Bản án về khởi kiện quyết định hành chính số 273/2021/HC-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 273/2021/HC-PT NGÀY 06/12/2021 VỀ KHỞI KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Ngày 06 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 196/2021/TLPT-HC ngày 20 tháng 4 năm 2021 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 37/2020/HC-ST ngày 17 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 9801/2021/QĐPT-HC ngày 15 tháng 11 năm 2021 giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1960; cư trú tại: Thôn T , xã T, huyện Y, tỉnh H. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị B, sinh năm 1961; cư trú tại:

Thôn Đ, xã T, huyện Y, tỉnh H. Có mặt.

2. Người bị kiện:Bảo hiểm xã hội tỉnh H.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Q, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh H.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị H, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh H. Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội huyện Y, tỉnh H. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ngày 31/5/2019, bà Nguyễn Thị A nhận được Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của Bảo hiểm xã hội (sau đây viết tắt là BHXH) tỉnh H về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Nguyễn Thị A, nội dung điều chỉnh: Giảm mức lương hưu của bà xuống còn 1.220.835 đồng/tháng và truy thu của bà 21.002.646 đồng.

Đơn khởi kiện ngày 29/5/2020, đơn bổ sung đơn khởi kiện, lời khai tại Tòa án cấp sơ thẩm của người khởi kiện bà Nguyễn Thị A và đại diện theo ủy quyền là bà Phạm Thị B có nội dung:

Bà Nguyễn Thị A khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của BHXH tỉnh H, với lý do:

Bà Nguyễn Thị A là giáo viên mầm non tại trường Mầm non xã T (nay là xã Thuần Thành), huyện Y, tỉnh H liên tục từ năm 1978 đến khi nghỉ hưu. Năm 2002, bà đóng BHXH theo hệ số 1,4. Ngày 01/8/2015 bà được nghỉ hưu theo quyết định số 752/QĐ-UBND ngày 11/5/2015 của UBND huyện Y, tỉnh H.

Quá trình tham gia BHXH và hưởng chế độ BHXH khi nghỉ hưu của bà như sau:

Từ ngày 01/01/2002, bà được đóng BHXH theo Quyết định 81/QĐ-UB ngày 18/11/2002 của UBND tỉnh H và đã đóng BHXH liên tục từ năm 2002 trở đi cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2006, bà được truy đóng BHXH nối tiếp từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001(đóng theo quy định tại Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 của liên ngành Bộ Giáo dục và đào tạo - BHXH Việt Nam (sau đây viết tắt là Công văn số 2150/GDĐT-BHXH) và Hướng dẫn số 30/HD-LN ngày 11/01/2006 của liên ngành Sở Giáo dục và đào tạo - BHXH tỉnh H (sau đây viết tắt là Hướng dẫn số 30/HD-LN) hướng dẫn truy thu BHXH, BHYT đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế nhà nước). Tổng số tiền truy đóng là 13.868.504 đồng tính trên hệ số tiền lương 1,4 của bà.

Bà A nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí từ tháng 8/2015. Thời gian đóng BHXH là 20 năm 07 tháng, mức lương nghỉ hưu vào tháng 8/2015 là 1.607.785 đồng/tháng.

Ngày 31/5/2019, bà được giao Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của BHXH tỉnh H về việc điều chỉnh chế độ hưu trí của bà, cụ thể người đại diện của người khởi kiện trình bày căn cứ cho yêu cầu khởi kiện của bà A là Công văn số 2150/GDĐT-BHXH và thực tế quá trình đóng BHXH của bà A từ năm 1995 đến khi nghỉ hưu, đã được ghi cụ thể tại sổ BHXH của bà A (truy đóng và ghi sổ BHXH theo hệ số, theo đúng Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, Công văn số 2150/GDĐT- BHXH và Hướng dẫn số 30/HD-LN (hướng dẫn đóng theo mục 1; 2; 4 tại Công văn số 61). Các văn bản đó không có nội dung nào quy định sổ BHXH phải ghi mức đóng bằng tiền đồng. BHXH huyện T đã tự ý điều chỉnh sổ BHXH của bà A, thu tiền không có biên lai chứng từ. BHXH tỉnh Thái Bình điều chỉnh lương hưu của bà A không có căn cứ hợp pháp. BHXH tỉnh H làm sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Quan điểm của người bị kiện đối với yêu cầu của người khởi kiện:

