ra ông B3, bà C1 còn cho vợ chồng anh thêm diện tích đất khoảng 20.000 m2 để tiện chăm sóc, trồng cây, nuôi cá. Tổng diện tích đất rừng do vợ chồng anh T, chị H3 tự khai phá và được ông B3 bà C1 cho khoảng 30.000m2, thuộc thửa số 44, tờ bản đồ địa chính số 16 xã P.

Kể từ khi khai phá diện tích đất rừng và được bố mẹ vợ cho thêm, từ năm 1997 đến nay, vợ chồng anh vẫn quản lý, sử dụng ổn định. Năm 2005, vợ chồng xây 02 ngôi nhà trên đất để sinh sống, gồm: 01 ngôi nhà xây gạch, lợp ngói, diện tích khoảng 27m2; 01 ngôi nhà xây gạch xỉ, lợp ngói, diện tích khoảng 29m2.

Trong suốt quá trình sử dụng đất, vợ chồng anh không có tranh chấp với ai, không chuyển quyền sử dụng đất rừng và tài sản trên đất cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Đối chiếu với quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp thì gia đình anh đủ điều kiện được công nhận quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp diện tích đất rừng do khai phá và được tặng cho. Từ năm 2020 Công ty T11 đưa lực lượng, máy móc, dụng cụ san gạt mở đường, chặt phá rừng và cây cối khác trên diện tích đất của gia đình anh. Anh có làm đơn tố cáo đến UBND xã P, các sở, ngành hữu quan xem xét, giải quyết.

Công ty T11 khởi kiện đối với phần diện tích đất rừng tranh chấp, anh T có đơn phản tố, đề nghị Tòa án công nhận phần diện tích 21.296,2m2 đất thuộc thửa 44, tờ bản đồ số 16 xã P, thành phố T, 02 ngôi nhà và toàn bộ cây trồng trên đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của anh Lê Quốc T.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lương Thị C1 có yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn như sau:

Bà C1 có chồng là ông Dương Tiến B3; sinh năm 1949, chết năm 2014, có 05 con chung, gồm: Dương Hồi B, sinh năm 1968; Dương Văn N, sinh năm 1969; Dương Thị H3, sinh năm 1975; Dương Thị B1, sinh năm 1979; Dương Thị A1, sinh năm 1982.

Năm 1990 vợ chồng bà và các con có khai phá diện tích đất rừng hoang khu vực đồi Đá Sẹo mục đích trồng rừng, trồng chè để phục vụ nhu cầu cuộc sống cho gia đình. Diện tích đất gia đình khai phá được đưa vào dự án 661/QĐ- TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính Phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng 05 triệu ha rừng.

Ngày 10/3/2005 ông B3 đại diện hộ gia đình ký Hợp đồng chăm sóc rừng trồng năm thứ hai theo dự án 661 với Ban Q, tại Hợp đồng số 111/HD-DA ngày 10/3/2005. Vị trí tại: Tiểu khu B, khoảnh 7, Lô I, diện tích 2,58 ha, thực hiện đến hết ngày 31/12/2005.

Ngày 20/9/2009 ông B3 đại diện hộ gia đình ký kết Hợp đồng chăm sóc rừng trồng năm thứ hai theo dự án 661 với Ban Q, tại Hợp đồng số 74/HD-DA ngày 20/9/2009. Vị trí: Tiểu khu B, K, Lô D, diện tích 03 ha, thực hiện đến hết ngày 31/12/2009.

Gia đình bà đã thực hiện hợp đồng: Chăm sóc rừng trồng năm thứ hai theo dự án 661 với Ban Q theo đúng hợp đồng đã giao kết. Sau khi thực hiện xong hợp đồng, gia đình vẫn quản lý, sử dụng diện tích đất rừng đã khai phá, trồng rừng, trồng màu, trồng cây lâu năm, thu hoạch sản phẩm trên đất phục vụ nhu cầu cuộc sống cho đến nay, không có tranh chấp, chưa chuyển quyền sử dụng đất rừng và tài sản trên đất cho bất kỳ ai. Khoảng đầu năm 2020 có người đưa lực lượng, sử dụng máy móc, dụng cụ san gạt mở đường, chặt phá rừng và cây cối khác trên diện tích đất của gia đình bà, nên làm đơn tố cáo, kiến nghị tới UBND xã P xem xét giải quyết.

Qua các buổi làm việc tại UBND xã P, gia đình bà mới biết: Chồng bà là ông Dương Văn B2 và ông T8 đã bán cho Công ty T11 tại Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng ngày 24/5/2011, gồm 08 ha rừng keo và 04 ha cây ăn quả, với số tiền 1.500.000.000 đồng. Hợp đồng có xác nhận của UBND xã P, thành phố T. Việc định đoạt tài sản của gia đình gần 06 ha đất rừng, tài sản trên đất không được chồng bà thông báo hoặc đưa tiền bán được tài sản trên về phục vụ cuộc sống gia đình. Việc chuyển giao diện tích đất rừng theo hợp đồng từ năm 2011, tuy nhiên từ năm 2011 đến năm 2021 gia đình vẫn quản lý, sử dụng, thu hoạch sản phẩm trên đất rừng phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Bà C1 yêu cầu Toà án tuyên bố Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng ngày 24/5/2011 giữa ông Dương Văn B2 với Công ty T11 vô hiệu do trái quy định của pháp luật.

