Bản án về kiện đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa theo hợp đồng vận chuyển bằng đường biển số 01/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 01/2022/KDTM-PT NGÀY 28/01/2022 VỀ KIỆN ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI HÀNG HÓA THEO HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN BẰNG ĐƯỜNG BIỂN

Ngày 28 tháng 01 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 12/2021/TLPT-KDTM ngày 04/11/2021 về việc Kiện đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa theo hợp đồng vận chuyển bằng đường biển.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2021/KDTM-ST ngày 31/8/2021 của Toà án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 93/2021/QĐ-PT ngày 22/12/2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 02/2022/QĐ-PT ngày 11/01/2022 giữa các đương sự:

1 . Ng uyên đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm T (G) Địa chỉ trụ sở: tòa nhà N, 201-203 C, phường X, quận X1, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Hoàng Chung T2 - Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Thị Phương Y, sinh năm 1985; Địa chỉ: đường Z, phường H, quận T3, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền lại: Ông Lã Viết N1, sinh năm 1987; Đăng ký hộ khẩu thường trú: thôn A, xã D, huyện V1, thành phố Hải Phòng; Địa chỉ hiện nay: đường L, quận N2, thành phố Hải Phòng.

2 . Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn T1.

Địa chỉ trụ sở: Số nhà Z1, khu Z2, thị trấn D1, huyện T4, tỉnh Thái Bình.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Trần Hương L1 - Giám đốc

3 . Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan :

3.1 Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ tàu biển V.

Địa chỉ trụ sở: L2, xã P, huyện N3, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Viết V2 - Giám đốc.

3.2 Tổng Công ty bảo hiểm B.

Địa chỉ: đường T5, phường C1, quận H1, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân V3 – Tổng Giám đốc Người đại diện theo ủy quyền:

+ Bà Đỗ Phương A1 - Chức vụ: Phó Giám đốc Ban Pháp chế và Kiểm tra nội bộ.

+ Ông Phạm D2 - Chức vụ: Chuyên viên Ban Pháp chế và Kiểm tra nội bộ.

+ Bà Nguyễn Thị Khánh D3 - Chức vụ: Chuyên viên Ban giám định bồi thường Hàng Hải

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn - Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm T (G).

(Đại diện của Nguyên đơn có mặt, các đương sự khác vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

* Người đại diện của Nguyên đơn - Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm T (G) trình bày:

Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm T (viết tắt là G) hoạt động bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường biển. Do G và Công ty trách nhiệm một thành viên - Tổng Công ty lương thực M (viết tắt là V4) đã ký hợp đồng bảo hiểm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, sau đó phát sinh sự kiện bảo hiểm, G đã bồi thường thiệt hại hàng hóa được bảo hiểm cho V4, V4 đã chuyển quyền khởi kiện cho G. Nay G khởi kiện yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn T1 (sau đây viết tắt là Công ty T1) bồi thường thiệt hại đối với số gạo thiếu hụt khi tàu D4 của Công ty T1 vận chuyển theo hợp đồng gây ra, cụ thể:

V4 (là người thuê vận chuyển) đã ký hợp đồng vận chuyển số 09/VNF- VHS/PHIL-2016 ngày 08/3/2016 (sau đây viết tắt là hợp đồng 09) với Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ tàu biển V (sau đây viết tắt là Công ty V). Cùng ngày 08/3/2016, Công ty V ký hợp đồng vận chuyển số 15/VHS-DO/PHIL-2016 (sau đây viết tắt là hợp đồng số 15) với chủ tàu là Công ty T1. Cả hai hợp đồng đều có nội dung: Tàu D4 của Công ty T1 vận chuyển 5.100 tấn gạo đóng bao từ cảng Công ty V (Cảng thành phố Hồ Chí Minh) đến cảng LIONSHIP PHILS., INC (cảng thành phố ILOILO - Philippines). Ngày 25/3/2016, tàu D4 đã nhận đủ 5.100 tấn gạo, rời cảng đi, ngày 31/3/2016 đến cảng thành phố ILOILO, dỡ hàng từ ngày 01/04/2016 đến 15/4/2016. Sau khi giao hàng xong, số hàng thiếu hụt là 33,703 tấn gạo, trong đó:

