Bản án về khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính và yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thương mại đối với trường hợp tạm giữ tang vật, giấy tờ theo thủ tục hành chính số 03/2016/HC-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

BẢN ÁN 03/2016/HC-ST NGÀY 30/08/2016 VỀ KHỞI KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH, HÀNH VI HÀNH CHÍNH VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP TẠM GIỮ TANG VẬT, GIẤY TỜ THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Ngày 30/8/2016, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành xét xử sơ thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 04/2016/TLST-HC ngày 23/5/2016 về việc “Khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính và yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thương mại đối với trường hợp tạm giữ tang vật, giấy tờ theo thủ tục hành chính”.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 16/2016/QĐST-HC ngày 12/8/2016, giữa các đương sự:

Người khởi kiện: Công ty trách nhiệm hữu hạn K (gọi tắt là Công ty K).

Địa chỉ: Số 16/16 đường T, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn H. Sinh năm 1984 (có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Ngô Minh S. Sinh năm 1956 (có mặt).

Người bị kiện: Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 – Chi cục quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận (thuộc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận).

Địa chỉ: Đường 16/4, phường M, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Đắc D (vắng mặt; có văn bản xin xét xử vắng mặt đề ngày 24/8/2016).

NHẬN THẤY

Người khởi kiện: Công ty trách nhiệm hữu hạn K – đại diện theo pháp luật ông Trần Văn H và đại diện theo ủy quyền ông Ngô Minh S trình bày:

Ngày 22/01/2016, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 ra Quyết định số 108336/QĐ-KT kiểm tra việc chấp hành pháp luật (gọi tắt là Quyết định số 108336) đối với cửa hàng điện máy K (địa chỉ: Số 3 đường T, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) trực thuộc Công ty K và tiến hành kiểm tra cửa hàng. Sau khi lập biên bản, Công ty K xuất trình bổ sung hóa đơn, chứng từ của 14 máy xay ép sinh tố (10 máy hiệu Philip, 04 máy hiệu Panasonic) nhưng tổ kiểm tra vẫn ghi vào biên bản và Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 ra Quyết định số 12813/QĐ-TGTV ngày 22/01/2016 về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ theo thủ tục hành chính (gọi tắt là Quyết định số 12813) nội dung giữ 14 máy xay ép sinh tố của công ty. Ngày 01/02/2016, Đội quản lý thị trường số 1 lập Biên bản làm việc số 12916/BB-XMLV và có ghi: Hóa đơn của 14 máy xay ép sinh tố sau khi kết thúc kiểm tra, công ty đã nộp bổ sung. Công ty đã nhiều lần làm việc nhưng Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 vẫn không giao trả số tài sản đang tạm giữ này của công ty.

Điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT- BCA-BQP ngày 08/5/2015 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường (gọi tắt là Thông tư số 64) quy định:

Trong thời hạn 24 giờ liên tục, kể từ thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ bản chính chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này. Trường hợp cuối thời hạn 24 giờ liên tục, kể từ thời điểm kiểm tra nếu trùng vào thời gian nghỉ theo quy định thì việc xuất trình hồ sơ được thực hiện vào thời gian làm việc tiếp theo thời gian nghỉ và cơ quan kiểm tra phải ghi rõ thời gian, địa điểm yêu cầu xuất trình vào biên bản.

Đối chiếu quy định trên, trường hợp Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố của Công ty K đến nay không giao trả là trái pháp luật. Lẽ ra sau khi kết thúc biên bản kiểm tra, Công ty K xuất trình đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp (do nhân viên giữ giấy tờ gia đình có công việc nên không có mặt lúc kiểm tra) thì phải lập biên bản bổ sung và xử lý theo quy định của Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, khoản 2 Điều 18 Thông tư số 09/2013/TT-BCT ngày 02/5/2013 của Bộ Công thương, xử lý ngay việc giao trả 14 máy xay ép sinh tố cho công ty. Mặt khác, ngày 01/02/2016, Đội quản lý thị trường số 1 có biên bản xác minh làm việc cũng đã xác định rõ việc bổ sung hóa đơn lô hàng 14 máy xay ép sinh tố sau khi kết thúc kiểm tra là có thật. Như vậy, chậm nhất là sau ngày 01/02/2016 phải giao trả số tài sản này cho công ty. Việc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 hiện nay vẫn còn tạm giữ số tài sản này của công ty là vi phạm pháp luật.