Bà Nguyễn Thị A là giáo viên mầm non Trường Mầm non xã T, huyện Y, tỉnh Thái Bình, được tham gia đóng BHXH từ tháng 01/2002 theo quy định tại Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính Phủ; Thông tư số 26/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 20/10/2000 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính; Quyết định số 81/2002/QĐ-UB ngày 18/11/2002 và Quyết định số 84/2002/QĐ-UB ngày 18/12/2002 của UBND tỉnh H. Mức tiền lương đóng BHXH của bà A theo hệ số 1,4.

Tháng 6/2014 bà Nguyễn Thị A được truy đóng BHXH cho thời gian làm việc từ 01/1995 đến hết tháng 12/2001 theo Công văn số 2150/GDĐT-BHXH và Công văn số 3658/BHXH-BT ngày 17/9/2013 của BHXH Việt Nam để tạo điều kiện cho giáo viên mầm non khi hết tuổi lao động được hưởng chế độ hưu trí.

Bà A được Trường Mầm non xã T lập danh sách đề nghị truy đóng BHXH với mức tiền lương là hệ số 1,4 và số tiền lãi theo quy định tại Điều 57 Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001, có xác nhận của UBND xã T và phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Y, tỉnhH.

Cơ quan BHXH huyện Y đã tính số tiền truy đóng BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 đối với bà A là 13.868.504 đồng (theo 04 giai đoạn: Từ tháng 01/1995 đến tháng 12/1996 tương ứng số tiền 604.800 đồng;Từ tháng 01/1997 đến tháng 12/1999 tương ứng số tiền 1.088.640 đồng; Từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2000 tương ứng số tiền 453.600 đồng; Từ tháng 01/2001 đến tháng 12/2001 tương ứng số tiền 529.200 đồng và số tiền lãi theo quy định là: 11.192.264 đồng). Bà A đã đóng đủ. BHXH huyện Y đã ghi sổ BHXH của bà A với mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo hệ số. Đây là sai sót về nghiệp vụ của cơ quan BHXH, do hiểu chưa đúng quy định của Công văn số 2150/GDĐT-BHXH.

Bà Nguyễn Thị A được nghỉ việc theo Quyết định 752/QĐ-UBND ngày 11/5/2015 của UBND huyện Y và hưởng chế độ hưu trí từ tháng 8/2015. Ngày 03/8/2015 BHXH tỉnh H đã ban hành Quyết định số 1539/QĐ-BHXH về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng đối với bà Nguyễn Thị A.

Bà A có tổng quá trình đóng BHXH là 20 năm 07 tháng được tính tròn bằng 21 năm, tỷ lệ % để tính lương hưu của bà A bằng 63% (theo quy định tại Điều 52 Luật BHXH năm 2006 và khoản 1, khoản 5 Điều 28 Nghị định 152/2006 ngày 22/12/2006 của Chính Phủ).

BHXH đã căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 59 Luật BHXH năm 2006 (Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này (lương theo hệ số) thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu) để giải quyết lương hưu cho bà A. Do đó lương hưu của bà A được tính theo phương pháp bình quân lương hưu của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu là 1.607.785 đồng/tháng; thời điểm hưởng từ tháng 8/2015.

Sau đó bà A được điều chỉnh nâng lương theo quy định, hệ số 2,86 lên 3,06 từ tháng 8/2014 đến tháng 7/2015. Ngày 14/9/2015 BHXH tỉnh ban hành Quyết định số 02/QĐ-BHXH về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Nguyễn Thị A, lương hưu hàng tháng của bà A là 1.631.936 đồng/tháng; sau đó được điều chỉnh tăng 8% theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP là 1.762.491 đồng/tháng; thời điểm hưởng từ tháng 8/2015.

