TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 170/2022/DS-PT NGÀY 15/06/2022 VỀ KIỆN ĐÒI TÀI SẢN
Ngày 15 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý 38/2021/TLPT-DS ngày 01 tháng 02 năm 2021 về việc “Kiện đòi tài sản” do có kháng cáo của bị đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3155/2022/QĐ-PT ngày 12 tháng 4 năm 2022 giữa:
* Nguyên đơn: Ông Lưu Huy D; địa chỉ: Thôn P, xã H, huyện V, tỉnh T; Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn: Anh Lê Ngọc T1 sinh năm 1986, địa chỉ: Phòng 2708 (12B08), tòa nhà M5, số 91, đường N, phường L, quận Đ, thành phố H1; Vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Nguyên đơn: Ông Nguyễn Ngọc K - Luật sư Văn phòng luật sư D1 thuộc Đoàn luật sư thành phố H1; Có mặt.
* Bị đơn: Ông Trương Văn C sinh năm 1957; Địa chỉ: Thôn V1, xã T3, huyện T2, tỉnh B; Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn: Anh Ngô Tuấn M sinh năm 2001, địa chỉ: Khu P1, phường Đ1, thành phố T4, tỉnh B; Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bị đơn: Luật sư Nguyễn Thị H2 - Công ty Luật TNHH M1 thuộc Đoàn Luật sư thành phố H1; Có mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Chị Hà Thị C1 sinh năm 1989; Trú tại: T5, S, hyakunincho 2-18-17 tòa nhà AZ phòng 205; Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
2. Anh Trương Văn D2 sinh năm 1985; Địa chỉ: Thôn V1, xã T3, huyện T2, tỉnh B.
Trú tại: Thành phố T5, quận T6, phía Tây I 1-29-5 Tòa nhà Y 7A1; Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ, nguyên đơn ông Lê Huy Dương và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Tháng 4 năm 2016, chị Hà Thị C1 là con dâu ông D có gọi điện cho ông D và nhờ ông chuyển tiền vào tài khoản của ông Trương Văn C. Khi gọi điện nhờ ông D chuyển tiền vào tài khoản của ông C, chị C1 có nói mục đích chuyển tiền vào tài khoản của ông C là để chị góp vốn vào công ty cổ phần K1 do anh D2 (con ông C) làm giám đốc. Do chị C1 ở Nhật Bản không đủ tiền nên anh D2 có hướng dẫn chị C1 nhờ người nhà ở Việt Nam chuyển tiền vào tài khoản của ông C là bố đẻ của anh D2. Do vậy, chị C1 đã nhờ ông D là bố chồng chị chuyển số tiền 527.050.000đ vào tài khoản của ông Trương Văn C vào ngày 15/4/2016.
Sau đó hai tháng, chị C1 có gọi điện về Việt Nam và nói với ông D là công ty cổ phần K1 không nhận được tiền góp vốn và nhờ ông D xem lại. Ông D đã đến nhà ông C và hỏi thì ông C nói tài khoản của ông, ông không quản lý mà do con gái ông quản lý, ông không biết số tiền mà ông D đã chuyển vào tài khoản của ông.
Ông D đã ra Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam để kiểm tra việc chuyển tiền thì được xác nhận là số tài khoản 2605205128606 mang tên Trương Văn C đã nhận tiền và ngày 19/4/2016, ông C là người đã rút tiền mặt tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Ông D đã đến gặp ông C để yêu cầu ông C hoàn lại số tiền mà ông đã gửi vào tài khoản của ông C cho ông nhưng ông C không trả. Do vậy, ông khởi kiện ra Tòa án, đề nghị Tòa án buộc ông C có trách nhiệm trả lại ông số tiền 527.050.000đ.