Ban Q trình bày:

Căn cứ bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã P năm 2013 theo quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 của UBND tỉnh T, vị trí tranh chấp thuộc lô 8 khoảnh 7 tiểu khu B, được quy hoạch là rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ N và 1 phần diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Đối chiếu với bản đồ hiện trạng khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ N theo quyết định số 3123/QĐ- UBND ngày 27/12/2012 của UBND tỉnh T, vị trí tranh chấp gồm 2 phần, thuộc quy hoạch phòng hộ và nằm ngoài quy hoạch phòng hộ, trong đó: Phần quy hoạch rừng phòng hộ tại lô 16, diện tích 2,2 ha; lô 18, diện tích 1,30 ha, thuộc khoảnh 7 tiểu khu B. Lô 16 và lô 18 khoảnh 7 tiểu khu B theo bản đồ thiết kế giao khoán rừng có vị trí tọa độ trùng với lô 8 khoảnh 7 tiểu khu B theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã P năm 2013. Phần nằm ngoài quy hoạch rừng phòng hộ có diện tích khoảng 03 ha.

Căn cứ các hợp đồng giao khoán giữa Ban Q với các hộ gia đình, Ban quản lý rừng chỉ giao khoán bảo vệ rừng, hàng năm có thanh lý hợp đồng, không giao đất. Từ năm 2011 đến nay Ban Quản lý không thực hiện giao khoán bảo vệ diện tích rừng trên, với lý do: Quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 08/11/2011 của UBND tỉnh T về việc phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng Khu D đường T; Quyết định số 2951/QĐ-UBND ngày 21/11/2011 của UBND tỉnh T về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu D đường T; Biên bản giao nhận mốc chỉ giới quy hoạch công trình Khu du lịch sinh thái và an dưỡng đường T. Ban Q không có thẩm quyền giao đất, giao rừng phòng hộ cho tổ chức, cá nhân hộ gia đình.

Trong quá trình quản lý từ trước đến 30/6/2021 không phát sinh việc tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nào tại vị trí rừng nêu trên. Đến ngày 12/7/2021 Ban quản lý rừng nhận được công văn số 2135/SNN-KHTC của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh T, nội dung phối hợp với các đơn vị giải quyết “Đơn tố cáo” của bà Lương Thị C1 và anh Lê Quốc T, là vợ và con rể ông Dương Tiến B3 là chủ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng năm 2009, đã chết năm 2015.

Quan điểm của Ban quản lý rừng về việc nguyên đơn khởi kiện đối với bị đơn và về yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, yêu cầu độc lập của bà C1 đối với nguyên đơn là: Diện tích đất đang có tranh chấp vẫn do Nhà nước quản lý, những tổ chức cá nhân nào được nhận giao khoán, trồng rừng, khoán bảo vệ rừng được quyền hưởng lợi đối với tài sản trên đất theo quy định của pháp luật và theo các văn bản đã ký kết với Ban Quản lý. Năm 2011, Ban Q1 đã ký hợp đồng giao khoán rừng với Công ty T11. Từ đó đến nay, Công ty T11 là đơn vị trực tiếp trông nom, bảo vệ rừng nên Công ty T11 hoàn toàn có quyền hưởng lợi tài sản trên đất thuộc quyền quản lý của Ban quản lý rừng, ngoài Công ty T11 ra, không có tổ chức, cá nhân nào khác bảo vệ, trông nom rừng.

Đại diện UBND xã P trình bày:

Nguồn gốc sử dụng đất ban đầu là do ông Dương Văn T8 khai phá, tổng diện tích khoảng 10ha. Sau đó ông T8 cho ông B3 mượn khoảng 2,7ha gần đồi Đá Sẹo để sử dụng, một thời gian sau thì cho hẳn ông B3 phần diện tích đất cho mượn. Ngoài diện tích 2,7ha đất trên, ông B3 không khai phá thêm diện tích đất nào nữa, cũng không còn đất để khai phá nữa.

Năm 2011, ông T8, ông B3 cùng thống nhất bán cho Công ty T11 toàn bộ diện tích đất khoảng 10ha và 5 ngôi nhà trên đất. Ông Vũ Văn G là người giới thiệu cho ông Trần Doãn S mua đất rừng của ông T8, ông B3. Ông G được bà C1 thông tin cho biết thời gian ông S trả tiền cho ông T8 và ông B3 để ông G đến lấy tiền hoa hồng. Ông T8, ông B3, ông S có làm hợp đồng mua bán với nhau, ông G có ký vào hợp đồng với tư cách là người làm chứng.

Ông Dương Văn T8 khai: Ông và ông B3 đã ký hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng với ông Trần Doãn S là giám đốc Công ty T11 vào năm 2011 đối với diện tích 8ha rừng keo và 4 ha cây ăn quả tại tiểu khu B, lô G, 8, 9 cùng 05 ngôi nhà gắn với diện tích đất rừng nêu trên tại xã P, TP T giá 1,5 tỷ đồng, hai bên có lập hợp đồng bằng văn bản. Nguồn gốc tài sản chuyển giao do ông khai phá ban đầu diện tích khoảng hơn 10 ha, có hợp đồng PAM. Sau đó ông cho ông B3 mượn 2,7 ha tại khu vực đồi Đá Sẹo để sử dụng, tuy nhiên một thời gian sau ông B3 không sử dụng trong khoảng 10 năm đến năm 2011 do có giới thiệu của ông Vũ Văn G, ông đã gọi ông B3 đến để cùng nhau bán cho ông S là giám đốc Công ty T11. Khi các bên đã thống nhất thỏa thuận, ông S đã đặt cọc 500 triệu đồng cho ông tại nhà ông G, lúc đó có ông, ông S và ông G. Lần thứ hai ông S đến nhà ông trả nốt 1 tỷ, lúc đó có ông, ông S, ông G, bà C1 vợ ông B3, bà H2 vợ ông. Sau khi ông S trả tiền, ông chia cho ông B3 443.000.000đ, bà C1 vợ ông B3 là người trực tiếp nhận tiền, lúc đó bà C1 còn nói “bây giờ ai có thắc mắc gì thì thắc mắc, bút sa gà chết”. Sở dĩ ông chia cho ông B3 443 triệu đồng vì ông và ông B3 thống nhất số tiền 1,5 tỷ sẽ chia đều cho 3 người là ông, ông B3 và con trai ông là anh Dương Văn T2, vì ông B3, anh T2 có công chăm sóc một thời gian.

