Bản án về khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính, tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật và bồi thường thiệt hại số 253/2022/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 253/2022/HC-PT NGÀY 17/11/2022 VỀ KHIẾU KIỆN YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH, TUYÊN BỐ HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRÁI PHÁP LUẬT VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Ngày 17 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 173/2022/TLPT- HC ngày 06 tháng 10 năm 2022 về việc “Khiếu kiện yêu cầu huỷ quyết định hành chính, tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật và bồi thường thiệt hại”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 14/2022/HC-ST ngày 21 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Giữa các đương sự:

- Người khởi kiện:

1. Ông Trần Bảo U, sinh năm 1962;

2. Bà Trương Thị Tuyết T, sinh năm 1984;

Cùng địa chỉ: Số 03 N, phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng.

- Người bị kiện:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận S, thành phố Đà Nẵng.

Địa chỉ: quận S, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Huỳnh Văn H, chức vụ: Phó Chủ tịch UBND quận S.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng.

Địa chỉ: phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Uỷ ban nhân dân phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Cao Đình H – Chức vụ: Chủ tịch UBND phường N;

Địa chỉ: Số 117 Vân Đồn, phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng.

Người kháng cáo: người khởi kiện ông Trần Bảo U và bà Trương Thị Tuyết T 

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, trong quá trình tố tụng và tại phiên toà người khởi kiện ông Trần Bảo U và bà Trương Thị Tuyết T trình bày:

Vào năm 1988, gia đình tôi có khai thác mặt nước tại vịnh Đà Nẵng cuối dòng sông Hàn đế nuôi nghêu, nhờ việc nuôi trồng thuỷ hải sản này mà đem lại lợi ích kinh tế bền vững, hàng năm tôi cung cấp cho thị trường thành phố hàng trăm tấn nghêu góp phần vào nền kinh tế chung của thành phố.

Năm 2009, cơn bão số 9 có chiếc tàu hàng H trôi vào bãi nghêu của gia đình tôi. Tôi có làm đơn lên phường thì Chủ tịch phường lúc bấy giờ là ông Trần Văn H xác nhận trại nuôi nghêu của hộ gia đình tôi là đúng sự thật để chiếc tàu đó bồi thường thiệt hại 55 triệu do tàu đó làm hư hại vùng nuôi nghêu và Phó Chủ tịch phường là bà Đỗ Thị Minh H xác nhận đơn tại thời điểm đó.

Năm 2010, tôi có lên phường xin đóng thuế mặt nước để ổn định sản xuất nhưng cán bộ thuỷ sản của phường trả lời chưa có quyết định thu thuế mặt nước nên tôi có ủng hộ 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng chẵn).

Ngày 02/01/2013, tôi tiếp tục ủng hộ 5.000.000đ (Năm triệu đồng chẵn) cho quỹ vì người nghèo.

Năm 2014, UBND phường đại diện là ông Bùi S - Chủ tịch Hội đồng nhân dân của phường đưa báo chí đến trại nuôi nghêu của gia đình tôi và đăng lên Diễn đàn kinh tế của cả nước (Bỏ nghề đi biển nuôi nghêu được tiền tỷ) nhằm khuyến khích người dân đầu tư mở rộng sản xuất hơn nữa để nâng cao đời sống nhân dân tại thời điểm này có 24 hộ nuôi nghêu.

Năm 2016, báo Làng nghề cũng đến trại nghêu tìm hiểu và đăng bài nhằm khuyến khích người dân nuôi trồng thuỷ hải sản để phát triển kinh tế.