- Tàu D4 làm thiếu hụt khi vận chuyển gồm: Gạo giao thiếu 180 bao x 50kg = 9.000kg (9 tấn); gạo bị ướt và nhiễm dầu không sử dụng được là 45 bao x 50kg = 2.250kg (2,25 tấn); gạo bị rơi vãi ở bao là 11,153 tấn; gạo bị rơi vãi ở trong 91 bao rỗng khác là 4,55 tấn; tổng là 26,953 tấn; đơn giá theo hợp đồng bảo hiểm là 10.478.575 đồng/tấn.

- Số gạo bị thiếu hụt từ cảng bên mua đến kho bên mua (không thuộc trách nhiệm người vận chuyển) là 6,75 tấn.

Để bảo hiểm cho lô hàng gạo trên, ngày 28/3/2016, G và V4 đã ký hợp đồng bảo hiểm số GD0018/16HB08GD (sau đây viết tắt là hợp đồng số 18) có nội dung: G bảo hiểm cho lô gạo có trọng lượng 5.100 tấn gạo (Được đóng thành 102.000 bao) của V4 xuất giao cho Cơ quan nhập khẩu lương thực Quốc gia Philipines. Toàn bộ số hàng này do tàu D4 vận chuyển; số gạo do tàu D4 làm thiếu hụt là 33,703 tấn, trong đó số gạo bị thiếu hụt thuộc trách nhiệm của người vận chuyển là 26,953 tấn x 10.478.575 đồng/tấn; thành tiền là 282.429.054 đồng. Thực hiện hợp đồng bảo hiểm, ngày 21/6/2016, G đã bồi thường toàn bộ giá trị hàng hóa bị thiếu hụt là 353.159.440 đồng cho V4. Cùng ngày, V4 đã có giấy biên nhận và thế quyền để G khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do tàu D4 gây ra.

G thế quyền của V4 khởi kiện yêu cầu chủ tàu D4 là Công ty T1 phải bồi thường giá trị số gạo bị thiếu hụt là 282.429.054 đồng (26,953 tấn x 10.478.575 đồng/tấn). Nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu bồi thường 70.730.381 đồng về giá trị số gạo 6,75 tấn thiếu hụt không thuộc trách nhiệm của tàu D4.

* Trong quá trình tòa án thụ lý giải quyết vụ án, người đại diện theo pháp luật của Công ty T1 không tham gia tố tụng, không gửi văn bản trình bày ý kiến và tài liệu chứng cứ cho Tòa án. Tòa án đã tiến hành xác minh, niêm yết các văn bản tố tụng tại địa chỉ trụ sở của Công ty T1 và niêm yết tại UBND thị trấn D1, huyện T4, tỉnh Thái Bình nơi Công ty T1 có trụ sở.

* Người đại diện của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Công ty TNHH dịch vụ tàu biển V trình bày: Ngày 08/3/2016, Công ty V đã ký hợp đồng số 15 với chủ tàu là Công ty T1 để thuê tàu D4 vận chuyển 5.100 tấn gạo, đóng bao 50kg, xếp hàng từ cảng thành phố Hồ Chí Minh đến cảng LIONSHIP PHILS., INC (cảng thành phố ILOILO - Philippines). Cùng ngày Công ty V là chủ tàu lại ký hợp đồng số 09 cho V4 thuê lại tàu D4 vận chuyển số gạo nêu trên. Cả hai hợp đồng đều có nội dung “Phương tiện vận chuyển lô hàng gạo nói trên là tàu D4 do Công ty TNHH T1 làm chủ sở hữu, khai thác và quản lý thuyền viên”. Công ty V chỉ thuê tàu của Công ty T1 cho V4 thuê lại phương tiện chứ Công ty V không phải chủ phương tiện, không phải đại lý của Công ty T1 nên không có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Đề nghị Tòa án không đưa Công ty V vào tham gia tố tụng, xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị gửi kết quả xét xử cho Công ty.