Trong thời gian ông cho ông B3 chăm sóc 2,7 ha, ông B3 có làm 2 ngôi nhà tạm trên đất, chính là 2 ngôi nhà hiện anh T con rể ông B3 đang vào sử dụng. Ông cũng chỉ thấy một mình ông B3 chăm sóc rừng cây chứ không thấy ai khác. Tại thời điểm ký hợp đồng với Công ty T11, trên đất có trồng cây keo, cây ăn quả và 5 ngôi nhà tạm trong đó có 3 ngôi của ông, 02 ngôi của ông B3. Những tài sản này đều nằm trong thỏa thuận mua bán xong, ông và ông B3 không còn quyền gì đối với tài sản này nữa.

Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án xác định:

Hai ngôi nhà anh T đang chiếm giữ nằm trong phần diện tích rừng thuộc quyền quản lý của BQL rừng phòng hộ là 8320,2m2, phần diện tích ông T yêu cầu Toà án công nhận QSD là 21.296,2m2, gồm toàn bộ khu vực từ đồi B đến khu vực có 02 ngôi nhà mà ông T đang quản lý hiện nay.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 15/2023/DS-ST ngày 21/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH MTV T11.

Công nhận 2 ngôi nhà trên diện tích đất thuộc khoảnh 7 lô 8 tiểu khu B Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã P, tương ứng với thửa 44 tờ bản đồ địa chính số 16 xã P, thành phố T thuộc quyền sở hữu của Công ty T11.

Công ty T11 được quyền hưởng lợi về công chăm sóc toàn bộ diện tích rừng tại khoảnh 7 lô 8 tiểu khu B Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã P khi có quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.

Buộc anh Lê Quốc T phải chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu 2 ngôi nhà nêu trên và việc thực hiện dự án Khu D sinh thái và an dưỡng đường T sinh của Công ty T11.

2. Đình chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty T11 về việc công nhận quyền sử dụng đất và công nhận quyền chăm sóc, khai thác đối với toàn bộ diện tích đất 21.292,8m2 thuộc thửa số 44, tờ bản đồ địa chính số 16 xã P, thành phố T.

3. Đình chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty TNHH MTV T11 về việc buộc bị đơn ông Lê Quốc T phải bồi thường thiệt hại tài sản với số tiền 12.000.000đ 4. Bác yêu cầu phản tố của anh Lê Quốc T về việc công nhận quyền sử dụng diện tích đất 21.296,2m2 tại thửa 44, tờ bản đồ địa chính số 16 xã P, thành phố T và việc công nhận quyền sở hữu 2 ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản cây cối trên diện tích đất 21.296,2m2.

5. Bác yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lương Thị C1 về việc huỷ hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc, khai thác đất rừng ngày 24/5/2011 giữa Công ty TNHH MTV T11 với ông Dương Văn B2 và ông Dương Văn T8.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về tiền án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 05/7/2023 bị đơn anh Lê Quốc T, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lương Thị C1, anh Dương Văn N, Dương Hồi B, chị Dương Thị H3, chị Dương Thị B1 có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 15/2023/DS-ST ngày 21/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên Nội dung kháng cáo, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cho rằng: Ngày 24/5/2011 ông Dương Văn T8, ông Dương Văn B2 ký hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng cho Công ty T11, trong đó có 11.800 m2 đất rừng, tài sản, cây cối trên đất là của hộ gia đình bà C1, ông B2 và diện tích khoảng 20.000 m2 đất rừng cùng 02 ngôi nhà trên đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng anh T, chị H3 nhưng không có ý kiến đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình và của vợ chồng anh T, chị H3 là trái pháp luật. Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm nguyên đơn xác định không kháng cáo, giữ nguyên nội dung và quan điểm trình bày tại Toà án cấp sơ thẩm. Bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cho rằng, tại biên bản định giá tài sản của Toà sơ thẩm xác định có 200 cây Trám đường kính gốc khoảng 10 cm, số cây này anh T cho rằng do anh T trồng năm 2013. Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ không xác định phần đất tranh chấp thuộc thửa nào, tờ bản đồ địa chính nào. Ngoài ra hồ sơ còn thể hiện có bản phô tô biên bản thoả thuận bồi thường quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa Công ty T11 với ông T8, ông B2 là 12.527.000.000 đồng. Đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên toà để xem xét thẩm định lại đối với số cây Trám trên phần đất tranh chấp; xác định lại phần đất tranh chấp thuộc thửa nào và đề nghị thu thập hồ sơ của dự án Khu du lịch sinh thái và An dưỡng đường T tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên.