Ngày 12/12/2019, ông Hồ Tấn P, Phó Chủ tịch phường N gửi thông báo gia đình tôi nuôi trái phép tại vịnh M yêu cầu tháo gỡ; ngày 20/12/2019 cũng ông P dẫn lực lượng ra cưỡng chế trại nuôi nghêu của gia đình tôi cho dù tôi có trình bày hay cung cấp giấy tờ gì thì ông P cũng không quan tâm, vẫn tiến hành cưỡng chế và nói là chỉ đạo của Chủ tịch phường N nhưng không có quyết định cưỡng chế. Gia đình tôi vào lúc đó cũng có gửi đơn thư khiếu nại lên quận S nhưng không thấy trả lời. Gia đình tôi có cung cấp tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện là (đoạn ghi âm và đoạn video tại thời điểm bị cưỡng chế). Nhưng tại thời điểm tôi bị cưỡng chế năm 2019 thì các trại nuôi nghêu gần chỗ tôi và các lồng bè nuôi cá không bị cưỡng chế làm thiệt hại nặng nề đến kinh tế và ảnh hưởng đến tinh thần nghiêm trọng.

Ngày 27/05/2021, gia đình tôi lại nhận thông báo của phường N với nội dung nuôi trồng thuỷ hải sản trái phép tại vịnh M do ông P ký, gia đình tôi có làm đơn kiến nghị gửi lên quận S yêu cầu trả lời mốc địa giới hành chính của quận S là trại nghêu của gia đình tôi có nằm trong vịnh M không.

Ngày 11/06/2021, gia đình tôi nhận được trả lời kiến nghị của quận S là: “trại nuôi nghêu của tôi là nuôi trồng trái phép tại Vịnh M” do ông Nguyễn Thành N - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận S ký.

Ngày 30/06/2021, tôi lại tiếp tục nhận Quyết định 2574 xử phạt hành chính số tiền 25.000.000 đồng với nội dung là nuôi trồng thuỷ hải sản trái phép tại Vịnh M.

Ngày 15/10/2021, tôi tiếp tục nhận được Quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả số 4051 cũng với nội dung nuôi trồng thuỷ hải sản trái phép tại vịnh M.

Ngày 22/10/2021, ông Mai Văn Đ cán bộ thuỷ hải sản của phường dẫn người ra cưỡng chế trại nuôi nghêu của tôi mà không thông báo cho tôi. Lúc này tôi nhận được người làm báo nên tôi chạy ra xem thử và có đưa giấy xác nhận của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng và yêu cầu dừng việc cưỡng chế thì ông Đ mới dừng lại, đó là cưỡng chế lần 2 bị nhổ gần 100 gốc tre.

Ngày 17/11/2021, Chủ tịch phường N chỉ đạo lực lượng ra cưỡng chế trại nghêu của tôi, tôi có yêu cầu cung cấp bản đồ hành chính của phường N và mốc địa giới hành chính của Vịnh M vì tôi bị buộc tội là nuôi trồng thuỷ hải sản trái phép tại Vịnh M nhưng ông Chủ tịch phường không cần chứng minh mà lấy tay chỉ mốc địa giới hành chính của phường N.

Từ cuối năm 2019 đến nay gia đình tôi bị cưỡng chế 3 lần và bị một Quyết định xử phạt hành chính 25 triệu làm thiệt hại nặng nề đến kinh tế với số tiền là 5.300.000.000đ (năm tỷ ba trăm triệu đồng) do việc cưỡng chế gây ra và ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của cả gia đình. Kèm theo dịch bệnh kéo dài làm kiệt quệ đến kinh tế gia đình. Hiện nay mất đất sản xuất, mất tiền của không ốn định được đời sống, cả gia đình từ trước đến nay đều dựa vào bãi nghêu bây giờ phải điêu đứng. Năm đứa con đang tuổi ăn tuổi học phải nghỉ học hết, mẹ già bị ung thư trực tràng không có tiền thuốc men, ba vợ là bộ đội Campuchia xuất ngũ và mẹ vợ là con của mẹ Việt Nam anh hùng (bà Đặng Thị B) vì tuổi tác đã cao nên có ít vốn cũng đầu tư vào bãi nghêu nay bị cưỡng chế thu hồi nên cũng bị ảnh hưởng đến sức khoẻ, ba vợ của tôi cũng bị tai biến sau khi bị cưỡng chế.

