Bản án về kiện đòi tài sản là di sản thừa kế số 30/2024/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 30/2024/DS-PT NGÀY 14/03/2024 VỀ KIỆN ĐÒI TÀI SẢN LÀ DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 14 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 66/2023/TLPT-DS ngày 05/10/2023 về việc Kiện đòi tài sản là di sản thừa kế.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2023/DS-ST ngày 25/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 70/2023/QĐXX-PT ngày 03/11/2023, giữa:

1. Nguyên đơn: Cụ Lê Thị H, sinh năm 1946. Địa chỉ: xóm X, xã B, thành phố S, tỉnh Thái Nguyên.

Người đại diện hợp pháp của cụ H: Ông Đỗ Quang D, sinh năm 1977. Địa chỉ: xóm X, xã B, thành phố S, tỉnh Thái Nguyên (là đại diện theo ủy quyền).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Bùi Thị Th và ông An Văn D1 - Luật sư của Văn phòng Luật sư A thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

2. Bị đơn: Ông Lê Văn C, sinh năm 1958. Địa chỉ: thôn V, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

3.1. Cụ Lê Thị C1, sinh năm 1937, chết ngày 17/9/2023.

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ C1:

- Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1968.

- Bà Nguyễn Thị Đ1, sinh năm 1959

- Bà Nguyễn Thị Đ2, sinh năm 1962

- Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1976

Đều có địa chỉ: thôn K, xã T, huyện K, tỉnh Hải Dương. Đều là con của cụ

3.2. Cụ Lê Thị V, sinh năm 1942. Địa chỉ: thôn V, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện hợp pháp của cụ V: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1971; địa chỉ: thôn N, xã T, huyện K, tỉnh Hải Dương tham gia tố tụng (là đại diện theo ủy quyền).

3.3. Bà Lê Thị C2, sinh năm 1955

3.4. Bà Lê Thị H1, sinh năm 1964 Đều có địa chỉ: thôn V, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.

Bà Lê Thị C2 ủy quyền cho bà Lê Thị H1 làm người đại diện.

3.5. Ông Đỗ Văn D2, sinh năm 1968

3.6. Bà Đỗ Thị T, sinh năm 1962 Đều có địa chỉ: X, xã B, TP S, tỉnh Thái Nguyên.

3.7. Bà Lê Thị K, sinh năm 1958. Địa chỉ: thôn T, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.8. Bà Lê Thị S1, sinh năm 1965. Địa chỉ: thôn V, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.9. Ông Lê Văn L, sinh năm 1971. Địa chỉ: thôn V, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.

Bà Lê Thị K và ông Lê Văn L ủy quyền cho bà Lê Thị S1 làm người đại diện.

3.10. Bà Lê Thị H2, sinh năm 1962. Địa chỉ: thôn K, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.11. Bàị Lê Thị S2, sinh năm 1962. Địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương.

3.12. Bà Trương Thị Y, sinh năm 1955. Địa chỉ: số 135/9 đường N, quận x, TP.Hồ Chí Minh.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn cụ Lê Thị H; người có quyền lợi nghĩa cụ liên quan bà Lê Thị H1, bà Lê Thị S1, bà Nguyễn Thị L (người đại diện hợp pháp của cụ V), ông Nguyễn Văn T (người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ C1).

Ông D, ông D1, ông T, bà L, bà H1, bà S1 có mặt. Các đương sự khác vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án dân sự sơ thẩm số: 10/2023/DS-ST ngày 04/8/2023 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Nguyên đơn cụ Lê Thị H và người đại diện hợp pháp trình bày: Bố mẹ đẻ của cụ là cụ Lê Văn C3 (không rõ năm sinh, chết năm 1977) và cụ Nguyễn Thị Q (không rõ năm sinh, chết năm 1997). Trước khi kết hôn với cụ Q, thì cụ C3 có hai đời vợ, trong đó: vợ cả là cụ Nguyễn Thị N (năm sinh và năm mất cụ H không biết), giữa cụ C3 và cụ N không có con chung; vợ thứ 2 là cụ Nguyễn Thị Tr, (không rõ năm sinh và năm mất). Giữa cụ Tr và cụ C3 có một con chung là cụ Lê Thị A (đã chết); cụ A có 2 đời chồng, chồng thứ nhất là cụ Trương Văn Ng có 1 con là Trương Thị Y, sinh năm 1955; chồng thứ 2 là ông Đỗ Mạnh H3 có 2 người con là: Đỗ Mạnh D2, Đỗ Thị T. Giữa cụ Q và cụ C3 có 5 người con, gồm: Cụ Lê Văn C4, chết năm 1965(có vợ là Vũ Thị Ph chết năm 2015, cụ C4 có 3 con là ông Lê Văn C, bà Lê Thị C2 và bà Lê Thị H1); cụ Lê Văn C5, chết năm 1965 (có vợ là cụ Đoàn Thị S3, chết năm 1970 và có 3 con là bà Lê Thị K, bà Lê Thị S1 và ông Lê Văn L); cụ Lê Thị C1, sinh năm 1937, cụ Lê Thị V, sinh năm 1942 và cụ Lê Thị H. Ngoài ra, không còn con đẻ, con nuôi nào khác.