Nguyên đơn cho rằng, số cây trám đường kính gốc trên 20 cm được trồng trước khi ký Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng, số cây T9 có đường kính gốc nhỏ hơn 10 cm do Công ty T11 trồng năm 2014. Năm 2021 anh T mới mang một số cây nhỏ đến trồng, Công ty T11 đã báo cáo sự việc với Ban Q, UBND xã P. Tại phiên toà sơ thẩm, khi được hỏi về số cây trám do ai trồng, Công ty T11 xác định, đến năm 2021 mới xảy ra tranh chấp, cây do anh T trồng năm 2021, thì yêu cầu nhổ đi để trả lại đất cho Công ty.

Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên toà để xem xét thẩm định tại chỗ đối với số cây trám trên phần đất tranh chấp; yêu cầu đơn vị đo đạc đối chiếu hiện trạng toàn bộ diện tích đất Công ty T11 nhận chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng của ông T8, ông B2 với bản đồ địa chính năm 1995, bản đồ địa chính chỉnh lý năm 2013 và đối chiếu với toạ độ theo biên bản bàn giao mốc giới khi thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và an dưỡng đường T; Thu thập bản đồ thiết kế trồng rừng năm 2004, bản đồ thiết kế khoán bảo vệ rừng năm 2005, 2009, 2011 xã P, thành phố T.

Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ xác định số cây trám trên phần đất tranh chấp đường kính gốc nhỏ hơn 10 cm có 43 cây, số cây trám đường kính gốc lớn hơn 10 nhỏ hơn 20 cm có 09 cây;

Phần diện tích đất Công ty T11 nhận chuyển giao của ông B2, ông T8 năm 2011 thuộc các thửa số 25, 36, 37, 38, 44, tờ bản đồ số 16, bản đồ địa chính năm 1995 xã P, thành phố T và thuộc thửa số 38, 39, 40, 41, tờ số 16, bản đồ chỉnh lý năm 2013 xã P, thành phố T. Phần đất ông T, bà H3 cho rằng khai phá và được ông B2 cho thuộc thửa 39, 41, tờ bản đồ số 16, bản đồ địa chính chỉnh lý năm 2013.

Bản đồ Thiết kế trồng rừng năm 2004 xác định phần đất ông T8, ông B2 nhận trồng rừng là lô 7, 8, 9; Bản đồ thiết kế khoán bảo vệ rừng năm 2009 xác định ông T8 nhận khoán bảo vệ rừng là các lô 32, 37, 38, diện tích 8,16 ha, ông B2 nhận khoán bảo vệ rừng lô 41, diện tích 03 ha; Bản đồ thiết kế khoán bảo vệ rừng năm 2011, xác định Công ty T11 nhận khoán bảo vệ rừng tại các lô 12, 13, 15, diện tích 7,96 ha.

Trong phần tranh luận, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tranh luận cho rằng:

Diện tích đất các bên tranh chấp, UBND tỉnh T đã phê duyệt và cấp Giấy phép đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và an dưỡng đường T, Toà án cấp sơ thẩm không đưa UBND tỉnh tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hồ sơ thể hiện có tài liệu là bản phô tô Biên bản thoả thuận bồi thường giải phóng mặt bằng của Công ty T11 bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để thực hiện dự án cho ông B2, ông T8 là 12.527.000.000 đồng, có chữ ký nhận của ông T8, ông B2, nhưng Toà án cấp sơ thẩm không thu thập để làm rõ việc chuyển nhượng là 1,5 tỷ đồng hay bồi thường 12.527.000.000 đồng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Về hợp đồng chuyển nhượng quyền chăm sóc khai thác đất rừng giữa ông B2, ông T8 với Công ty T11: Hợp đồng chăm sóc, bảo vệ rừng giữa ông B2, ông T8 với Ban Q2 đã chấm dứt vào 31/12/2009. Diện tích rừng phòng hộ thuộc quyền quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ, ông B2, ông T8 không có quyền ký hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng. Bên cạnh đó ông B2 tự ý chuyển nhượng tài sản cho Công ty T11 không có sự đồng ý của bà C1 là vi phạm về quyền định đoạt tài sản chung vợ chồng. Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm huỷ toàn bộ án sơ thẩm để giải quyết lại theo quy định.

Nguyên đơn tranh luận cho rằng: Không có việc Công ty T11 bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để thực hiện dự án cho ông B2, ông T8 12.527.000.000 đồng. Giá trị chuyển nhượng quyền chăm sóc và khai thác đất rừng chỉ là 1,5 tỷ đồng đã được ông T8, ông B2, UBND xã P ký xác nhận. Việc ký hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng giữa Công ty T11 phù hợp với quy định của pháp luật. Mặc dù bà C1 là vợ ông B2 không ký vào hợp đồng, nhưng bà C1 là người trực tiếp nhận tiền, bà C1 biết việc ông B2, ông T8 chuyển giao quyền chăm sóc đất rừng nhưng không phản đối từ năm 2011 đến năm 2021 mới có ý kiến. Sau khi nhận chuyển giao, Công ty T11 đã ký Hợp đồng chăm sóc, bảo vệ rừng với Ban quản lý dự án 661 năm 2011 và đã được UBND tỉnh T phê duyệt đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái và an dưỡng đường T, đã được giao nhận mốc giới toạ độ trên thực tế, quản lý liên tục từ đó cho đến năm 2021 mới xảy ra tranh chấp. Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên phát biểu quan điểm: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán chủ tọa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà, người tham gia tố tụng trong vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung: Diện tích đất các bên tranh chấp, UBND tỉnh T đã phê duyệt và cấp Giấy phép đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và an dưỡng đường T, Toà án cấp sơ thẩm không đưa UBND tỉnh tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Hồ sơ thể hiện có tài liệu là bản phô tô Biên bản thoả thuận bồi thường giải phóng mặt bằng của Công ty T11 bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để thực hiện dự án cho ông B2, ông T8 là 12.527.000.000 đồng, có chữ ký nhận của ông T8, ông B2, nhưng Toà án cấp sơ thẩm không thu thập để làm rõ. Hợp đồng chăm sóc, bảo vệ rừng giữa ông B2, ông T8 với Ban Q2 đã chấm dứt vào 31/12/2009, ông B2, ông T8 không có quyền ký hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng.