* Người đại diện của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Tổng Công ty Bảo hiểm B (sau đây ghi là B) trình bày:

B và Công ty T1 chỉ có quan hệ hợp đồng trách nhiệm dân sự theo luật Kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, B không phải người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

* Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2021/KDTM-ST ngày 31/8/2021 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã áp dụng các Điều 281; Điều 388; Điều 535; Điều 539; Điều 309; Điều 315; Điều 316; Điều 546 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 70; Điều 71; Điều 72, khoản 1 Điều 77 của Bộ luật Hàng hải năm 2005; Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểmKhoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 1, khoản 3 Điều 228; khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, xử:

- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm T (G) về việc yêu cầu bị đơn là Công ty T1 phải bồi thường số tiền 282.429.054 đồng đối với 26,953 tấn gạo bị thiếu hụt khi tàu D4 vận chuyển 5.100 tấn gạo từ cảng Công ty TNHH dịch vụ Tàu biển V (Cảng thành phố Hồ Chí Minh) đến cảng LIONSHIP PHILS., INC (cảng thành phố ILOILO (Philippines).

- Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc nguyên đơn yêu cầu bồi thường 70.730.381 đồng về số gạo 6,75 tấn bị thiếu hụt từ cảng bên mua đến kho bên mua.

- Về án phí: Nguyên đơn G phải nộp 14.121.452 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; được trừ vào số tiền 8.830.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số: 0001427 ngày 10 tháng 05 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. G còn phải nộp 5.291.452 đồng án phí.

Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 08/10/2021, Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn gửi đơn kháng cáo bản án. Ngày 13/10/2021, G gửi đơn kháng cáo bản án, cùng có nội dung đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Công ty T1 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho G 282.429.054 đồng.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện Nguyên đơn trình bày giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, những người tiến hành tố tụng và Nguyên đơn G đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Người đại diện của Công ty T1, Công ty V, Tổng công ty Bảo hiểm B vắng mặt lần thứ 2 tại phiên tòa.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm 06/2021/KDTM-ST ngày 31/8/2021 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy mở phiên tòa và tuyên án ngày 31/8/2021, các đương sự đều vắng mặt tại phiên tòa. Ngày 24/9/2021 người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn nhận được bản án. Ngày 08/10/2021 ông Lã Viết N1 - Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn gửi “Đơn kháng cáo” qua dịch vụ bưu chính đến Tòa án, có đóng dấu bưu điện nơi gửi ngày 08/10/2021. Ngày 13/10/2021, G gửi “Đơn kháng cáo” đến Tòa án, đơn do ông Phan Hoàng Chung T2, Tổng Giám đốc ký và đóng dấu, có đóng dấu bưu điện nơi gửi ngày 13/20/2021. Như vậy, “Đơn kháng cáo” do ông Lã Viết N1 gửi còn trong thời hạn kháng cáo, “Đơn kháng cáo” do ông Phan Hoàng Chung T2 gửi khi đã hết thời hạn kháng cáo. Xét thẩm quyền ký đơn kháng cáo của ông N1 thì thấy: Tại điểm 3 mục III của “Giấy ủy quyền” ngày 21/3/2018 của Người đại diện theo pháp luật của G ủy quyền cho bà Lê Thị Phương Y có nội dung “Bên được ủy quyền có toàn quyền thay mặt bên ủy quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến vụ kiện, được quyền lập văn bản và ký tên trên mọi giấy tờ liên quan”, điểm 4 mục III “Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho bên thứ 3 bất kỳ thực hiện toàn bộ nội dung công việc nêu trên”. Tại “Giấy ủy quyền” ngày 08/5/2018 của bà Lê Thị Phương Y cho ông Lã Viết N1, điểm 3 mục III có nội dung “Bên được ủy quyền có toàn quyền thay mặt bên ủy quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến vụ kiện, được quyền lập văn bản và ký tên trên mọi giấy tờ liên quan”. Việc ủy quyền tại các “Giấy ủy quyền” nêu trên là hợp lệ. Như vậy ông Lã Viết N1 được thay mặt G ký và gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm đến Tòa án. Ông N1 đã thay mặt G nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Vì vậy kháng cáo của G do ông Lã Viết N1 đại diện ký đơn, nộp đơn là hợp lệ, được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[1.2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: G và V4 đã ký hợp đồng bảo hiểm hàng hóa số: GD 0018/16HB08GD ngày 28/3/2016, đối với 5.100 tấn gạo do tàu D4 vận chuyển. Khi xảy ra thiệt hại do thiếu hụt hàng hóa trong quá trình vận chuyển, G đã bồi thường toàn bộ cho V4 theo hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên, V4 đã có văn bản chuyển giao quyền yêu cầu cho G, vì vậy G có quyền thay V4 khởi kiện đối với bên mà G cho rằng có lỗi đã gây ra thiệt hại. Như vậy bản án sơ thẩm đã xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Kiện đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa theo hợp đồng vận chuyển bằng đường biển” là đúng quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