Nay vợ chồng tôi yêu cầu Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét và sớm giải quyết vụ việc để đem lại quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình tôi vì bản đồ thành phố Đà Nẵng không có vịnh M mà tất cả các quyết định của tôi đều là nuôi trồng thuỷ hải sản trái phép tại Vịnh M là không đúng.

Chúng tôi giữ nguyên yêu cầu khởi kiện:

Yêu cầu Tòa án hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2574/QĐ- XPVPHC ngày 30/6/2021 và Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 4051/QĐ-CCXP của Chủ tịch UBND quận S, thành phố Đà Nẵng.

Tuyên bố hành vi cưỡng chế tháo dỡ trại nuôi nghêu của Chủ tịch UBND phường N đối với ông Trần Bảo U, bà Trương Thị Tuyết T là trái pháp luật và yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 5.300.000.000 đồng (Năm tỷ ba trăm triệu đồng chẵn).

* Tại phiên toà người đại điện theo ủy quyền của người bị kiện Chủ tịch UBND quận S, thành phố Đà Nẵng là ông Huỳnh Văn H trình bày:

Từ năm 2001 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc chấm dứt hoạt động nuôi trồng thuỷ sản tự phát tại vịnh M như: Công văn số 1370/UB-VP ngày 21 tháng 5 năm 2001 của UBND thành phố về việc kiểm tra ngăn chặn việc lấn chiếm mặt nước để nuôi tôm, nghêu; Công văn số 8333/UBND-STNMT ngày 09 tháng 12 năm 2019 của UBND thành phố về việc liên quan đến dự án khu đô thị mới Thuận P; Nghị quyết số 348/NQ- HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2010 của HĐND thành phố về nhiệm vụ năm 2021; Thông báo số 76/TB-VP ngày 05 tháng 03 năm 2021 về kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ M tại cuộc họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo một số nội dung thuộc nhiệm vụ theo dõi, tham mưu của Sở; Thông báo số 143-TB/TU ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Thành uỷ Đà Nẵng về kết luận của Thường trực Thành uỷ tại buổi làm việc với ban Thường vụ Đảng uỷ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công văn 4345/UBND-KT ngày 14 tháng 7 năm 2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc chấm dứt nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thành phố.

Từ năm 2001, UBND quận S đã có Thông báo số 40/TB-UB ngày 30 tháng 5 năm 2001 và nhiều văn bản liên quan về việc thông báo kiểm tra ngăn chặn việc lấn chiếm mặt nước để nuôi tôm, nghêu, trong đó giao UBND các phường: N, T thống kê các hộ nuôi trồng thuỷ sản, kiểm tra ngăn chặn và có biện pháp chấm dứt tình trạng các hộ nuôi trồng thuỷ sản, kiểm tra ngăn chặn và có biện pháp chấm dứt tình trạng các hộ tự lấn chiếm diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản. UBND các phường: N, T đã nhiều lần gửi văn bản đến các hộ nuôi trồng thuỷ sản, thông báo về chủ trương của thành phố, quận và yêu cầu các hộ chấm dứt hoạt động nuôi trồng thuỷ sản tự phát.

Đối với trường hợp ông Trần Bảo U, UBND quận S đã có văn bản yêu cầu hộ ông Trần Bảo U nghiêm túc chấp hành chủ trương, quy định của Nhà nước về nuôi trồng thuỷ sản tại vịnh M, sớm có kế hoạch xử lí trại nghêu của mình để hạn chế thiệt hại về kinh tế đến mức thấp nhất; không đồng ý gia hạn thời gian cưỡng chế theo yêu cầu của ông Trần Bảo U. UBND quận S yêu cầu ông Trần Bảo U nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của thành phố về chấm dứt nuôi trồng thuỷ sản trái phép trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên ông U không chấp hành. Vì vậy, Chủ tịch UBND quận S đã ban hành các Quyết định hành chính để xử lý hành vi nuôi trồng thủy hải sản trái phép đối với hộ ông U, đó là: Quyết định số 2574/QĐ-XPVPHC ngày 30 tháng 6 năm 2021 về việc xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định số 4051/QĐ-CCXP ngày 15 tháng 10 năm 2021 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Việc UBND quận S xử lý các hộ nuôi trồng thuỷ hải sản trên địa bàn quận nói chung và xử lý trại nuôi nghêu của ông Trần Bảo U là đúng pháp luật và chủ trương của thành phố Đà Nẵng.