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 15/2023/DS-ST ngày 21/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến, Hôi đồng xét xử nhận định:

Về thủ tục tố tụng:

[1] Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo trong hạn luật định, đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm, được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về ý kiến của bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, đại diện Viện kiểm sát cho rằng Toà án cấp sơ thẩm không đưa UBND tỉnh T tham gia tố tụng, không thu thập tài liệu liên quan đến dự án đầu tư của Công ty T11 về thoả thuận bồi thường là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xét thấy:

Diện tích đất rừng các bên đang tranh chấp xác định là rừng phòng hộ thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh T giao cho Ban Q, phòng hộ quản lý để giao khoán cho các tổ chức, cá nhân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. UBND tỉnh T có quyền quyết định phê duyệt dự án, cấp Giấy phép đầu tư theo quy định. Quyết định của UBND tỉnh T không trái pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án mà Toà án đang giải quyết. Vì vậy, không có căn cứ đưa UBND tỉnh T tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Về yêu cầu thu thập hồ sơ dự án đầu tư của Công ty T11 về thoả thuận bồi thường: Xét thấy, hồ sơ thể hiện có Biên bản phô tô thoả thuận bồi thường quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa Công ty T11 với ông T8, ông B2 là 12,527 tỷ đồng. Công ty T11 xác định không có việc thoả thuận bồi thường này, thực tế các bên đương sự và UBND xã P, thành phố T đều thừa nhận giá trị Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc, bảo vệ rừng giữa Công ty T11 với ông T8, ông B2 là 1,5 tỷ đồng. Vì vậy, không cần thiết phải thu thập hồ sơ dự án đầu tư nêu trên.

Về nội dung:

Xét kháng cáo của bị đơn ông Lê Quốc T, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lương Thị C1, anh Dương Văn N, Dương Hồi B, chị Dương Thị H3, chị Dương Thị B1 Hội đồng xét xử thấy:

Về nguồn gốc, vị trí phần đất ông B2, ông T8 thoả thuận chuyển giao quyền chăm sóc, bảo vệ, khai thác cho Công ty T11:

[3] Tại phiên toà phúc thẩm, ông Nguyễn Trọng H4, Trưởng xóm K và UBND xã P, Ban Q đều xác định: Nguồn gốc phần đất rừng chuyển giao quyền chăm sóc, bảo vệ cho Công ty T11 là do ông Dương Văn T8 nhận chăm sóc, trồng dặm, bảo vệ từ năm 1992, ký hợp đồng chăm sóc bảo vệ năm 1993, 1994, 2002, 2004, 2005, 2009 đến năm 2004, 2005, 2009 gia đình ông B2 mới ký Hợp đồng trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ diện tích 3 ha, sau đó ông T8 cho ông B2 mượn khoảng 2,7 ha gần đồi Đá Sẹo để sử dụng, một thời gian sau thì cho hẳn ông B2 phần diện tích đất cho mượn nêu trên. Ngoài diện tích 2,7 ha đất trên, ông B2 không khai phá thêm diện tích đất nào nữa, cũng không còn đất để khai phá.

[4] Theo Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc quy định các khu rừng cấm, thì rừng hồ N thuộc danh mục các khu rừng cấm. Ngày 13/5/1992 UBND tỉnh B (nay là Thái Nguyên) ban hành Quyết định số 143/QĐ-UB về việc ban hành quy định về một số cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ hồ N. Xác định rừng phòng hộ hồ N là vốn rừng quốc gia do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy chế quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ. Năm 1992 gia đình ông Dương Văn T8 đã ký hợp đồng trồng, chăm sóc, tra dặm, bảo vệ 24,19 ha rừng phòng hộ Núi Cốc với Ban Q. Năm 1993 gia đình ông Dương Văn T8 ký hợp đồng chăm sóc, bảo vệ 24,19 ha, năm 1994 là 23,81 ha, năm 2002 là 19,76 ha rừng phòng hộ Núi Cốc với Ban Q (bút lục từ 210 đến 235).

[5] Bản đồ Thiết kế trồng rừng và Hợp đồng trồng, chăm sóc rừng năm 2004 xác định phần đất ông T8, ông B2 nhận trồng rừng là lô 7, 8, 9, khoảnh 7, tiểu khu B; Bản đồ thiết kế khoán bảo vệ rừng và Hợp đồng khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng năm 2009 xác định ông T8 nhận khoán bảo vệ rừng là các lô 32, 37, 38, diện tích 8,16 ha, ông B2 nhận khoán bảo vệ rừng lô 41, diện tích 3 ha, đều thuộc khoảnh 7, tiểu khu B; Bản đồ thiết kế khoán bảo vệ rừng và Hợp đồng khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng năm 2011 xác định Công ty T11 nhận khoán bảo vệ rừng tại các lô 12, 13, 15, diện tích 7,96 ha, thuộc khoảnh 7, tiểu khu B.