Từ các nội dung trên, người khởi kiện giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy một phần Quyết định số 12813 ngày 22/01/2016 của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 – phần tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố (10 máy hiệu Philip, 04 máy hiệu Panasonic) của Công ty K;

- Công ty K khởi kiện hành vi hành chính của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 về việc tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố của công ty. Yêu cầu Tòa án buộc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 phải giao trả 14 máy xay ép sinh tố cho Công ty K;

- Quyết định hành chính và hành vi hành chính trên của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 đã gây thiệt hại cho Công ty K. Căn cứ Điều 7 Luật doanh nghiệp năm 2014, dựa trên phương án sản xuất, kinh doanh do công ty xây dựng, số hàng hóa trên của công ty bị tạm giữ đến nay đã gần hết thời hạn bảo hành và đã lỗi thời nên khó tiêu thụ, giá trị hàng hóa chỉ còn 50%. Yêu cầu Tòa án buộc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 phải bồi thường tổng số tiền 12.223.285đ;

- Tại đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 12/6/2016, Công ty K yêu cầu trả lại 06 hóa đơn hàng hóa. Tại văn bản đề ngày 21/6/2016 gửi Tòa án và tại phiên tòa hôm nay, Công ty K yêu cầu Tòa án buộc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 trả lại 05 hóa đơn hàng hóa gốc đang tạm giữ của công ty gồm: Hóa đơn số 956 ngày 21/01/2016 đơn vị bán hàng Công ty trách nhiệm hữu hạn Q; hóa đơn số 10471 ngày 21/01/2016, hóa đơn số 9766 ngày 07/01/2016, hóa đơn số 18613 ngày 27/5/2015, đơn vị bán hàng Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ C; hóa đơn số 28476 ngày 25/12/2015 đơn vị bán hàng Điện máy H.

Người bị kiện: Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 - đại diện theo pháp luật ông Huỳnh Đắc D trình bày:

Theo nội dung các bản giải trình đề ngày 01/6/2016, ngày 05/7/2016 và các tài liệu, chứng cứ khác do người bị kiện cung cấp; theo nội dung biên bản đối thoại giữa các đương sự tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận ngày 10/6/2016 và ngày 12/8/2016; theo nội dung văn bản xin xét xử vắng mặt đề ngày 24/8/2016, người bị kiện trình bày:

Ngày 22/01/2016, căn cứ vào ý kiến đề xuất và phương án kiểm tra của tổ kiểm tra thuộc Đội quản lý thị trường số 1, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định số 108336, phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (PC46) và Phòng kinh tế thành phố Phan Rang – Tháp Chàm tiến hành kiểm tra cửa hàng điện máy K thuộc Công ty K. Qua kiểm tra, tổ kiểm tra đã phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 14 cái máy xay ép sinh tố (10 máy hiệu Philip, 04 máy hiệu Panasonic), 09 cái bếp điện từ Fujiyama, 05 cái bàn ủi Philip do nước ngoài sản xuất, không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ ngay tại thời điểm kiểm tra.

Căn cứ điểm a, b khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 64 và điểm d khoản 7 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng; tổ kiểm tra đã lập hồ sơ tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm theo thủ tục hành chính (Biên bản kiểm tra số 59018/BB-KT, Biên bản tạm giữ số 15243/BB-TGTV) và Quyết định tạm giữ số 12813 ngày 22/01/2016 có nội dung tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố của công ty, lý do: Hàng hóa chưa xuất trình đầy đủ các hóa đơn, chứng từ hợp lệ kèm theo.

Sau khi kết thúc kiểm tra và đã thiết lập tất cả các hồ sơ theo quy định, lúc 12 giờ 40 phút cùng ngày 22/01/2016, nhân viên công ty mới xuất trình bổ sung thêm hóa đơn chứng minh nguồn gốc của 14 máy xay ép sinh tố. Việc này tổ kiểm tra đã chấp nhận các hóa đơn liên quan tại Biên bản làm việc số 12916/BB-XMLV ngày 01/02/2016.

Như vậy, Công ty K đã có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu gồm 09 cái bếp điện từ Fujiyama, 05 cái bàn ủi hiệu Philip. Theo Biên bản vi phạm hành chính số 98667/BB-VPHC ngày 23/02/2016 của Đội quản lý thị trường số 1. Căn cứ vào hành vi và mức độ vi phạm, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 32292/QĐ-XPVPHC ngày 23/02/2016 (gọi tắt là Quyết định số 32292) với các hình thức xử phạt:

- Phạt chính bằng tiền: 4.000.000đ;

- Phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là hàng hóa nhập lậu gồm 05 cái bàn ủi hiệu Philip; 09 cái bếp điện từ hiệu Fujiyama.