Quá trình chung sống, cụ C3 và cụ Q có sử dụng diện tích 1.118m2 đất tại thửa đất số 20, tờ bản đồ 35 tại thôn V, xã Đ, huyện K, trên đất có nhà cửa, công trình phụ và cây cối. Trước khi cụ C3 chết, cụ C3 có giao nói miệng cho cụ Q sử dụng diện tích đất và tài sản trên đất nói trên; cụ Q ở một mình trên diện tích đất này, vì con của cụ đều có gia đình và ở riêng. Khi cụ C3, cụ Q còn sống chưa phân chia tài sản và khi chết không để lại di chúc.

Năm 1997, sau khi cụ Q chết thì các ông bà em trong gia đình có thống nhất bằng văn bản giao cho ông L (con cụ C5) quản lý, sử dụng. Năm 1998 thì ông Lê Văn C (là con cụ C4) đã tự phá dỡ các tài sản trên đất mà không được sự đồng ý của các hàng thừa kế. Cụ H đã trình báo chính quyền địa phương, đã nhiều lần cụ H yêu cầu ông C phải trả lại diện tích đất trên nhưng ông C không thực hiện.

Cụ H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông C phải trả lại diện tích đất mà cụ C3, cụ Q để lại mà ông C đã chiếm giữ trái phép, để cụ Hvà các bà em tự phân chia di sản thừa kế, không nhờ Toà án phân chia di sản thừa kế trong vụ án này.

Bị đơn ông Lê Văn C trình bày: Ông là con của cụ Lê Văn C4, ông gọi cụ H là cô ruột. Ông C xác định cụ Lê Văn C3 có 3 đời vợ và 6 người con như cụ H trình bày. Nguồn gốc đất đang tranh chấp diện tích 1.118m2, tại thửa số 20, tờ bản đồ 35 sở thôn V, xã Đ là của cụ C3 và cụ Q để lại, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi cụ C3 chết năm 1977, vợ chồng ông vào ở với cụ Q hơn một năm. Sau đó, mẹ đẻ ông là cụ Vũ Thị Ph, con gái lớn của ông là Lê Thị H3, con gái thứ 2 ông là Lê Thị H4 đã ra trông nom, ở cùng cụ Q đến khi chết; cụ H không có thời gian nào ở cùng và chăm nom chăm sóc cụ Q.

Năm 1997 trước khi cụ Q chết, đã nói với mẹ đẻ ông là giao đất và tài sản trên đất cho mẹ ông (là dâu trưởng) và ông (là cháu trưởng) trông nom để hương khói cho các cụ. Sau khi cụ Q chết, ông là người trực tiếp quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất cho đến nay; ông sử dụng diện tích đất này vào việc trồng cây ăn quả, cấy lúa và đóng thuế.

Trước tuần 49 ngày của cụ Q, do mưa to nên căn nhà tranh vách đất của cụ Q vị sụp mái. Khi lo xong 100 ngày cho cụ Q, mẹ ông bảo ông phá dỡ căn nhà này để san đất trồng cây. Khi ông phá dỡ căn nhà xong, cụ H về đổ cho mẹ ông và cụ C1 cho cụ Q ăn bị nghẹn chết. Cụ H làm đơn tranh chấp đất đòi ông phải trả diện tích đất này cho cụ H, mục đích để bán cho ông Nông, chứ cụ H không yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Từ khi ông quản lý, sử dụng đất, năm 1981 ông mua máy hút bùn bơm khoảng 2000m2 bùn, đất.