Như vậy, diện tích rừng phòng hộ Núi Cốc gia đình ông T8 nhận chăm sóc, trồng dặm, bảo vệ từ năm 1992, ký hợp đồng chăm sóc bảo vệ năm 1993, 1994, 2002, 2004, 2005, 2009 đến năm 2004, 2005, 2009 gia đình ông B2 mới ký Hợp đồng trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ diện tích 3 ha. Dó đó, lời khai của ông Dương Văn T8, ông Nguyễn Trọng H4, Trưởng xóm K và UBND xã P xác định nguồn gốc diện tích rừng ông T8, ông B2 chuyển giao quyền chăm sóc cho Công ty T11 có nguồn gốc của ông T8 nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, sau đó ông T8 cho ông B2 quản lý, sử dụng khoảng 2,7 ha là có căn cứ.

[6] Ban Q xác định: Việc thay đổi số lô theo bản đồ thiết kế trồng rừng, bản đồ thiết kế khoán bảo vệ rừng được đánh số theo từng năm, nên có sự thay đổi về số lô và diện tích chăm sóc, bảo vệ. Tuy nhiên, vị trí giữa các lô theo bản đồ thiết kế trồng rừng năm 2004 cho gia đình ông T8, ông B2, các lô theo hợp đồng khoán bảo vệ rừng năm 2005, 2009 cho gia đình ông T8, ông B2 và các lô khoán bảo vệ rừng cho Công ty T11 năm 2011 xác định không thay đổi.

[7] Phần diện tích đất ông T8, ông B2 chuyển giao cho Công ty T11 hiện trạng trên thực tế đã được Công ty TNHH H8 có toạ độ trùng khớp với toạ độ theo Biên bản bàn giao mốc chỉ giới quy hoạch ngày 10/12/2011 kèm theo Sơ đồ vị trí mốc giới (bút lục 513 và từ 521 đến 523), phù hợp với bản đồ địa chính năm 1995, Bản đồ địa chính chỉnh lý năm 2013 và phù hợp với vị trí tứ cận ghi trong Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng giữa Công ty T11 với ông T8, ông B2 năm 2011 là: Phía Tây tiếp giáp đất ông T10, phía Đông, N, B tiếp giáp hồ N.

[8] Từ những phân tích nêu trên, có đủ căn cứ xác định phần diện tích đất rừng ông B2 chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác cho Công ty T11 thuộc lô 9 theo Bản đồ thiết kế trồng rừng năm 2004, lô I, lô 41 theo Bản đồ thiết kế khoán bảo vệ rừng năm 2005, 2009, được ký giữa ông Dương Văn B2 với Ban Q2. Phần diện tích đất ông T cho rằng khai phá và được ông B2 cho đều nằm trong diện tích đất rừng ông B2 nhận khoán trồng rừng năm 2004, nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng năm 2005, 2009, ngoài ra không có căn cứ xác định ông B2 quản lý, sử dụng diện tích đất rừng nào khác.

Ông Lê Quốc T khởi kiện cho rằng phần đất tranh chấp thuộc lô thiết kế khoán bảo vệ rừng nêu trên ông T khai phá và được ông B2 tặng cho, nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh.

Về quá trình quản lý, sử dụng diện tích đất rừng và tài sản trên đất sau khi ký hợp đồng chuyển giao giữa ông B2, ông T8 với Công ty T11:

[9] Sau khi ký Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng ngày 24/5/2011 với ông B2, ông T8, ngày 20/6/2011 Công ty T11 đã ký Hợp đồng khoán, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng với Ban quản lý dự án 661 rừng Phòng hộ hồ N. Ngày 10/12/2011 Công ty T11 được giao nhận mốc chỉ giới quy hoạch, bằng mốc bê tông định vị trên thực địa. Ngày 25/9/2012 Công ty T11 được UBND tỉnh T cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu D đường T.

[10] Quá trình chăm sóc, bảo vệ rừng, ngày 27/10/2014, Công ty T11 đã phát hiện và báo cáo Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ hồ Núi Cốc về việc bị chặt phá 40 cây gỗ tại Lô A, 13 được giao khanh nuôi bảo vệ theo Hợp đồng năm 2011 (bút lục 97, 156, 157, 158). Năm 2014 Công ty T11 cho ông La Văn T7 mượn sử dụng ngôi nhà ông T hiện nay đang chiếm giữ để ở khi chăn thả trâu, bò trong nhiều năm.

[11] Lời khai của ông Dương Văn T8, ông Nguyễn Trọng H4, Trưởng xóm K, ông Nghiêm Ngọc T5, nguyên Phó Ban Lâm nghiệp xã P, UBND xã P và đại diện Ban Q đều xác định từ năm 2011, sau khi chuyển giao quyền chăm sóc đất rừng cho Công ty T11, Công ty T11 là người quản lý, bảo vệ và chăm sóc toàn bộ diện tích rừng, trong đó bao gồm cả phần nhà, đất ông T tranh chấp.

Ông T, bà C1 cho rằng từ năm 2011 gia đình bà C1, ông T vẫn chăm sóc, bảo vệ rừng và sử dụng 02 ngôi nhà, nhưng không biết sự việc bị chặt trộm gỗ rừng và không phải là người trình báo sự việc là không có căn cứ. Ngoài ra ông T cho rằng năm 2013 trồng khoảng 200 cây trám hiện nay có đường kính dưới 10 cm cũng không có căn cứ.