BHXH Việt Nam sau khi rà soát hồ sơ truy đóng BHXH thời gian từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001, phát hiện thấy sai sót do cách ghi sổ BHXH dẫn đến cách tính lương hưu cho người lao động không chính xác, vì vậy ngày 16/8/2020, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 3085/BHXH-CSXH về việc chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non…, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH huyện Y kiểm tra, rà soát, lập lại tờ rời sổ số 2603003439 của bà Nguyễn Thị A theo đúng quy định của Công văn số 2150/GDĐT-BHXH, điều chỉnh mức tiền lương của làm căn cứ đóng và ghi sổ BHXH của bà A đối với thời gian từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 từ hệ số sang mức tiền đồng Việt Nam theo 04 mức: từ tháng 01/1995 đến tháng 12/1996 là 168.000 đồng; từ tháng 01/1997 đến tháng 12/1999 là 201.600 đồng; từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2000 là 252.000 đồng và từ tháng 01/2001 đến tháng 12/2001 là 294.000 đồng là 13.868.504 đồng (gồm tổng số tiền truy thu theo hệ số 1,4 và số tiền lãi). Nếu quy ra tiền đồng Việt Nam thì số tiền phải truy đóng BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 của bà A không đổi, tổng số vẫn là 13.868.504 đồng (gồm tổng số tiền truy thu theo mức lương là tiền đồng Việt Nam và số tiền lãi) Tuy nhiên, khi điều chỉnh lại cách ghi sổ BHXH về mức tiền lương đóng BHXH từ hệ số sang tiền đồng Việt Nam thì diễn biến tiền lương của bà A có 02 quá trình: Giai đoạn từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 là thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (tiền đồng Việt Nam); Giai đoạn từ 01/01/2002 đến khi nghỉ hưu là thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (lương theo hệ số).

Do đó việc giải quyết lương hưu đối với bà Nguyễn Thị A phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật BHXH năm 2006 (Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian; trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này). Do vậy việc tính lương hưu đối với bà A bao gồm 02 quá trình:

- Một là: Thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001: Bà A có thời gian đóng là 84 tháng, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo 04 mức: từ tháng 01/1995 đến tháng 12/1996 là 168.000 đồng; từ tháng 01/1997 đến tháng 12/1999 là 201.600 đồng; từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2000 là 252.000 đồng và từ tháng 01/2001 đến tháng 12/2001 là 294.000 đồng (tiền đồng Việt Nam).

Theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, khi giải quyết lương hưu mức tiền lương đóng BHXH của bà A (bằng tiền đồng Việt Nam) được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định tại Điều 61 Luật BHXH năm 2006; Điều 32 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ (hệ số điều chỉnh của năm 2015 quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/01/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Tổng thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: 84 tháng (07 năm). Tổng số tiền do người sử dụng lao động quy định:

56.413.728 đồng (cách tính: mức lương đóng BHXH x mức điều chỉnh x thời gian đóng BHXH).

Hai là: Thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ tháng 01/2002 đến tháng 7/2015: (Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của bà A theo hệ số thang bảng lương Nhà nước). Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu của bà A là 2.590.375 đồng. Tổng thời gian công tác trong khối nhà nước là: 163 tháng (13 năm 7 tháng).Tổng số tiền trong khối nhà nước: 2.590.375 x 163 = 422.231.125 đồng Lương bình quân (chung cả 2 quá trình) của bà A: (56.413.728 đồng + 422.231.125 đồng) : (84 tháng + 163 tháng) = 1.937.833 đồng.

Lương hưu hàng tháng của bà A sau điều chỉnh lần thứ hai là: 1.937.833 đồng x 63% = 1.220.835 đồng/tháng; sau đó được điều chỉnh tăng 8% theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 55/2016/NĐ-CP lên là 1.318.502 đồng/tháng, thời điểm hưởng từ tháng 08/2015.

Căn cứ hồ sơ giải quyết chế độ hưu trí của bà Nguyễn Thị A, tờ rời sổ BHXH số2603003439 do BHXH huyện Y cấp ngày 25/4/2019. BHXH tỉnh H ban hành Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Nguyễn Thị A với cách tính lương hưu cho bà A khi điều chỉnh như trên.