* Người bị kiện Chủ tịch UBND phường N và người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND phường N là ông Cao Đình Hải trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa trình bày:

Việc một số hộ dân tự ý nuôi trồng thuỷ sản tại vùng nước tại Vịnh M phường N không được sự cho phép cùa cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật, hành vi này được quy định tại Khoản 3 Điều 17, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/05/2019 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.

Từ năm 2001, đến nay UBND thành phố, sở, ban ngành, UBND quận S đã ban hành nhiều văn bản nhằm tiến hành các biện pháp chấm dứt việc nuôi trồng thuỷ sản tự phát trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

Công văn số 1307/UB-VP ngày 21 tháng 6 năm 2001 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc kiểm tra, ngăn chặn việc lấn chiếm mặt nước để nuôi tôm, nghêu;

Thông báo số 40/TB-UB ngày 30/05/2001 của UBND quận S về việc thông báo kiểm tra, ngăn chặn việc lấn chiếm mặt nước để nuôi tôm, nghêu, ngao cho phường N có biện pháp chấm dứt tình trạng các hộ tự lấn chiếm mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn phường;

Công văn số 8333/UBND-STNMT ngày 09 tháng 12 năm 2019 của UBND thành phố về việc liên quan đến dự án khu đô thị mới Thuận P;

Nghị quyết số 348/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của UBND thành phố về nhiệm vụ năm 2021;

Thông báo số 76/TB-VP ngày 05 tháng 3 năm 2021 về kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tại cuộc họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo một số nội dung thuộc nhiệm vụ theo dõi, tham mưu của Sở;

Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2021 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện chấm dứt nuôi trồng thuỷ, hải sản lồng bè tự phát trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Công văn số 309/UBND-KT ngày 17/01/2022 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc xử lý nuôi trồng thuỷ, hải sản trên địa bàn thành phố;

Công văn số 1507-CV/TU ngày 12 tháng 01 năm 2022 của Ban thường vụ Thành uỷ về việc xử lý nuôi trồng thuỷ, hải sản tự phát trên địa bàn thành phố;

Ngày 11/12/2015, thực hiện chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về việc nghiêm cấm việc nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng nước trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Đỗ T - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng và các phòng ban chuyên môn của UBND quận S, lãnh đạo Đảng uỷ, UBND phường đã có buổi đối thoại với các hộ đang nuôi trồng thuỷ sản tại vùng nước vịnh M trên địa bàn phường N. Tại buổi đối thoại lãnh đạo địa phương đã thông báo các nội dung tại Công văn số 1370/UB- VP ngày 21/5/2001 của UBND thành phố về việc kiểm tra, ngăn chặn việc lấn chiếm mặt nước để nuôi tôm, nghêu; Thông báo số 40/TB-UB ngày 30/05/2001 của UBND quận S về việc thông báo, kiểm tra ngăn chặn việc lấn chiếm mặt nước để nuôi tôm, nghêu giao cho phường N có biện pháp chấm dứt tình trạng các hộ tự lấn chiếm mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn phường. Đồng thời tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các hộ nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời tuyên truyền vận động các hộ tự chuyển đổi ngành nghề để ổn định đời sống chấp hành chủ trương, thành phố đã triển khai việc thu hồi lại mặt nước, nghiêm cấm việc nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã triển khai từ năm 2001.