Đối với văn bản ngày 27/11/1997, có chữ ký của cụ C1, cụ V và cụ H về việc giao diện tích đất của cụ C3, cụ Q cho ông Lê Văn L đấu để cấy từ tháng 11/1996, thời hạn 5 năm, ông C xác định diện tích đất và tài sản này là của ông bà nội ông để lại, trước khi chết cụ Q giao cho gia đình ông quản lý, sử dụng, sau khi cụ Q chết đã được dòng họ giao cho ông sử dụng diện tích đất và tài sản này vào thực hiện nghĩa vụ thờ cúng. Cụ C1, cụ V và cụ H không thể tự ý quyết định được việc giao diện tích đất cho ai nếu chưa được sự đồng ý của các hàng thừa kế.

Ông C không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của cụ H vì cụ H không có quyền yêu cầu ông phải trả lại diện tích đất của cụ C3 cụ Q. Ông cũng là một trong các hàng thừa kế được hưởng di sản của cụ Q, cụ C3 vì bố ông đã chết và ông là cháu trưởng đang quản lý, sử dụng hợp pháp di sản của cụ C3, cụ Q trên cơ sở được giao bằng nói miệng cho mẹ ông trước khi chết. Ông công tác trên diện tích đất này cũng lấy kinh phí để lo cho các cụ. Ông không yêu cầu phân chia di sản của cụ C3, cụ Q để lại; đề nghị Toà án giải quyết theo quy định.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Trương Thị Y trình bày: Ông bà ngoại của bà là cụ C3 và cụ Tr, bà không nhớ họ tên đầy đủ (đều đã chết). Bố mẹ đẻ bà là cụ Trương Văn Ng và cụ Lê Thị A (đều đã chết) chỉ có bà là con; bà có 2 em cùng mẹ khác cha gồm Đỗ Thị T, sinh năm 1962 và Đỗ Văn D2, sinh năm 1968 đều ở Thái Nguyên. Bà Y xác định là con ruột của cụ Lê Thị A, mẹ bà là con của cụ C3 và cụ Tr; mẹ bà có 2 đời chồng là cụ Trương Văn Ng (cha ruột của bà) và cụ Đỗ Mạnh H3 (cha ruột của bà T và ông D2). Đối với yêu cầu khởi kiện của cụ H, đề nghị Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ông Đỗ Văn D2, bà Đỗ Thị T trình bày: Cụ Ngô Thị A (tên gọi khác là Lê Thị A) là con của cụ Lê Văn C3 và cụ Nguyễn Thị Tr. Cụ A có 2 đời chồng là cụ Trương Văn Ng (đã chết) có 1 người con là Trương Thị Y và cụ Đỗ Mạnh H3. Ông D2 và bà T là con của cụ H và cụ A. Ngoài ra, cụ A không có người con nào khác. Ông D2 xác định, do tuổi cao, sức yếu, đường xa nên không đến Toà án làm việc. Đề nghị Toà án giải quyết vắng mặt. Đối với yêu cầu khởi kiện của cụ H; ông D2, bà T không đồng ý, đề nghị Toà án giải quyết theo quy định. Ai được hưởng phần di sản bao nhiêu thì chia cho người đó.

Bà Lê Thị H2 và bà Lê Thị S2 (bà S2 và bà H2 thống nhất lời khai và uỷ quyền cho bà S2) trình bày: Bà S2 là con cụ Lê Văn C5, bà H2 là con cụ C4. Diện tích đất của cụ Lê Văn C3 và cụ Nguyễn Thị Q chưa được các cụ phân chia cho ai. Sau khi cụ C3 mất thì cụ Ph là dâu trưởng và các con gái của ông C vào trông nom chăm sóc cụ Q. Trước khi cụ Q mất, cụ Q và các cô ruột có nói cho cháu trưởng (ông C) diện tích đất này để hương khói cho các cụ. Trước đây trên diện tích đất này có 2 ao, sau khi ông C ra quản lý, đã san lấp để cấy lúa và trồng cây ăn quả. Nay cụ H yêu cầu khởi kiện, bà H2 và bà S2 không đồng ý. Các bà không yêu cầu phân chia thừa kế và không có đề nghị gì khác.