Như vậy, khi điều chỉnh lương hưu theo các văn bản quy định nêu trên thì tiền lương hưu hằng tháng của bà Nguyễn Thị A bị giảm đi 443.989 đồng/tháng (từ mức 1.762.491 đồng/tháng, xuống mức 1.318.502 đồng/tháng); trong đó số tiền chênh lệch phải thu hồi từ tháng 8/2015 đến tháng 5/2019 do điều chỉnh lương hưu đối với bà A là 21.002.646 đồng, đến ngày 10/7/2020 bà Nguyễn Thị A đã nộp được 1.300.000 đồng vào quỹ BHXH.

Quá trình điều chỉnh chế độ hưu trí đối với giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH huyện, thành phố báo cáo Thành ủy, Huyện ủy, UBND huyện, thành phố và phối hợp với phòng Giáo dục và đào tạo, Hội giáo chức, các phòng liên quan tổ chức hội nghị để tuyên truyền, đối thoại, gặp gỡ, giải thích đối với các trường hợp phải điều chỉnh, thu hồi chênh lệch lương hưu nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện; BHXH huyện Y khi giao Quyết định 329/QĐ-BHXH cho bà A đã giao kèm theo “Bản quá trình đóng BHXH” của bà Nguyễn Thị A, trong đó thể hiện rõ nội dung đã điều chỉnh cách ghi từ hệ số sang tiền đồng Việt Nam đối với giai đoạn từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001. Mặt khác, thực hiện công văn số 3085/BHXH-CSXH của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã chủ động báo cáo và đề nghị UBND tỉnh H, BHXH Việt Nam chỉ đạo, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc điều chỉnh lương hưu và thu hồi số tiền chênh lệch lương hưu của giáo viên mầm non; đã thực hiện linh hoạt mức truy thu hằng tháng với mức thu thấp nhất là 100.000 đồng/tháng cho đến khi thu đủ số tiền phải thu về quỹ BHXH sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người nhằm giảm bớt khó khăn, bảo đảm cuộc sống của giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh, điều đó thể hiện BHXH tỉnh đã thực hiện đúng quy định tại mục 3 công văn số 3085/BHXH-CSXH “Việc khắc phục phải khẩn trương, đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm về phía người lao động hoặc đơn vị sử dụng lao động”.

Căn cứ pháp lý ban hành Quyết định số 329/QĐ-BHXH về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Nguyễn Thị A: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 22/12/2006; Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ; Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016; Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007; Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008; Thông tư số 23/2012/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Quyết định số 03/QĐ- TCCB ngày 15/6/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 của BHXH Việt Nam; Công văn số 3085/BHXH- CSXH ngày 16/8/2018 của BHXH Việt Nam; Hồ sơ giải quyết chế độ hưu trí đối với bà Nguyễn Thị A và tờ rời sổ BHXH số 2603003439 do BHXH huyện Y cấp ngày 25/4/2019.

Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành Quyết định số 329/QĐ -BHXH điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Nguyễn Thị A:BHXH tỉnh Thái Bình đã thực hiện đúng quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 3; tiết 1.1.3, điểm 1.1, khoản 1 Điều 7 Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN.

BHXH tỉnh H khẳng định việc ban hành Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của BHXH tỉnh H về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Nguyễn Thị A là đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, công bằng về quyền lợi hưởng BHXH của giáo viên mầm non trong cả nước. BHXH tỉnh đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị A.

Bảo hiểm xã hội huyện Y, tỉnh H trình bày quan điểm: Thực hiện Quyết định số 81/2002/QĐ-UB ngày 18/11/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh H về việc thực hiện chế độ BHXH và BHYT đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước, BHXH huyện Y đã hướng dẫn, đôn đốc đơn vị thực hiện lập hồ sơ thu BHXH, BHYT đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế Nhà nước vào năm 2002. Năm 2003, BHXH huyện đã hướng dẫn đơn vị, người lao động lập tờ khai cấp sổ BHXH chuyển BHXH tỉnh H để cấp và ghi sổ BHXH cho người lao động. Bà Nguyễn Thị A được BHXH tỉnh H cấp sổ BHXH lần đầu với thời gian tham gia từ tháng 01/2002, hệ số lương là 1,4.