Bị đơn là ông Trương Văn C trình bày: Ông và ông D không có quan hệ gì và cũng không biết nhau. Năm 2016, ông D đến nhà nói với ông về việc ông D đã chuyển tiền vào tài khoản của ông để cho con dâu ông D là chị C1 góp vốn làm ăn với con trai ông là anh Trương Văn D2. Theo ông, số tiền mà ông D chuyển vào tài khoản của ông là tiền chị C1 nhờ ông D trả nợ hộ vì khi chị C1 ở bên Nhật có vay anh D2 số tiền đó. Ông C xác nhận sau khi ông D chuyển tiền vào tài khoản của ông, ông đã rút toàn bộ số tiền này về và chuyển lại cho anh D2, ông không sử dụng đồng nào cả. Ông xác định ông không nợ ông D nên ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông D.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Hà Thị C1 trình bày: Chị là con dâu của ông Lưu Huy D. Trước đó giữa chị, anh D2 cùng anh Ước có bàn bạc cùng nhau thành lập công ty ở Nhật Bản và chị sẽ góp vốn là 30% tương đương với 527.050.000 đồng. Do anh D2 nói góp vốn bằng tiền Việt Nam nên tháng 4 năm 2016, chị ở Nhật Bản có gọi điện về Việt Nam nhờ bố chồng chị chuyển số tiền 527.050.000đ vào tài khoản của ông C là bố đẻ anh D2. Số tài khoản của ông C là do anh D2 cung cấp cho chị. Mục đích chuyển tiền là để góp vốn vào công ty. Đến tháng 10 năm 2016, anh D2 nói với chị là không nhận được tiền nên chị có nhờ bố chị kiểm tra lại và lúc này bố chị có gặp ông C thì ông C nói đã chuyển số tiền đó cho anh D2. Số tiền mà bố chồng chị chuyển vào tài khoản của ông C hoàn toàn không liên quan gì đến những giấy tờ chị ký mà ông C đã nộp cho Tòa án. Những giấy tờ ông C nộp cho Tòa án mà chị đã được xem đó là những giấy tờ chị nhận tiền tạm ứng của công ty cho khách hàng vay và chị nhận tiền lương, tạm ứng lương, tiền thưởng của công ty; còn những giấy tờ chuyển tiền đó là tiền lương của chị nhưng do anh D2 ở Nhật cần tiền Yên nên anh D2 và chị thống nhất anh D2 sẽ nhờ người nhà chuyển tiền vào tài khoản của những người thân trong gia đình chị, hoàn toàn không có việc chị vay tiền anh D2. Đối với số tiền chị nhận tạm ứng của công ty chị đã hoàn trả cho công ty rồi.
Nay ông D khởi kiện ông C yêu cầu ông C trả lại số tiền 527.050.000đ, chị đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B đã quyết định:
Căn cứ các Điều 26, 37, 38, 91, 144, 147, 235, 239, 248, 249, 260, 261, 262, 264, 266, 267, 271 và 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 166 Bộ luật Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận yêu cầu của ông Lưu Huy D. Buộc ông Trương Văn C có nghĩa vụ trả cho ông Lưu Huy D số tiền 527.050.000 đồng (Năm trăm hai mươi bảy triệu không trăm năm mươi nghìn đồng).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền, án phí, thi hành án và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 20/01/2020, bị đơn là ông Trương Văn C có đơn kháng cáo đề nghị sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn là ông Trương Văn C giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn, Luật sư Nguyễn Thị Hương có ý kiến thể hiện: Tòa án cấp sơ thẩm xử không đúng bản chất sự việc, không đúng thực tế khách quan, áp dụng không đúng quy định của pháp luật; xác định ông C là bị đơn là sai tư cách của đương sự trong vụ án, không đưa chị Quyên vào tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng là thiếu sót. Đề nghị sửa bản án sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, sau khi thảo luận và nghị án;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng:
[1.1]. Nguyên đơn là ông Lưu Huy D khởi kiện yêu cầu ông Trương Văn C phải trả cho ông số tiền 527.050.000đ và không yêu cầu lãi suất. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Kiện đòi tài sản” là đúng quy định của pháp luật. Vụ án có người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Trương Văn D2 hiện đang cư trú tại Nhật Bản nên Tòa án nhân dân tỉnh B đã thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 35, Điều 37, Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự: Nguyên đơn là người khởi kiện, bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện. Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Lưu Huy D là nguyên đơn, ông Trương Văn C là bị đơn, chị Hà Thị C1 và anh Trương Văn D2 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ.
Ông Trương Văn C cho rằng ông đã rút tiền trong tài khoản và giao tiền cho anh D2, có sự chứng kiến của chị Trương Thị Quyên (con gái ông). Sự việc trên đã được anh D2 thừa nhận và đã có ý kiến xác nhận của chị Quyên tại phiên tòa ngày 16/01/2020. Do đó đây là tình tiết không phải chứng minh, việc triệu tập chị Quyên tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng như ý kiến của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn là không cần thiết.