Từ năm 2001 đến nay, Đảng uỷ, UBND, UBMTTQVN phường đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt thông báo chủ trương của UBND thành phố, quận về việc nghiêm cấm việc nuôi trồng thuỷ sản trên biển, đề nghị bà con ngư dân chấp hành chủ trương của UBND thành phố. Qua đó, đối thoại, tuyên truyền, vận động, đề ra hướng hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và yêu cầu các hộ nuôi trồng trái phép tự tháo dỡ, di dời, trả lại hiện trạng ban đầu để thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, UBND quận S. Qua các lần đối thoại, ngư dân đều xin gia hạn thời gian thu hoạch hải sản và ký cam kết tự tháo dỡ khi thành phố sử dụng mặt bằng.

UBND phường cũng đã ban hành nhiều văn bản, thông báo gửi đến các cơ quan, đơn vị, hộ nuôi trồng hải sản trái phép, yêu cầu thực hiện tự tháo dỡ, cụ thể: Thông báo số 1038/TB-UBND ngày 25/11/2021 về việc không thả giống mới, sửa chữa và làm mới lồng bè đối với các hộ nuôi trồng hải sản tại vịnh M và khu đất cồn thông phường N; Thông báo số 250/TB- UBND ngày 16/3/2021 về việc tháo dở lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại vịnh M; Công văn số 308/UBND-ĐCXD ngày 27/3/2021 về việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân tự tháo dỡ chòi, lồng bè nuôi thuỷ sản trái phép tại vịnh M, phường N; Thông báo số 694/TB-UBND ngày 25/7/2021 về việc tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại vịnh M; Công văn 1286/UBND-VP ngày 01/10/2021 về việc hỗ trợ tiêu thụ hải sản lồng bè; Thông báo số 1349/TB-UBND ngày 21/10/2021 về lịch phân công lực lượng tiếp tục ra quân tháo dỡ chòi, lồng bè nuôi thuỷ sản trái phép tại vịnh M, phường N; Thông báo số 1390/TB- UBND ngày 29/10/2021 về niêm yết công khai các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại vịnh M; Thông báo số 1419/TB- UBND ngày 03/11/2021 về lịch phân công các tổ vận động các hộ dân thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong việc nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại vịnh M phường N; Thông báo số 1429/TB-UBND ngày 10/11/2021 về lịch phân công tổ chức lực lượng cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại vịnh M.

Quá trình chỉ đạo thực hiện việc cưỡng chế:

Thực hiện kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 02/3/2021 của UBND quận S về việc tổ chức lực lượng ra quân tháo dỡ chòi, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại vịnh M, quận S, UBND phường đã ban hành kế hoạch số 590/KH- UBND ngày 10/5/2021 của UBND phường về việc tổ chức lượng tháo dỡ chòi, lồng bè nuôi thuỷ sản trái phép tại vịnh M, phường N; Kế hoạch số 66/KH- UBND ngày 06/11/2019 về việc tổ chức triển khai tổ chức lực lượng phối hợp tiến hành tháo dỡ các trường hợp xây dựng chòi, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại vịnh M, phường N. Kế hoạch số 1405/KH-UBND ngày 01/11/2021 về việc phối hợp tổ chức lực lượng thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại vịnh M , phường N, qua đó đã tiến hành các công tác như sau:

Ngày 20/3/2021, UBND phường đã mời các hộ nuôi trồng thuỷ sản trái phép trên địa bàn phường để triển khai Kế hoạch số 51/KH-UBND của UBND quận S. Tổ chức các đoàn gồm cán bộ mặt trận, đoàn thể, bí thư chi bộ khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố đến nhà từng hộ dân để thông báo chủ trương và vận động người dân tự tháo dỡ.

Ngày 25/7/2021, UBND phường đã ban hành Thông báo số 694/TB- UBND về việc tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trái phép tại vịnh M, phường N đến tất cả các hộ nuôi trồng hải sản lồng bè trái phép.

Ngày 21/6/2021, UBND phường đã tổ chức lực lượng kiểm tra, vận động hộ ông Trần Bảo U tự tháo dỡ, ông Trần Bảo U không chấp hành việc tự tháo dỡ nên UBND phường tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, địa điểm lập biên bản tại chòi nuôi nghêu của ông Trần Bảo U, trình UBND quận S xử phạt theo thẩm quyền.