Bà Lê Thị H1 trình bày: Bà là con gái cụ Lê Văn C4 và cụ Vũ Thị Ph. Cụ C4 cụ Ph có 4 người con gồm: Bà (Lê Thị H1), bà Lê Thị C2, ông Lê Văn C và bà Lê Thị H2; cụ H là em ruột của bố bà. Sau khi cụ Q chết, ông C tự phá dỡ nhà của cụ Q và sử dụng diện tích đất từ đó đến nay. Theo bà được biết thì sau khi cụ Q chết thì cụ V đóng thuế sử dụng đất một thời gian sau đó do ông C tự ý chiếm giữ, sử dụng nên cụ V không nộp nữa. Bà H1 đồng ý với yêu cầu của cụ H. Vì đất này của ông bà nội thì phải trả cho các con của các cụ.

Bà Lê Thị S1 trình bày: Bà là con đẻ của cụ Lê Văn C5. Sau khi cụ C3 chết thì bà Nguyễn Thị L (con gái cụ V) vào ở cùng cụ Q từ khi học lớp 1 đến khi lấy chồng vào năm 1988. Khi cụ Q đau ốm thì bố đẻ bà L là y tá đến chăm sóc cho cụ Q. Khi cụ Q khoẻ mạnh thì cụ tự cấy lấy thóc ăn, khi cụ Q đau yếu thì vợ chồng cụ V, cụ C1 và cụ H cấy cho cụ. Mẹ đẻ ông C và em gái ông C là bà Lê Thị H1 có chăm sóc cho cụ vào thời gian cụ ốm trước khi chết, có thời gian ông C cho con gái vào ngủ cùng với cụ Q. Sau khi cụ Q mất, ông C tự ý phá dỡ nhà và chặt cây cối trong vườn để sử dụng cho đến nay. Việc ông C sử dụng đất từ thời điểm đó đến nay không được sự đồng ý của gia đình. Bà đồng ý với cụ H về việc khởi kiện buộc ông C phải trả lại đất của ông bà nội mà hiện nay ông C đang quản lý sử dụng.

Ông Lê Văn Tám và bà Nguyễn Thị L là người đại diện theo uỷ quyền của cụ Lê Thị V trình bày: Ông T là con của cụ Lê Thị C1. Năm 1997 cụ Q chết, thì ông C tự ý phá dỡ nhà và chặt cây cối trong vườn sử dụng đất từ đó đến nay không được sự đồng ý của mọi người. Ông T, bà L đồng ý với yêu cầu của cụ H.

Ông Lê Văn H6 là người làm chứng trình bày: Nội dung cụ H trình bày là hoàn toàn vu khống, không đúng sự thật vì việc ông C phá nhà của cụ Q là ông C thuê người làm trong đó có ông Th (chồng cụ Lê Thị V). Không có việc ông C và gia đình không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng hay hành hạ, ngược đãi cụ Q. Khi làm 49 ngày cho cụ Q thì gia đình, dòng họ đã họp bàn giao toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất của cụ Q cho cháu trưởng là ông C quản lý, sử dụng. Việc thống nhất này chỉ trong nội bộ gia đình, dòng họ không được lập thành văn bản. Tuy nhiên khi ông C lấp 02 ao trong diện tích đất của cụ Q thì cụ V và cụ H có tự ý giao cho ông Lê Văn L (con cụ Lê Văn C5) cấy lúa trên diện tích 02 ao do ông C san lấp nên đã xảy ra tranh chấp. Khi đó ông với tư cách đại diện cho dòng họ có quan điểm thống nhất giao diện tích đất của cụ Q cho ông C quản lý, sử dụng và cải tạo vườn đất này.

UBND xã Đ cung cấp: Theo thông tin UBND xã nắm được thì cụ Lê Văn C3 có vợ là cụ Nguyễn Thị Q, trước thời điểm sống chung với cụ Q thì cụ C3 có sống với cụ Nguyễn Thị Tr. Do không có hồ sơ lưu trữ nên UBND xã không cung cấp được cho Toà án. Trong thời gian sống chung cùng cụ Tr thì có 1 người con chung là cụ Lê Thị A lấy chồng ở Thái Nguyên, không cư trú tại xã Đ. Cụ C3 và cụ Q có 5 người con, gồm: Cụ Lê Văn C4 (chết năm 1965, cụ C4 có vợ là cụ Vũ Thị Ph (chết năm 2015) và có 4 người con Lê Thị C2, Lê Văn C, Lê Thị H1 và Lê Thị H2); cụ Lê Văn C5 (chết năm 1965, cụ C5 có vợ là cụ Đoàn Thị Sâm (chết năm 1984) và có 4 người con Lê Thị K, Lê Thị K (chết lúc nhỏ), Lê Thị S1 và Lê Văn L); cụ Lê Thị C1; cụ Lê Thị V và cụ Lê Thị H.