Về Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng giữa ông Dương Văn T8, Dương Văn B2 với Công ty T11:

[12] Ngày 24/5/2011 ông Dương Văn T8, ông Dương Văn B2 ký Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác 08 ha rừng keo, 04 ha cây ăn quả (gồm chè, vải vầu, xoài), thuộc tiểu khu B, khoảnh 7, lô 7, 8, 9. Giá chuyển nhượng là 1,5 tỷ đồng, Hợp đồng có chữ ký của ông T8, ông B2, người làm chứng là ông Vũ Văn G, được UBND xã P xác nhận.

Bà C1, anh N, anh B, chị H3, chị B1 và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho rằng, Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng giữa ông T8, ông B2 với Công ty T11 là thoả thuận trái pháp luật do ông T8, ông B2 đã chấm dứt hợp đồng khoanh nuôi, bảo vệ rừng với Ban quản lý 661, nên không có quyền chuyển nhượng; có một phần tài sản chung vợ chồng và một phần tài sản của vợ chồng ông T, bà H3 nhưng khi chuyển nhượng không có ý kiến của họ.

Xét thấy: Diện tích đất rừng các bên ký hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc, khai thác nằm trong diện tích quy hoạch rừng phòng hộ hồ N, gia đình ông T8, ông B2 được giao khoán trồng rừng năm 2004, được ký hợp đồng khoanh nuôi bảo vệ theo dự án 661 vào các năm 2005, 2009, chấm dứt, thanh lý hợp đồng vào 31/12/2009. Quá trình trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, gia đình ông T8, ông B2 đã làm 05 ngôi nhà và trồng nhiều cây ăn quả trên đất. Khi chấm dứt Hợp đồng khoanh nuôi và bảo vệ rừng thì thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình ông T8, ông B2.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định:

Khoản 4 Điều 59 về quyền chung của chủ rừng: 4. Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích được giao, được thuê; bán thành quả lao động, kết quả đầu tư cho người khác.

Điều 47. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ quy đinh:

3. Việc khai thác rừng phòng hộ là rừng trồng được quy định như sau:

a) Được phép khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định theo quy chế quản lý rừng;

b) Được phép khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, theo đám rừng;

c) Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.

Ông T8, ông B2 ký Hợp đồng thoả thuận việc chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng với Công ty T11, gồm 08 ha đất trồng keo, 04 ha cây ăn quả và 05 ngôi nhà trên đất, thực chất là việc chuyển nhượng thành quả lao động và kết quả đầu tư trên đất với giá 1,5 tỷ đồng là phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Công ty T11 được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất và quyền khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ từ sau khi nhận chuyển nhượng theo quy định tại các điều luật viện dẫn nêu trên.

[13] Bà C1 và các con của bà C1, ông B2 cho rằng Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng không có chữ ký của bà C1 và các con, xét thấy:

Lời khai của ông Dương Văn T8 là em trai ruột ông B2, lời khai của ông Vũ Văn G, bà Lương Thị T6 đều xác định bà C1 biết việc ông T8, ông B2 chuyển nhượng quyền chăm sóc và khai thác đất rừng cho Công ty T11, bà C1 là người nhận tiền từ ông S. Tại phiên toà sơ thẩm, bà C1 cũng xác nhận có được nói với bà T6 là cháu họ về việc ông S đến trả nốt tiền và bảo bà T6 nói với ông G đến lấy tiền hoa hồng. Sau đó, bà cũng có mặt tại nhà ông T8 vào ngày ông S trả tiền.

Hợp đồng chăm sóc và bảo vệ rừng của gia đình ông B2 đã chấm dứt từ ngày 31/12/2009, thực tế từ năm 2011 Công ty T11 đã trực tiếp quản lý, sử dụng chăm sóc và bảo vệ rừng theo phân tích ở trên, nhưng gia đình ông B2, bà C1 không có ý kiến gì, chỉ đến năm 2021, sau 10 năm chuyển nhượng cho Công ty T11 mới phát sinh tranh chấp.

Tại Biên bản xác minh của UBND xã P về nguồn gốc các thửa đất số 36, 37, 44, tờ bản đồ số 16 xã P với bà Lương Thị C1, có ông Dương Văn N1 là em trai ông B2 chứng kiến, bà C1 xác định: các thửa đất số 36, 37, 44, tờ bản đồ số 16 xã P do gia đình bà khai phá, sử dụng từ năm 1990 vào mục đích trồng chè, trồng rừng theo hợp đồng với Ban Q2, đến năm 2011 đã chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty T11. Tại Biên bản xác minh ngày 17/4/2023 ông Dương Văn N1 xác định: Nội dung UBND xã P xác minh với bà C1 ông có chứng kiến và chữ ký của ông N1 trong biên bản xác minh là đúng (bút lục số 87 đến 89 và 453).

[14] Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm anh N, anh B, chị H3, chị B1 cho rằng tài sản trên diện tích đất rừng là thành quả lao động, kết quả đầu tư của cả hộ gia đình gồm những người nêu trên. Hội đồng xét xử thấy:

Tại Biên bản xác minh nhân khẩu hộ gia đình ông Dương Tiến B3, bà Lương Thị C1 với Công an thành phố T thể hiện:

Sổ hộ khẩu của hộ gia đình ông B3 được cấp ngày 10/9/2004 có nội dung: Ông Dương Tiến B3, sinh năm 1948, chết năm 2015; anh Dương Văn N đã chuyển khẩu đi ngày 23/7/2009; chị Dương Thị B1 đã chuyển khẩu đi ngày 30/8/2007; chị Dương Thị A1 chuyển khẩu đi ngày 18/11/2010. Thời điểm ông B3 chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng năm 2011 hộ gia đình ông B3 chỉ còn ông B3, bà C1, chị H3. Thực tế chị H3 còn hộ khẩu nhưng không trực tiếp sinh sống cùng hộ gia đình ông B3, bà C1. Nếu anh N, anh B, chị B1 và vợ chồng anh T, chị H3 cho rằng có công sức đóng góp vào tài sản là cây trồng và 02 ngôi nhà đã đầu tư trên phần đất chuyển giao quyền chăm sóc, khai thác rừng cho Công ty T11 có quyền khởi kiện tranh chấp tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình với bà C1 bằng một vụ án khác.