Ngày 30/6/2021, Ủy ban nhân dân quận S ban hành Quyết định số 2574/QĐ-XPVPHC đối với ông Trần Bảo U về hành vi nuôi trồng thuỷ sản trên biển tại vịnh M, phường N, quận S, thành Phố Đà Nẵng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Vào lúc 08 giờ 00 ngày 07/7/2021, tại phòng tiếp dân của UBND phường, đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường Hồ Tấn P đã tiếp, giải thích việc tự ý nuôi nghêu của ông Trần Bảo U là vi phạm pháp luật. Đến 09 giờ 15 phút cùng ngày, cán bộ đội kiểm tra quy tắc đô thị đã tiến hành giao Quyết định số 2574/QĐ-XPVPHC của UBND quận S cho ông Trần Bảo U, tuy nhiên ông U không nhận quyết định xử phạt.

Ngày 15/10/2021, Chủ tịch UBND quận S ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả Quyết định số 4051/QĐ- CCXP đối với ông Trần Bảo U.

Ngày 18/10/2021, cán bộ đội kiểm tra quy tắc đô thị quận S đã giao quyết định cưỡng chế cho ông Trần Bảo U, ông U đã ký nhận quyết định.

Vào ngày 11/11/2021, Chủ tịch UBND phường tổ chức buổi tiếp dân đối với vợ chồng ông Trần Bảo U để vận động, giải thích lần cuối. Buổi tiếp dân có sự tham dự của Bí thư Đảng uỷ phường, Chủ tịch UBMTTQVN phường và các hội, đoàn thể phường tham dự. Tại buổi tiếp dân, lãnh đạo địa phương đã thông báo quyết định cưỡng chế và giải đáp toàn bộ thắc mắc của vợ chồng ông U. Qua đó vận động vợ chồng ông U tự tháo dỡ công trình vi phạm, tuy nhiên, hộ ông U vẫn không hợp tác, tiếp tục đòi hỏi nhiều yêu sách không đúng với các quy định của pháp luật và không kí vào biên bản làm việc.

Xét thấy, gia đình ông U tự ý nuôi trồng thuỷ hải sản trái phép, dù đã được lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, UBMTTQVN, các ban, ngành đoàn thể tại địa phương gặp gỡ, tuyên truyền, giải thích nhiều lần nhưng cố tình không chấp hành. Ngày 17/11/2021, tại khu nuôi nghêu trái phép của gia đình ông U, Hội đồng cưỡng chế, bao gồm lãnh đạo Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, Trạm biên phòng sông Hàn, UBND phường N đã tiến hành vận động, giải quyết lần cuối nhưng gia đình ông U vẫn chây ỳ, yêu cầu địa phương cứ cưỡng chế. Đồng thời lợi dụng bản sao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng của bà bên vợ và sử dụng điện thoại để truyền hình trực tiếp lên mạng xã hội nhằm gây áp lực đối với lực lượng địa phương. Sau thời gian vận động không thành, Chủ tịch UBND phường đã đọc quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Trần Bảo U. Sau khi công bố quyết định, công chức tư pháp phường phối hợp cùng chuyên viên đội kiểm tra quy tắc đô thị quận tiến hành quay clip, kiểm tra và lập biên bản kê biên tài sản. Tổ phục vụ tháo dở tiến hành cưỡng chế toàn bộ công trình nhà chồ và cọc tre rào dưới nước dựng trái phép của ông Trần Bảo U, toàn bộ tài sản được vận chuyển về kho lưu giữ và xử lý các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định.

Việc tự ý nuôi trồng thuỷ sản của ông Trần Bảo U khi không được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền là vi phạm pháp luật, với chức trách của chính quyền địa phương UBND phường đã tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước cấp trên đúng quy trình, tiếp thu ý kiến phản ánh, giải thích tuyên truyền, vận động hộ ông Trần Bảo U chấp hành quyết định của UBND quận đã thấu tình, đạt lý.