Do đó, Đội quản lý thị trường số 1 tiếp tục tạm giữ 14 cái máy xay ép sinh tố để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, việc này Sở Công thương  tỉnh  Ninh  Thuận đã trả  lời tại Công văn  số 281/QCT-QLTM ngày 15/3/2016 sau khi có đơn khiếu nại của công ty.

Công ty K không đến nhận lại hàng hóa sau khi các quyết định kéo dài và gia hạn thời gian tạm giữ tang vật hết thời hạn mặc dù Đội quản lý thị trường số 1 đã gửi Giấy mời số 67/GM ngày 21/3/2016 để giải quyết 14 máy xay ép sinh tố.

Ngày 10/6/2016, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 đã ra Quyết định số 8893/QĐ-TLTV trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ tạm giữ theo thủ tục hành chính (gọi tắt là Quyết định số 8893) trả lại 14 máy xay ép sinh tố cho Công ty K và giao trả tại cửa hàng điện máy K của Công ty K nhưng công ty đã không nhận. Việc tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố của Công ty K là đúng pháp luật. Yêu cầu Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Đối với số hóa đơn hàng hóa do nhân viên Công ty K đem đến xuất trình và để lại tại trụ sở của Đội quản lý thị trường số 1 không lấy về chứ người bị kiện không ra văn bản tạm giữ.

Hiện 14 máy xay ép sinh tố và 06 hóa đơn hàng hóa gốc (công ty yêu cầu trả 05) của Công ty K, Đội quản lý thị trường số 1 đã chuyển giao cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận chờ phán quyết của Tòa án (biên bản giao nhận vật chứng, tài sản và biên bản niêm phong tài sản cùng ngày 22/8/2016).

XÉT THẤY

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa. Căn cứ vào lời trình bày, ý kiến tranh luận của đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm xét thấy:

Tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, đương sự không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới, không yêu cầu triệu tập thêm người tham gia tố tụng.

Người khởi kiện vẫn giữ nguyên các yêu cầu khởi kiện.

Người bị kiện yêu cầu Tòa án không chấp nhận các yêu cầu của người khởi kiện.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tuyên xử không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện; căn cứ khoản 2 Điều 7 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, tách yêu cầu bồi thường thiệt hại của người khởi kiện để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Căn cứ Điều 7, khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, khoản 1 Điều 115, điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định Công ty K khởi kiện Quyết định số 12813 ngày 22/01/2016 và khởi kiện hành vi tạm giữ tang vật, giấy tờ theo thủ tục hành chính, của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 – Chi cục quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận (thuộc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận) đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại là các đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, còn trong thời hiệu khởi kiện và Công ty K được quyền khởi kiện. Thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Vụ án thuộc trường hợp: “Khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính và yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thương mại đối với trường hợp tạm giữ tang vật, giấy tờ theo thủ tục hành chính”.

Căn cứ khoản 9 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định người bị kiện là Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1.

Xét các yêu cầu khởi kiện của Công ty Khang Hy Phát:

- Về việc huỷ một phần Quyết định số 12813 ngày 22/01/2016 của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 (phần tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố của Công ty Khang Hy Phát);

Xét thấy:

Về hình thức của quyết định:

Về trình tự, thủ tục ban hành quyết định:

Ngày 22/01/2016, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 ban hành Quyết định số 108336 kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với cửa hàng điện máy K của Công ty K; sau khi kiểm tra đã lập Biên bản kiểm tra số 59018/BB-KT. Cùng ngày, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 ra Quyết định số 12813 tạm giữ tang vật theo thủ tục hành chính, lập biên bản tạm giữ tang vật số 15243/BB- TGTV trong đó có nội dung tạm giữ của Công ty K 14 cái máy xay ép sinh tố (10 máy hiệu Philip, 04 máy hiệu Panasonic); lý do tạm giữ: Hàng hóa chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ kèm theo.

Căn cứ Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, Quyết định số 12813 được ban hành đúng trình tự, thủ tục.