[1.2]. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Hà Thị C1 có đơn xin xét xử vắng mặt. Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Trương Văn D2 hiện đang cư trú và làm việc tại Nhật Bản, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành ủy thác tư pháp cho Bộ Tư pháp theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về ủy thác tư pháp. Ngày 18/5/2022, anh Trương Văn D2 có văn bản gửi Tòa án trình bày quan điểm đối với yêu cầu kháng cáo của ông Trương Văn C thể hiện anh D2 đã nhận được giấy triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa. Do đó Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt anh D2 theo quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy: Ngày 15/4/2016, ông Lưu Huy D có chuyển vào số tài khoản 2605205128606 mang tên chủ tài khoản là Trương Văn C số tiền 527.050.000đ. Theo nguyên đơn thì số tiền này là do chị Hà Thị C1 (con dâu ông) nhờ ông chuyển cho ông C để góp vốn vào công ty với anh Trương Văn D2 (con trai ông C). Bị đơn ông D Văn Chinh thừa nhận có nhận số tiền 527.050.000đ mà ông D chuyển vào tài khoản của ông nhưng cho rằng đây là tiền chị C1 nhờ ông D trả nợ tiền chị C1 vay của con trai ông là anh D2.
Quá trình giải quyết vụ án, ông C và anh D2 xuất trình một số giấy tờ có chữ ký của chị C1 thể hiện chị C1 nhận tiền của anh D2 với nội dung là tạm ứng của Công ty, vay để ký hợp đồng, vay cho khách ký hợp đồng có ấn định ngày trả vào các ngày 14/9/2015, 17/4/2015, 07/01/2016 thời hạn thanh toán đều trước ngày 15/4/2016 và 1 giấy có nội dung nhận của sếp tạm ứng ngày 20/6/2016 là sau ngày ông D chuyển khoản tiền cho ông C và đều bằng đồng yên Nhật. Chị C1 khẳng định chị là quản lý Văn phòng kinh doanh – Công ty Kisuna tại Nhật Bản, do anh Trương Văn D2 là giám đốc. Chị phụ trách công việc liên quan đến kinh doanh, những giấy tờ mà chị ký nhận là tiền tạm ứng, tiền lương, tiền thưởng chị đã thanh toán xong cho công ty. Anh Trương Văn Tá là người làm chứng có văn bản đề ngày 06/7/2017 xác nhận tháng 12/2016 anh Trương Văn D2 là giám đốc có đưa cho chị C1 400.000 yên Nhật, để cho chị C1 vay lấy tiền về Việt Nam, tuy nhiên sau đó anh Tá có văn bản hủy giấy xác nhận trên khẳng định không biết việc vay mượn tiền. Mặt khác nội dung xác nhận việc anh Tá đưa tiền cho chị C1 vào tháng 12/2016 là sau ngày ông D chuyển tiền cho ông C.
Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn xuất trình file ghi âm có nội dung năm 2016 ông D có đến gặp ông C nói chuyện về khoản tiền ông D chuyển cho ông C để chị C1 góp vốn vào Công ty K1, phía bị đơn cũng thừa nhận có việc ông D đến hỏi ông về việc góp vốn trên.
Do đó Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả nguyên đơn số tiền 527.050.000đồng. Do yêu cầu khởi kiện được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là có căn cứ. Từ đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông Trương Văn C cũng như quan điểm của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho ông C tại phiên tòa.
Đối với việc ông Trương Văn C và anh Trương Văn D2 cho rằng chị Hà Thị C1 có vay tiền của anh D2 nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Nếu có tranh chấp các đương sự có quyền yêu cầu giải quyết bằng một vụ án dân sự khác.
[3] Về án phí: Ông Trương Văn C kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Do ông C là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên căn cứ điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Trương Văn C.
Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
QUYẾT ĐỊNH
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Trương Văn C. Giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh B.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
2. Về án phí: Ông Trương Văn C được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về kiện đòi tài sản số 170/2022/DS-PT
Số hiệu: | 170/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 15/06/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về