Tòa án đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với thửa đất số 20, tờ bản đồ số 35, tại thôn V, xã Đ, huyện K, tỉnh Hải Dương, xác định diện tích đất là 1.159,7m2. Trên đất có 7 cây vải, 1 cây xoài, 10 cây mít, 9 cây bưởi, 07 cây hồng xiêm, 01 cây vú sữa và 114 cây quất.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2023/DS-ST ngày 25/7/2023, Tòa án nhân dân huyện Kim Thành căn cứ Điều 648 của Bộ luật Dân sự 1995; Điều 645 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 158, 160, 621 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 5, Điều 203 của Luật đất đai 2013; các Điều 12, 15, 16 Luật Hôn nhân và gia đình 1959; Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Lê Thị H về việc buôc ông Lê Văn C phải trả lại diện tích 1.124m2, tại thửa số 20, tờ bản đồ 35 ở thôn V, xã Đ, huyện K. Ngoài ra, bản án còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn cụ Lê Thị H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bà L, ông T, bà S1, bà H1 kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị chấp nhận việc kiện đòi di sản và chia thừa kế theo quy định của pháp luật Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày Tòa án cấp sơ thẩm tự áp dụng thời hiệu khởi kiện chia thừa kế khi đương sự không yêu cầu, xác định thời hiệu yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ C3 đã hết là không đúng và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, tài liệu xác định về nhân thân của cụ Lê Thị A còn mâu thuẫn nên chưa đủ căn cứ xác định cụ A là con của cụ C3, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án dân sự sơ thẩm; trường hợp không hủy bản án, đề nghị chia thừa kế theo pháp luật và buộc ông C giao một phần di sản của cụ C3 cụ Q cho cụ H.

Đại diện VKS phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của người kháng cáo; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng, kháng cáo của đương sự và người đại diện hợp pháp của đương sự trong thời hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Xét kháng cáo của đương sự và người đại diện hợp pháp của đương sự, thì thấy:

[3] Tại sổ mục kê và bản đồ năm 1993 thể hiện diện tích đất 1.118m2 mang tên cụ Nguyễn Thị Q (vợ cụ C3) thuộc thửa đất số 30, tờ bản đồ 9. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 09/01/2023, diện tích đất là 1159,7m2 (tăng 35,7m2). Các đương sự đều xác định diện tích đất này là tài sản của cụ C3 và cụ Q. Khi các cụ còn sống chưa cho ai, khi chết không để lại di chúc; diện tích đất này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, xác định diện tích đất đất này là di sản thừa kế của cụ Lê Văn C3 và cụ Nguyễn Thị Q. Khi cụ C3, cụ Q chết, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của các cụ, gồm con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng của các cụ được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Cụ Lê Văn C4 và cụ Lê Văn C5 là con đẻ của cụ C3 cụ Q đều chết trước các cụ. Theo quy định của pháp luật các con của cụ Lê Văn C4 và cụ Lê Văn C5 sẽ được hưởng thừa kế thế vị kỷ phần mà cụ C4, cụ C5 được hưởng. Ông C là con cụ C4, là cháu nội của cụ C3 cụ Q nên được hưởng thừa kế thế vị. Hiện ông C đang trực tiếp quản lý di sản thừa kế nên tiếp tục có quyền quản lý di sản thừa kế khi di sản chưa được phân chia thừa kế là đúng với quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 616 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

[4] Các đương sự đều xác nhận trên đất của cụ C3 cụ Q có nhà ở, khi cụ C3 chết nhà ở vẫn còn, cụ Q tiếp tục sinh sống trên căn nhà này. Theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990; mục 10 của Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp lệnh thừa kế; khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 58/1998/UBTVQH10 ngày 24/8/1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991, thì thời gian từ ngày 1/7/1996 đến ngày ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991. Tại Điều 623 quy định: Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản. Cụ C3 chết năm 1977, đã để lại di sản thừa kế là quyền sử dụng đất ở và nhà ở trên đất. Do thời gian từ ngày 1/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không được tính vào thời hiệu. Như vậy, thời hiệu để người thừa kế khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ C3 được tính từ ngày 10/9/1990 đến ngày 10/3/2023 thì mới hết thời hạn yêu cầu chia thừa kế. Cụ H khởi kiện đòi tài sản là di sản thừa kế, ngày 10/3/2022, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định đã hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế đối với 1/2 diện tích đất tranh chấp là di sản của cụ Lê Văn C3 nên không có căn cứ để xem xét, giải quyết là chưa đủ căn cứ.