Về thẩm quyền ban hành quyết định:

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 45, khoản 3 Điều 60, Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 ban hành Quyết định số 12813 ngày 22/01/2016 tạm giữ tạm giữ 14 cái máy xay ép sinh tố của Công ty Khang Hy Phát là đúng thẩm quyền.

Về nội dung của quyết định:

Điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 64 ngày 08/5/2015 của Liên Bộ tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ quốc phòng quy định:

Đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu đang bày bán, để tại kho, bến, bãi thuộc quyền sử dụng (kho, bến, bãi có đăng ký hoạt động kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền) hoặc sở hữu của cơ sở đó thì việc xuất trình hóa đơn, chứng từ được thực hiện như sau:

c) Tại thời điểm kiểm tra, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ để có căn cứ xác định tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu thì cơ quan kiểm tra hàng hóa tiến hành tạm giữ hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật để xác minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.

Điểm a khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;

Xét thấy, ngày 22/01/2016, qua kiểm tra tại cửa hàng điện máy K của Công ty K có kinh doanh 14 cái máy xay ép sinh tố (10 máy hiệu Philip, 04 máy hiệu Panasonic) nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ kèm theo tại thời điểm kiểm tra. Đối chiếu với các quy định trên, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 được quyền tạm giữ tang vật theo thủ tục hành chính để xác minh tính hợp pháp của hàng hóa, để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Do đó, Quyết định số 12813 ngày 22/01/2016 của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 là tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố của Công ty K là có căn cứ, đúng pháp luật.

- Về việc khởi kiện hành vi hành chính tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố của Công ty K và yêu cầu buộc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 phải giao trả 14 máy xay ép sinh tố cho công ty;

Khoản 2 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.

Khoản 1 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo biện pháp ghi trong quyết định xử phạt hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức phạt tịch thu đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Thấy rằng, cùng ngày 22/01/2016, Công ty K đã xuất trình bổ sung hóa đơn chứng minh nguồn gốc của 14 máy xay ép sinh tố và tại Biên bản làm việc số 12916/BB-XMLV ngày 01/02/2016, Đội quản lý thị trường số 1 đã chấp nhận việc xuất trình số hóa đơn này. Quyết định số 32292 ngày 23/02/2016 của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 không xử phạt Công ty K đối với số hàng hóa này. Do đó, khẳng định 14 máy xay ép sinh tố của Công ty K là hàng hóa hợp lệ, căn cứ vào quy định trên, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 phải trả lại số máy xay ép sinh tố này cho Công ty K. Khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Như vậy, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 phải tiến hành giao trả 14 máy xay ép sinh tố cho Công ty K theo thời hạn luật định.

Tại bản giải trình đề ngày 01/6/2016, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 trình bày: Đến nay, Công ty K chưa chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 32292 ngày 23/02/2016, do đó, Đôi quản lý thị trường số 1 tiếp tục tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Điểm c khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây: c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.

Khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: 6. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: Giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.

Đối chiếu với quy định trên, thấy rằng, Quyết định số 32292 ngày 23/02/2016 của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 xử phạt Công ty K với 02 hình thức: Phạt tiền và tịch thu tang vật, do đó, không được tạm giữ tang vật, phương tiện bởi “Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền” mới được áp dụng. Mặt khác, quy định trên là tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Trong Biên bản vi phạm hành chính số 98667/BB-VPHC, Biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính số 16220/BB-TTTV, Biên bản xác định giá trị hàng hóa vi phạm hành chính số 53/BBXDGT-DD1, Quyết định xử phạt số 32292, ngày 23/02/2016, chỉ xác định tang vật vi phạm hành chính (hàng hóa nhập lậu) là 05 cái bàn ủi và 09 cái bếp điện từ, không bao gồm 14 máy xay ép sinh tố. Vì vậy, không thể tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt này. Đồng thời, như đã nêu trên, 14 máy xay ép sinh tố của Công ty Khang Hy Phát là hàng hóa hợp lệ có hóa đơn chứng từ, không phải tang vật vi phạm hành chính nên không được tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt.