Tháng 6/2014, thực hiện Công văn số 3658/GDĐT-BHXH ngày 17/9/2013 của BHXH Việt Nam, bà A làm đơn đề nghị và được Trường Mầm non xã T lập danh sách đề nghị truy đóng BHXH từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 với mức tiền lương là hệ số 1,4 có xác nhận của UBND xã T, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Y. Cơ quan BHXH huyện Y tính số tiền truy đóng BHXH với mức tiền lương và ghi sổ BHXH là hệ số 1,4. Số tiền truy đóng là 2.676.240 đồng và tiền lãi là 11.192.264 đồng (Tiền lãi tính theo quy định tại Điều 57 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam). Tổng số tiền bà A đã truy đóng BHXH thời gian từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 là 13.868.504 đồng. BHXH huyện đã hướng dẫn người lao động lập tờ khai cấp lại sổ cộng nối thời gian truy thu BHXH. Bà A đã được BHXH tỉnh H cấp lại sổ BHXH cộng nối thời gian tham gia từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 với hệ số là 1,4.

Bà A được nghỉ việc vào tháng 8/2015, có thời gian tham gia BHXH là 20 năm 07 tháng, được chốt sổ BHXH và nghỉ hưu từ tháng 8/2015.

Ngày 16/8/2018, BHXH Việt Nam có Công văn số 3085/BHXH-CSXH về việc chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên mầm non. BHXH huyện đã rà soát lại mức đóng BHXH của toàn bộ giáo viên mầm non có thời gian truy đóng từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 của toàn huyện trong đó có bà A và tiến hành điều chỉnh lại việc ghi sổ BHXH, cụ thể như sau:

Cách ghi sổ trước khi điều chỉnh: Thời gian truy đóng từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 là 84 tháng, mức đóng là 1,4 tương ứng với tổng số tiền là 2.676.240 đồng và số tiền lãi là 11.192.264 đồng.

Cách ghi sổ BHXH sau khi điều chỉnh: Theo 04 mức: từ tháng 01/1995 đến tháng 12/1996 tương ứng số tiền 604.800 đồng;Từ tháng 01/1997 đến tháng 12/1999 tương ứng số tiền 1.088.640 đồng; Từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2000 tương ứng số tiền 453.600 đồng; Từ tháng 01/2001 đến tháng 12/2001 tương ứng số tiền 529.200 đồng và số tiền lãi theo quy định là: 11.192.264 đồng.

Tổng số tiền truy đóng BHXH trước và sau khi điều chỉnh không thay đổi, đều bằng 13.868.504 đồng.

Ngày 24/4/2019, BHXH huyện Y thực hiện điều chỉnh nội dung ghi sổ BHXH thời gian từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2001 từ mức lương hệ số sang mức lương tiền đồng Việt Nam của bà Nguyễn Thị A và chuyển về BHXH tỉnh làm căn cứ điều chỉnh lương hưu theo đúng quy định.

Việc bà A yêu cầu hủy Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019, giữ nguyên mức lương hưu trước khi điều chỉnh là không có cơ sở. BHXH huyện Y đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 37/2020/HC-ST ngày 17 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh H đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 116, Điều 158, Điều 164, Điều 168, điểm a khoản 2 Điều 193, Điều 204, Điều 206 và khoản 1 Điều 348 của Luật Tố tụng hành chính;

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 4, Điều 5, khoản 2, khoản 3 Điều 20, Điều 50, Điều 52, khoản 3 Điều 59 Luật BHXH năm 2006; khoản 3 Điều 23 Luật BHXH năm 2014; Công văn số 2150/GDĐT-BHXH ngày 22/3/2004 của liên ngành Bộ Giáo dục và đào tạo - BHXH Việt Nam; Công văn số 3658/BHXH-BT ngày 17/9/2013 của BHXH Việt Nam; Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ; Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 và Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam.