Ý kiến của UBND phường N về nội dung khởi kiện của ông Trần Bảo U và bà Trương Thị Tuyết T:

Nội dung khởi kiện của ông Trần Bảo U và bà Trương Thị Tuyết T: Tuyên bố hành vi cưỡng chế, tháo dỡ trại nuôi nghêu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường N đối với ông Trần Bảo U và bà Trương Thị Tuyết T là trái pháp luật và yêu cầu bồi thường thiệt hại là không có cơ sở pháp luật, vị trí hồ nuôi nghêu và chòi canh của ông U bà T nằm trong vùng nước, đất do nhà nước quản lý, khu vực quy hoạch xây dựng dự án theo chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng.

Việc cưỡng chế thi hành đối với các trường hợp vi phạm hành chính mà cố tình không chấp hành quy định của pháp luật, trên địa bàn quản lý của các cấp chính quyền là nhiệm vụ được pháp luật quy định. Đối với trường hợp gia đình ông Trần Bảo U, UBND phường đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật trong công tác quản lý hành chính về trật tự đô thị trên địa bàn phường, đã tổ chức tuyên truyền, thông báo đầy đủ các chủ trương, chính sách nhà nước cấp trên đến từng hộ liên quan và phân tích, giải thích trên cơ sở quy định của pháp luật, vận động các hộ tự giác chấp hành để tránh những thiệt hại về tài sản của bản thân và gia đình, tuy nhiên cũng cương quyết, dứt khoát đối với những người cố tình vi phạm để giữ nghiêm kỷ cương, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Chủ tịch UBND phường thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo đúng các quy định của pháp luật về công tác cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn phường theo quyết định và kế hoạch của UBND quận.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 14/2022/HC-ST ngày 21/7/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định:

- Căn cứ các Điều 30, Điều 32, điểm b khoản 2 Điều 193, Điều 196, Điều 206, Điều 213, Điều 305 và Điều 307 của Luật tố tụng hành chính.

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện buộc Chủ tịch UBND phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng bồi thường thiệt hại số tiền 5.300.000.000 đồng (Năm tỷ ba trăm triệu đồng chẵn) do hành vi cưỡng chế trái pháp luật.

2. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trần Bảo U và bà Trương Thị Tuyết T đối với Chủ tịch UBND quận S và Chủ tịch UBND phường N, quận S về việc: Yêu cầu Tòa án hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2574/QĐ-XPVPHC ngày 30/6/2021; Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 4051/QĐ-CCXP ngày 15 tháng 10 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận S, thành phố Đà Nẵng và tuyên bố hành vi cưỡng chế tháo dỡ trại nuôi nghêu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường N, quận S đối với ông Trần Bảo U, bà Trương Thị Tuyết T là trái pháp luật.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí hành chính sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Kháng cáo:

Ngày 29/7/2022, người khởi kiện ông Trần Bảo U và bà Trương Thị Tuyết T kháng cáo bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông Trần Bảo U và bà Trương Thị Tuyết T giữ nguyên nội dung kháng cáo, cho rằng việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế của Ủy ban nhân dân quận S là trái pháp luật vì không có vịnh M tại Đà Nẵng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu:

Ông U và bà T nuôi trồng thủy hải sản tại Vịnh M không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận S, thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2574/QĐ-XPVPHC ngày 30/6/2021 xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định số 4051/QĐ-CCXP ngày 15/10/2021 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đúng pháp luật. Vì vậy, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông U và bà T, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Từ năm 2001 cho đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao Uỷ ban nhân dân quận S xử lý việc chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy hải sản tự phát tại vịnh M. Khu vực nuôi nghêu của ông U và bà T tại phường N là khu vực nằm trên vịnh M. Khu vực này Ủy ban nhân dân thành phố không quy hoạch thành khu vực nuôi trồng thủy hải sản.

[2] Tại Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 20/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang C là Trạm trưởng Trạm biên phòng S, Đồn biên phòng S, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng xác định: khu vực nuôi nghêu của ông U, bà T chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản và khu vực này là vịnh M và Sông Hàn. Do đó, việc ông U, bà T cho rằng không có vịnh M tại địa bàn thành phố Đà Nẵng là không có căn cứ.