Như vậy, hành vi của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 tạm giữ 14 máy xay ép sinh tố của Công ty K nhưng không giao trả lại trong thời hạn luật định là chưa đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngày 10/6/2016, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 đã ra Quyết định số 8893 trả lại số hàng hóa là 14 máy xay ép sinh tố đang tạm giữ của Công ty K. Cùng ngày, Đội quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tống đạt Quyết định số 8893 và giao trả lại 14 máy xay ép sinh tố tại trụ sở cửa hàng điện máy K của Công ty K nhưng công ty đã không nhận (biên bản làm việc ngày 10/6/2016; bút lục số 91, 92). Xét thấy, hành vi hành chính của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 đã chấm dứt, đối tượng khởi kiện không còn, do đó, việc Công ty K khởi kiện yêu cầu Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 phải giao trả 14 máy xay ép sinh tố của công ty là không có cơ sở chấp nhận. Mặc dù hành vi hành chính bị khởi kiện đã chấm dứt nhưng người khởi kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện này nên Tòa án vẫn xem xét giải quyết mà không đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện theo điểm e khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Hiện nay, 14 máy xay ép sinh tố được người bị kiện chuyển giao cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận (biên bản giao nhận vật chứng, tài sản và biên bản niêm phong tài sản cùng ngày 22/8/2016) nên tuyên trả cho Công ty K số hàng hóa này.

- Về việc buộc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 trả lại 05 hóa đơn hàng hóa gốc cho Công ty K;

Xét thấy, người khởi kiện không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 giữ số hóa đơn này. Căn cứ Điều 9, khoản 5 Điều 55, khoản 1 Điều 78, Điều 80, 81, 83 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, yêu cầu khởi kiện của Công ty K về việc buộc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 trả lại 05 hóa đơn hàng hóa gốc là không có cơ sở. Hiện số hóa đơn này được người bị kiện chuyển giao cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận (biên bản giao nhận vật chứng, tài sản và biên bản niêm phong tài sản cùng ngày 22/8/2016) nên tuyên trả cho Công ty K số giấy tờ này.

- Về việc yêu cầu Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 phải bồi thường về việc giữ 14 máy xay ép sinh tố của Công ty K. 

Công ty K cung cấp các tài liệu, chứng cứ đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, xét thấy, chưa có điều kiện để chứng minh, căn cứ khoản 2 Điều 7 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Hội đồng xét xử tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Từ các nội dung trên, thấy rằng, yêu cầu khởi kiện của Công ty K là không có cơ sở chấp nhận.

Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận, Công ty K phải chịu án phí hành chính sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

*Áp dụng:

QUYẾT ĐỊNH

Khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 32, Điều 164, điểm a khoản 2 Điều 193, Điều 194, Điều 206, Điều 213 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; tiết 1 Mục I Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

*Tuyên xử:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn K về việc hủy một phần Quyết định số 12813/QĐ-TGTV ngày 22/01/2016 của Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ theo thủ tục hành chính – phần tạm giữ 14 (mười bốn) máy xay ép sinh tố (10 máy hiệu Philip, 04 máy hiệu Panasonic);

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn K về việc buộc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 phải giao trả 14 (mười bốn) máy xay ép sinh tố (10 máy hiệu Philip, 04 máy hiệu Panasonic) cho công ty;

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn K về việc buộc Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 giao trả lại 05 (năm) hóa đơn hàng hóa gốc cho công ty gồm:

+ Hóa đơn số 956 ngày 21/01/2016, đơn vị bán hàng Công ty trách nhiệm hữu hạn Q;

+ Hóa đơn số 10471 ngày 21/01/2016, hóa đơn số 9766 ngày 07/01/2016, hóa đơn số 18613 ngày 27/5/2015, đơn vị bán hàng Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ C;

+ Hóa đơn số 28476 ngày 25/12/2015 đơn vị bán hàng Điện máy H.

- Tách yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty trách nhiệm hữu hạn K để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

-Trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn K: 14 (mười bốn) máy xay ép sinh tố và 05 (năm) hóa đơn hàng hóa gốc mà Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 chuyển giao cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản và biên bản niêm phong tài sản cùng ngày 22/8/2016.

Về án phí:

Công ty trách nhiệm hữu hạn K phải chịu 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) tiền án phí hành chính sơ thẩm nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 9414 ngày 23/5/2016 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận.

Công ty trách nhiệm hữu hạn K đã nộp đủ án phí hành chính sơ thẩm.

Án xử sơ thẩm công khai, đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án; đương sự không có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày bản án được giao hoặc được niêm yết. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày tuyên án.

Ngày tuyên án 30/8/2016./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2007
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính và yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực thương mại đối với trường hợp tạm giữ tang vật, giấy tờ theo thủ tục hành chính số 03/2016/HC-ST

Số hiệu:03/2016/HC-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Thuận
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 30/08/2016
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về