Căn cứ khoản 1 Điều 32 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị A yêu cầu hủy Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của BHXH tỉnh H về việc điều chỉnh chế độ hưu trí đối với bà Nguyễn Thị A.

Bà Nguyễn Thị A phải chịu 300.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm. Chuyển số tiền 300.000 đồng bà A đã nộp tạm ứng án phí tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0009306 ngày 25/12/2020 tại Cục Thi hành án Dân sự tỉnh H sang thi hành án phí.

Ngày 12/01/2021, người khởi kiện là bà Nguyễn Thị A có đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phạm Thị B, đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị A giữ nguyên kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, hủy Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 21/6/2019, trả lại quyền lợi hợp pháp cho bà Nguyễn Thị A.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 241 Bộ luật tố tụng hành chính không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị A, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nghe ý kiến trình bày của các bên; căn cứ kết quả thẩm tra chứng cứ và tranh tụng tại phiên tòa, quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa; sau khi thảo luận và nghị án;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

1.Về tố tụng:

 Ngày 30/5/2019 bà Nguyễn Thị A nhận được Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 của BHXH tỉnh H, ngày 29/5/2020 bà có đơn khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy Quyết định nêu trên. Tòa án nhân dân tỉnh H thụ lý giải quyết đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội; khoản 1 Điều 30, Điều 32, khoản 1 Điều 115, Điều 116 Luật tố tụng hành chính.

Đơn kháng cáo hợp lệ được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

2. Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị A:

2.1. Bảo hiểm xã hội tỉnh H ban hành Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019 đúng thẩm quyền, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 22, Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội; Quyết định số 1414/QĐ-BHXH ngày 04/10/2016 của BHXH Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương; Quyết định số 03/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc thành lập BHXH tỉnh H; Quyết định số 166/QĐ- BHXH ngày 31/01/2019 ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả chế độ BHXH, BHTN của BHXH Việt Nam.

2.2. Về căn cứ ban hành Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019:

Trước năm 2002, các giáo viên mầm non ngoài công lập được trả lương nhưng không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế... ngày 19/8/1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ- CP trong đó có chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Để tạo điều kiện cho giáo viên mầm non khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm theo năm công tác để được hưởng lương hưu, ngày 22/3/2004 Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 2150/GDDT- BHXH hướng dẫn truy thu trong trường hợp “Những người lao động đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian từ tháng 01/1995 đến khi đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu nộp”. Như vậy, quy định này có mở rộng đối tượng là giáo viên mầm non được truy nộp bảo hiểm và ghi sổ BHXH, nhưng mức truy nộp tính bằng tiền (đồng);

Luật BHXH số 71/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 và Luật BHXH số 58/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 (khoản 1 và khoản 3 Điều 62), đều quy định có sự phân biệt 2 trường hợp tính lương hưu:

- Trường hợp 1: Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương bằng hệ số, chế độ hưu trí thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật số 71/2006 (khoản 1 Điều 62 Luật số 58/2014);

- Trường hợp 2: Người lao động có thời gian đóng BHXH vừa theo mức tiền lương bằng hệ số vừa theo mức tiền lương bằng tiền đồng, chế độ hưu trí thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật số 71/2006 (khoản 3 Điều 62 Luật số 58/2014).

Thực hiện chính sách cho truy đóng bảo hiểm và áp dụng quy định của Luật BHXH đã nêu trên, dẫn đến trường hợp giáo viên mầm non đã truy đóng có 02 quá trình đóng bảo hiểm: Vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (đóng bằng tiền đồng Việt Nam) vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (lương theo hệ số), nên khi nghỉ hưu căn cứ tính lương hưu thuộc trường hợp thứ 2. Bà Nguyễn Thị A thuộc đối tượng được truy đóng bảo hiểm và năm 2017, khi đến tuổi nghỉ hưu, lương hưu được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 và Điều 89 Luật BHXH số 58/2014/QH13.