[1.3] Về việc vắng mặt các đương sự:

Theo cung cấp của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Thái Bình thì hiện hay Công ty T1 có đăng ký địa chỉ trụ sở tại số nhà Z1, khu Z2, thị trấn D1, huyện T4, tỉnh Thái Bình. Xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công ty TNHH T1 không hoạt động tại địa chỉ trên mà chỉ treo biển Công ty. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không tống đạt được trực tiếp văn bản tố tụng cho Bị đơn và đã thực hiện việc niêm yết các văn bản tố tụng cho Bị đơn tại địa chỉ Bị đơn đăng ký nêu trên và tại trụ sở UBND thị trấn D1, huyện T4, Thái Bình là hoàn toàn hợp pháp. Tại phiên tòa, người đại diện của Công ty T1, người đại diện của Công ty V vắng mặt lần thứ 2 không có lý do. Căn cứ quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vụ án theo trình tự có mặt Nguyên đơn có kháng cáo, vắng mặt các đương sự khác tại phiên tòa.

[2] Về nội dung:

[2.1] Hợp đồng vận chuyển số 09 giữa người thuê vận chuyển là V4 với người vận chuyển/chủ tàu là Công ty V và Hợp đồng vận chuyển số 15 giữa người thuê vận chuyển là Công ty V với người vận chuyển/chủ tàu là Công ty T1, cùng xác lập ngày 08/3/2016, đều thể hiện nội dung: Bên thuê vận chuyển thuê chủ tàu vận chuyển 5.100 tấn gạo đóng bao từ cảng Công ty V (Cảng thành phố Hồ Chí Minh) đến cảng LIONSHIP PHILS., INC (cảng thành phố ILOILO (Philippines), tàu thực hiện hợp đồng vận chuyển là tàu D4. Ngày 28/03/2016, V4 và G đã ký hợp đồng bảo hiểm số 18 để bảo hiểm cho số hàng hóa vận chuyển đường biển bằng tàu D4 trên.

Các Hợp đồng nêu trên đều do người có thẩm quyền của các bên ký kết trên cơ sở tự nguyện, nội dung và hình thức không trái quy định pháp luật, vì vậy các hợp đồng đó đều có hiệu lực pháp luật.