[15] Như vậy, mặc dù bà C1 không ký vào Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng cho Công ty T11, nhưng bà C1 biết rõ việc ông B3 là chồng chuyển nhượng cho Công ty T11, kết quả đầu tư trên đất, nhận số tiền chuyển nhượng. Quá trình Công ty T11 quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng công khai từ năm 2011 bà C1 không phản đối, đến năm 2021 là 10 năm mới phát sinh tranh chấp. Hội đồng xét xử áp dụng án lệ số 04/AL của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, công nhận Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng giữa ông B3, ông T8 với Công ty T11 lập ngày 24/5/2011 về các nội dung thoả thuận chuyển giao quyền chăm sóc, bảo vệ rừng, chuyển nhượng thành quả lao động và kết quả đầu tư tài sản trên đất của gia đình ông B3.

[16] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử thấy: Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận quyền sở hữu 02 ngôi nhà và quyền hưởng lợi từ việc chăm sóc, bảo vệ rừng theo Hợp đồng chuyển giao ngày 24/5/2011 cho Công ty T11; không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn anh Lê Quốc T yêu cầu công nhận quyền sử dụng diện tích đất rừng, tài sản trên đất và không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Lương Thị C1 yêu cầu huỷ Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc và khai thác đất rừng giữa ông B3 với Công ty T11 lập ngày 24/5/2011 là có căn cứ.

Tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo không cung cấp được tài liệu chứng cứ gì thêm, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà C1, anh T, anh B, anh N, chị H3, chị B1.

[17] Về quyết định của bản án sơ thẩm: Từ năm 2021 anh T, chị H3 đã chiếm giữ trái phép 02 ngôi nhà Công ty T11 nhận chuyển nhượng hợp pháp của ông B3, nên cần buộc anh T, chị H3 có trách nhiệm trả cho Công ty T11 02 ngôi nhà anh T chị H3 đang chiếm giữ. Cần sửa nội dung về cách tuyên trong phần quyết định của bản án sơ thẩm.

[18] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, nên người kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Bà C1 là người cao tuổi, nên miễn án phí phúc thẩm cho bà C1 Từ những phân tích nêu trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn anh Lê Quốc T, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lương Thị C1, anh Dương Hồi B, anh Dương Văn N, chị Dương Thị H3, chị Dương Thị B1; Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 15/2023/DS-ST ngày 21/6/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Áp dụng các Điều 164, 166 Bộ luật dân sự; Điều 166, 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 47, khoản 4 Điều 59 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Án lệ số 04/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/4/2016; Điều 26 Luật thi hành án dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn anh Lê Quốc T về việc yêu cầu Toà án công nhận quyền sử dụng 21.292,8 m2 đất và 02 ngôi nhà, cây trồng trên đất, thuộc thửa 39, 41, tờ bản đồ số 16, bản đồ địa chính chỉnh lý năm 2013 xã P, thành phố T (Có sơ đồ chi tiết kèm theo).

2. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Lương Thị C1 về việc yêu cầu Toà án tuyên vô hiệu Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc, khai thác đất rừng giữa ông Dương Văn B2 với Công ty TNHH MTV T11 ngày 24/5/2011.

3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH MTV T11.

3.1. Buộc vợ chồng anh Lê Quốc T, chị Dương Thị H3 trả cho Công ty TNHH MTV T11 02 ngôi nhà trên diện tích đất thuộc thửa 41, tờ bản đồ số 16, bản đồ địa chính chỉnh lý năm 2013 xã P, thành phố T ( Có sơ đồ chi tiết kèm theo, ký hiệu “Nhà T”).

3.2. Công ty TNHH MTV T11 có quyền khai thác, hưởng lợi từ thành quả lao động và kết quả đầu tư trên diện tích đất rừng nhận chuyển giao theo Hợp đồng chuyển giao quyền chăm sóc, khai thác đất rừng với ông Dương Văn B2 ngày 24/5/2011 theo quy định của pháp luật.

3.3. Buộc anh Lê Quốc T, chị Dương Thị H3 chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu 2 ngôi nhà nêu trên và việc thực hiện dự án Khu D và An dưỡng đường T của Công ty TNHH MTV T11.

4. Án phí dân sự phúc thẩm: Miễn án phí phúc thẩm cho bà Lương Thị C1.

Hoàn trả bà C1 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 0000395 ngày 18/7/2023 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên;

Anh Lê Quốc T, anh Dương Hồi B, Dương Văn N, chị Dương Thị H3, chị Dương Thị B1, mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số: 0000396, 0000400 ngày 18/7/2023 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

5. Về chi phí tố tụng tại cấp phúc thẩm: Ghi nhận nguyên đơn Công ty TNHH MTV T11 tự nguyện chịu toàn bộ chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí đối chiếu toạ độ, bản đồ địa chính là 7.400.000 đồng (đã thực hiện xong).

6. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 của Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

224
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về kiện đòi tài sản số 64/2023/DS-PT

Số hiệu:64/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Nguyên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:28/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về