[3] Hộ ông Trần Bảo U đã tiến hành nuôi nghêu trên biển tại vịnh M từ năm 1998 đến nay không có văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao quyền quản lý, sử dụng đất mặt nước để nuôi trồng thủy hải sản. Như vậy, ông U và bà T có hành vi nuôi trồng thủy sản trên biển tại vịnh M, phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

[4] Việc ông U, bà T cho rằng năm 2009 Ủy ban nhân dân phường N xác nhận trại nuôi nghêu là của hộ gia đình ông bà để tàu H bồi thường thiệt hại số tiền 55.000.000 đồng do làm hư hại một vùng nuôi nghêu là sự xác nhận việc cho nuôi trồng thủy hải sản là không có cơ sở, bởi Ủy ban nhân dân phường N không có thẩm quyền cho phép nuôi trồng thủy hải sản mà chỉ là giấy xác nhận để tàu H bồi thường thiệt hại đã gây ra cho ông U, bà T.

[5] Hành vi nuôi nghêu tại vịnh M của ông U và bà T không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là vi phạm quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản nên bị xử phạt theo khoản 3 Điều 17 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

[6] Việc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận S ban hành Quyết định số 2574 xử phạt vi phạm hành chính đối với ông U, bà T là đúng qui định tại Điều 6 và Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020) và quy định tại khoản 2 Điều 46 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

[7] Do ông U và bà T không tự thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận S, thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 4051/QĐ-CCXP ngày 15/10/2021 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đúng pháp luật.

[8] Về hành vi cưỡng chế của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng về việc tháo dở trại nuôi nghêu của ông U, bà T:

Ngày 11/11/2021, Chủ tịch UBND phường tổ chức buổi tiếp dân đối với vợ chồng ông Trần Bảo U để vận động, giải thích; tuy nhiên, hộ ông U vẫn không hợp tác. Ngày 17/11/2021, tại khu nuôi nghêu trái phép của gia đình ông U, Hội đồng cưỡng chế đã tiến hành vận động, giải thích lần cuối nhưng gia đình ông U vẫn không chấp hành nên đoàn cưỡng chế đã tháo dỡ toàn bộ công trình nhà chồ và cọc tre rào dưới nước dựng trái phép của ông U và bà T. Đối với số lượng nghêu mà ông U, bà T đang nuôi, UBND phường không cưỡng chế thu hồi và hiện tại ông bà vẫn đang tiếp tục nuôi trồng để chờ thu hoạch. Việc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường N ban hành kế hoạch cưỡng chế và quyết định cưỡng chế là đúng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 86, điểm a khoản 1 Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

[9] Do đó, việc ông U, bà T cho rằng hành vi tổ chức cưỡng chế của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường N tháo dỡ trại nuôi nghêu là trái pháp luật là không có căn cứ chấp nhận.

[10] Tòa án cấp sơ thẩm bác nội dung khởi kiện của ông U, bà T yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2574/QĐ-XPVPHC ngày 30/6/2021 và Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 4051/QĐ- CXP ngày 15/10/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận S, thành phố Đà Nẵng và bác yêu cầu tuyên bố hành vi cưỡng chế tháo dỡ trại nuôi nghêu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường N là trái pháp luật là có căn cứ.

[11] Vì vậy, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông U, bà T, Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[12] Án phí hành chính phúc thẩm người kháng cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính;

1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Bảo U, bà Trương Thị Tuyết T.

2. Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 14/2022/HC-ST ngày 21 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

3. Án phí hành chính phúc thẩm:

Ông Trần Bảo U, bà Trương Thị Tuyết T phải chịu 300.000đ tiền án phí hành chính phúc thẩm, đã nộp tại biên lai số 0005035 ngày 03/8/2022 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

287
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính, tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật và bồi thường thiệt hại số 253/2022/HC-PT

Số hiệu:253/2022/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành:17/11/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về