[2.2] Công ty V trình bày Công ty V chỉ thuê tàu D4 của Công ty T1 cho V4 thuê lại, không liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa của V4. Tuy nhiên, căn cứ vào các điều khoản cụ thể của Hợp đồng số 09 thì thấy: Toàn bộ nội dung Hợp đồng thể hiện Công ty V ký hợp đồng vận chuyển với tư cách là chủ tàu, là bên vận chuyển đối với hàng hóa do V4 thuê. Các điều khoản cụ thể như lượng hàng, tầu thực hiện, thanh toán cước, cảng xếp, cảng dỡ, điều khoản xếp hàng, dỡ hàng, mức phạt bốc dỡ hàng chậm, thưởng bốc dỡ hàng nhanh, hun trùng hàng hóa, giao hàng, nghĩa vụ chủ tàu… đều thể hiện các quyền và nghĩa vụ của người thuê vận chuyển và người vận chuyển. Như vậy, trình bày của Công ty V nêu trên là không có cơ sở chấp nhận.

[2.3] G trình bày ngày 25/3/2016, tàu D4 đã nhận đủ hàng hóa là 5.100 tấn gạo theo Hợp đồng vận chuyển số 09, rời cảng đi, ngày 31/3/2016 đến cảng thành phố ILOILO dỡ hàng. Số hàng hóa bị thiếu hụt thuộc trách nhiệm của tàu D4 là 26,953 tấn, đơn giá theo hợp đồng bảo hiểm là 10.478.575 đồng/tấn, thành tiền là 282.429.054 đồng. Trình bày này của G là đúng thực tế, được chứng minh qua các văn bản: Vận đơn số 40/PH-25/15 xác định Công ty V đã nhận, xếp đầy đủ và đúng số lượng hàng hóa theo hợp đồng 09 lên tàu D4 tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/3/2016; Giấy chứng nhận dỡ hàng có chữ ký xác nhận của đại diện đại lý tàu, đại diện tàu D4, đại diện bên giám định; Biên bản giám định ngày 20/4/2016 của Công ty giám định hàng hải và hàng hóa I xác định thiệt hại hàng hóa của V4. Như vậy đã phát sinh sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận giữa G và V4. Ngày 21/6/2016, G đã thực hiện bồi thường toàn bộ thiệt hại hàng hóa cho V4, V4 đã có văn bản nhận tiền bồi thường và chuyển quyền, thế nhiệm cho G tất cả các quyền hạn của V4 liên quan đến lô hàng được bảo hiểm đó.

Theo quy định tại Điều 309, 310 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, G được thế quyền của V4 để khởi kiện bên có lỗi gây ra thiệt hại cho hàng hóa của V4 (được vận chuyển bởi tàu D4) phải bồi hoàn khoản tiền mà G đã bồi thường cho V4.

[2.4] Xét Hợp đồng số 09 ký kết giữa V4 với Công ty V thì thấy: Công ty V ký kết hợp đồng với tư cách chủ tàu, người vận chuyển. Tại Điều 15 “Nghĩa vụ của chủ tàu”: Điểm k “Chủ tàu chịu tất cả các trách nhiệm đối với bất kỳ tổn hại hay hay tổn thất hàng hóa nào sau khi hàng đã được đưa qua khỏi thành lan can tàu tại cảng xếp cho đến khi hàng hóa lại được đưa qua khỏi thành lan can tàu tại cảng dỡ hàng…”; Điểm n “Chủ tàu phải chịu trách nhiệm cho tất cả các khiếu nại đối với người thuê vận chuyển và tất cả các hậu quả/chi phí người thuê vận chuyển phải gánh chịu mà có nguyên nhân gốc từ lỗi của chủ tàu/thuyền trưởng/thuyền phó/thuyền viên của chủ tàu/người làm công cho chủ tàu/đại lý của chủ tàu”. Như vậy với các thỏa thuận nêu trên, Công ty V với tư cách là chủ tàu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với thiệt hại của V4 - theo quy định tại Điều 546 Bộ luật Dân sự 2005; khoản 1 Điều 77 của Bộ luật Hàng hải năm 2005.

Điều 546 Bộ luật Dân sự 2005: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển, nếu để tài sản bị mất mát hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 541 của Bộ luật này.