[5] Đối với 1/2 di sản của cụ Q còn thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế, nhưng các đương sự đều không yêu cầu phân chia di sản nên không đặt ra giải quyết. Tòa án cấp sơ thẩm đã giải thích cho nguyên đơn, nhưng nguyên đơn vẫn xác định không yêu cầu chia thừa kế mà yêu cầu bị đơn trả lại toàn bộ di sản thừa kế. Với nhận định như trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã bác toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện của cụ H. Sau khi xét xử sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo đề nghị chia thừa kế di sản của cụ C3 cụ Q. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện hợp pháp của nguyên đơn xác định lý do không đề nghị chia thừa kế tại cấp sơ thẩm là vì đã khởi kiện đòi toàn bộ di sản của cụ C3 cụ Q, nếu được chấp nhận sẽ được quản lý, sử dụng toàn bộ di sản, nếu không được chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn vẫn phải được hưởng một phần di sản của cụ C3 cụ Q; Tòa án đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì phải chia thừa kế để buộc ông C trả một phần di sản cho nguyên đơn.

[6] Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định, ông C chỉ có quyền quản lý di sản thừa, toàn bộ di sản của cụ C3 cụ Q chưa được phân chia thừa kế. Cụ H có quyền hưởng một phần di sản của cụ C3 cụ Q. Trường hợp cụ H chỉ yêu cầu được quyền quản lý di sản thừa kế thì không có căn cứ, vì ông C cũng có quyền quản lý di sản như phân tích tại mục [3]. Trong vụ án này, cụ H yêu cầu ông C trả lại toàn bộ tài sản là di sản của cụ C3 cụ Q, không yêu cầu chia thừa kế vì cụ H cho rằng ông C là cháu của cụ C3 cụ Q phải trả lại toàn bộ di sản cho cụ H là con của cụ C3 cụ Q. Như vậy, yêu cầu khởi kiện của cụ H lớn hơn yêu cầu chia thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của cụ H mà chưa xem xét chia thừa kế là không đảm bảo quyền lợi được hưởng thừa kế của cụ H cũng như những người thuộc hàng thừa kế của cụ C3 cụ Q khi xem xét, đánh giá về thời hiệu chia thừa kế.

[7] Từ những phân tích trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cụ H và các đương sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần xem xét đề nghị chia di sản thừa kế trong vụ án này như đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì mới giải quyết triệt để vụ án. Trường hợp, Hội đồng xét xử phúc thẩm chia thừa kế, giao một phần tài sản là di sản thừa kế của cụ C3 cụ Q cho cụ Hiền và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ làm mất quyền kháng cáo của các đương sự. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, hủy bản án dân sự sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cần xem xét đánh giá lại về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế khi đương sự đề nghị Tòa án áp dụng thời hiệu; thu thập chứng cứ về nhân thân của cụ Ngô Thị A (Lê Thị A) để đánh giá về hàng thừa kế của cụ C3.

[8] Về án phí và chi phí tố tụng: Do bản án dân sự sơ thẩm bị hủy nên những người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Nghĩa vụ chịu chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản và án phí sơ thẩm được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 308, Điều 310, khoản 3 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của cụ Lê Thị H, bà L, ông T, bà S1, bà H1. Hủy bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2023/DS-ST ngày 25/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí: Người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả ông T, bà L, bà S1 và bà H1, mỗi người 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp, theo các biên lai thu tạm ứng số: AA/2022/0001666, AA/2022/0001667, AA/2022/0001668 và AA/2022/0001669 cùng ngày 08/8/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

724
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về kiện đòi tài sản là di sản thừa kế số 30/2024/DS-PT

Số hiệu:30/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về