Tuy nhiên, liên ngành Giáo dục & Đào tạo - BHXH tỉnh H ban hành văn bản hướng dẫn số 30/HD-LN ngày 11/01/2006, hướng dẫn việc truy thu BHXH, BHYT đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế và đã thực hiện xác định mức tiền lương làm căn cứ truy đóng tính theo hệ số; ghi sổ BHXH cả bằng tiền đã truy đóng (đồng Việt Nam) và mức lương theo hệ số làm căn cứ tính tiền truy đóng và khi các giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, đã tính lương hưu theo trường hợp thứ nhất, là có sai sót về nghiệp vụ, nên dẫn đến tính lương hưu cao hơn quy định.

Cụ thể, đối với bà Nguyễn Thị A, Bảo hiểm xã hội tính H đã ghi vào sổ bảo hiểm số tiền đóng bảo hiểm theo hệ số 1 và 1,4 (mức đóng vừa ghi bằng hệ số, vừa ghi bằng đồng, sau đó ban hành Quyết định số 1547/QĐ-BHXH cho bà A hưởng lương hưu hàng tháng, là không đúng quy định nêu trên.

Qua kiểm tra, rà soát việc truy thu, giải quyết chế độ BHXH trên nhiều tỉnh thành theo thẩm quyền, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện có sai sót và đã có Công văn số 3085/BHXH-CSXH ngày 16/8/2018 chấn chỉnh công tác giải quyết chế độ BHXH đối với giáo viên Mầm non. Bảo hiểm xã hội tỉnh H đã thực hiện việc rà soát và phát hiện có 2.591 trường hợp, trong đó có bà Nguyễn Thị A, đã ghi mức tiền lương truy đóng trên sổ BHXH không đúng nên đã cho hưởng lương hưu cao hơn quy định; từ đó đã ban hành Quyết định điều chỉnh giảm lương hưu của bà Nguyễn Thị A, là có căn cứ pháp lý.

Bà A cho rằng BHXH tỉnh H chỉ căn cứ vào văn bản hướng dẫn nghiệp vụ chuyên ngành số 3085/BHXH-CSXH ngày 16/8/2018 của BHXH Việt Nam để tự ý điều chỉnh để điều chỉnh lương hưu của bà, là không có cơ sở.

Theo quy định nêu trên, việc giải quyết chế độ hưu trí đối với bà Nguyễn Thị A thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì lương hưu sẽ giảm đi so với lương hưu bà đang hưởng tại Quyết định số 1539/QĐ-BHXH ngày 03/8/2015, mặc dù tiền đã truy đóng BHXH của bà A sau khi điều chỉnh = 13.868.504 đồng vẫn không thay đổi theo 2 cách tính (như ý kiến của người bị kiện đã nêu). BHXH tỉnh H đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-BHXH ngày 16/5/2019, điều chỉnh lương hưu cho bà A giảm đi (từ mức 1.762.491 đồng/tháng, xuống mức 1.318.502 đồng/tháng) và xác định số tiền chênh lệch do đã cho hưởng không đúng mà Bảo hiểm xã hội phải thu hồi của bà A từ tháng 08/2015 đến tháng 5/2019 là 21.002.646 đồng, là có căn cứ pháp luật.

Thực tế, đến ngày 10/7/2020 bà Nguyễn Thị A đã nộp lại 1.300.000 đồng vào quỹ BHXH.

3. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị A là có căn cứ.

Bà Nguyễn Thị A kháng cáo nhưng không có thêm tài liệu chứng cứ gì mới chứng minh nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Kháng cáo không được chấp nhận nên bà Nguyễn Thị A phải chịu án phí hành chính phúc thẩm. Bà A là đối tượng được miễn án phí, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền không đề nghị được miễn án phí, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét miễn.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 220, khoản 1 Điều 241, khoản 1 Điều 349 Luật Tố tụng hành chính; Điều 12, Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Bác kháng cáo của bà Nguyễn Thị A; giữ nguyên Quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 37/2020/HC-ST ngày 17/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh H.

2. Bà Nguyễn Thị A phải chịu 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm. Xác nhận bà đã nộp 300.000 đồng theo Biên lai số 0009889 ngày 21/01/2021 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh H.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 06/12/2021.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

475
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khởi kiện quyết định hành chính số 273/2021/HC-PT

Số hiệu:273/2021/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:06/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về