2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

3. Trong trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất mát, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Khoản 1 Điều 77 của Bộ luật Hàng hải năm 2005: Trách nhiệm của người vận chuyển, người vận chuyển thực tế và người làm công, đại lý:

1. Người vận chuyển phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình vận chuyển theo quy định của Mục này mặc dù toàn bộ hoặc một phần của việc vận chuyển được giao cho người vận chuyển thực tế thực hiện. Đối với phần vận chuyển do người vận chuyển thực tế thực hiện, người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về các hành vi của người vận chuyển thực tế và của người làm công, đại lý của người vận chuyển thực tế đảm nhiệm trong phạm vi công việc được giao.

[2.5] Mặc dù chủ tàu D4 là Công ty T1, Công ty T1 đã ký kết Hợp đồng vận chuyển số 15 với Công ty V với tư cách bên vận chuyển/chủ tàu. Công ty T1 là người vận chuyển trực tiếp gây nên thiệt hại đối với hàng hóa mà Công ty V thuê vận chuyển, vì vậy Công ty T1 phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty V theo thỏa thuận giữa các bên tại Hợp đồng số 15. Giữa V4, Công ty V và Công ty T1 không có sự thỏa thuận về việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Dân sự năm 2005, vì vậy Công ty T1 không có trách nhiệm bồi thường cho V4 theo Hợp đồng vận chuyển số 09.

[2.6] Việc G cho rằng cần áp dụng quy định tại Điều 247 Bộ luật Hàng hải năm 2005 “Chuyển quyền đòi bồi thường: Khi đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm, người bảo hiểm được quyền truy đòi người có lỗi gây ra tổn thất đó (sau đây gọi là người thứ ba) trong phạm vi số tiền đã trả. Người bảo hiểm thực hiện quyền này theo quy định đối với người được bảo hiểm” để buộc Công ty T1 - người vận chuyển trực tiếp gây ra thiệt hại cho V4 phải có trách nhiệm bồi hoàn lại cho G theo thế quyền của V4. Thấy rằng: Mối quan hệ giữa G và V4 trên cơ sở Hợp đồng bảo hiểm số 18, mối quan hệ giữa V4 với Công ty V trên cơ sở Hợp đồng vận chuyển số 09. Khi thực hiện Hợp đồng số 09, Công ty V là người có lỗi gây ra tổn thất cho V4. G được thế quyền của V4, có nghĩa là có các quyền của V4 trong mối quan hệ Hợp đồng vận chuyển với Công ty V, G không có quyền truy đòi đối với Công ty T1.

Do đó Tòa án cấp sơ thẩm đã xử bác yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là đúng quy định pháp luật như đã phân tích nêu trên.

[3] Tại cấp phúc thẩm, Nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ nào mới làm căn cứ cho kháng cáo của mình. Vì vậy cần áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của Nguyên đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Kháng cáo không được chấp nhận nên G phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của Nguyên đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm T (G). Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm số 06/2021/KDTM-ST ngày 31/8/2021 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cụ thể:

Áp dụng Điều 281; Điều 309; Điều 315; Điều 316; Điều 535; Điều 539; Điều 546 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 70; Điều 71; Điều 72, khoản 1 Điều 77 của Bộ luật Hàng hải năm 2005; Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm;

Khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147, khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 1, khoản 3 Điều 228; khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

[1] Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm T (G) về việc yêu cầu Bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn T1 phải bồi thường số tiền 282.429.054 đồng đối với 26,953 tấn gạo bị thiếu hụt khi tàu D4 vận chuyển 5.100 tấn gạo từ cảng Công ty TNHH dịch vụ tàu biển V (Cảng thành phố Hồ Chí Minh) đến cảng LIONSHIP PHILS., INC (cảng thành phố ILOILO (Philippines).

[2] Về án phí: Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm T (G) phải chịu 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Chuyển số tiền G đã nộp tạm ứng tại phiếu thu số 0003816 ngày 20/10/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình sang thi hành án phí.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 28/01/2022

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2394
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về kiện đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa theo hợp đồng vận chuyển bằng đường biển số 01/2022/KDTM-PT

Số hiệu:01/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Bình
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 28/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về